"Sống không trừ được mối lo thiên hạ, chết không rửa được thù ý trung. Mối giận dằng dai, sông Cả, núi Hồng muôn thuở đó.
Hý cuộc trước đã sắp đến tàn, vũ đài sau chính đáng sắp dựng. Thúc người sôi sục, gió Âu, mưa Á, tám phương dồn".
(Nguyên văn chữ Hán. Tôn Quang Phiệt dịch)
Nổi bật trong lời tuyệt mệnh không phải là cái chết của bản thân mà là của đất nước, là lòng uất hận căm thù chất thành khối, là cuộc chiến đấu trong tương lai như sóng gió đã cuồn cuộn đổ về. Nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, ông được thả ra và bị đưa về Huế. Sống trong cảnh giam lỏng, luôn luôn bị theo dõi uy hiếp, ông già bến Ngự vẫn viết nhiều văn chương thức tỉnh đồng bào, kêu gọi quốc dân giải phóng đất nước. Những năm đầu mới về rõ ràng ông vẫn ôm ấp hy vọng tiếp tục hành động cứu nước. Nhưng giữa phong trào cách mạng của đất nước, Phan Bội Châu càng ngày càng trở nên xa lạ: phong trào giải phóng dân tộc đã đi theo một phương hướng mới, gắn với cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản lãnh đạo. Không phải Phan Bội Châu không thích chủ nghĩa xã hội mà ngược lại. Thế nhưng, khi trong thực tế chủ nghĩa xã hội đi vào quần chúng mà thành phong trào cách mạng, sôi sục ngay ở quê hương Phan Bội Châu thì ông rất bỡ ngỡ. Ông quan niệm chủ nghĩa xã hội một cách khác và không hiểu được phong trào đấu tranh cách mạng của công nông. việc Phan Bội Châu bị bắt kích động nhân dân cả nước gây thành một cao trào dấu tranh rầm rộ, bãi công, bãi khoá, bãi thị, biểu tình khắp toàn quốc tập dượt cho quần chúng cách mạng, nhưng sóng cồn nổi lên càng ngày càng cao với phong trào đòi thả Phan Bội Châu lại xa dần Phan Bội châu. Phong trào chính trị càng phát triển thì Phan Bội Châu càng trở nên bỡ ngỡ cô độc.
Phan Bội Châu là người viết văn. Khi về bến Ngự ông có thì giờ để viết và viết nhiều hơn trước. Ông biên soạn nhiều sách, làm thơ, viết truyện đăng báo khá nhiều. Hết khả năng hoạt động chính trị, ông cũng coi viết văn là công việc chính và dần dần ông cũng chuyển sang viết văn nghệ. Việc ông mở thị xã Mộng Du (1931) để dạy làm thơ trên báo là biểu hiện của khuynh hướng đó. Thế nhưng phong trào văn học trong nước cũng đã vượt qua ông. Từ quãng năm 1925 về sau tiểut huyết, kịch và thơ mới giành được công chúng đông đảo mà Phan Bội Châu vẫn làm thơ, làm phú, viết truyện theo lối cũ. Ông đứng về phía Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng chống phong trào quốc văn quốc học, sùng bái Truyện Kiều của Phạm Quỳnh mà cũng đứng về phía Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, bảo vệ quan niệm văn của nhà nho. Không phải Phan Bội Châu không muốn sáng tạo, không muốn thay đổi, nhưng ông cũng không quan niệm được văn học nghệ thuật đủ mới. Tình hình đó cũng đưa Phan Bội châu đến chỗ lạc lõng, xa lạ, cô độc.
Cuộc đời Phan Bội Châu là cuộc đời một bực anh hùng "hoàn toàn thất bại" (chữ của Phan Bội Châu). Ông nếm cảnh thất bại ngày từ những năm mới xuất dương. Về bến Ngự chỉ là thay đổi hoàn cảnh cụ thể. Không phải thất bại đủ làm cho Phan Bội Châu thất vọng. Ông là người hết sức bền bỉ, kiên cường. Vừa thoát chết ông đã động viên mọi người coi "gian nan là trường học anh hùng", "thất bại là mẹ thành công" có "đứt tay mới hay thuốc". Đối với những ma chiết của cuộc đời hoạt động nguy hiểm ông giữ một thái độ thách thức:
Có gan sắt nguội
Mặc sức rèn tôi.
Có chất vàng mười
Tha hồ mài xát.
(Nam quốc dân tu tri.
Gian nan là trường học anh hùng)
Ngã rồi liền dậy
Muôn dặm không xa
Chèo mãi sẽ qua
Bờ kia hẳn tới
Trời đâu? Ta hỏi
Xem thử gan già!
(Nam quốc dân tu tri.
Thất bại là mẹ thành công)
Nhưng Phan Bội Châu là một nhà hoạt động chính trị, chí khí sức mạnh tuỳ thuộc vào quần chúng, vào phong trào cách mạng. Xa lạ với phong trào, bỡ ngỡ với quần chúng, càng ngày càng thấy mình xa mọi người; cảm giác cô độc làm ông đau xót, thất vọng, nhiều khi chán nản. Tất cả sáng tác của Phan Bội Châu giai đoạn 1925 – 1940, nhất là từ 1930 về sau, là tiếng nói của người chí sĩ cô độc, tuy vẫn giữ lòng yêu nước sắt son nhưng nội dung không hợp với phong trào thực tế. Trong thơ đoạn sau bộc lộ âm hưởng bi thảm, thất vọng, khác hẳn thơ văn Phan Bội Châu trước đây.
1. Yêu nước và chủ nghĩa xã hội
Phan Bội Châu bị bắt về nước đúng vào lúc trong nước cách mạng đã chuyển sang hướng mới. Từ năm 1919 Nguyễn Ái Quốc đã bước vào hành động chính trị. Trong nước giai cấp công nhân đã giác ngộ, đấu tranh; những thanh niên trí thức đã bắt đầu làm quen với sách báo mác – xít do những chuyến tàu từ Pháp bí mật chuyển về. Nói chung đối với đất nước nhiệm vụ vẫn là cứu nước và duy tân - giải phóng dân tộc và hiện đại hoá đất nước – Nhưng nằm trong tình hình chung của các nước phương Đông, trước năm 1925 dân tộc đã thức tỉnh bằng tấm gương duy tân của Nhật Bản mà sau 1925 nó lại sôi sục lên vì tấm gương cách mạng vô sản của nước Nga. Đầu thế kỷ người ta lặn lội sang Đông theo ánh "mặt trời Phù Tang", tìm giải phóng trong cuộc đấu tranh chung của giống da vàng mà sau Cách mạng tháng Mười, người ta lại tìm đường sang Tây, hướng về ngôi sao trên nóc điện Cờ - rem – lanh, tìm giải phóng trong cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức. Làn gió cách mạng vẫn từ Quảng Châu trực tiếp thổi tới nhưng ở Quảng Châu ngọn gió đã đổi chiều. Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Cộng sản Pháp, sang Liên Xô rồi về Quảng Châu… Giai cấp vô sản lớn lên, đi đến tự giác… Trí thức Tây học giác ngộ ngả theo hai giai cấp cách mạng cơ bản: công nông… Kết quả quan trọng không chỉ là một tư tưởng mới dược truyền bá mà là một tổ chức cách mạng của quần chúng mới được hình thành. Phan Bội Châu sống trong phong trào đó, tiếp xúc khá sớm với chủ nghĩa xã hội, đã gặp Nguyễn Ái Quốc (trực tiếp hay gián tiếp?), nhưng do những hạn chế của bản thân, ông không có những điều kiện - nhất là khi về Bến Ngự lại càng không có điều kiện – như công nông hay người trí thức Tây học để tiếp thu tư tưởng mới và tham gia phong trào cách mạng.
Từ năm 1926 đến năm 1930 Phan Bội Châu viết nhiều tài liệu bằng tiếng Việt: Nữ quốc dân tu tri, Nam quốc dân tu tri, Luân lý vấn đáp, Cao đẳng quốc dân, Bài hát chữ Cần, Bài hát chữ Kiệm, Bài hát chữ Nhân ái, Thuốc chữa dân nghèo… Tất cả đều có dụng ý tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, Phan Bội Châu vẫn tự coi mình có trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Trong thâm tâm ông vẫn ôm ấp mộng hành động cứu nước.
Trong thơ văn lúc đó Phan Bội Châu nói nhiều đến nỗi khổ nhục của dân mất nước, trách nhiệm của quốc dân đối với đất nước, tư cách của người dân một nước văn minh, độc lập… Ông hô hào quốc dân yêu nòi giống, hợp đoàn, tự cường… Sống trong hoàn cảnh o ép, ông không thể dõng dạc nói thẳng ý mình như trước. Viết về nội dung yêu nước, cách mạng để in sách, đăng báo công khai, ông phải nói khéo để chính quyền thực dân không gây khó dễ, để lưỡi kéo kiểm duyệt không cắt bỏ. Ông vẫn truyền bá tư tưởng "nước là mẹ ta; ta là con nước". Ông tránh nói Pháp xâm lược mà lại nói "Cuộc đời dâu bể. Trời cướp mẹ mình". Nỗi khổ nhục mất nước được trình bày thành là:
Hồn mẹ lênh đênh,
Nỗi con chua xót.
Và từ đó kêu gọi mọi người phải "thương đến nước", phải "thề cùng sông núi giữ vững lòng ái quốc (Xem Nam quốc dân tu tri. Thế nào là ái quốc).
Ông cũng nói đến dân quyền. Quyền dân là điều tất yếu tự nhiên, là "chức trời". Là người ai cũng có quyền nghe, quyền thấy, quyền nghĩ, quyền nói, quyền hoạt động. Ông nói một cách thiết tha:
Dân sống lâu bởi quyền tôn trọng
Dân không quyền, dân sống được đâu.
Không quyền là ngựa là trâu
Dân đà đến thế, nước đâu được còn.
(Độc sử cảm ngôn)
và tố cáo sự bất công:
Cớ sao chúng nó
Cướp sạch quyền mình
Đến nỗi lợi mình
Nó cũng cướp ráo?
(Thuốc chữa dân nghèo)
Ông trách dân ta hèn kém đem quyền cho người khác giữ, biến thân phận chủ nhà thành thân phận tôi tớ và kêu gọi mọi người
Anh em xin gắng
Giành lại quyền dân
(Thuốc chữa dân nghèo)
Ông cũng khuyên mọi người hợp quần. Ông lên án thái độ ích kỷ, bàng quan ai lo phận nấy của dân:
Hợp quần là sao?
Là có đoàn thể.
Dân ta quá tệ
Ai nấy riêng tây
Dầu đó với đây
Chung nhau xương thịt.
Đó đau, đó chết
Đây ngồi tự nhiên.
Ghét nhau vì tiền,
Ghen nhau vì của,
Cõng rắn về tổ,
Rướ voi giày mồ.
Đó bị búa rìu,
Đây cũng dao thớt!
(Thuốc chữa dân nghèo)
Đoàn kết dân tộc là một tư tưởng lớn của Phan Bội Châu mà tình trạng rời rã,ghen ghét nhau, làm hại nhau dưới chế độ thự dân phong kiến lại càng nặng nề. Ông nói đến điều đó không những thiết tha mà đau xót:
Vẽ mặt làm chi mấy cụ gà
Đá nhau thì có ích gì mà…
Dưới chân má vịt tranh ba miếng.
Trước lưỡi dao trâu nghèo một ma
Cựa sắc gà khoe cùng kẻ lạ
Lông vàng xin nhớ cũng con nhà.
Phá lồng nếu có khôn ngoan nữa
Xin dắt dìu nhau ta với ta.
(Sau lúc đau ngớt hát chơi – Bài thứ 5)
Nét nổi bật trong cách viết của Phan Bội Châu thời kỳ này là nói bóng gió, khai thác gửi gắm tâm sự trong loại thơ vịnh cảnh vịnh vật trước đây để nói nội dung yêu nước. Từ vịnh cái gầu, đòn gánh, đôi thùng, đôi gióng, cái gáo, cái chum sành, cái giỏ cho đến cảnh sông, cảnh trời mưa, cảnh hạn hán ông đều lợi dụng hai chữ "nước" đồng âm để nhắc đến nước, cảnh thiếu nước mất nước.
