Những góc nhìn Văn hoá
Lạm bàn về Minh triết (kỳ 1)
I. Đi tìm định nghĩa của Minh triết
Thông thường, nhiều bộ môn khoa học ở nước ta được ra đời như thế này: do nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu, các trường đại học hay viện nghiên cứu chọn vài ba cuốn sách của các đại học nổi tiếng bên Nga, Âu, Mỹ đem về xào xáo từ đối tượng nghiên cứu, phương pháp luận đến lịch sử bộ môn… rồi “lai ghép” với những tài liệu đã có của Việt Nam, Trung Quốc, chế biến thành một giáo trình “made in Vietnam.” Cứ vậy, chúng ta dần dần có những giáo trình…
Nhưng với Minh triết thì không thể bởi lẽ bên Tây chưa hề có cái gọi là “Minh triết học.” Không những thế, người Tây lại nói rất trái ngược nhau về Minh triết. Người Pháp bảo Sagesse là “chả ra gì”. Còn người Mỹ lại cho Wisdom là “khôn ngoan”! Trong khi đó, ở Việt Nam, không chỉ ra đường mới gặp minh triết mà rất nhiều khi bất ngờ minh triết được thốt từ miệng đứa trẻ ở nhà! Do minh triết phổ biến, quen thuộc, đời thường vậy nên dường như ai cũng hiểu và cũng có thể bàn được về minh triết! Bước vào nghiên cứu Minh triết, ai cũng hăm hở lập ngôn. Nhưng cho tới nay chưa có định nghĩa nào về Minh triết được chấp nhận. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, cho biết: “Định nghĩa Minh triết là gì là một việc rất khó. Một câu nói hóm của một học giả: “Tìm cách định nghĩa minh triết, đó là bằng chứng của sự thiếu minh triết”. Đại học tổng hợp Chicago vừa đưa ra Dự án đề tài Định nghĩa Minh triết với kinh phí trợ cấp 2000000$, học giả bất cứ nước nào đều có thể tham gia.” Có lẽ vì định nghĩa Minh triết quá khó nên có người thay vì tìm “Minh triết là gì” lại theo chiều ngược, cho “Minh triết không là gì!” để đi vào khảo luận. Tôi xin có đôi lời bàn góp trong câu chuyện to lớn này.
*
Vài ba chục năm trước, ở nông thôn Bắc Bộ, tôi thường gặp ở những cụ già, những người đàn bà ít học những câu nói, những cách ứng xử khiến tôi giật mình, ngạc nhiên vì sự minh triết. Một câu hỏi được đặt ra: vì sao minh triết lại có ở nơi những người như vậy? Rồi tôi dần hiểu, có cái gì đó như mạch ngầm sự khôn ngoan, sáng suốt âm thầm truyền từ đời này sang đời khác, vô tư, vô thức chảy trong người dân hồn hậu, như những mạch nước ngầm chảy trong đất. Chính dạng minh triết phổ biến, trực quan, đời thường này gây nơi ta ấn tượng cho rằng, Minh triết là “đạo lý đời thường”, dạy con người về cách sống: học ăn, học nói, học gói, học mở rồi hẳn hoi, tử tế… Mặt khác, do cái “dòng chảy” này không liên tục, đứt quãng, rời rạc, đầy ngẫu nhiên, khó nắm bắt khiến ta có cảm tưởng Minh triết thiếu hệ thống.
Dẫn lời được coi là “tư tưởng hiền minh” của nhà nho Ngô Thời Sĩ: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: Trên đại thể, minh triết là “đạo lý đời thường”. “vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người. Nói một cách khác, ai cũng có thể có minh triết. Đời thường còn có nghĩa là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật.” Rồi từ đó, ông đưa ra một định nghĩa về minh triết: “ Minh triết là tính sáng khôn (có khi được diễn ngôn thoáng gọn) chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền. Tôi nhấn mạnh: “chủ yếu được sống và sống” bởi lẽ lẽ sống của nhà hiền triết là “sống” và “sống” minh triết chứ không phải “nói” và “nói” minh triết, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”. Tôi nhấn mạnh thuộc tính “thiên về cảm hóa lòng người…”
Phải chăng là như vậy?
