Những góc nhìn Văn hoá

Văn học Việt Nam 2022 có gì mới?

             Ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết số 41C/15 của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam cho tỉnh Nghệ An

Cảm xúc Năm Mới

Xuân về, Tết đến thường con người mong muốn những điều tốt lành, với nhiều “mã đáo thành công”. Thời khắc giao thừa thiêng liêng chứng ghi sự chuyển giao cũ mới của đất trời, của lòng người. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, ôn cố tri tân là hành xử truyền thống của người Việt Nam nặng trĩu tình đồng bào, khắc dấu những khát vọng về tương lai, về “chân - thiện - mĩ”. Để món quà tinh thần tươi vui năm mới đến với quý vị độc giả trong sự đón nhận thanh bình, hồ hởi chúng tôi chỉ riêng muốn bàn chuyện tốt lành. Bởi năm mới, như cổ nhân khuyên, tránh nói chuyện xui xẻo. Xin được thưa trước và mong nhận được sự rộng lượng của độc giả gần xa. Chúng tôi trịnh trọng tặng quý độc giả mâm “ngũ quả” được bày biện từ văn học Việt Nam trong 365 ngày qua của năm Nhâm Dần (Hổ). Năm mới Quý Mão (Tiểu Hổ) đã đến. Một vòng tuần hoàn tự nhiên của trời đất, chắc chắn mang lại an khang, thịnh vượng cho mọi người.

Quả 1: Văn hiến - Văn hóa

Nước Việt Nam với sự trường tồn hàng ngàn năm lịch sử vốn có truyền thống “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo). Có lẽ vì thế mà có hẳn một tạp chí Văn hiến Việt Nam, đẹp và trang trọng, là món ăn tinh thần của nhiều người. Văn hóa Việt Nam trọng “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo”. Văn hóa Việt Nam mang tính cộng đồng, đề cao tình nghĩa đồng bào (cùng bọc), lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng, thương người như thể thương thân. Ngay sau khi giành chính quyền, thành lập nhà nước DCND đầu tiên ở Đông Nam Á - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) đã đề ra chiến lược “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Người đặc biệt chú trọng chiến lược “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”(Tố Hữu) chính là thắng lợi của văn hóa Việt Nam, của chính nghĩa đánh bại xâm lược phi nghĩa, phi văn hóa, vãn hồi hòa bình cho đất nước. Nhưng dã tâm của thực dân đế quốc đã chia cắt Việt Nam thành hai miền. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại tiếp tục (1955-1975), kết thúc bằng chiến công kỳ diệu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, giành toàn vẹn non sông, thống nhất đất nước, thống nhất văn hóa Việt Nam - một dân tộc “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận).

Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (24/11/2021) cuả đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa tiếp tục được đề cao “Văn hóa còn dân tộc còn”, được coi là một trong bốn động lực lớn kiến tạo xã hội mới (chính trị - kinh tế- văn hóa - xã hội). Những vấn đề về “nhân cách văn hóa”, “không gian văn hóa nhân văn”, “đầu tư đúng tầm cho văn hóa” được từng bước hiện thực hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa, là ánh phản bộ mặt tinh thần của dân tộc, đất nước, Nn dân trong thời đại Hồ Chí Minh (xét về lịch sử, tính từ 1945). Văn học dựa trên nền tảng văn hóa là điều kiện phát triển bền vững, đâm chồi nẩy lộc, đơm hóa kết trái. Cả xã hội quan tâm đến văn hóa là dấu chỉ của xã hội văn minh- tự do -dân chủ - bình đẳng- bác ái. Vì hơn bất kỳ lĩnh vực nào, văn học nghệ thuật hướng con người đến “chân - thiện - mĩ”, theo cách riêng của mình.

