Xứ Nghệ ngày nay

Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Vua Mai

Khu lăng mộ Vua Mai trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt - Đền thờ Vua Mai Hắc Đế. Ảnh: Huy Thư

Cụm di tích Vua Mai, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt - Đền thờ Mai Hắc Đế, là nơi duy nhất trên địa bàn cả nước tôn thờ, tưởng niệm Mai Hắc Đế - vị hoàng đế thứ 2 (sau Lý Nam Đế) trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc dám xưng "đế" - ngang hàng với các vị vua ở phương Bắc. Các di tích này đã và đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị.

Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

Mai Thúc Loan sinh vào năm Canh Ngọ (670) tại thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Sa Nam, Châu Hoan (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Cha của Mai Thúc Loan là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc Lộc Hà, Hà Tĩnh, lưu lạc sang vùng Nam Đàn, Nghệ An.

Mai Thúc Loan mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 10 tuổi và được người bạn của cha là Đinh Thế đem về nuôi, sau gả con gái là Ngọc Tô cho. Sinh thời, Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi đô vật, học rất giỏi và có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông trang, nhờ đó "gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông". Nhờ chí du ngoạn lại được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết thân với nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới lá cờ của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, sống giữa cộng đồng những người nông dân lam lũ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, Mai Thúc Loan đã sớm có ý thức đứng lên chống lại chính quyền đô hộ, cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Từ khát vọng đánh giặc cứu nước, giúp dân lại được các nghĩa sỹ hưởng ứng, Nhân dân khắp nơi ủng hộ, Mai Thúc Loan đã tổ chức xây dựng lực lượng, dựng thành đắp lũy, chuẩn bị binh mã chờ thời cơ tiến hành khởi nghĩa.

Năm 713, từ đất Hoan Châu, Mai Thúc Loan lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa và nhanh chóng giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, Mai Thúc Loan thiết lập vương triều, xưng Mai Hắc Đế, xây dựng bộ máy chính quyền tự chủ, tiếp tục chiêu tập binh sĩ nhằm mở rộng phạm vi khởi nghĩa. Khi chiêu tập được đông đảo binh sĩ, xây dựng thêm căn cứ và ổn định tình hình ở Hoan Châu, Mai Hắc Đế tiến quân ra Bắc, tấn công phủ thành Tống Bình (thuộc Hà Nội nay), làm cho quan quân nhà Đường ở đây phải tháo chạy về nước. Trong vòng 10 năm (713 - 722), cuộc khởi nghĩa từ Hoan Châu dần mở rộng phạm vi và phát triển về lực lượng, không chỉ lôi cuốn Nhân dân trong vùng mà còn liên kết với nhiều địa phương khác tham gia (theo sử sách Trung Quốc chép thì Mai Hắc Đế tập hợp được dân chúng ở 32 châu, số lượng lên tới 40 vạn người). Kết quả là Nhân dân ta giành được độc lập. Đất Hoan Châu xuất hiện vương triều tự chủ của người Việt với thành Vạn An (thuộc Nam Đàn nay) được xem là quốc đô.

Năm 722, khi nhà Đường dẹp xong các thế lực nổi loạn ở trong nước, chúng có điều kiện tập trung lực lượng, điều quân tràn sang trấn áp khốc liệt. Khởi nghĩa Hoan Châu bị đàn áp, vương triều họ Mai theo đó cũng kết thúc.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu tuy thất bại nhưng có một vị thế vô cùng quan trọng trong lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc cũng như trong quá trình dựng nước, mở nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Khởi nghĩa Hoan Châu là bằng chứng lịch sử hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt, khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta, đồng thời thể hiện khí phách anh dũng¸không cam chịu sự áp bức ngoại bang của Nhân dân ta.

Năm 723, Mai Thúc Loan mất. Người dân lập đền thờ ông trên núi Vệ Sơn, thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay, khu di tích tưởng niệm Mai Hắc Đế nằm ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Vua Mai

Cụm di tích liên quan đến Vua Mai ở Nam Đàn gồm các công trình: Khu lăng mộ, Đền thờ Mai Hắc Đế, khu lăng mộ mẹ vua Mai, đình Khả Lãm,...

