1- Nhận lời đề nghị đóng góp như một nhà văn vào kỷ yếu Max Planck nhân 150 năm ngày sinh của nhà khoa học lừng lẫy này[1], câu hỏi đầu tôi tự đặt cho mình là khoa học và văn chương có tương quan nào không, và có thì tương quan đó như thế nào. Trả lời, dĩ nhiên tương quan thì có, vì hai phạm trù đó đều xuất phát từ trí tuệ con người và đều là sản phẩm của văn hóa, tức trải qua một quá trình con người đã sống thành xã hội và cùng kinh qua những lớp trầm tích của dòng lịch sử. Nhưng khó hơn, tương quan đó như thế nào? Tri thức khoa học dựa trên phương pháp nghiêm túc, ‘’nói có sách mách có chứng’’, rõ là đóng góp cụ thể rất nhiều vào đời sống tinh thần và vật chất của cả nhân loại chứ chẳng ‘’bay bổng’’ như văn chương để ‘’mua vui cũng được một vài trống canh’’. Mua vui, nếu hiểu văn chương chỉ là thế, thì tương quan nói trên đâm ra dễ liệt kê. Đầu tiên, từ văn chương giả tưởng, phương Đông có Tây Du ký từ lâu, vòng Kim Cô đặt trên đầu Tôn Hành Giả có phép giứt lông thổi để thành trăm Tôn Hành Giả khác ‘’nguyên bản’’. Phương Tây, trào lưu khoa học giả tưởng đã xuất bản hàng chục ngàn tác phẩm từ thời Jules Verne, cứ nhìn kệ sách những nhà sách lớn để lắc đầu kinh hoảng. Còn cần ‘’ bác học’’ và ‘’ kinh điển’’ hơn, thôi thì kể trào lưu văn chương Hậu Hiện Đại made in U.S.A thập niên 60-70, với nào là hỗn mang (chaos), bất định (indeterminism), hệ động phi tuyến ( non-linear dynamics) phức hợp đến độ cái cánh bướm đập nhẹ ở Bắc Kinh mà gây lên cuồng phong bóc trọc mảng duyên hải vùng Florida[2], và rồi biến thái ngoặt (bifurcation), tính bất liên tục các qui trình động… Tóm lại, chuyện vừa kể là chuyện văn chương ‘’cầm nhầm’’ những khái niệm vật lý và toán học nửa thế kỷ trước, đúng kể ra chỉ ‘’mua vui’’ thôi cũng là phải đạo, dẫu thế có thể gây dị ứng với những nhà văn duy hình thức đến mức bất chấp nội dung! Và nhắc, thật ra cứ đọc từ Cervantes, Goethe, qua Diderot, rồi Proust, Kafka…chúng ta sẽ tìm thấy dấu vết ‘’vật lý’’ cách tiếp cận thời gian và không gian, chẳng phải đợi đến các nhà văn hậu bán thế kỷ XX lập thuyết.
Trong khi cân nhắc chuyện mua vui, không biết thế nào mà tôi hồi tưởng một ông bác già. Ngày tôi còn ở độ thiếu thời, cứ mỗi lần bác tôi đuối lý với đám con cháu, ông lại thì thào bằng tiếng Pháp một câu của Rabelais, rằng ‘’…science sans conscience n’est que ruine de l’âme’’. Chúng tôi quay đi dấu những nụ cười chiến thắng, hiểu ông nhắc ‘’ khoa học vô lương tâm chỉ là sự đổ nát của tâm hồn’’ chỉ có ý trách chúng tôi thiếu ‘’ lễ nghĩa’’ dám lý luận với các bậc trưởng thượng mà thôi. Lớn lên, có thêm dăm ba kiến thức cứ gọi tàm tạm là khoa học, câu nói vẫn ám ảnh tôi. Khoa học tập hợp những kiến thức khách quan, kiểm nghiệm được, không đèo bồng gánh nặng ý thức hệ, chủ nghĩa, tôn giáo… thì …vô lương tâm là gì mà dẫn đến đổ nát của tâm hồn? Lương tâm và tâm hồn chắc không phải là thuộc tính của khoa học. Phải chăng đó chỉ có thể là của người xử dụng khoa học qua hình thái kỹ thuật? Như thế thôi, hẳn những nhà khoa học - tức những người nghiên cứu tìm tòi kiến thức khách quan nói trên - đều vô can? Họ không có khả năng dự tưởng được, hoặc chẳng quan tâm đến, những áp dụng kỹ thuật? Và giả thử họ quan tâm, thì họ làm sao can thiệp được vào sự sử dụng kiến thức mà không gây ra những đổ nát của tâm hồn?
