Ông là người đề xướng và tổ chức thực hiện việc thi tuyển sinh đại học và kiểm tra kiến thức nghiên cứu sinh một cách công bằng, minh bạch. Ông cũng là một trong những người chủ trương mở các lớp phổ thông chuyên toán ở nước ta vào năm 1965, từ đó đào tạo được mấy thế hệ các nhà khoa học tài năng cho đất nước. Ông mạnh dạn đưa học sinh ta đi dự các Olympic Toán Quốc tế ngay từ mùa hè năm 1974, khi nửa nước còn chiến tranh giải phóng. Nhiều học sinh chuyên toán thời ấy, về sau, đã trở thành những nhà toán học, nhà vật lý, nhà cơ học hay nhà quản lý khoa học và giáo dục có tiếng...
Bộ óc bách khoa
Có người cho rằng “Tạ Quang Bửu là một bộ óc Lê Quý Đôn thời nay”. Nhận định ấy cần có thêm thời gian để bình tĩnh kiểm chứng. Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng đó không phải là điều thiếu căn cứ.
Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha là cụ cử nhân nho học Tạ Quang Diễm. Mẹ là bà Nguyễn Thị Đào (tức nữ sĩ Sầm Phố) có nhiều bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước in trên các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Thời Đàm...
Năm 1917, ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, mở kỳ thi cho những học sinh bảy tuổi, thi cả chữ Hán, Việt văn và toán, do ông nghè Đinh Văn Chấp chấm. Cậu bé Bửu đỗ cao và từ đấy nổi tiếng học giỏi.
Năm 1929, là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), Tạ Quang Bửu đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ (chương trình học và thi rất nặng). Sau đó, ông thi cùng học sinh các trường Tây, đỗ đầu tú tài Tây ban toán, và đỗ hạng ưu tú tài Tây ban triết. Toán học và triết học là hai môn được ông yêu thích ngay từ khi còn trẻ.
Đỗ cao nên ông nhận được học bổng của Hội Như Tây du học (một hội khuyến học của Nam triều) để sang Pháp học tiếp. Trước đó, vào năm 1928, các ông Nguyễn Xiển và Hoàng Xuân Hãn cũng đã nhận được học bổng của Hội này để đi du học.
Đến Paris, ngành học đầu tiên ông Bửu chọn là toán học. Các giáo sư Pháp rất quý ông về sự nhạy cảm toán học và óc suy luận thông minh, sắc bén. Sau này, GS Lê Văn Thiêm kể lại: Trong kỳ thi lấy một chứng chỉ rất khó, hơn 100 người dự thi, chỉ có 4 người đỗ trong đó có ông Bửu.
Sau khi theo học chương trình cử nhân khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris), ông Bửu xuống Bordeaux để học thêm thầy Trousset về cơ học. Ông đọc kỹ cuốn Cơ học của Rauth và làm hầu hết các bài tập trong đó. Rồi ông dự thi và nhận được học bổng của Đại học Oxford bên Anh. Tại đây ông có cơ hội trau dồi tiếng Anh, nhất là về mặt ngữ âm và hội thoại, cũng như học cơ học lượng tử qua các xêmina. Năm 1938, ông lại có dịp trở lại nước Anh dự Trại Tráng sĩ của Tổ chức Hướng đạo Thế giới, thi lấy bằng trại trưởng. Một mẩu chuyện vui: Ông phải thi thuyết giáo về kinh Phúc Âm tại một nhà thờ Tin lành ở Anh, hấp dẫn đến mức có người tưởng ông là... mục sư!
Trở về nước, ông từ chối làm quan, chỉ nhận dạy toán và tiếng Anh tại Trường Thiên Hựu, một trường trung học tư ở Huế. Ông nhận thấy khó có thể hiểu sâu văn hóa Việt Nam và phương Đông nếu không học kỹ chữ Hán. Ông lên Bến Ngự xin thụ giáo cụ Phan Bội Châu, miệt mài nghiền ngẫm loại văn tự khó bậc nhất thế giới này. Ông dần tự đọc hiểu Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử và nhiều tác phẩm kinh điển khác của triết học phương Đông trong nguyên văn Hán ngữ. Vốn kiến văn uyên bác ấy giúp ông gặt hái nhiều thành quả về sau...
