Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ ra thì ngược lại, người ta hết lời thóa mạ chủ nghĩa tư bản đồng thời kêu gọi thế giới trở về với giáo điều macxit! Chuyện này không lạ bởi lẽ từ xưa người dân Việt có câu “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào…” Nhưng khốn nỗi, đây không phải chuyện bình thường mà là mối nguy lớn vì nó bộc lộ sự khốn cùng của trí tuệ nhân loại, khi loài người mắc kẹt giữa bãi lầy, không tìm thấy đường cứu chính mình!
Bài viết này muốn đề xuất một con đường cứu nhân loại.
*
Minh triết Việt quan niệm về một vũ trụ Thái hòa. Năm nhân tố cấu thành vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vừa tương khắc lại vừa tương sinh, quan hệ hữu cơ với nhau, không yếu tố nào vượt trội, trở nên tuyệt đối, lấn ép yếu tố khác. Ngay Thổ được coi là trung tâm nhưng cũng nằm trong mối ràng buộc, bị Mộc khắc và được Hỏa sinh. Cũng như vậy, ở phương Đông, tứ dân: sĩ, nông, công, thương, tuy sĩ đứng đầu, dẫn dắt xã hội nhưng không phải là sự chuyên chính của trí thức. Bởi vì “nhất sĩ nhì nông” nhưng “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”. Vì vậy khi xác lập sự chuyên chính của một giai cấp lên các giai cấp khác tất làm phá vỡ mối thái hòa trong xã hội, dẫn tới sự nghiêng lệch, rối loạn kỷ cương mà kết quả tất yếu là làm đổ vỡ cộng đồng.
Trong xã hội phương Đông cổ, vương quyền thống trị. Nhưng vương quyền là của dòng họ, không phải là một giai cấp, càng không phải là sự thống trị vĩnh viễn. Ngay Khổng tử, lý thuyết gia của thể chế quân chủ cũng nói: “Nếu vua hôn ám thì đổi nó đi!”. Vào thời Khai sáng, những đầu óc canh tân tiên phong như Vonte cũng mơ ước sự cai trị của đạo Khổng tử, nơi dân có quyền lật đổ vua chúa, nơi mà người cai trị được chọn ra từ những kỳ thi!
[...]
Xóa bỏ tư hữu là nguy hại vì nó xóa bỏ cơ sở tồn tại hàng vạn năm của loài người. Hàng vạn năm, con người có tài sản riêng để thông qua đó sinh lợi, nuôi sống bản thân cùng gia đình, nuôi dạy con cái, tái tạo không chỉ nhân lực mà còn là trí tuệ, văn hóa cho xã hội. Tài sản riêng là một sự khẳng định phẩm giá của con người. Vonte nói chí lý: “Người không có gì là người chả ra gì!”. Con người có còn là con người nữa không, xã hội có còn là xã hội nữa không, khi nhân dân chỉ là một đám đông tay trắng, toàn bộ cuộc sống phụ thuộc vào sự ban phát của nhà nước? Xóa bỏ tư hữu là phản tự nhiên, phản tiến hóa và chống lại loài người. Sự đổ vỡ của khối xô-viết sinh ra từ đấy! Và đó là quy luật thép của cuộc sống.
[...]
Có người đưa ra chiêu bài “chủ nghĩa duy vật nhân văn.” Là gì vậy? Một khái niệm lôm côm đầu Ngô mình Sở! Trong kinh điển Mác-Lê có hai thuật ngữ “duy vật biện chứng” và “duy vật lịch sử” với tư cách là phương pháp luận. Trong khoa học nhân văn không có lịch sử sao? Do đó, nếu đưa ra với vai trò phương pháp luận thì “chủ nghĩa duy vật nhân văn” chỉ là vẽ thêm chân cho con rắn, giống như việc làm vô duyên vô nghĩa của chàng ngốc trong tiếu lâm, sau khi khoét cái lỗ to cho chó qua thì khoét tiếp cái lỗ nhỏ cho mèo lại! Nếu đưa ra với mục đích xoa dịu tính sắt máu khốc liệt của chủ nghĩa duy vật, gán cho nó cái nhãn “nhân văn” thì càng lẩm cẩm hơn! Duy vật hay duy tâm thuộc về phương pháp luận. Mà đã là phương pháp luận thì luôn khách quan, không hề dính dáng tới nhân văn hay không nhân văn. Một sự lai ghép kỳ quặc! Mặt khác, nó cũng trái ngược với nguyên lý “thái hòa” của minh triết Việt: bất cứ cái “duy” nào đều làm nghiêng lệch, phá vỡ sự hài hòa của toàn thể!