Trước kia, đền thờ vua Mai là một ngôi đền nhỏ với kiến trúc đơn giản được người dân xây dựng. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đền được xây dựng lại với quy mô lớn, gồm 3 tòa kiểu chữ Tam và được tu sửa nhiều lần vào các năm: 1836, 1854, 1868, 1871, 1963... Năm 1968, trong một trận bom ác liệt của đế quốc Mỹ, đền thờ bị sụp đổ hoàn toàn. Nhân dân đã thu gom các cấu kiện kiến trúc và đồ tế khí còn lại để đi gửi. Năm 1990, chính quyền và Nhân dân địa phương đã bỏ công, bỏ của để phục hồi lại di tích.

Lăng mộ mẹ Vua Mai nằm ở núi Giẻ, thuộc làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái. Cách núi Giẻ khoảng 4 km, trong thung lũng Hùng Sơn, gần sông Lam là khu lăng mộ Vua Mai được xây dựng theo phong cách "tiền miếu hậu mộ". Đình Khả Lãm ở khối Hùng Sơn, gần bờ sông Lam, nơi từng là trung tâm hậu cứ Hùng Sơn của nghĩa quân Mai Thúc Loan trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường. Đây là một công trình kiến trúc cổ có bề dày lịch sử, không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn là nơi thờ Vua Mai.

Để tưởng nhớ công ơn vua Mai, hàng năm, tại đền thờ Vua Mai, người dân địa phương vẫn duy trì các kì lễ từ nguyên xưa như ngày giỗ Mai Hắc Đế (17/9 âm lịch), khai xuân (Rằm tháng Giêng), Thanh minh (trong tháng 3 âm lịch), Tết Đoan dương (5/5 âm lịch), Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), lễ Thường tân (trong tháng 10, bắt đầu mùa gặt), lễ Lạp nghi (25/12 âm lịch). Đặc biệt, Lễ hội đền Vua Mai được tổ chức từ ngày 13-15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức độc đáo, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương tới tham quan, bái lễ.

Quần thể Di tích Vua Mai và Lễ hội đền Vua Mai là di sản vô giá khẳng định sự trường tồn của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, thân thế, sự nghiệp của Vua Mai trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Những di sản ấy luôn được huyện Nam Đàn cùng ngành Văn hóa và các cấp, các ngành liên quan, gìn giữ và phát huy.

Để từng bước tu bổ, nâng cấp và phục hồi các hạng mục công trình của di tích Đền thờ và Miếu mộ Vua Mai, năm 1996, huyện Nam Đàn phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã lập hồ sơ khoa học di tích và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2017, đền được trùng tu quy mô lớn, đến năm 2020 thì hoàn thành. Đền thờ với bố cục gồm 3 phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ những cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối. Cổng vào đền thờ vua Mai Hắc Đế gồm 6 trụ to lớn, vững chắc nhưng chỉ có một lối vào duy nhất. Trên chóp hai trụ chính có tượng kỳ lân, còn lại các trụ khác gắn búp sen. Xung quanh đền thờ có tường bao quanh, trang trí bởi các bức tượng quan võ đeo kiếm, ngựa hồng, tượng quan văn cầm quyển thư, ngựa bạch. Đền thờ hiện tại ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, cách khu miếu mộ khoảng 3 km. Khuôn viên Đền thờ Vua Mai được mở rộng, tạo không gian rộng rãi để thuận lợi trong việc bảo vệ và tổ chức các hoạt động lễ hội tại di tích.

2. Den tho vua Mai2

 Đền thờ Mai Hắc Đế

 Năm 2005, khu lăng mộ ở Núi Đụn đã được trùng tu với quy mô bề thế gồm các công trình: hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, nhà chờ, giếng miếu. Sau hậu cung là ngôi mộ Vua Mai được ốp đá, dựng bia, trên mộ phần là nhà che mộ theo kiểu thượng miếu hạ mộ. Để có không gian thoáng rộng tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao tại đây, cả một vùng thung lũng phía trước của di tích được cải tạo thành hồ nước và sân lễ hội, qui hoạch khuôn viên, xây kè bến sông phía trước, bảo vệ và trồng thêm nhiều cây xanh, cây ăn quả vùng đồi núi xung quanh, tạo thành một quần thể di tích - danh thắng gắn với du lịch sinh thái.

