Trong bài viết này chúng tôi sẽ xem xét giai đoạn đầu phong trào Tây Sơn, tập trung vào Nguyễn Nhạc và các sắc tộc thiểu số địa phương để nêu một số vấn đề về vị trí bên lề của họ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ xem xét giai đoạn đầu phong trào Tây Sơn, tập trung vào Nguyễn Nhạc và các sắc tộc thiểu số địa phương để nêu một số vấn đề về vị trí bên lề của họ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Vào năm 1771 một cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trên vùng thượng du phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) ở miền trung Việt Nam. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này là Nguyễn Nhạc, anh lớn của ba anh em từ ấp Tây Sơn. Với sự hậu thuẫn chủ chốt của các sắc dân cao nguyên địa phương Nguyễn Nhạc đã sáng lập nên một triều đại trên tàn tích của vương triều Champa tại Đồ Bàn (Vijaya). Nhưng Nguyễn Huệ em ông lại là người đập tan các triều đình cát cứ phân chia đất nước hàng mấy thế kỷ, và còn đánh bại một cuộc xâm lăng của Trung Hoa vào năm 1789, do đó đã bảo đảm cho mình chỗ đứng trang trọng trong hàng ngũ các anh hùng dân tộc Việt Nam. Mặc dù chỉ kéo dài ba thập niên, thời kỳ Tây Sơn đứng sừng sững như là một trong những điểm xác định lịch sử Việt Nam cận đại, trong đó chiến công anh hùng của Nguyễn Huệ chống thù trong giặc ngoài là những cao điểm rõ rệt. Phong trào đã khởi đầu như là một sự kiện địa phương với sự tham gia của các sắc tộc thiểu số, và cuối cùng đã mang ý nghĩa dân tộc cho người Việt còn hơn cả đối với các sắc tộc thiểu số khác. Nhưng khi chuyển mình từ cuộc khởi nghĩa địa phương sang phong trào quốc gia, phong trào Tây Sơn đã hạ thấp giá trị của nhiều thành viên buổi đầu: đặc biệt là Nguyễn Nhạc và hậu thuẫn của ông từ các sắc tộc thiểu số địa phương. Quá trình giảm thiểu này còn đi sâu hơn trên bình diện diễn ngôn trong sử sách đề cao tính cách dân tộc qua đó các vai trò và công tích của Nguyễn Nhạc và các sắc tộc thiểu số ủng hộ ông đã được viết lại như là khúc dạo đầu hay chuyện bên lề so với vai trò và công tích của Nguyễn Huệ đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên ký ức địa phương vẫn dai dẳng tồn tại bất kể sự kén chọn (hay bỏ sót) và bóp méo trong sử sách, nhưng ngay cả truyền thống truyền khẩu cũng bị tiêm nhiễm bởi các động thái chuyển hóa của sử học dân tộc sau này, vừa kết hợp bao dung vừa đột biến tái sản xuất đối với truyền thống dân gian sắc tộc. Bài viết này muốn tìm hiểu và đặt vấn đề với hiện tượng này được thể hiện qua Nguyễn Nhạc và các sắc tộc thiểu số địa phương bị đưa ra bên lề của sử học về buổi đầu khởi nghĩa Tây Sơn. Do đó chúng tôi sẽ xét đến không chỉ và không hẳn các vai trò và quan điểm của các sắc tộc thiểu số trong giai đoạn đầu khởi nghĩa Tây Sơn nhưng mà còn chủ yếu đến các sách lược diễn ngôn thay đổi đã xuất hiện để điều phối và quản trị các thành tố sắc tộc như là một phạm trù nội tại nhưng bị đưa ra bên lề của các trần thuật lịch sử dân tộc Việt Nam.
