Những góc nhìn Văn hoá
Các dấu mối âm vị học gợi ý rằng ngôn ngữ loài người có một gốc duy nhất ở châu Phi
Một nhà nghiên cứu phân tích thanh âm trong các ngôn ngữ được nói trên khắp thế giới đã phát hiện ra một dấu hiệu cổ xưa cho thấy Nam Phi chính là nơi khởi thủy của ngôn ngữ hiện đại.
Phát hiện này phù hợp với bằng chứng từ những chiếc xương sọ hóa thạch và DNA cho thấy người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi. Điều này cũng hàm ý, mặc dù chưa được chứng minh, rằng ngôn ngữ hiện đại đã khởi thuỷ duy nhất ở đây, một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà ngôn ngữ học.
Việc phát hiện ra một dấu hiệu cổ xưa trong ngôn ngữ là một điều đáng ngạc nhiên. Bởi vì lời nói thì thay đổi rất nhanh, nhiều nhà ngôn ngữ học nghĩ rằng không thể truy nguyên dấu vết của ngôn ngữ về một thời điểm quá xa trong quá khứ.. Cho tới nay, cây ngôn ngữ cổ nhất được tái dựng là hệ ngôn ngữ Ấn – Âu, trong đó có tiếng Anh, tối đa cũng chỉ có 9000 năm tuổi.
Quentin D. Atkinson, một nhà sinh vật học tại Đại học Auckland ở New Zealand, đã phá vỡ rào cản thời gian này, nếu khẳng định của ông ta là chính xác, bằng cách quan sát không phải ở lời nói mà là ở âm vị - các phụ âm, nguyên âm và giọng, những thành tố đơn giản nhất của ngôn ngữ. Tiến sĩ Atkinson, một chuyên gia trong việc áp dụng những phương pháp toán học trong ngôn ngữ học, đã tìm thấy một mô hình đơn giản nhưng nổi bật trong khoảng 500 ngôn ngữ được nói trên toàn thế giới: một khu vực ngôn ngữ càng sử dụng ít âm vị, con người thuở sơ khai xuất phát từ châu Phi lại càng phải di chuyển xa hơn để đặt chân tới các khu vực khác của thế giới.
Một số ngôn ngữ sử dụng nhiều âm thanh lách tách (click-using languages) ở Châu Phi có hơn 100 âm vị, trong khi đó ở Hawaii, chặng cuối của con đường di cư của con người rời khỏi châu Phi, chỉ có 13 âm vị. Tiếng Anh có khoảng 45 âm vị.
Mô hình về tính đa dạng ngày càng suy giảm cùng với khoảng cách này - tương tự với sự suy giảm theo khoảng cách từ châu Phi lan ra trong suốt thời kì dài của sự đa dạng di truyền - ngụ ý rằng ngôn ngữ hiện đại của con người có nguồn gốc từ khu vực Tây Nam châu Phi, tiến sĩ Atkinson đã phát biểu điều này trong một bài báo được công bố vào thứ Ba trên Tạp chí Khoa học.
Ngôn ngữ có ít nhất 50.000 năm tuổi, thời điểm tính từ khi loài người hiện đại phân tán từ châu Phi, và một vài chuyên gia còn nói rằng ngôn ngữ có độ tuổi ít nhất là 100.000 năm. Nếu công trình của tiến sĩ Atkinson là chính xác, ông đã đẩy niên đại ra đời của ngôn ngữ đi ngược xa hơn nữa.
Các nhà ngôn ngữ học có xu hướng loại bỏ bất kì một tuyên bố nào khẳng định đã tìm thấy dấu vết của ngôn ngữ có tuổi nhiều hơn 10.000 năm, “nhưng bài báo này gần như đã thuyết phục tôi rằng loại hình nghiên cứu này là khả thi”, Martin Haspelmath, một nhà ngôn ngữ học tại Viện Max Planck về Nhân học tiến hóa ở Leipzig, Đức phát biểu.
Tiến sĩ Atkinson là một trong vài nhà sinh vật học đã bắt đầu áp dụng các phương pháp thống kê phức tạp vào ngôn ngữ học lịch sử nhằm xây dựng những cây di truyền dựa trên chuỗi DNA. Một số nhà ngôn ngữ học thì tỏ ra hoài nghi những nỗ lực này.
Năm 2003, Tiến sĩ Atkinson và Russell Gray, một nhà sinh vật học khác tại Đại học Auckland, đã xây dựng lại cây của hệ ngôn ngữ Ấn-Âu với một phương pháp vẽ cây DNA được gọi là lịch sử phát sinh loài theo phương pháp Bayes. Cây đã chỉ ra rằng ngôn ngữ Ấn-Âu có độ tuổi nhiều hơn là những nhà ngôn ngữ học lịch sử đã ước tính và do đó, ủng hộ lý thuyết cho rằng hệ ngôn ngữ đã đa dạng hóa với sự mở rộng của nông nghiệp khoảng 10.000 năm trước, chứ không phải với một cuộc xâm lược quân sự bởi những cư dân thảo nguyên khoảng 6.000 năm trước, một quan điểm được ủng hộ bởi hầu hết các nhà ngôn ngữ học.
