Những góc nhìn Văn hoá

Xã hội học văn học của Lucien Goldmann

L.Goldmann là nhà triết học, phê bình văn học Pháp, sinh năm 1913 tại Bucarest (Rumani). Sau một thời gian học ở Vienne, ông chuyển sang Paris, từ năm 1934, ông học triết học, kinh tế và tiếng Đức, tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn, nhà tư tưởng của thế giới tại thủ đô nước Pháp.

Từ năm 1942, ông tiến hành làm luận án và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Cộng đồng nhân loại và vũ trụ của Kant tại Đại học Zurich năm 1945. Trong luận án, ông phân tích các điều kiện xã hội thông qua các cơ quan thể chế và quan hệ xã hội, nghiên cứu mối quan hệ giữa chúng và công việc sáng tạo của các nhà triết học, các nhà văn và các nghệ sĩ.

Năm 1946, ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp. Năm 1959, ông chuyển sang giảng dạy tại trường Cao học thực hành. Đến năm 1961, ông sáng lập Trung tâm xã hội học văn học tại Bruxelle và trở thành Giám đốc của Trung tâm từ 1964.
 L.Goldmann chủ trương xác lập một “xã hội học văn học” đích thực, vượt qua lối viết lịch sử văn học truyền thống thường hay miêu tả các yếu tố bên ngoài và bình tán tác phẩm. Ông quan tâm trước hết đến văn bản, tiến hành “sự phân tích mỹ học nội tại” để tìm ra ý nghĩa khách quan của tác phẩm. Xã hội học văn học theo phương pháp của Goldmann coi tác phẩm văn học như một sản phẩm được đặt trong ngữ cảnh xã hội và lịch sử. Tác giả văn học được xác định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể, còn tác phẩm của anh ta là sự thể hiện thế giới, là sự sáng tạo có cấu trúc của một vũ trụ riêng, được xác định bằng các quan hệ xã hội và lịch sử.
Đồng thời, Goldmann chỉ ra sự bất cập của lối nghiên cứu xã hội học theo thuyết nhân quả. Theo ông, lối tiếp cận này không thể nắm bắt và giải thích được bản chất của những hiện tượng thuộc về công việc sáng tạo. Chịu ảnh hưởng từ G.Lukács, nhưng ông không đồng ý với quan điểm “phản ánh hiện thực” của Lukács và cho rằng người nghệ sĩ cần “sáng tạo ra những thực thể sống động”.
Thừa kế nhiều tư tưởng triết học, khoa học và lý luận văn học từ Hegel, Marx, Lukacs, Piaget và chủ nghĩa cấu trúc, Goldmann đã xác lập một phương pháp tiếp cận mới trong xã hội học văn học, đó là phương pháp cấu trúc phát sinh. Theo ông, phương pháp này là sự áp dụng một phương pháp tổng quát và đó là “phương pháp duy nhất có giá trị trong khoa học nhân văn” vào trong lĩnh vực lịch sử văn học.
Không thể không đề cập đến những giới hạn tất yếu của mỗi một phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu khoa học nói chung, phê bình văn học nói riêng, phương pháp nghiên cứu của L.Goldmann tuy không tránh được những điểm yếu riêng, thực tế đã góp phần tích cực vào sự đa dạng phong phú của bức tranh lý luận văn học ở thế kỷ XX, ở Pháp cũng như trên thế giới.
Các tác phẩm chính của ông gồm có:
-           Cộng đồng nhân loại và vũ trụ của Kant (1945),
-           Các khoa học xã hội và triết học (1952),
          -   Thượng đế ẩn giấu (1956),
-                            Nghiên cứu phép biện chứng (1958),
-                            Vì một xã hội học của tiểu thuyết(1964),
-                            Chủ nghĩa Marx và các khoa học xã hội (1970),
-                            Sáng tạo văn hoá trong xã hội hiện đại (1971),
-                            Những cấu trúc tinh thần và sáng tạo văn hoá (1974).
MỘT SỐ QUAN NIỆM CHÍNH CỦA CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC PHÁT SINH
