Triều Lý (1009 - 1225) không phải là triều đại đầu tiên của nước Đại Việt độc lập, nhưng triều Lý lại có vị trí hết sức quan trọng đối với cả chặng đường dài về sau của thời kỳ trung đại. Nhiều truyền thống lớn của dân tộc được kiến tạo và khơi nguồn ở thời đoạn này. Triều Lý cũng là triều đại hưng nghiệp với tâm thái lập quốc, tâm thái kiến tạo. Ở thời điểm đó, Nho giáo đã có những bước đi đầu tiên cách ly một cách tương đối khỏi mối liên hệ chặt chẽ thường xuyên với Nho giáo Trung Quốc. Bước đi đó đầy ý nghĩa quyết định và thẳng về một ngả ba đường xác định, ngả đường tiến vào đời sống chính trị và dần ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến đời sống văn hóa, phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống của người Việt. Nho giáo đã trải qua những trang sử đầu tiên của mình trên đất nước Đại Việt độc lập trong tâm thái lập quốc của triều Lý.
1. Thắng lợi của xu thế cai trị mới
Cần thiết phải điểm lại những động thái chính trị trọng yếu của các đời vua thời kỳ giành độc lập Ngô-Đinh-Tiền Lê. Có nét chung phổ quát dễ nhận ra là, ba triều đại ngắn ngủi này đều quyết chí giành độc lập. Những vị sáng nghiệp đều là những người vũ dũng, bằng thanh gươm yên ngựa chống thù ngoài dẹp loạn trong. Đây là thời kỳ các ông vua mới với vóc dáng của thủ lĩnh xuất sắc tự trị trên mảnh đất của mình, chống lại các nguy cơ xâm lược đến từ phương Bắc. Những ông vua Đinh-Lê cai trị một cách khá “tùy hứng”, chưa thấy họ có vóc dáng của một vị Hoàng đế một triều đình với điển chế hoàn bị, tức vóc dáng của chế độ phong kiến chuyên chế mới bắt đầu trên chặng đường hình thành dài lâu quanh co. Sự thiếu vắng các hoạt động kiến tạo và hành động với tư cách các thủ lĩnh là nét nổi bật của các vua Đinh-Lê. Không những thế, sử còn mô tả những ông vua thời này còn hết sức tàn khốc, tùy tiện trong hình luật, chưa biết “giáo hóa dân” và cai trị bằng “Lễ nhạc”. Ngọa Triều - ông vua cuối cùng Tiền Lê còn bị coi là kẻ tàn ác, vô nhân tính, bạo ngược như Kiệt-Trụ. Tóm lại, hơn một nửa thế kỷ sau khi giành được độc lập, các triều vua nối tiếp nhau chỉ thấy nổi bật ở ý chí độc lập mà còn luẩn quẩn ở con đường phát triển, mọi việc kiến tạo còn ở phía trước. Sứ mệnh lịch sử giành được độc lập của các triều Ngô-Đinh-Lê coi như đã hoàn thành. Nhưng độc lập đã giành được cần phải đơm hoa kết trái, dân tộc còn cần phải tiếp tục tự lực tự cường và bước ngay vào thời kỳ trưởng thành, trưởng thành để đủ sức đối đầu với những thử thách lớn tiếp sau. Vấn đề lớn nhất đặt ra với triều đại cai trị Đại Việt cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI là nhanh chóng đưa đất nước vào thời kỳ kiến tạo, thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến. Phát triển là đòi hỏi của thời đại. Lực lượng tiên tiến nhất lúc bấy giờ phải là lực lượng đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, đưa đất nước trở thành quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
