Những góc nhìn Văn hoá
Tết xưa, Tết nay nhìn từ văn hóa
Du xuân. Ảnh: Ngọc Mai
Tết xưa - hương Xuân, vị Tết trong những áng thơ văn
Trong văn chương mùa thu và mùa xuân thường gợi nhiều cảm hứng cho người nghệ sĩ. Nhưng có lẽ mùa Xuân và Tết bao giờ cũng là nguồn cảm hứng dồi dàocuốn hút niềm mê say không chỉ người sáng tác mà cả người thưởng thức. Không phải vô cớ mà nữ thi sĩ Anh Thơ (1918 - 2005) trong tập Bức tranh quê (1941) đã viết liền tám bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa Xuân và Tết: Chiều xuân, Ngày xuân, Đêm xuân, Đêm trăng xuân, Chợ ngày xuân, Chiều ba mươi Tết, Đêm ba mươi Tết, Ngày Tết. Những vần thơ Tết của thi sĩ thật giản dị, đậm đà hương sắc làng quê:“Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy/Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà/Các cô gái đội vàng hương ôm váy/Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua” (Ngày Tết). Nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng nhất đối với độc giả thời nay là thi sĩ Đoàn Văn Cừ (1913 - 2004) với những bài thơ đặc sắc của ông về mùa Xuân và Tết trong tập thơ nổi tiếng Thôn ca (1944). Trong tập thơ đậm đà chất “chân quê” này thi sĩ đã viết liền 10 bài thơ về mùa Xuân và Tết: Nắng xuân, Mùa xuân, Năm mới, Tết, Chơi xuân, Chợ làng vào xuân, Chợ tết, Tết quê bà, Đám cưới mùa xuân, Đám hội. Hình ảnh Tết cổ truyền dân tộc hiện lên trong thơ Đoàn Văn Cừ rất đỗi gần gũi, thân quen với mọi người Việt Nam - dù ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài - đều cảm thấy như là hơi thở của cuộc sống trần thế:“Cây nêu trồng ngoài ngõ/Soi bóng dưới lòng ao/Chùm khánh sành gặp gió/Kêu lính kính trên cao”. Và dường như mỗi chúng ta khi còn nhỏ hay đã lớn nếu được về quê bàăn Tết thì thật là vui vì nơi đây có:“Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng/Cá đêm cuối chạp nướng than hồng/Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông” (Tết quê bà). Ai ở xa có dịp cố hương vào cữ cuối năm cũ đầu năm mới lại không hơn một lần háo hức đi chợ Tết ở quê. Người đọc nhiều thế hệ truyền tụng và yêu thích bài thơ Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ vì chất sống và niềm vui sống như một thứ men say nồng. Có thể nói đây là một bức tranh Tết vẽ bằng thơ. Chợ Tết bao giờ cũng tấp nập, đông vui:“Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ/Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”. Đó là một khung cảnh yên bình, điền viên toát lên cái không khí “thôn ca” giản dị của những người nhà quê chất phác, hiền lành. Đó là cảnh ngoài chợ khi “ống kính” của nhà thơ quay xa. Rồi từ xa đến gần, quay “cận cảnh” chợ Tết:“Người mua bán ra vào đầy cổng chợ/Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/Để lắng nghe người khách nói bô bô/Anh hàng tranh kĩu kịt gánh đôi bồ/Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản/Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”. Nhà văn Hoài Thanh đã nhận xét hết sức tinh tế: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời này chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép lấy thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu. (…). Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ” (Thi nhân Việt Nam). Cũng theo nhà văn Hoài Thanh thì những bức tranh thơ của Đoàn Văn Cừ, bức nào cũng “Đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui”.