Năm 2022 có thể coi là “Năm văn hóa Việt Nam” khi danh sách các Danh nhân Văn hóa thế giới được nối dài bằng tên tuổi hai nhà văn lớn của dân tộc: Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu. Tỉnh Nghệ An và Bến Tre đã tổ chức long trọng lễ đón Bằng Danh nhân Văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. Nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa bổ trợ cho chuỗi sự kiện lớn; riêng tỉnh Nghệ An trùng phùng với lễ tổng kết và trao Giải thưởng VHNT mang tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2015-2020). Lần đầu tiên tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (21-4-2022) để chấn hưng văn hóa đọc sách (giấy). Các chủ đề được quan tâm “Sách với gia đình”, “Doanh nhân với sách, sách với doanh nhân”, “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn”; báo Thể thao & Văn hóa tổ chức Giải thưởng Dế Mèn riêng động viên sáng tác văn học thiếu nhi; Hội sách trực tuyến trên sàn book 365.vn với chủ đề “Thắp lửa tri thức” (có sự tham gia của gần 100 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước với khoảng gần 40.000 đầu sách được giới thiệu). Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Quỹ văn học thiếu nhi, nâng cấp Ban lên Hội đồng Văn học thiếu nhi. Những sự kiện này nói lên tinh thần văn hóa mới - tất cả hướng tới con người, vì con người VIẾT HOA.

Quả 2: Văn nhân - Văn trẻ

Nói đến đời sống văn học của bất kỳ thời nào, ở đâu đầu tiên phải nói đến “chủ thể” nhà văn - nhân tố quyết định sự phát tiển của nghệ thuật ngôn từ. Văn nhân là người làm văn, viết sách. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.623 hội viên (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020), trong đó có gần 200 nhà văn nữ, hơn 300 nhà văn - nhà giáo, hơn 400 nhà văn mặc áo lính. Đó là những con số biết nói. Nhưng như thiên hạ hay giỡn, đó là “Hội người già” (gần 70 phần trăm hội viên tuổi trên 60). Vấn đề đặt ra cấp bách có tính chiến lược phải xây dựng, trẻ hóa đội ngũ để thực thi quy luật “tre già măng mọc”. Trong quyết sách của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020-2025), tập trung đầu tư cho đề án “Văn trẻ”, như là điều kiện cần và đủ để tạo đà, tạo lực cho sự phát triển văn học bền vững. Ban Nhà văn trẻ được sự quan tâm đặc biệt của BCH khóa mới, đặc biệt là tân Chủ tịch - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (người cách nay 25 năm đã cùng những đồng nhiệp tài ba như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong xắn tay làm tờ Văn nghệ trẻ lừng lẫy một thời). Giải thưởng Văn trẻ được thành lập nhằm cổ võ người trẻ sáng tác. Tuy nhiên, ở bước đi ban đầu không tránh khỏi chập chững, với tinh thần cầu thị BCH đã kịp thời uốn nắn để dòng mạch văn trẻ tuôn chảy mạnh mẽ, đúng hướng. Như ai đó nói chí lý, chúng ta không sợ lạc hậu, chỉ sợ lạc hướng. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại Tp. Đà Nẵng, 6-2022) là một sự kiện văn học của năm. Gần 120 đại biểu chính thức đã gặp nhau, hân hoa và phấn khởi dưới khẩu hiện “Vì sao chúng ta viết?”. Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi có tính chiến lược văn hóa. Một thế hệ mới (chúng tôi gọi là f+, gồm các cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X) đang trình diện trên văn đàn với thần thái khỏe khoắn, tài hoa gây men niềm hy vọng cho toàn xã hội.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại TP. Đà Nẵng, 6-2022). Nguồn ảnh: TTXVN

Tuy nhiên “văn trẻ” hiện nay của chúng ta, nếu so sánh với “văn trẻ” thời kỳ 1930-1945 (Thơ mới 1932-1945, là một minh chứng điển hình), thì quả thật cũng không còn trẻ. Văn trẻ, theo ý tôi, phải là những văn nhân sinh đầu thế kỷ XXI, hay hiện nay còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tuổi mười tám đôi mươi tươi tắn. Các ấn phẩm văn học/báo chí (Văn học và Tuổi trẻ, Thiếu niên tiền phong), các nhà xuất bản có uy tín (Kim Đồng, Trẻ), các trường đại học lớn có ngành văn (Đại học Quốc gia , Đại học Sư phạm, Đại học Văn hóa) cần thiết phải là những “bà đỡ” mát tay nâng niu những mầm nụ văn học. Rất vui khi Đề án “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” của Bộ VH, TT&DL từ 2017, đã được hiện thực hóa tại Đại học Văn hóa Hà Nội (lĩnh trách nhiệm là khoa Viết văn - Báo chí).

