Những góc nhìn Văn hoá

Những nghiên cứu của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế về các nhân vật lịch sử Văn hoá Việt Nam

BBT: Tưởng nhớ 10 năm ngày mất của Nhà giáo ưu tú, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (1954 - 2013) - Cố chủ nhiệm Khoa Lịch sử, trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, (Đại học Quốc gia Hà Nội), Văn hoá Nghệ An xin được trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Quang Hà (Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) nhìn lại một vài khía cạnh về những đóng góp của nhà Sử học Nguyễn Hải Kế đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

PGSTSKH. Nguyễn Hải Kế

TSKH. NGUT. Nguyễn Hải Kế, sinh ra trong một gia đình bố làm nghề dạy học, mẹ là một nông dân nhưng yêu chữ Hán và rất trọng học thức. Quê ông ở xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Cuộc đời của nhà sử học Nguyễn Hải Kế gắn bó mật thiết và liên tục (hơn 40 năm) với Khoa lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN). Lĩnh vực nghiên cứu mà ông theo đuổi, dành nhiều tâm sức cũng như thành tựu để lại trên hai phương diện chính: Nghiên cứu về làng xã, về nông thôn Việt Nam thời trung đại và nghiên cứu về lịch sử - Văn hoá Việt Nam.

Trong công trình: “Nguyễn Hải Kế với Lịch sử và Văn hoá Việt Nam”, Nxb Thế giới, 2014, 691 trang, phần cuối sách, các đồng nghiệp, học trò của Thầy đã sơ bộ lập Thư mục các công trình nghiên cứu của PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế với số lượng 110 công trình. Trong đó, phân theo các chủ đề sau: Về nhân vật lịch sử chiếm số lượng nhiều nhất: 26 bài (23%); Về lĩnh vực Khu vực học: 23 bài (20%); Nghiên cứu về làng xã Việt Nam gồm 14 bài (12,7%); Về lĩnh vực giáo dục gồm: 7 bài (6%); Nghiên cứu về lễ hội và kinh doanh mỗi lĩnh vực 5 bài (4,5%); Các vấn đề khác như Sử liệu, chống ngoại xâm, văn học, dân tộc học…: 30 bài (27%); Trong tập sách: “Nguyễn Hải Kế với lịch sử và Văn hoá Việt Nam” mới tập hợp để tuyển chọn in 49 bài trong tổng số hơn 100 công trình khoa học đã công bố. Như thế, nếu tuyển chọn các bài viết trên các tạp chí, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế của PGS Nguyễn Hải Kê thì số lượng có lẽ cũng đến khoảng 2.000 trang sách. Ngoài ra, đó là chưa kể đến những tập Luận án dày dặn như: Luận án PTS: “Kết cấu kinh tế của làng Việt cổ truyền ở châu thổ Bắc Bộ, Matxccơva (Nga), bảo vệ năm 1992, dung lương 245 trang; Luận án TSKH: “Làng Việt cổ truyền (kết cấu kinh tế - văn hoá – xã hội), Bảo vệ năm 1996, dày hơn 414 trang được bảo vệ ở Matxccơva (tiếng Nga) … và các công trình nghiên cứu Đề tài cấp bộ, Đề tài cấp nhà nước… do ông viết riêng và chủ biên sau khi về nước từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX cho đến khi tạ thế.

Trong bài viết nhỏ này, tôi xin được điểm qua một số đóng góp của PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế qua các nghiên cứu về các nhân vật lịch sử - văn hoá Việt Nam; Chúng tôi đã thống kê bước đầu được 26 công trình khoa học trên lĩnh vực này và phân chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn đầu, khi Nhà khoa học trẻ Nguyễn Hải Kế đang nghiên cứu và học tập bên Nga và giai đoạn sau khi ông đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (sau này gọi là Tiến sĩ Khoa học), sau 1996.

Khi ở bên Nga, ông đã viết về những nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX khi xuất ngoại qua các bài viết: “Từ những người Việt Nam ra nước ngoài thuở trước”, (Đất nước, Matxcowva (Liên xô), 1989); “Nước Nga trong con mắt của Nguyễn Trường Tộ”, 1990; Trong giai đoạn sinh sống và học tập ở Nga, TSKH. Nguyễn Hải Kế như thu hoạch và đồng cảm được với các nhân vật như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ… của hơn một thế kỷ trước trong điều kiện “nhìn từ bên ngoài”.

Giai đoạn cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế về nước giảng dạy và nghiên cứu, ông say mê tìm hiểu nhiều nhân vật lịch sử Việt Nam thời cổ - trung đại. Tuy nhiên, những nghiên cứu mang tính bứt phá và số lượng các bài viết về các nhân vật lịch sử - văn hoá Việt Nam phải kể đến những năm 2000 trở đi.