Hạn mãi trời toan giết chúng con
Mấy lâu trông nước, nước đâu còn.
May chi cổ cóc chưa khan tiếng
Tội quá thân lươn dám quản bùn.
(Trách trời hạn)
Trà ơi còn nước là vinh hạnh
Cháy lưỡi khô môi thảm những ai.
(Gọi trà)
Với lối nói bóng gió ngụ ngôn đó ông lên án sự xâm lược, tố cáo bọn quan lại bán nước, vạch bộ mặt giả dối của chế độ bảo hộ, của triều đình phong kiến.
Ông mượn lời con cà cưởng trách chim tu hú giành tổ:
Ai ơi! ai có nợ nần chi
Sao ổ ai mà ai chiếm ngay?
Chồng vợ tôi đành cam chịu khổ
Cha con bác khéo bợm làm lỳ.
…………
Thiên hạ có đâu kỳ quái dữ
Chẳng mời mà tới, đuổi không đi.
(Tu hú tranh tổ cà cưởng)
Ông có dụng ý rỗ rệt đưa trắng đối chọi với vàng để gợi cảnh áp bức của thực dân Pháp:
Bùn tắm da vàng đen quá mực
Đất ngâm nước bạc trắng hơn vôi.
(Dân bị bão lụt kêu trời)
Thù gì với cá? vàng khô giếng
Oan bấy kìa rau! trắng toát đồng.
(Trách thần nắng)
Sắc nước lọ là tô điểm bạc
Màu trời giữ lấy giống giòng vàng.
(Tạ ơn cho hoa cúc)
Đối với cái nhục mất nước, bị nước ngoài áp bức, Phan Bội Châu có mẫn cảm đặc biệt. Hình như ở đâu, lúc nào ông cũng nhìn ra cảnh người Pháp đè đầu cưỡi cổ dân ta. Nhìn một tờ lịch cũng có ghi ngày dương lịch và âm lịch bằng hai màu khác nhau, ông cũng nghĩ:
Á Âu xáo lộn đen pha đỏ
Tân cựu phân minh tớ đội thầy.
Tháng một đứng trên đầu tháng chạo
Ngày Nam nằm dưới đít ngày Tây.
(Tạ ơn người cho lịch năm mới)
Tả một bầy dê, ông viết: "Bầy dê hơn mười con, ở trong đó có vài con dê xồm râu dài lắm, sừng nhọn mà cong, thấy con Vá, nó thả uy dê ra chồm lại húc Vá" (Lịch sử con Vá).
Tư tưởng ghét Tây không khỏi có ít nhiều hơi hướng chủng tộc chủ nghĩa, nhưng lòng yêu nước của ông là một ngọn lửa luôn luôn nung nấu tim gan. Trong một nước mất chủ quyền như vậy bọn quan lại nô lệ múa may, quay cuồng như trên sân khấu hát bội:
Vẽ mặt múa men tuồng giúp nước,
Rán gân hò hét tiếng vang làng
Người ngay kẻ vạy chung sân khấu
Vào Tống ra Phiên cũng một đàng.
(Hát bội)
Phan Bội Châu có viết giọng trào phúng hài hước, nhưng tình cảm của ông là căm giận sôi sục, đau xót không nguôi. Ông thường dùng hình ảnh đàn gà mất mẹ để nói tình cảnh dân mất nước. Dưới "cặp mắt đăm đăm hùm thấy lợn" của con diều là đàn gà "một bầy nhung nhúc chuột kinh mèo" (Diều bắt gà). Trứng gà chưa nở, gửi trứng cho ác, con gà má vịt, đàn gà bị diều bắt mất mẹ, gà què ăn quẩn cối xay, gà chọi, gà trong lồng, gà đá nhau… đều thành đề tài để Phan Bội Châu nói chuyện dân, chuyện nước.
Gà ơi, gà nhớ mẹ gà không?
Mẹ vịt nào thương lũ khác giòng
Sắp chọi những e phường thiếu cựa
Toan kêu còn ngại bợm mang lồng
Cậy vườn xưa vẫn khoe mồng mỏ.
Vỡ ổ nay còn chút cánh lông.
Thương mẹ càng đau thân phận trẻ
Thóc người thôi chớ cậy mà mong.
(Lời than gà mất mẹ II)
Và ông nhắn nhe an ủi bầy gà bơ vơ ấy:
Lông cánh ngại ngùng cơ gió bắc
Ó diều e né mái non Tây.
… Ôm ấp lấy nhau may lớn mạnh
Tốt mồng sắc cựa học ghe ngày.
(Bài I)
Sống trong hoàn cảnh nguy hiểm luôn luôn bị uy hiếp đe doạ nhưng Phan Bội Châu không chỉ bộc lộ một tấm lòng yêu nước. Lòng yêu nước ở Phan Bội Châu bao giờ cũng có nội dung quyết chiến nhằm tuyên truyền cho mục đích hành động cứu nước, giải phóng dân tộc. Lời kêu gọi cứu nước của ông khi ở bến Ngự cũng vẫn còn khí thế hứng hực bốc lửa như khi mới xuất dương.
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây thành bại ghe phen liên hiệp lại!
… Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn!
Dựng gan óc quyết đánh tan sắt lửa.
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hởi chư quân!
(Bài ca chúc tết thanh niên)
Với sự sốt ruột ông muốn khuyên mọi người hành động nhưng ông lại lo sợ mọi người hành động không chắc chắn, không chuẩn bị cẩn thận Ông nhắn nhủ:
Nước sợ mất đâu, bờ sẵn đắp
Giống mong tốt nữa, có mau bừa
(Mừng được mưa)
Ông cũng biết hành động cần phải có cơ hội nhưng lên án thái độ tiêu cực bị động, ông mỉa mai những người chỉ "nói thàm", làm hỏng, đổ vì "không có cơ hội", không chịu chuẩn bị, lấy nê là "chờ cơ hội". Ông nói cơ hội "thoáng như chớp nhảy như nước", nếu không chuẩn bị sẵn sàng thì "thời thế chỉ là thời thế ai", "cơ hội này qua cơ hội khác".
Huống gì đắp chiếu ngủ say bấy nhiêu năm
Cơ gì? hội gì? Thôi thôi chớ nói khoác.
(Than cơ hội)
Đó là những lời sốt ruột viết năm 1938 trước tình hình sắp xảy ra đại chiến thứ hai, Đức Pháp sắp đánh nhau. Rõ ràng đó là tâm lý của một người muốn hành động.
Có thể Phan Bội Châu cũng nghĩ rằng có kẻ sẽ trách ông quá khích, không tự lưỡng, hiếu chiến, chủng tộc chủ nghĩa, nên trong bài Sau lúc đau ngớt hát chơi, tác giả nghĩ lan man đến chuyện châu chấu đá voi:
Gan đương xông giận, quân hèn nhỏ
Quyền phải tranh liều, quyết tử sinh.
… Voi ơi! chấu cũng hoà bình rất
Tức tối non sông há của anh!
(Bài XI)
Tức tối vì nỗi non sông về tay kẻ khác, đó là nội dung mà suốt đời Phan Bội Châu đã dùng thơ ca để truyền lại cho nhân dân.
Trong một bài tự trào, Phan Bội Châu đã rao bán mình:
Miệng tựa chuông đồng vang dậy đất
Râu ria sao chổi quét ngang trời.
Nếu ai có hỏi nghề gì chú?
- Tôi đã cồng khua mõ gióng hoài.
(Bán mình)
Kêu gọi nhân dân cứu nước đối với ông là một thứ chuyên nghiệp và ông coi đó là một thiên chức do bản tính tự nhiên: Có miệng lẽ đâu trơ đất đá? Trước cảnh non sông tăm tối "không thể câm miệng" (xem bài Gà gáy sáng), Hoàn cảnh dầu có khó khăn ông cũng không hề lùi bước:
Trời nếu gió mưa dồn trận trận
Ta càng chuông mõ giục hồi hồi
(Mừng báo Tiếng dân chẵn 12 năm)
Ông đã tự nhận lấy việc làm con quốc Khắc khoải năm canh quốc quốc hoài. Cho đến lúc già, con quốc vẫn không hề ngớt hơi khan tiếng và Phan Bội Châu cũng không biết mình đã già:
Mò tìm quên quách chòm râu bạc
Bảy chục con nghi tuổi mới ba.
Trái tim của Phan Bội Châu chứa đầy nhiệt huyết; lòng yêu nước của ông sâu sắc giàu sức chiến đấu; nhưng bước vào giai đoạn mới của cách mạng, những lời kêu gọi của ông không đi vào quần chúng với sức mạnh bão táp như xưa. Phan Bội Châu không nói thẳng, nói đầy đủ được ý mình, ông phải nói quanh co bóng gió. Nhưng không phải vì lẽ đó mà nhân dân không hiểu ông. Phan Bội Châu đã viết rất tài tình, tình cảm chân thành đã lấn át hẳn nghệ thuật gò ép. Điều quan trọng làm cho tác động của văn chương Phan Bội Châu kém sút là công chúng đã khác, thời đại đã tiến lên phía trước, mà nội dung thơ ông không theo kịp. Được chủ nghĩa Mác soi sáng người ta đã nhìn đến bản chất của chế độ thự dân và phong kiến, quan tâm nhiều đến các vấn đề cách mạng kinh tế và xã hội, nhìn thế giới và đất nước trong những mối liên hệ chặt chữ, nhận ra cách mạng giải phóng dân tộc không thể không kết hợp với cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, ngay cả những tư tưởng lớn của chính Phan Bội Châu cũng đã được phát triển cao hơn. Thế nhưng Phan Bội Châu vẫn kêu gọi học hành, hợp đoàn như xưa: chủ nghĩa chủng tộc chưa được khắc phục, lòng yêu nước đang nằm trong tư tưởng quốc gia hẹp hòi… Những lời kêu gọi yêu nước của ông không phải sai, nhưng con người yêu nước đã phải nghĩ khác, hành động khác. Ông không giải đáp được những vấn đề mà quần chúng đã bắt đầu quan tâm đòi hỏi.
Những năm Phan Bội Châu về sống ở Bến Ngự là những năm tình hình trong nước rất đen tối. Về nước, chính mắt Phan phải chứng kiến cảnh kinh tế khủng hoảng, hạn hán bão lụt liên miên và sự khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng lúc này đã do Đảng Cộng sản phát động, lãnh đạo. Trái tim luôn luôn gắn bó với nhân dân, với dân tộc của Phan vì thế càng thổn thức. Đè nặng lên tâm trí Phan là cảnh khốn khổ của nhân dân:
Cạnh bếp nhà nông cười lẫn khóc
Dọc đường lao động chạy vừa rênh
Vớt rong mụ nọ cò bờ bến
Hái củi thằng kia, cuốc trước ghềnh
Nào là cảnh lụt lội "xương phơi nuôi cá tép". Nào là cảnh hạn hán đói kém "đồng điền ba tháng thiêu như lửa. Chày cối liền năm lặng tựa tờ". Đã mất mùa lại chiến tranh, ông khái quát thành một "bức đồ xã hội" u ám:
Duy có khất cái hai chữ đề
Ngày Tết thường là một dịp cho nhà nho làm thơ. Vào nhữgn dịp tống cựu nghinh tân đó nhà nho thường suy nghĩ về cả cuộc đời. Phan Bội Châu cũng hay làm thơ Tết. Năm 1936 ông cho đăng trên báo Tiếng dân 10 bài thơ Vịnh Tết, mỗi bài nói cảnh Tết một hạng người trong xã hội: dân cày, thợ thuyền, phu xe, công thương, học sinh, thầy tu, quan lại… Mười bài đó không chỉ cho ta thấy tình cảm khốn khổ của nhân dân mà còn cho ta thấy cả cách nhìn xã hội của Phan Bội Châu nữa.