“Chủ nghĩa cấu trúc phát sinh” theo quan niệm của L.Goldmann
           Khi đề cập đến phương pháp tiếp cận xã hội học văn học của L.Goldmann, các nhà phê bình đã xuất phát từ những góc nhìn khác nhau và nhiều khi là khá gần nhau. Có người đã gọi ông là “nhà phê bình văn học và nhà xã hội học” khi đề cập đến chủ nghĩa cấu trúc phát sinh và văn học (Deramaix), khá nhiều người đã gắn tên tuổi ông với lý luận mác xít, gọi ông là nhà phê bình mác xít (R.Fayolle, cũng có người gọi ông là nhà phê bình theo hướng mác xít-cấu trúc (Phương Lựu), hoặc cũng theo nhóm lý luận mác xít, nhưng cụ thể hơn, là “nhà lý luận xã hội học” với phương thức tiếp cận văn học theo hướng mô hình phát sinh (Trương Đăng Dung), có người xếp ông vào nhóm các nhà nghiên cứu theo thuyết cấu trúc (Trịnh Bá Đĩnh), phần nhiều trong số các nhà nghiên cứu thường gắn tập hợp từ “chủ nghĩa cấu trúc phát sinh” với những quan niệm của Goldmann được thể hiện qua các tác phẩm (P.Zima, G.Fabre, Deramaix), hoặc nhắc tới “phương pháp cấu trúc phát sinh” và nhấn mạnh đóng góp của ông về mặt phương pháp (Đỗ Lai Thúy). Cũng có người nhắc đến “mô hình của Goldmann” đồng thời gắn với các thuật ngữ “chủ nghĩa cấu trúc” và “sự giải thích phát sinh” (P.Dirkx).
Bản thân Goldmann cũng dùng tập hợp từ này và khẳng định: “Phương pháp cấu trúc-phát sinh trong lịch sử văn học chỉ là sự áp dụng một phương pháp có tính tổng quát, theo chúng tôi đó là phương pháp duy nhất có giá trị trong khoa học nhân văn, vào trong lĩnh vực này”.[1]
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu tại sao lại là “chủ nghĩa cấu trúc phát sinh”? Ngay từ tên gọi, rõ ràng phương pháp tiếp cận xã hội học văn học của Goldmann đã gợi đến những mối quan hệ đến chủ nghĩa cấu trúc, một trào lưu khoa học lớn của thế kỷ XX, tồn tại gần như suốt thế kỷ và bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, tự nhiên cũng như xã hội.[2]
Từ chủ nghĩa cấu trúc, phê bình văn học của Goldmann dựa vào phương pháp phân tích, đặc biệt ông quan tâm đến tính toàn thể (totalité) là một trong những khái niệm có tính chìa khóa của chủ nghĩa cấu trúc. Ông tìm cách chỉ ra những tương hợp giữa các cấu trúc của một tác phẩm văn học hay triết học với những cấu trúc xã hội và kinh tế của một nhóm xã hội hay một giai cấp mà nhà văn (hay nhà triết học với tư cách là một tác giả) phụ thuộc vào.
Nhưng khác chủ nghĩa cấu trúc, Goldmann cho rằng mỗi một tác phẩm triết học hay văn học có giá trị đều thể hiện cách gắn kết đặc biệt của quan niệm về thế giới của một nhóm xã hội. Ông cho rằng chủ thể đích thực của công việc sáng tạo văn hóa văn học, không thể là cá nhân, mà là chủ thể tập thể, bởi những quan hệ gắn bó giữa cá nhân và tập thể (các nhóm xã hội). Chủ thể tập thể cho phép hiểu tác phẩm văn học là tổng thể những mối quan hệ liên chủ thể được cấu trúc để tạo ra chủ thể đó. Tác phẩm văn học không chỉ là sản phẩm đơn giản của tâm lý cá nhân, mà là sự kết tinh có tính gắn kết của việc thể hiện thế giới thuộc về nhóm xã hội.