Nhân vật thời trung đại mà ông đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu (xếp theo thời gian lịch sử) như: Về những đáng phi thường trong triều đình Hoa Lư (979- 980); Lê Hoàn; Khuông Việt; Lý Công Uẩn (3 bài), Nguyễn Trung Ngạn (2 bài); Đoàn Nhữ Hài; Nguyễn Trãi; Ngô Sĩ Liên; Phan Liêu; Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trịnh Cương; Nguyễn Nghiễm; Gia Long và Minh Mạng, Hoàng Ngũ Phúc, Đặng Xuân Bảng, Cao Xuân Dục; hay một số nhân vật viết chung thành tiêu đề: Những gương mặt tuổi trẻ Thăng Long – Hà Nội (Tạp chí Thăng Long – Hà Nội ngàn năm, (2004); Ngoài các nhân vật lịch sử, PGS. Nguyễn Hải Kế còn nghiên cứu về nhân vật truyền thuyết: Thánh Gióng. Qua việc phân tích, lý giải hình tượng Thánh Gióng, giúp cho người đọc nhận thức sâu sắc hơn một lần nữa về lòng yêu nước, về tinh thần đại đoàn kết dân tộc trước nguy cơ của ngoại bang suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Trong nghiên cứu, bao giờ ông cũng đặt trong một bối cảnh để lý giải nêu ra được những bài học hữu ích đối với thời đại và hiện nay; Đó là các bài viết: “Nền tảng chính trị - xã hội Đàng Ngoài đầu thế kỷ XVIII đối với cải cách của Trịnh Cương”, in trong Trịnh Cương cuộc đời và sự nghiệp; “Nguyễn Nghiễm và yêu cầu canh tân giáo dục cuối thời Lê – Trịnh” in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: “Tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Nghiễm - con người và sự nghiệp”; về Đặng Xuân Bảng; về Cao Xuân Dục…;

Trong bài: “Bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (Kinh nghiệm lịch sử) có đoạn viết: “Vua Trần mời các vị bô lão mọi miền về điện Diên Hồng, và đặt trước đại biểu của trăm họ, ngàn làng - như đặt, trao trước chính các đại thần, câu hỏi: “Nên hàng hay nên đánh?”. Những hành động ấy không chỉ đơn giản là biểu hiện của GẦN DÂN, THÂN DÂN nữa, mà cao hơn cả là TIN DÂN![1]… cuối bài viết, nhà Sử học Nguyễn Hải Kế đã kết luận:…. “Tất cả hững điều ấy hẳn không chỉ để cho non sông Đại Việt vững âu vàng qua muôn trùng gian khổ của riêng cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII, XV, XVIII; mà còn là những chặng đường lịch sử sau này của dân tộc Việt Nam”. Hay, trong phần kết luận bài viết: “Câu hỏi của Lê Lợi năm 1428 và triều đình Lê Sơ trong giai đoạn 1428 – 1459 (Bài học thời Hậu chiến), viết: “Không phải cứ vượt qua được thử thách của chiến tranh thì phía trước là đường rộng thênh thang ta bước. Thử thách trong hoà bình đâu phải chẳng gian lao!. Đội ngũ đã từng kết tinh và thăng hoa những tâm, trí, lực của cả quốc gia, dân tộc để làm nên làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm lũ giặc Minh cướp nước, lại không còn thống nhất trong đội hình, ý chí, mưu lược và phương sách để canh tân đất nước. Ngược lại, lại bị chia rẽ, huỷ hoại bằng bè phái, vây cánh, hối lộ, tham nhung nhũng… từ sau ngày về Đông Kinh”[2]. ..

Những lời nhận xét của nhà sử học Nguyễn Hải Kế về phương hướng, con đường kiến thiết, xây dựng quốc gia sau khởi nghĩa Lam Sơn của triều đình nhà Lê vẫn là một bài học hậu chiến mang nhiều giá trị, thời sự cho công cuộc xây dựng đất nước của thế kỷ XXI hôm nay!.

Không thể trích dẫn một vài đoạn mà cần phải đọc một cách tỉ mỷ, nghiêm túc, qua đó thấy được những dẫn chứng sử học mà Nhà Sử học Nguyễn Hải Kế đưa ra là xác đáng và nó chứa đựng biết bao sự chiêm nghiệm, từng trải trong nghề, trong đời và qua những trang sách giàu tính học thuật!.

