Những góc nhìn Văn hoá

Ký ức lương thiện như là lưu dấu của văn hóa (Đọc lại Thành phố tuổi thơ tôi, tập ký của Dương Sinh, Nxb Hội Nhà văn 2012)

Tác giả Dương Sinh (tên khai sinh Dương Văn Kỳ, 1949-2021; quê quán: xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; tham gia quân đội 1971-1974 (thương binh hạng nặng); tốt nghiệp khoa Sinh học,Trường Đại hc Sư phạm Vinh 1978; từ 1978-2007 dạy học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Tác phẩm đã xuất bản: Người bạn đồng hành (tập truyện ngắn), Đường vào trận (ký), Thành phố tuổi thơ tôi (ký); Giải C của Liên hiệp toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam cho tập ký Đường vào trận.

Cũng như bạn tôi - tác giả Dương Sinh, tôi không phải là người sinh ra tại thành phố Vinh, cùng là dân “ngụ cư” (chỉ sống đầy đủ ở Vinh khoảng mười năm, từ 1955 - 1965). Khi rời khỏi Thành phố Đỏ theo lệnh sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ, tôi mới 14 tuổi, học lớp 6. Khi rời thành phố cùng thầy cô bạn bè, bố tôi chỉ dặn: “Con không còn bé nhỏ nữa! Chú ý giữ gìn bản thân! Trong hoàn cảnh nào cũng phải học tốt!”. Ngẫm nghĩ, thế hệ tôi trưởng thành sớm do hoàn cảnh. Nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian quan trọng nhất của đời người, nó neo giữ lại trong ký ức của một người những gì sâu xa, bền vững, tốt đẹp nhất mà sau này cho đến ngoài thất tuần, tôi vẫn coi đó là “của cải tinh thần để dành. Nói cách khác thế hệ chúng tôi phải/cần thiết “ăn mày dĩ vãng”. Ký ức thì tràn trề như thế nhưng không phải ai cũng viết ra được như bạn tôi. Cách đây hơn ba mươi năm (1987-1990), tôi được Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp (bây giờ là Bộ Giáo dục & Đào tạo) cử đi thực tập nghề tại Khoa Ngữ văn,Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên Lô---xôp (viết tắt là M.G.U). Một lần đến Quảng trường Đỏ và Lăng Lê-nin thăm quan, đang đứng ngắm kỳ quan của nước Nga, bỗng tôi nhận ra đồng hương Xứ Nghệ của mình qua một nhóm người toàn nữ đang nói chuyện, tiếng oang oang. Tôi đến gần và nói nhỏ: “Chào đồng hương Việt Nam - Xứ Nghệ! Cáccháu quê đâu ta?”. Thì lập tức phải nín cười vì một cháu già, dáng vẻ trưởng nhóm, nói rất to và dõng dạc: “Thưa chú, bọn cháu đều là ngài MATXCƠVINH! Bọn cháu vừa sang Liên-Xô, đang chờ phía Bạn đưa về nhà máy ở ngoại ô Thủ đô Mat-xcơ-va. Chú sang đây lâu chưa ạ?”. Rồi không đợi tôi hỏi thêm, cô gái hỏi lại ngay: “Chú có biết Matxcơvinh là đâucủa Việt Nam không ạ?”. Rồi nhóm bạn gái ôm nhau cười nắc nẻ vì lối chơi chữ của mình, họ tưởng tôi “ngố”. Tôi trả lời: “Dân thành phố Vinh, thành phố Đỏ chứ gì?!”. Chia tay nhóm bạn trẻ đồng hương Xứ Nghệ, Thành Vinh giữa Quảng trường Đỏ (Matxcơva, xứ sở Bạch Dương), một ngày đông giá rét nhưng tôi thấy ấm lòng vì tình cảm của cư dân thành phố Vinh đối với nơi mình sinh ra và lớn lên, đi đâu cũng tự hào vì “Ngài Vinh”, “Dân Mat-xcơ-vinh”.

Anh bạn Dương Sinh, cũng như tôi, từ năm 1965 đã rời thành phố Vinh, rồi đi một mạch, sinh cơ lập nghiệp ở xứ Nam, còn tôi thì xứ Bắc. Cái mạch thời gian xa thành phốVinh của anh bạn tôi dài đến hơn năm mươi năm, nhưng tôi thì ngắn hơn vì gia đình lớn vẫn neo đậu lại thành phố Vinh từ sau hòa bình (1975) đến nay; các cụ thân sinh ra chúng tôi cũng an nghỉ vĩnh hằng tại thành phố Vinh. Mới đây (4-2022) về thành phố Vinh kết hợp công tác (với tưc, vẹn cả đôi bề), gặp gỡ một anh bạn học với tôi từ thời cấp 2, được hỏi đã đọc sách của tác giả Dương Sinh viết về thành phố Vinh tuổi thơ chưa? Anh ấy cũng đã đọc và rồi hai chúng tôi miên man suốt cả một buổi chiều lân sang tối, cùng nhau sống lại với tuổi thơ, với thành phố Vinh thân yêu. Phải nói ngay rằng tôi chính quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng vì một biến cố lịch sử mà năm 1955 tôi phải xa quê từ khi còn rất nhỏ, lúc mới bốn tuổi. Thế nên thành phố Vinh là quê hương thứ hai mà cũng như là thứ nhất với tôi. Sau này khi định cư và có gia đình vợ con ở Hà Nội, nhưng năm nào cũng ít nhất một lần tôi trở về thành phố Vinh (còn anh bạn Dương Sinh của tôi thì cả mấy anh em đều cắm rễ tận Bến Tre xa xôi; anh mất năm 2021 vì bệnh tật). Tôi vốn là dân phê bình nhưng đã có lúc run bật cảm xúc cầm bút viết văn. Thiên ký Sống ở Vinh với bút danh Bùi Tùng Ảnh (đăng Tạp chí Sông Lam, 7-2020) đã nhận được nhiều chia sẻ từ bạn văn quê hương cũng như bạn học thời học cấp 2 Vinh.

