Người xứ Nghệ

Những người Nghệ vào Huế rồi ra Thăng Long - Hà Nội


Dưới thời thực dân phong kiến xứ Huế là trung tâm chính trị, văn hoá, giáo dục của miền Trung (L’ Annam). ở đây đã hội tụ nhiều gia đình công chức của Nam triều. Con cái họ có điều kiện học lên cao. Gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) là một ví dụ. Nguyễn Tất Thành từ xứ Nghệ vào xứ Huế học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, đến năm học 1907 - 1908 thi đỗ vào trường Quốc học Huế.

Ngày nào đến lớp Nguyễn Tất Thành cũng trông thấy hai hàng chữ Pháp ở hai bên. Đó là câu: Une âme saine dans un corps sain (dịch: Một tâm hồn trong sáng trong một thân thể tráng kiện) còn hàng chữ nữa gồm 3 từ: Liberté - Égalité - pratermité. (dịch: Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Câu trên thì dễ hiểu đối với anh Thành, nhưng còn mấy khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái thì anh chưa hiểu hết nội dung, nên anh càng muốn đi sâu tìm hiểu nguồn gốc phát sinh và ý nghĩa sâu xa của nó. Thực tiễn cuộc sống nô lệ đã làm anh suy nghĩ những nghịch cảnh. “Tự do” sao chính phủ Pháp lại cấm tuyên truyền lòng yêu nước; bình đẳng sao lại có hiện tượng thằng Tây ngồi chễm chệ trên xe kéo bắt đồng bào mình còng lưng chạy bởi cái gậy của nó thúc liên tục sau lưng; “bác ái” là cái gì mà chúng xây nhiều nhà tù như vậy?... Nhân có vụ biểu tình của nông dân chống thuế, anh Thành đã tham gia, nhận làm phiên dịch những yêu sách của họ đối với chính quyền thực dân. Vì lý do trên, theo lệnh Pháp, nhà trường đã đuổi học anh. Nguyễn Tất Thành đi vào Phan Thiết kiếm sống bằng nghề dạy học ở trường Dục Thanh. Mùa xuân năm 1911, anh vào Sài Gòn rồi “từ thành phố này Người đã ra đi”, tìm hiểu các khái niệm: tự do, bình đẳng, bác ái... “Thủa đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tim ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ bến Nhà Rồng”... (trích văn bia Bến Dược).