 Từ đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghĩa và thể hiện sự khác biệt của cách tiếp cận của ông với chủ nghĩa cấu trúc: “Chủ nghĩa cấu trúc kiếm tìm những cấu trúc mà không đòi hỏi chúng có một ý nghĩa. Người ta miêu tả các cấu trúc, nhưng ý nghĩa chức năng lại biến mất”. Ông quan tâm đến những cấu trúc của các sự kiện tổng thể, khẳng định có thể hiểu tác phẩm văn học từ trong nguồn gốc, trên cơ sở xét trong mối quan hệ với xuất xứ của nó, có nghĩa từ những cơ chế, hoàn cảnh của xã hội, lịch sử. Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của các tác phẩm văn học khi đặt vào xuất xứ xã hội, lịch sử của chúng, đồng thời tiến hành lý giải chức năng xã hội của các cấu trúc mỹ học cũng là điểm khác biệt giữa chủ nghĩa cấu trúc phát sinh của Goldmann và các nhà cấu trúc khác. Goldmann cho rằng nếu phân tích theo phương pháp cấu trúc như của Lévỉ -Strauss và Jacobson thì không thể giải thích cấu trúc tổng thể ẩn ngầm ở bài thơ Những con mèo của Baudelaire. Chủ nghĩa cấu trúc phát sinh của ông mong muốn chỉ ra rằng tác phẩm văn học có một cấu trúc hàm nghĩa, quan hệ gắn kết của nó thể hiện một quan niệm về thế giới và cấu trúc hàm nghĩa của tác phẩm được xác định trong phạm trù của tổng thể rộng lớn hơn của các sự kiện xã hội và lịch sử, tác phẩm văn học sẽ không được nghiên cứu thấu đáo nếu chỉ dừng lại ở các sự kiện tiểu sử nhà văn hay từ các nguồn ảnh hưởng. Goldmann muốn thiết lập những mối quan hệ hàm nghĩa giữa sáng tạo tinh thần và đời sống xã hội và liên kết khái niệm “cấu trúc hàm nghĩa” (tiếp thu từ Hegel và Lukacs) với quan niệm về lịch sử.
Ông tiếp thu các tư tưởng của Marx và không phải vô lý khi có những nhà nghiên cứu xếp ông vào hàng ngũ của các nhà phê bình mác xít, nhưng ông đã xác định rõ chỗ đứng của mình khi chỉ ra những điểm bất cập của lối tiếp cận xã hội học văn học thiên về nội dung: “Tất cả các trường phái khác trong xã hội học văn học từ trước tới nay đều cố gắng thiết lập những quan hệ giữa nội dung của tác phẩm văn học và nội dung ý thức tập thể. Phương pháp này đôi khi có thể đưa đến những kết quả khả nào đó, trong chừng mực mà những sự chuyển tương tự có tồn tại thực sự, nhưng nó có hai điểm bất cập rõ ràng:
a) nhà văn có thể sử dụng những yếu tố nội dung của ý thức tập thể, hoặc thậm chí đơn giản hơn là chỉ đưa vào tác phẩm những yếu tố của sắc thái kinh nghiệm trực tiếp của thực tế xã hội xung quanh, nhưng việc đó gần như không bao giờ có hệ thống hoặc có tính khái quát và chỉ được thực hiện ở một vài chỗ trong tác phẩm mà thôi. Có nghĩa là khi nghiên cứu xã hội học hoàn toàn (hoặc chủ yếu) hướng về việc nghiên cứu các sự tương ứng về nội dung, nó bỏ qua tính thống nhất của tác phẩm, và như vậy là nó bỏ qua tính đặc trưng của văn học.
b) sự phản ảnh trực tiếp thực tế xã hội và ý thức tập thể trong tác phẩm thường gặp khi nhà văn có ít sức sáng tạo và hài lòng với việc miêu tả hoặc kể lại thực tế mà không chuyển nó qua lăng kính trải nghiệm cá nhân của mình.
Chính vì vậy mà xã hội học văn học hướng về nghiên cứu nội dung tác phẩmthường mang tính giai thoại và đặc biệt chỉ tỏ ra hiệu quả khi nghiên cứu các tác phẩm trung bình hoặc các trường phái văn học, nhưng lại mất dần khả năng khi tiếp cận những sáng tác có giá trị”.[3]
Trong các tác phẩm của mình, Goldmann thường xuyên tham khảo các tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng hoàn toàn cách xa quan niệm máy móc của “lý thuyết phản ánh”. Theo ông, tác phẩm văn học không phải tấm gương phản ánh những hiện tượng kinh tế, xã hội và lịch sử mà là sự góp phần vào việc tạo nên và hình thành nhận thức tập thể. Nhà văn không sao chép hiện thực, không phải là người rao giảng các đạo lý. Nhà văn có vai trò của người sáng tạo ra những con người và sự việc và phải đóng một vai trò năng động trong tiến trình phát triển của tư tưởng trong xã hội.
 
