Những góc nhìn Văn hoá

Lạm bàn về Minh Triết (Kỳ 2)

II. MINH TRIẾT Ở PHƯƠNG ĐÔNG

Cho đến nay người ta biết về Minh triết phương Đông cũng giống như biết về lớp váng mỡ trên mặt bát xáo. Điều này dễ hiểu vì Minh triết ẩn trong văn hóa. Muốn hiểu Minh triết phải hiểu hết chiều sâu văn hóa. Nhưng muốn hiểu được văn hóa phải hiểu tới tận cùng lịch sử. Một việc còn khó hơn tìm đường lên trời!

Cho tới nay, dù có “nhị thập tứ sử” (24 cuốn sử) thì người Trung Hoa cũng chẳng biết tổ tiên gốc gác họ là ai! Không chỉ Khương Nhung tác giả Tôtem Sói mà ngay cả học giả tiên phong Zhou Jixu, trong Cội nguồn văn minh Trung Quốc, cũng lầm lẫn khi cho rằng tổ tiên người Trung Quốc là người Ấn-Âu từ phương Tây sang!

 Điều này không lạ vì cho tới nay, chưa mấy ai có thể nói là người hiểu lịch sử phương Đông. Một lịch sử bị chiếm đoạt, bị chôn vùi, bị xuyên tạc và đầy ngộ nhận mà chỉ vài năm nay, nhờ nhiều thành tựu của khoa học nhân loại, mới hé lộ.
Với vài chục bài viết và hai cuốn sách (Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học, 2007 và Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008) nhiều lần tôi trình bày vấn đề này. Ở đây, xin khỏi nhắc lại.
                                                   *
Nửa thế kỷ trước, trong bối cảnh mù mờ cả về cội nguồn, lịch sử và văn hóa, Giáo sư Kim Định, bằng việc giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, đã khai quật quá khứ, phát hiện văn hóa cội nguồn của tộc Việt là Việt Nho với 4 hạt nhân:
1.            Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
2.            Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
3.            Đạo Việt an vi.
4.            Bình sản.
 
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5= con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cố định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
Quan niệm như vậy của phương Đông khác hẳn quan niệm phương Tây. Vốn từ những người săn bắt hái lượm trọng động, chuyển sang du mục cũng trọng động, phương Tây quan niệm về một phương thức sống năng động, triệt để khai thác thiên nhiên cùng cạnh tranh với những bộ lạc khác. Trong con mắt của người phương Tây, vũ trụ cũng như cuộc sống vận hành theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1. Đó là sự phát triển nóng, dẫn tới Dương cực thịnh, Âm cực suy, cuối cùng là phá vỡ cân bằng của thiên nhiên, của xã hội, gây ra thảm họa cho con người.
 
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
 
3. Đạo Việt an vi.
Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
 
4. Bình sản
Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là ruộng giếng (tỉnh điền). Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
 
Bốn yếu tố kể trên là những đặc tính của văn hóa Việt cổ mà tôi gọi là hạt nhân minh triết,được hình thành từ xa xưa cho tới cuộc xâm lăng của nguời Mông Cổ. Giống như trận động đất, cuộc xâm lăng làm đảo lộn triệt để cuộc sống và do đó làm thay đổi lịch sử, văn hóa người Việt. Trên bãi đổ nát của văn hóa Việt, văn hóa Hoa Hạ ra đời. Cho tới 1500 năm TCN, văn hóa Hoa Hạ trở thành nền văn hóa rực rỡ ở phương Đông. Khoảng 500 năm TCN, khi nhà Chu tan rã, nền văn hóa này sụp đổ theo. Nhờ Khổng tử dùng những tư liệu trong kho sách của vua nhà Chu chép thành kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ… hậu thế mới biết về văn hóa thời đó. Là văn hóa Hoa Hạ, nhưng trong đó chứa hạt nhân của nền văn hóa sinh ra nó là văn hóa Việt cổ.
Có điều dễ thấy là, nếu trong những kinh điển nguyên thủy của Khổng nho, hàm chứa nhiều yếu tố nhân chủ, thái hòa nhân bản của văn hóa Việt thì sau này, cùng với sự tăng cường của thể chế quân chủ chuyên chế và sự xâm nhập nhiều hơn của yếu tố du mục Mông Cổ, nền văn hóa và chính trị Trung Hoa ngày càng đậm máu sói (nói theo tác giả Totem Sói) nghiêng về văn hóa du mục: đề cao nhà cầm quyền, hạ thấp vai trò của người dân và đặc biệt là đàn áp phụ nữ và người thiểu số. Khi mất dần yếu tố nhân bản và dân chủ, xã hội Trung Hoa và phương Đông bị thoái hóa, lạc hậu, trở thành mồi ngon cho sự xâm lăng của các cường quốc phương Tây.
Mặt khác, ta cũng thấy rằng, mặc dù chính trị, văn hóa, xã hội suy đồi nhưng minh triết phương Đông vẫn tồn tại trong dân gian như một phẩm chất vững bền. 
 