Như trên đã nói, Lê Ngọa Triều bị sử gia các thời mô tả như Kiệt-Trụ[1] điều đó có ý nghĩa là người thay Ngọa Triều có thể như Thang-Võ. Lý Công Uẩn giành lấy ngai vàng trong hoàn cảnh lòng người đã chán ngán, oán hờn chính sự hà khắc, hôn quân vô đạo. Những gì mà chính sử, dã sử đã ghi chép được cho biết Lý Công Uẩn lên ngôi tuy không gây đổ máu như những lần thay đổi triều đại về sau, nhưng cũng không phải là chuyện dễ dàng. Đó là cả một quá trình vận động và chuẩn bị. Có hẳn một thế lực đứng sau Lý Công Uẩn. Vị Quốc sư người Cổ Pháp đồng hương và là người đỡ đầu cho Lý Công Uẩn hành động, suy nghĩ tính toán có dáng dấp của một nhà Nho quyền trí hơn là một Thiền gia. Ngoại trừ mối quan hệ còn đôi chỗ chưa thực sáng tỏ giữa Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn, điều ta cần quan tâm là vị Quốc sư này hy vọng điều gì khi vận động đưa Công Uẩn lên ngai vàng. Lý Công Uẩn được chọn, đưa vào triều, nắm cấm quân (có thực lực) và hành động chiếm ngôi. Đó là một quá trình có tính toán kỹ lưỡng. Điều mà Vạn Hạnh hy vọng ở Công Uẩn có thể nhận ra trong vài ba tài liệu hiếm hoi, đó là lời nhận xét về tư chất Công Uẩn thủa nhỏ tuổi[2] và bài Khuyến Lý Công Uẩn lên ngôi. Ngoại trừ khả năng câu chữ trong lời Vạn Hạnh là của hậu Nho gán ghép cho hợp, có thể thấy những kẻ “thức giả” thời đó đã nhận thấy cần phải thay đổi cục diện. Vạn Hạnh thấy ở Lý Công Uẩn những tư chất và điều kiện để có thể trở thành vị Hoàng đế cai trị thiên hạ theo lối khác các vua đương thời. (Sự mường tượng về ông Hoàng đế đó là mường tượng theo tiêu chuẩn của Nho gia). Việc Lý Công Uẩn giành ngôi được coi như công cuộc dấy nghiệp của thánh vương. Cả Vạn Hạnh và những người ủng hộ Lý Công Uẩn (tiêu biểu nhất là Đào Cam Mộc) ca ngợi Công Uẩn là ngưòi có đức, nói tới việc Công Uẩn lên ngôi gắn liền với thiên mệnh, tới ân đức ban ra thiên hạ, điềm rồng xuất hiện như điềm trời sinh thánh nhân. Công Uẩn lên ngôi đại xá thiên hạ, đốt bỏ hình cụ, và đặt niên hiệu là Thuận Thiên (tuân theo mệnh trời). Đó chính là không khí “cách mạng” kiểu Thang-Võ. Các nhà Nho Trung Quốc đã từng tô vẽ cho nó và coi đó là Cuộc đổi vạc chính đính vì lợi ích của quốc gia và dân chúng. Nhà Lý dấy nghiệp thực sự đã có tinh thần đó. Trong thực tế, lần đầu tiên ông vua dấy nghiệp phải tìm kiếm chỗ dựa tư tưởng. Tư tưởng được chọn làm chỗ dựa đó, không gì khác chính là Nho giáo. Sự mường tượng về chính sự đã khác. Từ tiểu sử bản thân Lý Công Uẩn[3], Vạn Hạnh và những người ủng hộ, từ hàng loạt những công việc mà Lý Công Uẩn làm sau khi lên ngôi, ta thấy Lý Công Uẩn lên ngôi, kiến quốc là đáp ứng được những đòi hỏi của lịch sử lúc đó. Việc nhà Lý thay Tiền Lê là sự thắng thế của một lực lượng văn hóa cao hơn, là sự thắng thế của một cung cách cai trị mới kiểu phong kiến, nó là vận động tất yếu của lịch sử. Việc Vạn Hạnh và Công Uẩn sinh ra ở vùng Cổ Pháp, một nơi có văn hóa phát triển cao bậc nhất Đại Việt lúc đó, nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc từ phương Bắc xuống chắc chắn có mối quan hệ mật thiết tới phán đoán nói trên. Những gì mà nhà Lý làm ngay sau khi nắm giữ ngai vàng là minh chứng hùng hồn và sinh động. Một thời kỳ kiến tạo mới đầy trí tuệ, xa viễn và bản lĩnh. Những ngả đường vận động bắt đầu lớn của tư tưởng bắt đầu.