Trong ngày Tết chỉ có quan lại là hả hê sung sướng, vênh vang:
Xe hơi chen chúc đứng đầy ngõ
Áo gấm vào ra rộn cả nhà
Tiếng chúc, tiếng mừng chen tiếng pháo
Câu cười, câu tán lẫn câu ca.
Chỉ có hạng thầy tu là vô lo, ung dung thoải mái:
Hương hoa vô số người mê cúng
Chè oản tha hồ phật sống xơi
Sướng tột là không xâu thuế tới
Giờ thừa lại có kiệu cờ chơi.
Ngoài họ ra, tất cả đều vất vả khổ cực, lo lắng. Thám thương nhất là "dân quê ở thôn ổ". Quanh năm đã đói khát "hóng tháng mười ngồi ngóng tháng ba" mà đến ngày Tết cũng không đầy đủ hơn:
Táo quân bếp lạnh ngồi giương mỏ
Con trẻ ngồi không khóc suốt ngày.
Nhà văn tuy làm nghề thanh tao, không phải chân lấm tay bùn, ngày Tết tuy cũng còn có khả năng Say gượng chén chè mua thú rượu nhưng đời sống của họ cũng không bớt phần lo lắng vất vả vị nỗi
Ngồi mềm đầu óc bán bài thuê
Thuế sưu, đói khát, túng thiếu, nợ nần, không phải người ta mong Tết chờ Tết mà người ta lo Tết, sợ Tết đến. Thế mà ở Việt Nam, từ khi Pháp sang cả năm Tết đi Tết lại đến hai lần: Tết âm lịch của người Việt Nam và Tết dương lịch của người Pháp. Đã là ngày Tết thì cũng thành ra quang cảnh ngày hội có chuyện chúc mừng, có cảnh:
Pháo xì ngũ sắc tung trời bắn
Cờ phất tam tài rợp đất bay
Cảnh đối lập giữa bọn thống trị và nhân dân cũng nhân dịp Tết mà phô bày ra:
Bôi mặt nhát nhau phường hát bội
Chen vai lĩnh chẩn lũ ăn mày.
Và người Việt Nam nghèo khổ quanh năm vất vả đến ngày Tết cũng phải cố xoay xở cho đủ thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh. Phan Bội Châu nhìn cảnh nhộn nhịp tưng bừng đó một cách chua xót:
Kìa nhà nổ pháo, kìa cửa treo hoa
Kìa xôi thịt heo gà mâm cỗ trực
Rằng vui vẻ, ừ, vui vẻ thực
Gánh cu ly chưa vứt tính sao đây
Gánh cu ly và sự nghèo khổ, Phan Bội Châu từ khi về nước càng ngày càng hưóng về nhân dân lao động, cái nhìn cũng chuyển sang góc độ xã hội. Ông nói đến nạn kinh tế khủng hoảng, nạn thất nghiệp, cảnh phá sản của nông dân là những vấn đề kinh tế, xã hội mới đặt ra lúc bấy giờ, và nhìn mọi thế lực tự nhiên và xã hội đua nhau vào hùa với thực dân làm tình làm tội người dân đã mất nước gây ra cảnh:
Sĩ học không tiền đậu không bổ
Nông ruộng mất mùa phải đưa cố
Công chẳng ai mướn chẳng ai thuê
Thương thì buôn thua lại bán lỗ.
Trong cảnh nghèo túng, cùng cực, nhục nhã chung, Phan Bội Châu thường đặc biệt hay nhắc đến ba hạng người: dân quê, người cu - ly và người phu xe. Người cu – ly, người phu xe cũng chỉ là người nông dân phá sản:
Vùng tôi ở lở dở
Đã cách với nguồn lại xa chợ
Muốn buôn, không có đồng vốn nào
Muốn cày ruộng, không có một sở
Học mới học cũ đều dở dang
Không phải thầy cũng không phải thợ.
Chính người nông dân bị nạn sưu thuế, bị nạn trích đạc (đo đạc ruộng đất), bị thiên tai, không có tiền nộp sưu thuế, không có tiền đút lót, phải bán ruộng, bán vợ con, "bán thân mình", đã "bước chân đi làm thuê" trở thành người cu – ly:
Kiếm cơm năm suốt mười hai tháng
Bán sức ngày vừa ít chục xu;
Làm thuê không nhàn nhã hơn người nông dân mà cũng không mất được cái lo của người nông dân. Ba đồng ba tiền sưu mà vẫn là cơn ác mộng đối với họ. Họ mong làm cu – ly để "đồng công đồng nợ có tiêng trả" nhưng rốt cuộc thì:
Làm rồi, tiêu rồi không có đồng tiền nào còn dính tay
Chỉ lủa mình cái mộc
Đi về dở cười lại dở khóc.
(Đi làm thuê)
Phan Bội Châu đã nói đến lao động, nói đến bóc lột, nhưng ông vẫn chưa thấy thật sâu sắc ý nghĩa áp bức giai cấp trong xã hội mới. Trong xã hội mới thay đổi đầu thế kỷ ông thấy không rõ người tư sản mà cũng thấy không rõ người công nhân. "Phường công búa" "thương thì buôn thua lại bán lỗ" chỉ gợi lên hình ảnh từng lớp tiểu thương buôn thúng bán mẹt hay có hiệu hàng nhỏ. Người công nhân
Tiền bạc bòn trong mười ngón ép
Tháng ngày qua trọn một đời thuê.
Chịu cảnh thất nghiệp "Công chẳng ai mướn chẳng ai thuê" là vì "biết bao máy móc cướp trọn nghề". Họ chỉ là thợ thủ công. Ông không thấy rõ thực trạng bóc lột trong một xã hội tư bản chủ nghĩa.
Thái độ của ông đối với học sinh cũng đáng làm chúng ta chú ý. Khác với lúc Phan Bội Châu xuất dương, lúc ông về nước số học sinh học các trường Pháp Việt đã rất đông đảo, trong hoạt động cứu nước và cách mạng họ đang dần dần có một vai trò quan trọng; thay thế cho vị trí nhà nho trước đây. Thế nhưng Phan Bội Châu không nhìn ra trong họ vai trò mới đó. Ông chỉ coi họ là những người học chữ Pháp:
Lưỡi đưa lắt léo dê ăn lộc
Miệng nói bi bô cóc táp ruồi.
(Học chữ Tây)
Tất nhiên trong đám học sinh đông đảo lúc đó có nhiều người đáng cười vì đua đòi ăn chơi, chịu ảnh hưởng xấu của văn hoá thực dân, của đời sống đô thị, nhiều người đi học chỉ cốt để kiếm ăn:
Sự nghiệp kia làm ba món ký
Công danh nọ cũng một thằng bồi.
Trong học không hiếm những người yêu nước, nhưng cái nhìn của Phan Bội Châu đối với họ không khỏi mang nhiều thành kiến. Ông chỉ thấy cô nữ sinh
Trả lời nông uý (non, oui) pha không có
Hỏi giá oong đơ (un, deux) lẫn một hai
và chỉ thấy hạng nam học sinh mê say nhảy đầm, đánh vật, chỉ là hạng người vô lo, vô tích sự.
Áo mình vừa mốt mũ mình cừ
Lại được va căng phết bây giờ
Sách kệ thây quân, chơi quá khoẻ
Banh tha hồ đánh, sức còn dư.
Mót năm ba chữ vừa xem hát
Rập chín mười cô chơi đánh thơ
Tiểu thuyết tình thư lo gắng đọc
Tết này còn có tết sau chơ.
Giữa cảnh áp bức dân tộc và áp bức giai cấp, ông vừa thấm thía cái khổ của cảnh nghèo đói vừa thấm thía cái nhục của sự áp bức bất công cho nên hạng người làm ông xúc động, nói đến nhiều và coi như hình ảnh của kiếp sống khổ nhục là người phu xe. Người phu xe bụng đói, áo rách, trời mưa trời nắng vẫn phải "co khu một mạch tối rồi mai". Công việc làm ăn của người phu xe hết sức vất vả:
Đường trơn như mờ dẻo như xôi
Chân tôi tối ngày chạy như sặt
Đầu tôi rách nón thân không tơi
Một manh áo vải ướt như tắm.
Hàng ngày anh ta phải lo nộp năm hào thuế cho chủ xe, cả năm lại phải nộp ba đồng ba tiền sưu cho thực dân. Đối với anh ta kiếp người không phải chỉ có cái đói rét lo lắng như người cu lu, người dân cày mà còn có cái nhục làm "ngựa trâu người" kéo xe hầu hạ bọn "bị thịt". Anh ta thấy mình có đôi tay đôi chân khoẻ mạnh hơn người, làm lụng vất vả hơn người, thế mà "từ sáng đến hoàng hôn tiền kéo không đầy bốn giác thuế". Không phải anh ta chỉ than vãn về cảnh khổ cực mà anh ta còn bất bình vì sự bất công:
Thử nghĩ coi thân giữa trời đất
Tay chân tai mắt như người ta
Sao có kẻ sướng lại người cực
Đem thân bảy thước làm lạc đà.
(Phu xe than trời mưa)
Tất cả những điều đã nói ở trên cho ta thấy cách nhìn xã hội của Phan Bội Châu. So với nội dung văn thơ trước đây, Phan Bội Châu đã chú ý đến thực tế kinh tế và xã hội hơn, chú ý nhiều hơn đến nhân dân thành thị. Từ nhìn cả xã hội chỉ qua người nông dân bị thực dân bóc lột sưu thuế, ông đã mở rộng tầm mắt đến cả các từng lớp dân thành thị, nói đến lao động, nói đến bóc lột, lên án sự ăn bám.
Chém cha một giống
Không làm mà ăn
Khoanh tay tréo chân
Giũa nanh mài miệng
Đã lười lại biếng
Đã tham lại kiêu…
(Thuốc chữa dân nghèo)
Lên án ăn bám bóc lột là chống chế độ tư bản. Thế nhưng đối với các từng lớp chủ yếu trong kết cấu xã hội mới: tư sản, công nhân, tiểu tư sản, trí thức… thì ông không hiểu sâu sắc, cho nên không nhìn ra khả năng và xu thế của họ. Tuy về sống ở thành thị, ông vẫn chưa am hiểu xã hội mới. Xã hội tuy đã mở rộng ra bao gồm cả dân thành thị nhưng cách nhìn vẫn là cách nhìn tứ dân, cách nhìn nông thôn. Điểm xuất phát để nói cảnh khổ nhục tuy mở rộng ra đến cách bóc lột kinh tế, cảnh áp bức giai cấp, nhưng góc độ nhìn vẫn là thực tế mức sống, sự lao khổ mà không nhìn theo góc độ bóc lột thặng dư giá trị lao động của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cho nên thích xã hội chủ nghĩa mà ông vẫn khó thấm thía cuộc sống của người công nhân, bản thân ông có tinh thần đoàn kết dân tộc rất rộng rãi mà vẫn không xoá bỏ được những thành kiến của cách nhìn nông dân đới với dân thành thị. Cách nhìn đó ảnh hưởng đến cách đánh giá thời uộc, đánh giá tinh thần cách mạng của nhân dân, đến quan niệm chủ nghĩa xã hội, đến quan niệm phương pháp cách mạng, làm cho ông không hiểu được những vấn đề cách mạng, những lực lượng cách mạng mới; do đó không hoà được vào phong trào của quần chúng lúc đó.
Đối lập với cảnh khốn cùng của nhân dân là phè phỡn xa hoa của bọn thực dân, quan lại sang trọng và của bọn phú hào, tư sản giàu có. Chạy theo danh lợi, cả bọn "lừa thầy phản bạn" "dựa thế nương quyền" thành một đàn lúc nhúc lâu nhâu mà Phan Bội Châu coi là đàn ruồi "bâu mật bâu gừng", là đàn chó "sủa hình sủa tiếng", là bầy cá tranh nhau "táp mồi". Ông nhìn cảnh tượng đó thành một chuyện hư hỏng vè đạo đức và lên án đồng tiền, coi nó là nguyên nhân phá hoại nhân tâm. Đồng tiền được dùng làm mồi làm bẫy, tạo thành một quan niệm sống, một tâm lý xã hội chỉ biết ăn, mặc, chơi bời, trai gái, lao vào giành giật cạnh tranh giành lấy thú vui xác thịt. Người ta tuyên dương lối sống đó một cách trắng trợn không ngượng ngập:
Sung sướng cốt có sung sướng xác
Hay nói tinh thần thật là hoác.