Trước hết, cần thấy câu nói của Ngô Thì Sĩ xuất hiện trong bối cảnh nào? Vào thời Lê Mạt, những phe phái nổi lên gây biến động chưa từng có cho xã hội. Kỷ cương rối loạn, đạo đức suy đồi. Trong tình hình đó, có những hủ nho tách khỏi thời cuộc, tự cho mình đứng trên lập trường của thánh nhân để phê phán nhân quần đang chới với trong nước sôi lửa bỏng. Ngô Thì Sĩ nói vậy là để phản bác những kẻ quan phương ấy. Câu nói không có gì đặc sắc. Chỉ là lời kêu gọi “đặt sự việc đúng chỗ của nó,” kiểu như “đừng mang dao mổ trâu giết chim sẻ!” Câu nói cũng hoàn toàn trung tính, không hề có chuyện khinh trọng giữa đạo thánh hiền và đạo lý đời thường. Từ đó mà cho rằng minh triết là “đạo lý đời thường” e phiến diện. Phải chăng theo đó, chỉ đạo lý đời thường mới là minh triết, còn đạo thánh hiền thì không? Thực tế cho thấy đạo lý đời thường là minh triết mà đạo thánh hiền càng minh triết ở tầm cao hơn! “Nhân, trí, dũng” , “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” rồi “Vì kế một năm trồng lúa, vì kế mười năm rồng cây, vì kế trăm năm trồng người, vì kế nghìn năm trồng đức”… đều là đạo lý thánh hiền, không minh triết sao? Khi bị khốn ở nước Trần, Khổng tử than với học trò: “Có phải đạo của ta cao quá chăng nên người đời không theo kịp?” Nhiều học trò khuyên thầy hạ thấp đạo xuống cho hợp với đời. Chỉ duy nhất một người nói: “Thầy hãy giữ vững đạo của Thầy. Chính sự không chấp nhận của người đời càng chứng tỏ giá trị đạo của Thày!” Đó chính là “trung hành độc phục” (đi giữa bầy ác vẫn giữ lòng ngay thẳng - kinh Dịch), lời khuyên minh triết dành cho người quân tử. Và đó mới là tột cùng của minh triết! Cứu nhân độ thế chính là minh triết ở tầm cao ấy chứ không phải ở đạo lý đời thường! Vì vậy, chỉ dung nạp đạo lý đời thường mà trục xuất đạo thánh hiền không những dung tục hóa mà còn là sự phản minh triết một cách tệ hại!
Có đúng minh triết “thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”? Nếu vậy xin hỏi những câu “Bạc như dân, bất nhân như lính” rồi “Tệ hơn rận”, “Nuôi ong tay áo”, “Rước voi giầy mồ”… là quở trách hay cảm hóa lòng người? Và có minh triết không? Trừ phi những tục ngữ trên không được coi là minh triết thì tôi chịu; còn nếu chúng đích thị minh triết thì xin phép, phải hiểu Minh triết theo cách khác.
Tôi cảm nhận, Minh triết là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại vô tư giữa cuộc đời, khách quan, trung tính với cả thiện và ác. Hình như là có hàng triệu cặp mắt xanh ranh mãnh bố phục khắp nơi, phát hiện, chắt lọc những gì được cho là khôn ngoan, sáng suốt nhất trong cuộc đời. Cái tinh chất chắt lọc ấy được gọi là Minh triết. Và chỉ bằng những điều minh triết như thế, văn hóa dân tộc được duy trì qua hàng vạn năm.
Có lúc lẩn thẩn, tôi nghĩ, nếu có ai hỏi: “Minh triết là gì,” tôi sẽ trả lời: “Vàng và cám!” Không đùa đâu, hoàn toàn nghiêm túc đấy. Vàng có minh triết của vàng còn cám có minh triết của cám. Tuy khác nhau nhưng đều có công năng. Khi được vận dụng đắc địa, một “hạt cám minh triết” sẽ có giá trị như vàng!
Tôi mường tượng, trong văn hóa Việt, Minh triết tồn tại theo bốn cấp độ là tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Học ăn, học nói, học gói, học mở rồi hẳn hoi, tử tế… là minh triết của cấp độ Tu, Tề, cấp độ giúp con người tu thân, tề gia. Đấy chính là “đạo lý đời thường” dùng cho toàn thể chúng sinh. Nhưng cuộc đời không chỉ có thế, còn những kẻ quân tử, sĩ đại phu, gánh trên vai gánh nặng giang sơn, nòi giống. Vì vậy, trên tu, tề, có Trị, Bình là Minh triết của tầm nhân loại, tầm vũ trụ. Con người trong lĩnh vực này phải là “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung quán nhân sự”. Đấy là tiêu chí các tiên sư Nho đặt ra cho trí giả phương Đông. Nhưng thế nào là thông, tri, quán? Một chuyện đau đầu! Chỉ nhờ triết gia Kim Định, ta mới biết rằng, đó chính là “Tham thiên, lưỡng địa”, là “Nhân chủ, thái hòa, tâm linh”, là đạo Việt an vi, là bình sản! Đó chính là hạt nhân minh triết đã “chỉ đạo”, “định hướng” và “nuôi dưỡng” nền văn hóa Việt hàng vạn năm qua. Xin hãy cứ chiêm nghiệm: có phải mọi ứng xử của con người với xã hội và thiên nhiên – nếu thực sự văn hóa, đều nhận ánh sáng, sức nóng từ những hạt nhân minh triết trên?