Ông nêu hạn chế của lối tiếp cận phân tâm học: “Rất đáng tiếc là phân tâm học (ít ra là phân tâm học của Freud), với tư cách là trường phái cấu trúc phát sinh, không có đủ cơ sở và vẫn còn chịu ảnh hưởng của tinh thần duy khoa học phổ biến trong giới đại học cuối thế kỷ XIX đầu XX. Điều này được thể hiện trong hai điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, Freud hoàn toàn không chú ý đến khía cạnh thời gian trong tương lai. Ông chịu ảnh hưởng của tinh thần duy khoa học quyết định luận của thời đại ông và hoàn toàn bỏ qua các thế lực khách quan hướng tới sự lập lại cân bằng trong mọi cấu trúc con người, cá nhân hay tập thể; đối với Freud, lý giải có nghĩa là quay lại với các trải nghiệm thời thơ ấu, với các thế lực cảm tính bị dồn nén hoặc bị áp bức, và như vậy là ông hoàn toàn bỏ qua chức năng tích cực mà ý thức và quan hệ với thực tế có thể hàm chứa.
Thứ hai, đối với Freud, cá nhân là một chủ thể tuyệt đối, và những cá nhân khác chỉ có thể là đối tượng để thoả mãn hoặc không thoả mãn dục tính; điều này có thể là cơ sở của sự không quan tâm đến tương lai như chúng tôi vừa nói đến.
Có lẽ việc rút gọn khái niệm dục năng (libido) của Freud vào lĩnh vực tình dục là sai; nhưng có điều là libido này bao giờ cũng thuộc về cá nhân và trong quan niệm của Freud về nhân loại, chủ thể tập thể và sự thoả mãn mà một hành động tập thể có thể mang lại cho cá nhân hoàn toàn vắng bóng”.[4]
 Đề cập đến những hạn chế của Freud trong những phân tích liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội và lịch sử, Goldmann cho rằng: “Đứng trên phương diện này, theo chúng tôi thì phân tích theo kiểu mác xít tiến bộ hơn rất nhiều, bởi nó không chỉ coi tương lai như một yếu tố có tính chất giải thích mà còn là sự thể hiện ý nghĩa đối với cá nhân của các hành động con người bên cạnh ý nghĩa tập thể của nó”. Khái niệm ý thức tập thể chính xác được dùng để khẳng định mối quan hệ giữa các cấu trúc tinh thần và các cấu trúc xã hội. Chủ nghĩa duy vật biện chứng đối với ông như là một công cụ làm sáng tỏ hiện tượng văn học được coi là một hiện tượng xã hội, khi đặt nó vào mối quan hệ chặt chẽ với các hiện tượng thuộc lịch sử và xã hội.
Có thể thấy rõ rằng Goldmann chủ trương một lối tiếp cận cấu trúc, nhưng là cấu trúc “phát sinh” (génétique). Ông tìm đến căn nguyên của các giá trị văn học, tức là tìm đến những cấu trúc thuộc xã hội lịch sử, đến các nhóm xã hội, và giai cấp mà các tác giả văn học không thể không có mối quan hệ.
Quan niệm về thế giới (Vision du monde)