Với lý tưởng chạy theo danh lợi, sống bằng vật chất, con người trở thành thú vật, mù quáng:
Chồn được mồi ngon quên cả bẫy
Ruồi ưa mật ngọt tiếc gì thân.
Đối với công việc cứu nước giúp dân xã hội nhìn với một thái độ hờ hững:
Hy sinh giá đắt, đòi tham rẻ
Nhân nghĩa hàng mai, chợ quá trưa.
Trong một xã hội như vậy đồng xu hống hách tự xưng là Thượng đế. Trong bài Trong giấc mơ nói chuyện với Thần xu, Phan Bội Châu hình dung một cuộc gặp gỡ với vị Thượng đế xu ấy. Thần xu không phải là "người nước ta", tự xử cao ngạo, không thèm chào hỏi bắt tay và mắng người "xuỳ cô soong" y như thực dân Pháp. Nó huênh hoang phô trương thanh thế:
Tao đây danh vọng
Rực Á sang Âu
Thiên hạ xưng tao
Là Thượng đế xu
Danh tao vẫn lớn
Quyền tao vẫn to
Hễ ai khôn khéo
Tới tao khấn đều
… Tao muốn ai sống
Nó sống được lâu
Tao muốn ai chết
Nó phải chết mau.
… Ai dầu ty tiện
Tao đề, nó cao.
Ai dầu quyền quý
Tao đổ, nó nhào.
này xem trước mắt
Bao nhiêu nhân vật
Họ say mê tao
Như ruồi say mật
Họ chiều lòng tao
Chi chi cũng vất
Sợi dây đạo đức
Tay tao cắt đứt…
Trong giấc mơ, tác giả đã mắng Thượng đế xu một trận nên thân. Tác giả lên án đồng xu đẻ ra lòng tham, sự tàn ác, chiến tranh, đẻ ra hạng quý tộc, phú hào, tư bản, ức nhược phò cường, khinh bần trọng phú, bênh vực cho các thế lực xấu xa hắc ám, gây tai hoạ cho nhân loại. Nhiều nhà nho trước đây như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát… cũng đã lên án đồng tiền làm hư hỏng đạo đức. Nhiều ý nhiều lời của Phan Bội Châu cũng giống họ, nhưng quan điểm của Phan Bội Châu đã khác. Đồng xu cũng như bất cứ vật gì cũng đều có mặt xấu mặt tốt. Ông nói với Thần xu một ngày kia thế giới sẽ đổi thay, mọi nười sẽ chung của chung sức, lúc đó người ta sẽ coi xu như rơm như cỏ, "trên pho tự điển chữ xu không có". Đó là lòng tin vào lý tưởng tương lai: xã hội xã hội chủ nghĩa.
Nhưng quan niệm chủ nghĩa xã hội của Phan cũng độc đáo. ông bác bỏ mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc của bọn đế quốc nào xã hội chủ nghĩa là bình quân, cào bằng, là cộng thê, nào người cộng sản là quân trộm cướp… Ông hoan nghênh chế độ sở hữu công cộng, tán thành tịch thu ruộng đất và tư bản, tán thành đấu tranh giai cấp, hình thức đấu tranh bãi công và cả chính quyền lao công chuyên chính. Trong những năm 30 lúc bọn Đệ nhị quốc tế và bọn Tơ - rốt – kít chống chủ nghĩa Lê – nin, ông lên án cả chủ nghĩa quốc gia làm tay sai cho tư bản, cả tính viển vông của bọn vô chính phủ, ông chỉ thừa nhận học thuyết Mác và Lê – nin là chủ nghĩa xã hội chân chính, coi đó là lý tưởng cao đẹp nhất của loài người. Thế nhưng ông lại coi hư vô chủ nghĩa, vô chính phủ chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa cũng đều là xã hội chủ nghĩa, coi Tôn Văn đối với Mác cũng như Mạnh Tử đối với Khổng Tử, và coi tư tưởng Mác cũng chỉ là phát triển tư tưởng Đại đồng của Khổng Tử. "Tuy trên mặt chữ chưa có danh từ hai chữ xã hội mà kỳ thực chân tinh thần của chủ nghĩa xã hội là đại đồng" (Xã hội chủ nghĩa. Tiết cuối cùng). Với lòng nhiệt thành ông tin chủ nghĩa xã hội của Mác Lê – nin, nhưng đó chỉ là lòng tin dựa vào tình cảm, lòng say mê cái tốt đẹp, lòng bội phục đối với những con người cao cả vĩ đại, không dựa vào sự nhận thức có cơ sở khoa học: ông không thể phân biệt chủ nghĩa xã hội chân chính với các lý thuyết xã hội chủ nghĩa sai lầm và giả dối của các giai cấp khác. Xã hội xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ được thực hiện không phải vì đó là thế giới được nhận thức, cải tạo, phát triển đúng theo quy luật của xã hội mà vì đó là lý tưởng tốt đẹp hợp với đạo đức. Người cách mạng giác ngộ, đấu tranh không phải là nhận thức quy luật khách quan hành động tự giải phóng mà là thực hành một đạo đức cao cả, hy sinh để cứu vớt người nghèo khổ. "(Chủ nghĩa xã hội) là đạo quân vô địch của nhà nhân từ để phá tan đồ đảng của chủ nghĩa tư bản" (Xã hội chủ nghĩa. Tiết thứ nhất). Trong cách suy nghĩ của ông, nhà nhân từ (tôn giáo hay không tôn giáo) và người xã hội chủ nghĩa nếu không phải là hoàn toàn giống nhau thì cũng không khác nhau hẳn. Điểm chung giữa họ là lòng nhân ái. Tôn giáo và cách mạng không khác nhau về cơ bản. Trước cảnh nghèo khổ của nhân dân, ông ca tụng người con gái nhỏ con nhà giàu sang, nghe lời ông, dốc hết số tiền đi xem hát bố thí cho bác phu xe già vì cô giữ được chút "thiên lý", quên mình cứu người, có sẵn trong lòng tất cả mọi con người. Ông tự hình dung mình là "bác đồ già" "nghe mưa lắng gió suốt năm canh", chia sẻ nỗi lo âu với nhân dân bị bão lụt và ước ao nếu được thì sẵn sàng hy sinh để cho họ được có cơm có áo. Cách nhìn của Phan Bội Châu là cách nhìn đạo đức: ông nhìn xã hội theo góc độ nhân tình thế thái mà quan niệm chủ nghĩa xã hội thành một học thuyết đạo đức. Lúc về già ông vừa say mê viết Chủ nghĩa xã hội vừa say mê viết Khổng học đăng, Phật học đăng, vừa nhiệt thành ca tụng Mác Lê – nin vừa nhiệt thành đọc kinh kệ nhà Phật. Anh Khờ chống áp bức bóc lột theo tư tưởng vì dân cứu khổ cứu nạn, bằng hành động nghĩa hiệp, chứ không phải theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa khoa học.
Đạo đức, lòng nhân ái làm ông tự hào, sống kiên cường trong cảnh cùng quẫn, giúp ông làm việc không mệt mỏi, nhưng nó cũng làm ông sống kỳ dị, xa lạ với phong trào cách mạng của quần chúng, và mang một tâm trạng cô độc.
Trước bàn đức Khổng ba pho sách
Dưới tượng Lê – nin một tấm lòng
Ngó bốn bề quanh không vũ trụ
Mong ngàn thu nữa có non sông.
2. Người hào kiệt cô độc thất vọng
Từ khi xuất dương cho đến khi bị bắt Phan Bội Châu dùng ngòi bút khá tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu. Trong lúc ngồi ở nhà ngục Quảng Châu, ông cũng làm nhiều thơ để khuây buồn nhưng ngâm xong là quên đi chứ không ghi chép lại. Ông ít viết về mình, ít nói tâm sự của cá nhân. Bộ phận văn nghệ - hay thơ chơi như quan niệm nàh nho – không chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác của Phan Bội Châu. Sau khi về nước ta thấy một tình hình khác. Ông làm đến 6, 700 bài thơ cho đăng báo và xuất bản thành sách (Sào Nam văn tập in năm 1935). Từ 1926 đến 1929 Phan Bội Châu viết nhiều tác phẩm nhằm tuyên truyền giáo dục và phát động tư tưởng cứu nước, nhưng cả đoạn cuối đời hầu như ông tập trung vào việc biên khảo tư tưởng Nho giáo, Phật giáo. Bộ phận văn nghệ bao gồm thơ phú, truyện ngắn viết cho các báo chí càng ngày càng nhiều. Trên báo Tiếng dân hầu như tháng nào cũng có thơ ông, có lúc đăng hàng chục bài vào một số. Trước xu hướng tư tưởng yêu nước kết hợp với xã hội chủ nghĩa, Phan Bội Châu cũng tuyên truyền xã hội chủ nghĩa (Thuốc chữa dân nghèo, 1927; Xã hội chủ nghĩa, 1935), nhưng tiếng nói của ông lạc lõng bên cạnh sách báo chữ quốc ngữ và chữ Pháp cùng loại. Trước xu hướng hình thành nền văn nghệ hiện đại, Phan Bội Châu cũng chuyển sang viết văn nghệ nhưng nghệ thuật văn chương của ông cũng lạc lõng bên cạnh truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc và cả bên cạnh truyện ngắn tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tự lực văn đoàn, lạc lõng bên cạnh cả thơ mới, thơ cũ lúc bấy giờ. Nhìn vào chủ đề, đề tài, thể loại, ta có thể thấy Phan Bội Châu quay lại thành một tác giả nhà nho tuy suy nghĩ về những chủ đề có rộng hơn nhưng cách chọn những đề tài, cách thể hiện đề tài bằng những bài thơ ngũ ngôn, thất ngôn, trường thiên để vịnh cảnh, vịnh vật, gửi gắm tâm sự và cả nhiều bài thơ thù ứng làm cho văn thơ ông giống như thơ văn của những nhà nho lớp trưpức. Rời bỏ cương vị lãnh tụ phong trào cách mạng để trở thành một người viết văn, Phan Bội Châu cũng từ bỏ một lối viết văn mới mẻ đối với nhà nho mà ta có dịp phân tích ở trên.
a) Trách quốc dân hờ hững
Sự thực ngay từ khi thành lập, Việt Nam Quang phục hội đã không gây được một phong trào cụ thể. Phan Bội Châu tuy đứng đầu tổ chức, nhưng tổ chức không có cơ sở để hoạt động thực tế, cho phép ông có cơ hội hoạt động như một lãnh tụ chính đảng. Tuy vậy nhân dân cả nước vẫn đặt tất cả hy vọng giải phóng dân tộc ở ông và ông cũng tự coi mình có trách nhiệm đảm đương công việc đó. Sau khi về nước, ngay từ khi vừa thoát chết, Phan Bội Châu đã viết nhiều tác phẩm tuyên truyền phát động tư tưởng yêu nước và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, mong tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình với quốc dân. Những lời kêu gọi của ông đầy nhiệt thành nhưng không trúng, không như trước đây kích động lòng người làm cho đoàn đoàn lớp lớp thanh niên vùng dậy đi theo. Phan không hiểu là cách mạng và quần chúng đã đi theo hướng khác và chỉ thấy quốc dân hờ hững. Ông bực bội than thở cảnh vắng lặng, trách móc sự im lìm của giấc ngủ mê say, làm bao nhiêu lời kêu gọi thiết tha của mình rơi vào chỗ trống không. Ông tự nguyện gióng trống khua chiêng mà quốc dân không ai hưởng ứng:
Hồn Thục kêu hoài khan giọng quốc
Cung cầm đàn mãi lảng tai trâu.