Trường hợp anh bạn Dương Sinh viết tác phẩm Thành phố tuổi thơ tôi, với nhiều người và cả tôi, là một bất ngờ nhưng nghĩ cho cùng lại không bất ngờ. Tôi nhớ từ hồi nhỏ, anh bạn tôi là một con mọt sách, mê sách đến mức vào thư viện đọc như người nghiện thuốc Lào, rồi lại còn “ăn cắp” sách của thư viện nữa chứ (lúc bị phê bình, anh còn lập luận rằng “chỉ có đứa ngu mới cho mượn sách, đứa càng ngu là thấy sách hay mà mượn rồi lại trả”). Những chuyện ấy anh cứ thật thà kể lại, không phải là theo tinh thần sám hối như người ta hay nói bây giờ, mà là theo dòng ký ức tự nhiên của đời sống thời trẻ con, với một sự ngây thơ đến tuyệt vời làm sao.

Cũng sống ở Vinh khoảng mười năm (1955 -1965) như anh bạn tôi, cũng đắm đuối với Thành phố Đỏ, cũng đi đi về về cả trong tâm tưởng cũng như trong hiện thực đời sống, nhưng tôi dù viết được về thành phố tuổi thơ của mình (một thiên ký dăm mười trang in), thì vẫn phải nói cho công bằng, cũng không thể ngang cơ như anh bạn Dương Sinh được, khi anh viết được hẳn một cuốn sách. Ngẫm kĩ ra là thế này: trong đám đông bạn cũ thời ấy, chỉ có anh bạn Dương Sinh là người mà tình cảm như một cái neo lớn, biết lưu giữ kỉ niệm, biết làm cho ký ức lương thiện sống lại bằng con chữ. Trước khi đọc sách Thành phố tuổi thơ tôi của tác giả Dương Sinh, tôi đã mừng rỡ khi thấy Tạp chí Văn hóa Nghệ An (vào độ đó đang lên) đăng tải đến 8 kỳ liền tác phẩm của bạn tôi. Vậy là những ký ức của bạn tôi (và của chúng ta) về thành phố Vinh đã là một lưu dấu văn hóa Xứ Nghệ, rộng hơn là văn hóa Việt Nam. Những địa danh, di tích, thắng cảnh của thành phố Vinh từ Chùa Diệc, Chùa Sư Nữ, Chùa Tập Phúc, Nhà thờ Cầu Rầm, Chợ Vinh, Mộ Đội Cung, Nghĩa địa Tây, các Cửa thành (Cửa Tiền, Cửa Nam, Của Bắc chẳng hạn)… đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ cư dân thành phố Vinh. Đọc sách của tác giả Dương sinh lại càng thấy món cháo lươn (nhiều người Bắc vào thành phố Vinh ăn xong món này, hồ hởi gọi là lươn cháo), như một đặc sản, và hơn thế có người còn nói vui rằng là một trong hai “thế mạnh” của Nghệ An (là bóng đá, cháo lươn!?). Một thành phố Vinh trong quá khứ hiện về khá đầy đủ, sinh động, với muôn mặt đời thường trong thời bình hiện lên trên từng trang sách của tác giả Dương Sinh. Là người làm nghề dạy học như tôi, cũng là người yêu văn chương như tôi, nên khi sáng tác, anh bạn tôi có được cái ý thức “viết như thế nào” chứ không đơn giản là “viết cái gì”. Tác phẩm Thành phố tuổi thơ tôi của tác giả Dương Sinh gồm 4 phần (đánh số từ I đến IV): Vinh xưa, Ngọt ngào tuổi thơ, Miếng ngon ngày cũ, Hồn chợ. Cuốn sách khép lại vào thời điểm 1964: “Tháng tám năm một ngàn chín trăm sáu mươi tư (1964), trái bom Mỹ đầu tiên dội vào kho xăng dầu thành phố (một trung tâm nhiên liệu lớn của miền Trung lúc bấy giờ), khói lửa chiến tranh bốc lên. Tuổi thơ của tôi (và cả thế hệ chúng tôi) chấm dứt. Năm đó tôi mười lăm tuổi. Ôi! Vinh của tôi, thành phố của tôi, tuổi thơ của tôi”. Tôi cứ nghĩ, có người nào sống nơi nào chỉ có mười năm mà máu thịt gắn bó như bạn tôi với thành phố Vinh thân yêu. Hóa ra câu thơ của Chế Lan Viên mà có không ít người đã có lúc cho là sáo: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu), nay quá thất tuần, tôi mới ngộ ra là không sáo! Dường