Khác với các nhà nghiên cứu thuộc trường phái cấu trúc, Goldmann cho rằng mỗi một tác phẩm lớn thuộc triết học hay văn học đều thể hiện một quan niệm về thế giới (vision du monde) của một nhóm xã hội (hay nói khác đi là một chủ thể mang tính tập thể). Cách tiếp cận xã hội học văn học của ông quan tâm đến những cấu trúc hàm nghĩa của các tác phẩm trên cơ sở xuất xứ lịch sử và xã hội của chúng, từ đó hướng tới những phạm trù tổng thể: “Bất kỳ tác phẩm nào thuộc văn học hoặc nghệ thuật có giá trị đều thể hiện một quan niệm về thế giới. Quan niệm về thế giới là hiện tượng của ý thức tập thể đạt đến độ tối đa sự sáng sủa trong quan niệm hay cảm xúc trong ý thức của nhà tư tưởng hay của nhà thơ. Đến lượt họ, nhà tư tưởng hay nhà thơ thể hiện trong tác phẩm quan niệm về thế giới mà được nhà lịch sử nghiên cứu như một công cụ có tính chất khái niệm; nó được áp dụng văn bản, văn bản cho phép rút ra:
a/ Điều cốt yếu trong những tác phẩm mà nhà nghiên cứu quan tâm
b/ Ý nghĩa của các thành tố bộ phận trong tổng thể của tác phẩm.
Cuối cùng, chúng tôi bổ sung thêm là nhà nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử văn học cần nghiên cứu không những chỉ quan niệm về thế giới, mà đặc biệt là các biểu hiện cụ thể của chúng.[5]
Ông cho rằng: “…nhờ vào sự chính xác của những nghiên cứu lịch sử và xã hội học khi đề cập đến khái niệm quan niệm về thế giới, ngoài bản thân văn bản, ngày nay chúng ta có một công cụ có tính chất quan niệm để nghiên cứu cho phép chúng ta tiếp cận tác phẩm văn học bằng một con đường mới và giúp chúng ta hiểu được một cách hiệu quả cấu trúc và ý nghĩa của nó; thế nhưng chúng ta cần phải xác định giới hạn của nó: chỉ có thể tiếp cận được quan niệm về thế giới qua các tác phẩm lớn của quá khứ.
Trong thực tế, quan niệm về thế giớisự diễn dịch tổng hợp có tính chất khái niệm đến mức gắn kết vô cùng của những khuynh hướng thực tế, thuộc cảm xúc, trí tuệ và thậm chí của những đầu tầu kéo những thành viên của một nhóm. Đó là một tổng thể có mối quan hệ gắn kết giữa các vấn đề và các câu trả lời, trên bình diện văn học, một cách sáng tạo nhờ vào sự giúp đỡ của từ ngữ, nó được thể hiện bởi một vũ trụ cụ thể của con người và sự vật”.[6]Goldmann thừa hưởng thuật ngữ quan niệm về thế giới từ hệ thống triết học của Hegel và Lukacs và lấy đó làm một trong những thuật ngữ chìa khóa trong hệ thống tư tưởng của mình. Nói đến xã hội học văn học của Goldmann, người ta phải quan tâm trước tiên đến thuật ngữ này. Ông muốn rút ra những cấu trúc hàm nghĩa từ một nền văn học nào đó được xác định bởi xuất xứ xã hội lịch sử của tác phẩm.
Theo ông, quan niệm về thế giới là một công cụ khách quan, có thể kiểm tra được mà xã hội học đã trang bị cho người nghiên cứu để hiểu lịch sử văn học. Để giúp người đọc hiểu rõ hơn thuật ngữ này, ông đã định nghĩa như sau: “Quan niệm về thế giới là gì? (…) đó không phải là một dữ liệu có tính thực nghiệm trực tiếp, trái lại, đó là một công cụ làm việc cần thiết có tính chất khái niệm để tìm hiểu những thể hiện trực tiếp trong tư duy của các cá nhân. Tầm quan trọng và tính hiện thực của nó được thể hiện trên cùng một bình diện thực nghiệm ngay khi ta vượt quá giới hạn tư duy hay tác phẩm chỉ của một nhà văn. Đã từ lâu, người ta đã chỉ ra những sự tương đồng tồn tại giữa một số tác phẩm triết học và văn học: Descartes, Pascal và Racine, Schelling và các nhà lãng mạn Đức, Hegel và Goethes. Mặt khác,(…) những tình trạng tương tự trong những cấu trúc tổng thể, mà không chỉ trong chi tiết, được tìm thấy khi người ta so sánh đối chiếu các văn bản về bề ngoài rất khác nhau như những bài viết phê bình của Kant và tác phẩm Tư tưởng của Pascal”.[7]
