Tôi rất lấy làm tiếc khi được biết rằng hiện nay ở quê hương, nhà thờ và lăng mộ ông - đã được công nhận di tích quốc gia [1]- vẫn không còn lưu giữ được nhiều tài liệu, di vật, ngoài một bức vẽ truyền thần (?), một sắc bằng (một đã không còn) và một bia đá[2]. Điều đó đã làm tôi ray rứt và với những tư liệu có được, tôi liền gửi anh Hải một danh mục trước tác của ông, nguyên văn chữ Hán cùng bản dịch tác phẩm Nam hành ký đắc tập, kèm một lời đề nghị gia tộc có thể sưu tập, biên soạn một cuốn sách về ông. Có lẽ tâm tư nhiệt thành của tôi hơi thái quá, đến nỗi nhiều người trong dòng tộc tỏ ra nghi ngờ, vì một mục đích thực dụng cá nhân nào đó của tôi. Thú thực, cảm giác bị xúc phạm thì ít, mà nặng nề hơn, tôi lại thấy rất buồn: một con người nổi tiếng đương thời như vậy, mà nay ít được mọi người biết đến, sử sách nhắc đến, kể cả trong gia tộc.
Phạm Nguyễn Du (1739 - 1787) vốn có tên Phạm Vĩ Khiêm, tự Hiếu Ðức và Dưỡng Hiên, hiệu Thạch Ðộng, người làng Ðặng Ðiền, huyện Chân Phúc (Nghệ An), là người học giỏi, có tiếng hay chữ từ nhỏ. Tuy nhiên, mãi đến năm Cảnh Hưng 40 (1779 - 40 tuổi), mới đậu Hoàng Giáp, sau làm quan đến Ðông Các Ðại học sĩ.
Theo Nghệ An ký và Ðăng khoa bị khảo, ông làm Ðốc đồng Nghệ An khoảng năm 1786 - 1787, sau đó thì bị bệnh và mất ở vùng Thanh Chương - Nam Ðàn (Trần Văn Giáp, 1970, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam, Tập I, H: Thư viện Quốc gia xuất bản: 99 - 100). Sau khi mất, ông được truy phong tước Thuận Lương Đại Vương (theo bản dịch sắc phong ngày 20/3/Thiên Thống I - 1787, hiện lưu giữ tại nhà thờ).
Theo Nghệ An ký, dẫn Ðăng khoa lục, thì ông đỗ tiến sĩ năm 40 tuổi, tiến triều nhận chức Hiệu thảo thiêm sai tri hình phiên, Hội nguyên thịnh khoa khoa Kỷ Hợi, đời Lê Hiển Tông, Cảnh Hưng 40 (1779). "Lúc còn trẻ, văn chương ông đã có tiếng là khí chất lỗi lạc cao vượt hơn đời. Năm Cảnh Hưng 36 (1775), do thế gia vọng tộc, được tiến triều làm Thiêm sai tri hình phiên. Sau khi đỗ, ông giảng Minh lý học, ra sức nghiên cứu, viết sách Luận ngữ ngu án. Xếp thứ tự trước sau trong sách Luận ngữ chia làm 4 mục: Thánh, Học, Sĩ, Chính, mục nào cũng có điều lý phân minh. Ông lại có tập Thạch Ðộng thi văn sao truyền ở đời... (Bùi Dương Lịch, 1993, Nghệ An ký, H.: Nxb. KHXH: 316).
Theo văn bia số 82 - Bài Ký Ðề Tên Tiến Sĩ Thịnh Khoa Kỷ Hợi tại Quốc Tử Giám Hà Nội thì năm Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1779), "chấm cho 4 trường hợp cách là bọn Phạm Nguyễn Du 15 người", với 02 Ðệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và 13 Ðệ tam giáp Ðồng Tiến sĩ xuất thân:
1. "Lê Huy Trâm: Xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, Nho sinh trúng thức, 38 tuổi".
2. "Phạm Nguyễn Du: Xã Ðặng Ðiền, huyện Chân Phúc, phủ Ðức Quang, trấn Nghệ An, đỗ tỉnh nguyên (đỗ đầu tỉnh), văn chức, tứ trọng và ngự đề đều đỗ đầu, phụng thị nhập giảng, trãi giữ các chức huyện, tự viên lang, thiêm phó, Tiến triều đàm đạo, Thiêm sai tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu, năm ấy 40 tuổi, đệ nhị trường đệ tứ trường và ứng chế đỗ đầu".
Ðặc biệt trong 13 vị Ðệ tam giáp Ðồng tiến sĩ xuất thân khoa này, còn có hai người quê Nghệ An là Nguyễn Đường và Phạm Huy Ôn [3].