2- Từ rắp tâm mua vui, tôi lẩn thẩn tự đặt cho mình một số câu tôi vừa hỏi, và oan gia ơi hỡi oan gia, chúng đều là những câu hỏi chẳng thể mang lại chút vui nào. Sinh ra, tôi vừa cất tiếng khóc chào đời đã phải tản cư, chạy loạn, rồi diệt Phát xít, phất cờ cách mạng mùa Thu, sau đến đuổi thực dân, đánh đế quốc, và cuối cùng là chống bành trướng. Tức là, xa hay gần, ít hoặc nhiều, tôi chỉ có thể là một thứ phó phẩm của chiến tranh, bắt đầu với hai quả bom nguyên tử fat man và little boy nổ trên đầu những con người sống ở Hiroshima và Nagasaki. Robert Oppenheimer giám đốc Dự án Manhattan[3] trong Chiến tranh Thế giới thứ II, phát triển các loại vũ khí hạt nhân đầu tiên tại phòng thí nghiệm bí mật Los Alamos. Được biết đến như là "cha đẻ của bom hạt nhân", lần đầu khi thử cho nổ ở Alamogordo, Oppenheimer nhắc kinh Bhagavad Gita : ‘’ Vòng sáng một ngàn thái dương nổ bùng trong trời, như ánh rực rỡ của một cái gì thật bé nhỏ. Bây giờ, Ta là sự Chết, là sự vỡ vụn của cả thế giới.’’. Trước khi thả bom ở Hiroshima và Nagasaki, Oppenheimer nhiều lần đến gặp Truman, tổng thống Mỹ, và tỏ ra do dự đến độ Truman phải bảo tùy viên : ‘’ Lần sau thôi không cho hắn gặp, hắn cứ cuống quít bàn ra nói vào. Bảo với hắn là hắn làm bom, nhưng người quyết định thả bom là ta!’’. Oppenheimer ân hận khi thấy sức giết người khủng khiếp của hai quả bom, sau chống cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Còn Albert Einstein, ông than rằng sợ Đức Quốc Xã có thể làm ra bom nguyên tử trước phe Đồng Minh nên đã mắc sai phạm ký tên vào thư gửi Roosevelt, tổng thống tiền nhiệm vào cuối những năm 30, ủng hộ việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Sau, một nhà báo hỏi : ‘’ông đoán khi nào thì sẽ có Thế chiến lần thứ 3?’’, Einstein đáp, với tính hài hước rất đen nhưng cực kỳ trí tuệ : ‘’ tôi không rõ, nhưng điều tôi biết là sẽ không bao giờ có Thế chiến lần thứ 4!’’. Ngày 9 tháng 7 năm 1955, Einstein và Bertrand Russell ra một tuyên ngôn[4] tập hợp chữ ký 12 người trong đó có 11 nhà khoa học đã từng được vinh thưởng giải Nobel. Gửi đến Hạ Viện Quốc Hội Mỹ, bản tuyên ngôn[5] kết thúc bằng một quyết nghị tạm dịch như sau:
‘’ Đa phần chúng ta cảm nhận đều không đứng trung lập, nhưng, như những con người, chúng ta phải nhớ rằng nếu tranh chấp giữa bên Đông (ý nói khối Sô viết) và bên Tây (ý nói khối Tây phương) không thể giải quyết một cách nào đó mang lại thỏa nguyện cho tất cả, Cộng Sản hay không-Cộng Sản, người châu Á, châu Âu hay châu Mỹ, thì sự tranh chấp đó không được giải quyết bằng chiến tranh. Chúng tôi mong muốn điều này được thông báo, ở cả Đông lẫn Tây. Trước mặt chúng ta, nếu chúng ta chọn đúng, là tiến trình tới hạnh phúc, tri thức và sự minh triết. Lẽ nào, thay vì thế, bởi không thể quên được những tranh chấp, chúng ta lại chọn sự chết? Chúng tôi, như những con người kêu gọi con người : Hãy nhớ lấy nhân loại, và quên những điều khác còn lại. Nếu làm được vậy, con đường mở ra đến Thiên Đàng; nếu không, trước mặt chúng ta là đại họa của cái Chết toàn diện
Quyết nghị
Chúng tôi khẩn cầu Hạ Viện, và qua đó những nhà khoa học trên toàn thế giới cũng như toàn thể công chúng, tán thành quyết nghị sau : Tin rằng chiến tranh thế giới trong tương lai tất vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ được sử dụng, và vì loại vũ khí này đe dọa sự tồn tại của cả loài người, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu mọi chính quyền trên thế giới ý thức và công bố trước dư luận rằng những khí giới này sẽ không được sử dụng trong chiến tranh, và sẽ tìm những phương cách hoà bình để giải quyết mọi tranh chấp khác biệt.’’
Tuyên ngôn vừa trích dẫn chứng tỏ những nhà khoa học không thể coi mình vô can trong những áp dụng kỹ thuật mà cơ sở là tri thức khoa học. Họ đều có khả năng dự tưởng những áp dụng đó, ít là trong khả năng làm bom H, và họ đã can dự vào tiến trình lịch sử đưa đến kết thúc Thế chiến 2. Sự đổ nát tâm hồn, chắc có, và có lẽ nó là một động lực tạo ra tuyên ngôn Einstein-Russell. Nhưng phải nói, điều họ làm được chỉ là cảnh báo dư luận công chúng. Thế thôi. Còn lại, mọi quyết định cụ thể đều do những nhà chính trị khu xử thông qua những cơ chế quyền lực. Nhớ lại câu nói xanh rờn của Truman, ‘’ người quyết định thả bom là ta!’’. Nhưng thói thường là vậy. Nhà chính trị nào mà chẳng khéo léo lấy phiếu giữ quyền lực mạ bằng đủ thứ ngôn từ tẩm đường như nào là dân chủ, nào là tự do. Nhưng họ ít khi nhậy cảm với thân phận những con người bằng xương bằng thịt, nhất là những con người nạn nhân tít tắp cách họ cả một đại dương.
3- Nói đến Thế chiến, có lẽ trong Kỷ Yếu này ta nên nhắc đến một vai trò khá đặc biệt của Max Planck. Khi Đức quốc xã lên nắm quyền năm 1933, Planck đã 74 tuổi, quản nhiệm viện Kaiser Wilhelm-Gesellscharft (KWG) là tiền thân của Max Planck Society sau này. Chứng nhân những kỳ thị chủng tộc đi đến bãi nhiệm những đồng nghiệp gốc Do Thái, Planck kêu gọi mọi người kiên trì tiếp tục làm việc, ở lại nước Đức chứ đừng bỏ đi, hy vọng tình thế chính trị sẽ tốt đẹp sáng sủa hơn. Planck bất đồng ý, nhưng không công khai chính thức chống cách thức cư xử kỳ thị của Nazi, ngoại trừ một trường hợp đơn lẻ là nhà Hoá học F. Haber mà Planck đề đạt thẳng với Hitler nhưng không kết quả. Planck tổ chức một buổi lễ vinh danh Haber khi ông này chết ở ngoại quốc trên đường lưu vong năm 1934, bí mật thu dụng những đồng nghiệp gốc Do Thái tiếp tục công việc ở KWG, và năm 1936 bị áp lực không cho ứng cử chức chủ tịch KWG nhiệm kỳ sau. Chính quyền Đức quốc xã điều tra gốc gác Planck, và chỉ tìm ra ông là người có 1/16 máu Do Thái. Năm 1938, Viện Hàn Lâm Phổ bị khống chế, Planck phản đối bằng cách từ chức danh vị chủ tịch. Planck tiếp tục cho xê-mi-ne, đặc biệt về tương quan giữa Khoa Học và Tôn Giáo. Lạc quan, và khá ‘’quốc gia chủ nghĩa’’, Planck sống chết với đất nước, viết : ‘’Trong tôi, một ước muốn sôi bỏng là kiên trì trải nghiệm cuộc khủng hoảng này và sống đủ thọ để có thể thấy một bước ngoặt, bước đầu của một tiến trình thăng tiến mới’’[6] .