Cách tiếp cận của Goldmann là ở chỗ đưa cá nhân vào một nhóm xã hội, bởi một cá nhân không thể tự xây dựng một cấu trúc tinh thần có tính chất gắn kết (một quan niệm về thế giới) bởi một cấu trúc như thế chỉ có thể được xác lập trong mối quan hệ với nhóm xã hội, cá nhân chỉ có thể thúc đẩy cấu trúc tinh thần ấy đến độ gắn kết chặt chẽ và chuyển nó về lĩnh vực của sáng tạo và tưởng tượng hoặc của tư duy khái niệm.
Tóm lại, quan niệm về thế giới theo Goldmann, là một khái niệm có tính chìa khóa, là công cụ về mặt khái niệm, nó được nghiên cứu từ những tác phẩm lớn, có giá trị của nhân loại, nó gắn liền với các khái niệm lịch sử, xã hội, nhóm xã hội khiến phương pháp cấu trúc phát sinh của Goldmann có chỗ đứng riêng của mình.
Sự gắn kết (La cohérence)
Goldmann khẳng định: “(…) Tất cả các tác phẩm văn học có giá trị đều có sự gắn kết và thể hiện một quan niệm về thế giới; còn về phần các văn bản không đếm xuể khác - được xuất bản hoặc không - ,chắc chắn là bởi sự thiếu gắn kết mà phần lớn trong số đó đã không thể thể hiện trong một thế giới đích thực, cũng như trong một thể loại văn học nghiêm nhặt và thống nhất”.[8] Những tác phẩm không có giá trị, theo ông, là bởi chúng thiếu sự gắn kết bên trong và chỉ thuần là những sản phẩm theo quy ước. Ông cho rằng nghĩa của một thành tố phụ thuộc vào tổng thể trong sự gắn kết với toàn bộ tác phẩm và tồn tại sự gắn kết bên trong của các khái niệm cũng như của tổng thể các thực thể sống động trong một tác phẩm văn học. Sự gắn kết của một tác phẩm là ở chỗ nó đã tạo ra những tổng thể mà các bộ phận của chúng có thể được soi sáng lẫn nhau tùy vào mối liên kết giữa bộ phận này với bộ phận kia và giữa các bộ phận với tổng thể: “Làm sao để xác định ý nghĩa của một văn bản viết hay một đoạn trích? Câu trả lời được rút ra từ những phân tích trước đó: khi đưa nó vào tổng thể có tính gắn kết của tác phẩm.
Điểm nhấn ở đây được đặt vào từ có tính gắn kết. Nghĩa có giá trị là nghĩa cho phép tìm thấy sự gắn kết hoàn toàn của tác phẩm, trừ phi là sự gắn kết này không tồn tại, trong trường hợp (…) văn bản viết đang nghiên cứu không có sự quan tâm cơ bản về triết học hay văn học(…).Ý nghĩa của một yếu tố phụ thuộc vào tổng thể có tính gắn kết của tác phẩm mang tính toàn vẹn”.[9]
Phương pháp cấu trúc phát sinh của Goldmann nghiên cứu sự gắn kết nội tại của tác phẩm trên cơ sở của “ý thức ở dạng khả năng” (chứ không phải ý thức tập thể trên thực tế). Sự gắn kết nội tại này thể hiện tổng thể thái độ của con người trước thế giới và trước cuộc đời, là câu trả lời hàm nghĩa trước các tình huống xã hội, lịch sử cụ thể.
