Người xứ Nghệ

Linh mục Nguyễn Đình Thi - Một tấm lòng vàng

Linh mục Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Huynh đệ Việt Nam, đã vĩnh viễn ra đi ngày 25/7/2010 sau một cơn đột qụy tại thành phố Montreuil Pháp, thọ 76 tuổi.

Tuy Nguyễn Đình Thi là một linh mục, nhưng do quen biết nhau hơn 40 năm, (từ năm 1968 khi có Hội nghị Paris về Việt Nam đến nay) nên tôi thường gọi một cách thân mật là anh, còn có người gọi là anh Linh mục Nguyễn Đình Thi, có người gọi là Cha Thi. Anh ra đi một cách đột ngột làm bạn bè vô cùng thương tiếc vì anh là một người suốt đời gắn bó với dân tộc, khiêm tốn, chân thành, âm thầm lặng lẽ làm việc không mệt mỏi vì đất nước, vì hạnh phúc của những người nghèo, trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh. Anh ra đi đột ngột để lại một khối lượng công việc bề bộn rải khắp từ Bắc chí Nam, từ Việt Nam sang Pháp, kết quả của hơn 40 năm hoạt động nhưng chưa kết thúc của anh. Ở tuổi xưa nay hiếm, với vóc người gầy yếu, với bệnh Pắc - kin - xơn quái ác anh vẫn tiếp tục làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.
Xuất thân trong một gia đình nông dân công giáo tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, anh vào Sài Gòn đi học. Sau khi tốt nghiệp hai trường Đại học Văn khoa và đại học Luật năm 1961 tại Sài Gòn, anh được cấp học bổng đi du học tại Pháp. Năm 1966 anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học tại trường Đại học Sorbonne, Paris, rồi tiếp tục học về Nhân chủng học và Dân tộc học, sau đó được mời làm chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) về khoa học xã hội.
Vào những năm này, anh đã viết cuốn “Văn hóa và tâm thức Việt Nam”. Tiếp đó năm 1974 anh xuất bản cuốn “Sài Gòn, một chế độ có vấn đề - Tù chính trị”. Đầu những năm 1980 anh là người sáng lập và là Giám đốc Nhà xuất bản SUDESTASIE (Đông Nam Á), sáng lập và Chủ bút báo SUDESTASIE. Về nước, anh đã xuất bản cuốn “Việt Nam - Kinh tế, đầu tư và những dữ liệu thực hành từ A-Z” và nhiều bài viết khác có giá trị. Đầu năm 1970, anh và Hội Huynh đệ Việt Nam tại Pháp đã thành lập Phong trào công giáo và dân tộc rồi xuất bản tờ báo “Công giáo và Dân tộc” được đưa về Việt Nam và được chính thức xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục ra mắt bạn đọc cho đến nay. Vừa qua anh đã cho chở bằng công - te - nơ toàn bộ hàng nghìn cuốn sách báo trong thư viện của Hội ở phố Babeuf, Montreuil mang về Việt Nam để thành lập thư viện Võ Thị Sáu tại thành phố Hồ Chí Minh. Sách báo đã được anh phân loại, xếp thứ tự vào các kệ sách, nay chỉ còn việc tổ chức để cho độc giả đến nghiên cứu. Công việc sắp hoàn thành thì anh ra đi. Là một nhà báo, nhà nghiên cứu khoa học, anh đã để lại nhiều tác phẩm quý giá có ích cho công tác sưu tầm.
Anh Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động xã hội kiên trì và rất năng động. Từ năm 1963, anh và một số thân hữu là người Việt Nam du học tại Pháp thuộc nhiều thành phần xã hội và tín ngưỡng khác nhau đã tiến hành những hoạt động góp phần đấu tranh cho hòa bình, độc lập của nước nhà. Bước đầu thành lập Trung tâm Liên lạc văn hóa Âu - Á tại Pháp năm 1963, đến tháng 2 năm 1967 đổi tên và chính thức thành lập Hội Huynh đệ Âu - Á và trong các hoạt động trong Việt Nam thì lấy tên Hội Huynh đệ Việt Nam.
Trong thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, đồng thời cũng là thời gian ở Paris diễn ra cuộc Hội nghị Paris về Việt Nam, anh đã lãnh đạo Hội Huynh đệ Việt Nam phối hợp với các tổ chức tiến bộ trên thế giới tổ chức 3 Hội nghị quốc tế ủng hộ và vận động cho hòa bình ở Việt Nam: Hội nghị ở Paris năm 1971, Hội nghị Quebec (Canada) năm 1972 và Hội nghị Turin (Ý) năm 1973, với sự tham gia của hàng trăm tổ chức quốc tế thuộc hàng chục nước trên thế giới.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết và đặc biệt là sau ngày giải phóng Miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, anh đã hướng hoạt động về quê hương. Năm 1975 và 1978, cùng với tổ chức Tương trợ Tin lành Thụy Sĩ (HEKS), Hội Huynh đệ Việt Nam đã tổ chức 2 Hội nghị quốc tế tại Paris và Zurich (Thụy sĩ) để vận động nhân dân thế giới tiếp tục giúp đỡ nhân dân Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh tái thiết đất nước. Năm 1975 Hội Huynh đệ Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Một máy bay cho Đà Nẵng” nhằm vận động gửi thuốc men, quần áo, thiết bị y tế cho Việt Nam. Ba chuyến máy bay trong các ngày 9,13 và 14 tháng 4 năm 1975 cất cách từ Paris mang theo thuốc men, lương thực, thực phẩm trị giá hơn nửa triệu đô - la đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng.
