ẫu không cùng thế hệ nhưng mươi lăm năm lại đây, có dịp làm việc và gần gũi với ông hơn, tôi lại hiểu thêm ở một góc nhìn khác. Một góc nhìn về người độc hành lặng lẽ Thái Kim Đỉnh. Cũng có thể gọi ông là Người tự biết mình.
Ngẫm cho cùng, tự biết mình là khó. Biết mình có khi còn khó hơn biết người. Cọc đèn tối chân là vậy. Bởi thế, việc một người viết, dù là thơ, văn, lý luận, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật.. thì vượt lên mặc định văn mình vợ người là không dễ. Người tập tọng viết lách khó đã đành, với người đang sở hữu một gia sản bút mực thì sự nhìn đúng, tự biết mình càng khó lắm thay. Có người cao ngạo, có người khiêm nhường, có người lại bình thản tự xếp lấy thứ bậc. Biết mình là ai, đang ngồi ở đâu và đã làm được việc gì. Thái Kim Đỉnh thuộc típ người kể sau.
Biết được mình như vậy, với Thái Kim Đỉnh là bởi có cơ may của đời.
Trước hết, đó là việc ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trong sự học ở một gia đình kinh tế buổi đầu đời khá giả, không thuộc hạng nghèo khó mà ta hay gọi là bần cố nông. Nhiều người sau này thường phủ lên ông một lớp sơn hào phóng, rằng ông là con nhà nghèo khổ, phải bỏ học dở chừng, không qua bậc Đại học mà tự mình vươn lên hàng trí giả. Điều này chỉ một phần thôi, không đúng tất cả đâu. Phải nói thẳng ra, rằng ông cũng như nhiều văn nghệ sỹ cùng thời ( cả các nhà Cách mạng nữa) sau này sẽ thành danh thành đạt đều có bước khởi đầu là xuất thân trong những gia đình kinh tế khá giả, có địa vị trong xã hội ( phong kiến). Có như thế mới có vốn Văn hoá để vào đời. Đây là cái nền vững chắc ban đầu cho người hoạt động xã hội, nghệ thuật, doanh nhân đi lên. Còn sau đó, nếu có khó khăn sa sút thì bằng vào nghị lực của mình mà phấn đấu để vượt qua. Chứ xuất thân bần cố thì e rằng hiếm đấy.
Với Thái Kim Đỉnh cũng vậy. Thân sinh ông từng là người ít nhiều có học. Cố nội, ông nội đều theo đòi sách bút, chữ nho viết hàng 8 hàng 10, chú bác ruột người đỗ Tuyển sinh người học Nhất trường hương. Không thể nói đó là những gia đình nghèo khó. Sinh ra trong một gia tộc như vậy, Thái Kim Đỉnh thật sự đã có được tình yêu văn chương chữ nghĩa từ trong máu thịt. Nếu bố mẹ ông( và nhiều người thành danh khác) đều là dân cổ cày vai bừa cơm không đủ ăn áo không đủ mặc thì chắc gì đã được như ngày nay.
Những năm niên thíêu, Thái Kim Đỉnh được bác ruột là Thái Đình Kiên, một nho sinh giỏi chữ Hán từng theo đến Nhất trường lại giỏi cả chữ Tây nuôi ăn học. Người bác hiếm hoi bỏ sức nuôi con chú với hy vọng cháu sẽ thành danh làm rạng rỡ tổ tông. Ông dạy cháu học đến các bộ Trung dung Đại học Mạnh tử ( trừ Luận ngữ và Kinh dịch trong bộ Ngũ kinh vì không có điều kiện) và đọc các sách Nam Bắc sử cùng các loại cổ văn khác. Cách viết của người xưa đã làm say mê cậu bé Thái Kim Đỉnh. Những câu chuyện, những sự tích kèm các giai thoại văn học trong cổ sử đã như chất men gây hứng thú đọc sách ở Thái Kim Đỉnh ngày ấy, rồi ra sẽ theo suốt cuộc đời ông.
