Người xứ Nghệ

Lê Thiệu Huy - tài cao, chí cả

I. Một học sinh, sinh viên Việt Nam xuất chúng được mệnh danh thần đồng.

Vào những thập kỉ 30-40 của thế kỉ XX, giới học sinh, sinh viên và trí thức cả nước không ai không biết tiếng Lê Thiệu Huy, người Hà Tĩnh được mệnh danh là thần đồng Đông Dương huyền thoại.

Lê Thiệu Huy sinh ngày 06/3/1921 tại làng Lạc Thiện (nay là xã Trung Lễ) huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong một gia đình và dòng họ trí thức yêu nước; cha là giáo sư Lê Thước một nhà sư phạm nổi tiếng đồng thời là một học giả có nhiều đóng góp cho nền văn học dân tộc; mẹ là bà Phan Thị Đích thuộc dòng họ Phan Đình Phùng.

10 tuổi, anh thi vào lớp Đệ lục trường Trung học An- Be Xaro (Albert Sarraut), trường trung học nổi tiếng nhất Đông Dương dành cho con Tây. Học sinh Việt Nam muốn vào học phải qua một kì thi rất chặt chẽ.

Huy học rất giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp ở tất cả các môn học. Học sinh và các giáo sư trong trường gọi anh là “ nhà vô địch không có đối thủ”. 16 tuổi anh đứng đầu tú tài I xếp loại rất giỏi (mention tres bien). Năm 17 tuổi, 3 tháng đậu bằng tú tài toàn phần ban toán xếp loại tuyệt hảo (mention excellente). Kì thi lần II, năm đó anh thử sức thi tiếp bằng tú tài văn chương. Anh đậu đầu xếp loại giỏi (mention bien). Cũng trong năm đó, anh là thủ khoa kì thi học sinh giỏi môn toán học sinh Trung học phổ thông toàn nước Pháp và Pháp quốc hải ngoại. Toàn quyền Đông Dương đích thân mời thân mẫu anh ra Hà Nội để cùng anh nhận giải thưởng là một chuyến du ngoạn tham quan nước Pháp trong vòng một tháng vừa để tìm xem người phụ nữ Việt Nam như thế nào mà đã sinh ra một người con xuất chúng như vậy; đồng thời thông báo cho cha mẹ phải viết giấy cam đoan bảo lãnh trách nhiệm rủi ro vì chuyến đi du ngoạn nước Pháp của anh vì vào thời điểm đó anh chưa đầy 18 tuổi. Tháng 9/1939, thế chiến II bùng nổ, chuyến đi du lịch Pháp của anh phải đình lại.

Không chỉ học giỏi, Lê Thiệu Huy còn thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, La-tinh và cả Hán ngữ, Quốc tế ngữ ( Esperanto).

Năm 1942, được sự đồng ý và công nhận của bộ Đại học Pháp, chính quyền Đông Dương mở trường Đại học Khoa học đào tạo cử nhân Khoa học trong 3 năm ở Hà Nội. Lê Thiệu Huy là sinh viên xuất sắc, chỉ trong vòng 2 năm đã tốt nghiệp cả bằng Toán đại cương, Vật lí đại cương, Cơ lí thuyết tất cả đều xếp loại tối ưu. Trong bức thư gửi mẹ, ngày 16/6/1944, anh tự hào viết:

“ Không ai dám thi cả hai bằng một lúc, phần nhiều chẳng được cái nào cả”. Giáo sư Brachet, nhà Toán học gốc Do Thái dạy môn Toán đã thốt lên: “Tôi chưa bao giờ thấy một sinh viên nào xuất chúng như Lê Thiệu Huy và có lẽ cũng ít kẻ tài ba như vậy”. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người được mời dạy môn Cơ lí thuyết cũng đã nhận xét: “Tôi có hai người học trò đều quê ở Đức Thọ, một là Lê Văn Thiêm, hai là Lê Thiệu Huy, học giỏi ít có trò nào sánh kịp”.