Các bộ chính sử của triều Nguyễn luôn nhấn mạnh vai trò phi pháp của Nguyễn Nhạc đã đem tiền thu thuế đánh bạc hết trước khi trốn chạy lên vùng thượng du để khởi loạn. Phiên bản lịch sử này hạ thấp giá trị của việc Nguyễn Nhạc đã từng có tiếp xúc rộng rãi với các sắc tộc thiểu số miền thượng du trong tư cách một lái buôn trầu. Trong tình hình thiếu hụt nhân sự trong bộ máy hành chính của chúa Nguyễn, vì Nguyễn Nhạc có quan hệ và khả năng di chuyển rộng rãi giữa các sắc tộc thiểu số thượng du và người Kinh miền xuôi đã cho phép ông đóng vai trò biện lại thu thuế qua đó ông có thể vào hùa với những phần tử ngày càng bất mãn với chính sách thuế khóa bóc lột của chúa Nguyễn. Để giải thích sự thành công của Nguyễn Nhạc trong việc thu thập đồ đảng, các sử gia triều đình đã phải dựa vào chút giai thoại dân gian về việc Nguyễn Nhạc tự nhận đã tìm được kiếm thần, tuy chỉ để bài bác đó là chuyện mị dân. Đầy ý nghĩa biểu tượng về chính trị và văn hóa, hình tượng một thanh kiếm thần đặc biệt hiệu nghiệm đối với các sắc dân miền thượng du và các liên đới Chàm và Khmer của họ, và dĩ nhiên có chỗ đứng nổi trội trong truyền thuyết dân gian về Tây Sơn. Khác với các phiên bản lấy Việt Nam làm trung tâm chỉ tập trung và Nguyễn Nhạc là người Kinh, truyền thuyết dân gian Bahnar thể hiện thêm một sự tương tác sắc tộc trong vài biến dạng của câu chuyện Nguyễn Nhạc tìm được lưỡi kiếm thần từ hòn đá và người Bahnar tìm được chuôi kiếm hay một chiếc ấn bạc trong con gà họ giết để làm tiệc đãi ông. Những biến dạng theo sắc tộc địa phương này đã được cập nhật một cách tiện lợi bởi các nhà biên soạn mang đầu óc dân tộc hiện đại để nói về tình đoàn kết sắc tộc. Và còn đáng chú ý hơn, trong một số biến dạng nữa, chính Nguyễn Huệ đã trở thành người tìm được kiếm thần, bất kể thực tế là trong giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa này Nguyễn Huệ chỉ mới là chàng trai mười mấy tuổi hoàn toàn chịu chi phối bởi người anh trai lớn tuổi hơn mình nhiều.
Quê gốc Tây Sơn nằm trong trung tâm của vương quốc Champa bại vong với kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) đã bị người Việt tiêu hủy vào năm 1470. Sau đó trước cuộc xâm lấn dân số và diệt chủng sắc tộc, người Chàm hoặc là chạy lên miền Tây thượng du để hòa nhập với các sắc tộc thiểu số Bahnar và Jarai, hoặc là chuyển về nam để tụ nhóm lại tại Phan Rang (Panduranga), chuyển đổi theo đạo Hồi để giữ sự khác biệt văn hóa và sắc tộc đối với người Việt đang xâm lấn. Khi các chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ Nam Hà, họ tiếp tục một chính sách loại trừ sắc tộc mô phỏng theo khuôn mẫu triều cống của Trung Hoa. Từ bên trong cũng như bên ngoài, việc xác định bản ngã và tha thể trên bình diện nhận thức chính trị phần lớn đã dẫn đến sự phân biệt và loại trừ theo sắc tộc trong vô thức. Các nhóm sắc tộc không được nhận diện như sắc tộc mà theo các thực thể chính trị như là các phiên thần triều cống các chúa Nguyễn. Điều này không chỉ áp dụng cho các sắc tộc thiểu số miền thượng du và các tiểu vương quốc Chàm, mà còn cả cho dân Minh Hương khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long (đặc biệt ở Hà Tiên, Mỹ Tho và Đồng Nai), các bộ tộc Lào và vương quốc bảo hộ Cao Miên.