Planck bị thế quyền o ép ne nẹt, nhưng chưa bao giờ tính mạng bị đe dọa. Và không bị thần quyền ở Roma chất củi thiêu sống như Giordano Bruno 608 năm trước, trước khi lửa bén vào thân vẫn ngang tàng nói : ‘’ khi tuyên án giết ta bay chắc sợ hơn là ta nghe bản án các ngươi!’’. Bruno sinh năm 1548, tu dòng Đa Minh, thành linh mục nhưng sau đó bị rút phép thông công ba lần với ba Nhà Thờ khác dòng (Calvinist, Lutherian, Catholic), tù 8 năm trước khi bị hành hình, thời dị giáo mang ‘’tội’’ cho rằng thế giới là thế giới vật chất trong một vũ trụ vô tận, chấp nhận hệ lý Copernic, đi ngược lại luận thuyết của thần quyền thời Trung Cổ khẳng định trái đất là trung tâm vũ trụ. Bruno lang thang đó đây suốt đời, từ Ý sang Pháp, Anh…rồi cuối cùng quay lại và bị bắt ở Ý. Trong một chừng mực nào đó, Bruno, đầy cá tính của một người dám chết để bảo vệ tư duy độc lập và tự do, mở đường cho Galileo Galilei [7], trẻ hơn 20 tuổi, kẻ đặt nền móng thực nghiệm cho khoa Vật lý Thiên văn. Không bị thiêu sống nhưng chẳng thiếu phần vất vả, Galilei [8] sinh ở Pise năm 1564, học và sau dạy tại Đại Học Padoue (1592-1610) những môn như Cơ học, Toán, Thiên văn. Là một nhà phát minh xuất chúng ( thước tính, com-pa, nhiệt kế…), cái nghiệp của ông dính vớí kính Viễn vọng ông sáng chế ra, phóng đại được 20 lần, cho phép quan sát mặt trăng. Ít lâu sau, ông khám phá ra Giải Ngân Hà, tìm thấy 3 ngôi sao quanh Jupiter, rồi sau thành 4, cho phép suy rằng hệ Jupiter với vệ tinh bay quanh có thể là mô hình cho Thái Dương hệ, đi ngược lại luận thuyết của Aristotle, cho rằng những tinh tú xoay quanh trái đất. Dựa trên quan sát mắt thấy được, thần quyền xưa nay rêu rao nhờ ơn Thiên Chúa ‘’ biết hết, hiểu hết ’’ thật khó phản biện. Năm 1613, Gallilei khẳng định là trong phạm trù Vật lý, Thánh Thư ( Ecritures Saintes) không có thẩm quyền phán đoán đúng sai, Chế độ kiểm duyệt bắt đầu, Tòa dị giáo năm 1616 cáo buộc lý thuyết Copernic là tà giáo, nếu giảng dậy thì chỉ được nêu lên như một giả thiết. Galilei tiếp tục bị những người tin vào thuyết trái đất là tâm điểm của Aristotle tấn công, nhưng cho đến năm 1632, khi ông xuất bản cuốn ‘’ Đối thoại trên hai hệ thống thế giới’’ thì lại tạo xì-căng-đan. Giáo tòa kết ông tội tuyên truyền cho hệ Copernic, án tù chung thân nhưng may Giáo Hoàng Urbain VIII giảm xuống chỉ bắt quản thúc tại gia, nhưng tác phẩm thì bị cấm lưu hành. Galilei sau mù, từ trần năm 1642, thọ 78 tuổi. Cuốn sách bị cấm sau ảnh hưởng đến phương pháp luận khoa học một cách quan trọng. Có thể nói Galilei là người đặt nền móng cho công cuộc khai sáng vào thế kỷ 18, chẳng những chỉ trên phương pháp khoa học mà còn cả trên Triết học, vớí tư duy duy lý của Descartes, phương pháp thực nghiệm của Bacon … Giáo Hoàng Benoit XIV cho phép in toàn bộ tác phẩm của Galilei năm 1741. Và thuyết nhật tâm - trái đất quay quanh mặt trời - theo Copernic được chính thức phổ biến năm 1757.
Thần quyền ở Âu Châu trung cổ, và thế quyền với cung cách toàn trị ở mọi nơi cho đến sau này, đều tìm cách chi phối tư duy tự do, nhất là bất cứ gì có thể phương hại đến những quan điểm chính thống luôn được mang ra qui chiếu. Từ Bruno qua Galilei đến Descartes với khẳng định ‘’ Tư duy, tức là tôi tồn tại’’ ( Cogito, ergo sum), không điều gì được xem là chân lý cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập. Để tư duy tự do, những nhà tư tưởng kiệt xuất vừa kể đều phải trả giá, người trên giàn thiêu, người trong tù ngục, nhưng không có họ, chắc chắn nền khoa học chúng ta đang thụ hưởng thành quả hẳn chậm lại vài chục cho đến cả trăm năm. Đối đầu với quyền lực thường lạm danh chúng ta, cả Bruno lẫn Galilei giữ quyền tư duy bởi họ tin vào cái tôi chẳng chỉ của họ mà của toàn nhân loại. Và chỉ sự thật có cơ sở lý thuyết cũng như thực nghiệm mới thực sự kết hợp những cái tôi thành chúng tôi trong đồng thuận, không phải là cái chúng ta ồn ào hung hăng. Thời Planck, cái ồn ào hung hăng đó tung hô tính thuần chủng aryan, cơ sở để Nazi gây thế chiến và tìm cách diệt chủng Do Thái. Ở vị thế của mình, Planck không chấp nhận có một nền khoa học dựa vào thuộc tính chủng tộc bất kể là aryan hay gì khác, từ chức Chủ Tịch Viện Hàn Lâm để phản đối sự can thiệp thô bạo có tính giáo điều của thế quyền vào hoạt động tri thức vốn cần độc lập và tự do. May mà ông đã luống tuổi, và chỉ có 1/16 máu Do Thái. Nếu không, chẳng biết chừng ông đã được an bài trong lò thiêu ở Auschwitz bên BaLan! Giữ quyền tư duy và tôn trọng sự thật, trước tiên đối với bản thân và sau là xã hội, chắc hẳn là một thuộc tính đạo lý (ethical attribute) của những nhà khoa học.