Lê Thiệu Huy không chỉ nổi tiếng học giỏi trong trường mà còn có sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử dân tộc, về thơ ca yêu nước, ca dao tục ngữ cũng như nhiều giáo trình của các môn khoa học khác.

I. Người tham mưu trưởng liên quân Việt – Lào, tài ba chí lớn

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, đại học ở Hà Nội ngừng dạy. Dự cảm đất nước sắp bước vào một thời kì lớn lao, đấu tranh gay go quyết liệt, tháng 5/1945, cử nhân khoa học Lê Thiệu Huy vào Huế học trường võ bị Thanh niên tiền tuyến do bộ trưởng Thanh niên Phan Anh mở với mục đích rèn luyện và trang bị thêm kiến thức quân sự chờ thời cơ đứng lên vũ trang khởi nghĩa, giành độc lập thực sự cho Tổ quốc, dân tộc.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, anh cùng toàn thể thanh niên trường võ bị Thanh niên tiền tuyến đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945. Ngày 30/8/1945, chấp hành quân lệnh của Ủy ban quân sự Thừa Thiên Huế, anh dẫn đầu một toán sinh viên tình nguyện ra Hiền sĩ (cách Huế 18km) bao vây và bắt gọn phái bộ thiếu tá Castena do chính phủ Đơ-gon Pháp nhằm tái lập nền thống trị của Pháp ở Đông Dương.

Ngày 04/9/1945, Chính phủ lâm thời trung ương đánh công điện triệu tập anh ra Hà Nội công tác ở Bộ Ngoại giao ( lúc đó do chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm) làm phái viên đặc trách liên lạc giữa chính phủ ta và phái đoàn Anh, Mỹ.

Cuối tháng 09/1945, Huy bị đau ruột thừa phải vào bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội mổ và điều trị. Thời gian này, Mỹ đồng ý để thực dân Pháp (có quân Anh giúp) chiếm lại Sài Gòn, mở rộng chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ và nam phần Trung bộ. Miền Bắc, quân Tưởng Giới Thạch ồ ạt kéo vào giải giáp quân đội Nhật, quyết tâm lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh lập chính phủ thân Tưởng. Ở các biên khu Việt - Lào, số tàn quân Pháp chạy trốn ngày Nhật đảo chính 09/3/1945 được tiếp tế thêm lương thực, vũ khí ráo riết hoạt động.

Nằm trên giường bệnh, Huy theo dõi thời cuộc và anh cùng một số bạn bè tâm huyết thảo một đề án táo bạo trình lên Hồ chủ tịch và Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đề án mang tên “ Đường 9”. Mục tiêu là:

1. Quét sạch các cứ điểm của giặc Pháp tái thiết lập trên Đường 9. Kiên quyết giữ vững con đường chiến lược từ Lào xuyên vào trung Bộ ( Đông Hà – Savannakhet), mạch máu sống lúc này nối thông nước ta và Quốc tế ( Lào- Xiêm - Miến Điện), từ đó có thể mua vũ khí, xăng dầu, thuốc men, vải vóc…cung cấp cho kháng chiến.

2. Đẩy mạnh việc tổ chức liên quân Việt - Lào, phòng thủ các Thị xã lớn ở Lào, tăng cường giúp đỡ chính phủ kháng chiến Phathet Lào.

3. Liên hệ với các tổ chức Việt kiều ở Lào và Xiêm, giúp đỡ huấn luyện quân sự cho các thanh niên. Sau khi huấn luyện xong sẽ được hành quân bí mật về nước tăng cường cho cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp.

