Người xứ Nghệ

Mẹ tôi - Người con gái Hưng Nguyên

 Mẹ tôi, Hoàng Lệ Minh, bí danh thường ghi trong các tài liệu sử học là Lý Phương Thuận, sinh năm 1906 và mất năm 1995.

          Quê mẹ ở Thôn Phan, Hưng nguyên, được cha mẹ đặt tên là Nguyễn thị Tích, mồ côi mẹ khi mới được mấy tháng tuổi. Ông ngoại là một nhà nho giác ngộ dân tộc, tham gia phong trào Duy Tân. Nhận thấy những khả năng của đứa con gái út, nên khi đoàn thể đề nghị cho đi du học và rèn luyện thực tế cùng lớp thanh niên để đào tạo cán bộ tương lai cho cách mạng thì ông đồng ý ngay. Đây là giữa năm 1920-1923. Sau khi rời nhà, mẹ đổi tên là Hoàng Lệ Minh, còn những bí danh khác được sử dụng trong mỗi hoàn cảnh hoạt động như Lý Phương Thuận, Lý Tiểu Muội, Ngô Ứng Thuận, Lý Sâm, Lý Tâm, Lê Thị Tâm…, với ngày và năm sinh khác nhau. Tên Lý Phương Thuận được thông dụng nhất trong các tài liệu lịch sử.

Qua Lào rồi sang Xiêm (Thái Lan), vào Trường Hoa Anh Học Hiệu do Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc thành lập, mẹ mang tên mới Lý Phương Thuận cùng với những bạn đồng lớp Lý Trí Thông, Lý Tử Trọng, Lý Thúc Chắc, Lý Văn Tượng, Lý văn Minh, Lý Phương Đức. Sau năm học thứ nhất, được đưa sang Quảng Châu (hồi đó xem là thủ đô của cách mạng châu Á) vào Trường Trung Sơn Tiểu Học. Lớp này thêm ba học sinh mới, trong đó có Lê Hồng SơnLê Hồng Phong.
 Trong quá trình hoạt động, mỗi hội viên nhận trách nhiệm của mình, không ai biết công việc của nhau. Mỗi một lần thay đổi lý lịch, tên tuổi là phải ”quên” lý lịch cũ và ”học thuộc” lý lịch mới. Một thời gian mẹ và bà Lý Phương Đức hoạt động cùng với nhau nhưng mỗi người một việc. Mẹ được phân công tác trinh sát, thông tin, vận động của Chi bộ Hải ngoại, chuyển tài liệu bí mật, giao liên kiêm phiên dịch, dạy tiếng và đưa đón các nhà cách mạng từ Việt Nam mới sang hoặc những người đã được huấn luyện xong trở lại Việt Nam. Trong dịp này, mẹ gặp cha tôi là Bùi Hải Thiệu tức Lý Quốc Lương, quê ở làng Phổ Đông, Nam Đàn, xuất dương sang Trung Hoa năm 1929 / 1930 sau khi bị Pháp tuyên án tử hình vắng mặt. Ông đã học xong Trường Quân sự Hoàng Phổ và là bạn thân của Lê Thiết Hùng.
 Mẹ tôi đảm nhận công việc này trong một thời gian dài.
 Đầu tháng 4. 1931, bà nhận chỉ thị về Cơ quan bí mật của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tại Hồng Kông. Lúc này bà mang lý lịch mới, tên Lý Sâm, sinh tại Vân Nam, cháu của Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc, được giao nhiệm vụ dịch tài liệu và giao liên bí mật. Sau hai tháng hoạt động, khi ông Hồ Tùng Mậu, một đồng chí của mình bị bắt bên kia sông Châu Giang, biết đã bị lộ, Tống Văn Sơ và mẹ đang dọn dẹp tài liệu để chuyển đi thì bị cảnh sát Anh bao vây cơ sở, số nhà 186 phố Tam Lung và bị bắt ngày mồng 6 tháng 6 năm 1931 và bị giam tại nhà tù Victoria. Chính sự việc này đã tạo ra những phiên toà nổi tiếng viết trong quyển sách ”Vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông 1931-1933. Trong phiên toà đầu tiên cuối tháng 7 năm đó, vì không có chứng cớ, mẹ lại tự khai là mới 15 tuổi, thêm vào đó là vì thân hình mẹ nhỏ nhắn, nét mặt trẻ thơ nên được tha nhưng bị trục xuất khỏi Hồng Kông trong vòng 2 tuần. Từ nhà tù, Nguyễn Ái Quốc kịp liên lạc và gửi cho bà lá thư gửi Cường Để, là cháu đích tôn của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh - con của vua Gia Long, Hội trưởng Hội Duy Tân chống Pháp, tạm trú ở Nhật Bản. Trong thư, Bác nhờ ông giúp mẹ lánh nạn. Mẹ tôi gặp lại Ba tôi, Lê Thiết Hùng và Cao Văn Bình khi sang gặp Cường Để.
         