Nhớ lại chuyện đọc sách hồi ấy, giờ đã ở độ tuổi 85 ông hãy còn lấy làm thích thú. Đó là những trang sử với lối viết có chuyện, có văn. Khi đọc đến đoạn Phan Bội Châu sang Nhật đã hỏi ý kiến Lương Khải Siêu về việc chống Pháp cứu nước thì nhà Cải cách nổi tiếng người Trung hoa đã trả lời như doạ cụ Phan bằng vế ra: Thiên kim tán tận Hàn nan báo ( dẫu mất ngàn vàng cũng khó báo được thù nước Hàn). Cụ Phan đã đáp lại cũng bằng một điển : Tam hộ do tồn Sở bất vong ( chỉ còn lại ba hộ thôi thì nước Sở chẳng thất bại). Thế là bao nhiêu chuyện về Trương Lương Hạng Vũ, về Hàn về Sở người đọc sẽ nhớ như chôn vào lòng.
Sau những năm theo học tại gia với bác, tại trường Tổng Thịnh quả, học trường Phủ Đức thọ, tới năm 14 tuổi ông theo học tại trường tư thục Nghĩa yên ( Institution San Josep de Nghĩa Yên ), trường duy nhất tại Nghệ Tĩnh có trình độ tương đương Cao đẳng Tiểu học thời đó. Trường do một cố đạo người Pháp tên là Lantrade, học trò người Nam hay gọi là Cố Lạng, làm hiệu trưởng. Tốt nghiệp trường này thì được thi lên bậc Trung học tại Huế. Theo học được đến năm thứ 3 thì Thái Kim Đỉnh bỏ học. Ông tự thấy mình học chắc gì thi đã đỗ, mà đỗ rồi thì lấy đâu ra tiền để theo. Cả nhà, cả họ rồi đến cả làng đang chống chọi với đói kém. Ông quyết định thôi học. Đó cũng là quyết định tự mình biết mình đầu tiên.
Qủa nhiên năm sau nạn đói tràn vào Tùng châu như cơn lốc. Nhiều người đã chết đói. Riêng trong bản chi của Thái Kim Đỉnh thì bác Kiên gái, người từng nuôi ông ăn học và chú ruột ông, người từng đỗ Tuyển sinh, đã chết đói thảm thương. Bản thân Thái Kim Đỉnh phải theo cha ngược ngàn nấu cơm thuê cho một Bang tá. Nhìn sức vóc học trò yếu đuối cộng thêm ghẻ lở đầy mình, mẹ ông xót con, gọi về không cho đi nữa. Bà gửi ông Đỉnh cho người em của mình, ông cậu Nguyễn Xuân Đích. Ông Đích vừa là Thông ngôn vừa là bếp lại kiêm thêm việc chú dịch chữ Nho cho một cặp vợ chồng người Tây làm Giáo học nhưng lại ưa thích sưu tầm khảo cứu. Ở đâu có văn bia bằng sắc gia phổ bằng chữ Hán là ông Đích lại đi ghi chép phiên dịch lại cho vợ chồng người Pháp nọ.
Cũng là một dịp may cho ông Đỉnh.
Ở với cậu, ông Đỉnh không chỉ được nuôi ăn mà còn được tiếp xúc với các loại sách vở báo chí Đông Tây. Giữa thời buổi đói kém loạn li nhưng sở thích tìm tòi trong sách vở của Thái Kim Đỉnh vẫn không gián đoạn. Tủ sách của ông cậu thông dịch thừa đủ cho một người ham đọc như ông Đỉnh khám phá. Số phận đã không làm gián đoạn con đường tiếp cận văn hoá của chàng trai nghèo. Ông vẫn có sách để đọc, tự làm no thêm tri thức trong hồi đói cơm.
Nhớ đến giai đoạn này, về sau ông có câu đối tự vịnh:
Thư phạn bất yếm đa thư vi tinh phạn vi huyết.
Cần chân duy sở hữu cần thị tính chân thị tình.