Có lẽ bởi vì mức độ tổ chức chính trị thấp của họ, các sắc tộc thiểu số thượng du trong các vùng Tây Sơn không được nhận diện và phân biệt bởi triều đình chúa Nguyễn mà được đổ đồng trong danh xưng chung là “man”. Tuy nhiên các mối ràng buộc văn hóa của họ với vương quốc Champa xưa vẫn còn khá chặt chẽ, có lẽ vì các liên hệ chính trị trong mẫu hình mandala tiêu biểu cho Đông Nam Á. Mặc dù đã hoang phế sau cuộc chinh phạt của người Việt vào năm 1470, kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) của Champa vẫn còn giữ ít nhiều linh nghiệm như một địa điểm thiêng liêng của một trung tâm quyền lực chính trị và tâm linh cho cả vùng. Nguyễn Nhạc hẳn phải ý thức được điều này khi ông quyết định huy động sự linh nghiệm này qua việc phục hồi các tiền lệ điển chế và di sản lịch sử Chàm.
Việc Nguyễn Nhạc xây Hoàng Đế Thành trên nền cũ của thành Đồ Bàn (Vijaya) năm 1776 đã gây nhiều chú ý, mặc dù nơi này đã bị bỏ hoang khi chính quyền chúa Nguyễn sở tại đã đặt thủ phủ Quy Nhơn ở nơi khác cách xa các di tích Chàm. Từ thành Đồ Bàn (Vijayay) Nguyễn Nhạc sẽ trọn đời làm “Thiên Vương” rồi “Hoàng Đế” trên đất quê hương mà ít vươn xa ra một phần vì hoàn cảnh, một phần vì lựa chọn. Thuyền trưởng người Anh John Chapman khi vào diện kiến Nguyễn Nhạc vào năm 1778 đã ghi nhận rằng ông chọn màu đỏ cho long bào và cờ hiệu của mình, có lẽ vì ảnh hưởng của tục thờ lửa của người Chàm và sắc tộc thiểu số thượng du. Việc em trai của ông là Nguyễn Lữ đã từng là tu sĩ trong giáo phái Bàni của Hồi giáo có thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút sự hậu thuẫn của người Chàm về với Tây Sơn. Quả thật, trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, cùng với các sắc tộc thiểu số Bahnar và Jarai ở Bình Định, một nữ chúa người Chàm là Thị Hỏa ở Thạch Thành cũng đã hy sinh đáp lời hiệu triệu của Nguyễn Nhạc. Và các tiểu vương xứ Phan Rang (Panduranga) sau này cũng quy phục theo quyền lực của Nguyễn Nhạc tại Đồ Bàn, thậm chí còn dâng bảo vật truyền quốc của người Chàm cho ông. Liên minh quân sự với sắc dân Chàm đã đem lại cho Tây Sơn một vùng đệm có giá trị chiến lược ở phía nam chống các cuộc công phá của họ Nguyễn từ Gia Định, và mãi đến khi Nguyễn Nhạc qua đời vào năm 1793 thì cuối cùng nhà Nguyễn mới dẹp yên và tạm thời hủy bỏ tiểu vương quốc Chàm ở Phan Rang (Panduranga). Tuy nhiên, với giá trị tượng trưng lớn hơn giá trị chiến lược, thành Đồ Bàn (Vijaya) vẫn thường là một địa điểm tranh chấp giữa các phe (thậm chí giữa các anh em Tây Sơn) trong suốt thời gian lịch sử Tây Sơn cho đến khi bị san bằng vào năm 1802.