Chỉ giới thiệu từng đó vẫn chưa đủ nếu muốn khái quát nên bức chân dung của Tiến sĩ Phạm Thạch Động mà không nhìn vào trước tác đồ sộ của ông, đặc biệt là tất cả lại được ra đời trong một môi trường rất đặc biệt, với "hội" những người bạn tri âm tri kỷ đặc biệt như Lê Quế Đường (Quí Đôn), Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích... với tác phẩm Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử... rất nổi tiếng. Sơ bộ, chúng tôi thống kê được trước tác đồ sộ đó với hơn ngàn trang chữ Hán, kể cả viết sử, chính luận, thơ văn, lời bạt, lời tựav.v... Có thể kể ra một số ví dụ cụ thể như sau:
1. Nam hành ký đắc tập: soạn và đề tựa năm Ðinh Dậu thời Cảnh Hưng (1777). Bùi Huy Bích, Thần Khê Phạm Thiên Nhất, Ninh Tốn, mỗi người viết một bài tựa năm Ðinh Dậu (1777). Bản viết 150 trang, 4 tựa, 4 mục lục, nội dung bao gồm văn thơ của Phạm Nguyễn Du: 8 bài văn bàn luận về cách dùng người, binh tài, hình thế, phong tục, nhân tình, xa kiệm (xa xỉ và dè xẻn), tiết nghĩa, tổng luận (Q 1); giới thiệu tóm lược một số thơ ngũ ngôn, thất ngôn của Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Trần Thụy, Hồ Tông Diên, Nguyễn Phúc Dục, Mạc Thiên Tích (Q 2); 6 lá thư, trát gửi đại tướng quân Hoàng Ngũ Phúc, văn tế thần thánh (Q3); 78 bài thơ tả cảnh, tức sự, cảm hoài; và bài phú Xuân Thành đông vũ (mưa đông ở Xuân Thành) và bài phú Nguyễn Thị di cung (cung thất còn sót lại của họ Nguyễn).
2. Thạch Ðộng văn sao, bản viết 381 trang, gồm 191 bài văn của ông: văn tế (Chu Công, cầu mưa), ký lục (sự tích và lai lịch họ Phạm), thư tín (trao đổi ý kiến với Phạm Lập Trai, Ngọ Phong Công, Trần Danh Án), khải (xin mộ thủy thủ, đóng thuyền, canh phòng bờ biển), tựa, bạt (sách Ðộc sử tuyên ngôn), văn bia, bàn về kinh nghĩa...
3. Thạch Ðộng tiên sinh thi tập (2 bản: 174 trang, 266 trang), với trên 400 bài thơ của ông vịnh cảnh núi sông, di tích lịch sử, danh thắng, đền chùa miếu mạo, mừng tặng, thù tạc với bạn bè (vịnh núi Dục Thúy, đền Thụy Hương, đền Hùng, mừng Ngọ Phong được làm Tham chính Nghệ An, tặng bạn cũ ở Tây Hồv.v...).
4. Nghệ An hoàng giáp Phạm Thạch Ðộng vịnh sử tập là bản viết 40 trang thơ của ông, vịnh các nhân vật lịch sử của Trung Quốc từ đời Bàn Cổ đến đời Ðường Hiến Tông (806 - 820).
5. Chu huấn toản yếu, gồm 5 quyển, đại khái phỏng theo sách Cận Tư lục của Chu Hi và Lã Tổ Khiêm đời Tống, lấy toàn tập văn của Chu Văn Công chia ra từng loại, xếp thành tiết mục, gồm hơn 600 điều.
6. Ðộc sử si tưởng, bản viết 102 trang, chép 164 bài thơ của ông, vịnh 150 nhân vật lịch sử Trung Quốc, bài tựa của tác giả viết năm Cảnh Hưng 29 (1768).
7. Luận ngữ ngu án. Ðông Xuyên Cư sĩ viết tựa năm Cảnh Hưng 42 (1781). Bài tiểu dẫn đề năm Minh Mạng 13 (1832), bản viết 422 trang, 1 tiểu dẫn, 1 bạt, 1 phàm lệ, có mục lục, tất cả nhằm chú thích, giải nghĩa lời nói và việc làm của thầy trò Khổng Tử trong sách Luận Ngữ. Có lời bàn của người biên soạn.
8. Ðối liên thi văn tập, bản viết 124 trang, trong đó có Cựu Lê quốc tang đối liên: câu đối trong các dịp tang lễ của Trịnh Thái Tổ, Hoàng Ngũ Phúc, thân phụ Phạm Vĩ Khiêm (Phạm Nguyễn Du).
9. Bi ký tạp biên, bản viết 174 trang, có chữ Nôm; trong đó có phần II. Bi, ký, lục, truyện, khảo, của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Văn Hiển (Ðồ Bàn thành ký), Phan Thanh Giản (Thiên Y Tiên nữ truyện ký)... và nhiều tác giả khác: Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Nguyễn Du...