Tết không chỉ đi vào những trang thơ mà cả những trang văn - một hình thức ngôn từ tưởng chừng như khô khan hơn so với “Nàng thơ”. Nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Chuyện cũ Hà Nội (in lần đầu, năm 1980) đã viết liền 8 bài về cảnh Xuân và Tết Hà Nội (Những ngày áp Tết, Đêm giao thừa, Đón giao thừa, Hội làng, Pháo, Giỗ tết, Khai bút, Chơi chùa). Đọc văn Tô Hoài chúng ta được bồi bổ thêm cái tinh thần “ôn cố tri tân” rất cần thiết cho con người hiện đại đang có xu hướng bị văn minh kĩ thuật “số hóa” làm cho xa rời quá khứ, truyền thống. Bài Khai bút khiến chúng ta thấm thía hơn về một nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền rất Việt Nam “Đầu năm khai bút bút khai hoa”. Nhà văn nói chuyện riêng của mình mà như nói hộ nhiều người: “Không nhớ tôi còn có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ thói quen hay hay ấy. Và vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút loăng quăng vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ…Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì mỗi năm tôi khai bút bằng một cái truyện ngắn”.
Tết nay - sắc màu thời đại mới
Nhà văn Nguyễn Tuân (1910- 1987) dù chỉ viết có một bài bút ký ngắn về tết nhưng để lại dấu ấn nghệ thuật đặc sắc: Cánh B52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội (in trong tác phẩm Ký Nguyễn Tuân, Nxb Văn học, 1976). Văn Nguyễn Tuân trước năm 1945, như chúng ta biết, thường phải đọc nhẩn nha và ngẫm ngợi mới thấy hết cái nhã thú của nghệ thuật ngôn từ. Văn Nguyễn Tuân thời đại cách mạng và kháng chiến đã trở nên mạnh mẽ, gấp gáp và sôi động hơn rất nhiều: “Mười tám cái Tết chống Mỹ, những người lao động xã hội chủ nghĩa Hà Nội chả còn dành được mấy thời khắc mà tạt vào Trại Hàng Hoa cổ truyền của mình. Nhưng mà cữ này, - giữa khoảng Tết dương 1973 và Tết âm Quý Sửu, thôn hoa ngoại thành Ngọc Hà lại là nơi được nhiều người Hà Nội chân chính tới chia vui với làng hoa khu Ba Đình. Hăm ba con đại bàng Mỹ B52 là thành tựu chiến thắng chung của Thủ đô trong chiến dịch mười hai ngày đêm liền Hà Nội chỉ ngủ có một mắt, nhưng thôn hoa đây là nơi được triển lãm tại chỗ những chiến lợi phẩm Mỹ đuy - ra B52 bị bắn rơi tại chỗ. Để đâu cho hết xe đạp của người đi xem hàng hoa đang mở chợ phiên. (…). Năm nay Hà Nội ăn tết to thật đấy! Riêng một mình Thủ đô mà xơi của nó hăm ba cỗ B52. Có bao nhiêu đào cúc quất là người Hà Nội cũng mua cho bằng hết với bất kể giá nào. Đúng thế, hoa Tết này là giành cho những người chiến thắng, hoa ta ta trồng chậu ta, hoa Tết ta nhất định không phải là nở cho những tên trọc phú thả mìn gỡ mìn từ trường nào. Ông cụ viết câu đối Hàng Bồ bảo rằng, theo lời tổ tiên tám chín đời nói trong gia phả, thì cái năm vua Tây Sơn đuổi xâm lăng nhà Thanh khỏi Hà Nội và giỗ trận thì hoa hoàng mai nở rất nhiều. (…). Năm nay, cúc được mùa to. Nhìn hoa Tết năm nay, thấy nhớ mai vàng nở mừng vua Quang Trung đuổi xong giặc. Thấy nhớ cái Tết tiếp quản đào chiến thắng nở từ rừng Điện Biên Phủ kéo về, đỏ rực cả phố sông Tô Lịch”.