Phải chăng, khi chủ nghĩa xã hội khủng hoảng thì chủ nghĩa tư bản là sự lựa chọn duy nhất? Tôi không nghĩ vậy bởi vấn để của lựa chọn là vấn đề văn hóa. Muốn có lựa chọn đúng, phải trở về đến tận cùng lịch sử loài người để từ đó hiểu được văn hóa.
Ít người hiểu được thực tế phũ phàng là lịch sử chia loài người thành hai thế giới trái ngược: Đông và Tây. Phương Tây du mục còn phương Đông nông nghiệp. 10000 năm trước, khi Kỷ Băng Hà chấm dứt, tổ tiên người châu Âu mới ra khỏi hang hốc trong núi băng để chăn nuôi con cừu, con dê đầu tiên. Từ phương thức sống săn bắt hái lượm của người nguyên thủy vừa ăn mày vừa cướp đoạt thiên nhiên, chuyển sang du mục, người phương Tây vẫn sống bằng chiếm đoạt và tàn phá Trái đất. Phá rừng làm bãi chăn thả, săn bắt muông thú làm thức ăn, tận diệt thú dữ để bảo vệ đàn gia súc… Không chỉ vậy, họ luôn luôn tranh chấp với những bộ lạc khác để giành giật đồng cỏ, nguồn nước và khi đủ mạnh thì cướp đoạt súc vật, bắt người làm nô lệ để dùng hoặc buôn bán, trao đổi… Để thích ứng với cuộc sống đó, phải xây dựng những bộ lạc quân sự hóa được dẫn dắt bởi thủ lĩnh mạnh. Hàng nghìn năm với phương thức sống như vậy tạo nên ở người phương Tây những thói quen:
- Coi lợi ích là nguyên tắc tối thượng.
- Thủ lĩnh được tuân phục tuyệt đối.
- Sự đua tranh mãnh liệt trong cộng đồng giành vị trí thủ lĩnh.
Tới thế kỷ XVII, văn hóa du mục chuyển thành chủ nghĩa tư bản với những đội thương thuyền vũ trang đi mở rộng thị trường, chiếm đoạt thuộc địa, vơ vét tài nguyên, buôn bán nô lệ…
Giữa thế kỷ XIX, nhìn thấy hai trụ cột tạo thành chủ nghĩa tư bản là sự thống trị của tư bản và chế độ tư hữu, Karl Marx đưa ra lý thuyết cộng sản với hai cột trụ là chuyên chính vô sản và xóa bỏ tư hữu. Ông cho rằng phương cách này là con đường duy nhất mà nhân loại phải đi. Nhưng sự thực cho thấy, đó là sai lầm. Sai lầm ở chỗ, trong tri thức hạn chế của thời đại mình, Marx tưởng rằng lịch sử châu Âu là toàn bộ lịch sử nhân loại. Ngoài tư bản và cộng sản, loài người không còn con đường nào khác! Nhưng trên thực tế, cộng sản chỉ là âm bản, là sự lộn ngược của chủ nghĩa tư bản! Có nghĩa dù tư bản, dù cộng sản thì cũng chỉ nằm trong phạm vi của văn minh du mục phương Tây! Trong khi đó phương Đông có con đường của riêng mình mang lại sự phát triển bền vững cho con người.
Bốn trăm năm qua là sự thắng thế của phương Tây với phương Đông nhưng về bản chất là sự thắng thế của văn minh du mục đối với văn hóa nông nghiệp. Chủ nghĩa tư bản đã đưa nhân loại đạt được những tiến bộ kỳ diệu về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Có thể nói, về nhiều mặt, con người đã “ngang với thần thánh.” Tuy nhiên, cái mà ta gọi là “sự phát triển” của chủ nghĩa tư bản đã diễn ra theo tỷ lệ Dương 4 Âm 1, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy. Một mặt, chủ nghĩa tư bản nuông chiều tham vọng chiếm đoạt ngày một lớn của con người, dẫn tới hố cách biệt giầu nghèo ngày thêm rộng, không chỉ giữa các quốc gia mà giữa dân cư trong một nước. Mặt khác, để cung cấp cho sự tiêu thụ vô hạn, chủ nghĩa tư bản khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên Trái đất đồng thời tàn phá môi sinh, đe dọa chính sự sống còn của loài người. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay là bằng chứng rõ rệt về tội ác tàn phá thế giới của chủ nghĩa tư bản và là tiếng chuông báo động khẩn cấp đối với nhân loại. Nhiệt độ quá nóng tất dẫn tới cháy nổ. Sự hủy diệt là không tránh khỏi!