Nhưng miền thượng du phía Tây của Bình Định mới thật bền bỉ là nơi xuất phát buổi đầu và kháng cự cuối cùng của phong trào Tây Sơn. Sự hiện diện của “mọi miền núi” đã được ghi nhận bởi các giáo sĩ làm chứng, và truyền thuyết dân gian Bahnar vẫn ca ngợi người anh hùng Bok Kiom đã đóng vai trò xuất sắc trong quân Nguyễn Nhạc vào buổi đầu cuộc khởi nghĩa. Ngoài tầm quan trọng quân sự của việc họ tham gia hàng ngũ nghĩa quân, người dân thiểu số thượng du cũng đóng vai trò chiến thuật thiết yếu trong việc huấn luyện tượng binh và hậu cần trong việc mở đường chiến lược qua miền núi để điều động quân binh. Ngay cả sau sự cáo chung của triều Tây Sơn, các sắc tộc thiểu số vẫn gìn giữ ký ức về Nguyễn Nhạc không chỉ trong việc bảo vệ an toàn con cháu của ông mãi cho đến những năm 1830, và chứa chấp các phần tử Tây Sơn đào tẩu bất chấp lệnh bắt bớ của triều Nguyễn, mà còn quan trọng hơn trong truyền thống truyền thuyết dân gian truyền khẩu. Ngoài các câu chuyện về khả năng siêu phàm của ông, chẳng hạn như gánh nước trong gùi đan và thuần hóa ngựa rừng; và qua đó về uy quyền thiên phú của ông, chẳng hạn như thanh kiếm thần được bàn tới ở trên; Nguyễn Nhạc được ghi nhớ một cách trân trọng bởi những nghĩa cử mà ông đã chia sẻ với các sắc tộc thiểu số, chẳng hạn như cho họ gạo và muối, dạy họ trồng lúa nước và dùng trâu. Thật vậy, trên nhiều phương diện Nguyễn Nhạc đã được chuyển hóa từ một lãnh đạo chính trị thành một anh hùng văn hóa trong truyền thuyết dân gian sắc tộc. Nhiều cứ điểm địa phương, di tích hiện vật liên qua gần gũi với “Bok Nhạc” đã trở thành gần như thiêng liêng chẳng hạn như hòn Núi và chiếc Hồ mang tên ông, tảng đá bên dòng suối nơi ông nghỉ lưng, vườn cam của ông, và nhiều nơi khác nữa. Điểm đáng chú ý đặc biệt là những câu chuyện về ruộng lúa do người thiếp gốc Bahnar chăm cấy. Bà ta không chỉ thể hiện cuộc hôn nhân thực dụng và qua đó là liên minh chính trị giữa người Kinh miền xuôi và người sắc tộc miền thượng du, mà còn tượng trưng cho một loại hình kết hợp sắc tộc đảo ngược, theo mẫu hình hôn nhân “bắt rể”, qua đó Nguyễn Nhạc được coi là đi theo nàng thiếp Bahnar của mình, thay vì ngược lại, để chống bọn “Yuon Kok” (người Kinh da trắng) áp bức và xâm lấn.
Sự manh nha của một quốc gia dân tộc Việt Nam hiện đại đã gây tác động thay đổi về sự nhận diện chính trị cũng như sắc tộc phản ảnh sự kiểm soát từ trung ương ngày càng tăng đối với định nghĩa về “bản ngã” đối với “tha thể”. Phương thức chính trị sắc tộc tiền hiện đại về việc loại trừ coi khinh đã dọn đường cho phương thức chính trị sắc tộc hiện đại về việc bao gồm theo thứ bậc, từ việc liên minh sắc tộc theo chiều ngang cho đến sự đoàn kết sắc tộc theo chiều dọc trong một chương trình quốc gia dân tộc thực hiện nên nhiều sắc tộc khác nhau so với một sắc tộc tuyệt đại đa số bằng cách kết nạp họ vào một thể chế đa sắc tộc lớn hơn. Trong hình thái mới này, các sắc tộc thiểu số cần khẳng định sự quan trọng (và cả sự liên quan) của mình bằng cách kết nối vào các ý nghĩa và mục đích theo quan điểm của đa số, cũng như đa số cần giữ vai trò chủ đạo của mình bằng cách kết nạp những sắc tộc khác vào một mẫu số chung lớn hơn. Nói cách khác, đã có một thay đổi về hệ hình từ các quan hệ tiền hiện đại giữa người Kinh và các đối tác sắc tộc “khác” của họ, sang một quốc gia dân tộc Việt Nam “duy nhất” đa sắc tộc do người Kinh chiếm đa số so với cac đối tác dân tộc “khác”. Việt Nam hiện đại đã lộ diện từ sự đa phương về địa phương và vùng miền sang sự đơn phương về quốc gia dân tộc ở cả cấp độ không gian lẫn sắc tộc. Chặng đường lịch sử Tây Sơn cũng phản ảnh xu hướng này khi nó bắt đầu là một sự kiện địa phương với sự tham gia của các sắc tộc thiểu số và cuối cùng đã mang ý nghĩa quan trọng ở mức quốc gia cho dân tộc Việt Nam nói chung.
