Người xứ Nghệ

Sơn Tùng, chân dung qua một mối tình

 

Đã đôi ba bận tôi viết về tình bạn, về mối quan hệ của một vài người với một số đồng chí lãnh đạo mà tôi biết. Đã thành kinh nghiệm, nên bây giờ khi bắt tay viết thể loại này, thú thực trong tôi song hành hai tâm trạng trái ngược: yên tâm và lo lắng.

Yên tâm ở chỗ, đa phần những người được viết, được “kèm” với những nhân vật uy quyền đều có cảm giác sung sướng và tỏ ý cảm ơn tác giả. Còn lo ở chỗ, biết đâu đấy lời kể của người trong cuộc lại có ý vun vào mình, cố ý bắt quàng người sang, hoặc có khi do chính họ không ước lượng được cường độ tình cảm trong mỗi lời nói, trong mỗi cái ôm hôn, cái bắt tay mà yếu nhân dành cho mình. Đã thế, chẳng may lại đúng thời điểm người viết (là tôi) mụ mẫm, cứ thấy đỏ tưởng là chín… để rồi hùng hục cho ra một thứ tác phẩm mà ngay lập tức chuốc lấy sự phật ý của các yếu nhân. Hoặc giả các yếu nhân không chấp đi nữa, nhưng lại nghĩ: “Gớm, xã hội sao lại lắm người lãng mạn và giàu trí tưởng tượng đến thế?” Nếu thật như vậy, kể cũng ngượng. Nhưng lần này khi định bụng viết về mối quan hệ của nhà văn Sơn Tùng với nhiều lãnh tụ, tôi lại có nỗi lo ngược lại. Ai cũng phải thừa nhận, Sơn Tùng là nhà văn của những cứ liệu lịch sử. Ông như con ong cần mẫn, cả đời chuyên tâm công việc sưu tầm tư liệu để viết về Bác Hồ cùng nhiều lãnh tụ kiệt xuất của lịch sử. Bằng những Búp sen xanh, Bông sen vàng, Hoa râm bụt, Mẹ về… Sơn Tùng đã xây dựng nên hình tượng Hồ Chí Minh thành công nhất trong văn học cách mạng Việt Nam (sáng tác về Bác Hồ là bộ phận đồ sộ của nền văn học cách mạng). Do mắc vào “nghiệp” viết về vĩ nhân, lãnh tụ nên Sơn Tùng gần gũi với những con người này. Ngược lại, họ cũng “cảm” ông về tác phẩm, về sức lao động của một nhà văn thương binh hạng ¼ chỉ còn 19% sức lực, “cảm” về nhân cách, sự khẳng khái, về quan niệm và đức tin của ông. Nhiều lãnh tụ đã coi ông như ruột thịt, như người đồng chí theo đúng nghĩa vời vợi cao đẹp của nó. Ông cảm nhận được chính xác sức nặng của những mối quan hệ này bằng thiên phú nhà văn: “Dù chỉ cái run nhẹ của hàng mi, một chút ngập ngừng thoáng nhanh trên một ngón tay, một gợn nhỏ trên nét mặt vô cùng bình tĩnh thì con mắt thấu suốt của chúng ta cũng không bỏ sót” (Nam Cao).

Tôi hiểu tính cách của nhà văn Sơn Tùng, biết được cường độ tình cảm của ông với nhiều đồng chí lãnh đạo nên yên tâm một bề: tư liệu của ông sẽ hoàn toàn chính xác, tin cậy. Do vậy bài viết sẽ không thể có sự phản ứng từ phía các đồng chí lãnh đạo, cũng như gia đình và bạn hữu của các đồng chí. Nhưng tôi lo ngại ở chính phía nhân vật được viết: nhà văn Sơn Tùng. Ông rất ngại nói về mình, ông không muốn để ai hiểu lầm ông vụ lợi. Trước đây tôi có viết một bài về ông. Ông đọc, sau đó góp ý tôi: “Giá mà chuyện chú bị thương nên nói ít đi thì hay hơn. Dân tộc ta biết bao người còn hy sinh nhiều hơn. Chú không muốn mọi người nghĩ mình kể công”. Đoạn tôi tả Chủ tịch nước đến thăm ông ông lại bảo: “Từ ngày còn trong thành phố Hồ Chí Minh, Sáu Phong (tên thân mật của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) đã ra nhà chú rồi. Bạn cũ thăm nhau là chuyện bình thương. Sáu Phong bây giờ làm Chủ tịch nước, đi thăm đâu báo chí cũng biết. Nhưng về việc này báo Tiền phong viết thế là đủ rồi…” Tính cách ông là vậy, nên khi bắt tay viết bài về “mối tình đồng chí” giữa cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông, tôi cứ đắn đo mãi. Cuối cùng, tôi cũng vắt óc suy nghĩ, chỉ có cách nhắm thẳng vào đức tin, vào điều tôn thờ của ông - kể cả dài dòng - chỉ có vậy mới hầu mong “cảm” được con người này.