Ngay trong mấy năm đầu chống Pháp vô cùng khó khăn, ông liên tiếp cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách như: Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - Hạt nhân - Vũ trụ tuyến, và Sống. Mới đây, Nhà xuất bản Giáo Dục đã in lạicác tác phẩm ấy.
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1948 ở Việt Bắc, ông Nguyễn Xiển nói: “Trong thời kỳ kháng chiến này, ông Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ đương thời.” Rồi ông Xiển dự báo: “Với những người mở đường như ông Bửu, ông Thiêm, chắc chắn nước ta sẽ có hàng trăm nhà toán học có tài không kém nước khác.”
GS Lê Văn Thiêm có lần kể lại: “Năm 1951, đến thăm anh Bửu tại một ngôi nhà lá dùng làm trụ sở của cơ quan Bộ Quốc phòng giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và thú vị khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thời gian đọc các sách báo toán nổi tiếng qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức...”.
GS Bửu có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh, nhớ rất lâu. Có lần qua châu Sơn Dương, ngồi trên lưng ngựa, mải mê đọc Nicolas Bourbaki, ông ngã tòm xuống suối! Về sau, ông viết cuốn Về cấu trúc của N. Bourbaki (1960). Và, cuốn sách giới thiệu khoa học hiện đại cuối cùng của GS Bửu là cuốn Hạt cơ bản in sau khi ông qua đời.
Theo GS Thiêm thì “năng lực tự học của anh Bửu gần như là một thiên huyền thoại!”
Nhà ngôn ngữ học toán học người Mỹ Noam Chomsky, người được tạp chí Mỹ Newsweek (Tuần Tin tức) đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất thế kỷ 20”, nhiều lần sang thăm Việt Nam và trò chuyện với GS Tạ Quang Bửu. Trở về Mỹ, N. Chomsky viết bằng tiếng Pháp: “Monsieur Ta Quang Buu est un homme d’une intelligence formidable!” (Ông Tạ Quang Bửu là một người thông minh khủng khiếp!).
GS Bửu còn là người tinh thông nhiều ngoại ngữ. Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết: Hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta nhận được pháo phòng không của Liên Xô (cũ), kèm theo một bản hướng dẫn cách sử dụng máy ngắm bắn máy bay bằng tiếng Nga. Ông Huy không biết nhờ ai dịch, bởi vì lúc đó ở Bộ Quốc phòng chỉ có phiên dịch tiếng Trung Quốc. Nghe nói trên Bộ có ông Bửu chỉ tự học ba tháng đã đọc hiểu tiếng Nga, ông Huy liền cuốc bộ suốt một ngày một đêm lên gặp.
“Anh Bửu xem lướt qua, rồi đọc một mạch tiếng Nga làm tôi phục quá! Xong, anh dịch ngay ra tiếng Pháp cho tôi đem về đọc lại thật kỹ để hướng dẫn bộ đội.” Ông Huy kể lại mẩu chuyện đó trong một bài hồi ký in gần đây.
Năm 1963, nhà toán học Ba Lan Mikusinsky gửi tặng GS Bửu một số kết quả nghiên cứu mới của mình. GS Bửu đọc thẳng tiếng Ba Lan và sau đó thuyết trình về toán tử Mikusinsky cho các giảng viên toán tại các trường đại học ở Hà Nội.
Còn về tiếng Anh, thì trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, là Tham nghị trưởng ngoại giao (lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Bửu giúp Bác Hồ soạn thảo các bức công hàm gửi Stalin, Truman, Atlee..., và tiếp các nhà ngoại giao Anh, Mỹ...