Sự kiện những người thổ dân châu Mỹ ở Caduevo phía bắc Canada “tôn trọng phụ nữ cùng sự hài hòa giữa các yếu tố trong vũ trụ, rất giống người dân phía nam Trung Hoa” do học giả Levi Strauss nêu trong Nhiệt đới buồn đáng để suy ngẫm. Khảo cổ học và gần đây, di truyền học xác nhận, đó là những người Việt cổ đã di cư sang châu Mỹ qua eo Berinh khoảng 15.000 đến 30.000 năm trước. Như vậy là ít nhất 15.000 năm trước, “tôn trọng phụ nữ cùng sự hài hòa giữa các yếu tố trong vũ trụ” đã là phẩm chất văn hóa của người Việt cổ. Điều mà Levi Strauss cảm nhận được phải chăng là ánh sáng và sức nóng tỏa ra từ hạt nhân “tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, thái hòa” ẩn tàng trong chiều sâu văn hóa? Chính cái hạt nhân bền vững ấy quy định văn hóa của người thổ dân châu Mỹ. Như vậy, Minh triết chính là hạt nhân của văn hóa? Cái “hạt nhân” ấy được hình thành không biết từ bao giờ, nhưng khi chia tay đồng bào mình để đi “làm ăn xa”, họ đã mang theo, như thứ hạt giống, để rồi ở đâu đó, “trứng rồng lại nở ra rồng”!
Các học giả phương Tây nói qua lời triết gia F. Julliens: “Minh triết không có lịch sử”! Đúng không? Có lẽ kết luận hơi vội bởi các học giả này quen nhìn thế giới qua lăng kính châu Âu, góc nhìn quá hẹp! Trong khi muốn minh định điều này phải thấu hiểu lịch sử toàn nhân loại, một lịch sử mà hôm nay còn ít người được biết.
Cho tới vài năm gần đây, người ta mới biết rằng, 40.000 năm trước, trên miền băng giá, tổ tiên người châu Âu ra đời, do sự kết hợp của dòng người từ Đông Á sang với dòng người từ Trung Đông lên. Suốt thời gian dài, họ là dân săn bắt hái lượm. Chỉ 10.000 năm cách nay, khi thời Băng Hà cuối cùng chấm dứt, họ mới từ bỏ hái lượm để chuyển sang lối sống du mục. Có thể là bậc thềm đầu tiên của văn minh nhân loại nhưng lối sống hái lượm không phải là văn hóa. Và nói cho cùng, du mục cũng không phải là văn hóa. Văn hóa chỉ xuất hiện khi nghề trồng ngũ cốc ra đời, đúng như Paul C. Mangelsdorf, nhà thực vật học Đại học Harvard nhận định: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Không phải vô cớ mà người châu Âu gọi trồng trọt (culture) là văn hóa. Chính bởi vì nhờ nông nghiệp sản xuất ngũ cốc, con người được nuôi dưỡng tốt hơn, nhiều người được giải phóng khỏi hoạt động kiếm ăn, lao động dư thừa, phân công lao động hình thành, con người chuyển từ khai thác, bóc lột thiên nhiên sang sống hài hòa với thiên nhiên, từ đó văn hóa ra đời.
Ở phương Tây, nông nghiệp ngũ cốc xuất hiện tại Lưỡng Hà khoảng 10.000 năm trước nhưng chỉ 5000 – 7000 năm cách nay, người nông dân từ Trung Đông mới di cư sang, đem theo lúa mì và nho, tạo dựng nghề trồng trọt ở châu Âu. Nhưng như khám phá của nhà di truyền học Bryan Sykes trong cuốn Bảy nàng con gái của Eva (NXB Trẻ, 2009) cho thấy, nông dân Trung Đông chỉ chiếm 20% số dân châu Âu. Điều này chứng tỏ rằng trong xã hội phương Tây, lớp trầm tích văn hóa mỏng! Chính vì vậy, vỉa minh triết cũng mỏng theo. Từ đó ta hiểu vì sao người phương Tây không coi trọng Minh triết và cho rằng Minh triết không có lịch sử!