Một cuộc hành trình sau 30 năm xa xứ, Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc, tác giả “Bản án chế độ thực dân Pháp”... Đến khi trở về đất Mẹ thì ông có họ và tên mới là Hồ Chí Minh, vừa là tác giả, vừa là người đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” nước Việt Nam tại quảng trường Ba Đình. Đây là cái đích đi đến của Người. Sau gần 160 năm. Thăng Long - Hà Nội mới trở lại với vị thế thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mở ra thời đại mới: thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại mà cả thế giới khâm phục.
Người xứ Nghệ vào Huế đi học dưới thời Pháp thuộc khá đông. Vì thời bấy giờ ở Nghệ Tĩnh không có trường để học lên cao hơn. Trường Quốc học Vinh (Collềg Vinh) chỉ dạy đến bậc Thành Chung (tương đương trình độ cấp II). Những ai có điều kiện muốn học lên bậc tú tài toàn phần (cấp III) thì phải vào Huế, một trong 3 nơi trên toàn cõi Đông Dương: Sài Gòn, Huế, Hà Nội mới có loại trường này. Nhiều người xứ Nghệ vào xứ Huế đi học lên bậc tú tài toàn phần, phải làm gia sư để có điều kiện ăn học. Trừ một số rất ít do học giỏi được cấp học bổng du học Pháp ra, số đông còn lại, sau khi đỗ tú tài, họ thi vào các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội, gồm nhiều ngành nghề có tên gọi chung: Đại học Đông Dương (về sau mới tách ra thành từng trường riêng như: Y dược, Luật, Sư phạm, Canh nông...). Sau cách mạng Tháng Tám, nhiều người được cử đi đào tạo ở nước ngoài và họ đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ... Số nữa do đã có trình độ khoa học cơ bản, lại có tinh thần tự học, tự nghiên cứu cao, nên lần lượt họ được Nhà nước phong chức danh giáo sư hoặc Phó giáo sư. Vì vậy, người viết bài này, muốn nêu danh tính những người làm nghề “thầy giáo” mà tôi biết. Để bạn đọc dễ hình dung, kẻ trước người sau, từ xứ Nghệ vào xứ Huế đi học, chúng tôi xin cung cấp độ tuổi của một số người, theo năm sinh.
Sinh từ 1910 đến 1915 có: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Thạc Cát.
Từ 1916 đến 1920 có: Nguyễn Thúc Tùng, Lê Khả Kế, Lê Duy Thước.
Từ 1921 - 1925: có Nguyễn Từ Chi, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Trương.
Từ 1926 đến 1930 có: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Cảnh Toàn, Phan Ngọc, Lê Sĩ Liêm, Đinh Ngọc Lâm, Hà Văn Mạo, Lê Khánh Bằng, Nguyễn Văn Hường, Hà Học Trạc, Nguyễn Đức Nam, Phạm Thành, Hoàng Kim Tịnh, Lê Kinh Duệ, Trần Đình Hượu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Dung...
Các Giáo sư xứ Nghệ đã có nhiều đóng góp cho nền khoa học - kỹ thuật của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều công trình nghiên cứu của họ, không chỉ có giá trị trong nước mà còn giá trị ở nước ngoài, trong đó có nhiều tác phẩm nghiên cứu công phu, nhiều giáo trình rất quý. Người xứ Nghệ từng học ở Huế, về sau được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau rất phong phú như: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Toán học, Vật lý, Hoá học, Sử học, Văn học, Sinh vật học, Triết học, Y dược học... Hầu hết họ đã nghiên cứu sâu vào các phân ngành cụ thể như: Ngôn ngữ học, dân tộc học, từ điển học, âm vị học, huyết học, da liễu, tiết niệu, u bướu, khảo cổ, văn học dân gian, tâm lý học, nhãn khoa, răng hàm mặt, tai mũi họng, di truyền học, Hán Nôm, tin học, giáo dục học... Các giáo sư người xứ Nghệ phần đông đã thể hiện tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh noi theo. Nhà báo Hàm Châu viết: “Nhà giáo nhân dân – giáo sư Nguyễn Thúc Hào không chỉ là người thầy của nhiều anh chị thuộc các thế hệ trước, cũng như các thế hệ sau”. Giáo sư Phan Đình Diệu đã viết về ông Nguyễn Thúc Hào người thầy dạy toán bậc đại học của mình, nhân ngày sinh nhật lần thứ 70 như sau: “Một tấm gương trong giữ vẹn tròn/ sá bao công lội suối trèo non/ Tay dù trắng, đẹp trời trong trắng/Lòng vẫn son, bền chí sắt son/Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn/Giờ vui mây nước, mảnh tình con/Đời còn sương bụi bao mờ tỏ/Xin mãi long lanh ánh nguyệt tròn”. Nói về sự ra đi về cõi vĩnh hằng của giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Hoàng Tuỵ đã ngậm ngùi: “Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ, người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông họ để lại. Thầy Bửu là người như thế đó”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội bác sĩ Trần Duy Hưng là người trực tiếp trang điểm trước khi khâm liệm giáo sư Tạ Quang Bửu đã nói: “Anh Bửu ơi! Anh là người thường ngày ghét tô son trát phấn, thế mà nay tôi phải trát phấn tô son cho Anh đây”! Một câu nói quả thật sâu sắc.