Mới đây, trong cuốn sách dày hơn 500 trang nhan đề Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam?), ông Archimedes L. A. Patti, một người Mỹ vốn là đại tá tình báo, miêu tả những con người và sự kiện ở Hà Nội vào năm 1945, trong đó có đoạn:
“Một vị khách đợi tôi ở biệt thự. Đó là ông Tạ Quang Bửu, một người Việt Nam ưu tú, có lẽ gần 30 tuổi. Tôi nhớ hình như đã trông thấy ông ở đâu đó nhưng không chắc lắm. Tôi và Bernique bắt tay ông. Ông tự giới thiệu là “do Bộ Nội vụ cử tới”. Ông nói tiếng Anh hoàn hảo với giọng đặc Oxford, không lơ lớ chút nào, khiến tôi sững sờ kinh ngạc...”.
Chúng ta còn nhớ Bộ trưởng Bộ Nội vụ năm 1945-1046 là đồng chí Võ Nguyên Giáp...
Người phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ, cảm hoá các tài năng khoa học
Sau ngày Hà Nội giải phóng (10-10-1954), với cương vị Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, GS Tạ Quang Bửu đã hết lòng xây dựng đội ngũ các nhà toán học Việt Nam. Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, để cập nhật kiến thức cho đội ngũ toán học nước ta, ông đã mời nhiều nhà toán học Pháp được tặng Huy chương Fields như Laurent Schwartz hay Alexandre Grothendieck sang thăm Việt Nam, đọc bài giảng về các vấn đề toán học hiện đại nhất.
Có thể nói, GS Tạ Quang Bửu có mối quan hệ gắn bó thân thiết và có ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều nhà khoa học, kỹ thuật có uy tín ở nước ta như: Hoàng Tuỵ, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Hữu Đường, Phan Đức Chính, Phạm Hữu Sách, Đàm Trung Đồn, Vũ Thanh Khiết, Nguyễn Lân Dũng, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Văn Điệp, Hà Huy Khoái, Ngô Huy Cẩn (tiến sĩ khoa học cơ học, thân phụ nhà toán học Ngô Bảo Châu), v.v.
GS Nguyễn Văn Hiệu, nhà vật lý Việt Nam được tặng Giải thưởng Lenin và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - kỹ thuật, kể lại: “Đầu năm 1958, tại giảng đường Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Tạ Quang Bửu thuyết trình về phát minh vật lý mới đoạt Giải thưởng Nobel của hai nhà bác học người Mỹ gốc Hoa là Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh về sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu. Buổi thuyết trình hôm ấy đã mang đến cho tôi một niềm hứng thú vô biên và đột ngột mặc dù, vào lúc đó, tôi chưa thật hiểu rõ nội dung phát minh nói trên. Tương tác yếu trở thành một đề tài nghiên cứu mang tính thời sự nóng hổi, hấp dẫn đến mức có nhà vật lý nước ngoài từng quả quyết: “Trái tim tôi thuộc về tương tác yếu!” Tôi cảm thấy câu nói đó không xa lạ đối với chính mình. Cho nên, ngay sau khi được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna ở Liên Xô, tôi say mê lao vào nghiên cứu lĩnh vực nói trên và chẳng bao lâu sau, công bố 12 công trình về neutrino…”.