2. Tâm thái lập quốc
Triều Lý nắm quyền trị nước trong tâm thế kiến tạo, mọi việc còn đều ở phía trước. Từ tư tưởng cho đến công việc thực tế mà các vua Lý đã làm đều là những công việc sáng nghiệp. Triều Lý đã lập quy mô của Đại Việt về nhiều phương diện; từ chủ quyền lãnh thổ, mô hình chính trị, ngôi vua (kiến cực), định đô, định điểm chế hiến chương, các quan hệ đối ngoại với lân bang và đặc biệt là chọn lựa hệ tư tưởng chỉ đạo. Một thể chế phong kiến đến đây mới thực sự được kiến lập. Những công việc kiến tạo của nhà Lý đã xác lập được vị trí của Đại Việt trong khu vực. Nó đã đáp ứng được đòi hỏi phát triển của dân tộc thời kỳ đó. Trong thực tế Đại Việt đã được làm mạnh hóa rất nhiều do công của triều Lý. Công cuộc mở rộng lãnh thổ và tăng cường sự kiểm soát đối với các vungf đất thượng du được nhà Lý đặc biệt quan tâm. Nhiều đời vua Lý đã đích thân làm tướng đánh dẹp trừng phạt “man dân” không phục tùng và quy phục nhiều kẻ khác. Mở rộng và tăng cường quyền kiểm soát về lãnh thổ, có viễn kế lâu dài, ở thời trung đại đó là những dấu hiệu cường thịnh của các đế chế. Việc định đô, chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long được nhìn nhận là việc quan trọng của hệ thống các công việc kiến quốc. Việc chuyển từ nơi thủ hiểm ở Hoa Lư ra nơi “trung tâm của trời đất” Thăng Long vừa là dấu hiệu của sự trưởng thành của dân tộc, vừa cho thấy bản lĩnh lựa chọn và tầm nhìn xa của triều Lý hơn hẳn các triều trước. Thăng Long mới thực sự là kinh đô của các bậc đế vương cả về vị trí và quy mô[4]. Tuy nhiên sự kiến lập trên phương diện chính trị, tư tưởng mới có ý nghĩa quyết định hướng dẫn tới sự thay đổi về chất của xã hội Đại Việt. Một ông Hoàng đế phong kiến với đầy đủ các phương diện của nó được đưa ra thay thế cho hình mẫu thủ lĩnh xuất sắc thời giành độc lập. Chính trị cung đình với thể chế quan liêu hoạt động theo điển chế được xác lập, phẩm phục, lễ nghi cũng bắt đầu được chế định. So với nhiều triều đại về sau thì thể chế phong kiến nhà Lý chưa chặt chẽ bằng. Điều mà các nhà Nho về sau gọi là “khoan giải” không gì khác chính là tình trạng thô sơ và lỏng lẻo, nhưng đó là những nền tảng đầu tiên của một thời kỳ phát triển mới. Sự trưởng thành của thể chế Đại Việt là yếu tố hết sức quan trọng đối với việc khẳng định, bảo vệ độc lập dân tộc, đoàn kết cộng đồng dân chúng, chống trả lại những làn sóng xâm lược dữ dội từ phương Bắc ở thời kỳ tiếp theo.
3. Chọn lựa tư tưởng
Nhà Lý lên ngôi nhờ thế lực Phật giáo. Đó cũng là thời kỳ toàn thể dân chúng Đại Việt theo Phật giáo một cách “hồn nhiên”. Phật giáo chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nhưng, Phật giáo lại không thể cung cấp cho các ông vua những điều cần thiết, những bài học để bảo vệ ngai vàng, xây dựng đất nước, kiến lập triều đại, trị quốc an dân. Trong khi đó Nho gia lại có mọi thứ cần thiết. Nho gia về thực chất là học thuyết giành cho người trị quốc. Kinh-truyện Nho gia phong phú cả lý luận lẫn những bài học thực tế được đúc rút. Nó đề cao ngôi vua và mô hình chuyên chế. Chính sự từ Tam Hoàng-Ngũ Đế đến Hán-Đường đủ cho người lập triều đại, kiến hoàng cực tham khảo, học tập. Trong bối cảnh lập quốc triều Lý, Nho giáo thỏa mãn các nhu cầu mà ông vua xây nền đắp móng chế độ phong kiến cần có. Ở thời điểm đầu thế kỷ XI, vua Lý không thể chọn lựa một hệ thống tư tưởng nào khác tốt hơn cho sự lựa chọn Nho giáo làm thực chất cho đời sống chính trị. Vì lợi ích dân tộc, vì sự phát triển của dân tộc mà Nho giáo đã được lựa chọn. Sự lựa chọn này đã có hiệu quả làm thể chế phong kiến mạnh hơn.
