Những góc nhìn Văn hoá
Văn hóa Tết và Tết con Mèo
Mai, đào ngày Tết
Tết Nguyên đán là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng hàng đầu của người Việt Nam. Năm hết Tết đến, mọi người gác hết công việcđể chuẩn bị đón Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết rồi thư giãn sau Tết: Ra Giêng ngày rộng tháng dài…
1. Từ Tết trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ của chữ 節, mà âm Hán -Việt hiện đại là tiết. Tết và tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “節”, bính âm (đánh vần, Latin hóa chữ Trung Quốc) là jié. Tiết 節 vốn nghĩa là đốt, lóng như nói một đốt (lóng) tre一節竹子 hay đốt ngón tay 指頭節… Trên dòng chảy thời gian liên tục trong một năm theo Âm lịch (đúng ra là Âm Dương hợp lịch vì tháng được tính theo trăng (mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa…), còn 24 tiết trong năm được định theo mặt trời), người ta chia ra nhiều “tiết” - những sinh hoạt lễ lạt đan xen những sinh hoạt đời thường thế tục, chẳng hạn Đoan ngọ tiết - được gọi là Tết Đoan Ngọ, Trung thu tiết - được gọi là Tết Trung thu… Tết theo nghĩa rộng bao hàm những định kỳ lễ lạt trong năm. Tết nhân văn vẫn nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ trong một năm, chẳng hạn Tết Đoan ngọ là khoảng trước sau ngày Hạ chí, Tết Trung thu ở khoảng tiết Thu phân… Cho nên người ta cho rằng Tết Nguyên đán là nương theo tiết Lập Xuân, có điều là giữa cái Tết nhân văn và tiết tự nhiên không hoàn toàn trùng khít.
Từ nguyên元 trong nguyên đán 元旦 có nghĩa là sự khởi đầu hay là sơ khai và từ đán 旦 có nghĩa là buổi sáng sớm hay là bình minh. Nghĩa gốc của từ nguyên đán 元旦 là chỉ buổi sáng đầu tiên hay ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Âm lịch (còn gọi là: “ “nguyên sóc” 元朔, “nguyên nhật” 元日) là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, là dịp để mọi người trở về quê hương.đoàn tụ gia đình. Vì vậy mà hiện nay hàng năm mọi người được nghỉ Tết cả tuần lễ. Trải qua bao biến động của lịch sử nhưng truyền thống tốt đẹp này vẫn còn mãi với thời gian trong đời sống của người Việt. Người Việt luôn tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới an lành tốt đẹp.
Không gian văn hóa - xã hội của Tết Nguyên đán là Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và Singapore. Cả Trung Hoa, Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản đã có một thời kỳ dài tuyên bố bỏ Tết này, nhưng hiện nay trừ Nhật Bản còn thì vẫn ăn Tết Nguyên đán. Ở nước ta lẻ tẻ có ý kiến đòi bỏ lịch cổ truyền & bỏ Tết Nguyên đán nhưng trước đây Bác Hồ từng không đồng ý và Nhân dân cũng phản ứng mãnh liệt. Nước ta chưa bao giờ bỏ Tết dù đã chính thức dùng Dương lịch trong các công sở, cơ quan nhà nước hàng trăm năm nay.
Ngoài Tết Nguyên đán còn gọi là Tết cả, trước đây trong chu kỳ 1 năm, người Việt còn duy trì những cái Tết con như Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3), Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Trung thu (rằm tháng 8), Tết cơm mới (mùng 1 tháng 10 hay mùng 10 tháng 10 tùy vùng) v. v... Trong những ngày lễ ấy, mọi người đều tạm gác những lo âu mưu sinh giữa bộn bề cuộc sống để vui vẻ mở lòng với thiên nhiên, hòa cùng đất trời, bày tỏ tình yêu thương, gắn bó với nhau nhiều hơn. Trong đó, Tết Nguyên đán là quan trọng nhất.
Năm mới, cũng có nghĩa là sức sống mới, hy vọng mới, vận hội mới đang đến, ai ai cũng cầu mong những điều tốt lành mới sẽ đến với mình và gia đình, bạn bè. Trong không khí thiêng liêng đó, những phong tục được truyền từ ngàn đời xưa vẫn được người Việt trân trọng, giữ gìn và phát triển, như một mạch nguồn chảy mãi của văn hóa dân tộc. Đó là các phong tục: tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp, thờ cúng gia tiên trong mấy ngày Tết, xông đất hay đạp đất sau thời điểm giao thừa, xin chữ và cho chữ, mừng tuổi (lì xì)... Ngoài ra, dù nghèo hay giàu, sang hay hèn, hầu như nhà nào cũng sắm sửa chọn cây/cành đào, mai đón Tết.