Cuối tháng 11/1945, Bộ quốc phòng chuẩn y đề án Đường 9, đích thân quyền Bộ trưởng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gặp và trực tiếp giao nhiệm vụ, cử Lê Thiệu Huy làm trưởng đoàn. Đoàn gồm có Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường nguyên sinh viên năm thứ ba trường đại học Y và đại học Luật, Hà Nội và là học viên trường võ bị thanh niên tiền tuyến. Người thứ tư là anh Dương Tự Tẩm, cựu học sinh trường Bách nghệ Huế (năm 1987). Anh là Tư lệnh Quân khu 9. Đoàn được cấp 10 vạn đồng bạc Đông Dương, một chiếc xe con hiệu Ford 1941 và một thẻ “ hỏa tốc” hưởng ưu tiên trên mọi tuyến đường.

Đến Huế, sau buổi hội tiếp với đồng chí Lê Thiết Hùng, Quân khu trưởng liên khu 4, Huy và đồng đội được bổ sung ngay vào bộ tham mưu mặt trận Đường 9. Huy giữ chức tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào (có một đại đội binh sĩ Phathet Lào phối thuộc do đồng chí Thao Ô chỉ huy). Hoàng Xuân Bình làm trưởng Ban tác chiến góp sức cùng Bộ tư lệnh cũ (cũng do các đồng đội sinh viên võ bị tiền tuyến như Đặng Văn Việt, Nguyễn Thế Lương đảm trách) tổ chức lực lượng, chỉ huy chiến đấu lần lượt giải phóng các căn cứ của Pháp ở Đông Hến, Ken Khang, đập tan cuộc hành binh táo bạo của Pháp chiếm được lại Mường Phìn. Ngày 02/3/1945 đánh chiếm nốt căn cứ cuối cùng của Pháp trên Đường 9 là Tchepone.

Ngày 06/3/1945, ta và chính phủ Pháp kí kết Hiệp định Sơ bộ. Lực lượng quân đội trên Đường 9 rút về Huế và tổ chức tiếp phòng quân liên quân Việt Pháp. Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường (lúc này anh Dương Tự Tẩm đã được điều đi đảm nhận nhiệm vụ khác) cải trang thành những sĩ quan quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa từ Tchepone vượt qua các trạm kiểm soát của quân đội Pháp và chính phủ Lào tiến thẳng vào Savannaket, vượt sông Mê Kông qua Thái Lan đi vòng ngược lên sang Thakhet để hội kiến với chính phủ lâm thời kháng chiến Phathet Lào. Tại Thakhet, Lê Thiệu Huy được cử làm Bí thư riêng, phụ tá cho Hoàng thân Xuphanuvong lúc đó là Bộ trưởng Bộ ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh Phathet Lào.

Ngày 21/3/1946, tờ mờ sáng, thực dân Pháp huy động 2 tiểu đoàn bộ binh, có một trung đội xe tăng và máy bay yểm trợ tấn công dữ dội tái chiếm thị xã Thakhet, Lê Thiệu Huy cùng đồng đội sát cánh cùng Hoàng thân Xuphanuvong kiên cường đánh lui nhiều cuộc tiến công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ sáng đến chiều. Do so sánh lực lượng bất lợi, liên quân Việt Lào tạm rút lui sang Thái Lan để bảo toàn lực lượng. Lê Thiệu Huy tháp tùng Hoàng thân Xuphanuvong xuống thuyền vượt sông Mê Kông sang Thái Lan dưới sư oanh kích điên cuồng ác liệt của không quân và pháo binh địch. Thuyền ra đến giữa dòng sông, 2 chiếc máy bay địch đuổi theo truy sát. Lê Thiệu Huy đã trúng đạn hy sinh trên thuyền. Thi hài anh được đồng đội mai táng tại km 269 đường U Bon-Nakhon, cạnh bờ sông Kóng, một chi nhánh của sông Mê Kông. Cái chết anh dũng của anh đã được Hoàng thân Xuphanuvong tường thuật lại, bày tỏ niềm tiếc thương và cảm ơn gia đình đã cống hiến cho cách mạng Lào một con người ưu tú. Bức thư riêng gửi giáo sư Lê Thước (bức thư hiện được lưu giữ tại bảo tàng cách mạng Việt Nam). Toàn văn:

 
 