Với các nhân vật lịch sử - văn hoá thế kỷ XX, ông dành sự quan tâm đến các nhà khoa học xã hội và nhân văn tiêu biểu như: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn… ông đều có những bài viết tâm huyết và chỉ ra những phương pháp phù hợp và chuẩn mực để nghiên cứu và tiếp nối, nêu gương. Sự tiếp nối và trân trọng ấy thể hiện qua những ghi chú hoặc phương pháp mà ông noi theo. Chẳng hạn, trước đây, GS Nguyễn Văn Huyên đã có nghiên cứu khá nổi tiếng: “Về một bản đồ phân bố các thành hoàng trong tỉnh Bắc Ninh – Bắc Kỳ”, (năm 1941). Bằng phương pháp bản đồ học và thống kê, nhà Dân tộc học Nguyên Văn Huyên đã chỉ ra, ở khu vực trũng lại nằm trong khu vực Lục Đầu Giang – nơi hợp lưu của những con sông nên thường xuyên bị ngập nước và vỡ đê nên trong tâm thức của người dân nơi đây luôn cần đến sự giúp đỡ nhiệm mầu của thuỷ thần. Vì thế, địa bàn các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành thường xuyên thờ nhiều thuỷ thần và thần Thiên nhiên. Cũng theo hướng nghiên cứu này, bằng phương pháp định lượng, số liệu rất công phu, nhà sử học Nguyễn Hải Kế đã nghiên cứu trên một phạm vi quy mô hơn với 90 huyện trên hầu khắp các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và đã chỉ ra, (bổ sung thêm) một cách thuyết phục về tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam ở Đồng Bằng Bắc bộ thường gắn liền với cảnh quan, môi trường, địa hình với các ô trũng ngập nước, nơi đồng bằng châu thổ và ven sông, ven các đồi núi thấp… Cũng tiếp thu phương pháp định lượng, thực chứng của các nhà sử học tiền bối như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên…. trong các nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Hải Kế ngồn ngộn các tư liệu thống kê, định lượng như toán học nên rất thuyết phục… Về phía người đọc và theo dõi cũng cần phải trang bị cho mình một tri thức nhất định.

Như trên đã đề cập, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế sinh thời đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam trong đó có việc nghiên cứu về các nhân vật lịch sử - văn hoá. Với những hoạt động sôi nổi trong công tác Đoàn từ tuổi thanh xuân cùng Thành đoàn Hà Nội, Đoàn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế đã đồng thời dấn thân trên con đường khoa học cho đến khi ông từ tạ cuộc đời. Ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của GS.NGND. Phan Đại Doãn và GS. Trần Quốc Vượng. Đọc các bài viết, công trình của ông bao giờ cũng thấy một phong cách, một bút pháp riêng biệt!. Đọc để hiểu cặn kẽ các công trình nghiên cứu của ông cũng phải có một cách đọc!.

Viết về những công lao và đóng góp của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế có lẽ cần phải có thời gian và đầu tư nhiều công sức, trong một bài viết ngắn, e rằng vẫn còn nhiều điều chưa thể đề cập… Để kết thức bài báo nhỏ này, nhân tưởng nhớ 10 năm ngày mất của ông, tác giả bài viết xin được trích dẫn Lời giới thiệu của GS.NGND. Phan Đại Doãn cho tập sách Nguyễn Hải Kế với lịch sử và văn hoá Việt Nam có viết: “Cái tạo nên ấn tượng Nguyễn Hải Kế trong nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam không phải ở số lượng công trình, bài viết được công bố, mà là ở sự tìm tòi, phát hiện, đôi khi ngay tại chính những điều tưởng chừng như ai cũng biết cả rồi và đã có nhiều người làm rồi. Những tìm tòi, phát hiện đó có khi rất cụ thể nhưng lại trở thành những luận đề lớn, những định hướng nghiên cứu lâu dài (…). Sau cùng, gạt bỏ tất cả những lời biểu cảm có tính chất cá nhân, sách này là ấn phẩm khoa học của một nhà sử học – nhà giáo trung thực, trách nhiệm với nghề, hết lòng với người, với đời”[3].

Hoàng thành Thăng Long

Đầu xuân Quý Mão (2023).

Nguyễn Quang Hà

 


[1] Nguyễn Hải Kế với lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Nxb Thế giới, 2014, tr 246;

[2] Nguyễn Hải Kế với lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Nxb Thế giới, 2014, tr 121;

[3] Nguyễn Hải Kế với lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Nxb Thế giới, 2014, tr 10;

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511620

Hôm nay

2283

Hôm qua

2336

Tuần này

21994

Tháng này

218493

Tháng qua

121356

Tất cả

114511620