Ở Pháp nhiều người Việt Nam và bạn bè Pháp biết thành phố Montreuil là nơi có Tượng bán thân của Bác Hồ, có Không gian Hồ Chí Minh, ở đó còn có căn hộ 9 Ngõ Compoint với những đồ đạc Bác Hồ đã dùng khi sống và hoạt động ở Pháp, Montreuil cũng là thành phố kết nghĩa với tỉnh Hải Dương với nhiều dự án hợp tác có hiệu quả. Nhưng ở Montreuil còn có một nơi nhiều người biết. Đó là ngôi nhà của Cha Thi ở phố Babeuf. Lúc đầu đây là nơi tập trung những thứ quyên góp được như thuốc men, quần áo, lương thực, thiết bị y tế... để gửi về Việt Nam. Đến năm 1974 Hội Huynh đệ của Cha Thi đã mua ngôi nhà trả góp trong 20 năm và từ năm 1975 nơi đó đã trở thành một địa chỉ thân thuộc và lý tưởng với cái tên “Mái ấm gia đình Việt Nam trên đất Paris”. Ngôi nhà Babeuf là nơi đón tiếp nhiều tập thể và cá nhân sang công tác, tham quan, tu nghiệp, học tập tại Pháp hoặc một số nước Châu Âu. Riêng số sinh viên Việt Nam ở nhà sang và ở các tỉnh nhỏ lên Paris học ít nhất cũng đến 500 người. Ở Paris còn có hiệu sách SUDESTASIE ở 17 đường Cardinal Lemoine là một địa chỉ cho những ai muốn tìm hiểu về Việt Nam và các nước Đông Nam Á, có Trụ sở của Hội ở 18 Cardinal Lemoine, đặc biệt là có phòng trưng bày 200m2 ở siêu thị Rosni 2 để trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Anh là một trong những người khởi xướng việc kết nghĩa giữa tỉnh Cote d’ Armor của Pháp với tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Về Việt Nam sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, anh Thi và Hội vui mừng như được ra biển cả. Bắt đầu từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, cứ vậy Hội đã có 200 cơ sở rải rộng trên 28 tỉnh thành trong cả nước, từ Nam chí Bắc, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, từ thiện và nhân đạo. Riêng trại trẻ mồ côi đã có 8 trung tâm trên cả ba miền.
Anh đã bắt đầu bằng việc xây dựng si -lô làm kho thóc ở Trà Nốc, Cần Thơ, giúp đỡ bước đầu xây dựng Viện châm cứu Trung ương của giáo sư Nguyễn Tài Thu, hỗ trợ giải quyết những khó khăn bước đầu của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Đặc biệt tại xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh anh đã được sự giúp đỡ của địa phương xây dựng Trung tâm phát triển Hương Bình thành một mô hình nông thôn mới, đào tạo ngành nghề, tạo công ăn việc làm. Ở thành phố Hồ Chí Minh còn có phòng trưng bày hàng mây tre của Hương Khê, có nhà ăn với giá rẻ cho sinh viên. Ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Hội của anh còn có hai khách sạn để đón tiếp bạn bè và khách qua lại với giá rẻ. Tôi đã có dịp đến thăm Trung tâm trẻ mồ côi của anh ở quận 4 thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội với chị Helene Luc, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp Việt. Tôi cũng đã đến thăm Trung tâm bệnh nhân nhiễm HIV, Trung tâm cai nghiện của Hội. Tôi có lần đi cùng anh đến các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long giúp đỡ gạo, mỳ, quần áo cho những gia đình bị lũ lụt. Ý tưởng của anh Thi là muốn có mặt ở khắp mọi miền đất nước, dấn thân vào những nơi khó khăn nhất, chìa bàn tay đến những đối tượng bất hạnh nhất với một tinh thần nhân ái, vị tha, không mệt mỏi, không vì một lợi ích cá nhân nào. Anh tâm sự với tôi “Mình sinh ra trần truồng, nay mai chết đi cũng trần truồng”.
Năm 2006, Linh mục Nguyễn Đình Thi được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất. Ngày 4/3/2007, Linh mục được trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt - 2006” do Báo Điện tử Vietnamnet bình chọn.
Không thể có kết luận nào khác hơn: Linh mục Nguyễn Đình Thi là một trí thức công giáo yêu nước chân chính đã dành trọn đời mình vì hòa bình độc lập và phồn vinh của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
                                                                                    T.N.T
 
           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511494

Hôm nay

2157

Hôm qua

2336

Tuần này

21868

Tháng này

218367

Tháng qua

121356

Tất cả

114511494