(Đại ý: sách, cơm không sợ nhiều (bởi) sách cho tinh thần, cơm cho máu thịt. Nếp cần cù chân thực giữ lấy bởi cần cù là tính nết, chân thực là tình đời )
Dĩ nhiên cái sự đọc không sợ nhiều của ông sau này sẽ phải điều chỉnh. Ây là việc đọc rộng mà không sâu của một người tự học. Để khắc phục,Thái Kim Đỉnh đã phải cậy đến sự trợ giúp của ông Đoàn Đức Hoan, một trong những người phụ trách đầu tiên của Thư viện Hà tĩnh. Ông Hoan đã tạo điều kiện để ông Đỉnh cả năm ròng chỉ lục lọi mà đọc duy nhất một thể loại rồi ghi chép nhận xét cẩn thận về thể loại ấy. Hết thể loại này thì mới đọc đến thể loại kia. Một kỷ luật tự mình đề ra. Một việc cũng là cần thị tính. Những ngày này, ông Đỉnh có cái may nữa là thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với các ông Trần Quốc Nghệ, Nguyễn Hưu, những người có học vấn uyên thâm, ông coi như thầy học của mình. Tận dụng học hỏi tối đa kinh nghiệm học thuật của bạn bè, của những người có học. Thái Kim Đỉnh gọi kiểu này là học mót. Mót ở sách, mót ở người.
Nhưng đó cũng là những chuyện mãi về sau, khi ông đã tự biết những lỗ hổng trong kiến thức của mình. Trước mắt chàng trai Thái Kim Đỉnh đang là những ngày hoạt động sôi nổi.
Cách mạng tháng Tám thành công. Làng Tường Xá quê hương như đã hồi sinh. Thái Kim Đỉnh hăng hái tham gia công tác Thanh niên, làm tổ trưởng 5 người rồi Bí thư Thanh niên, Chấp uỷ Việt minh rồi Uỷ viên UBND Tường xá Đức Châu. Năm 1946 ông được kết nạp Đảng. Năm 1947 huyện điều lên làm việc trong Ban Tuyên truyền lưu động. Một chặng đường mới mở ra, lại như một gạch nối liền nhịp trong đời Thái Kim Đỉnh. Bởi Tuyên truyền vẫn sẽ là gắn bó với sách vở chữ nghĩa, với thơ ca hò vè cổ động phục vụ bản tin kháng chiến.
Năm 1948 ông lại được điều lên Ban liên lạc khu vực Bắc Trung bộ trong Ban 412. Một ban có quân số như tên gọi do nhà văn Trịnh xuân An phụ trách, cũng là người thầy tận tình của ông. Lại nữa, ông được tiếp xúc từ nhà thơ Lưu Trọng Lư đến nhiều nhân vật nổi tiếng trong cả nước. Những công việc hồi đó đã giúp ông có dịp gần gũi với các nhà văn nhà thơ đàn anh đi kháng chiến ở khu Tư như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, các ông Hồ Tôn Trinh, Nguyễn Hưu, Hoàng Nguyên Kỳ hay lớp cùng trang lứa như Hoàng Minh Châu, Xuân Tửu, Trần Hữu Thung, Minh Hiệu , Xuân Hoàng..
Về sau, ông Đỉnh rất biết ơn giai đoạn này. Bởi tiếp xúc với các bậc đàn anh cũng là một cách học. Nghe Xuân Diệu Chế Lan Viên nói chuyện ông vô cùng thích thú. Đêm về ghi chép, sàng lọc, học cách trói người bằng dẫn chứng hình tượng trong lối nói của Chế Lan Viên, cách pha chế, xào xáo, lập tứ khi làm thơ của Xuân Diệu, cùng biết bao câu chuyện nơi dân quê. Cứ nghe, cứ ngẫm lâu dần thành nếp làm việc mà cũng là cách học của người sau này đi sưu tầm khảo cứu văn hoá dân gian. Ông gọi cách học này là học lỏm.