Tại thời điểm tôi viết bài này, thì trong số những giáo sư người xứ Nghệ kể trên có một số vị đã trở thành người thiên cổ, mà thể xác họ đã được chôn cất (địa táng hoặc hoả táng) trên đất Thăng Long - Hà Nội (mở rộng). Đó là các vị: Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thạc Cát, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Từ Chi, Hoàng Sử, Lê Duy Thước, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Thúc Hào, Trần Đình Hượu,...
Sự về cõi vĩnh hằng của các vị giáo sư trên, có người đã dùng hình ảnh “hạc vàng một đi không trở lại” một hình tượng văn học đậm nét văn hoá phương Đông. Nhân đây tôi muốn ghi lại đôi dòng tiểu sử của hai giáo sư mà ít người được biết.
1. Nhà giáo nhân dân - giáo sư Nguyễn Thạc Cát (1913 - 2002) ông quê ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Con phó bảng Nguyễn Thạc Tính. Tuổi thiếu niên cậu bé Cát rất tuấn tú, học giỏi và thông minh. Năm 14 tuổi cậu được cha mẹ đưa vào học ở Huế. Những ngày nghỉ học cậu cùng một số bạn thân rủ nhau lên Bến Nghị thăm và được gần gũi trò chuyện với cụ Phan Bội Châu. Tư tưởng yêu nước và lòng căm thù chế độ thực dân Pháp đã nhen nhóm trong lòng cậu, khiến cậu ra sức chăm học và quyết tâm học giỏi thành tài để sau này góp phần xây dựng đất nước. Sau khi đỗ tú tài toàn phần, năm 1941, anh ra Hà Nội thi đậu vào trường Đại học Khoa học. Cách mạng Tháng Tám thành công (1945) anh công tác tại Sở Khoáng Sản, phụ trách phòng thí nghiệm. Năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, anh rời Hà Nội về quê thăm gia đình một thời gian, sau đó anh đi bộ lên Việt Bắc, theo lời người bạn, anh tìm đến xưởng Quân giới, mong góp phần chế tạo vũ khí cho quân đội. Nhưng chỉ được ít lâu, tổ chức lại điều động anh về Phú Thọ, dạy Hoá ở trường trung học Kháng chiến Đào giã. Sau chiến thắng Cao - Bắc - Lạng, biên giới Việt Trung được mở rộng thành vùng giải phóng liên hoàn. Trung ương Đảng chủ trương mở trường đào tạo cho các thế hệ tương lai. Thế là ông được điều về dạy Hoá ở trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp ở Khu Học xá Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiền thân của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội sau này. Ông là người đặt nền móng xây dựng ngành Hoá phân tích cho trường đại học này từ khi mới thành lập và là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội Khoa học phân tích Hoá - Lý - Sinh của Việt Nam. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư và Nhà giáo nhân dân đợt đầu tiên. Nguyễn Thạc Cát vừa là tác giả, dịch giả nhiều giáo trình Hoá phân tích, do ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Dưới thời Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên, ông là một thành viên trong hội đồng duyệt sách giáo khoa phổ thông về môn Hoá. Ông rất được lãnh đạo Bộ tin cậy - Cuốn sách giáo khoa môn Hoá học nào, nếu chưa có sự đồng ý của ông ký vào phiếu duyệt, thì cán bộ biên tập Nhà xuất bản giáo dục phải liên hệ với tác giả sửa chữa những phần ông ghi bên lề bản thảo, xong mới trình lên lãnh đạo Bộ. Giáo sư Nguyễn Thạc Cát có tác phong làm việc hết sức cẩn thận, có một cuộc sống giản dị, cởi mở và chân tình với mọi người. Ông không lập gia đình riêng, suốt đời ở một mình, tự mình phục vụ mình, kể cả việc đi chợ, nấu ăn. Ông qua đời ở tuổi thọ 90.
2. Giáo sư Nguyễn Văn Hường (1927 - 1996). Quê xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Ông nội đỗ Phó Bảng, cha đỗ cử nhân Hán học từng làm quan lại ở Huế. Vì vậy từ tuổi thiếu niên cho đến tuổi vị thành niên ông đều học ở Huế, rồi tham gia dành chính quyền tại đây. Năm học 1944 - 1945 ông thi tú tài phần I, sang năm học 1945 - 1946 dưới chế độ mới, ông thi tú tài phần II. Tốt nghiệp xong ông về lại quê nhà, sau đó thì Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tìm đường đi bộ lên Việt Bắc học trường Khoa học cơ bản. Khi biên giới Việt Trung được giải phóng, ông theo trường sang Nam Ninh (Trung Quốc) để hoàn thành chương trình đào tạo. Tốt nghiệp ông đi sâu vào chuyên ngành Giao thông vận tải tại Trường Đại học của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Về nước ông nhận công tác tại Bộ Giao thông vận tải. Năm 1973, ông được Nhà nước cử làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học xây dựng. Ông là đại biểu Quốc hội khoá 4. Năm 1980, ông được Nhà nước phong học hàm giáo sư đại học liên ngành xây dựng và thuỷ lợi. Sau đó ông được điều động lên làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng bộ trưởng phủ trách lĩnh vực Khoa học - Giáo dục. Giáo sư Hường có thân hình cao mà tạng người lại gầy gò, nhưng năng suất làm việc của ông thì rất cao, tận tâm vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Công trình Khoa học nổi tiếng của ông là thiết kế và chế tạo cầu dây vượt sông, để cho xe ô tô đi qua trên các tuyến đường chiến lược nhằm chi viện vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Những cây cầu dây cáp dài 200m của ông thiết kế có thể chịu được tải trọng từ 10 -15 tấn (kể cả rơ - moóc). Đây là một đề tài nghiên cứu của ông về “Lý thuyết ổn định trên dây đàn hồi” và đã được áp dụng trong thực tiễn thời chống Mỹ. Vì vậy, sau khi nước nhà được thống nhất, ông được mời ra nước ngoài báo cáo tại Hội nghị Cơ học quốc tế họp ở Vácxava (Ba Lan) khiến nhiều nhà cơ học thế giới ngạc nhiên, thích thú. Giáo sư Hường qua đời vì bệnh nhũn não vào ngày 25 - 2 - 1996 tại Hà Nội trong niềm thương tiếc sâu sắc của giới Khoa học Việt Nam. Mộ phần ông được đặt ở nghĩa trang Thanh Tước hết sức đơn giản, như tâm hồn bình dị của ông lúc sinh thời.
Tôi muốn nói đến một người không học ở Huế, nhưng năm 1945 đã công tác ở Huế, rồi ra Hà Nội và qua đời trên đất “Rồng bay”. Đó là Nhà giáo nhân dân, giáo sư Lê Duy Thước (1918 - 1997) người ở huyện Diễn Châu, từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I. Chính ông là người cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu lịch sử về trường Thanh niên tiền tuyến do Phan Anh và Tạ Quang Bửu thành lập hồi chính phủ Trần Trọng Kim ở Huế (xem tiểu sử và những công trình khoa học của ông trên Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 103 ra ngày 15 - 6 - 2007). Ông qua đời vào ngày 4 - 11 - 1997 sau một cơn đau tim. Báo Nhân dân số ra ngày 7 - 11 - 1997 đã ngợi ca ông: “giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Duy Thước là một nhà khoa học lớn về nông nghiệp, đồng thời cũng là một cán bộ cách mạng lão thành”.
Nếu chúng tôi chỉ nêu danh giáo sư người xứ Nghệ, mà không nhắc đến một số người từng học ở Huế nhưng sau này không theo nghiệp “trồng người” thì cảm thấy thiếu sót. Vì vậy xin có vài dòng nhắc đến họ. Về sĩ quan quân đội có Đặc Văn Việt, Nguyễn Thúc Đại, Bùi Thúc Huỳnh; là nhà thơ có Xuân Diệu, Huy Cận, là chuyên viên ngành Giao thông vận tải có ông Vương Đình Xán, phụ trách ngành Ngân hàng có ông Đinh Bảy, làm ngoại giao có ông Đinh Nho Liêm, làm cán bộ quản lý ngành giáo dục có: Hoàng Kim Hải, Lê Hải Châu, Hoàng Xuân Hoài, Lê Sĩ Nghĩa, Hoàng Huyền, Phạm Bá Rô... Và có một số khác đã học ở Huế nhưng nay đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh có: Cao Xuân Hạo, Bạch Quốc Tuyên.
Giữa quê sinh, nơi học và nơi ở, từ lâu đã có nhiều mối quan hệ mật thiết. Vì vậy sau ngày thống nhất đất nước (1975) các giáo sư: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Văn Trương, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Hường, Đinh Xuân Lâm... và hai người lính già Đặng Văn Việt, Bùi Thúc Huỳnh... đã có vài ba lần bồi hồi trở lại miền “Sông Hương núi Ngự”, thăm lại ngôi trường cũ với bao hoài niệm của tuổi học trò. Các vị giáo sư nói trên giờ đây tuổi đã cao (có người đã qua đời) hiện ở với con cháu trên đất Thăng Long - Hà Nội, lấy nơi đây làm quê hương thứ hai; thế hệ con, cháu, chắt... sẽ kế tiếp đời này qua đời khác sống ở đất “kinh kỳ thanh lịch”, chắc chắn dần dần sẽ hoà đồng với người gốc Hà Nội. Nhưng tôi tin rằng họ sẽ không bao giờ quên quê hương xứ sở nơi chôn nhau cắt rốn và mồ mả của ông bà tổ tiên họ. Rồi đây khi giao thông thuận tiện hơn, hàng năm con cháu họ sẽ về nơi quê cha đất tổ vài ba lần, hoặc nhiều hơn, để thắp nén hương thơm trước bàn thờ của bậc tiền nhân. Tôi chắc rằng đó là ý nguyện chung của mọi người và cũng là tâm sự của nhà thơ Hoàng Cát. Thơ rằng:
                     “Năm mươi năm sống trửa lòng Hà Nội,
                     Nỏ khi mô tui quên được quê nhà,
                     Nhớ mần răng mà hắn nhớ diết da,
                      Sèm được nghe ri tê cho sướng rọt..
                    ...Tiếng Nghệ choa ơi! răng mi hay rứa thế!
                    Nhớ có “hình” mi mà choa hoá thi nhân
                   Choa buồn, choa vui, cho nhởi, choa mần,
                    Nhưng nỏ khi mô tui quên tình tiếng Nghệ
                                     Huế tháng 7 năm 2010


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114508681

Hôm nay

2420

Hôm qua

2417

Tuần này

21535

Tháng này

215554

Tháng qua

121356

Tất cả

114508681