Bàn thờ gia tiên là nơi an dưỡng tâm linh người Việt, có vị trí đặc biệt quan trọng. Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt xưa nay. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, với ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Thế nên, người Việt dù có đi đâu, làm gì thì ngày Tết cũng quay về quê cha đất tổ, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Cũng vì thế, bàn thờ ngày Tết trở thành trung tâm của ngôi nhà, trở thành góc xuân rực rỡ và thiêng liêng hơn cả. Trên bàn thờ đó có đủ cỗ bàn rượu thịt, hương, đăng, trầm, trà mà vị trí quan trọng là mâm ngũ quả, một trong những nét đẹp tâm linh của người Việt. Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn cả ý nghĩa về mặt tâm linh, hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.
Mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 màu sắc của ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa,Thổ 金, 木, 水, 火, 土, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh 富, 貴, 壽, 康, 寧 (Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên). (Cũng có thuyết nói “ngũ phúc” 五福 gồm: “thọ, phú, quý, an lạc, tử tôn chúng đa” 壽, 富, 貴, 安樂, 子孫眾多).
2. Năm nay là năm Quý Mão, năm con Mèo theo lịch 12 con giáp. Đây là loại lịch của cư dân Đông Nam Á cổ của nền văn minh nông nghiệp lúa nước chứ không phải gốc của Trung Hoa hay Ấn Độ như nhiều người nhầm tưởng. (Trần Quốc Vượng (2000): Lịch ta và nền văn hóa lúa nước cổ truyền in trong Văn hóa Việt Nam tìm tòi & suy ngẫm, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 338).
Mèo nhà (tên khoa học là Felis catus) là động vật có vú, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và chuyên ăn thịt, sống chung với loài người, được nuôi để săn vật gây hại hoặc làm thú nuôi cùng với chó.
Theo các nhà khoa học, mèo nhà đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm, và hiện nay chúng là con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới, có thể vì chúng sống sạch sẽ, ưa yên tĩnh, không cần nhiều không gian do chúng ít vận động, ngủ nhiều (trung bình 12 - 14 tiếng mỗi ngày), lại chuyên săn loài gậm nhấm như chuột, dán. Ở nước ta, mèo đi vào tục ngữ, thành ngữ, ca dao nhiều đến nỗi có người nói là mèo làm phong phú thêm ngôn ngữ nước nhà. Mèo cũng là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, mĩ thuật. Chẳng hạn các tác phẩm văn học viết về mèo như 2 bài thơ: Con mèo của Tú Mỡ, Vịnh mèo của Á Nam Trần Tuấn Khải, rồi truyện Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi hay bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh được Nguyễn Tiến Nghĩa phổ nhạc với những vần điệu đã nằm lòng nhiều thế hệ độc giả nhí...
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì.
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.
Đặc biệt nữa là tác phẩm quốc âm sớm nhất viết về mèo: bài Miêu - một bài thơ vịnh mèo đặc sắc của Nguyễn Trãi:
...Hơn chó được ngồi khi mặt bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây...
Trong âm nhạc, có nhiều bài hát thiếu nhi quen thuộc như Mèo con đi học, Rửa mặt như mèo, Ai cũng yêu chú mèo, Con mèo trèo cây cau, Vì sao con mèo rửa mặt... Nhất là bài hát vui nhộn của thiếu nhi Rửa mặt như mèo (tác giả Hàn Ngọc Bích) rất quen thuộc với nhiều thế hệ tuổi thơ.
Ở thời đại Internet bùng nổ, mèo có lẽ là một loài vật được yêu thích nhất. Hình ảnh mèo xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, trong những tấm ảnh, bức họa hay những thước phim với vẻ nghịch ngợm, ranh mãnh, hoặc ngộ nghĩnh đáng yêu. Mèo là một nguồn cảm hứng bất tận của hội họa ở nhiều nước từ Đông sang Tây và cả nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa bởi dáng vẻ quyến rũ, lả lơi, bên cạnh những đường nét tròn trịa xinh xắn của nó.
Theo tử vi, người cầm tinh con mèo (tuổi Mão) là những người thông minh, tốt bụng, nhiệt tình và có khả năng dễ thích nghi với môi trường, nhờ vậy thường nhận được sự yêu quý của mọi người. Đặc biệt, những người tuổi Mão có thể dốc hết sức mình để giúp đỡ người khác mà không màng đến lợi ích cá nhân.
Quê hương xứ Nghệ có 2 danh nhân lớn tuổi mão. Một là Nguyễn Thiếp (1723-1804), sinh năm Quý Mão. Ông là người làng Mật Thôn, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Là ẩn sỹ trên núi Bùi Phong, ông được vua Quang Trung mời ra chỉ đạo việc học trong nước. Ông làm Viện trưởng viện Sùng chính, chuyên biên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm. Ông còn theo lệnh vua chỉ đạo việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, thủ đô mới của Vương triều Tây Sơn. Hai là Phan Bội Châu (1867-1940), sinh năm Đinh Mão tại làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là chí sỹ yêu nước, lập hội Duy Tân để học việc cách tân đất nước, lãnh đạo phong trào Đông Du ở Nhật, thành lập Việt Nam quang phục hội ở Trung Quốc. Ông là tác giả của những câu thơ dậy sóng, được người đương thời suy tôn là bậc hay chữ nhất nước, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá là "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng" (Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu).
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý Mão 2023)
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511627
2290
2336
22001
218500
121356
114511627