          Trên đây là những tài liệu tôi biết về một phần hoạt động của mẹ tôi.
Mỗi lần nhớ đến mẹ mình, tôi nghĩ đến người mẹ mà tôi chỉ được sống cùng tất cả 6 năm, nên những kỷ niệm lớn hay nhỏ liên quan đến tình cảm là quan trọng nhất đối với tôi.
Tôi nhớ nét mặt lo âu, buồn, sau khi cha tôi qua đời. Tiếp theo đó là nhớ lại quãng đường từ Quế Châu -Trung Hoa về Việt Nam, vượt rừng, qua núi, vượt suối, qua sông. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ trong đám đông người, nhanh nhẹn, trò chuyện với đồng hành, giúp đỡ mọi người và tiếng cườì trong veo…, cho đến hôm mẹ bị trượt chân, sẩy thai đứa em trai, rồi ba mẹ con phải ở lại trong rừng, lúc đó đôi mắt buồn, nét mặt buồn lại xuất hiện.
          Khi đến Hà Nội và thời gian gần một năm ở đó với mẹ và em là thời gian ba mẹ con phụ thuộc, gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Mỗi lần ngồi chờ mẹ trước cổng, khi nghe tiếng chân quen thuộc của mẹ vọng từ xa đến, chị em chạy ra đường ôm lấy mẹ, đươc mẹ bế, hôn vào má vào trán - đó là món quà quý nhất tôi đã chờ đợi cả ngày.
          Mẹ hiền hậu, vui tính, hay ôm ấp hai chị em. Biết mẹ đi làm ở khách sạn Thăng Long, gần Ga Hà Nội, nhưng làm gì? Chẳng biết - Hoá ra mẹ được Bác Hồ trao cho công việc làm công tác trinh sát, thu góp tin tức tài liệu qua những sĩ quan của Tưởng Giới Thạnh đang trú tại khách sạn này và hoạt động với âm mưu lật đổ chính quyền mới của Việt Nam.
Ở nhà, gặp các bác Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, bác Trần Lung, tôi chỉ biết đó là những người quen của mẹ mà không biết rằng đó là những đồng chí hoạt động với nhau ở hải ngoại, trừ bác Trần Lung là người chỉ huy công việc trinh sát ở khách sạn, sau này là bố dượng của tôi.
Mãi đến một hôm, mẹ chuẩn bị cho hai chị em đến Dinh Chủ Tịch thăm Bác Hồ. Mẹ bảo Bác là người đã huấn luyện, dạy dỗ mẹ và mẹ đã từng làm việc trực tiếp cho Bác rất nhiều năm ở Trung Hoa và ở Hồng Kông. Tuy mới 5, 6 tuổi, tôi đã biết địa vị của Bác Hồ. Nghe mẹ nói, tôi nhìn mẹ ngạc nhiên một lúc nhưng rồi lại thấy đây là một việc bình thường, giống như những bác khác.
          Về Nghệ An thăm quê nội và quê ngoại, tôi ở lại thêm với bà nội và các cô chú một thời gian nữa thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đường tắc, không về được với mẹ và em. Chín năm sau mới đoàn tụ. Chín năm xa mẹ là thời gian đầy nhớ thương, đầy khao khát tình cảm của người mẹ. Cũng thời gian chín năm ấy, tôi đã dần dần được biết phần nào về cha mẹ của mình.
           Hoà bình năm 1955 tôi về gặp mẹ và gia đình, thời gian đoàn tụ rất ngắn ngủi vì cũng năm đó tôi đi du học nước ngoài, nên không có thời gian tìm hiểu về mẹ hơn. Mãi sau này, tôi mới biết thêm rất nhiều về mẹ mình.