Ở phương Đông, Minh triết trải ra trên biên độ rộng, từ nôm na đời thường như củ khoai cây lúa tới những ý tưởng cao xa ngang với thánh thần. “Nói phải củ cải cũng nghe”, “Tay đứt, ruột xót”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”… ai cũng thấy, cũng hiểu và có thể vận dụng. “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.” (Lão tử); “Thiên thông minh tự ngã dân thông minh, thiên minh úy tự ngã dân minh úy” (Trời sáng suốt là do dân sáng suốt, Trời gieo họa phúc là do lòng dân gieo họa phúc - Kinh Thư, Cao dao mô) rồi “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên” (Vua lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời - Lục sinh)… tới giờ còn làm đau đầu nhiều thức giả. Xem ra như vậy Minh triết có vai trò vô cùng quan thiết trong cuộc sống. Đó là ông thầy sáng suốt, khôn ngoan giúp tư vấn, định hướng, điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành động của con người, từ bình dân ít học tới kẻ sĩ đại phu.
Nói đến Minh triết, không thể không nói tới tuyệt phẩm kỳ vĩ nhất của tộc Việt là kinh Dịch. Truyền thuyết cho hay: “Phục Hy tác Dịch, Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc”. Khảo cổ học phát hiện vết tích sớm nhất của lúa trồng bên bờ Dương Tử 12000 năm trước. Còn theo Solheim II và Oppenheimer, có thể 15000 năm trước, cây lúa được phát minh tại nơi nào đó ở Đông Nam Á. Phục Hy sống trước Thần Nông, vậy Dịch phải ra đời sớm hơn 15000 năm trước. Điều này cũng là bằng chứng cho thấy Minh triết có lịch sử!
Từ chỗ thấm đẫm sự màu nhiệm của bốn hạt nhân minh triết, người Việt xưa làm tập đại thành của minh triết là Dịch: “Cổ giả Bào Hy thị vương thiên hạ giả, ngưỡng tác quan thượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểu thú chi văn, dư địa chi nghi, cận thủ ư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủ tác Bát quái dĩ thông thần minh chi đức, dĩ loại vật chi tình” (Ngày xưa họ Bao Hy cai trị thiên hạ, ngửng lên nhìn trời, cúi xuống nhìn đất, xem xét dấu vết của chim thú, hình tượng đất đai, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật, rồi làm ra tám quái để thông suốt cái đức của thần minh, điều hòa cái tình của vạn vật - Khổng tử, Hệ từ truyện). “Phù Dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã, thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi.” (Dịch mở mang trí chí cho loài người, tạo thành muôn việc, gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực của thiên hạ - Khổng tử, Hệ từ truyện.)
Kinh Dịch là cuốn sách không lời thâu tóm vào nó bản thể và quy luật vận hành của vũ trụ đồng thời của mọi vật trong trời đất, từ hành tinh, thiên hà tới những nguyên tố tế vi nhất. Dịch không chỉ giúp giải đáp những sự việc hiện tại mà còn soi tỏ quá khứ, thấu tới vị lai… Người ta quen biết tới Dịch là công cụ bói toán nhưng không chỉ thế. Dịch là công cụ vô song giúp tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Dịch là đỉnh điểm của Minh triết Việt.
 
