Người xứ Nghệ

Nhà thơ thương binh Hoàng Cát

 

Một chiều tháng 7, nhấc điện thoại, nghe giọng “mi tau” bổ bã mà thân thiết, đã biết ngay là Hoàng Cát.

- Đang ở mô đó?

- Đang ở nhà H.K.L. đây.

- Lại vào làm phim nữa à? Có người đẹp của Đài Truyền hình đi cùng không?

- Đừng có nói linh tinh. Vợ tau đang ngồi cạnh đây. Tau vừa in xong “Tuyển tập”, đem vô tặng các bạn Huế đây.

Hoàng Cát hẹn sẽ cùng bà vợ sang nhà tôi, nhưng bạn chỉ còn một chân, mình đến gặp bạn là phải đạo. Hai năm trước, cũng vào một ngày tháng 7, Hoàng Cát vào Huế với tư cách là nhân vật chính trở lại chiến trường cũ trong bộ phim do Đài Truyền hình Trung ương VTV thực hiện nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Hoàng Cát quê Nam Đàn (Nghệ An), nhập ngũ năm 1965 - cũng lại nhằm một ngày của tháng 7 - vào chiến trường Trị Thiên cho đến lúc bị trúng bom B.52 giập nát hẳn bên chân trái (năm 1969). Không phải đợi đến lúc “được lên ti-vi” trong ngày kỷ niệm 27/7, Hoàng Cát mới trở lại chiến trường xưa thăm những đồng đội và ân nhân đã bao bọc mình trong gian khó và lửa đạn. Những năm qua, hầu như mỗi lúc có tập thơ được xuất bản, anh lại lên tàu vào Huế. Chẳng phải là anh đi “khoe” thơ mà anh đi theo sự dẫn dắt của tâm linh, của lòng tri ân. Anh dâng thơ cho hồn đất, hồn những đồng đội đã chết cho anh sống: “Trái tim tôi là một nấm mồ / Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa / (Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh) / Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi / Địch xả liên thanh, Linh nát người ... / Tôi đã chôn cất biết bao bè bạn / Giữa trái tim tôi , giữa tuổỉ trẻ đời tôi…” (Trích bài “Trái tim tôi là một nấm mồ” của Hoàng Cát). Chuyến vào làm phim, mặc cho trời nắng như đổ lửa, mặc cho phải đeo cái chân giả nặng chịch, anh đã trèo lên Nghĩa trang huyện Phú Lộc trên đồi cao, rồi ra Quảng Điền, Phong Điền… Tôi không có dịp đi theo anh trong hành trình “về nguồn” gian khổ này, nhưng chỉ qua một cảnh anh đi vào ngõ căn nhà bạn văn H.K.L., cô đạo diễn xinh đẹp chẳng “kiêng nể” gì “chú thương binh” lưng áo đã đẫm mồ hôi, cứ nghiêm ngặt theo “chuẩn” nghề nghiệp, bắt anh “diễn” lại đến 3 lần, cũng hình dung được sự vất vả khi anh trèo đến cả trăm bậc để lên Nghĩa trang Phú Lộc - với Hoàng Cát, đó cũng gần như là một “cuộc chiến đấu” sinh tử. Chỉ mấy tháng trước, anh truỵ tim suýt chết bên một đường phố Hà Nội…

Lần này, trở lại Huế, “gánh nặng” của Hoàng Cát lại là những cuốn “Tuyển tập thơ”, NXB Hội Nhà văn vừa cho ra lò (Tháng 6/2009). Cuốn sách thật nặng vì in bìa cứng trang trọng, dày trên 500 trang. Còn “nặng” hơn cả trọng lượng vật chất ấy là tình yêu cuộc đời, yêu người, yêu cả “đống rác to che một phía gió lùa”“cây nhãn còm nhom cho ta ngồi tựa gốc” (Trích bài “Cảm ơn vỉa hè” – thơ Hoàng Cát) trong hơn chục năm người thương binh cay đắng bị gạt ra lề đường kiếm miếng ăn vì “Nghi án văn chương Cây táo ông Lành”. Bây giờ thì đã có thể nói rõ ra như thế vì chính tờ báo “An ninh thế giới cuối tháng ” (số tháng 7/2003) của Bộ Công an đã dành cả trang to thuật lại “chuyện xưa”. Nhưng hình như rất nhiều người chưa có dịp đọc nguyên bản truyện “Cây táo ông Lành” và nhất là những lời lẽ “ai đó” nhân danh “một cái gì đó” đăng trên một tờ Tạp chí có uy nhất nước “đánh” cho nhà thơ - thương binh suốt mười mấy năm không ngóc đầu lên nổi. Bây giờ thì thiên hạ có thể tìm thấy những “của hiếm” ấy trong “Tuyển tập thơ” Hoàng Cát.