          Mẹ tôi, không những là một người phụ nữ khiêm tốn, dản dị, xinh đẹp, duyên dáng, thông minh, không hề tỏ ra một chút nào sự tham vọng quyền hành, địa vị, danh tiếng. Một người yêu thích văn chương, thường dùng nhiều ngạn ngữ Nho giáo để diễn tả một sự việc, dùng luân lý của Khổng Tử để dạy dỗ con cái về đạo đức con người. Một người mẹ như bao nhiêu người mẹ khác, khát khao tình cảm gia đình chồng con, đồng thời là một người can đảm, phong ba. Mấy lần bị bắt giam, đã từng bôn ba nhiều nơi cả trong nước Trung Hoa và hải ngoại, đã từng làm công nhân các nhà máy để sinh sống và hoạt động, nhất là những năm mà VNTNCM Đồng Chí Hội bị truy tìm khủng bố, tổ chức ra chỉ thị phân tán, ” Ai lo phận ấy, tự lực trong hoạt động của mình, chờ cơ hội, chờ liên lạc”. Mẹ tôi thông thạo tiếng Trung Hoa nhiều vùng, nói tiếng Anh, tiếng Xiêm, tiếng Lào. Một người mà cho đến khi nhắm mắt đưa chân vẫn giữ được bản lĩnh của mình, trung thành với lý tưởng, không bao giờ bị dao động, không bị danh vọng, tiền tài quyến rũ. Càng hiểu mẹ hơn, tôi càng thấy rõ những khát vọng chính của mẹ: Ngoài lý tưởng giải phóng dân tộc, thì tình cảm gia đình chồng con và lòng kính trọng, yêu quý đối với Bác Hồ là lớn nhất đối với mẹ.
          Mẹ kể rất nhiều chuyện về Bác Hồ. Mẹ bảo sống gần ai trong gian khổ, trong thử thách mới biết thực chất con người đó. Khi kể những chuyện riêng tư của Bác Hồ, tôi hỏi mẹ: ”Bác chỉ nghĩ đến cách mạng, nước nhà thôi hả mẹ? Có bao giờ Bác yêu ai hay có nghĩ đến việc lấy vợ, có con không? Mẹ bảo: ”Có chứ! Bác trước hết là một con người, tất nhiên là phải biết yêu, muốn có gia đình, lại là một người đẹp trai, nên nhiều bà cũng không để bác yên nữa!”... Thế là mẹ cười…., mà tôi thì thấy nhẹ lòng, thấy đỡ thương bác.
Song, có những sự việc mẹ không bao giờ nói đến. Tôi hỏi mẹ tại sao? thì có lúc mẹ bảo con không nên biết hoặc mẹ không nên nói, hoặc chưa hợp thời hay chưa đến lúc. Có lần mẹ còn bảo mẹ quên!
          Có những kỷ niệm nhỏ mà tôi lại nhớ lâu, như lần tôi về thăm gia đình sau 20 năm ở hải ngoại năm 1979. Tôi hỏi mẹ đổi tiền mỹ kim như thế nào vì tôi đoán là ở Việt Nam cũng giống như Ba Lan, có chợ đen. Mẹ bảo: ”nhà nước cần ngoại tệ lắm, con mang tiền ra Ngân hàng mà đổi”. Hồi mẹ sang thăm gia đình tôi ở Nauy năm 1985, đi đường một mình, lúc gần 80 tuổi, tôi hỏi lập trường của mẹ về việc ở đây trai gái ăn ở với nhau một thời gian rồi mới quyết định cưới nhau hay không. Mẹ nghĩ một lúc rồi trả lời: ” Việt Nam chưa có hiện tượng này nhưng mẹ nghĩ là tốt vì chỉ khi ăn ở với nhau mới biết được tính tình của nhau, mới lòi ra những nét tốt, nét xấu và như vậy mới đắn đo được để xem có khắc phục nổi không” Tôi nhìn chồng tôi, ngạc nhiên trước quan điểm tiền tiến của mẹ, cảm thấy vợ chồng mình bảo thủ hơn mẹ nhiều. Mẹ ở với chúng tôi tại Oslo 5 tháng nhân dịp sang thăm, lúc đầu chỉ định ở 1 tháng, mẹ đã hiểu rõ gia đình của con gái mình, đặc biệt thương và quý đứa con rể cả.