(Sau lúc đau ngớt hát chơi)
Khen cho tài ngủ người mình nhỉ
Kêu đến bao lâu cũng kệ thây.
(Đồng hô náo)
Tinh thần yêu nước của nhân dân sa sút! Mọi người quên cái nhục nô lệ! Miếng mồi danh lợi của quân thù đã kịp làm mọi người hư hỏng! Ông chê trách "người mình" mê muội, bưng tai bịt mắt, không những không biết đến chuyện thế giới xung quanh mà cũng không biết đến mình đang sống thế nào
Sinh làm người Nam Việt
Ở vào hố mù mịt
Ngoài cửa như góc trời
Trong buồng sống tựa chết.
Ý Á họ choảng nhau
Sấm đánh bên tai vịt.
… Thây kệ ai xích hoè
Gì gì là Xô viết
Thây kệ họ độc tài
Gì gì là Phát xít.
… Nhưng đó là việc người
Tối tăm cũng đáng thiệt
Quái ngán nhất chỉ là…
Không nói đố ai biết?
(Không nói đố ai biết)
Ông trách mọi người chỉ biết học lặp theo người ngoài, chỉ chạy đua theo "văn minh vỏ", chỉ biết lo cho thân mình "lửa láng giềng reo, ngủ vẫn ngon". Vì chút quyền lợi ích kỷ nhỏ nhặt họ đấu đá giành giật nhau như đàn gà. Được một chút thế lực thì học khoe khoang khoác lác hống hách với nhau như mèo như chó. Vì mải mổ nhau, đá nhau đàn gà đã phải "bưng mắt", không thể "cậy vườn" với gà khác, "thóc đổ mê man" cũng chẳng nhặt được "nặng mề" thế nhưng khi "chết đã đến sau ót" nó lại
Tục tục lá chanh còn nghển cổ
Khoan khoan bắc nước hỡi bà kia
(Sau lúc đau ngớt hát chơi)
Trong nhiều bài ông nói đến con gà đá nhau trong chuồng, con vẹt khoe cái lưỡi Khuya khuya sớm sớm chiều chiều lắp. Dạ dạ thưa thưa bẩm bẩm hay (Vẹt học nói). Chim cắt chó săn được chủ nuôi để giết đồng loại "giây trói mòn cổ còn ti toe" (Vô đề trường thiên), con lợn "ăn uống phủ phê" đến nỗi "mắt mí híp lại sự đời biết chi" (Con heo) và một loại chó "có một không hai":
Giặc cướp vào nhà đuôi quịt đất
Gậy mày ngó cửa miệng vang trời
Tham mùi bả quá liều thân chết
Thấy miếng ăn rồi cắm cổ xơi.
(Sau lúc đau ngớt hát chơi)
Những lời đả kích đó đều nhằm vào bọn quan lại, bọn công chức làm cho Pháp.Thế nhưng khi trong lớp thanh niên có học là từng lớp mà Phan Bội Châu đặt tất cả hy vọng ông chỉ thấy những anh con trai khoe giày mũ, mê nhảy đầm, lo đọc tiểu thuyết tình và những cô con gái nói lẫn lộn cả tiếng Tây tiếng ta thì làm sao từ đó khỏi đẻ ra lớp quan lại nô lệ?
Trong giấc chiêm bao còn nói mơ
Thưa lạy cụ… cụ tha cho con.
(Nói chuyện với cu cò chuột heo)
Ông nghĩ tinh thần của dân tộc đã sa sút. Điều đó làm ông đau xót. Nhưng mặt khác, một tình hình nữa cũng làm ông đau xót. Trong mười lăm năm ông về sống ở Bến Ngự trong nước không phải hoàn toàn im lìm. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng như một lò lửa âm ỉ không ngớt bùng lên, có lúc khá rầm rộ như cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, còn thì lẻ tẻ khắp nơi. Trên báo chí không ngớt đưa tin những vụ bắt bớ, những vụ án chính trị. Thế nhưng đối với Phan Bội Châu tất cả những hoạt động như vậy không khỏi đột ngột lạ lùng. Ông không gặp những người khí phách hiên ngang, anh hùng lỗi lạc như ông vẫn hình dung người cách mạng. Đấu tranh bằng rải truyền đơn, treo cờ, biểu tình, những hình thức đấu tranh của quần chúng cách mạng lúc đó làm ông khó hiểu, không yên tâm. Ông không khỏi nghi ngại, cho đưa ra không ra chống với gươm súng là manh động, coi đó là những ngọn lửa rơm, hy sinh vô ích, làm tổn hại đến "nguyên khí". Ông nhắc nhủ:
Suốt đời phải có tay thần thánh
Xin chớ như ai bướm thấy đèn.
Ông khuyên thanh niên "Chớ đi!", "Chớ chạy!" "Chớ nóng!" vì "Lỡ một nước cờ muôn việc hỏng" (Can anh).
Hành động hay không hành động, ông đều thấy quốc dân đã không nghe theo ông. Điều đó làm ông day dứt, đau đớn, mang tâm trạng cô đơn, "thấy mọi người đều say mà chỉ một mình ta tỉnh" như Khuất Nguyên. Sự xa lạ với phong trào làm Phan Bội Châu cô độc và sự cô độc làm ông nhìn đời bi quan:
Bụi hồng thế lộ mây trăm thức
Mặt bạc nhân tình giấy nửa tờ
Toan mượn cánh trời qua bến Sở
Thăm hồn ông Khuất tỉnh hay chưa
(Mồng 4 tháng 5)
b) Khóc đồng chí chết dần
Với Phan Bội Châu tình bạn đã phát triển thành tình đồng chí. Tình đồng chí lúc đó còn là gắn bó với nhau chủ yếu vì sự quen biết, vì tình nghĩa, vì lý tưởng tin cậy cá nhân hơn là vì hành động cho cùng một đường lối, trong cùng một tổ chức. Nhưng tình đồng chí lúc đó cũng đã làm cho con người thấy mình được tiếp sức, lớn mạnh hẳn lên. Đối với đồng chí, Phan Bội Châu cư xử rất trung tín, chung thuỷ, có trách nhiệm. Ngay từ khi còn lưu vong, hoạt động tuy nguy hiểm nhưng còn hy vọng, thấy nhiều đồng chí hy sinh, Phan Bội Châu đã trách mình đảm đương việc lãnh đạo không chu đáo và bộc lộ tâm trạng đau xót:
Đầu giận không rơi trước bạn bè.
Về nước, sống trong cảnh bị giam lỏng, rất ít hy vọng hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước và đồng chí đã giao cho, Phan Bội Châu cứ phải sống, chứng kiến thêm nhiều đồng chí chết trước. Đối với ông, đó không phải chỉ là những tin buồn mà hầu như là những võ chơi khăm của số mệnh.
Lần lượt ông được tin Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Ngô Đức Kế… chết. Và cứ một dịp như thế ông lại làm thơ, câu đối, văn tế để phúng viếng. Đó không phải chỉ là công việc thù ứng thông thường. Ta có thể nói Phan Bội Châu tìm cách thổ lộ tâm sự bằng văn tế. Ông khóc Tây Hồ, khóc Tiểu La không phải chỉ một lần. Nghê nhân dân Nghệ Tĩnh, nhân dân Bình Phú vị bão lụt, nghe mấy nữ chiến sĩ Xô viết bị giặc bắt tra tấn man rợ, nghe một thanh niên có tâm huyết chết vì bệnh lao, nghe tường đổ làm chết người… Phan Bội Châu cũng làm văn tế. Văn tế thành một hình thức văn học thích hợp với tâm trạng của ông lúc đó.
Trong những bài khóc bạn bè thân cận, ta vẫn gặp lòng sùng kính quý mến đồng chí, tinh thần nhận lỗi, tự trách mình hèn kém, như những bài ông viết về các đồng chí trước đây. Nhưng nổi bật trong văn tế sau khi về nước là diễn biến trong suy nghĩ của ông về tiền đồ, là sự chua xót bất lực càng ngày càng tăng.
Văn tế là loại viết về một con người cụ thể, một hoàn cảnh đã mất, cách viết không nhằm đi vào chi tiết, lối văn trang trọng có làm giảm đi khá nhiều khả năng nói sự thực cụ thể, nhưng lại cho người viết cơ hội đề cao phẩm chất người chiến sĩ kiên cường thiết tha yêu nước, căm thù giặc, tự giác chiến đấu, sẵn sàng hy sinh làm bất cứ việc gì để cứu nước. Phan Bội Châu đã không bỏ cơ hội vạch mặt chính sách đàn áp bất công, lối kết tội vu vơ của toàn án thực dân với những lời mỉa mai kiểu "thầy đốc vinh thăng hàm cụ phạm" (Văn tế Đặng Nguyên Cẩn). Ông cũng không bỏ lỡ cơ hội tố cáo cảnh khổ cực của nhân dân "dưới miệng cọp gửi đàn con đỏ" (Văn tế Phan Chu Trinh).
Mấy mươi vạn lau nhau lố nhố, hú hí bữa cơm bữa cháo tân khổ qua ngày; Quanh một năm chạy vạy chàng vàng, lo có đồng thuế đồng sưu, trung thành hết sức.
Dù nắng dù mưa, dù dông hồi tố trận, đầu mun mặt trấu, dám đâu trắng trợn với ông xanh; Ai cày cai cuốc, ai đập đá, đốn cây, chân lấm tay bùn, trót đã đen thui hơn chó mực (Văn tế đồng bào Nghệ Tĩnh chết vì nạn bão lụt).
Vì quan hệ đồng chí chiến đấu cho sự nghiệp cứu nước, trước cảnh kẻ mất người còn, Phan Bội Châu có thể công khai nói về trách nhiệm tiếp tục công việc của người sống. Thế nhưng từ văn tế Phan ChuTrinh (1926) đến văn tế Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thúc Hứa (1931) ta đã thấy một sự thay đổi lớn.
Trong bài văn tế Phan Chu Trinh ông để một đoạn dài nói về tình cảnh đất nước, chí nguyện chung của hai người.
Ước những chuông rền trống nhịp, khắp ba kỳ cho vang tiếng reo hò; mới là anh trước em sau dắt một lũ để đồng bào gắng gỏi.
Ông dõng dạc tuyên thệ nhận lấy "gánh tồn vong" cầm lấy "mái chèo đang lúc cheo leo" do người bạn để lại, tuyên bố quyết tâm và lòng tin tưởng vào thắng lợi:
Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi nữa, dấu cộng hoà xin rán sức theo đòi; Thác còn thiêng thì sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết ra tay vin vói
Đến năm 1931, trong bài văn tế Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thúc Hứa ta đã không còn gặp cái hùng khí đó nữa. Đoạn kết bài văn tế là lời bộc bạch tâm sự đau xót:
Em Châu nay, Thân chưa trắng nợ; kiếp vụng đường tu
Vai sông núi lẻ loi còn chiếc bóng; kiếp tang bồng trơ trẽn với hàm râu.
Ngoài chân trời mang xác về không, với nước với dân trách mình đã chồng oan chứa tội; trên số bạn kêu hồn vắng ngắt, điều khôn điều dại, lấy ai đây đũa ngọc mài thau.
Ông vẫn tin đất "Lam thuỷ Hồng sơn" còn mãi mãi "sẵn đoàn anh tuấn", "đúc nên sự nghiệp" nhưng chua xót cô đơn đã chiếm hết tâm hồn ông. Ông cầu mong người chết "thứ lỗi người già thương lũ trẻ", tự thấy mình đã bất lực.
Những bài Cảm tác nhân ngày đệ bát chu niên cụ Phan Tây Hồ (1934), Bài văn khóc cụ Tiểu La (1934) còn bộc lộ một tâm trạng đau xót thê thảm hơn.