- Thưa chú, cháu biết chú rất thân thiết và có nhiều tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh… Nếu chú cứ để trong lòng những điều ấy thì phí cho thế hệ sau chúng cháu lắm. Được đọc về những con người ấy cũng là một cách tiếp cận đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vả lại chẳng còn mấy ngày nữa là giỗ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bài viết này như một nén nhang của chú cháu mình tưởng niệm cố Thủ tướng - một học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông hồ hởi như trẻ thơ được mặc áo mới:

- Thế thì cháu viết đi. Cháu viết từ nhìn nhận và tâm can của mình. Còn cần tư liệu gì chú sẽ cung cấp. Tư liệu về lịch sử, về lãnh tụ phải thật chính xác.

Có thể do tác phẩm, do cách sống rất “Sơn Tùng” mà tác giả Búp sen xanh có vị trí quan trọng trong tâm hồn và tình cảm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1982, Thủ tướng có ý định cấp cho Sơn Tùng một căn nhà vì ông là một nhà báo, nhà văn tham gia cách mạng từ rất sớm, lại bị thương nặng, có đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp văn học nước nhà. Thoạt tiên Sơn Tùng rất vui, bởi mình chưa được cấp nhà bao giờ, bởi chỗ ở lúc đó do ông tự thu xếp trong ngõ Văn Chương – Khâm Thiên chật và úi xùi quá. Nay được chỗ ở mới chắc sẽ đàng hoàng hơn, đỡ vất vả hơn. Căn nhà đó ở phố Liễu Giai (Ba Đình – Hà Nội). Nhưng niềm phấn chấn ấy chỉ thoảng qua, để rồi nhường chỗ cho một ý nghĩ trái ngược. “Không nên chấp nhận căn nhà đó” - điệp khúc này vang vọng trong đầu óc ông. Ít hôm sau, ngày 10-4-1982, Sơn Tùng được Thủ tướng Pham Văn Đồng mời đến ăn cơm cùng cả gia đình và Thủ tướng hỏi thêm đôi điều trong “Búp sen xanh”. Trong không khí thân tình, Sơn Tùng trình bày luôn với Thủ tướng về chuyện cấp nhà cho mình:

- Thưa bác, cháu suy nghĩ kỹ rồi. Cháu không nhận nhà đâu. Xét về tiêu chuẩn, chế độ cháu không băn khoăn. Nhưng bác ạ, cháu không muốn để mọi người nghĩ mình viết về Bác Hồ, về các bậc danh nhân, các nhân vật lịch sử để mon men lên Thủ tướng xin nhà…

Thoáng một chút ngạc nhiên, Thủ tướng vỗ tay trên trán, rồi bất ngờ thốt lên:

- Sơn Tùng! Đồng chí Sơn Tùng suy nghĩ kỹ, kỹ lắm! Chín chắn, chín chắn lắm! Tôi biết giúp đỡ gì cho Sơn Tùng – nhà văn, người đồng chí của tôi?

- Cháu xin bác cho một vài lời cho “Búp sen xanh” khi tái bản!

- Có ngay. Có ngay lời tựa cho “Búp sen xanh”!