Năm 2000, mộ Thân mẫu Vua Mai ở núi Giẻ cũng được xây lăng thay cho ngôi mộ đất trước đây, trên ghép đá. Năm 2004, khu mộ được tạo khuôn viên đẹp đẽ như hiện nay nhưng vẫn giữ nguyên được vị trí nơi hài cốt của bà được an táng cách đây hơn 1.300 năm. Đây cũng là một điểm du lịch văn hóa - sinh thái khá hấp dẫn với Nhân dân và du khách.

3. Le hoi vua Mai

 Màn múa Rồng trong Lễ hội Vua Mai. 

Cũng từ năm 2000, lễ hội đền Vua Mai được phục hồi và từng bước phát triển với nhiều hoạt động: Lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ thả đèn hoa đăng và lễ tạ, cùng nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, kéo co,... Đặc biệt, trong những năm gần đây, Lễ hội đền Vua Mai được nâng lên một bước với nội dung ngày càng phong phú hơn, có sức lan tỏa lớn. Huyện Nam Đàn và ngành Văn hóa đã chú trọng bảo tồn và phát triển theo hướng chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc trong lễ hội, đề cao các giá trị văn hóa tâm linh, ổn định các nghi thức tế lễ, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu và xây dựng thêm các yếu tố văn hóa mới phù hợp. Nhiều hoạt động hội gắn với các tích trò liên quan đến nhân vật Mai Hắc Đế và phù hợp với văn hóa truyền thống ở địa phương đã được đưa vào lễ hội, như: hội vật, leo núi, thi hát dân ca, văn nghệ quần chúng, hội trại, thi làm cỗ xôi gà, thi người đẹp Sa Nam, thi đấu bóng đá/bóng chuyền. Đặc biệt, hội đua thuyền trong lễ hội đền Vua Mai gần đây đã thu hút được nhiều huyện, thị lân cận cùng tham gia, như: Hưng Nguyên, Thanh Chương, và thị xã Cửa Lò. Có năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn phối hợp với huyện tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu tại sân đền, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách thơ và công chúng yêu thơ... Tại lễ hội còn trưng bày, bán các sản vật của địa phương phục vụ du khách.

4. Trung bay

Trưng bày, bán các sản vật của người dân Nam Đàn tại lễ hội đền Vua Mai. Ảnh: Ngọc Mai

Công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội đền Vua Mai được địa phương và ngành Văn hóa quan tâm đẩy mạnh, qua đó đã huy động được nhiều nguồn lực trong Nhân dân cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội. Các ấn phẩm văn hóa về Mai Thúc Loan và Khởi nghĩa Hoan Châu, về lễ hội đền Vua Mai, về du lịch Nam Đàn,... được in và phát hành rộng rãi, giúp Nhân dân và du khách hiểu thêm về vùng đất Nam Đàn "địa linh nhân kiệt"; ghi nhớ công ơn và sự hi sinh cao cả của Mai Thúc Loan cùng các dũng tướng của ông cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các trường học trong vùng cũng tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại di tích. Tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc". Tên ông (Mai Hắc Đế) còn được đặt cho các con đường, khu dân cư, trường học ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và một số địa phương khác.

5. Dang huong mo vua Mai

Lãnh đạo huyện Nam Đàn dân hương tại mộ Vua Mai. Ảnh: Ngọc Mai

Tại các điểm di tích, từ xưa đến nay, việc hương khói cho các vị thần luôn được người dân, chính quyền địa phương cũng như ngành Văn hóa chăm lo chu đáo. Các hoạt động tế lễ, hội hè ngày càng được bồi đắp, được bổ sung phong phú. Đây là minh chứng cho sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa, làm dày và giàu thêm truyền thống văn hóa của vùng đất cổ.

Đền thờ vua Mai Hắc Đế đã được xếp hạng là "Di tích quốc gia đặc biệt" (Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 19 tháng 12 năm 2022). Điều này càng khẳng định giá trị của Di tích gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu chống xâm lược nhà Đường đầu thế kỷ VIII, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị công trình văn hóa tâm linh này ngày một tốt hơn. Trên hành trình xây dựng Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, tin rằng cụm di tích về vua Mai và lễ hội đền Vua Mai sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434833

Hôm nay

2104

Hôm qua

2349

Tuần này

21483

Tháng này

211881

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434833