GS Ngô Việt Trung, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, Viện trưởng Viện Toán học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết: “Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều chớm lạnh giữa thập niên 70 thế kỷ trước. Sau giờ làm việc, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sang công tác tại CHDC Đức, cho gọi tôi và vài anh em ta đang học tập, nghiên cứu tại đây đến khách sạn, nơi ông lưu trú. Lúc bấy giờ, tôi đang theo học Đại học Berlin. GS Bửu thân mật hỏi chuyện chúng tôi và, đối với riêng tôi, ông cho mượn một cuốn sách chuyên khảo thuộc chuyên ngành tôi đang nghiên cứu, rồi căn dặn nên đọc thêm những nhà toán học nào ở phương Tây, bởi vì, theo ông, trong chuyên ngành này, các công trình của các nhà toán học CHDC Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác chưa phải là tiên tiến nhất. Cuộc trò chuyện kéo dài đến quá nửa đêm. GS Bửu bảo chúng tôi ngủ lại tại phòng ông. Nhưng trong phòng chỉ có… một cái giường! Ông nêu ra “sáng kiến”: Tất cả ngủ ngay dưới sàn nhà bởi vì, theo ông, sàn có trải thảm len, không sợ lạnh… Tôi cảm thấy ngành khoa học và giáo dục nước ta, vào thời điểm ấy, đã có một nhà lãnh đạo tài, đức tuyệt vời. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ khoa học toán học ở nước bạn, tôi vui vẻ trở về nước phục vụ, mặc dù biết rằng mình sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn…”.
GS Tạ Quang Bửu còn cảm hoá nhiều nhà trí thức Việt kiều hướng về Tổ quốc. Ông có quan hệ thân thiết với các nhà toán học Frédéric Phạm, Lê Dũng Tráng, Bủi Trọng Liễu, v.v. Trong thiên hồi ký Chuyện gia đình và ngoài đời, GS Bùi Trọng Liễu, Đại học Paris, kể lại: “Vào khoảng năm đầu thập niên 1960, cái thời xa xăm ấy, lúc mà tâm trí đông đảo bà con Việt kiều hầu như còn dồn cả vào tình hình chính trị miền nam, và chỉ lẻ tẻ vài cá nhân tự nguyện gửi sách báo, dụng cụ khoa học về một vài cơ sở ở miền bắc, bỗng một bữa tôi nhận được một cuốn từ điển khoa học in trong nước do anh Tạ Quang Bửu gửi tặng. Sự việc thật đơn giản này gợi cho tôi câu hỏi: Đây là đường lối “chiêu hiền đãi sĩ” của cách mạng Việt Nam mà anh là một trong những người góp phần vạch ra và thực hiện, hay là một dấu hiệu trong nước không từ chối sự đóng góp “tri thức” của kiều bào nước ngoài? Chắc là cả hai. Quan hệ giữa tôi và anh bắt đầu từ ngày đó... Rồi chiến tranh lan rộng ra miền bắc...
Mùa xuân 1969, điều tôi mong mỏi chờ đợi đã đến. Anh T., vị tham tán văn hoá đầu tiên tại Cơ quan Tổng Đaị diện nước ta tại Pháp tới Paris, mang theo lời gợi ý của anh Bửu mời tôi về nước làm việc một tháng, thí điểm cho việc Việt kiều về công tác ngắn hạn (nhưng hè 1970, tôi mới sắp xếp về nước được). Gặp anh, tôi cảm thấy mình cùng trên một “làn sóng” với anh: “Thể xác không cần liên tục tại chỗ - anh nói - vẫn có thể đóng góp được. Một tập thể những Việt kiều có chuyên môn cao, có nghề nghiệp vững chắc, có địa vị xã hội ổn định, là một cửa sổ của ta mở sang phía các nước phương Tây...”.
Nhà trí thức Việt kiều tiêu biểu ấy đã hướng về đất nước do “sức hút” của bậc “đại sĩ phu hiện đại” Tạ Quang Bửu.
Ông cũng là người đề xướng việc mở các lớp phổ thông chuyên toán đầu tiên ở nước ta vào năm 1965, từ đó đào tạo được mấy thế hệ các nhà toán học tài năng cho đất nước. Ông mạnh dạn chủ trương đưa học sinh ta tham gia các Olympic Toán Quốc tế ngay từ mùa hè năm 1974 khi đất nước còn chưa thống nhất. Nhiều học sinh chuyên toán thời ấy, về sau, đã trở thành những nhà toán học, nhà vật lý, nhà cơ học có tiếng như: Ngô Việt Trung, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Lê Tự Quốc Thắng, Phạm Hữu Tiệp, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Đông Anh, Phạm Lê Kiên, Vũ Kim Tuấn, Nguyễn Hồng Thái, Lê Hồng Vân, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Đinh Tiến Cường, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo; v.v. Một số học sinh chuyên toán khác, về sau, giữ trọng trách quản lý trong khoa học và giáo dục như: Đào Trọng Thi, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám độc Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam; Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; v.v.
