Người xứ Nghệ

Lâm Quang Mỹ: "Người hát rong" của thi ca

Tôi đã gặp ông một lần rất vội trong chuyến trở về Việt Nam dự Hội nghị quảng bá văn học nước ngoài. Ấn tượng về một con người có vóc dáng nhỏ, nhưng đôi mắt đặc biệt sáng, với một túi đầy ắp bản thảo thơ rong ruổi trên những dặm đường thiên lý đã khiến tôi tò mò về con người đặc biệt này.
Nhưng phải đến sau Đại hội Nhà văn ViệtNam tôi mới được tiếp chuyện với ông trong một buổi chiều vội vã trên góc quán nhỏ ở phố Phan Đình Phùng.

Thời gian ở Việt Nam của ông không còn nhiều, những cuộc hẹn với bạn thơ và những ai đang quan tâm đến sự chuyển biến của thơ ca trong xu thế hội nhập đều tìm đến ông, bởi ở ông đang có cả một kho tư liệu thơ, và một kho tư liệu về đời sống văn học Việt Nam ở nước ngoài.Tuổi thơ ông lớn lên bên bờ sông Lam thơ mộng, qua một chuyến đò ngang là về đến quê ngoại Tiên Điền, mảnh đất đã sinh ra đại thi hào Nguyễn Du. Có lẽ sự hội tụ của linh khí trời đất, quê hương đã tạo nên nguồn cảm hứng thơ chảy dạt dào trong ông từ ngày Lâm Quang Mỹ còn bé.
Những câu thơ đầu tiên đã thành hình hài từ chính ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ ấy. Và nguyện vọng đầu tiên của Lâm Quang Mỹ khi được đi học cũng là học văn học. Nhưng hồi đó, được đi học đã là hạnh phúc, ông chịu sự phân công của nhà nước theo ngành vật lý. Rồi sau này thành danh, đưa cả gia đình sang Ba Lan sống cũng từ cái ngành vật lý của ông.
Nhưng có gặp Lâm Quang Mỹ, nói chuyện với ông, chỉ thấy những say mê ông dành cho thơ. Ở đó, sẽ thấy có một người khác, lột xác khỏi cái vỏ bọc của một nhà nghiên cứu khoa học khô khan, để trở thành một con người thơ thực thụ, với những câu thơ thấm đẫm hồn người. Với thơ, ông được trở về với bản ngã của chính mình. Và với Lâm Quang Mỹ, đó là sự dấn thân cả cuộc đời.
Con đường thơ của Lâm Quang Mỹ đã đi qua không ít những gai góc, nhọc nhằn. Ông chưa từng được đào tạo một cách chính quy qua trường lớp. Nên hành trang ông đến với thơ chỉ có niềm đam mê, một niềm đam mê âm thầm nhưng dai dẳng và bền bỉ. Ông dành thời gian hàng tuần vào thư viện đọc sách, sách văn học, sách triết học Đông Tây kim cổ.
Sau này khi trở thành nhà nghiên cứu vật lý, công tác tại Viện Nghiên cứu vật lý của Việt Nam, ông vẫn dành một khoảng thời gian riêng cho việc học và đọc các loại sách công cụ. Vốn liếng Lâm Quang Mỹ có được hôm nay là nhờ cái sự tự học miệt mài đó. Đọc nhiều, thuộc nhiều đến mức, một bầu thơ như Nguyễn Duy đã phải thán phục gọi ông là "bao tải thơ".
Kho tàng thơ của Lâm Quang Mỹ từ cổ chí kim, thậm chí cả những bài chưa ai biết. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bật mí về một bài thơ chưa từng được công bố của nhà thơ "Đêm nay Bác không ngủ", Minh Huệ, được viết từ năm 1948, "Chia tay đầu trăng mật", do anh trai chép lại trong cuốn sổ đã hoen màu thời gian.
Chắc hẳn trong thời gian tới, bài thơ này sẽ là một công bố gây sốc với những bạn yêu nhà thơ của "Đêm nay Bác không ngủ". Tâm niệm câu nói của nhà thơ Đỗ Phủ: "Sách đọc muôn vàn quyển. Hạ bút như có thần". Tôi hình dung, Lâm Quang Mỹ như một con tằm đang miệt mài trong tổ kén của mình, để đến một lúc nào đó, nhả những đường tơ đẹp dâng đời.