Khác với châu Âu, khi tới Đông Nam Á 70.000 năm trước, người tiền sử gặp điều kiện tự nhiên thuận lợi tới mức nơi đây được gọi là địa đàng. Đồng bằng Hainanland và Sundaland rộng mênh mông, mát mẻ, rừng xanh nhiều muông thú, bờ biển nông, lắm cá tôm, sò ốc… Nhờ vậy sinh suất cao, nhân số tăng nhanh. Từ đây, con người tỏa ra chiếm lĩnh toàn địa bàn Đông Á. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi mà con người sống tập trung, sớm phân công lao động, chế tác dụng cụ đá mài, sản xuất gốm và khoảng 20.000 năm trước phát minh ra cây kê và lúa nương. Lần đầu tiên con người tự nuôi sống bằng thức ăn do chính mình làm ra. Không còn phải ngửa tay ăn mày hay thô bạo tước đoạt thiên nhiên, con người thấy mình đứng cao hơn các loài vật khác và ý thức được phẩm giá của mình! Từ đó văn hóa ra đời. Khoảng 15000 năm trước, gần giống ngày nay, băng hà tan, nước biển dâng cao, nhiều khoảng đồng ngập nước, diện tích kê thu hẹp. Nhưng thay vào đó, cây lúa nước ra đời. Với năng suất cao hơn, chất lượng dinh dưỡng tốt hơn, cây lúa nước nâng cao một bước chất lượng cuộc sống. Muộn nhất là từ thời điểm này, đặc tính “tôn trọng phụ nữ và sự hài hòa giữa các yếu tố của tự nhiên” được hình thành, để những người di cư mang tới châu Mỹ, trở thành đặc điểm văn hóa của thổ dân Caduevo.
Khoảng 4000 năm TCN, duyên hải Đông Á với 5% diện tích thế giới, có tới 54% nhân loại sinh sống*. Vì sao vậy? Chính là đất lành chim đậu, con người khôn ngoan tìm về nơi có điều kiện sống tốt nhất và cũng do điều kiện môi trường thuận lợi giúp con người sinh sản nhanh. Và chính ở đây, người Đông Á xây dựng nền văn minh nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Đấy chính là cội nguồn văn minh phương Đông như chúng ta biết ngày nay.
Khoảng 2600 năm TCN, một sự biến lớn xảy ra: người du mục Mông Cổ từ Tây Bắc Trung Quốc vượt Hoàng Hà xâm lăng Bách Việt. Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ phương Bắc từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông của người bản địa và lập nhà nước Hoàng đế. Một điều tự nhiên xảy ra: người Mông Cổ hòa huyết với dân Bách Việt, sinh ra lớp con lai chủng Mongoloid phương Nam. Do người Việt đông, còn người Mông Cổ ít nên trong cộng đồng lai, gen Việt ưu thế. Với thời gian, người lai kế thừa văn hóa của tổ tiên Bách Việt và trở thành chủ thể của nhà nước Hoàng đế, tự gọi là người Hoa Hạ để phân biệt với người bản địa. Để giữ địa vị thống trị của mình, người Hoa Hạ xác lập vai trò chính thống của nhà nước Hoàng đế, biến người bản địa thành các tộc thiểu số “Man, Di, Địch, Rợ.” Độc chiếm văn hóa trong đó có chữ viết của người bản địa, người Hoa Hạ xây dựng lịch sử chính thống của nước Trung Hoa chỉ bắt đầu từ thời đại Hoàng đế. Nền văn minh nông nghiệp của người Việt bản địa bị chôn vùi! Từ số lượng đông đảo dân cư Việt chuyển hóa thành Hoa Hạ, từ gia sản văn hóa vĩ đại của tộc Việt, người Hoa Hạ xây dựng nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ vào thời điểm 1500 năm TCN. Với độc quyền chữ viết, độc quyền lịch sử, văn hóa, nền văn minh này hàng nghìn năm nay được cho là sản phẩm riêng của Trung Hoa, tỏa sáng và “khai hóa” các dân tộc Đông Á khác! Một sự cướp đoạt vĩ đại nhất trong lịch sử. Hàng nghìn năm nay, không chỉ thế giới mà ngay cả những người đang thụ hưởng nền văn hóa ấy cũng không ngờ rằng do cướp đoạt mà có!