GS Tạ Quang Bửu đột ngột ngừng làm việc vào đêm 14-8-1986 do rồi loạn tuần hoàn não. Một tuần sau, trưa 21-8, ông qua đời để lại những bài viết dở dang, những bản thảo chưa in.
Chiến lược con người, đó là nhan đề bài báo cuối cùng của GS Tạ Quang Bửu in trên tạp chí Tổ Quốc. Ông định chỉnh lý và bổ sung bài báo này thành một kiến nghị trình Đại hội VI của Đảng CS Việt Nam, nhưng chưa kịp làm.
Đẹp một cuộc đời
Đẹp một con người
Sao anh quá vội?
Khóc anh nghẹn lời.
“Chiến lược con người”
Anh vừa phác thảo
Mực còn chưa ráo
Chữ còn đương tươi
Tim bỗng ngừng đập
Anh đã đi rồi…
Nhà thơ đất Quảng, Khương Hữu Dụng, năm ấy 79 tuổi, bạn cùng lớp với GS Tạ Quang Bửu và GS Phan Thanh trong bốn năm theo học Trường Quốc học Huế ((1922-1926), ghi vội mấy vần thơ thương tiếc người bạn cố tri yêu quý…
Tại Paris, thủ đô nước Pháp, Viện sĩ Laurent Schwartz, nhà toàn học lỗi lạc được tặng Huy chương Fields (được coi như Giải thưởng Nobel trong toán học), đã viết trên tờ Le Monde (Thế Giới):
“Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm là những nhân vật lớn mà nước Việt Nam khoa học không thể nào quên (…). Hai ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh đầy khó khăn cho sự vô tư trong khoa học. Các nhà toán học Việt Nam ngày nay đều kính trọng hai con người ấy. Do vậy mà ngày nay Việt Nam vẫn còn là một nước đạt trình độ nghiên cứu toán học cao nhất ở vùng Viễn Đông; ít ra là về những đỉnh cao nghiên cứu, còn về trình độ trung bình thì, giờ đây, Việt Nam đã bị các nước và lãnh thổ được gọi là những “con hổ châu Á” như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan vượt qua. Nhưng, về những đình cao nghiên cứu, Việt Nam vẫn còn ở hàng đầu…”.
Nhiều người trong chúng ta còn nhớ, sinh thời, GS Tạ Quang Bửu đã từng âm thầm chịu đựng trong nhiều năm lời “quy kết” là người theo “chủ nghĩa tài năng”, mất “lập trường giai cấp”!
Sau khi qua đời, GS Tạ Quang Bửu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học - kỹ thuật hiện đại sau năm 1945”.
Để mãi mãi ghi nhớ cống hiến của ông cho cách mạng và khoa học, ở Hà Nội, có một đường phố mang tên phố Tạ Quang Bửu chạy xuyên qua Trường Đại học Bách khoa, nơi ông từng làm Hiệu trưởng vào những ngày đầu trường mới thành lập.
Thời gian trôi nhanh! Thấm thoắt đã đền dịp kỷ niệm l00 năm Ngày sinh GS Tạ Quang Bửu. Là nhà báo, nhà văn, là đồng hương Nam Đàn, Nghệ An, và cũng là người em họ của GS Bửu, tôi trân trọng ghi lại đôi điều về con người quá cố vô cùng đáng kính ấy, con người mà, khi ông còn sống, tôi đã may mắn có mối quan hệ chân tình gần gũi …