Theo Goldmann, bất kỳ hiện tượng xã hội nào cũng kèm theo những hiện tượng thuộc ý thức mà đặc tính cấu trúc cơ bản của nó là mức độ thích ứng với hiện thực. Việc tìm hiểu và giải thích các hiện tượng ý thức chỉ có thể thực hiện được khi gắn chúng với tổng thể xã hội, tổng thể của hiện thực. Chủ thể nhận thức của hiện tượng ý thức là sản phẩm của một tổng thể có tác động qua lại, được xác định bởi xã hội. Từ đó có thể thấy, hiện tượng văn học (một tác phẩm nào đấy), chỉ có thể thực sự được tìm hiểu khi đặt nó trong khuôn khổ tổng thể của văn hóa, ý thức xã hội nói chung.
Cũng như vậy, khi nghiên cứu một trào lưu tư tưởng, Golmann khẳng định rằng, không thể chỉ nghiên cứu bản thân trào lưu tư tưởng này hoặc kia, một mặt phải làm sáng rõ phần xác đáng và chưa xác đáng của trào lưu nào đó, đồng thời giải thích quan hệ nhân quả có tính chất xã hội sự xuất hiện của nó: tại sao nhóm xã hội này chấp nhận trào lưu tư tưởng này chứ không phải trào lưu khác và điều đó phải được xem xét dưới góc độ kinh tế và xã hội.
Goldmann hướng tới một lối tiếp cận xã hội học của sáng tạo văn học. Theo ông, tác phẩm văn học không chỉ được phê bình, tìm hiểu trong bản thân nó, trong cấu trúc nội tại của nó (sự sắp xếp các bộ phận khác nhau của trần thuật, phê bình theo lối phong cách học, theo phương pháp hình thức v.v…) mà còn trong mối quan hệ với ý thức khả năng của nhóm xã hội đã sản sinh ra nền văn hóa, trong bối cảnh sản xuất của nó. Chính là trong một tiến trình như thế mà phê bình văn học phải tiến tới sự hoàn thiện.
Theo Goldmann, các tác phẩm văn học và triết học tiếp cận tối đa với ý thức khả năng của các nhóm xã hội đặc biệt mà tinh thần, tư tưởng và thái độ đối xử của các nhóm này được nhằm tới một quan niệm có tính tổng thể về thế giới. Các tác phẩm này phù hợp tối đa với ý thức mà các nhóm có thể đạt tới, ngược lại, việc nghiên cứu các tác phẩm này cũng là để nhận biết cấu trúc tinh thần, ý thức của một nhóm và sự thích ứng tối đa với hiện thực mà nó có thể đạt đến. Đương nhiên, chỉ có một phần nhỏ các tác phẩm vượt qua được sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian và là đối tượng của phê bình văn học theo quan niệm của Goldmann. Ông chú ý đặc biệt đến những tác phẩm lớn, những tác phẩm có giá trị và cho rằng giá trị của tác phẩm nằm ở sự gắn kết nội tại của nó. Tác giả của những kiệt tác ấy, với sự thiên tài của mình, đã thành công khi thể hiện được một phần của thế giới. Vấn đề ở đây không phải là thể hiện ý thức thực tế (conscience réelle) của nhóm xã hội, mà là ý thức khả năng tối đa (conscience maximale possible) của nó, đồng nhất với quan niệm về thế giới, đồng thời xây dựng một thế giới tự trị mà hiện thực nằm trong logic nội tại và thể hiện trong tác phẩm những cảm hứng của nhóm và quan niệm của nhóm về thế giới nói chung: “Những nhà văn tiêu biểu là những người thể hiện một quan niệm về thế giới, ít nhiều có tính gắn kết, tương hợp một cách tối đa ý thức khả năng của một giai cấp; nhất là trong trường hợp đối với các nhà triết học, các nhà văn và các nghệ sĩ”.