Những điều xảy ra như hiện nay hoàn toàn không bất ngờ. Nhìn thấy trước sự việc tất phải thế này, nhiều thức giả phương Tây đã “hành trình về phương Đông” mong tìm ra phương thức cứu nguy. Nhưng ngoài việc phát hiện những điều huyền bí của Tây Tạng, Ấn Độ, họ chưa tìm được phương thức khả dĩ. Nguyên nhân ở chỗ các thức giả phương Tây chưa hiểu văn hóa phương Đông và giới trí thức phương Đông, vì nhiều lý do cũng chưa hiểu văn hóa của mình! Trong khi đó, một sự thật mà nhiều người nhận ra: sự thất bại về kinh tế là hậu quả của thất bại về văn hóa! Như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế hiện nay phản ánh cuộc khủng hoảng sâu sắc của trí tuệ và lương tri loài người. Khủng hoảng trí tuệ trước tiên biểu hiện ở khủng hoảng triết học. Triết học phương Tây sau thời Khai sáng trở thành “trò chơi trí tuệ” của giới trưởng giả, đã hoàn toàn bất lực trước cuộc sống, chỉ bàn những chuyện kinh viện và vụn vặt, không làm được chức năng dẫn dắt xã hội! Do không được dẫn dắt bởi lương tri và lý trí sáng suốt, những nhà lãnh đạo phương Tây – cũng chính là lãnh đạo thế giới – một mặt tung hàng nghìn tỷ đola để kích cầu, một mặt cải tiến thể chế tài chính. Tuy nhiên, tất cả những việc làm trên chỉ là miếng cao dán cho cơ thể ung thư. Vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại lúc này không phải là cải tiến chủ nghĩa tư bản hay tìm cách tân trang chủ nghĩa Mác mà là hoạch định con đường cứu nguy nhân loại. Có thể nói rằng, bốn thế kỷ qua, nhân loại đã đi lầm đường. Quay trở lại là cực kỳ khó. Nhưng không có cách nào khác trước khi quá muộn! Trong lịch sử 160.000 năm của loài chúng ta Homo sapiens, có lẽ sai lầm đầu tiên và phải trả giá đắt nhất là việc 135.000 năm trước, nhóm người đầu tiên rời châu Phi đã đi về hướng Tây để rồi 90.000 năm trước, hậu duệ đáng thương của họ bị chôn vùi trong băng tuyết xứ Ixraen! 400 năm so với 160.000 năm là một chớp mắt nhưng so với thời gian mà loài người còn tồn tại trên Trái đất càng không nghĩa lý gì! Vì vậy, chẳng còn cách nào khác, con người phải điều chỉnh quỹ đạo sinh tồn của mình. Hầu hết những người sống ngoài châu Phi hiện nay là con cháu những người thực sự khôn ngoan đã đi về phương Đông 85000 năm trước! Phải chăng lúc này chính là thời cơ chúng ta vận hành Trái đất theo minh triết phương Đông, dùng bốn hạt nhân Minh triết làm kim chỉ nam dẫn đường thoát khỏi tình trạng nguy khốn hiện nay?
Mác có nói: “Cuộc sống không bao giờ đặt ra những vấn đề mà nó không giải quyết được.” Trên nhiều phương diện, con người đã nhận thức ra nguyên nhân thảm họa toàn cầu, đó là sự phát triển quá nóng, là sự tiêu xài quá mức so với những gì mà Trái đất chịu đựng được. Đó chính là cảm nhận trực quan trước sự vận hành nguy hiểm của thế giới hiện nay theo chiều Dương cực thịnh, Âm cực suy và cũng thấy cần điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh theo tiêu chí nào? Phải là “Tham thiên lưỡng địa,” là “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh” theo minh triết phương Đông. Thế giới nghiêng lệch là do con người có quá nhiều cái “duy”. Bây giờ phải trở lại cân bằng theo đạo An vi cùng cơ chế bình sản. Bình sản thời cổ là chế độ “tỉnh điền”, sau này chuyển hóa thành chế độ công điền tồn tại tới trước Cách mang tháng Tám. Hiện nay, ở một số nước Bắc Âu, cơ chế bình sản vận hành hữu hiệu: thuế thu nhập thỏa đáng đánh vào người thu nhập cao, lấy ngân quỹ lo an sinh xã hội. Câu nói vui “triệu phú là tỷ phú sau khi đóng thuế thu nhập” phản ánh thực tế này.
Khi tôi đang viết bài này thì tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính các quốc gia Đông Nam Á nhóm họp. Tiêu chí của Hội nghị là: “Phát triển đồng thời bảo vệ tốt môi trường.” Một giấc mơ đẹp! Nhưng thực hiện theo cách nào là thách đố lớn! Không thể có yên lành cho những ai vén tay áo xô đốt nhà táng giấy! Phải đặt lại vấn đề: không phải dốc sức kiếm nhiều tiền mà là làm sao sống an lành, hạnh phúc! Một điều rõ ràng, con đường mà nhân loại phải đi là theo ánh sáng của Minh triết phương Đông./.