Chợ hoa ngày Tết ở Hà Nội trước năm 1990. Ảnh: Internet
Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) đã viết hẳn một truyện ngắn đặc sắc, nhan đề Chợ Tết (in trên tạp chí Văn nghệ quân đội, số 2 năm 1988). Chợ Tết đây dĩ nhiên là chợ Tết ở quê, trên mảnh đất còn xác xơ, lồi lõm vì bom đạn ở một vùng quê khu Bốn: “Trên nền đất lồi lõm, mấp mô mới dựng lên chơ vơ hai chiếc lều bằng nứa lợp phên tranh. Mới thấy dọn trong một ngôi lều cái sạp sách của cửa hàng quốc doanh, mặt hàng chủ yếu được bày là những bức tranh cá chép, tranh mâm ngũ quả, cùng mấy bộ liễn. Tận góc khuất một ngôi lều khác là một lão thầy bói mặc chiếc áo Tôn Trung Sơn màu xám như một cán bộ thuế vụ”. Đúng là một phiên chợ Tết bề ngoài thật tuềnh toàng, thoạt trông cũng rất có thể bùi ngùi. Nhưng vượt lên trên tất cả thiếu thốn, nhà văn nhìn thấy một mạch đời tràn trề nhựa sống của Nhân dân bất tử và bất diệt: “Trên mảnh đất bom đạn và chiến tranh đã nhào nặn đến biến dạng, Định có dịp thấy tất cả những gì quen thuộc với Định từ nhỏ, chính Định cũng đã quen đi, thì nó vẫn còn đó. Định thích thú ngắm nghía những con lợ đất sơn đỏ, những chiếc kèn cũng bằng đất vắt hình con gà trống, những nhành hoa thờ ơ với những bông hoa bằng giấy kim tuyến lỗ chỗ vết kim châm. Chen lấn giữa đám con nít bâu quanh một cái bàn, Định đứng xem một anh chàng đội mũ phớt tàng, mặt rỗ hoa đang vắt con giống. Từ một hàng những vắt bột nếp nhuộm màu ngũ sắc với một chiếc que tre, mười ngón tay cứ thoăn thoắt trong nháy mắt đã làm sống lại những Phàn Lê Hoa, những Quan Công, v.v… Bánh mướt, bánh xèo…Định la cà suốt một dãy bán miếng chín quen thuộc với Định từ bé. (…). Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và cảm động”. Cũng viết về Tết, song bút ký đặc sắc Nghĩ lúc giao thừa (in trên báo Nhân Dân ngày 3-1-1984) chứa chất chiêm nghiệm nhân sinh. Trong bút ký này nhà văn đã bổ sung thêm ý nghĩa lịch sử và nhân văn của hai chữ “giao thừa” theo cách cảm nhận mới của thời đại: “Tôi không thể nào quên được cái đêm mồng 1 tháng 5 năm 1975, đúng một ngày sau khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cả Hà Nội đổ về phía Bờ Hồ dự đốt pháo hoa mừng đại thắng. Khi những đốm pháo hoa vừa tắt chỉ còn để lại giữa vòm trời sáng trong trên nóc Tháp Rùa những dải khói trắng, thì từ bốn phía Bờ Hồ, các nam nữ thanh niên ồn ào tản đi dạo các đường phố đông đúc của ngày hội, riêng chỉ có những cặp vợ chồng cán bộ và bộ đội ở vào lứa tuổi bốn, năm mươi, mà cuộc đời riêng đã gắn chặt vào số phận đất nước, là vẫn ngồi lại. Họ ngồi đến quá nửa đêm mà vẫn cứ muốn ngồi lại mãi. Đêm ấy mới thật là đêm giao thừa có ý nghĩa nhất của cả đời họ. Trong giờ phút ấy, người ta muốn có mặt bên nhau, thích ngồi lại bên nhau. (…). Họ nói chuyện rất ít, mà việc gì phải nói nhiều? Đất nước đang thấm vào tâm hồn từng người”.
Đón xuân, đón Tết lòng người ai chả thênh thang, phơi phới như lời văn tha thiết và thành kính của nhà văn: “Giao thừa đã điểm! Khoảnh khắc thời gian tách ra làm đôi, lòng mỗi con người Việt Nam đang tìm đến nhau để sum họp, trong khói pháo và hương trầm ngào ngạt trước bàn thờ tổ tiên, lòng chúng ta sao mà bồn chồn, náo nức, rộn ràng đến khó tả”.