như thời đại kĩ trị và thời buổi thị trường con người ta dễ bị lây nhiễm căn bệnh vô cảm (nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi đó thói tính “máu cá”, đặc biệt vô cảm với quá khứ, bởi con người thời đại sống theo tinh thần hiện sinh, chỉ quan tâm tới cái hiện có). Tôi (và cũng có thể là nhiều người giống tôi) có cái thú vui đến một địa phương nào đó cũng cố gắng trước tiên thăm thú chợ búa, có ý nhĩa như một không gian văn hóa đặc thù. Chợ là cái “phong vũ biểu” để cân đo đong đếm không chỉ năng lực kinh tế mà còn là nội lực văn hóa của một vùng: “Chợ là hồn của một vùng đất, một chợ có sản vật phong phú, người đi chợ quần áo tươm tất đàng hoàng, giọng nói dịu dàng hay khoáng đạt, nhất định kinh tế vùng ấy phong túc, con người vùng ấy cởi mở, có đời sống văn hóa cao; hàng chợ nghèo nàn, người đi chợ quần áo, nét mặt xúi xó nhàu nát, nhất định đó là một vùng nghèo nàn không chỉ về kinh tế”. Trong tác phẩm của tác giả Dương Sinh, phần IV- Hồn chợ, theo tôi là nơi thể hiện năng lực quan sát nhạy bén của người viết. Trong những chuyến trở về quê hương Xứ Nghệ, tôi đều dành thời gian qua thăm thú chợ Vinh để kiểm chứng lại cái “hồn chợ” mà bạn tôi đã viết rất hay: chợ Vinh không phải là chợ to nhất Việt Nam, nhưng nó có “hồn”. Phải chăng đó là cái tình người ở một nơi mà ai cũng nghĩ đơn thuần chỉ là trao đổi hàng hóa, thuận mua vừa bán (cái chi tiết người đàn ông bán ổi vừa chửi mắng vừa xua đuổi, vừa dọa đánh lũ trẻ nghịch ngợm và lời một ông già: “Nên chú quát nạt bọn hắn thì cứ quát nạt nhưng đừng nặng tay đánh đập, tội nghiệp. Ngày xưa tui cũng rứa mà chú cũng rứa thôi”). Viết như thế về chợ Vinh là tác giả đã đứng từ phương diện văn hóa mà “vẽ” lại cái thần thái của cảnh và người Xứ Nghệ. Nếu những ai còn đinh ninh thì năm 2023 tới là tròn một hoa giáp (60 tuổi, 1963-2023) thành Phố Vinh thân yêu của chúng tôi (cũng phải nhớ lại, theo sử sách thì Vinh được công nhận là thị xã rất sớm từ năm 1898 cùng với Hội An, Thanh Hóa, Huế). Trong tâm thức của những người Xứ Nghệ như tôi thì thành phố Vinh, mỗi khi nhắc đến đều ngân lên như một nốt nhạc trầm hùng. Xin quý vị độc giả hãy đến với thành phố Vinh bằng cách đọc tác phẩm Thành phố tuổi thơ tôi của tác giả Dương Sinh, bạn tôi, nay đã xa khuất ở cõi thiên thu. Mỗi lần nhớ đến anh, tôi lại giở sách ra đọc: “Đối với thành Vinh, tôi chỉ là dân tứ chiếng đến ngụ cư, thời gian cư ngụ lại không dài, chỉ trên dưới mười năm. Là dân ngụ cư thì cũng được đi, vì ngày ấy thành phố nào trên một đất nước vừa trải qua một cuộc chiến dài tới chín năm mà chẳng nhiều dân tứ chiếng, có khi dân tứ chiếng còn nhiều hơn dân bản địa nữa là khác. Nhưng nếu ở đó lâu dài thì cuộc sống cứ thấm dần vào ta những điều đã xảy ra trên mảnh đất mà ta đã “xin nhận làm quê hương”. Để rồi khi xa nó, những điều đó sẽ trở thành ký ức, thành kỷ niệm không phai” (Thay lời tựa). Theo cách diễn đạt của tác giả Dương Sinh thì thành phố Vinh đã, đang và sẽ “thấm dần” vào không chỉ tôi, mà cả thế hệ như tôi, hơn nửa thế kỷ qua./.

( Bài đăng trên Bản tin Văn hóa - Thể thao Nghệ An, số 07/2022)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511023

Hôm nay

222

Hôm qua

2359

Tuần này

21397

Tháng này

217896

Tháng qua

121356

Tất cả

114511023