Những góc nhìn Văn hoá

Vai trò, quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam theo quan điểm của Hồ Chí Minh

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta đã tiến một bước dài chưa từng có. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người chiến sĩ tiên phong đã đưa ra những quan điểm sâu sắc, toàn diện và triệt để, khẳng định vai trò, quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lao động nữ của Nghệ An trong các doanh nghiệp. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An

Tầm quan trọng của phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng và đánh giá cao vai trò to lớn, tầm quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và thực tiễn cách mạng, Người khẳng định: phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất quan trọng, sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”[1]; “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[2].

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[3]. Điều này cũng được Người nhấn mạnh trong tác phẩm Lịch sử nước ta: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường, Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”[4]. Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966): “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”[5].

Với cách nhìn toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ.

Tạo dựng và nâng cao giá trị cho phụ nữ ở Nghệ An. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An

Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 02/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”[6]. Trong bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”[7]. Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”[8].

Nam nữ bình đẳng

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề bình đẳng nam nữ thông qua việc kiên quyết phản đối “đa thê” của chế độ cũ. Vì vậy, từ rất sớm, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản vào cuối năm 1924, Người khẳng định: “Sở dĩ tôi phản đối đa thê vì nó cản trở giải phóng phụ nữ An Nam”[9]. Tiếp đó, trong Báo cáo gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người đã đặt vấn đề và mong muốn được thành lập tổ chức riêng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sự tiến bộ của phụ nữ: “Chúng tôi có thể tổ chức Hội phụ nữ được không, như Hiệp hội giải phóng phụ nữ (cho phụ nữ tiểu tư sản và tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong làng? Công nhân trong nhà máy xe lửa)”[10].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tất yếu phải thực hiện bình đẳng nam nữ là xuất phát từ mục tiêu và tính chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; đó là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để nhằm thực hiện mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, trong đó có phụ nữ; đồng thời cũng là giải quyết vấn đề lực lượng (động lực) cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Người cho rằng: “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[11].

Người chỉ rõ, thực hiện nam nữ bình quyền là một nguyên tắc và điều kiện tiên quyết để xây dựng cơ sở xã hội của Đảng; vì vậy, ngay sau khi Đảng ta được thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Đảng ta đã chủ trương: “Nam nữ bình quyền”[12]. Nhất quán quan điểm này, trong Lời kêu gọi, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, Người kêu gọi: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: … 10) Thực hiện nam nữ bình quyền”[13]. Tư tưởng này cũng được xác định là chương trình thứ 6 của Việt Nam độc lập đồng minh, Mục A - CHÍNH TRỊ của Chương trình Việt Minh có viết: “6. Nam nữ bình quyền”.

Không chỉ coi trọng sự bình quyền nam nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Ngày 9/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Người căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho Nhân dân ta, cho con cháu ta”[14]

Xác định một trong những nội dung quan trọng của công tác phụ nữ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3/1960), Người nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ "nam nữ bình đẳng" và luật lấy vợ lấy chồng, v.v… đều nhằm mục đích ấy”[15]. Báo Nhân Dân, số 3199, ngày 28/12/1962 có đăng bài viết của Người “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ” dưới bút danh T.L., trong đó có đoạn viết: “Ngày xưa, Bà Trưng, Bà Triệu, đã phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân. Trong lịch sử của dân tộc ta nhất là những thời kỳ cách mạng và kháng chiến, phụ nữ đã rất dũng cảm. Hiện nay, phụ nữ đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam. (…). Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phụ nữ đã được giải phóng. Hiến pháp đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ. Luật Hôn nhân và gia đình đã công bố rõ ràng…”[16].

Quan tâm sâu sắc tới phụ nữ, Người luôn đấu tranh để phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Trong bài nói với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, ngày 1/1/1967, Bác nhắc nhở: “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”[17].

Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Bên cạnh khẳng định vai trò to lớn, quyền bình đẳng và có những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, Người còn chỉ ra nhược điểm của phụ nữ, bày tỏ sự cảm thông và hướng dẫn cách khắc phục. Tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc ngày 1/8/1960, Bác nói: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”[18].

Để phát huy vai trò của phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác căn dặn: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật (…) Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[19]. Trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi và động viên: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước” (…) Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[20].

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”[21], kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, phát triển hiện nay, lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, ngày càng có nhiều phụ nữ phấn đấu trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong thời gian qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ…

Có thể khẳng định, hơn 93 năm qua, vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Đảng luôn nhấn mạnh phụ nữ là một lực lượng quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng và các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Mục tiêu giải phóng phụ nữ là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, làm tốt nhiệm vụ tập hợp đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng với mọi tầng lớp phụ nữ; tích cực tham gia các hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong mọi mặt đời sống xã hội và trên trường quốc tế.

Có thể tự hào rằng, không chỉ giữ vị trí quan trọng trong gia đình, phụ nữ Việt Nam còn có vai trò vô cùng quan trọng trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đất nước. Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 313.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 315.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 340.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 260.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 172.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 752.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 310.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 172.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 507.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 61.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 300.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 1.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 22.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 60-61.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 507.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 523.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 260.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 640.

[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 59.

[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 507.

[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 639.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510950

Hôm nay

2308

Hôm qua

2347

Tuần này

21324

Tháng này

217823

Tháng qua

121356

Tất cả

114510950