Nhưng có điều không hiểu vì sao phương Đông chưa có sự nghiên cứu nào chuyên sâu về Minh triết? Và cho tới nay, Minh triết tồn tại trong cuộc đời tự nhiên, nhi nhiên như cỏ dại! Có bài thơ cổ: “Chi lan chủng bất vinh, kinh cức chiết bất khứ, nhị giả như nại hà, bồi hồi tuế tương mộ.” Vì sao cây chi cây lan trồng không tươi tốt, còn loài cây gai nhổ không hết, nghĩ chưa hiểu được thì đời đã xế chiều! Trong khi đó, “chi, lan” trong văn hóa là Minh triết thì không ai trồng mà cứ xanh tốt, lan ra như cỏ mùa xuân! Phải chăng, một đằng thì Minh triết quá chừng cao xa linh ứng như thần thánh nên con người chỉ có thể cảm nhận mà không thể và không được cật vấn? Một đằng do Minh triết lại quá thông tục, đời thường, dễ hiểu lại sẵn có như khí trời, không phải mua bán, vay mượn nên chẳng cần đi sâu tìm hiểu làm gì?
 Có điều rõ ràng là phương Đông biết vận dụng minh triết từ xa xưa. 3000 năm trước, thời nhà Chu có chức quan chuyên thu lượm những câu ca từ nơi dân dã đem dâng vua để rồi căn cứ vào đó thiên tử bình xét phong tục tập quán từng vùng đất và khen ngợi hay trách phạt vua chư hầu. Những câu ca ấy sau này một phần được Khổng tử chọn chép thành kinh Thi, viên ngọc sáng của văn hóa phương Đông. Thu nhặt những câu ca như vậy chính là việc sưu tầm những hạt minh triết trong dân gian chất chứa vào kho tàng minh triết của quốc gia. Sau này việc lấy dân ca, ca dao làm tiêu chí thưởng phạt không còn nhưng trong dân, dân ca, ca dao tục ngữ luôn xuất hiện để ca ngợi hay chê bai sự cai trị của từng thời cùng phong tục tập quán của mỗi vùng đất: “Đời vua Thái tổ, Thái tông, lúa mọc đầy đồng trâu chẳng muốn ăn”; “Bộ Binh bộ Hộ, bộ Hình, ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”; “Tháng Tám có chiếu vua ra, cấm quân không đáy người ta hãy hùng”; “Dưa La, húng Láng, tương Bần. Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”, “Vó Vạn Đồn, l. Cổ Am” , “Vật du Kha Lý thị, vật thính Ô Trình ngôn, vật thú Diêm Điền thê, vật giao Hổ Đội hữu”… Những câu như vậy sau này được cho là những viên ngọc quý của văn học dân gian. Có một thời người ta cho rằng văn học dân gian chỉ xuất hiện dưới chế độ phong kiến, thể hiện thái độ chống đối của người dân bị bọn thống trị đàn áp bóc lột còn trong thời đại “dân chủ của chúng ta”, văn học dân gian không cần thiết nữa nên đã chuyển hóa trở thành “văn nghệ quần chúng”. Nhưng thực tế cho thấy, trong nửa thế kỷ qua, một lượng lớn ca dao, phương ngôn, tục ngữ, truyện tiếu lâm vẫn xuất hiện. Trong bài nói ở Trung tâm Minh triết tại Hà Nội, triết gia Francoise Julliens cho rằng, ở phương Đông Minh triết không làm chính trị. Điều này đúng vì minh triết không bao giờ là những học thuyết chính trị nhưng trong vai trò tích cực của mình, Minh triết luôn ủng hộ chính trị vương đạo và bài xích chính trị bá đạo. Bài xích không phải theo cách trực tiếp phủ định mà thường là biến những sai lầm, bất cập của chính trị bá đạo thành trò cười. Đó chính là tín hiệu mà 3000 năm trước, thiên tử nhà Chu nhận biết để điều chỉnh chính sách cai trị. Điều này cũng hoàn toàn đúng với ý kiến của Các Mác: “Giai đoạn cuối cùng của một sự việc, đó là sự khôi hài.”
 