Nhưng sang thế kỷ này, bằng những khám phá di truyền học về nguồn gốc và quá trình loài người chiếm lĩnh Trái đất, khoa học cho thấy, người tiền sử đã từ châu Phi tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra khắp Đông Á. Cũng từ Hòa Bình, người Việt cổ đem văn hóa Đá Mới cùng nghề nông lên Trung Hoa…
Một vấn đề được đặt ra: đồng ý là người từ Việt Nam lên khai phá Trung Hoa. Nhưng lịch sử Trung Hoa chính là do khối người vĩ đại Hoa Hạ gầy dựng hơn 4000 năm nay. Vậy cái gọi là “văn hóa Việt” ấy thực sự là gì, phải chăng chỉ là những chiếc rìu đá mài cùng những hạt lúa, củ khoai, con gà, con chó? Còn tự bản thân mình, người Trung Hoa sáng tạo ra chữ viết, Hà đồ, Lạc thư, kinh Dịch, kinh Thi… nền văn hóa lừng lững cõi trời Đông mà thế giới phải nghiêng mình bái phục?! Vâng, có lẽ, cho dù biết được cội nguồn cùng tiến trình lịch sử của tổ tiên nhưng chúng ta sẽ còn bị thách đố lâu dài trước những câu hỏi hóc búa ấy!
May mà chúng ta có Kim Định, theo tôi, một người Việt thiên tài. Từ những năm 70 thế kỷ trước, dựa vào một sự kiện trong lịch sử Trung Hoa: “Trước khi người Hán vào Trung Nguyên, từ lâu, người Việt đã làm chủ 18 tỉnh của nước Tàu,” triết gia Kim Định đã giải mã những huyền thoại và truyền thuyết Việt để phát hiện rằng, thoạt kỳ thủy, trên địa bàn Trung Hoa, người Việt xây dựng nền văn hóa nông nghiệp độc đáo của mình, đó là Nguyên Nho hay Việt Nho. Hạt nhân của Việt Nho, theo ông là 4 yếu tố:
- Tham thiên lưỡng địa
- Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh
- Đạo Việt An vi
- Cơ chế bình sản.
Phát hiện “động trời” mang tính lật đổ của vị linh mục vì không thể chứng minh được bằng những chứng cứ thuyết phục nên bị nghi ngờ và phản bác dữ dội. Cho đến nay sự chỉ trích chưa thôi và không kém phần cay nghiệt! Nhưng chính đó là ngọn đèn pha soi sáng, dẫn đường cho chúng ta tìm lại nền văn hóa rực rỡ của tổ tiên bị chiếm đoạt 4500 năm nay!
Thiên tài của học giả Kim Định là ở chỗ, từ nền văn hóa có bề dầy hàng vạn năm, qua nhiều nghìn năm lưu lạc giữa những Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho, bị cố tình vùi lấp, chiếm đoạt và bị đánh tráo, xuyên tạc, ông khám phá ra những yếu tố văn hóa cội nguồn của tộc Việt! Tôi nghĩ, đó chính là những hạt nhân minh triết trầm tích trong chiều sâu văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa Việt.
Như thế, tôi cho rằng, cũng như văn hóa, Minh triết có lịch sử. Lịch sử Minh triết xuất hiện cùng lịch sử loài người. Khi người nguyên thủy cầm cành cây hay cục đá giết con thú thì đó là bản năng. Nhưng khi con người mài sắc hòn đá để chế tác đồ dùng hay bện dây rừng thành lưới bắt cá, bắt thú thì đó là văn hóa. Và những gì tinh túy nhất, khôn ngoan, sáng suốt nhất được tích lũy trong văn hóa là Minh triết. Cùng với tiến trình lịch sử loài người, trầm tích minh triết dầy thêm. Vai trò Minh triết trong văn hóa giống như vai trò của hạt nhân trong nguyên tử. Nếu hạt nhân quy định bản chất của nguyên tố thì minh triết quy định bản chất của văn hóa.
Phương Tây có bề dầy văn hóa và minh triết mỏng. Ở phương Đông, bề dầy văn hóa cùng minh triết lớn hơn nhưng vì chưa được nghiên cứu khám phá, sự hiểu biết của chúng ta còn hạn chế. Từ suy nghĩ như vậy, tôi đưa ra một định nghĩa về Minh triết:
“Minh triết là sự khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.”
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Một nước Nhật quá xa xôi!
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Cầu truyền hình “Đôi bờ Ví, Giặm”
Thống kê truy cập
114513788
Hôm nay
2261
Hôm qua
2313
Tuần này
21725
Tháng này
220661
Tháng qua
121356
Tất cả
114513788