4- Sự thật khoa học không phải không gây tranh cãi. Trong văn hóa Đông Á, ta có câu ‘’ cách vật trí tri’’. Ngoại giới vật thể (xin tạm gọi vật giới, là tự nhiên, hay thiên nhiên, tùy ngữ cảnh) là khách thể, và nhà khoa học, chủ thể, quan sát nó hầu tìm ra bản thể và những qui luật vận hành. Tương quan chủ thể và vật giới là nội hàm một cuộc đối thoại [9] kỳ thú giữa hai nhân vật lẫy lừng cùng đoạt vinh dự Nobel trong hai lãnh vực, một bên là Tagore (T) người văn hóa Nam Á, bên kia Einstein (E), thành phẩm ưu việt của văn hóa Tây phương. Einstein cho rằng tri thức khoa học không tùy thuộc vào người quan sát, phản bác luận điểm mũi tên thời gian là không đảo ngược được, không chấp nhận nguyên tắc bất định (vì Thượng Đế không chơi xúc xắc). Tagore khác. Xin lược dịch (tức khá thô thiển) một số trao đổi giữa họ với nhau:
T :…Khoa học quan tâm đến những gì không liên quan với những cá nhân, làm nên thế giới vô nhân tính của Sự Thật. Tôn Giáo hiển lộng những Sự Thật đó và kết buộc chúng vào những nhu cầu sâu thẳm của chúng ta. Ý thức về Sự Thật từ đó mang ý nghĩa phổ quát. Tôn Giáo đặt Giá Trị vào Sự Thật, và chúng ta biết Sự Thật là cái Thiện qua sự hòa đồng của chúng ta với nó.
E : Như vậy Sự Thật, hay Cái Đẹp, không độc lập với con người?
( …) Nếu không có con người, tháp Apollo không còn đẹp nữa ?
T : Không!
E : Với cái Đẹp, tôi đồng ý, nhưng không đối với Sự Thật.
T : Tại sao không? Sự Thật cũng thông qua con người.
E : Tôi không thể chứng minh quan niệm của tôi, nhưng đó là ‘’tôn giáo’’ cho tôi.
T : Cái Đẹp là lý tưởng của sự Hoà Đồng toàn hảo trong bản thể vũ trụ vạn năng, Sự Thật là tri thức toàn hảo của Trí Tuệ trong vũ trụ đó (…). Sự Thật, là Một với bản thể Vũ Trụ, phải mang nhân tính. Sự Thật được trình bày như Khoa Học qua quá trình lôgích - tức qua một bộ phận trí năng - tức cũng từ con người. Trong Triết học Ấn, Brahman là Sự Thật Tuyệt Đối, không thể quan niệm được với những trí tuệ cá nhân cá biệt qua ngôn từ mà chỉ có khà năng hiển hình qua sự đồng hòa cá nhân vào cái vô cùng. Sự Thật đó không thuộc Khoa Học. Bản thể cái Sự Thật chúng ta đang tranh luận chỉ là Sự Thật bề ngoài, cái có vẻ thật đối với trí tuệ con người, tức mang nhân tính, và cũng có thể chỉ là maya, hay ảo tưởng. (…)
Hiển nhiên, khác biệt vừa nêu ra giửa hai bộ óc kỳ vĩ của nhân loại là những khác biệt văn hoá trong phạm trù tâm linh của con người đối mặt với vật giới.
Tôi không còn nhớ xuất xứ, nhưng tin chắc có một mẩu đối thoại, đại ý khi trả lời câu hỏi về khác biệt căn bản giữa Đông và Tây phương, Einstein nói : ‘’Tây phương chúng tôi chinh phục thiên nhiên’’ thì Tagore thốt ‘’ Quả thật là một ý nghĩ quá kỳ quái!’’. Ba mươi năm sau tôi mới nghĩ ra, Einstein cứ làm như con người - bạn, tôi, và chúng ta - không phải là một bộ phận của thiên nhiên, ở ngoài, và là kẻ đi chinh phục. Mặc dầu, nói như Planck, trong cuộc chinh phục bằng trí tuệ này, thiên nhiên luôn là điều bí ẩn, bởi con người, cũng là thành tố của thiên nhiên, chính là điều bí ẩn nhất. Nhưng cách nhìn đi chinh phục dẫn đến hành vi chinh phục, và nền Khoa học Âu-Mỹ, kế thừa Babylonne, rồi Khoa học Hy Lạp, Khoa học Ả Rập đã, qua Kỹ Thuật, mang khoa học vào đời sống với những tiến bộ ‘’ vật thể’’ không thể phủ nhận được. Nhân loại chúng ta đã ‘’nối dài’’ được bước chân, nay lên sao Hỏa, đi máy bay, ô tô, nước nghèo thì Honda, xe đạp. Nhân loại chúng ta ở những nước tân tiến đã nâng tuổi thọ 30% hơn tuổi thọ cách đây chỉ vài chục năm, qua mạng internet liên lạc với nhau chỉ dăm phút dẫu cách một đại dương, còn hơn chuyện Phong Thần miền Đông Á…Trong khi đó, cách nhìn của văn hóa Nam Á - con người hoà đồng với thiên nhiên trong vũ trụ vạn năng – thì ai nấy vẫn đọc kinh cầu Brahman và tẩy rửa trên sông Hằng hàng năm, dập dềnh với những vòng hoa lềnh bềnh trên sóng nước, tuổi thọ tương đương với người Âu châu hai trăm năm trước, và xã hội thì vẫn 5,7 đẳng cấp với lớp untouchtable là những kẻ không ai ‘’thèm dây vào’’. Xin nói ngay, viết như trên không phải tôi báng bổ Nam Á và thừa nhận Âu-Mỹ đâu, chỉ có ý nêu rõ là từ ý đồ chinh phục, qua sử dụng uốn nắn vật giới, khoa học thành kỹ thuật, và kỹ thuật giúp con người vượt thắng những trở ngại và giới hạn vật chất.
Quả Âu-Mỹ đã thực hiện trong thế kỷ vừa qua những tiến bộ kỹ thuật thần kỳ. Nó nhanh hơn rất nhiều mức tiến hóa của văn hóa nói rộng, nghĩa là gộp cả những khoa học nhân văn như xã hội-kinh tế, chính trị, tâm lý, mỹ học… con người có nhu cầu tìm và hiểu. Chính vì thế, tiến bộ trong khả năng khai thác vật giới tạo ra một thế mất cân bình với phần tâm linh hiện tồn trong thế giới con người, và phải chăng điều mà Rabelais gọi là sự đổ nát của tâm hồn là một trong những hệ quả của lương tri. Trong ‘’Human Use of Human Being’’( 1950)[10], cha đẻ của Cybernetics là Norbert Wiener luận về tiến bộ kỹ thuật, cho rằng mỗi tiến bộ đều tự tạo ra những giới hạn và vấn đề kỹ thuật mới, và cứ thế trong một vòng xoay không ngừng. Chẳng hạn, có thang máy mới làm World Trade Center cao hàng trăm tầng, đi chân lên xuống không nổi, và khi, với một xác suất nào đó, ‘’mất’’ điện thì phải xoay xở thế nào, với phương tiện gì… Nhưng còn cái xác suất ‘’khủng bố’’ Al Qaïda cách đây dăm năm đến từ sa mạc Trung Đông thì sao?. Đây không là một vấn đề kỹ thuật, mà là một vấn đề chính trị-xã hội giữa những con người với nhau, dẫu từ châu lục địa này sang châu lục địa khác. Vì thế, đánh giá tiến bộ kỹ thuật, khó có thể bỏ qua những yếu tố không chỉ kỹ thuật mà còn bao gồm cả những thuộc tính nhân văn. Khi thế giới ‘’toàn cầu hóa’’ thành một cái làng, không chỉ hàng hóa luân lưu mà còn những giá trị phi vật thể. Một khi những ý niệm của con người về công chính bị trù dập, bạo lực - cách hành xử tuyệt vọng của nạn nhân - thành rào cản tiến bộ. Phần bản năng hủy diệt (theo Freud [11]) lên ngôi, nhân loại lại thêm một lần dấn mình vào những ngõ cụt.