Khi chia tay, Thủ tướng đưa cho Sơn Tùng viên đá đen nhánh có số 28, nhẵn bóng, to bằng hạt xoài để Sơn Tùng tập nắm, phục hồi cánh tay bị thương và tặng Sơn Tùng cuốn sách “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp và người nghệ sĩ” của Thủ tướng với lời ghi: “Thân ái tặng đồng chí Sơn Tùng với những lời chúc mừng nhiệt liệt của tôi. Ngày 10-4-1982. Phạm Văn Đồng”. Ở thời điểm này có một chi tiết thú vị về nhà văn Sơn Tùng. Đó là đầu năm 1983, ông đã có trong tay lời tựa thống thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho cuốn Búp sen xanh. Ông định đưa vào sách trong lần tái bản thứ hai. Nhưng sách chưa kịp in, thì mùa hè năm ấy (năm 1983), Búp sen xanh của ông “gặp nạn”. Ông cắn răng chịu đựng mà không hề trình ra với ai lời tựa thống thiết của đương kim Thủ tướng hầu mong tác dụng như một thứ bùa hộ mệnh. Nhiều bạn văn lo và thương ông quá, khuyên ông lên gặp Thủ tướng, nhưng ông vẫn một mực “Không!” Sang năm 1984, Búp sen xanh của ông thoát nạn, nhưng khi được tái bản lần hai ông lại không cho in lời tựa của Thủ tướng. Ông bảo với tôi: “Đưa vào mọi người lại nghĩ tác giả cậy có Thủ tướng nên tai qua nạn khỏi”. Cho mãi tới 12 năm sau (2005) trong lần tái bản thứ 14 ông mới đưa lời tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Búp sen xanh. Khi tác phẩm thoát nạn được tái bản, ông vẫn kiên quyết không đưa câu “Có sửa chữa, bổ sung” vào bìa sách. Trở lại câu chuyện “mối tình đồng chí” giữa nhà văn Sơn Tùng và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bằng chất giọng xứ Nghệ, ông dẫn tôi trở về với những năm tháng xa xăm đầy ắp kỷ niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi nhận thấy ông càng đắm chìm trong hồi ức này thì gương mặt càng trở nên u uẩn, thẫn thờ như vừa mất một điều gì vô giá. Hình như đã quá sức chịu đựng, đột nhiên ông đi vào phía trong. Khi quay ra, ông đưa cho tôi một xấp giấy viết tay của ông, bảo tôi đọc. Tôi ngấu nghiến đọc, càng đọc tôi càng khẳng định toàn bộ năng lượng và nội tâm của tác giả đã dồn nén qua ngòi bút để cho ra những con chữ tưởng chừng rách cả giấy này. Bỗng nhiên, những trang viết của ông nhập nhoà trước mắt tôi: “… Bác Tô ơi, bác đã về cõi âm với Bác Hồ rồi. Sơn Tùng thành kính dân lên bàn thờ cuốn “Búp sen xanh” chiêm vọng – tri ngộ, tri ân đồng chí Phạm Văn Đồng”… Tôi tiếp tục khám phá những dòng viết của nhà văn: “… Sơn Tùng còn nhớ lắm, những năm 80 của thế kỷ trước, ai ai cũng thiếu thốn. Thủ tướng đã cho thư ký – anh Trần Tam Giáp – đem đến cho Sơn Tùng mấy mét vải ka ki để may áo khoác. Tấm áo ấy ấm lắm, nhưng cháu mặc đúng một lần rồi gửi về quê tặng ông Vũ Chân, một lão nông tri điền, nghèo, bạn thuở chăn bò với Sơn Tùng. Cháu đã nói với bạn rằng, đây là áo lộc của Thủ tướng…”. Rồi: “… Ngày đó khi có tiền nhuận bút, Thủ tướng dành ra một phần giao cho đồng chí thư ký Nguyễn Tiến Năng đem đến tận nhà Sơn Tùng…” Tôi đang bị cuốn theo những trang viết tự sự kiểu nhật ký của Sơn tùng với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bỗng nhà văn bảo tôi:

- Theo chú, cháu muốn biết tường tận về một vài cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chú, chú sẽ viết giúp cháu phần này. Nói vậy không phải không tin cháu, chú kể như vừa rồi cháu cũng viết được thôi. Nhưng chú là người trong cuộc, có những cảm xúc riêng tư. Chú muốn dành cho Thủ tướng… - Giọng ông ngậm ngùi – Chú sẽ viết về lần gặp cuối cùng…