Nói về văn nhân - văn trẻ không thể không nói đến “văn nữ”, thậm chí có thể phóng đại một cách có căn cứ về “văn chương mang gương mặt nữ”. Trong tháng Phụ nữ (10-2022), Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Văn nữ - Sống, viết và hy vọng”. Chúng ta có đầy đủ lý do để hy vọng về một “văn chương mang gương mặt nữ” khi đời sống tinh thần con người cần thiết được cân bằng, cần thiết có đủ khả năng thuần hóa những nỗi đau, cần thiết tinh tế hơn trước. Văn chương nữ có thể gánh vác được trọng trách ấy.

Quả 3: Văn xuôi - Văn mạch chính

Nhận định của giới nghiên cứu: “Văn xuôi là mặt tiền của văn chương Đổi mới”, trong thời gian qua nhận được sự đồng thuận trong xã hội và văn giới. Bằng chứng là, chính nhà văn Nguyễn Minh Châu chứ không phải ai khác được tấn phong là “người mở đường tài năng và tinh anh” trong công cuộc Đổi mới văn học Việt Nam thời kỳ sau 1975, đặc biệt sau 1986. Cùng với nhà văn tài năng là những đồng nghiệp viết văn xuôi tên tuổi như Nguyễn Xuân Khánh, Tô Nhuận Vĩ, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Văn Lê, Nhật Tuấn, Xuân Đức, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy,...góp vào đổi mới văn học. Chuyển sang thế kỷ XXI, vào thập niên thứ ba, văn xuôi vẫn giữ vững vị trí không thể thay thế như đã nói.

Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng có thể hình dung văn xuôi trên mặt bằng văn học vẫn ưu trội, thượng phong so với các thể loại sáng tác khác (thơ, kịch). Tiểu thuyết vẫn ở vị thế hàng đầu như là “máy cái”, “công nghiệp nặng” của văn học. Chân tủy của tiểu thuyết vẫn là chất sống dồi dào, trung thực, vẫn là những “cuộc đời khác”, “chân trời khác” đem đến cho độc giả những khám phá mới mẻ về thế giới tinh thần con người khi tiếp nhận. Trong địa hạt tiểu thuyết, có một hiện tượng đặc biệt, đó là sự xuất hiện Hương của nhà văn - nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (cựu chiến binh), do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Nói đặc biệt là bởi ngay lần in thứ nhất đã lên tới 2.500 bản (trong đó dành hẳn 1.000 bản chuyển kịp thời tới bà con Việt kiều sống ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới). Vì sao tiểu thuyết Hương có dư ba và đồng vọng, lan tỏa? Vì nó chạm tới tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, vốn có truyền thống ngàn năm trong đời sống tinh thần của người Việt. Thực ra thì, chính nhà văn Nguyễn Minh Châu vẫn là người mở đường về chủ đề lớn này với tiểu thuyết Miền cháy (1977), qua câu chuyện hậu chiến đầy tính nhân văn giữa người thắng cuộc và kẻ bại trận. Nhưng sự xuất hiện một tác phẩm lại càng có ý nghĩa khi đặt nó trong văn cảnh cụ thể, như hiện nay. Những lực lượng phi nghĩa đang cố sức mưu toan bóp méo hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Bẳng nhiều cách, trong đó có văn học, chúng ta định vị hình ảnh quốc gia, dân tộc, con người Việt Nam. Câu chuyện tình tay ba tưởng đã “cũ như trái đất” giữa Lĩnh (chiến sỹ Giải phóng) - Hương (cô gái đẹp ở vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa) và Bao (bác sỹ của Quân đội Sài Gòn), nay sáng lên bởi chất nhân văn cao đẹp của người Việt đã biết cách “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, không chỉ với đồng bào mình, do hoàn cảnh lịch sử, mà phân thành giới tuyến, bên này bên kia. Tinh thần đó hiện rõ cả trong quan hệ với cựu thù là Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm ở miền Nam Việt Nam.