5- Khoa học-kỹ thuật (có thể dùng để dịch chữ technoscience hiện nay thành thông dụng) không thể tách khỏi toàn thể môi trường xã hội -chính trị- kinh tế. Nó là một sản phẩm văn hóa và lịch sử. Tiến bộ ở thì hiện tại được xây dựng từ những thành tựu tri thức quá khứ, đến từ mọi nguồn, và vì thế nó mang thuộc tính nhân loại. Sử dụng nó, tương lai sẽ được xác định, nhưng chính những tiến bộ đó cũng tạo ra những vấn đề nan giải, lắm khi là những vấn nạn khổng lồ. Vấn nạn tôi xin đề cập tới là môi sinh trong thiên niên kỷ 21 này. Vào 1972, Câu lạc bộ Roma đã cho công bố một tường trình được họ bảo trợ. Dựa trên phương pháp mô phỏng do một nhóm khoa học gia ở MIT tiến hành, tường trình này gióng tiếng chuông cảnh báo[12] về sự sử dụng đại trà quá mức tài nguyên thiên nhiên và độ tăng trưởng dân số đáng kể trên thế giới sẽ không cho phép kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển ở mức độ trung bình kể từ đầu thế kỷ. Lượng sử dụng những tài nguyên không tái sinh (quặng mỏ, dầu lửa) trong 50 năm đầu kỷ 20 gấp gần năm trăm lần tổng số sử dụng trên toàn trái đất từ xưa đến nay. Nhiều tài nguyên khả sinh như tài nguyên rừng, biển …có nguy cơ tận diệt một cách không đảo ngược được, ô nhiễm không khí và nước vào mức báo động, đất đai nhiễm độc vì phân hóa chất khiến sản xuất nông nghiệp có nguy cơ suy thoái nặng nề, vv…Sau những cảnh báo đó, khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất với giá dầu thô đột tăng mười, rồi 2,3 mươi lần, khiến vấn đề sử dụng tài nguyên được mang ra mổ xẻ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hẳn phải tối ưu, nhưng với tiêu chí nào?
Đầu thế kỷ 18, D. Hume(1711-1776) đề ra nguyên tắc duy nhân (principle of humanity) như cơ sở của đạo lý xã hội. I. Kant( 1724-1804) đưa ra luận đề[13] ‘’ Hãy hành sử, ở vị thế của mình cũng như ở vị trí người khác, với nhân loại như một cứu cánh và không bao giờ chỉ như một phương tiện’’. Ít lâu sau, J. Bentham (1748-1832) cho rằng hành vi và tác động nào mang lại lượng phúc lợi cho tổng số cá nhân tạo ra xã hội là có đạo lý. J.S Mill (1806-1873) đi một bước xa hơn, đòi hỏi tiêu chí vi (duy) lợi ( utilitarism) phải áp dụng cho mỗi một cá nhân, không chỉ quan tâm đến lượng mà đề cao phẩm chất, và cho rằng sự hòa đồng (harmony) trong xã hội cũng là một điều kiện, và là một tiêu chí cho đạo lý. Mô hình vĩ mô kinh tế về tăng trưởng đã sử dụng những tiêu chí này cho đến những năm đầu 70, không chú ý đến những ngoại tác (externality), thí dụ như chẳng thể xác định ai tư hữu không khí, nguồn nước, những mỏ dầu xuyên qua hoặc nằm trên ranh giới những quốc gia, những bầy cá voi trên đại dương….Và ‘’cha chung không ai khóc’’, mạnh ai nấy cứ thế mà tranh tiên đoạt lợi, đưa đến sử dụng quá lố tài nguyên thiên nhiên. Dĩ nhiên tạo ra kỹ thuật tân tiến với hiệu năng lớn, nhưng khoa học-kỹ thuật tự thân vô tội. Vấn đề là ai sử dụng nó. Ai? Họ là - tôi chỉ lập lại một điều hiển nhiên - những tập đoàn tư bản trong những quốc gia tiên tiến, tập hợp được tài lực, vật lực và trí lực để sản xuất với mục đích kiếm lợi nhuận càng nhiều càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh những xã hội ‘’tiêu thụ’’, hàng hóa phải luân lưu, làm là tính ngay đến tiết độ phế thải chứ không cứ làm cho bền, cho có khả năng tái tạo (recycle), và mang rác tiêu thụ đổ vào ‘’thế giới thứ ba’’ nghèo nên chấp nhận chứa rác với giá rẻ. Ô nhiễm cũng vậy. L. Summer, khi còn phụ trách Ngân Hàng Thế Giới, lỡ mồm gây xìcăngđan khi tuyên bố cứ chuyển những kỹ nghệ gây ô nhiễm sang châu Phi, nơi không khí trong lành còn nhiều chứ không ‘’quí hiếm’’ như ở những nước phát triển cao, phải từ chức. Khả năng phát triển với mực độ 4, 5% của những nước tiên tiến không thể duy trì mãi được. Vậy phải làm sao đây khi môi trường suy thoái đến độ đe dọa sự sống còn của nhân loại, nhất là của những thế hệ trong tương lai? Tầng ô-jiôn bị thủng. Hiệu ứng ‘’ nhà kính’’ do lượng thải CO2 quá lớn tạo ra thay đổi khí hậu mà tác động sẽ vô cùng tai hại, khó đảo ngược[14]. Năm 1988, UNEP và WMO thiết lập IPCC [15] tập hợp hàng trăm khoa học gia điều nghiên hậu quả sự cố thay đổi khí hậu, dẫn đến thành lập UNFCCC, ký kết qui ước Rio de Janeiro (1992) và sau là công ước Kyoto (1997)[16].