“Chúng tôi băn khoăn về việc một mô hình toán học mà chúng tôi không hiểu đã được đặt cạnh mô hình ngữ văn học mà chúng tôi hiểu,” Brian D. Joseph, một nhà ngôn ngữ học tại Đại học bang Ohio, nói về cây ngôn ngữ Ấn-Âu. Nhưng ông nghĩ rằng các nhà ngôn ngữ học có thể sẵn lòng chấp nhận bài viết mới của Tiến sĩ Atkinson là bởi vì nó không mâu thuẫn với bất kỳ một lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học nào đã được thiết lập.
"Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, mặc dù có một số người sẽ không quan tâm đến nó", Tiến sĩ Joseph nói.
Một nhà ngôn ngữ học khác, Donald A. Ringe của Đại học Pennsylvania, cho biết, "Quá sớm để nói rằng quan điểm của Akinson là chính xác, nhưng nếu đúng như vậy, đó là một trong những bài báo thú vị nhất trong ngôn ngữ học lịch sử mà tôi đã thấy trong một thập kỉ”.
Phát hiện của tiến sĩ Atkinson phù hợp với bằng chứng khác về nguồn gốc của ngôn ngữ. Các thổ dân của sa mạc Kalahari thuộc về một trong những nhánh đầu tiên của cây di truyền dựa trên DNA bộ thể hạt (mitochondrial DNA) của con người. Ngôn ngữ của họ thuộc về một họ ngôn ngữ được gọi là Khoisan và bao gồm nhiều âm thanh lách tách (click sound), mà dường như là một đặc điểm rất cổ xưa của ngôn ngữ. Và họ sống ở Nam Phi, nơi mà theo tính toán của tiến sĩ Atkinson là nơi khởi phát của ngôn ngữ. Nhưng liệu rằng ngôn ngữ Khoisan có gần gũi nhất với một số hình thức cổ xưa của ngôn ngữ hay không, đó “không phải là điều mà phương pháp của tôi có thể nói tới”, tiến sĩ Atkinson cho biết.
Nghiên cứu của ông đã được thúc đẩy bởi một phát hiện gần đây về việc số lượng các âm vị trong một ngôn ngữ tăng lên tỉ lệ thuận với số lượng những người nói ngôn ngữ đó. Điều này đã cho ông một ý tưởng rằng sự đa dạng của âm vị sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của dân số, nhưng sẽ giảm trở lại khi một nhóm nhỏ tách ra và rời khỏi nhóm phụ huynh.
Một quá trình nảy nở liên tục theo dạng thức đó - cái cách thức mà những người hiện đại đầu tiên đã mở rộng trên toàn thế giới - được cho là để sản xuất ra cái mà các nhà sinh vật học gọi là một hiệu ứng tác nhân sáng lập tiếp nối (serial founder number). Mỗi lần một nhóm nhỏ di chuyển đi, lại có một sự suy giảm sự đa dạng di truyền của nó. Việc suy giảm sự đa dạng của âm vị cùng với khoảng cách ngày càng xa châu Phi, như tiến sĩ Atkinson đã nhìn nhận, song song với việc suy giảm sự đa dạng di truyền đã được ghi chép lại bởi các nhà sinh vật học.
Khi mỗi loại suy giảm sự đa dạng xảy ra, quá trình phát triển dân số chắc hẳn đã diễn ra nhanh chóng, hoặc sự đa dạng sẽ được thiết lập một lần nữa. Điều này hàm ý rằng việc mở rộng địa bàn cư trú của con người vượt ra khỏi châu Phi diễn ra rất nhanh chóng trong từng giai đoạn. Sự định hình của ngôn ngữ hiện đại, hoặc kĩ thuật mà nó thực hiện, có thể đã gợi nhớ tới việc mở rộng này, tiến sĩ Atkinson nói.
“Điều đáng chú ý về công trình này là nó cho thấy ngôn ngữ đã không thay đổi toàn bộ điều đó một cách nhanh chóng – nó vẫn giữ lại một dấu hiệu của tổ tông nó qua hàng chục ngàn năm”, Mark Pagel, một nhà sinh vật học tại Đại học Reading ở Anh, người đã đưa ra lời khuyên cho tiến sĩ Atkinson cho biết.
Tiến sĩ Pagel xem ngôn ngữ như là trung tâm của việc con người mở rộng địa bàn sinh sống ra toàn cầu.
"Ngôn ngữ là vũ khí bí mật của chúng ta, và ngay khi chúng ta có ngôn ngữ, chúng ta đã trở thành một loài thực sự nguy hiểm," ông nói.
Theo sau sự mở rộng của con người hiện đại, loài người cổ xưa, chẳng hạn như người Neanderthal, đã bị đào thải và các loài thú lớn, như bằng chứng hóa thạch đã chỉ ra, đã bị tuyệt chủng trên mỗi châu lục ngay sau sự xuất hiện của người hiện đại.
Hà Nguyễn dịch từ The NewYork Times
Link: http://www.nytimes.com/2011/04/15/science/15language.html?_r=2&hp
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114513817
Hôm nay
2290
Hôm qua
2313
Tuần này
21754
Tháng này
220690
Tháng qua
121356
Tất cả
114513817