Chính phủ kháng chiến Lào                                     Phathet Lào
Thủ tướng chính phủ                                                Độc lập - Tự do – Phú cường
 
                                                                                  Ngày 7 tháng 7 năm 1951
 
Kính gửi cụ Lê Thước
Thân sinh của chiến sĩ Lê Thiệu Huy
Tôi nhận được thư ngài kèm theo bản điếu văn kỉ niệm ngày từ trần của anh Lê Thiệu Huy. Tôi xin cảm ơn ngài và cùng gia quyến nghiêng mình trước anh linh của chiến sĩ đã hy sinh anh dũng cho đất nước, cho nhân loại và cho hai dân tộc Lào - Việt nói chung.
Thưa ngài,
Anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của ngài mất đi, không những gia quyến mất đi một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một người chiến sĩ đầy tinh thần hi sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho đất nước Lào, cho dân tộc Lào.
Tinh thần hy sinh cao cả đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thật sự cho đất nước.
Và sau đây với lòng mong mỏi của gia quyến tôi xin tường thuật cái chết anh dũng của anh Lê Thiệu Huy để quý quyến rõ và khi có dịp gặp ngài tôi sẽ kể rõ hơn vì tôi được chứng kiến cái chết cao cả của anh Lê Thiệu Huy.
Ngày 21/3/1945, vì lực lượng quân ta ít không đủ chống đỡ trước một lực lượng mạnh lớn, tinh nhuệ hơn của Pháp được quân Anh giúp sức. Thakhet bị thất thủ. Tình thế nguy cấp, tôi và một số anh em trong chính quyền cùng với anh Lê Thiệu Huy xuống xuồng vượt sông Mê Kông sang Xiêm để tạm tránh. Khi xuồng ra đến giữa sông, nói đến đây tôi thấy uất giận và căm thù giặc Pháp dã man. Đang phăng phăng vượt khỏi cơn nguy hiểm thì bỗng trong thuyền có ai thốt lên “ối”. Tôi quay lại thì than ôi! Anh Lê Thiệu Huy đã bị trúng đạn rồi. Đạn trúng ngay giữa bụng, xuyên ra sau lưng, máu chảy nhiều, anh em vội băng bó lại cho cẩn thận. Nhưng thuyền chưa sang tới bờ thì mặt anh Huy tái dần, chỉ kịp thốt ra mấy câu khe khẽ rồi tắt thở. Mấy phút sau, tôi cũng bị trúng đạn. Thuyền vào đến bờ, anh em đưa tử thi anh Huy lên và tổ chức mai táng. Đứng trước thi hài anh Huy có đông đủ anh em Việt kiều và người Lào ở Xiêm thăm viếng và tỏ lòng mến tiếc. Ngày 21/3, ngày kỷ niệm cái chết anh dũng của anh Huy là ngày căm hờn của nhân dân Lào và riêng gia quyến ngài.
Đến đây tôi xin thành thật cảm ơn ngài và chúc gia quyến ngài luôn mạnh khoẻ.
                                                               Hoàng thân Xuphanuvong
                                  (Kí và đóng dấu của chính phủ kháng chiến Lào)
 
Sớm ra đi khi mới 25 tuổi, tài năng bắt đầu nở rộ, sức cống hiến hết sức dồi dào, Lê Thiệu Huy đã để lại cho mọi người niềm tiếc thương vô hạn.
Càng khâm phục hơn nữa khi biết rõ anh là một Người mà các nhà cầm quyền Pháp (năm 1937), Nhật (1941) rồi Mỹ (1945) luôn luôn ve vãn bằng những suất học bổng hậu hĩnh, những chuyến du lịch “tối ưu”, nhưng người thanh niên trí thức xuất chúng ấy vẫn kiên quyết chọn con đường dấn thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì công lý và nhân phẩm của nhân loại./.        
  
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511421

Hôm nay

284

Hôm qua

2336

Tuần này

21795

Tháng này

218294

Tháng qua

121356

Tất cả

114511421