Vào đầu thập niên 90, biết không thể tiếp tục tăng trưỏng kinh tế về lượng, người ta đề cập đến phát triển bền vững. Một định nghĩa có nhiều đồng thuận, bền vững là phát triển thế nào mà không phương hại đến khả năng phát triển của những thế hệ tương lai. Tuyên bố Johanesburg năm 2002 về phát triển bền vững qua một hội nghị thượng đỉnh[17] khẳng định điều 3, xin (lược) dịch ý, ‘’…lớp Trẻ trên thế giới nói rõ rẳng tương lai thuộc họ, và yêu cầu tất cả chúng ta bảo đảm qua hành động rằng họ sẽ không phải thừa kế một thế giới mất nhân phẩm do nghèo đói, do môi sinh hủy hoại với phương cách phát triển không bền vững’’. Không chỉ chống lại những hủy diệt con người đương thời với bom hạt nhân như tuyên ngôn Einstein-Russell đề ra, những nhà khoa học đương đại vận động công luận thế giới, cùng với những tổ chức dân sự gây áp lực lên những chính quyền dẫn đến hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg. Làm như vậy, những nhà khoa học-kỹ thuật biểu lộ hành vi chống lại sự huỷ diệt môi sinh chắc chắn rồi sẽ dẫn đến sự hủy diệt của những thế hệ tương lai. Đó là những lớp người chưa sinh ra, nhưng cũng có quyền sống, cái quyền tối thượng của con người, quyền phải được ghi nhận và tôn trọng ngay bây giờ. Đi ngược đường với những thế lực khổng lồ trục lợi trước mắt như đám tài phiệt dầu lửa, đám chủ nhân ông kỹ nghệ xe hơi…là một hành vi có đạo lý. Và chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, nước Mỹ trách nhiệm đến 60% lượng khí thải gây thay đổi khí hậu từ chối không ký kết công ước Kyoto, mặc dầu công luận đã cáo buộc thái độ vị kỷ này một cách gay gắt.
6- Chẳng những chống hủy diệt ở thì hiện tại và tương lai, tuyên bố Johannesburg đã lên tiếng đòi hỏi thế giới này phải là một thế giới trong đó nhân phẩm phải được tôn trọng. Đây là một khía cạnh đạo lý. Và đạo lý trong phạm trù khoa học-kỹ thuật (ĐLKH-KT) ngày nay thành một bức xúc quan trọng. Mỗi quốc gia đều có những hội đồng thẩm định vấn đề này. Unesco thành lập Chương trình ĐLKH-KT năm 1988, rồi một Ủy Ban toàn cầu (COMEST) về mặt này ra đời năm 2002 [18], đánh dấu sự quan tâm hàng đầu nhằm xác định những ‘’luật chơi’’ trong KH-KT. Dịch từ chữ human dignity, nhân phẩm hẳn rộng hơn là chỉ chuyện sống với đói nghèo, với môi sinh tàn hủy vì phát triển kinh tế ‘’hoang dã’’ qua cuộc chạy đua truy tìm lợi nhuận ngắn hạn bất kể tác động lên tương lai. Năm mươi năm qua, những thành tựu và tiến bộ trong sinh học và y học khiến hai chữ nhân phẩm trở thành một khái niệm khá khúc mắc. Tôi xin đặc biệt quan tâm đến khoa học-kỹ thuật trong ngành human genetic engineering [19] mà đối tượng là nghiên cứu những thao tác trên gen (DNA), yếu tố di truyền cơ bản mang trong nó những thông tin quan trọng liên hệ đến quá trình cũng như khả năng tiến hóa sinh học của mỗi con người. Thao tác trên gen (genetic manipulation) đã chứng minh hiệu quả trong nông nghiệp và kỹ nghệ thực phẩm với những GMO (genetically modified organism). Kiến thức vể hệ genome và khả năng tái cấu ADN (recombination) cho phép đưa vào cơ sinh những gen mới để tạo ra những đặc thù (trait), chẳng hạn như khả năng chống sâu rầy của cây nông nghiệp, khả năng sinh sản (bò đẻ cứ 3 tháng 1 lần, gà cho 10-15 quả trứng mỗi 2 ngày,vv…). Mặt tích cực : viễn tượng giải quyết vấn đề thực phẩm trong một thế giới với dân số ngày càng lớn. Mặt tiêu cực : sản phẩm ‘’ thiên nhiên’’ đã trải qua 1 quá trình lựa-thải rất lâu, và tác động của chúng trên con người đã rõ, trong khi những sản phẩm GMO có thể tạo ra những rủi ro mà hậu quả không thể lường được. Trong một số tiểu bang Mỹ, ở Canada, và ở Úc, sản phẩm GMO gây tranh cãi, có nơi bị cấm hẳn.