Năm 1964, các ông lãnh đạo nghành văn hoá và ông Hưu, ông Đỉnh đề nghị mời Xuân Diệu về phụ trách Phân hội Văn nghệ Hà tĩnh. Nhà thơ Xuân Diệu thoái thác, cho rằng việc nơi đâu người nơi ấy phải làm. 5 năm sau, năm 1969 thành lập Hội Văn nhệ Hà tĩnh thì lời Xuân Diệu mới thành hiện thực. Ông Hưu làm Chủ tịch hội, ông Đỉnh làm phó, qua được bài học ngày nào để quyết tâm tự mình làm chủ các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian tại địa phương mình am hiểu.
Năm 1952 Thái Kim Đỉnh đã từng đi bộ ra tận Viết Bắc để theo học một lớp tập huấn của Công đoàn trong3 tháng. Sau này ông thường kể rằng, trừ những năm đi học Phổ thông còn thì cọng với 10 ngày tập huấn Thanh niên, đời ông có chẵn 100 ngày học nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra là tự học.
Năm 1953 ông đang làm Công đoàn thì mắc trận ốm dài ngày, sau chuyển sang làm Bưu Điện huyện. Làm Bưu điện một thời gian ngắn lại xin thôi do không có chuyên môn. Tới năm 1954 ông chính thức là quân số của Ty thông tin Hà tĩnh. Lại làm thơ ca hò vè tuyên truyền, hết La giang lại mặt trận Trung Lào. Ngoài thơ, thời gian này ông còn hăng hái viết kịch viết truyện và các thể loại khác. Tới những năm 70 của thế kỷ trước, khi Hội Văn nghệ Hà tĩnh đã thành lập, ông chọn lọc và cho ra mắt tập thơ Cỏ mật – Nhịp cầu. Tập thơ đầu tiên mà cũng sẽ là cuối cùng của nhà thơ Vũ Hoàng. Bởi ông đã có quyết định của mình. Ông sẽ chia tay với nàng thơ để đi vào địa hạt nghiên cứu. Vào mê trậnVăn nghệ văn hoá dân gian. Quê Nghệ quê Tĩnh của ông quả thực đang là miền phì nhiêu trong địa hạt Phônclo ít người khai phá. Các bậc tài danh đàn anh thì đã tìm đường xa xứ li hương. Nhiều người tin vào thuật số, vin vào cung Bính dần 1926, năm ông sinh để mà gọi Thái Kim Đỉnh là con Hổ cũi; phải, nhưng là cái cũi ông tự chọn tự giam. Ông tự biết, so với một số bạn bè làm thơ cùng trang lứa, mình khó theo, nói gì kịp bước đàn anh.
Cuộc chia tay với Thơ để đến nghiệp sưu tầm nghiên cứu cũng bởi một niềm yêu. Có thể nó đã mơ hồ bắt nguồn từ những trang sách thuở đầu đời ông đọc tại nhà bác ruột. Về những câu chuyện với giai thoại hấp dẫn của Nam Bắc sử ngày nào. Một niềm yêu gia sản ông cha từ những kho sách quý mà ông và đồng nghiệp được lệnh thu hồi từ các gia đình địa chủ đang tàng trữ vào năm Cải cách ruộng đất. Bản thân ông và các đồng nghiệp từng có mặt tại nhà riêng ông Nguyễn Đổng Chi ở Hậu lộc cứu kho sách Mộng thương thư trai thoát khỏi bàn tay thần lửa do những cái đầu ấu trĩ đang hăng hái đốt để xoá tàn tích phong kiến. Kho sách quý này thu hồi về lại bị cơn bão năm 1956 làm đổ nhà, hỏng gần hết. Số còn lại sau này được các ông Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Đổng Chi về đưa ra kho sách Quốc gia.
Những công việc có tên và không tên ở thời kỳ này cứ từ từ thắp lên trong ông tình yêu về một nền văn hoá tiềm đang ẩn giữa đất quê . Để ông thực sự bắt tay vào công việc sưu tầm nghiên cứu. Một công việc mà ông sẽ dành trọn cả cuộc đời.