Cũng cần phải nhắc lại rằng ở thời điểm thế kỷ XI, Nho giáo không còn là tri thức mới mẻ đối với người Việt, nó không phải là cái lần đầu phát hiện thấy ở Trung Hoa rồi học về, nó đã là một thứ tri thức, một loại văn hóa đã có ảnh hưởng nhất định ở Giao Châu suốt gần mười thế kỷ Bắc thuộc với những mức độ đậm nhạt khác nhau ở từng nơi, từng lúc. Nhưng nghìn năm Bắc thuộc Nho giáo mờ nhạt bên cạnh Phật-Đạo. Lý do chính là vì chưa có môi trường chính trị cung đình cần thiết cho nó, chưa có một chính thể để dùng nó, cái môi trường chính trị, nhu cầu phát triển thể chế đã xuất hiện ngay sau khi giành độc lập. Nhu cầu phát triển triều đình phong kiến đời Lý đã tạo ra cơ hội lớn, một cửa mở cho Nho giáo. Chính trị triều Lý bắt đầu nhuốm màu Nho gia. Phân tích các công việc kiến tạo triều đại, kiến quốc của nhà Lý ta thấy đó phần lớn là do tư tưởng Nho gia mách bảo. Bản Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn, lời Khuyến Lý Công Uẩn lên ngôi của Vạn Hạnh đều là sự mường tượng xa viễn cơ nghiệp đế vương theo tinh thần Nho gia. Các vua Lý từ Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông… đều tiếp nối tinh thần kiến tạo theo những bài học trị quốc an dân của Nho gia. Các vua vẫn thờ Phật, sùng Phật[5], nhưng lại đồng thời cho xây dựng Văn miếu thờ Khổng Tử và các Tiên hiền (1070), lập Quốc Tử Giám, thi Minh kinh bác sĩ, lập Thái miếu để thờ tổ tiên, xây đàn tế trời đất… Các sự kiện trên một thái độ rõ ràng đối với Nho giáo, và của Nho giáo và Nho học. Các sự kiện này chưa tạo ra ngay một định hướng, một sự khẳng định địa vị cần và đáng có của Nho giáo trên đất Đại Việt. Việc các Thái tử đến học tập ở Quốc Tử viện cho thấy, những người làm chính trị đương thời nhận thức được Nho học là tri thức cần thiết cho một ông vua trị nước trong tương lai. Dẫu cho trong bản thân các ông vua chưa có một con người sống và tư duy hoàn toàn theo Nho, tu kỷ hành đạo theo Nho. Quốc Tử viện chưa đông đúc người giảng người học, chưa dành cho con em bình dân, trường công chưa mở từ trung ương đến địa phương, khoa cử rời rạc, “tùy hứng” chưa định chế, nhưng có khoa cử, có văn miếu, có Quốc tử viện, đối với Nho sĩ có nghĩa rằng: Nho cũng là cái rất cần cho xã hội. Người thời đó thấy rằng học Nho cũng có thể tiến thân và có vinh hiển như làm võ tướng và tăng đạo. Sự kiện này cùng việc dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức và phổ biến ở Việt Nam là một tổng thể hữu cơ. Phải thấy rằng nhà Lý lập Văn miếu, mở khoa thi, chính thức hóa địa vị của Nho trong bối cảnh chuẩn bị đánh lớn chống quân xâm lược nhà Tống mới thấy đây là sự lựa chọn đầy bản lĩnh. Chống Tống xâm lược là một chuyện và chọn Nho có gốc phương Bắc lại là một chuyện. Cho nên các nhà Nho về sau luôn cho rằng, Nam Bắc núi sông bờ cõi, phong tục thì phân chia còn “Đạo không chia khác” là sự tiếp nối nhận thức đó. Tiếp nhận Nho không phải là do đầu óc nô lệ mà là chọn lựa tự giác có tính toán, vì độc lập tự cường dân tộc, vì những nhu cầu biến tạo mà lựa chọn. Với những chất liệu mà Nho giáo cung cấp, người Việt thời Lý đã dựng lên mô hình chính trị theo kiểu Nho gia nhưng đối lập với mô hình chính trị Nho gia. Từ vị thần nhân cách tối cao vô thượng – Thiên; Thiên đế đến Thiên mệnh, thiên hạ, đến Thiên tử trị dân bằng giáo hóa, đều hiện diện để khẳng định cho độc lập dân tộc. Nho gia cũng trởt thành một thứ vũ khí tư tưởng để khẳng định quyền tồn tại độc lập của Đại Việt, tuyên bố quyền chinh thảo điếu phạt của vương sư trong các nội chiến. Đó là sản phẩm của mô hình chính trị học tập theo kiểu thể chế Trung Hoa do Nho gia cung cấp.