Quả 4: Văn mạng - Văn hóa đại chúng

Văn học mạng (từ khi internet vào Việt Nam, 1997) là một phần tất yếu không thể thiếu, ngày càng tăng trưởng, tạo nên khái niệm đầy đủ hơn về một nền văn học trong thời đại số hóa, không gian mạng. Văn học mạng ở Việt Nam so với thế giới, tất nhiên, hãy còn “non trẻ”. Trẻ thì còn nhiều sức khỏe, đường còn dài, đích đến còn xa. Văn học mạng được quan niệm như là sản phẩm của của thời đại công nghệ số, của kinh tế thị trường, của đời sống đô thị, của công nghiệp văn hóa, của giao lưu quốc tế trong thế giới phẳng/mở. Đã xuất hiện một thế hệ nhà văn - văn học mạng, đặc trưng bởi tuổi trẻ. Văn học mạng có công chúng ngày càng rộng. Nhà văn viết văn học mạng có được tự do (đôi khi vô bờ bến) về xuất bản, phổ biến tác phẩm (nhanh như điện, rộng như mạng). Tuy nhiên, văn học mạng là “con dao sắc” với người viết. Cần phải biết tiết chế sự viết. Tên tuổi tác giả của văn học mạng nhiều như những cánh rừng, những cánh đồng bất tận, nên muốn thành “thương hiệu” thì phải cạnh tranh quyết liệt. Một vài tên tuổi quen với độc giả như Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Lữ Thị Mai, Lương Đình Khoa, Đào Quốc Minh, Lê Vĩnh Tài,.. được nêu ở đây chỉ là một “góc” nhỏ của văn học mạng trong cuộc “so găng” với văn học truyền thống (viết, sách giấy).

Văn học mạng thuộc hẳn vào Văn hóa đại chúng, có tính toàn cầu, thái độ của chúng ta không thể giống với tinh thần cốt lõi của Con cáo và chùm nho (ngụ ngôn của Aezsop).

Quả 5: Văn ta - Văn người

Văn ta là văn Việt, Văn người là văn Tây. Hiện chúng ta đang “nhập siêu” văn Tây. Cũng không có gì là không đúng đắn vì đó là tinh thần tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, để tránh tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”, hay “con hát mẹ khen hay”, không biết “ngoài trời còn có trời”. So với các nước trong khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) thì ta chưa thể bằng họ về chiến lược quảng bá văn hóa bằng văn học. Hội Nhà văn Việt Nam có Trung tâm dịch thuật, nhưng thực tế mới chỉ là tổ chức trên giấy tờ. Theo quan sát của giới nghiên cứu, công việc này vẫn có tính tự phát hơn tự giác (có lẽ khó khăn là do vấn đề đầu tiên). Số chuyên đề “Văn học Hàn Quốc” do NXB Hội Nhà văn ấn hành mới đây cho thấy vừa thông minh vừa giàu có nên bạn đã giúp ta làm được. Mới đây tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước đã được tổ chức dịch ra tiếng Anh. Ai cũng mong muốn đến một tương lai không xa, chúng ta sẽ không còn “nhập siêu” nữa, đặng có thể làm công nghiệp xuất khẩu văn hóa, làm sao để không còn “Tiếng Việt cô đơn” trên bản đồ văn học thế giới, để cho những tác phẩm văn học Việt Nam đến tay độc giả thế giới, kiểu như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Như cổ nhân vẫn nói “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Ngoảnh đầu nhìn lại 365 ngày, dõi theo bước đi của văn học Việt trong một khoảng hạn thời gian ngắn ngủi, công việc này khó khăn hơn nhiều so với việc đánh giá, tổng kết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, vì nghệ thuật là của để dành, tác dụng của nó như liều dùng thuốc Bắc, ngấm lâu, hiệu quả lâu mới thấy rõ. Nhưng đôi khi sự chờ đợi kết quả mỹ mãn lại cũng là một kích thích tố, tạo niềm hưng phấn, hồi hộp trong chờ đợi./.

                                                                               Hà Ni - Vinh, 01/12/2022

                                                                                                  B.T.A

 

(Bài đã in trong VHTT Nghệ An số 7 - Tháng 12/2022)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443201

Hôm nay

292

Hôm qua

2305

Tuần này

21014

Tháng này

218375

Tháng qua

112676

Tất cả

114443201