Trong các bài văn tế Phan Bội Châu thường trách trời tàn ác bất công với dân Việt Nam, vùi dập những người anh hùng chí sĩ. Đó không phải chỉ là một cách nói, một thứ sáo ngữ của các bài văn tế. Tất nhiên nói trời bất công cũng không phải chỉ là nói trời. Nỗi uất ức của những người dân "tôi con mẫu quốc" không dám trêu chọc "Phong Di" hết sức kính cẩn" Hà Bá" và "lo có đồng thuế đồng sưu, trung thành hết mực", trách trời "nuôi bứo bọn sấu kình", không phải chỉ trút vào một mình Trời. Thế nhưng trách trời đã thành một ý nghĩ vấn vương khó gỡ trong tư tưởng của Phan Bội Châu. Đã không tìm ra sức mạnh trong các thế hệ kế tiếp mà cái chết của mỗi đồng chí lại như rứt đi ở ông từng chút sức tàn; điều đó làm ông cảm thấy chơ vơ bất lực. Không những ông cảm thấy bó tay không xoay chuyển được tình thế mà hầu như còn lấy làm quái lạ đối với cả những việc ông đã làm từ trước:
Chân không sao muốn đá trời?
Tay không sao muốn lấp vời dời non?
Lưỡi khua mãi chẳng mòn sao nhỉ?
Ruột quay tơ chẳng nghỉ gì sao?
Gân đồng da sắt thế nào
Đành cho muôn sặt bắn vào bia thân?
Không phải ông hối hận về những việc đã làm nhưng sự cô độc bất lực dẫn ông đến tư tưởng số mệnh. Ông băn khoăn:
Chẳng ích gì sao hay làm mãi?
Làm mãi sao chẳng cái gì thành?
Tại ai? hay cũng tại mình?
Tại mình hay cũng sự tình tại ai?
(Đêm trăng hỏi bóng)
Và ông không khỏi có lúc chế giễu tuổi trẻ của mình quá bồng bột
Vẫn biết trời già tay đáo để
Chống trời người có lúc hung hăng
(Vô đề)
c) Giữ kiên trinh và tìm tự do trong cuộc sống hiu quạnh
Giữa một thời cục rối ren đen tối mà ông không tìm ra lối thoát, giữa một quốc dân ông thiết tha yêu mến nhưng lại thấy xa lạ, không hiểu xu thế, tuổi già và cảnh tù túng cô quạnh càng làm ông thêm cô độc.
Khi Phan Bội Châu bị đưa về Huế, đồng bào Nam Trung Bắc và bè bạn góp gửi cho ông một số tiền. Ông làm một ngôi nhà nhỏ và sắm được một chiếc thuyền. Cuộc sống của ông thu hẹp lại trong ngôi nhà và chiếc thuyền ấy. Nhà không to, chỉ có hai gian và cũng không thể nói là kín trên bền dưới. Nhà thơ tả cảnh ở nhà:
Ngoài rèm nguyệt xế mây lai láng
Bên án đèn khuya gió hắt hiu.
Đó là "kho gió giăng vô tận" mà cũng là cảnh một ngôi nhà không có tường vách, chỉ có "rèm thưa mấy lớp thấy rồng vây". Gặp ngày mưa, nhà dột nhà thơ phải
Căng dù ngồi giữ vài chồng sách
Đội nón ra xem mấy khóm cây.
Trong hồi ký Nhớ lại ông già Bến Ngự, Trần Huy Liệu đã kể cảnh sống đạm bạc của cụ Sào Nam và chính cụ tuy không có ý muốn nói cảnh thiếu thốn của mình cũng đã kể:
Đồ nhắm may còn ba trái khế
Bữa ăn e ngót một đồng xu.
Nhưng nghèo khổ không tác động đến ông nhiều bằng cảnh bị bao vây, cảnh mất tự do. Quanh nhà chỉ có mây gió, đêm chỉ nghe tiếng ếch kêu, tiếng dế ri rỉ, tiếng chuột chạy, tiếng gió đánh mõ trên cành ngô… và tiếng chó sủa những "ông trộm" luôn luôn rình mò quanh nhà. Nhà thơ hay nói đến cảnh mất ngủ, khó ngủ. Mất ngủ vì suy nghĩ nhiều mà cũng mất ngủ vì bị quấy rối. Ông trách cả giọt mưa rơi:
Xin hỏi thần mưa sao nỡ thế
Không cho mình ngủ lại còn trêu.
Phan Bội Châu thường nói đến cảnh cô độc, làm bạn chỉ với đèn với bóng, với sách vở, với trăng
Dưới đèn ngẫm nghĩ gương kim cổ
Mình nói mình nghe, khóc lại cười
Khóc cười với bóng, nói chuyện với bóng, uống rượu say khuyên bóng núa, mà chấm sách thì cũng
Đụng câu gì khó thưa thầy bóng
Đối với một người sống xông xáo sôi nổi cho đến mức tưởng mình dầu có chết cũng không nằm yên được, "xuống đất ghe phen đội đất lên", cảnh "trăng gió nhốt ba gian" thật là tàn ác. Vắng lặng có lẽ cũng chưa khổ bằng mất tự do. Sống ở ngôi nhà tranh ở Bến Ngự Phan Bội Châu luôn luôn bị mật thám rình mò. Có lẽ vì thế cụ thường sống dưới thuyền:
Một ông kềnh và một nốôc con con
Chở ngần ấy nước non e chửa nặng
Tha hồ tố, tha hồ giông, tha hồ mưa lẫn nắng
Vững gan già thủng thẳng lẽ trời thua
Mặc dầu bể Sở sông Ngô
Mây ùa dưới cát, sóng ùa bên tai.
(Hỏi anh Trời)
Sống dưới thuyền nhà thơ vẫn cứ thấy "nường trăng dò mui" "đám mây vô lại dòm ngó" và "cha mưa gió sớm trưa theo lẻo đẻo". Sống dưới thuyền vẫn chưa thoát cảnh bị theo dõi. Đó cũng chỉ là cảnh quen thuộc của những kẻ "ở đỗ", "ở mướn" ngay nơi quê cha đất tổ. Dầu sao mây gió cũng chỉ là những kẻ rình mò vô hại. Phan Bội Châu có thể tự do thả thuyền lơ lửng từ chập tối đến bình minh:
Tứ bề tiếng ngủ suố tnăm canh
Khắc khoải thâu đêm riêng một mình
Bức vẽ lưng trời: sao lố nhố
Tấn tuồng mặt nước: cá lanh chanh
Dò mui khen khéo trăng lơ lửng
Vững lái tha hồ sóng bập bânh
Sẵn gió thuyền xuôi thuyền lại ngược
Hải hồ khoan hãy tới bình minh.
(Thuyền đi đêm)
Trong thuyền, ông có cái thú được tự do "một bầu thơ rượu riêng trời đất", ông có thể "say liều" "hát bướng". Chiếc thuyền làm cho ông xa được những "ông trộm" dò xét những hạt mưa trêu tức không cho ông ngủ, nhưng cũng làm ông xa luôn cả mọi người. Dưới thuyền ông chỉ tiếp xúc với cá tôm, với trăng sao, với trời mây và mặt nước mênh mông. Thỉnh thoảng mới nghe vọng đến tiếng trống hát tuồng từ Yên Cựu, Đông ba và tiếng chuông chùa. Là người thích sống sôi nổi, Phan Bội Châu không chịu được sự vắng lặng. Ông hát, hát một mình, vừa hát vừa "tùng cắc"
Viết xong múa tay hát như sấm
Một mình quan viên và kép đào.
Không ai "chầu" thì "bắt trời chầu", không ai nghe thì gọi Phật cùng nghe. Phá sự bủa vây của quân thù, Phan Bội Châu đi tìm tự do. Ông không tìm được "anh em đầy bốn biển" mà lại gặp Trời Phật:
Bầu bạn với Trời trên mặt nước
Láng giềng cùng Phật dưới sườn non.
(Đậu thuyền dưới chùa Thiên Mụ)
Bạn với Trời, với Phật không làm ông bớt cô đơn mà lại làm ông cô độc hơn, không làm ông thấy mình mạnh mà lại làm cho ông yếu hơn. Sự kiên trinh theo kiểu nhà nho làm ông xa mọi người. Đã xa mọi người, ông khó tránh được đi theo vết mòn của nhà nho ẩn dật.
4. Thú thơ rượu. Sự thanh cao và người trượng phu kềnh
Đối với Phan Bội Châu, cô độc cũng là nhàn rỗi. Ông không nao núng trước cảnh cô độc nhưng ghê sợ sự nhàn rỗi. Ông là người đã bôn ba nhiều, ông lại là người "ngộ nhược" không chịu khuất phục, thế mà cuối cùng phải chịu cảnh "khoanh cẳng bó tay", nhìn thời gian trôi qua, đơn điệu và vô ích "Rày lại mai, mai sớm lại trưa". Sự rỗi rãi làm ông ghê sợ "khi thong thả quá ghê thong thả". "Đã sống thì nên có việc làm", thế mà ông không có việc. Ông nói thật mỉa mai
Cu ly, bô lít, nghề chưa thạo
Ông bếp, ông bồi, nghiệp chửa rành
Toan học đĩ trai, da quá nhám
Muốn theo làng hót, miệng không lanh.
Chỉ hay một việc làm ông "cách"
Chợ ế hàng thừa phải ngậm thinh.
… Đã ngán ngồi không ở nể rồi
Bày tuồng chạ chạ để mà chơi
Tàu bay thế đó diều sơn giấy
Súng lớn đây kia pháo tịt ngòi
Nhắm mắt đứng thêu bùa cấm muỗi
Vuốt râu ngồi thảo hịch khua ruồi.
Tự do độc lập cho đất nước đã không giành được mà tự do của bản thân cũng không giữ được. Muốn làm việc có ích cũng không làm được. Phan Bội Châu mượn lời con chim cu cườm chế giễu cảnh mất tự do của mình:
Thuyền chỉ một khoang
Đậu dưới cây bàng
Ngửa lên trên cây
Có chim cu cườm
Nó đắc ý gáy
Từ mai đến hôm
Rằng "Cụ cụ ngu
… Có ba việc to
Một là thân vu (vous = anh)
Mất ráo tự do
Hai là bụng vu
Nhờ người mới no
Ba là miệng vu
Nói nhờ người cho…
(Biện nạn cùng chim cu cườm)
"Thú ngồi dưng" đối với Phan là một sự "đày đoạ". Trong nhiều bài với những đầu đề Ghét mình sống, Mong chết, Đêm không ngủ… ông nói đến một tâm sự muốn chết, muốn chết cho khuất mắt khỏi phải nhìn cảnh gai mắt.
Mắt chán chường vì giày mũ nộm
Tai ghê gớm những trống chiêng tù
(Ghét mình sống)
và chết cho thoát khỏi phải sống nhờ vả:
Đã chẳng rầy rà vì bác miệng
Lại không dan díu với anh tiền.
Sự rỗi rãi, sự bất lực làm ông ghê tởm cả bản thân, thấy mình chỉ là một "bộ xương tàn", một cái "xác thừa", sống không có ý nghĩa gì. Vào những năm cuối đời trong tư tưởng Phan Bội Châu có một cuộc đấu tranh xung quanh vấn đề sống chết. Trong bài Tiêu khiển ngâm ông mượn lời một người khác tỏ ý quái lạ tưởng ở vào hoàn cảnh ông thì phải "rách mắt chau mày nghiến răng", thế mà lại sống ung dung, vẫn làm thơ, vẫn uống rượu. Người đó nói:
Đã không như cụ Khuất Nguyên
Thì nên tịch cốc tùng tiên cho rồi
Hay chi than vắn thở dài
Chi bằng liều vứt cái đời mới gan
Chẳng tiên chẳng tục dở dang
E ông tiếc nắm xương tàn hay sao?
Ông đã cân nhắc. Ông không muốn sống nhục nhã qua ngày mà cũng không chịu chết hèn nhát vô nghĩa. Ông thấy mình "còn vướng nhân duyên", còn "khổ vì gánh nặng trên đầu chưa xong" và vẫn còn hy vọng, còn chờ đợi. Ông trả lời người kia:
Bắc Nam lần lượt tin hồng
Đầu ghềnh quốc quốc bên sông kêu hè
Thôi thì ta hãy ngồi nghe
Hồn đi rồi chắc chồn về rày mai.