Về phương diện đối nội, sau loạn Tam vương nhà Lý phải chú mục vào những nguy cơ đe dọa ngai vàng. Bài học các triều Ngô-Đinh-Tiền Lê chưa xa, loạn Tam vương là lời nhắc nhở về đường lối cai trị. Các ông vua buộc phải nghĩ đến việc củng cố vững chắc của ngai vàng bằng con đường ước thúc nhân tâm. Tư tưởng khuyến thiện trừ ác, luân hồi quả báo của Phật giáo chưa đủ sức ràng buộc lòng người, không ngăn được bạo loạn, cần có thêm sự ước thúc nhân tâm theo kiểu Nho gia. Một nghi lễ mới mẻ được tiến hành, đó là hội thề đầu năm ở đàn Đồng Cổ. Nhà Lý coi hội thề là quốc lễ hàng năm. Các tài liệu chính dã sử đều thống nhất ghi lại nội dung lời thề: “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh giết chết”, đi kèm là nghi thức bôi máu lên mép. Nội dung lời thề không có gì khác, chính là hai phạm trù Trung hiếu tối quan trọng của Nho gia. Thần Đồng Cổ, vị thần bản địa trở thành vị thần hộ trì cho quân vương và giám sát luân lý; chính trị và đạo đức; thân quyền và vương quyền đã kết hợp lại làm một với mục đích duy nhất-bảo vệ vương quyền. Tuy nhiên cung cách hội thề và lời thề như vậy có khác với những nguyên tắc của Nho gia nói chung. Nho gia không chấp nhận vị thần giám sát luân lý kiểu như vậy. Nó không phải là sự ước thúc mang tính nội tỉnh tự tu tự giám của Nho gia. Hội thề là một sự kết hợp của luân lý trên mảnh đất Đại Việt độc lập.
3. Nho giáo trong tương quan với Phật - Đạo
Đối với triều Lý, Nho giáo là thứ tri thức cần thiết mà chính trị cần đến. Nó tồn tại ở thượng tầng tư tưởng mà chưa có các yếu tố hạ tầng phù hợp tương ứng với nó. Mô hình chính trị vay mượn từ phương Bắc bao trùm lên cơ địa còn mang đậm yếu tố Đông Nam Á với ảnh hưởng mạnh của Phật giáo. Ở thời kỳ này, nếu ai đó đi tìm dấu ấn ảnh hưởng của Nho tới phong tục tập quán đời Lý sẽ chỉ thấy sự vắng bóng ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên do nắm vững được đời sống chính trị, Nho giáo dần ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống văn hóa xã hội, quá trình “tông pháp hóa” xã hội Đại Việt sẽ diễn ra dần từng bước. Tuy nhiên đồng thời với việc văn hóa bản địa thay đổi do ảnh hưởng của Nho giáo, bản thân Nho giáo cũng có nhiều sự biến thiên cho phù hợp với các tầng văn hóa bản địa. Khi Nho giáo có những ảnh hưởng mạnh bước đầu ở đời Lý, quá trình chuyển biến của cả Nho giáo và văn hóa bản địa cũng thực sự bắt đầu.
