Xứ Nghệ ngày nay

Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Chương trình nghệ thuật đặc biệt vinh danh và kỷ niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Xuân Thủy

Tối 03/12 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 2022), 200 năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với nhiều hoạt động, trong đó nổi bật là Chương trình Nghệ thuật nhạc kịch “Ví đây đổi phận làm trai được” với sự góp mặt của gần 400 diễn viên, ca sĩ, trong đó có 180 diễn viên múa chuyên nghiệp, 200 diễn viên quần chúng và 8 ca sĩ.

   

 

Hoạt cảnh tái hiện lại thời niên thiếu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại làng Quỳnh Đôi. Ảnh Xuân Thủy

Chương trình nghệ thuật do Nhà viết kịch Vũ Hải đạo diễn và lên ý tưởng từ một câu thơ trong bài “Đề đền Sầm Nghi Đống” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ được coi là đỉnh cao cho khát vọng bình đẳng nam nữ, khát vọng được thực hiện hoài bão, lập nên một sự nghiệp vẻ vang như những đấng mày râu của một nữ nhi thân phận nhỏ bé là Hồ Xuân Hương. Biên đạo múa: NSND Hữu Từ, NSUT Văn Hiên và các nghệ sĩ Hải Trường, Phi Trường,  Mạnh Hùng, Tiến Thanh, Thái  Linh; soạn lời dân ca: NSUT An Ninh; dựng hoạt cảnh dân ca: NSND Hồng Lựu, NSƯT Tạ Dương.

 

Với kết cấu đan xen giữa quá khứ, hiện tại, sử dụng hoạt cảnh dân ca Ví Giặm và kịch múa để xâu chuỗi các sự kiện, Chương trình nghệ thuật gồm 6 phần: màn khai từ và 5 trường đoạn: Năm tháng đầu đời (về tuổi thơ của Hồ Xuân Hương), Ba chìm bảy nổi (về những mối tình dang dở của Hồ Xuân Hương), Nỗi đau nhân thế (Cảm xúc của Hồ Xuân Hương trước thời cuộc loạn lạc), Thơ đối thoại với… thơ (Diễn tấu những bài thơ tiêu biểu của Hồ Xuân Hương) Gặp lại những người tình trong thơ(tự thoại của Hồ Xuân Hương về cuộc đời).

Hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được tái hiện một cách sinh động. Ảnh Xuân Thủy

Trong đó, đáng chú ý là ở trường đoạn 1, có phân đoạn khắc họa nhân vật Hồ Xuân Hương 11 tuổi lần đầu được về thăm quê, hân hoan giữa cảnh làng quê trù phú, tắm mình trong những câu Ví, Giặm và những câu ca ý tại ngôn ngoại của các nhà nho xứ Nghệ... Những câu ca “thanh mà tục, tục mà thanh” quấn quyện trong những làn điệu dân ca Ví- Giặm khiến Xuân Hương vô cùng thích thú, để rồi “thanh mà tục, tục mà thanh” đã theo Xuân Hương trong suốt sự nghiệp thơ ca của mình...

Từ đó, cô bé Xuân Hương đã thấm thía tình đất, tình người, sự bao dung, tính ngay thẳng đượm chút bất cần của người dân đất Nghệ và khí chất Nghệ An ngày càng hình thành rõ nét trong Xuân Hương sau chuyến về thăm quê lần ấy.

 

 

Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và di sản văn hóa xứ Nghệ, dùng các hoạt cảnh dân ca Ví, Giặm và kịch múa để xâu chuỗi các sự kiện và kết nối giữa quá khứ với hiện tại, kết hợp với công nghệ ánh sáng làm nổi bật 4 vấn đề về nữ sĩ Hồ Xuân Hương: i. Hồ Xuân Hương là người đầu tiên dám nói lên thân phận người phụ nữ; ii. Tố cáo chế độ phong kiến; iii. Vươn lên khẳng định mình và iv. Bà Chúa thơ Nôm. Chương trình nghệ thuật còn có nhiều ca khúc đặc sắc viết về Hồ Xuân Hương như “Hồ Xuân Hương rạo rực hồn thơ”, (Phạm Viết Toàn), “Bánh trôi nước” (Hồ Hoài Anh), “Nỗi đau nhân thế” (Xuân Thủy), “Tự hào Hồ Xuân Hương” (Hồ Trọng Tuấn)…

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương rạo rực hồn thơ. Ảnh: Xuân Thủy

Chương trình nghệ thuật do các ca sĩ: Phạm Phương Thảo, Đăng Thuật, NSUT Thanh Vân, Phạm Hồng Ngọc cùng các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, Học viện Múa Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật HT, nhóm múa Thu Hương biểu diễn.

 

 

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tạo được nhiều cảm xúc thẩm mĩ cho khán giả trong nước và quốc tế.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443701

Hôm nay

2259

Hôm qua

2333

Tuần này

21514

Tháng này

218875

Tháng qua

112676

Tất cả

114443701