Thao tác gen trên con người thì sao? Mặt tích cực: có thể dùng kỹ thuật này để chẩn bệnh và trị liệu trong y học, khai mở những tiềm năng chữa và ngừa bệnh từ ngay trong cấu trúc cơ bản nhất của con người. Mặt có khả năng tiêu cực hiện đang gây những cuộc tranh luận gay gắt trên khá nhiều điểm, nhưng tôi xin khoanh vùng trong hai vấn đề. Thứ nhất, chất liệu thao tác gen từ đâu ra? Đó là những tế bào gốc, và sau kinh nghiệm tái cấu con cừu Dolly[20], người ta biết những tế bào lấy từ trạng bào thai sẽ hữu hiệu hơn. Lấy tế bào, là xâm phạm vào đời sống ở dạng tế bào. Con người có cái quyền ấy không ? Được coi là đời sống bắt đầu từ dạng nào? Trong chuyện phá thai, có dư luận coi đó là hủy diệt đời sống, có nơi coi như chấp nhận được khi thai nhi được 3 tháng, có nơi nới ra đến 4, 5 tháng. Nếu phục vụ con người qua y học, vấn đề thứ nhất này không khó giải quyết : người ta có thể tìm gen ‘’lành’’ của bệnh nhân để chữa trị chính người đó, và như thế không xâm phạm đến những đời sống khác. Nhưng đâu có phải chỉ có chuyện phục vụ kia. Vấn đề thứ nhì, quan trọng hơn, là từ thao tác gen đến khả năng (hiện chỉ mới có tính ‘’lý thuyết’’) tái cấu (cloning) những sinh vật, kể cả con người, thì hệ quả phải tính đến sẽ ra sao? Kỹ thuật chuyển ghép gen (transgenic) là bàn đạp có thể đưa đến khả năng tạo ra những con người thông minh hơn hoặc cơ bắp hơn, hồn nhiên hơn, dễ sai dễ bảo hơn,vv…Những kẻ theo thuyết ưu sinh (eugenics) cho rằng trên trái đất ‘’của khó người khôn’’ mà lại ngày càng đông này, không cần chờ tiến hóa tự nhiên mà con người, qua thành tựu kiểm soát uốn nắn gen, có thể chủ động tạo ra những tiến hóa như mình mong muốn[21]. Trong tác phẩm ‘’ Thế giới tuyệt hảo’’ (1932) [22], Aldous Huxley cống hiến một tiểu thuyết dã tưởng với những dự phóng có tính tiên tri hiện thực. Ông miêu tả thế gìới trong đó con người thụ thai trong ống nghiệm, trẻ thì học qua cách thôi miên trong mơ, khi trưởng thành sẽ được xếp vào năm đẳng cấp : Alpha, lớp đặc tuyển sẽ lãnh đạo, to, khỏe, đẹp và thông minh; Bêta, lớp lao động trí tuệ đảm trách những việc quan trọng; Gamma là lớp lao động bình dân; Delta và Epsilon là thành phần lao động cấp thấp, chuyên làm những việc cực nhọc, được chế tạo với lập trình khiến chúng xấu xí, ngu độn, dễ sai bảo…Ngoài ra, còn đám thổ dân hoang dại (là con người đương đại sống sót sau ‘’cuộc chiến 9 năm’’), sống bên lề trong những trại tập trung. Trong thế giới tuyệt hảo, gia đình, tình yêu, hôn nhân là những cấm kỵ, đàn ông đàn bà chỉ có quan hệ sinh dục với nhau trong những thời hạn ngắn (vài tuần), được chế tạo như những người tiêu thụ trong xã hội. Cô đơn là một thái độ cá nhân đáng ngờ, và yếu tố kết hợp xã hội là soma, ma túy được phát hàng ngày sau giờ lao động, uống vào con người sẽ chìm đắm trong một giấc mơ địa đàng, vì thế không ai bất hạnh, không ai đòi hỏi gì. Thế giới tuyệt hảo là mẫu mực lý tưởng một xã hội toàn trị mang bộ mặt dân chủ, một thứ ngục tù mà kẻ bị giam giữ không hề có ý định đào tẩu, một chế độ nô lệ mà kẻ nô lệ hạnh phúc vì nhu cầu tiêu thụ được đáp ứng và tưởng mình sống trong địa đàng. A. Huxley miêu tả xã hội này qua một đối thoại giữa Nhà Tổng Quản Chế với một Người Bất Đồng Chính Kiến (lược dịch) :
- Lớp ưu việt đặc tuyển chỉ là lớp trên tảng băng. Tám phần chín nằm ở dướí (…)
- Nhưng những người này làm sao hạnh phúc được? Lao động cực nhọc như khổ sai…
- Họ không thấy vậy. Ngược lại, họ thích thế. Một đời sống dưới băng nhẹ tênh, giản dị như con trẻ…Không cố gắng quá sức,7 giờ rưỡi lao động, sau là có soma, thể thao, rồi làm tình không ai kiểm soát hạn chế…Họ đòi hỏi gì hơn được.
- (…)
- Sách Shakepeare bị cấm bởi cổ lỗ. Ở đây, chúng ta không chấp nhận chuyện đời xưa. Chúng ta chỉ thích những gì mới mẻ…
- Chuyện xưa nhưng vẫn hay đẹp thì sao?
- Hay đẹp thì càng cấm, chúng ta không để ai xao lãng với những cái mới.
- Cái mới đôi khi rất xuẩn ngốc, chẳng hạn như phim máy bay trực thăng quần thảo hàng đàn, hay người ta hôn nhau…như những con khỉ!
- Khỉ là một loài vật dễ thương…
- (…)
- Thế giới ngày nay đã ổn định. Con người hạnh phúc, có những điều họ muốn, và không bao giờ muốn những điều họ không thể có…Họ được điều kiện hóa đến mức họ cứ thế mà hành xử, và nếu trục trặc gì thì đã có soma…Chẳng phải chỉ Nghệ Thuật là không tương thích với Ổn Định, mà còn cả Khoa Học nữa. Sự Thật luôn luôn là một đe dọa, Khoa Học, một nguy cơ công cộng…Chúng ta phải xiềng xích và khóa họng nó (…) Khoa Học đã cho nhân loại một cân bằng ổn định nhất trong lịch sử. Chúng ta không thể để chính Khoa Học phá hủy triệt tiêu thành tựu của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cảnh giác hạn chế khoanh vùng những lãnh vực nghiên cứu. Chúng ta chỉ cho phép nghiên cứu những vấn đề bức bách trước mặt…Phần còn lại, phải ngăn chặn!
Về khả năng tái cấu một sinh vật, kể cả con người, kỹ thuật nano (nghe nói) cho phép làm những bước tiến cực kỳ quan trọng. Viễn tượng người thay Thượng Đế vạn năng ‘’sáng tạo’’ ra chính con người không phải là ảo tưởng. Như thế, các vị Tổng Quản của thế giới tuyệt hảo có thể từ một tế bào M. Planck tái cấu ra M. Planck toàn thể. M. Planck ở đẳng cấp Alpha sẽ bất tử, đời đời được tái cấu, và cứ tiếp tục phát triển tiến hóa. Rồi đến Einstein, Heisenberg, Louis de Broglie…Xã hội, a ha, trong tương lai sẽ toàn những vị minh triết. Nhưng…nhưng giả thử các vị Tổng Quản nói trên quyết định tái cấu chính họ, và những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Stalin…để có một tập đoàn ổn định và bất tử …thì ôi thôi, nhân loại - nhất là từ đẳng cấp Bêta xuống đến Epsilon - sẽ đi về đâu nhỉ?