*         *         *
Phương pháp cấu trúc phát sinh của Goldmann đã được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng (như trường hợp của Charles Castella hoặc Jacques Leenhardt…), nhất là vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX.
Như bất kỳ phương pháp tiếp cận văn học nào, phương pháp cấu trúc phát sinh của L.Goldmann không thể là một chìa khóa vạn năng, có thể đáp ứng mọi yêu cầu và đòi hỏi của một công việc khó khăn, phức tạp là nghiên cứu văn học. Trong thực tế, phương pháp này đã thể hiện những bất cập của nó, bởi nếu như chỉ quan tâm đến các tác phẩm “lớn”, đặc biệt là những tác phẩm trong quá khứ đã được vinh danh cùng với sự trường tồn của thời gian, đã trở thành “bất tử”, thì có vẻ như không bao quát được (dù là tương đối) bức tranh toàn cảnh văn học. Nhiều sản phẩm văn học là những tác phẩm “trung bình” (mà theo Golmann khó có thể phân tích bởi thiếu sự gắn kết, sự không thích ứng của hình thức với quan niệm về thế giới mà tác phẩm muốn thể hiện), hoặc những tác phẩm không thuộc loại “chính thống” như cận văn học, trong thực tế đóng vai trò nào đó trong tiến trình phát triển văn học, đã bị ông loại khỏi đối tượng nghiên cứu. Mặc dù Goldmann có nghiên cứu các tác giả đương đại như Malraux, Sarraute, Robbe-Grillet, nhưng thực ra ông cho rằng phương pháp cấu trúc phát sinh chỉ thực sự thích hợp với những tác phẩm lớn trong quá khứ, những tác phẩm đã thuộc về vĩnh cửu, vậy là mảng văn học đương đại thật khó lọt vào tầm ngắm của nhà nghiên cứu. Nhấn mạnh hiện tượng văn học như là một hiện tượng xã hội, dù cho có những lúc nhà xã hội học Goldmann có nhắc nhở, lưu ý đến đặc trưng văn học của tác phẩm, nhưng cách tiếp cận của ông vẫn khiến người ta có cảm giác đôi khi bị thiếu đi tính văn học, điều không thể thiếu trong công việc nghiên cứu văn học.
Mặc dù không thể tránh khỏi một vài giới hạn như bất kỳ phương pháp tiếp cận nào, xã hội học văn học của Goldmann vẫn có một vị trí nhất định, bổ sung thêm cho sự đa dạng của bức tranh toàn cảnh của phê bình, lý luận văn học trên toàn thế giới ở thế kỷ XX.
 



[1] L.Goldmann, Pour une sociologie du roman, ( Vì một xã hội học của tiểu thuyết), Gallimard, 1992, tr.
[2] Xem Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học-Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2002.
[3] L.Goldmann, Phương pháp cấu trúc phát sinh trong lịch sử văn học, trong cuốn Vì một xã hội học của tiểu thuyết, Gallimard, 1992, trang 344-345.
L. Goldmann, Sđd, tr. 357-358.
[5] L.Goldmann, Le Dieu caché, (Thượng Đế ẩn giấu), Gallimard, 1959, trang 28.
[6] L.Goldmann, Le Dieu caché, Gallimard, 1959, trang 348-349.
[7] L.Goldmann, Sđd, trang 24.
[8] L.Goldmann, Sđd, trang 349.
[9] L.Goldmann, Sđd, trang 22.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513769

Hôm nay

2242

Hôm qua

2313

Tuần này

21706

Tháng này

220642

Tháng qua

121356

Tất cả

114513769