Năm 1951, Nguyễn Đình Lạp được điều về mặt trận Hà Nội, để viết về con người Hà Nội trong kháng chiến. Sau đó, ông sang ty Công an Hà Nội và viết một số điển hình của ngành công an Hà Nội, trong đó có cuốn truyện CHIẾC VA LY.
CHIẾC VA LY kể lại tấm gương cao cả của nữ điệp viên Nguyễn Thị Lộc đã phối hợp với các đồng đội mang mật danh A13, A14, A15 đánh đắm thông báo hạm Pháp Amyot d’Inville ngoài khơi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, vào mùa thu năm 1950.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết Lời tựa cho cuốn sách.
***
Tuy qua hồ sơ các Tòa án quân sự mà vì nghĩa vụ luật sư tôi phải nghiên cứu để bào chữa cho bị tố nhân, tuy qua văn phẩm mà vì nhiệm vụ giáo sư tôi phải sưu tầm để giảng dạy ở Đại học đường, tôi đọc qua nhiều tiểu thuyết phi thường, nhưng chưa bao giờ tôi thấy tinh thần rung động như buổi đêm thanh vắng, trong một nhà tranh núi bao vây, cạnh ngọn đèn dầu lạc, tình cờ tôi được nghe câu chuyện “Chiếc valy”, kể lại bởi nhân vật chính. Mấy hôm trước, ngoài khơi, đồng bào ở Sầm Sơn nghe thấy một tiếng nổ dữ dội, rồi mục kích một chiếc tầu lặng lặng chìm xuống đáy bể với tất cả các thủy thủ và cấp chỉ huy. Đấy là chiếc thông báo hạm tối tân và hoàn hảo mà Thủy quân Pháp vừa gửi sang Việt Nam. Lúc đó chưa ai biết rằng thắng lợi ấy là kỳ công của một số người trong đó có chị Nguyễn Thị Lộc mà bạn Nguyễn Đình Lạp thuật lại sau đây các giờ phút cuối cùng.
Một ngày kia, khi mà cuộc giải phóng dân tộc hoàn thành, nhà viết sử tham khảo tài liệu đầy đủ sẽ hiểu rõ từ thủy tới chung, tất cả tình tiết trong việc này. Nhưng hiện thời; một độc giả, nhất là nếu không sinh hoạt trong hoàn cảnh kháng chiến không thể nào tránh được vài điều khó hiểu có thể đưa đến một nhận định sai lầm. Các dòng này nhằm mục đích đề phòng một sự phê phán không xác đáng.
Bạn Nguyễn Đình Lạp được may mắn theo dõi các nhân vật từ lúc họ mới hoạt động, nên đưa nghệ thuật mình lên một trình độ khúc triết, tường tận mà một kẻ đứng ngoài và xa thực tế, quan niệm mọi điều qua sức tưởng tượng, không thể nào vươn tới được. Nhưng có lẽ, về phương diện này, tác phẩm của bạn Lạp không cần phải ai bảo lĩnh vì giàn giụa ánh sáng của sự thật. Một đề tài “sống” có một lực hấp dẫn xuất phát từ bản tâm nó và xâm chiếm tư tưởng của độc giả nhãng chí nhất. Điểm này không cần dẫn chứng: ai đọc cuốn sách này sẽ nhận thấy ngay.
Trái lại, có một vấn đề quan trọng cần phải nêu lên: ta phải quan niệm tâm lý vị nữ anh hùng như thế nào mới đúng sự thật. Một trí óc đầu độc bởi cá nhân chủ nghĩa có thể hỗn hợp cuộc hy sinh này với các hy sinh khác, và ngộ nhận rằng đây là hành động lộng lẫy của một siêu nhân, dùng ý chí và can trường để gây một chuyển vận trong thời cục và ghi tên muôn thủa. Chỉ những độc giả hấp tấp mới cảm thấy như vậy. Tuy bị giam hãm trong một khung thể chật hẹp và phải chiếu rọi hết ánh sáng vào chân dung vị nữ điệp viên, tác giả, vì là người kháng chiến, không tin ở lý thuyết “anh hùng chờ thời thế”. Mà chính ngay vị nữ anh hùng mà chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh cũng nhận chỉ là diễn viên trong “sen” cuối cùng của một tấn kịch đòi hỏi sự cộng tác của bao diễn viên và đạo diễn khác, không kể kịch sĩ. Hy sinh của chị Lộc là một trong chuỗi các hy sinh liên tiếp, phần nhiều vô danh, cái nọ giúp đỡ cái kia, bồi bổ cho cái kia, cái này cho phép cái khác thành đạt. Ta nhất định không phủ nhận giá trị của cái chết anh dũng kia, nhưng ta không bất công với tất cả cái chết khác đồng ý nghĩa, ta sẽ xếp ngang hàng trong một lòng khâm phục chung cho tất cả các cái chết ấy, hoặc công khai, hoặc bí mật, hoặc “ký tên”, hoặc vô danh, vì căn nguyên trong một tâm trạng, phục vụ một ý tưởng, đứng trong một hệ thống tiêu biểu cho một tinh thần. Tinh thần của toàn thể một dân tộc kháng chiến.
