Văn hoá học đường

Nỗi sợ hãi và bạo lực học đường

 

Trong một vài năm gần đây, bên cạnh những hiện tượng hư đốn khác trong  các trường học, nạn bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Số lượng vụ  việc nhiều hơn, hình thức đa dạng, phức tạp và tinh vi hơn, tính chất dã man hơn, trắng trợn và tàn bạo hơn. Điều đáng nói là bạo lực tập thể và sử dụng công nghệ internet ngày càng nhiều hơn. Và không chỉ có học sinh là thủ phạm mà có cả các thầy cô giáo. Tính manh động và côn đồ của một bộ phận học sinh ngày càng gia tăng. Bạo lực học đường đã và đang là hồi chuông khẩn thiết cảnh báo sự xuống cấp của các giá trị đạo đức và văn hóa Việt Nam.

Tại sao lại tồn tại và gia tăng mức độ tệ nạn bạo lực học đường? Câu hỏi này là dành chung cho toàn xã hội, từ mỗi gia đình, mỗi trường học, mỗi cơ quan văn hóa, truyền thông và pháp luật… Bạo lực học đường có nguồn gốc từ những tấm gương xấu trong xã hội đầy phức tạp, từ các bậc cha mẹ, từ trong phim ảnh, sách báo, internet… Cả xã hội lên án tình trạng này nhưng thử hỏi chúng ta đã làm gì để ngăn chặn ngoài việc xử lý sau khi vụ việc đã xảy ra. Thậm chí có vụ việc xử lý không nghiêm, và thiếu công bằng. Bạn học có dám can ngăn không? Không! Thầy cô giáo có sâu sát để can ngăn không? Có nhưng không nhiều. Gia đình có biết và can ngăn không? Có nhưng không nhiều. Xã hội có can ngăn không? Có nhưng không nhiều. Làm ngơ là lối hành xử phổ biến của xã hội đối với tệ nạn này. Mọi người làm ngơ không chỉ vì họ vô cảm mà cái chính là nỗi sợ hãi tính côn đồ, tính ác và sợ hãi không được công lý bảo vệ. Không ít người can ngăn đã không được tôn trọng, thậm chí bị đòn oan hoặc trả thù. Và đáng tiếc là có người đã không được bảo vệ.

Nỗi sợ hãi trong học trò, trong cả người lớn nữa, trước tệ nạn bạo lực học đường là khá nặng nề. Đã là sợ hãi thì không còn dũng khí đấu tranh với cái sai, cái ác và rất có thể sẽ bị cái sai cái ác tha hóa. Đó là nguy cơ có thể trông thấy rõ ràng.

Thiết lập lại kỷ cương là điều cần thiết và cần được xem như một điều kiện tiên quyết để củng cố văn hóa học đường. Chúng ta đã đề ra nhiều biện pháp nhưng vẫn thiếu kiên quyết nên hiệu quả chưa cao. Nhà trường là để dạy người chứ không phải để dạy côn đồ. Chỉ có nhà tù mới dạy côn đồ có hiệu quả nhất. Và điều quan trọng là phải dạy cho học trò, và không chỉ học trò, không biết sợ hãi trước cái sai, cái xấu, cái ác. Muốn vậy thì các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và cả xã hội hãy gương mẫu và cho con trẻ một niềm tin vào chân lý rằng cái thiện sẽ nâng đỡ mọi cuộc đời và cái ác phải bị trừng trị nghiêm khắc./.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450190

Hôm nay

2222

Hôm qua

2274

Tuần này

21735

Tháng này

216449

Tháng qua

120141

Tất cả

114450190