Đó là bài thơ viết tháng 2 năm 1940, mấy tháng trước khi cụ mất. Tuy trong cuộc đời có nhiều chuyện như gai đâm vào tròng mắt nhưng trong bụng lại "còn lửa hầng hầng một quả tim". Quả tim của Phan Bội Châu đã làm ông quên cả tuổi già, không cho phép ông đầu hàng. Ông muốn chết nhưng không cam chịu bất lực:
Ông nếu chưa cho mình chết ủa
Lay non lấp bể để ông coi
Gượng sống nhục nhã là một tâm sự u uất. Để khuây khoả, Phan Bội Châu cũng chỉ biết uống rượu ngâm thơ, đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên, tìm một người bạn câm lặng để thổ lộ tâm sự:
Câu thơ đỡ đói vênh hàm đọc
Chén rượu khuây buồn vỗ vế xơi.
Ai biết chăng ai ai chẳng biết?
Năm canh vừng nguyệt hé gương cười.
(Ai vậy)
Phan Bội Châu không quan niệm hành tàng xuất xử như các nhà nho lớp trước, nhưng thất vọng với xung quanh đến mức nghĩ "thế giới e không chẵn nửa người", ông cũng giận dỗi muốn say tít, quên hết thây kệ mọi người và tìm giữ cái thanh cao của riêng mình. Ông cũng bất đắc chí như các ẩn sĩ xưa và đi theo con đường thơ rượu gió giăng của các ẩn sĩ xưa. Ông cũng tự hình dung là "trượng phu kềnh" hay "ông kềnh" cũng say mê cuộc sống của cây thông:
Giữa trời ta đứng ta reo nhỉ
Muôn cụm xanh xanh một cụ tùng.
(Vô đề)
"Trượng phu kềnh" không phải chỉ là dịch nôm chữ "đại trượng phu" (con người lý tưởng theo Mạnh Tử) mà là một hình ảnh biến dạng của nó. "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo" là một cách sống của kẻ bất bình với thực tại đến mức cầu mong "Kiếp sau xin chớ làm người". Cả hai đều là hình tượng lấy ở Nguyễn Công Trứ, người đồng hương của Phan Bội Châu. Nguyễn Công Trứ thị tài, bất mãn với triều đình, coi thường xung quanh, tự coi là trượng phu kềnh, muốn làm cây thông bất chấp giá rét, nhưng ông là người tài tử đòi hưởng thụ vinh quang và thú vui. Thiên nhiên, thơ rượu, thanh sắc đối với ông đều là những "đồ thích chí" mà ông say mê. Phan Bội Châu không phải là người tài tử. Ông bất bình với xung quanh không phải vì thị tài mà ông cũng không đòi hỏi hưởng thụ. Con đường giữ đạo đức thanh cao và kiên trinh đưa ông đến tư tưởng làm trượng phu kềnh, làm cây thông. Cảnh thiên nhiên, thơ rượu chỉ là thú vui bất đắc dĩ.
Trong nhiều bài thơ, Phan Bội Châu cũng nói đến phong cảnh thiên nhiên. Nhưng ông không say đắm cảnh mỹ lệ. Ông không nhìn thiên nhiên với cặp mắt đa tình mà cũng không ngã vào lòng bà mẹ thiên nhiên tìm một chút an ủi. Ông ham thơ nhưng không coi thơ là vật cao quý:
Dốc bể xô non ngòi bút cùn (Cô phong)
Thơ đuổi giặc, rượu chiêu hồn đặng đâu (Tiêu khiển ngâm)
Ông cũng không coi văn chương là thú vui tao nhã để hưởng thụ mà chỉ coi nó là một phương tiện thổ lộ tâm sự, gửi gắm tâm tình.
Mượn chén rượu người xối cục uất
… Bao nhiêu thi nhân là bọn cùng.
(Cổ phong)
Ông say rượu nhưng không có cái thích thú say sưa. Cái lối thơ rượu "Câu thơ điên chọc trời ngơ ngất. Khúc hát say trêu đất gật gù" của Phan Bội Châu là một cách phát tiết lòng uất ức chứ không phải là một cái thú.
Khấn nguyện đoàn sau chim đỉnh núi
Kêu rêu hồn nước quốc đêm thu
Trời ơi chớ bảo say là quấy
Trời nếu như tôi cũng gật gù.
(Tự tình với rượu)
Phan Bội Châu không say mê thiên nhiên như những người ẩn sĩ lánh đời, không say mê thú thơ rượu như những người tài tử hưởng thụ thú vui ở đời. Nhưng con đường giữ đạo đức thanh cao, con đường độc hành kỳ đạo của nhà nho làm ông gặp các nhà nho ấy. Tuy không cùng đi trên một con đường, cuối cùng ông vẫn dẫm vào vết chân của họ.
3. Bi kịch của người hào kiệt thất bại hay là hiện tượng lại giống của nhà nho Phan Bội Châu
Trong cả đoạn cuối đời, khi gặp phong trào cách mạng có cơ hộ phát triển như trong phong trào bình dân hay khi Pháp bị Đức đánh bại hồi đầu Đại chiến thé hai, Phan Bội Châu không giấu được nỗi vui mừng khấp khởi. Nhưng không phải là người trực tiếp tham gia phong trào để có cái lo, cái cui, cái sức sống cụ thể của người trong cuộc, trong tổ chức, hy vọng thường chóng qua và tâm trạng bi quan bế tắ lại kéo dài. Trước khi mất Phan Bội Châu để lại một đôi câu đối tự viếng mình:
Trời sao vầy? Chúa sao vầy? Chết âu cũng là không, chạnh tiếc trong lòng vùi Khổng Mạnh.
Nước như thế! Dân như thế! Đời còn gì đáng tiếc? Thôi ra ngoài cuộc học Hy Hoàng.
(Nguyên văn chữ Hán. Tôn Quang Phiệt dịch)
Đối với một con người như Phan Bội Châu tâm sự đó là một bi kịch.
Từ là một nhà nho, với khí phách phi thường, Phan Bội Châu đã vứt bỏ cái lốt nhà nho để làm người hào kiệt, làm con chim mặt biển, mang hoài bão vá trời lấp biển, hành động say mê. Bước vào hoạt động cách mạng ông đã bỏ con đường làm thánh hiền rẽ sang con đường làm người anh hùng và trong hành động thực tế thấy ra vai trò của nhân dân, của quần chúng, của phòng trào mà tự nguỵen làm anh hùng vô danh. Con đường ấy đáng lẽ dẫn ông đến chỗ làm người chiến sẽ tìm ra sức mạnh trong tổ chức, thế mà cuối cùng ông lại tìm an ủi trong hình ảnh người trượng phu kềnh. Là người chủ trương phẩm giá con người là ở hành động cách mạng cứu nước và là hành động tập thểcủa quốc dân đồng tâm đoàn kết thế mà cuối cùng quay ra tự hào về đạo đức thanh cao và khí tiết như một nhà nho “độc thiện kỳ thân”. Là người nhiệt tình muốn duy tân, không ngần ngại bỏ cũ, theo mới để chủ trương chế độ dân chủ cộng hòa rồi xã hội xã hội chủ nghĩa mà cuói cùng ước mong sang bên kia thế giới để làm Hy Hoàng! Chung cho tất cả cái đó là lời than vãn bi đát “Chạnh tiếc trong lòng vùi Khổng Mạnh” của một người đã từng vứt bỏ đạo thánh hiền với mọt lời bộc bạch đầy hùng tâm tráng khí:
Non sông đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.
(Xuất dương lưu biệt, bản dịch của Tôn Quang phiệt)
Cũng có thể nói đến một sự thoái hóa, trở thành cái đối lập, một sự tự phản bội. nhưng ở Phan Bội Châu sự thoái hóa như vậy không biểu thị một sự phản bội, một sự biến tiết. Ông khuyên thanh niên đừng nôn nóng, nhìn hành động cứu nước của lớp trẻ một cách thiếu tin tưởng không phải vì sợ sệt, mất tinh thần chiến đấu. Những việc làm thơ tặng Sa – ten (Châtel), tặng Xô – nhi (Sogny), tặng Ngô Đình Diệm rất lạ lùng đối với một nhà yêu nước nuôi lòng căm thù bền bỉ “Oán thù ta hãy còn lâu, trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què” như Phan Bội Châu, sẽ trở thành dễ hiểu nếu ta so với việc Phan Đình Phùng viết thư trả lời Hoàng Cao Khải. Nhà nho coi kẻ thù như những cá nhân, tự xử một cách cao thượng bằng lễ nghĩa, không coi việc làm của mình là hành động chính trị phải đúng đường lối chính trị và chính trị thì cũng không phải là đường lối khoa học mà chỉ là những thái độ, những thủ đoạn. Phan Bội Châu ngông nghênh nói về người trượng phu kềnh, coi thường xung quanh không phải vì tự mãn, không phải vì tự cao, không phải vì tự ái. Trước sau ông vẫn là người đặt Nước và Dân lên trên hết, sẵn sàng phục thiện. Nhưng nếu như trước kia, tinh thần và chí khí đã giúp ông coi thường mọi hiểm nguy, có gan từ bỏ tất cả để chiến đấu như một người hoạt động cách mạng thì về cuối đời cũng chính tinh thần và chí khí đó đưa ông đến chỗ quyết tâm làm thứ “cột đá giữa dòng” hiên ngang thách thức giữa cánh “biển trầm mê cuốn rác trôi bèo” (Huỳnh Thúc Kháng. Văn tế Phan Bội Châu). Tuy chỉ mới vài mươi năm nhưng lịch sử đã bỏ qua hai thời đại. Trước sự đổi thay không bình thường như thé cần thay đổi nhận thức nhanh chóng, suy nghĩ theo những tiêu chuẩn hoàn toàn khác, thế nhưng Phan Bội Châu dừng lại ở mức cũ, vì thế trở thành lạc hậu một cách kinh khủng. Những việc theo ta ngày nay là lạ lùng, trái ngược và mâu thuẫn, thì theo cách nhìn Nho gia của ông lại là nhất quán và đắc thể vì được suy nghĩ theo góc độ đạo đức cá nhân chứ không phải theo tiêu chuẩn hành động chính trị của người chiến sĩ cách mạng.
Ở Phan Bội Châu có hiện tượng thoái hóa nhưng không phải là biến tiết. Đó là một hiện tượng lại giống, quay về với Nho giáo. Nho giáo trang bị cho ông đạo đức, tinh thần trách nhiệm, khí tiết tức là tình cảm và chí khí; gặp lúc phải xử biến ông đủ sức vứt bỏ tất cả, kể cả kinh truyện thánh hiền để trở thành một nhà hành động và nhà hành động thì đã không còn là nhà nho nữa. Nhưng ở trong ông hành động đã theo quy luật của hoạt động chính trị mà cách suy nghĩ, quan niệm làm người, động cơ của hành động thì vẫn là theo Nho gia. Đến khi không hành động chính trị nữa thì chỗ trống đó được lấp kín: quan niệm kàm người choán hết suy nghĩ của ông. Đạo đức, chí khí, phương pháp suy nghĩ theo nhà nho không cho phép ông nhận thức ra đường lối chính trị khoa học và lối sống chiến đấu của người chiến sĩ.
Cái xảy ra với Phan Bội Châu thì cũng đã xảy ra với tất cả các nhà nho yêu nước thuộc thế hệ ông. Chỉ khác là quá trình lại giống đó xảy ra ở Phan Bội Châu tương đối ít tiêu cực hơn mà cũng chậm hơn. ở các nhà nho yêu nước - dầu thuộc phái ôn hòa hay kịch liệt khi bị bắt phải ngồi tù ở Côn Đảo, mất điều kiện hoạt động chính trị, quá trình lại giống xảy ra nhanh hơn, chỉ vài ba năm sau khi vào tù. Họ cũng trở về con người đạo đức thanh cao khí tiết, cũng nhìn mọi người với thái độ “đại trượng phu”. Ở nhiều người lòng tự hào gần thành tự mãn. Lòng yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm chiến đấu vì nước vì dân cho đến thắng lợi cuối cùng ở họ không sâu sắc như ở Phan Bội Châu nên không kìm hãm quá trình lại giống lâu như ở Phan Bội Châu và cũng không biến thành cái uất ức đau xót như ở Phan Bội Châu, nhưng hiện tượng lại giống đó xay ra trước Phan Bội Châu mà quan trọng hơn là cũng trước cả những thay đổi có tính thời đại.