Nhân phẩm trong trường hợp con người có thể tái cấu một cách nhân tạo sẽ là gì? Mỗi một con người, trước nay do Đấng Tạo Hóa sinh thành, là một thực thể đơn biệt, đến từ một bản giao hưởng huyền diệu của hợp phối những tình cờ - từ xác thịt đến tâm linh - khiến cái tôi mỗi người có chút gì như thiêng liêng. Sự tồn tại của nó là âm hưởng bức thiết của sự tồn tại của mọi vũ trụ ngoại giới không thể kiểm soát và vận hành do ý chí con người. Tính đơn biệt, là một, là độc nhất đó, sẽ làm gì còn hiện hữu khi, với kỹ thuật tái cấu, phòng thí nghiệm có thể sản xuất hàng trăm phó bản in hệt nhau của một cá nhân, từ nay và, thật ghê rợn, cho đến đời đời. Bất tử, vách ngăn tiến hóa, là cái chết miên viễn của con người nói riêng, và của sự sống nói chung. Đèo bồng trên chính nó sự tưởng-là-nghịch-lý như một công án thiền, kẻ nào mơ giấc mơ Tần Thủy Hoàng sống cho đến ngày tận thế là sống ngay với cái chết như một ám ảnh. Vả lại, ai dám bảo trái đất này sẽ tồn tại hai tỉ năm nữa? Ơ kìa, thế thiên thu là gì mà đi tìm chuyện trường sinh bất tử? « Vanitas vanitatum, omnia vanitas » [23].
7- Chống lại mọi hủy diệt con người, ở hôm nay hay mai hậu, trực tiếp bằng bom N, bom H hay gián tiếp bằng phá hoại môi sinh, và làm sao không xâm phạm nhân phẩm, theo thiển ý, là những nét nổi cộm của một nền đạo lý cơ bản của Khoa học-Kỹ thuật nhìn từ góc độ nhân văn. Tóm gọn, chúng ta cứ theo châm ngôn cũ kỹ hơn 2 ngàn năm trước, rằng việc mình không muốn người gây ra cho mình (hay con cháu mình) thì đừng làm cho kẻ khác (hay con cháu họ): Kỳ sở bất dục vật thi ư nhân.
Hơn 70 năm về trước, Huxley đã dự báo cái thế gìới tuyệt hảo trong đó Khoa Học có thể là một nguy cơ công cộng. Vì thế phải khoanh vùng công việc nghiên cứu vào những sự vụ trước mắt. Chuyện cơ bản ư, thế là bỏ qua. Vì vậy, chức năng tri thức nhìn tổng quan và toàn diện để có thể phê phán không còn được động viên, khuyến khích, và hỗ trợ. Hiện nay, có một lớp người ‘’quản lý’’ khoa học, chuyên việc qui định ưu tiên, mục đích các dự án trong các cơ quan nghiên cứu và đại học để tài trợ. Họ khuyến khích ‘’ sự hợp tác’’của các công ty tư trong kỹ nghệ, các cơ quan quốc phòng trong chính quyền, và đặt mức ‘’áp dụng thực tiễn’’ lên hàng đầu. Nhà nghiên cứu khoa học, được chia một công đoạn nhỏ ‘’siêu chuyên sâu’’ (hyper specialized), hoàn toàn không có thể lúc nào cũng còn một cái nhìn tổng hợp, và như hệ luận, không thể biết ‘’sản phẩm’’ trí tuệ của mình sẽ góp phần thế nào tạo ra sản phẩm cuối cùng trong một liên kết chằng chịt những kiến thức lẻ tẻ ngắt đoạn. Câu hỏi, làm là làm cho ai? Tác động công việc trí thức của mình trong tiến trình xã hội là gì? Phục vụ ai ?Tốt hay xấu? đều là những câu hỏi chẳng mấy ai đáp được minh bạch! Bằng càng cao, chức danh càng lớn thì độ vong thân tha hóa càng ghê. Nghịch lý này ngày càng lớn, và đó là một nỗi khổ tâm của những nhà khoa học có lương tri! Đành rằng tinh thần đi tìm sự thật qua phương pháp khoa học là động cơ, nhưng những câu hỏi có tính đạo lý vừa nêu ra ở trên chắc không hẳn là thừa. Nghĩ cho cùng, khoa học là một bộ môn của văn hóa nói chung: nó là (một) phần Chân, trong toàn bộ Chân-Thiện-Mỹ mà mỗi nền văn hóa trên hành tinh bé nhỏ của chúng ta đều coi như là cứu cánh một xã hội nhân bản. Trong xã hội đó, không phải chỉ có các nhà khoa học, nhà kỹ thuật, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ… mà còn rất nhiều những con người khác có khả năng cảm nhận và chia sẻ những giá trị phổ cập của chung thiên hạ. Bộ môn khoa học-kỹ thuật, muốn tránh tác động phi nhân, chỉ có một cách là đưa ra toàn bộ thông tin chân thực trước công luận, biểu lộ mọi khả năng tiêu cực cũng như tích cực công việc truy tìm tri thức và sự áp dụng kỹ thuật của những tri thức ấy trong cõi nhân sinh. Công chúng – ngày nay là toàn nhân loại - hẳn có khả năng phán đoán với những cảm thức đạo đức (moral sentiments) như thế sẽ thêm khả năng là những kẻ quyết định tối hậu. Xin nói ngay, thông tin phải thực sự là thông tin, nghĩa là không có lề bên phải hay lề bên trái như nay người ta lu loa. Ép thông tin vào lề, bất cứ bên nào, là ‘’giết thông tin’’, bởi độ entropy [24]sẽ vòn vọt cao lên trong hệ kín, và những thông tin đóng gông vào lề chẳng tạo ra được gì ngoài sự hủy hoại lần mòn của trí tuệ đóng băng chết cứng.
Nhà khoa học trong xã hội là người trí thức. Một định nghĩa về người trí thức, là kẻ ngoài lãnh vực chuyên môn, còn có trách nhiệm với xã hội, khi cần thì can thiệp vào sự tiến hóa và điều hành của xã hội đó. Lãnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động trí tuệ là giáo dục, và ở ta những người trí thức chân chính đều cố gắng đóng góp[25]. Hiện họ đang kêu những tiếng kêu cứu khẩn cấp. Vì thế, tôi nào dám mua vui như cụ Tiên Điền. Và dẫu chẳng đòi vài trống canh, tôi chỉ xin dăm mươi phút của các bạn, nhất là các bạn trẻ, để cùng nhau ngẫm nghĩ về tiền đồ và trách nhiệm những nhà khoa học trên đất nước thân yêu khốn khổ của chúng ta. Tôi xin kết bài tham luận nhỏ này bằng cách lập lại phần cuối câu M. Planck nói, ước ao mình cũng ‘’... sống đủ thọ để có thể thấy một bước ngoặt, bước đầu của một tiến trình thăng tiến mới’’.