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, Thái Kim Đỉnh có nhiều cái may, nhiều cơ may. May nhất là việc gặp thầy gặp bạn. Thầy, ngay từ buổi đầu đời ông được học tại gia với người bác vừa giỏi chữ Nho lại vừa tinh thông tiếng Pháp. Lên bậc Cao đẳng Tiểu học, lại được thụ giáo từ các thầy Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Hoè, mà sau này ông mới biết thầy Huỳnh dạy Toán lại là nhà Cách mạng Lý Chính Thắng. Hoặc ông thầy người Pháp Lantrade- Cố Lãng. Ông Cố đạo người Pháp này cũng như ông Hiệu trưởng Quốc học Vinh Breton, người dày công điền dã để có cuốn An Tĩnh xưa, một cuốn kinh điển cho người nay biết về Nghệ Tĩnh, cũng như ông bác sỹ Yecxanh tìm ra Đà lạt, ông Tacdie Giám đốc Viễn đông Bác cổ và nhiều nhà khoa học chân chính người Pháp sang Việt nam với mục đích khai hoá khác. Cố Lãng dạy Địa lý đại cương. Dĩ nhiên bằng tiếng Pháp. Nhưng Cố lại thường bắt học trò dịch những bài dạy của mình ra tiếng Việt. Một lần ông Đỉnh dịch sai, câu cú lủng củng thì ông cố đạo người Tây đã mắng một câu làm ông đau điếng:
Anh có quyền dốt tiếng Pháp nhưng không được phép dốt tiếng mẹ đẻ..!
Nhiều năm sau, Thái Kim Đỉnh còn lạnh sống lưng trước lời trách phạt của ông thầy tu.
Bạn ông, những người được coi là thầy cũng không ít. Đó cũng là cơ may. Giàu vì bạn sang vì vợ, với ông Đỉnh nghĩa nào cũng lọn. Giàu tri thức là rõ nhất. Ông Nguyễn Hưu, ông Hồ Tôn Trinh, Hoàng Nguyên Kỳ.vv.. là anh là thầy là bạn. Ơ ông Nguyễn Hưu ( Thanh Minh) Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà tĩnh thì sự trao đổi qua lại hàng ngày với nhau là những bài học thiết thân của người thầy thật sự.
Ông Trần Hữu Thung, một bạn văn thân thiết nhiều năm, người cùng hội cùng thuyền của một thời tách nhập, người soạn chung Từ điển tiếng Nghệ với ông Đỉnh, là bạn cũng là anh. Học nhau, tôn trọng nhau, xa nhau là nhớ:
...Ra vào chẳng mấy xa xôi
Nhưng anh cũng túng và tôi cũng nghèo
Lương cả tháng có mang theo
Cơm rau cũng chẳng đủ tiêu mấy ngày...
( bài vè Trần Hữu Thung gửi Thái kim Đỉnh ..)
Thương nhau, nhớ nhau, cùng tâm tư chí nguyện. Ông Võ Hồng Huy tuổi Sửu, hơn ông Đỉnh tuổi Dần, mới có câu đối tặng bạn:
Nhất Sưủ nhất Dần ý chí tâm tư chỉ nhất
Thiên hàn thiên thử sưu tầm khảo cứu vô thiên.
Một tuổi Sửu một tuổi Dần ( mà ) ý chí tâm tư như một. Ngày nóng nực ngày giá rét ( vẫn) sưu tầm khảo cứu xiết bao ngày.
Tặng bạn cũng được mà viết cho mình cũng cũng được. Ông Đỉnh coi ông Huy là thầy mình về chữ Hán, ông Huy nhất mực tôn ông Đỉnh là thầy mình món tiếng Tây. Ngày ông Huy còn làm Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, ông Đỉnh làm bài thơ đọc ông Huy nghe và nói : thơ này để Đảng cảnh báo việc đời:
Giữa mùa nước sóc tháng 3
Bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm
Quê mình sông nước chẳng êm
Lại thêm chớp lạch, lại thêm mưa nguồn...