Nho giáo bằng cách giáo dục cho con người tinh thần vì đời, tinh thần vì nghĩa, ý thức tu thân giữ đạo đức có thể làm cho nhà nho có tinh thần yêu nước, vì dân, dám dũng cảm hy sinh, trong tổ chức cách mạng có thể vì tín nghĩa mà thành những đồng chí đáng tin cậy… Nhưng Nho giáo không chuẩn bị cho nhà nho khả năng nhận tứhc có hứng thú và ý thức tìm hiểu khách quan, theo dõi các vấn đề lý luận có hệ thống và nhất quán. Động cơ và tiêu chuẩn của hành động là đạo đức và là đạo đức cá nhân chứ không phải sự tất yếu, sự tiến bộ khách quan, chịu trách nhiệm với đạo lý chứ không phải tổ chức. Phan Bội Châu đã có những lúc ở những điểm vượt qua nhà nho nhưng chưa phủ định được nó. Bị tư tưởng Nho gia ràng buộc, kìm hãm, Phan Bội Châu lạc hậu không theo kịp thời đại. Mơ ước một đời sống tự do, một xã hội công bằng, dân chủ của thời đại thái cổ và thời hiện đại của người nông dân và người công nhân, muốn vì đời, vì dân nhưng không phân biệt được phương pháp đấu tranh cách mạng với lòng nhân ái tôn giáo, ông không tìm ra cho mình cách chiến đấu hợp với thời đại và hợp với hoàn cảnh khó khăn của mình nên giữ thái độ kiên trinh một cách tiêu cực và cô độc chỉ dẫn đến sự mòn mỏi.
Trước sự đổi thay bằng nhiều bước ngoặt nhanh chóng, Phan Bội Châu có vinh dự là người khởi xướng, đi đầu và đi đến cuối cùng của một thế hệ. Đối với thế hệ đó quay lại Nho giáo là một hiện tượng có tính tất yếu. Tất nhiên tất yếu không phải là định mệnh. Phan Bội Châu cũng đã cưỡng lại nhưng không tìm ra điều kiện nên cuối cùng đã không thoát được. Có lẽ đây là một điều cần để chúng ta hiểu đúng Phan Bội Châu. Không phải chỉ trong Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam, Sùng bái giai nhân, Trùng Quang tâm sử, Truyện Chân tướng quân, truyện Phạm Hồng Thái ta mới gặp Phan Bội Châu, cả trong các tác phẩm về sau ta cũng vẫn gặp đúng nhà chí sĩ lớn lao ấy. Về mặt lịch sử, 15 năm hoạt động cuối đời của Phan Bội Châu không phải vô nghĩa. Nó giúp ta hiểu Phan Bội Châu toàn vẹn hơn mà cũng giúp ta hiểu thời đại ông, thế hệ ông đúng hơn.
Phan tiên sinh là người hào kiệt
Mười mấy năm xưa đọc hết sách thánh hiền.
Gặp cơn đất đổ trời nghiêng
Lòng mẫn thế ưu thiên chan chứa
Nào những lúc câu thơ kiến chí
Bút hào hùng nhả khí phong lôi.
(Võ Liêm Sơn – Chúc thọ cụ Sào Nam)
Giữa “bút hào hùng” và “người hào kiệt” vốn có quan hệ mật thiết. Phan Bội Châu từ khi còn là cậu Khóa San, ông Giải San đã tìm ra miếng đất thích hợp cho văn phong của mình: thể phú. So với thể phú, Phan Bội Châu làm thơ ít thành công hơn. Phan Bội Châu không thuộc loại nhà thơ hào hoa phong nhã “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Ông thiếu cái nhìn tinh tế, cảm xúc lắng đọng, tâm sự sâu kín và từ chương tao nhã là những cái tạo nên cái hay, cái đẹp của thơ thất ngôn. Thành công lớn của Phan Bội Châu là đem được cái đẹp hùng tráng cẩoc thật “đắc địa” vào văn chương tuyên truyền cổ động. Ngay cả khi viết văn xuôi, Phan Bội Châu cũng tìm cách mô tả cảnh hùng tráng, đem những câu biền ngẫu có giọng hùng tráng vào tô điểm cho bài văn. Từ sau khi về Bến Ngự, Phan Bội Châu ít viết phú mà viết rất nhiều thơ thất ngôn, và lại viết đúng vào thời gian trong nước thơ mới ra đời, lấn át dần địa vị của thơ cũ. Ông viết đủ loại từ phú đắc, đề, vịnh đến cảm hoài, tức sự, đủ cả ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, bát cú, trường thiên, cổ phong. Càng ngày ông càng có xu hướng đem tâm sự bộc bạch trong thơ. Khác với giai đoạn trước, trong giai đoạn sau Phan Bội Châu đem cái tôi vào văn chương, nhưng cái tôi ông đưa vài không phải là cái tôi sống cụ thể bằng cảm giác, cảm xúc, dục vọng cá nhân mà là cái tôi đạo đức thanh cao kiên trinh nên không phân biệt hẳn với cái ta đạo lý.
Phan Bội Châu cũng viết nhiều thơ trào phúng đả kích. Thơ trào phúng của ông thường là viết theo lối ngụ ngôn lấy chuyện con muỗi, con vẹt, con gà, con chó săn… để đả kích quan lại, phê phán nhân tình thế thái. Tuy là trào phúng nhưng nhắm đả kích hơn là gây cười, nhắm phê phán về mặt đạo đức hơn là mô tả cái khôi hài lố bịch, Phan Bội Châu cũng viết nhiều thơ tự trào. Thơ tự trào của ông không nhắm cười đùa bằng cái hóm hỉnh thông minh mà là những tiếng cười gằn trong hoàn cảnh cay đắng của mình. Thơ thất ngôn của Phan Bội Châu vẫn thuộc loại ký ngụ, phẩm bình, ngâm vịnh khác hẳn thơ thất ngôn của Tản Đà và thơ mới lúc đó. Trong cả thời gian cuói đời Phan Bội Châu ít làm phú và những bài dùng thể phú để viết những lời giáo huấn, ngày nay chúng ta chỉ còn thấy một bài phú thực sự: Hương giang thu phiếm.
Hương giang thu phiếm tả một cảnh đi chơi thuyền trên sông Hương. Cũng là một buổi trăng trong gió mát, cũng là một khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. “Long lanh sắc nước; bát ngát hương trời” và tác giả cũng muốn nói đến một cuộc đi chơi phong nhã:
“Tháng bảy tám chi gian, bức vẽ lòng sông mặt đất;
Chèo đôi ba tùy ý, túi thơ, cảnh vật, thú người”.
Thế nhưng bài phú viết ra không phải để ca tụng cảnh đẹp hay thú đi chơi mà lại để gửi gắm một tâm sự đau xót. Phan Bội Châu chọn câu Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu” để hạn vận. Cảnh có đẹp mà lòng người không đành vui với cảnh! Cuộc đi chơi sông Hương của Phan Bội Châu không có cái vui thanh thoát trước cảnh mênh mông huyền ảo như cuộc chơi sông Xích Bích của Tô Đông Pha mà cũng không có cái vui hào hứng trước cảnh tráng lệ như cuộc đi chơi sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Phú là thể loại để mô tả. Phan Bội Châu đã tả cảnh sông Hương, cảnh chơi trăng khá đẹp và tả bằng thể phú cho nên ông cũng trở lại dùng bút pháp khoa trương, âm điệu hùng tráng vốn rất quen thuộc vói ông. Phan Bội Châu nói đến một cảnh tiên không cần có khe quạnh ngàn sâu, đến một cuộc chơi khác hẳn tuồng đời và một nỗi vui mừng vì thú vùng vẫy tự do.
Lúc cuối trời mây lượn, liếc mắt đưa nhạn bắc về nam;
Khi góc bể trăng lù, giơ tay khoát chim rừng về tổ.
Há chẳng là khí tượng tự do
Ừ thế cũng giang sơn hữu chủ
Tha hồ mình hát mình hò
Thây kệ nào giống nào tố.
Thế nhưng nhìn toàn bài không những phần tâm sự át phần mô tả, nôi đau xót lấn át khí hào hùng, mà cái hùng tráng mỗi lúc vươn lên liền bị chặn lại. Sang hai câu:
Trên nước vững một tay chi lái, đủng đỉnh thuyền khua sóng chạy, gó ào ào cỏ múa cây đùa;
Dưới trời giương hai cánh chi buồm, thung dung thuyền cưỡi gió lên, sóng ràn rạt bổ nhào núi đổ.
Là cả một đoạn bộc bạch đau xót: nước mất, nhân dân bị chìm đắm “Rượu Xích Bích tỉnh say say tỉnh, đành chăng vui một mình vui?”
Hùng tráng kết hợp với bi thảm nhưng không tạo ra cái đẹp bi tráng lẫm liệt. Có lúc ta cũng gặp cả một tâm trạng thanh thoát hay cuồng phóng. Nhưng tất cả đều bị cái bi ai ghìm xuống, vùi lấp. Bài Hương giang thu phiếm làm ta liên tưởng đến cảnh vật vã thê thẩm của người hào kiệt thất bại.
Hào kiệt và thánh hiền. Hành động và tâm sự. Phú và thơ thất ngôn. Hùng tráng và bi ai. Ta chứng kiến một quá trình đổi thay mà cũng chứng kiến mối quan hệ chặt chẽ giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa nội dung và hình thức. Văn chương Phan Bội Châu xa rời cái hùng tráng, có lẽ còn nói một vấn đề lớn hơn là hoàn cảnh thất bại thê thảm của riêng ông.
Đáp lại yêu cầu của một thời kỳ lịch sử, Phan Bội Châu đã thôi không làm thánh hiền để làm hào kiệt. Con người hào kiệt vốn dĩ có một cái tôi, cái tôi không trộn lẫn được với cái ta chung vì nó muốn vượt lên trên cái tầm thường, cái bình thường, nó muốn vương lên một cái mẫu mực cao nhất để sống khác thường, chứ không phải sống sâu nhất, cao nhất cái bình thường; nó muốn một mình lên đỉnh cao giơ tay ra cứu vớt mọi người chứ không phải đứng cùng chỗ với mọi người, cải tạo cái bình thường, nâng nó lên càng ngày càng cao như người anh hùng kiểu mới. Trong cuộc đời hoạt động cứu nước của mình, Phan Bội Châu đã cố gắng làm một người hào kiệt rồi lại khắc phục được nhiều nhược điểm của người hào kiệt: hiểu được quan hẹ giữa anh hùng hữu danh và anh hùng vô danh, tin tưởng cả dân tộc Việt Nam có thể thành những tập thể lớn, cả nhà anh hùng, cả nước anh hùng, nam cũng như nữ. Nhưng ông vẫn chưa giải quyết được quan hệ giữa kẻ sĩ, những người có tri thức và dân, tức là quần chúng lao động thất học. Giữa cái tôi của Phan Bội Châu và cái ta lý tưởng thì ông không phân biệt, nhưng giữa cái tôi đó và cái ta thực tế tức là quần chúng thì ông có phân biệt. Đó là lý do làm cho người hào kiệt trong ông vẫn tồn tại, trách móc, mắng mỏ quốc dân, có lúc bi quan đến “hư vô chủ nghĩa” (chữ của Đặng Thai Mai) đối với cả con người.
Theo cách người anh hùng kiểu mới, nếu không đến được cái phi thường thì chỉ là bình thường hay tầm thường, còn người hào kiệt nếu không là phi thường thì cô độc, thậm chí trái tính trái nết, không hòa mình với mọi người, mất hứng thú với thực tế khách quan, gửi tâm sự vào thơ, cho “chim ngàn cá biển”, cho trăng gió vô tri, không tránh được bất lực.