Tết thời @, 4.0 - nhiều cung bậc sắc điệu mới
Câu ca dao cổ về Tết có vẻ như không hợp thời nữa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Có mấy thứ không còn hợp thời: pháo thì bị cấm triệt để từ lâu vì gây nhiều hiểm họa, thịt mỡ thì nay ít người hạp vì sợ mỡ máu, hay béo phì (nhất là phụ nữ). Trên ban thờ sự bày biện đồ cúng cũng đã thay đổi nhiều, nhất là thức uống thì rất khác xưa (hình như các Cụ cũng hiện đại hơn, không phản đối khi con cháu bày lên cung tiến nào rượu mạnh, rượu vang, bia, nước ngọt, sô-cô-la, chà là,.. toàn những thứ tân kỳ từ trời Tây đổ bộ về). Những món khoái khẩu trong mâm cơm cúng (như canh bóng) cũng giảm thiểu vì vấn đề an ninh thực phẩm. Công thức mâm cúng (mâm cao cỗ đầy) chiều ba mươi và sáng mồng một - “8 đĩa 8 bát” cũng hết sức linh hoạt (tuy nhiên mỗi miền Bắc - Trung - Nam lại có vị, sắc riêng). Đêm giao thừa vắng tiếng pháo đôi khi lòng lại thấy nao nao (cũng vì dân ta hay cực đoan, đã đốt là đốt cho đã, gây cháy nổ và sát thương người, nên cấm hẳn là phải cả lý, cả tình). Nhưng gần đây Nhà nước cho phép dùng pháo hoa, cũng đỡ buồn một chút vì có tiếng nổ dẫu lẹt đẹt.
Tết giờ sự ăn chơi cũng đã soán ngôi. Ngày trước nghèo đói thì trông chờ ba ngày Tết để được ăn ngon mặc đẹp. Giờ kinh tế lên thì chuyện ấy cứ là quanh năm, nói như trẻ con “nhỏ như con thỏ” (cũng không loại trừ một số vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn). Trẻ em mong Tết để được “lì xì”. Cũng không có gì là không hay, không đúng cái gọi là “văn hóa phong bì” (suy cho cùng lì xì cũng thấm hơi hướng văn hóa phong bì). Có nhiều người nói vui, nghe có vẻ triết lý: “Dân ta chuyển nhanh từ phong kiến lên phong bì” (!?).
Tết thời @, 4.0 cánh trẻ và trung niên chuyển hướng từăn sang chơi. Nhiều gia đình vợ chồng son hay con cái đã lớn thường tập hợp trong các nhóm (group), do những quan hệ họ hàng hay công việc,tổ chức dã ngoại (picnic), hoặc du lịch cả trong và ngoài nước (đi gần gần, châu Á, hay Đông Nam Á chẳng hạn). Tết cũng là dịp để mọi người (đặc biệt lớp trẻ) đi lễ các đền chùa với những lời cầu khấn tha thiết mong nhận về tốt lành sức khỏe, tiến bộ, tiền tài, may mắn trong thi cử đỗ đạt, với tâm cảm “Mã đáo thành công”. Mỹ tục của năm mới truyền thống “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, nay đúng hơn cả ở hai công đoạn đầu. Cũng bởi trong năm đã có Ngày Nhà giáo 20-11. Không khí thời đại “phả” vào các chỉ thị của Nhà nước về việc các cấp dưới không “đi tết” cấp trên, về lý là đúng đắn song về tình thì khó mà triệt thoái nếu xem hành xử đó thuộc điều cấm. Tết thời đại còn có mỹ tục mới mẻ: trồng cây, gây rừng bởi: “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người” (Hồ Chủ tịch). Chiến dịch quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh đã, đang và sẽ phủ xanh lãnh thổ, tiến tới tạo cơ hội cho con người sống trong không gian xanh sạch. Lịch sử nước Pháp đã ghi công cho Hoàng đế Napoléon Bonaparte trong quyết sách trồng cây, gây rừng đặc biệt quanh thủ đô Paris hoa lệ. Chỉ số thảm cây xanh trên đầu người là dấu chỉ của văn minh - văn hóa - nhân văn. Mỗi người Việt Nam hãy trước hết làm việc tốt như lời Bác Hồ dặn: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Không chỉ là một chiến dịch có thời hạn, không chỉ là công việc trước mắt có tính chất phong trào thi đua, nó là mỹ tục, văn minh, văn hóa của người Việt thông minh và nhân ái khi thấm thía căn cơ nguyên lý tối thượng “Con người là một phần của tự nhiên”./.
Hà Nội - Vinh, áp Tết Quý Mão, 9/12/2022
B.L.C
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý Mão 2023)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường - Những điều cảm nhận
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511015
214
2359
21389
217888
121356
114511015