Tôi nhớ sau khi bố dượng của tôi qua đời, mẹ bán căn hộ ở đường Bùi Thị Xuân, chia tiền cho ba đứa em để chúng nó mua đất xây nhà ở riêng. Mẹ chuyển về căn nhà 3 tầng rộng rãi, đáng ra phải vui thì mẹ bảo với tôi là mẹ không thích vì trước đây mẹ cũng ở chật chội như mọi người. Nửa năm trước khi mẹ qua đời, linh tính báo cho tôi là tôi phải thực hiện ý định về ở với mẹ, phục vụ mẹ một thời gian, nếu không, có thể sẽ chậm. Tôi về ở với mẹ ba tháng. Lúc đó mẹ đã yếu lắm rồi, nhưng sáng nào cũng tập thể dục, ngày nào cũng giặt quần áo. Tôi đòi mẹ để tôi làm, nhưng mẹ bảo ”Con thông cảm, mẹ làm để tay chân cử động chứ không phải vì mẹ phải làm”.
          Mẹ tôi là như vậy. Những năm cuối của mẹ, chứng kiến những biến đổi trong xã hội, có nhiều thay đổi làm mẹ rất phấn khởi nhưng cũng có những hiện tượng làm mẹ tôi lo. Mẹ gọi các con lại, bảo chúng tôi phải thương yêu, đùm bọc đoàn kết với nhau, giữ được bản chất con người có lương tâm, có đạo đức. Đối với mẹ tôi - tình cảm là quý giá nhất, con cháu dâu rể là giá trị nhất, nên tôi hỏi mẹ một lần: ”Mẹ đã hy sinh sự nghiệp cho gia đình, nhưng với kinh nghiệm và quá khứ hoạt động của mẹ, nếu mẹ muốn, mẹ có khả năng nhận những chức vụ cao trong xã hội? Mẹ trả lời: ”Mẹ muốn dành cuộc sống cho gia đình lại được Bác Hồ ủng hộ vì Bác thấy mẹ đã hy sinh rất nhiều tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp nên khuyên mẹ tập trung vào chồng con, làm những việc nhỏ cũng rất cần, việc nhỏ làm tốt, việc lớn mới thành. Con ạ, Bác là người biết rõ nhất giá mình phải trả vì không có gia đình vợ con.
          Mẹ tôi mất chỉ có mấy tháng sau khi tôi rời Hà Nội, còn kịp viết lá thư di chúc cho vợ chồng tôi và các cháu. Tôi không kịp về vĩnh biệt mẹ, nhưng gửi mẹ một bài thơ, được em trai tôi đọc trước bàn thờ cho mẹ. Tôi tin linh hồn của mẹ tôi thiêng liêng lắm.
          ….
          Mẹ thương hay Mẹ trách?
          Mẹ nhớ hay Mẹ quên?
          Đời Mẹ sao ẩn biến!
          Để lại nỗi triền miên…
          Đời Mẹ như biển rộng
          Theo sóng nước nổi, chìm
          Phần chìm..
                             Ra sao nhỉ?
          Phần nổi…
                             Thiếu những gì?
          .....
 
          Viết về quá trình của cuộc đời hoạt động cách mạng và cuộc đời riêng tư của mẹ tôi không phải dễ dàng. Tôi nghĩ là rất ít người, ngoài mẹ tôi ra và bác Hồ có thể biết rõ ràng. Tôi hy vọng là những người có trách nhiệm với lịch sử, qua những ghi chép có nguồn gốc từ Việt Nam và những quốc gia liên quan khác để trong tương lai sẽ được đưa thêm thông tin, soi sáng sự thực không những trong trường hợp của mẹ tôi mà của rất nhiều những chiến sĩ cách mạng yêu nước vô danh khác để đặt đúng vị trị của họ trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt nam.
         
 
Oslo, tháng 7. 2009
                  
         
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114508459

Hôm nay

2198

Hôm qua

2417

Tuần này

21313

Tháng này

215332

Tháng qua

121356

Tất cả

114508459