Nho giáo đi vào đời sống chính trị khi trong xã hội còn chưa có tầng lớp sĩ đông đảo bảo lưu nuôi dưỡng nó, nó còn chưa có hệ thống giáo dục và khoa cử được tổ chức rộng khắp nghiêm mật từ trung ương đến địa phương truyền bá và nuôi dưỡng nó. Có thể nói Nho giáo thời Lý là thứ Nho giáo có phần tách rời hoạt động của Nho sĩ. Số ít Nho sĩ thời kỳ này trong tư tưởng của họ cũng chỉ có thứ Nho giáo trong cơ cấu hỗn hợp Tam giáo mà thôi.
Việc truyền bá, bảo lưu Nho giáo thời kỳ đó do nhà chùa đảm nhiệm một phần quan trọng. Với tư cách là những trung tâm văn hóa, nhà chùa ngoài in kinh, thuyết pháp còn dạy chữ Hán, dạy cả tri thức Nho học. “Thiền Uyển tập anh” cho biết, hầu hết các quốc sư đời Lý thủa nhỏ đều học Nho. Lý Công Uẩn lớn lên trong nhà chùa mà đọc hết kinh sử… Nhà chùa thời đó coi Nho giáo như một tri thức mở rộng và cần thiết. Việc nhiều vị Quốc sư tham chính cũng là một sự kích thích Nho học được truyền giảng trong chùa. Tăng lữ là người tu theo đạo từ bi hỷ xả của nhà Phật, nhưng vì việc tòng chính cho nên họ, một cách không tự giác, phải hướng sang tìm kiếm tri thức nơi miền đất Nho học. Đây là một trong những nhân tố làm cho Phật giáo thời Lý và cả Trần tiếp theo đi sâu vào tư tưởng giáo lý vừa nhập thế và có chịu ảnh hưởng rõ nét của Nho giáo. Nho học trong môi trường nhà chùa đã khiến cho ta thấy Nho giáo thời kỳ này không thể là thứ Nho giáo đầy đủ diện mạo toàn thể và hệ thống của nó. Việc lập ra Quốc Tử giám còn là sự khởi đầu cho cả quá trình tách việc đào tạo Nho học ra khỏi môi trường nhà chùa.
Một đặc điểm nữa dễ nhận ra là, thời Lý, Nho giáo chỉ được tiếp nhận từng mảng, từng bộ phận mà chưa được tiếp nhận toàn thể. Triều Lý chỉ tiếp nhận những gì cần thiết cho chính trị mà chưa có điều kiện và chưa thể tiếp nhận cả hệ thống. Nho giáo Việt Nam là sự tiếp nhận mang tính giản lược Nho giáo Trung Quốc, và triều Lý lại còn ở giai đoạn giản lược hơn cả. Vì tiếp nhận Nho giáo trong tâm thế lập quốc, kiến tạo nên nhà Lý hướng sự chú ý nhiều hơn đến Nho giáo Khổng Mạnh Tiên Tần với lý tưởng thống nhất, thân dân, bình trị. Cái học nội Thánh ngoại Vương tích cực có tác dụng làm mạnh chính sự cung đình. Trong việc tạo khối đoàn kết dân tộc, Nho gia có góp phần đáng kể.
Thời Lý, Nho giáo chưa được tôn sùng, nó chưa chi phối được hầu khắp lĩnh vực của đời sống xã hội. Nho giáo triều Lý phải được nhìn nhận trong tương quan Tam giáo. Để có thời độc tôn Nho thuật vài ba thế kỷ sau, không thể thiếu những bước khẳng định đầu tiên ở triều Lý. Nho giáo triều Lý đã tồn tại như một tri thức cần thiết hơn là một học thuyết hay tôn giáo. Những chuyển biến của Nho giáo ở các thời kỳ tiếp sau là sự bổ sung từng phần của cả hệ thống Nho giáo, là quá trình cả Nho giáo Trung Quốc và xã hội Việt Nam đều cùng chuyển biến để tương thích với nhau.