“…Một truyện ngắn viết về thiếu nhi đăng trên tuần báo “Văn nghệ” trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết theo kiểu “biểu tượng hai mặt”, truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta… Truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh, mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng, có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước…”

Một đoạn trong bài xã luận của tờ Tạp chí rất uy quyền ấy đã viết như thế trong số ra tháng 11/1974.

Trên chiếc bàn nhỏ bên hiên nhà nữ sĩ H.K.L., chủ nhân đã mở chai rượu ngon và dọn món chè bắp đãi khách, nhưng chúng tôi đều đang lật mở cuốn “Tuyển tập” và dừng xem chăm chú những lời kết án gang thép kia. Đến lúc xem chừng chúng tôi đều đã đọc xong, chị Tâm (vợ Hoàng Cát) bỗng thốt lên:

- Khiếp lắm! Các anh chị không tưởng tượng nổi đâu! Không khác chi án tử hình...

Tròn 35 năm đã qua, kể từ ngày đó mà giọng chị Tâm vẫn còn phảng phất nỗi sợ hãi.

Thế truyện “Cây táo…” viết những gì mà “ghê gớm” vậy? Văn chương có khi đọc nguyên bản mà còn bị hiểu lầm, nên mấy dòng tóm tắt sau đây chắc chắn là chưa đầy đủ: Chuyện viết về mấy em nhỏ đi lối tắt đến trường qua vườn ông Lành để nhặt táo rụng, rồi một em lỡ ném hòn đất đúng đầu ông phải bỏ chạy và phao tin trên đó có đầu lâu (thực ra là một tổ kiến). Thế là lũ trẻ không dám đi tắt, nhặt táo rụng nữa. Ông Lành buồn quá, nên phải sang lớp nói rõ nguyên nhân, rồi nhường cả nhà cho cô mở lớp học … Nhà thơ Vương Trọng, bạn đồng hương, đồng lớp Bồi dưỡng sáng tác Hội Nhà văn mở năm 1972 với Hoàng Cát, một biên tập viên kỳ cựu ở Tạp chí “Văn nghệ quân đội”, trong bài viết đầu năm 2009 (cùng đăng trong “Tuyển tập…” này), sau khi nhắc lại “nghi án Cây Táo”, đã viết: “Bây giờ đọc lại câu chuyện này mà đáng buồn cho ấu trĩ một thời…”

Thật may là nhờ “Đổi Mới”, từ năm 1988, Hoàng Cát mới được ký tên thật trên các mặt báo. Nói vậy, tức là Hoàng Cát cũng có thời viết báo, viết văn “chui” như Phùng Quán. Có điều thú vị là người giúp Hoàng Cát mang tên giả lại là một biên tập viên ở báo “Nhân Dân” - tờ báo Đảng lớn nhất nước! Đó là nhà thơ Phạm Đình Ân, bạn cùng lớp Bồi dưỡng viết văn năm 1972. Ân tạo điều kiện cho Hoàng Cát đăng bài trên mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ”, tất nhiên với một tên khác, nhờ đó nhà thơ-thương binh của chúng ta có nhuận bút thêm vào những khoản tiền lẻ thu được khi bán-nước-chè-chén hay các “nghề” khác bên vỉa hè. (“…Nếu ngày đó có kẻ xấu bụng biết mà báo cáo lãnh đạo thì cuộc đời và sự nghiệp Phạm Đình Ân không biết rồi sẽ ra sao?” - Tác giả Huy Thắng đã viết như thế trên một bài đăng trong “Tuyển tập…”)

Thôi, tất cả đều là chuyện “ngày xưa” cả rồi. 35 năm đã qua. Trong cuộc đời mỗi con người cũng như mỗi tổ chức xã hội đều có thời “ấu trĩ”, đều có lúc ngộ nhận hoặc sai lầm. Tôi chợt nghĩ: Tác giả viết bài xã luận “gang thép” năm xưa, nếu lúc đó là 40 tuổi, thì nay đã thuộc hàng “cổ lai hy” và đương nhiên đã qua thời “ấu trĩ”, nhất là khi Đảng đã tuyên bố kiên quyết tiếp tục sự nghiệp “Đổi Mới”. Nghị quyết 23 của Bộ chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, còn chỉ rõ: “…khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật…” Nếu chẳng may có lớp người “ấu trĩ” khác nẩy sinh và cố tình không chịu thực hiện nghị quyết của Đảng thì “Nghi án Cây Táo…” nay “giấy trắng mực đen” còn rõ như ban ngày, cũng là một lời nhắc nhở có trọng lượng.

“Tuyển tập thơ” của nhà thơ- thương binh Hoàng Cát chính vì thế càng có sức nặng./.

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511536

Hôm nay

2199

Hôm qua

2336

Tuần này

21910

Tháng này

218409

Tháng qua

121356

Tất cả

114511536