Hôm sau nhà văn Sơn Tùng đã cho gọi tôi đến và đưa cho tôi bốn tờ giấy viết tay đặc chữ, nhiều chỗ gạch xoá chỉnh sửa. Ông bảo tôi: “Chú viết từ ba giờ sáng, vừa xong thì gọi cháu. Còn đây là tập thư tay của bác Tô gửi chú, cháu đọc để tham khảo.” Dưới đây xin chép nguyên văn bài viết của nhà văn Sơn Tùng:

Ngày 17-8-1999, lúc 15 giờ Sơn Tùng và cháu ngoại tới thăm và kính biếu bác Phạm Văn Đồng cuốn sách “Hoa râm bụt” vừa xuất bản. Lần gặp này bác vẫn ôm tôi, nhưng vòng tay bác không còn xiết chặt được như những lần trước và hơi run. Giọng nói của bác mất đi cái thanh trong sang sảng. Tôi nghẹn ngào chưa thể nói ra lời, đồng chí Nguyễn Tiến Năng thư ký của bác đành đỡ lời:

- Cháu Thuỷ sang Pháp làm luận án tiến sĩ. Cháu cùng ông ngoại lên kính chào cụ.

Cháu Trần Thu Thuỷ của tôi hai tay kính cẩn đặt bó hoa vào tay bác Phạm Văn Đồng. Bác Đồng sáng tay thay mắt, ôm bó hoa vào lòng, rồi hỏi: “Hoa cúc hả cháu?” “Dạ vâng, thưa cụ hoa cúc đại đoá.”

Bác Đồng cười hiền từ, cảm ơn cháu… Nhìn sang tôi với nụ cười, bác nói:

- Cháu gái của đồng chí còn rất trẻ mà am hiểu về hoa, biết chọn hoa cúc để biếu người già. Tốt lắm, quý lắm.

Tôi chợt nhớ đến một ý, liền thưa với bác:

- Dạ thưa bác, “Cúc ngạo hàn sương, mai hoa cốt tướng”.

Bác Đồng cười ý nhị, rồi quay về phía cháu Thuỷ:

- Cầu mong cho cháu sức khoẻ. Cháu học đã giỏi càng phải giỏi hơn nữa, phẩm hạnh đã tốt càng phải tốt hơn nữa. Luôn phải nhớ lời Bác Hồ căn dặn: nhiệm vụ của thanh niên là không được hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải hỏi mình đã làm gì cho nước nhà…

Bác Đồng ân cần hỏi tôi: “Sơn Tùng đến đây bằng phương tiện gì?”

- Thưa bác, anh Trần Tam Giáp đèo xe đạp đến (đồng chí Trần Tam Giáp từng là thư ký của bác Phạm Văn Đồng, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, vương quốc Kuwait, cộng hoà Ả Rập Syrie, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhà nước Israel).

Một thoáng tư lự, bác Đồng nói khẽ nhẹ: “Tôi luôn nhớ Sơn Tùng, nghĩ về Sơn Tùng!” Bác Đồng lại im lặng! Tôi đặt vào tay bác cuốn sách “Hoa râm bụt”.

- Thưa bác, đây là cuốn sách của cháu vừa in xong…

Bàn tay bác Đồng đưa nhè nhẹ trên mặt bìa cuốn sách, bác hỏi: “Sách khá dày đấy, bao nhiêu trang?”. “Thưa bác, gần 400 trang ạ.” Bác cầm bàn tay tôi, bàn tay năm ngón co quắp vào nhau, bác nói trong niềm thương cảm:

- Thương tật đến vầy (vậy)… mà lao động… lao động văn học… thật phi thường, phi thường lắm! Tôi cũng vừa có hai cuốn sách mỏng bàn về giáo dục. Đồng chí Năng thay tôi ký tặng đồng chí.