Đây là khâu chính. Không nắm được nó thì không hiểu được cuộc kháng chiến của Việt Nam, và cũng không thể hiểu được câu chuyện chị Lộc. Ngoài khơi Sầm Sơn, không phải riêng một thông báo hạm nổ và chìm, tất cả một chính sách, bao nhiêu tham vọng của thực dân cũng chìm lỉm xuống đáy biển. Lúc bọn phản động Pháp dùng võ lực để chiếm lại chủ quyền trên đất Việt Nam, chúng tưởng có thể lợi dụng, như 80 năm về trước các mâu thuẫn trong xã hội để đặt lại nền thống trị xưa. Chúng suy tính sai. Sau cuộc Cách mệnh, các mâu thuẫn cũ với chính thể quân chủ và chế độ quan trường, lặn vào đêm tối của lịch sử. Một dân tộc thoát khỏi vòng thơ ngây, đã tự hiểu rằng: phải tranh đấu mới dành lại được quyền sống tự do, nên đã cương quyết dùng xương máu để dựng nền độc lập. Bị lừa dối đã nhiều, dân ấy chỉ dùng nụ cười giễu cợt để đón tiếp các luận điểm khách sáo, đặt hết tin tưởng và hy vọng ở một cuộc tranh đấu, chính nghĩa, một phương pháp khoa học, một ý chí đoàn kết. Các kế hoạch đặt có quy củ, hợp lý, hợp cảnh, hợp thời, điểm cuộc tiệm tiến bằng các sự bột phát rực rỡ: người du kích biến thành Vệ quốc quân, chiến thuật tiêu hao nhường chỗ cho chiến lược tiêu diệt, nhân dân học hỏi, không ngừng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Mười nước và 800 triệu người công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, biên thùy Bắc Bộ được giải phóng, Trung du chứng kiến các thắng lợi dồn dập, đồng bằng mong đợi cuộc phản công kịch liệt…
Trước chân trời mỗi ngày sáng sủa thêm lên, nhân dân Việt Nam càng phấn khởi bao nhiêu, thực dân Pháp càng thất vọng bấy nhiêu. Chúng cố lôi kéo, bằng tiền bạc, hư danh, một số người còn đắm đuối trong các mê mộng cũ. Nhưng hậu thuẫn gồm các phần tử ô hợp, đầu cơ không gây được ảnh hưởng nào trong quần chúng nhân dân rộng rãi. Thở mãi bụi bậm ở nơi phồn hoa, chúng khao khát ngọn gió thôn quê trong sạch. Chúng quay hướng về vùng tự do, vẫy mời người kháng chiến. Tung mọi lý luận thô sơ, chúng đối lập người “cộng sản” và người “quốc gia”. Đó là một thử thách mà người kháng chiến đã nhận thấy ngay. Một số người dưới danh nghĩa “quốc gia” từ vùng tự do hồi cư về Hà Nội để hưởng ứng lời kêu gọi của chúng. Được mơn chớn, vuốt ve, họ bày mưu đặt kế để gây tín nhiệm và hy vọng của bọn thực dân đang chết đuối sa lầy: A13, được cất lên làm Đặc phái viên, có quyền dùng tàu bay, tàu chiến đi công cán. Một hôm, A13, trong nhiệm vụ một điệp viên đã vờ ăn câu của chúng, đòi chiếc thông báo hạm đặc sắc nhất để đón vợ con ra Hà Nội. Chiếc Amyot d’loville lĩnh nhiệm vụ ấy, và cùng chị Lộc, dìm xuống làn nước mặn cùng với mưu mô chia rẽ kháng chiến của bọn thực dân.
Ý nghĩa cái chết của vị nữ anh hùng ở chỗ đó. Mang trong thân thể và tâm hồn vết thương đau đớn gây ra bởi bọn lính dã man, chị hòa thù riêng của mình vào mối căm hờn của dân tộc. Chị đã hy sinh để chứng tỏ trước dư luận hoàn cầu mưu mô cuối cùng của đế quốc đã thất bại. Kháng chiến đoàn kết, trong mặt trận Dân tộc thống nhất không thể nào sứt mẻ. Hình ảnh của chị không thể nào tách rời khỏi khung cảnh kháng chiến. Chị là một người kháng chiến, nhận hy sinh với một tinh thần dân tộc, phục vụ kháng chiến, đền trọn nghĩa vụ với đất nước. Với một nhận định khác, ta sẽ khiếm khuyết với kỷ niệm của chị và không tôn trọng sự thật.
28-2-1951
KMS sưu tầm và giới thiệu