5. Đôi lời khép mở
Cho tới tận thế kỷ XIX, thời của các vua Nguyễn chuyên chế trị vì, quá trình Nho giáo hóa Đại Việt và Việt hóa Nho chưa phải là đã chấm dứt và hoàn thành. Nói như vậy để thấy, gần 1000 năm về trước, lễ nhạc của Nho gia còn rất “hoang sơ” trên mảnh đất này.
Nhưng ở thời điểm triều Lý dấy nghiệp, Nho giáo đã dần khẳng định được vị thế của mình. Nhà Lý chọn Nho giáo, dùng Nho giáo phục vụ việc trị quốc là một phần tất yếu, phần có quan hệ hữu cơ với tổng thể các hoạt động kiến tạo. Vì mục tiêu kiến tạo mà nhà Lý phải lựa chọn Nho giáo, Nho giáo đã mách bảo cho quá trình kiến tạo.
Từ việc triều Lý tiếp nhận Nho giáo mà suy xét liên tưởng tới toàn bộ quá trình vận động của Nho giáo các thời đoạn sau, có thể thấy sự tồn tại và biến thiên của Nho giáo ở Việt Nam gắn liền với vấn đề dân tộc, chính vì nhu cầu phát triển quốc gia dân tộc, xây dựng triều đại mà Nho giáo đã được tiếp nhận. Cha ông chúng ta dùng Nho giáo vào quá trình khẳng định dân tộc, xây dựng thể chế, xây dựng điển chương chế độ… Tách rời vấn đề dân tộc e sẽ khó có thể hiểu đúng được những đặc điểm của Việt Nho. Càng thấy điều này rõ hơn, khi quan sát thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nho giáo đã bị chối bỏ một cách tự nhiên, ít gây ra những “cú sốc” đối với tầng lớp sĩ phu và dân chúng, phần vì áp lực mạnh của Tây hóa, phần vì tất cả đều nhận thức được rằng lợi ích của dân tộc- thứ lợi ích luôn trên hết, đòi hỏi phải như vậy.
[1] Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ bình về những hành động cai trị tàn ác bạo ngược của Ngọa Triều: “Những việc Long Đĩnh làm như tiện mía ở đầu sư, buộc cỏ vào lưng tù đốt, làm chuồng dưới nước, giồng cây nung đỏ bắt leo, những hình phạt ấy mặc dù ác như Kiệt Trụ cũng không quá đến thế; đến như oán cha, đánh tù bắt gọi tên cha ra mà làm trò vui thì lại cùng với Đông Hôn và Thiền Nguyên, cùng là loài cầm thú ác độc vậy”. (Việt sử tiêu án-Ty Văn hóa Á châu, SG, 1960, tr.109). Có thể thấy được chính sự Tiền Lê còn mang tính chất dã man khác xa với chính sự đời Lý về sau.
[2] Theo Việt sử lược, Vạn Hạnh có nhận xét về Lý Công Uẩn khi ông ta còn nhỏ tuổi: “Đây là người phi thường, sau này đến lúc cường tráng tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ” (Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường (dịch), NXB TP HCM, 1993. tr.110).
[3] “Vua khảng khái, có chí lớn, không màng của cải, thích xem hết kinh sử” (Theo Việt sử lược, Sđd, tr.110)
[4] Việt sử lược có ghi chép về quy mô Thăng Long buổi đầu mới xây dựng: “Trong kinh đô Thăng Long dựng điện Triều Nguyên, bên tả đặt viện Tập Hiền, bên hữu đặt viện Giảng Võ. Bên tả mở cửa Phi Long, bên hữu mở cửa Đan Phượng. Nơi giữa ở phía Nam mở điện Cao Minh, thềm điện gọi là Long Trì có nhà Cầu Võng che quanh thềm. Bốn mặt điện Càn Nguyên. Sau đó dựng hai điện Long An và Long Thụy. Bên hữu xây điện Nhật Quang. Bên tả xây điện Nguyệt Minh. Phía sau có cung Thúy Hoa. Bốn mặt thành mở bốn cửa…” (Việt sử lược, Sđd, tr.117)
[5] Triều Lý có cả thảy 4 lần gửi sứ đoàn sang Tống xin kinh Phật và cả 4 lần đều được chuẩn ứng.