Trên nhiều lĩnh vực tầm nhìn hạn hẹp theo vùng và tác động địa phương của Nguyễn Nhạc không được ưu ái lắm trong các tường thuật lịch sử Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc. So với em mình là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc có vẻ như là phản động trong tương quan liên minh đa sắc tộc theo một mẫu hình mandala truyền thống Đông Nam Á với các phiên thần sắc tộc trung thành với Đồ Bàn (Vijaya) là trung tâm chính trị đứng đầu các đối tác đồng vị. Khác với trường hợp các sắc tộc thiểu số miền thượng du, các yếu tố Chàm không phù hợp lắm trong một tự sự về dân tộc Việt Nam vì Champa gợi nên một thực thể quá khứ khác biệt đủ mạnh để cạnh tranh và phá rối ý niệm về một dân tộc Việt. Khả năng Nguyễn Nhạc tự đi theo mẫu hình một nhà vua Chàm thay vì là Việt quả là mang tính đối nghịch với quan điểm của các sử gia phê phán của triều Nguyễn chứ đừng nói chi đến các sử gia Việt Nam hiện đại mang tinh thần quốc gia dân tộc.
Như chúng tôi đã cố gắng trình bầy trong các trường hợp tương phản về quan hệ với lịch sử Tây Sơn của các sắc tộc thiểu số thượng du và Chàm, nhân vật Nguyễn Nhạc bị đưa ra bên lề của lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam có thể vì đây là một điều không đáng kể hay thậm chí là nguy hiểm, không hẳn trên thực tế mà trên phương diện khả năng diễn ngôn, đối với viễn tượng về một thể chế quốc gia dân tộc Việt Nam. Sự hiện diện của Nguyễn Nhạc và những người sắc tộc thiểu số miền thượng du ủng hộ ông do đó đã bị gạt ra bên lề bằng hai cách: hoặc là bị hạ thấp và chuyển đổi các vai trò và công tích của họ sang cho Nguyễn Huệ và dân tộc Việt Nam; hoặc là bị cường điệu và bóp méo sự tham gia vô tình của họ vào một thực thể lớn hơn lúc bấy giờ còn chưa tồn tại là một quốc gia dân tộc. Quá trình gạt ra bên lề này không vì lỗi riêng của họ, nhưng chỉ vì ngày nay người ta đòi hỏi họ nhiều hơn mà thôi. Vấn đề cần nêu ra là những đòi hỏi to tát hơn ấy có hợp lý hay hợp lý hóa được chăng? Nguyễn Nhạc và những người sắc tộc thiểu số miền thượng du ủng hộ ông làm anh hùng địa phương là không đủ hay sao? Câu hỏi này càng trở nên cấp thiết và rắc rối trước hiện tượng chuyển vị và cưỡng chiếm ngày càng tăng bởi hình tượng Nguyễn Huệ đối với Nguyễn Nhạc trong chính quê hương Tây Sơn trên phương diện tưởng niệm công cộng. Ngay cả các truyền thuyết dân gian cũng không được miễn nhiễm khỏi tác động này khi các biến dạng tái sinh đã bắt đầu xuất hiện để thay thế Nguyễn Huệ vào chỗ của Nguyễn Nhạc trong các câu chuyện về hành động và công tích của ông gắn kết với các sắc tộc thiểu số thượng du ủng hộ ông mà con cháu ngày sau của họ là những người gìn giữ truyền thống truyền khẩu nay lại tỏ ra hãnh diện và ủng hộ nhiều hơn người anh hùng Nguyễn Huệ có thể kết nối họ vào ý nghĩa và danh giá quốc gia dân tộc to tát hơn. Nhưng khi vào hùa với một anh hùng dân tộc vĩ đại hơn, ký ức địa phương có nguy cơ tự gạt ra bên lề những người anh hùng địa phương của riêng mình mà công tích của họ, cho dù có khiêm tốn trước một viễn tượng quốc gia, vẫn mang ý nghĩa quan trọng độc đáo. Đây là vài nhận xét sơ khởi từ trường hợp điển hình này mà chúng tôi hy vọng sẽ khơi gợi thêm những suy nghĩ phê phán và tương tác tích cực từ các học giả về lịch sử Việt Nam cũng như trong các chuyên ngành khác./.
2241
2313
21705
220641
121356
114513768