Mỗi lần tới thăm bác Đồng như thế này, tôi thường thông tin với bác những vấn đề nóng bỏng ngoài xã hôi, những tiếng kêu cứu trong dân tình… Lần này tôi kể với bác những tiêu cực trong ngành giáo dục, ngành y tế vừa mới cồn lên trong dư luận. Anh Trần Tam Giáp ngồi bên khẽ bấm vào vai tôi. Tôi hiểu ý anh. Tôi nhìn bác Đồng đang nghiêng đầu nặng trĩu. Giọt nước mắt bác rơi xuống bàn tay tôi đặt trên đầu gối bác. Đồng chí Nguyễn Tiến Năng nói nhỏ vào tai tôi: “Bác xúc động và mệt. Bác sĩ nhắc, để bác nghỉ…” Tôi bồi hồi nói với bác: “Bác ơi, để bác nghỉ, để dịp khác cháu lại lên thăm bác!” Không thấy bác nói gì. Bàn tay tôi vẫn ủ trong lòng bàn tay bác. Tôi nói lại một lần nữa: “Cháu muốn ở lâu bên bác, nhưng phải giữ gìn sức khoẻ của bác. Cháu…” Tôi chưa nói trọn lời, bác Phạm Văn Đồng đã thốt ra lời dỗi thương như lời của một người cha trong nỗi cô đơn muốn con mình luôn luôn ở bên: “Anh không muốn ở đây nữa thì anh về.” Khoảnh khắc này tôi nhìn vào không gian bác Phạm Văn Đồng thăm thẳm ở cung đền! Lòng tôi lại ấm dần lúc nhìn thấy tấm ảnh cháu đích tôn của bác đặt giữa bàn, đối diện với ông nội đang ngồi trong ghế phô- tơi mây. Lần đó, khi ra về trên đường trong vườn Bác Hồ, tôi nói với anh Trần Tam Giáp và cháu Thuỷ: “Tôi linh cảm khó còn được một lần nữa gặp bác Phạm Văn Đồng như hôm nay!...”

Hơn mười ngày sau, đồng chí Nguyễn Tiến Năng thư ký củ bác Đồng đến nhà tôi, lúc ấy trong nhà đang có vài người bạn của Chiếu Văn. Đồng chí Nguyễn Tiến Năng đặt vào tay tôi một gói quà, giọng anh nghèn nghẹn:

- Bác Tô sắp phải vào bệnh viện, bác nhắc tôi đem quà Quốc khánh 2-9 cho anh. Đây là na dai, bác Tô nói loại na này không có cát, Sơn Tùng ăn được.

Anh Năng đưa tiếp phong bì cho vợ tôi, nói nhỏ nhưng rõ ràng:

- Bác Phạm Văn Đồng có món tiền nhuận bút, bác gửi chút đỉnh để chị mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho anh…

Tôi lặng người đi, mắt cay xè. Qua phút giây đó tôi thốt lên với đồng chí Nguyễn Tiến Năng: “Sắp phải vào bệnh viện mà bác Phạm Văn Đồng vẫn nghĩ về tôi, nhớ phần quà Quốc khánh 2-9 cho tôi…”

Ôi, Sơn Tùng! Con người ông là vậy. Tiết tháo, khẳng khái, trọng nghĩa khinh tài. Ông yêu người, yêu tất cả những ai chỉ với một điều kiện tôn thờ và làm theo đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông hiền hoà, dễ gần với mọi người; chỉ nộ khí (hoàn toàn không nộ ngôn) khi điều thiêng, khi đức tin, quan niệm của ông bị xâm phạm. Những mưu cầu về vật chất, danh vọng dường như không có trong con người này. Đã nhiều chục năm nay ông ngồi thiền và ăn rất ít thịt. Ông sống bằng đức tin, bằng quan niệm. Chính điều này là nguồn năng lượng nhiệt hạch vô tận để cánh chim hồng hạc Sơn Tùng – cây Tùng trên núi – quý danh này vận được vào ông. Rồi nữa, một câu ông viết trong bài này “Cúc ngạo hàn sương, mai hoa cốt tướng” cũng được vận vào tác giả. Rồi câu trong bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 15-3-1986 gửi nhà văn Sơn Tùng: “Ở thời đại chúng ta không có gì quý hơn làm một người chiến sĩ cũng cảm” cũng xứng đáng đề tặng nhà văn thương binh Sơn Tùng. Năm nay ông đã bước vào tuổi 80, ai cũng hiểu, với ông đó là một kỳ tích. Để có được điều này, hẳn ngoài bảo bối của ông là đức tin,quan niệm, ông còn được anh linh Bác Hồ cùng những học trò xuất sắc của Người, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hộ./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511588

Hôm nay

2251

Hôm qua

2336

Tuần này

21962

Tháng này

218461

Tháng qua

121356

Tất cả

114511588