Ông Huy nghe thích quá. Bài thơ in ra, thành cái vạ văn. Có trách cứ, căn vặn lên xuống. Ông Thung, ông Huy lại trằn ra đỡ. Mới hay, thêm bạn là thêm sức chống đỡ ở đời.
Ngày nhỏ, bố mẹ sợ khó nuôi nên đã bán Thái Kim Đỉnh cho ông Bếp. Vua bếp họ Trương nên tên đầy đủ của anh con nuôi là Trương Hữu Chí. Ông Đỉnh đội bát hương với cái tên Hữu Chí cho đến ngày hết khoán thì bố mẹ chuộc về. Cõi Tiên vua cha sum vầy với hai bà vợ, chốn trần thế anh con cũng hai bà nhưng không trọn được như cha nuôi. Bà Tuệ, người vợ đầu xinh đẹp nết na đã sớm thiệt phận khi ông Đỉnh mới tuổi 52, thì nay đã có bà Miên tần tảo sớm hôm, chăm bẵm để ông ra sách. Mỗi trang in đều có bóng dáng các bà.
78 đầu sách với hàng vạn trang in, trong đó 28 cuốn của riêng mình, 50 cuốn in chung với các tác giả. Đó là tất cả công sức, phải Hữu Chí mới làm nên. Là niềm thành kính tri ân các bậc sinh thành giáo dưỡng đã chọn mặt đặt tên. Là sản phẩm làm ra trong nhiều năm dài gom nhặt để trả nợ đời của người trai Tường xá. Chỉ riêng với một vài tác phẩm trong số đó như 5 thế kỷ văn Nôm xứ Nghệ, Làng cổ Hà tĩnh, thơ văn quanh truyện Kiều, Kho tàng cổ tích Nghệ tĩnh đã là món quà vô giá Thái Kim Đỉnh dâng tặng quê hương.
Hồi còn sống, nhà thơ Viện sỹ Huy Cận, trong một lá thư gửi ông Đỉnh đã viết: Mỗi khi có người Hà tĩnh ra, tôi vẫn hỏi thăm anh; tôi đã đọc những bài của anh trích đăng trên tạp chí Hồng lĩnh: sâu, tinh tế và đặm hồn quê hương.
GS TS Phạm Đức Dương nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Đông nam á, khi nhận được cuốn Địa chí Đức thọ mà ông Đỉnh chủ biên gửi ra, đã viết về tác giả: Anh Đỉnh là một trí thức huyện ta mà tôi kính phục..
Và, GS Phan Văn Các nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm đã nhận xét khi đọc một số công trình khảo cứu của Thái Kim Đỉnh: Anh Đỉnh có kiến thức vững vàng, hiểu biết sâu sắc và viết có văn phong địa chí...
Các bậc trí thức lớn đã nhận xét về ông, về tác phẩm của ông . Nhiều người trong giới, đông đảo bạn đọc đã đánh giá về ông. Nhưng cũng lại có nhiều người bảo : ông Đỉnh chẳng làm được gì cho vợ con, thậm chí chẳng giúp được gì cho ai ngày đương chức.
Giúp vợ con thì ông đã tự nhận rồi:
...Nào là hột gạo cọng dưa
Nào là que củi bữa trưa bữa chiều
Nhưng rồi ba bảy cũng liều
Thiếu thừa no đói bao nhiêu cậy bà...
( Bài vè Thái Kim Đỉnh gửi Trần Hữu Thung)
Giúp người ngày đương chức thì thế này: hồi còn ở Ty Thông tin chức vụ cao nhất của ông là Trưởng phòng văn nghệ dân gian, những năm công tác tại Hội Văn nghệ cũng chỉ là Phó Chủ tịch, quyền thế với ai. Lại có nhiều người cho rằng ông đã đắc đạo. Cái đạo sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian. Phải biết quên mọi việc trên đời để nhớ đến cái đạo mình theo đuổi. Hỏi còn mong gì hơn!? Có thể điều này ông cũng đã tự biết.