Trong những luận bàn về Minh triết gần đây thấy nói tới “Minh triết Trần Nhân tông”, “Minh triết Nguyễn Trãi”,…Tôi phân vân: liệu nói vậy có thỏa đáng? Nếu nói như vậy là đúng thì vì sao từ xa xưa chưa có ai xưng tụng “Minh triết Khổng tử”, “Minh triết Mạnh tử”? Khổng tử được coi là bậc thánh, là ông thầy của muôn đời. Nếu cứ là người viết sách, dạy học thì có lẽ ngài là người tuyệt vời minh triết. Nhưng do nôn nóng thực thi đạo để cứu đời, ngài gây ra không ít chuyện bất cập. Từ bậc thầy của đạo trung dung, khi được nắm quyền, vì sốt sắng chứng tỏ cái đạo của mình, ngài mạnh tay xử phạt các quan có lỗi khiến người ta sợ hãi, dẫn đến việc ngài bị bãi chức. Vì quá nhiệt thành thi hành đạo mà không nghĩ xa, ngài bị đối phương dùng kế ly gián khiến thất sủng! Vì muốn được dùng, có khi ngài định thờ kẻ phạm trọng tội giết vua, chiếm ngôi. Rồi cũng vì muốn được dùng, ngài đã gặp người đàn bà dâm bôn Nam Tử, mang tiếng xấu không rửa được! Phải chăng vì thấy con người cụ thể, dù có là thánh Khổng thì cũng “vô thập toàn” nên người xưa không xưng tụng “minh triết Khổng tử”? Vì sao trong khi không nói “Minh triết Khổng tử” thì người xưa lại tinh tế công nhận câu nói của Lục sinh “Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên” là minh triết?
[…]Nếu có ai đó thực sự minh triết thì có lẽ là Lão tử. Như con rồng trên mây, ngài chỉ hiện ra trong chốc lát, quở trách, dạy dỗ Khổng tử vài câu rồi cưỡi trâu đi mất, để lại 5000 chữ đầy minh triết. Nhưng như vậy cũng không đúng theo quy chuẩn Hoàng Ngọc Hiến vì ta chỉ thấy minh triết trong sự “nói” của ngài! Có lẽ người minh triết duy nhất là cậu bé làng Gióng: khi đất nước lâm nguy thì vươn mình lên cứu nước. Hết giặc bay về Trời. Nhưng Gióng không là người mà là thần thánh! Vậy cũng có nghĩa là chẳng hề có minh triết Thánh Gióng!
 
Gần đây, khi phong trào nghiên cứu Minh triết rộ lên, nhiều người có xu hướng biến Minh triết thành môn học thực dụng như là triết học để đem lại lợi ích cho xã hội. Có người yêu cầu Minh triết phải có khái niệm. Có người đề xuất “phát triển minh triết”! Không hiểu người ta định “phát triển” Minh triết như thế nào đây? Phải chăng là làm dự án cho kế hoạch 5 năm, 10 năm và tầm nhìn tới…?! Thiển nghĩ, Minh triết là cái khôn ngoan, sáng suốt sinh ra hàng vạn năm trước và tồn tại phiêu du như gió. Ai nhốt được gió thì may ra người đó có thể “khái niệm hóa” và “phát triển” Minh triết! Sống ít nhất 160.000 năm trước ta, người khôn ngoan Homo sapiens đã sáng tạo và tích lũy đủ mọi thứ khôn ngoan sáng suốt, tới mức chẳng còn gì để chúng ta “phát triển”! Thêm nữa, nếu muốn “phát triển” minh triết thì cũng cần thời gian vô hạn! Trồng đức phải 1000 năm, vậy thì “trồng” minh triết chí ít cũng mười lần năm tháng đó! Than ôi, cõi nhân sinh trăm năm quá ngắn!
Vì vậy, theo tôi, đám hậu sinh chúng ta chẳng việc gì phải mơ hão “phát triển” hay “khái niệm hóa” Minh triết, mà hãy chuyên tâm ứng dụng, vận dụng minh triết sự minh triết của tổ tiên. Có thể cách làm như sau:
-                   Mở cuộc thi trên mạng internet để mọi người đóng góp những câu nói và việc làm mà họ cho là minh triết. Từ đó chọn lọc, in thành sách, giống như cái “kinh Minh triết” người phương Tây đã làm.
-                   Soạn cuốn sách: “Những trường hợp ứng xử minh triết” với bút pháp vui tươi, dí dỏm, vừa nghiêm túc vừa mang tính khôi hài, hấp dẫn, bán giá rẻ cho nhiều người đọc. Sách này giúp con người vận dụng ứng xử trong những tình huống cụ thể.
-                   Giống như thiên tử nhà Chu xưa, các nhà quản lý quốc gia căn cứ vào những ca dao, tục ngữ, chuyện tiếu lâm… để điều chỉnh chính sách cũng như khen thưởng, kỷ luật các quan cai trị địa phương.
 