Tôi cũng sinh ra từ miền Trung, nên tôi hiểu được nỗi lòng đau đáu về một miền quê trở thành nỗi ám ảnh trong thơ ông. Cái chất quê kiểng, mộc mạc ấy, thì dù Lâm Quang Mỹ có sống ở Ba Lan 20 năm hay cả đời đi chăng nữa, cũng không bao giờ bị pha tạp.
Một hồn thơ hồn hậu, đậm chất Á Đông, được chắt ra từ gạo nếp, từ cây đa, bến nước, con đò; những hình ảnh rất đỗi thân quen, trở thành ám ảnh của những người con xa xứ. Nên sau này, có những câu thơ ông không hề viết về cố hương nhưng vẫn lẩn quất đâu đó nỗi buồn cô đơn của một kẻ xa quê.
Người đọc không thể thôi day dứt với những câu thơ gan ruột của ông "Hạn hán đốt cháy khô mắt mẹ/ Lũ lụt tuôn trào nước mắt con", hay nỗi ám ảnh bởi những ký ức tuổi thơ chân thực đến nao lòng "Qua chuyến đò ngang là quê ngoại/ Đường sống trâu bùn lấm bấm chân về/ Gió bấc ngọn tre cào mái rạ/ Sóng nghèo ì oạp vỗ chân đê". Nên Nguyễn Trọng Tạo đã rất có lý khi viết về ông, "thơ Lâm Quang Mỹ cũng giống như rượu gạo chốn quê nhà, dù anh sống ở xứ rượu Tây ngót nửa cuộc đời".
Nhưng đọc thơ Lâm Quang Mỹ, còn thấy đau đáu một nỗi niềm mang nặng suy tư, trước cái đẹp, trước hiện thực tàn khốc, nỗi đau hay niềm vui. Thấy ám ảnh trong thơ ông một nỗi buồn thế sự, nỗi buồn được khoác một chiếc áo rất giản dị của ngôn từ.
Mỗi bài thơ của Lâm Quang Mỹ là một cuộc độc thoại với chính ông về cuộc đời và cái đẹp, và những câu thơ chân thực trong sáng của ông đã vang lên: "Chốn hoang sơ của lòng mình chưa đi hết/ Đã tưởng trở về từ cõi xa xăm/ Và chỉ nhớ một chiều thu tiễn biệt/ Để lá vàng rơi ba mươi năm", những câu thơ đẹp lưu giữ được vĩnh viễn những khoảnh khắc buồn lộng lẫy của đời sống. Đó là sứ mệnh cao đẹp của thi ca mà Lâm Quang Mỹ đã chạm tới.
Bước chân đến Ba Lan cách đây 20 năm, trong dự án hợp tác dài hạn giữa Việt Nam và Ba Lan về nghiên cứu vật lý nhưng đối với con người mà sự mê đắm dành cho thi ca này, thì đó là một cơ hội để niềm đam mê của ông được tỏa sáng. Ba Lan là đất nước của thi ca, của những nhà thơ được vinh danh bằng những giải thưởng danh giá.
Ông tham gia vào Câu lạc bộ Thơ của những người Việt ở Ba Lan, tự dịch thơ mình đăng tải trên các báo, rồi rong ruổi khắp đất nước Ba Lan đọc thơ. Và cứ thế, ông hòa nhập vào đời sống thi ca của nước Ba Lan, như một lẽ tự nhiên. Điều gì đã mang hồn thơ Lâm Quang Mỹ vượt qua được những rào cản về ngôn ngữ và địa lý để gia nhập vào đời sống thi ca của một đất nước có nền thơ ca phát triển như vậy nếu không phải là tình yêu thơ.
Tình yêu đó được hun đúc từ một vùng quê nghèo đầy ám ảnh trong thơ ông, nên dù đi đâu, nó vẫn mang đậm hồn cốt Việt. Và thơ ca chân chính thì không còn cái biên giới giữa các nhà thơ mang quốc tịch khác nhau. Lâm Quang Mỹ đã hòa cùng các nhà thơ một tiếng nói về con người, về những buồn đau và vẻ đẹp của cuộc sống. Hơn 600 buổi là con số khiến các nhà thơ Việt Nam giật mình, khi Lâm Quang Mỹ đã đọc thơ cho những người yêu thơ.