Mấy bữa cuối năm con Trâu ông phải nhập viện vì thiên đầu thống. Lại phải mổ mắt lần thứ 3. Đọc sách bây giờ quá là tra tấn. Chưa xong chuyện mổ mắt lại phải đi viện nhổ răng. ăn uống cũng cực hình. Hai việc liên quan đến chuyện đọc sách, ăn cơm. Thương một thời trai trẻ thư phạn bất yếm đa..Sách không sợ nhiều nên lo góp nhặt
Bình sinh, Thái Kim Đỉnh là người yêu sách, bớt ăn mua sách. Gửi bạn xa bạn gần mua hộ. Ai mượn cuốn nào, ai trả ai chưa. Tủ sách ông Đỉnh giờ ước hơn 3000 cuốn có chọn lọc. Nhiều cuốn là độc bản. ấý là chưa kể hàng đống báo chí các loại và không biết bao nhiêu những bó giấy chép tay chưa xử lý trích dùng. Sách nhiều, có lẽ không khó lắm. Có tiền sẽ mua được. Nhưng với đống giấy tờ tài liệu nhặt nhạnh bao năm này, chắc khó ai có, nếu không nói là kho báu của riêng ông.
Tôi không và chưa bao giờ dám hỏi rồi đây ông xử lý thế nào với đống tài liệu, với tủ sách một đời ước nguyện của ông? Mà con ông không ai theo nghiệp bố!
Cứ nghĩ đến một ngày có ông mà không có tủ sách hoặc còn tủ sách mà không có ông đã thấy lành lạnh trong người.
Cứ ước một phép nhiệm mầu, có ai đến giúp ông xử lý tài liệu, giúp đưa những cuốn sách quý của ông về nơi cần đến. Đừng như những cuốn sách ngày xưa của Nguyễn Đổng Chi bị bão xé dưới trời. Ngày xưa là thu hồi còn hôm nay đã có cơ chế người mua kẻ bán, quý vật tìm quý nhân. Mà phải nhanh nhanh khi chủ nhân còn tại thế. Có ai không?!
Xuân Canh Dần này là năm tuổi, Thái Kim Đỉnh lên lão 85. Từ Bính Dần 1926 đến Canh Dần 2010 ông đã có mặt trên cõi đời nhiều hơn vài người thân thiết. Trong số đó có Trần Hữu Thung. Nhớ Trần Hữu Thung trong cõi vô biên, ông Đỉnh từng viết:
Anh Thung có câu thơ:
Gía như có thật ông Bành
Sống lâu vậy, cũng để thành vậy thôi.
Ông Bành sống tám trăm năm, cuối cùng chỉ để lại cái tên Bành Tổ. Trần Hữu Thung sống chưa bằng1/10 tuổi ông Bành. Nhưng sau cái tên anh còn có một nhân cách, một trí tuệ, một sự nghiệp. Tuy chưa là nhân cách lớn, trí tuệ lớn, sự nghiệp lớn như các bậc thầy, nhưng cũng đủ để thế hệ chúng ta quý mến anh,..những thế hệ sau cũng không quên anh..
Nghe kể, hồi ông Hưu ốm nặng, ông Thung ông Đỉnh đã vội về Tân lộc, đọc Văn tế sống. Ông Hưu sướng quá, nén đau, dậy cười.
Đoạn văn ông Đỉnh viết để tưởng nhớ ông Thung, vừa trích dẫn ở trên hoàn toàn có thể vận vào để mừng ông Đỉnh lên cõi thượng thọ mà không sợ sai, không sợ sái. Có khác chăng, Trần Hữu Thung là nhà thơ mang hồn cốt một nhà văn hoá, còn Thái Kim Đỉnh là một nhà văn hoá mang hồn cốt một nhà thơ.
Hà tĩnh, 12/2009