Thấy có người nói “kinh tế minh triết” nhưng chưa ai đưa ra định nghĩa, cũng chưa có mô hình nên mới chỉ là khái niệm truyền miệng. Nhưng chịu khó suy ngẫm thì đó là đề xuất hay. Xin đưa ra một thí dụ để cùng suy ngẫm.
Tới Tiền Giang, tôi hơi yên tâm vì nạn dịch công nghiệp hóa chưa tàn phá nơi này. Vết sẹo đô thị hóa chưa lớn. Mừng là về cơ bản nơi đây vẫn là nông thôn truyền thống với 3 vùng kinh tế. Vùng lúa, vùng nuôi thủy sản và miệt vườn. Nhận phù sa và nước ngọt sông Tiền, vùng lúa Tiền Giang đang dẫn đầu cả nước về hiệu quả, gần đến độ tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay. Có ai đó nói chí lý: “Đừng dạy người nông dân xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới cách làm ra hạt lúa!” Câu nói này càng đúng với Tiền Giang. Vùng nuôi cá nước ngọt với những bè cá Basa, Điêu hồng… chưa làm sông Tiền ô nhiễm. Nghêu, sò nuôi bán tự nhiên ở vùng cửa biển đạt hiệu quả cao. Vườn Tiền Giang là điển hình của “văn minh miệt vườn” Nam Bộ. Các chủ vườn đang liên kết thành những khu chuyên canh cây đặc sản. Họ bỏ tiền thuê kỹ sư về tạo giống, chăm sóc cây cùng những chuyên viên tiếp thị xây dựng thương hiệu “Vú sữa Lò rèn”, “Bưởi Năm roi”, “Sầu riêng hạt lép”... Những làng nghề đang khoe sắc và du lịch sinh thái ngày thêm chuyên nghiệp. Đường xóm ấp trải bê tông, dưới bóng cây sum suê mát rượi, trong nhà đầy đủ tiện nghi hiện đại. Không dám sánh với Sài Gòn về GDP nhưng người chủ vườn sung túc nơi đây chấp tất cả mọi đô thị về cuộc sống bình an, về môi trường sống trong lành, về lòng người thanh thản. Nếu thế giới đặt ra chỉ tiêu cuộc sống hạnh phúcthì người nơi đây chiếm thứ hạng cao!
Gọi nền kinh tế nơi đây là gì? Phải chăng là “kinh tế tiểu nông” theo cách nói quen thuộc? Hay là “phương thức sản xuất châu Á” như tổ sư Các Mác khinh khi? Tôi nghĩ, đó là nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam được tích lũy qua lịch sử hàng ngàn năm, có hấp thụ tri thức hiện đại của nhân loại. Đó chính là kinh tế minh triết. Vậy thì phải chăng kinh tế minh triết là nền kinh tế tạo cuộc sống hạnh phúc trên cơ sở giữ môi trường tự nhiên tốt đẹp?
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513789

Hôm nay

2262

Hôm qua

2313

Tuần này

21726

Tháng này

220662

Tháng qua

121356

Tất cả

114513789