Tôi hình dung, con người có vóc dáng nhỏ bé ấy, mang trong mình một túi đầy ắp thơ rong ruổi trên con đường nghệ thuật, một hành trình không bao giờ mệt mỏi. Bởi ở đó, ông tìm được sự đồng cảm sẻ chia, và với những người làm thơ, thì có hạnh phúc nào bằng tìm được tri âm. Năm 2005, ông được công nhận là Công dân danh dự của vùng Krasne. Năm 2006, ông được trao giải thưởng thơ ca và những hoạt động văn học của những ngày thơ Quốc tế do UNESCO Ba Lan tổ chức.
Nhưng viết về Lâm Quang Mỹ, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến mảng thơ dịch của ông, một nỗ lực đưa tinh hoa của đất nước đến với bạn đọc thế giới. Ông quan niệm, dịch thơ cũng là một công việc sáng tạo. Ông bắt đầu những trang dịch của mình từ một lòng tự ái dân tộc, khi bước chân vào các thư viện lớn ở Ba Lan, không hề thấy bóng dáng của các nhà thơ Việt Nam.
Trong khi đó, thơ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản được dịch và in thành từng tập dày dặn, sang trọng. "Nước mình có một kho tàng thơ cổ điển, đó là những giá trị tinh hoa của dân tộc, ánh sáng rực rỡ của một nền văn hóa, vậy nhưng hầu như vắng bóng trên văn đàn thế giới".
Vậy là Lâm Quang Mỹ bắt tay vào công việc dịch đầy khổ ải này. Thực tế ông không thể làm công việc đó một mình, mà phải nhờ sự trợ giúp của một chuyên gia về thơ Phương Đông của Ba Lan. Sau hai năm vật lộn với từng con chữ, một Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX ra mắt bạn đọc Ba Lan.
Lần đầu tiên một tuyển tập văn học Việt Nam được giới thiệu một cách có hệ thống sang tiếng Ba Lan, và được giới phê bình cũng như sáng tác nước bạn đón nhận nồng nhiệt, coi đó là sự kiện thơ của năm 2010. Dịch thơ Việt Nam sang tiếng Ba Lan vốn đã khó, dịch thơ cổ còn khó gấp nhiều lần, nên Lâm Quang Mỹ rất chỉn chu, thận trọng với từng con chữ để làm sao chuyển tải được hồn cốt của những bài thơ cổ sang một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ về văn hóa Việt Nam.
Gần một phần tư thế kỉ sống ở Ba Lan, ông đã có một gia đình yên ấm đủ đầy bên đó. Lâm Quang Mỹ cũng chưa biết ngày nào sẽ trở về hẳn ViệtNam. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, ông vẫn mang quốc tịch Việt Nam, hằng năm vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Ba Lan, trở thành cầu nối giữa hai nền văn hóa. Mấy năm gần đây, khi đã về hưu, khép lại công việc nghiên cứu khoa học, Lâm Quang Mỹ không làm gì cả ở Ba Lan, ngoại trừ việc rong ruổi khắp đất nước ấy đọc thơ, bằng tiếng Việt và tiếng Ba Lan.
Và trong suốt hành trình không mệt mỏi ấy vẫn nhận ra ở ông một bản ngã thơ mang đầy nỗi hoài cảm rất riêng: "Đôi khi thơ tôi/ như những sợi gió mỏng manh/ còn sót lại sau từng cơn bão/ vẫn gợi lên những hoang tàn đổ nát/ đôi khi thơ tôi/ như đứa trẻ thơ/ hồn nhiên vừa đi vừa hát/ thấy của rơi bên đường không dám nhặt/ còn tôi như chiếc lá cuối thu/ gió đưa lạc về lối cũ/ không biết buồn hay vui...
Hành trình đó, không chỉ đo đếm bằng số lượng của những cuộc đọc thơ, không bằng những con chữ, mà đó là một cuộc dấn thân cho những giá trị "cao và xa hơn" của thi ca, mà Lâm Quang Mỹ luôn tâm niệm rằng, đó mới là cái đích vươn tới của nghệ thuật chân chính.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511421

Hôm nay

284

Hôm qua

2336

Tuần này

21795

Tháng này

218294

Tháng qua

121356

Tất cả

114511421