10. Danh phú hợp tuyển, Danh phú tập, Bát vận phú, Bát vận phú hợp tuyển, Lê triều bát vận phú. Do Ân Quang Hầu biên tập và viết tựa năm GL 13 (1814), Ðốc học Trung Chính Bá và Trợ giáo Thời Bình Nam khảo đính. Hải Học đường in năm GL 13 (1814), một bản in, 5 bản viết. Ðây là các bài phú chọn lọc của các danh gia từ đời Trần đến đầu đời Nguyễn như Mạc Ðĩnh Chi, Lê Quý Ðôn, Ðặng Trần Côn, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích..., đề tài lấy trong Kinh, Truyện, Sử... về các vấn đề chính trị, quân sự, nhân sự, địa dư, thời tiết... dùng làm mẫu cho người học làm văn thi cử.
11. Lê triều hội thí văn tập; Lê Hội văn, ba bản viết. Đây là những bài văn sách xuất sắc (mỗi khoa chọn một bài) trong các khoa thi Hội, Ðình từ năm Lê Chính Hòa Giáp Tuất (1694) - Lê Chiêu Thống Ðinh Mùi (1787), cộng 33 khoa. Tên những người thi đỗ như Nguyễn Quyền, Lê Quý Ðôn, Phạm Nguyễn Du, Bùi Dương Lịch...
12. Danh ngôn tạp trú, bản viết 260 trang, trong đó có Tao đàn thoại cổ thi tập, Phạm Nguyễn Du viết tựa, Bùi Huy Bích viết lời dẫn, Vũ Ôn phẩm bình; tập thơ xướng họa giữa Bùi Huy Bích và Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Ngô Thì Nhậm...
13. Nghệ An thi tập, Thanh Trì Hoàng giáp Bùi Bích soạn. Thạch Ðộng Dưỡng Hiên Nguyễn Du Thanh Thi viết tựa năm Nhâm Dần (1782). Văn Tiến Hoan Châu Tử Cư sĩ Nguyễn Ðường viết tựa năm Nhâm Dần 1782). Diên Hà Quế Ðường viết tựa năm Cảnh Hưng 44 (1783). Hai bản viết (2Q), 3 tựa (467 bài thơ của Bùi Huy Bích làm trong khi nhậm chức Ðốc Ðồng Nghệ An: thơ tiễn tặng, đề vịnh (Q1); thơ
14. Tồn am thi cảo, Hầu tước họ Bùi, tự Ấm Chương sáng tác, Phạm Nguyễn Du viết bạt năm Nhâm Dần (1782), Quế Ðường ở Diên Hà viết tựa năm Cảnh Hưng 4 (1783), hai bản viết: 350 trang; 558 trang (670 bài thơ của Bùi Huy Bích).
v.v...
Nghệ An nổi tiếng với truyền thống khoa bảng và thực sự đủ tự tin để được vinh danh là đất học, mà ở đó, có nhiều, nhiều những người như Thạch Động Phạm tiến sĩ. Niềm tự hào đó không dừng lại trong phạm vi gia tộc, mà mở rộng ra cả quê hương, đất nước. Cuốn sách về thân thế sự nghiệp của ông, ít ra cũng trong suy nghĩ của tôi, sẽ rất đồ sộ, và cũng rất ý nghĩa cho hậu thế. Và dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng sưu tập bộ trước tác đó, thành kính xin đặt ở một nơi trang trọng trong nhà thờ của ông.
T.Đ.H
Địa chỉ liên hệ: Trần Đình Hằng, Phân Viện Nghiên cứu VHTT tại Huế
22B Lê Lợi. ĐT: 054. 848040. Mb. 0903553745.
Email: yenba_vicas@yahoo.com
Kèm theo bức ảnh:
Trang đầu của tác phẩm Nam hành ký đắc tập.
[1] Quyết định số 95/1998-QĐ/BVHTT, ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, công nhận di tích lịch sử nhà thờ và lăng mộ tiến sĩ Phạm Nguyễn Du, ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
[2] Do chính Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du viết, khắc xong năm Nhâm Dần 1782, mãi cho tới năm Cảnh Hưng thứ 43 (1784) mới dựng đặt ở phía đông nhà thờ. Nội dung bi ký là bản lược sử gia tộc, trong đó có vài nét tiểu sử của ông cũng như sự ra đời của bi ký.
[3] Nguyễn Ðường, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, phủ Ðức Quang, trấn Nghệ An, đỗ kỳ tứ trọng, kính nhận chức Huấn đạo, ứng chế đỗ thứ nhì, mấy đời thi đỗ, chú cháu làm quan một triều, đỗ năm 34 tuổi. Phạm Huy Ôn người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Ðức Quang, trấn Nghệ An. Nho sinh trúng thức, đỗ đầu hàng tỉnh. Cha con anh em cùng làm quan một triều, đỗ năm 25 tuổi (Ðỗ Văn Ninh Bs, 2000, Văn bia Quốc tử giám Hà Nội, H.,: Nxb. VHTT: 565 - 568).