Những góc nhìn Văn hoá

Đặc điểm con đường Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin

Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Aí Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, đó là hành động đáp ứng nhu cầu  của lịch sử  dân tộc và xu thế thời đại, một tất yếu lịch sử. Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tư chất khoa học, trí tuệ sắc sảo và bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo, Nguyễn Tất Thành đã đến tận nước Pháp và các nước Âu, Mỹ nơi có bọn thực dân đang chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của đống bào để khám phá và làm quen với các nền văn minh, dùng nó làm vũ khí để chống lại thực dân.

Với tư duy toàn cầu và phương pháp chắt lọc tinh hoa, cuối cùng Nguyễn Aí Quốc đã tìm được con đường giải phóng chúng ta: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Con đường Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin mang sắc thái, dấu ấn, diện mạo Hồ Chí Minh.

1. Nhiều tâm trạng, nhiều ngả đường khác nhau trước sự bành trướng xâm lược của thực dân phương Tây
Từ giữa thế kỷ XIX, từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đến đầu thế kỷ XX, trước kẻ thù mới là chủ nghĩa đế quốc Pháp giàu về kinh tế, mạnh về vũ khí, trong hàng ngũ quan lại triều đình Huế, các sĩ phu yêu nước và nhân dân Việt Nam có sự phân tâm. Trong triều nổi lên tư tưởng chủ chiến, chủ hòa, có bộ phận sợ nền văn minh và sức mạnh Pháp[1].
Có lực lượng ghét Pháp, lực lượng khác muốn dựa vào các nước khác như Nhật, Anh, Mỹ để thoát khỏi ách thống trị của người Pháp; lại có bộ phận quyết tổ chức lực lượng, thủ hiểm chờ Pháp đến tiêu diệt. Các lực lượng đó, xét dưới góc độ mục đích, tôn chỉ, hình thức, biện pháp có khác nhau, tựu trung xoay quanh hai đường lối: quân chủ hay dân chủ, hai phương pháp: cách mạng hay cải lương.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX được Tú Xương mô tả: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co”. Việc Toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me (Paul Doumer) từ năm 1905, ký lệnh thành lập trong phạm vi cả nước trường Tiểu học gọi là Trường Pháp - bản xứ, đặt ở các thành phố và các tỉnh lớn để dạy tiếng Pháp kèm thêm quốc ngữ và chữ Hán, đưa tới nhiều tâm trạng khác nhau của các nhà nho. Một số nhà nho bảo thủ thì kịch liệt phản đối, không cho con cháu học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, cho đó là chữ của giặc. Số tán thành cải cách giáo dục thì nhiều quan niệm khác nhau, có người “thức thời” vì danh lợi, muốn tìm một chỗ đứng cho con cháu mình trong chính quyền “bảo hộ” với vị trí thông ngôn, ký lục. Có một số học sinh lại theo đòi cái hào nhoáng của văn minh phương Tây, nói dăm ba chữ Pháp bập bẹ, tỏ thái độ miệt thị nền văn hóa lâu đời của dân tộc. Lúc bấy giờ, việc nên học thứ chữ nào là vấn đề bàn luận sôi nổi không kém gì vấn đề nên nhờ ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp.
Trong khoảng thời gian đó, nhiều người Việt Nam đi Pháp với nhiều mục đích khác nhau. Phan Văn Trường sang Pháp vào cuối năm 1908 trong bối cảnh: “Năm 1908 lưu lại một ký ức tang thương đối với quê hương tôi. Máu người Việt Nam chảy lênh láng ở tỉnh Quảng Nam và các nơi khác tiếp theo sau những cuộc biểu tình của nhân dân… Tôi vừa lòng vì có thể đi xa để khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng trong đời sống ở thuộc địa”[2]Phan Văn Trường là một học giả uyên bác, tinh thông văn hóa kim cổ đông tây, đỗ cử nhân luật khoa và cử nhân văn khoa. .
Đầu năm 1911, Phan Châu Trinh sang Pháp cư trú, mang theo người con trai là Phan Châu Dật 14 tuổi.
Nguyễn An Ninh, khi đang học dở đại học, sang Pháp học tiếp và đỗ cử nhân luật năm 1920…
Năm 1912, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh gặp nhau tại Paris, và hai chí sĩ họ Phan đã khai sinh Hội Đồng bào thân ái để tập hợp những người Việt Nam sinh sống, học tập và lao động tại Pháp. Theo đánh giá của mật thám Pháp, Hội là một tổ chức yêu nước chống Pháp theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt. Đến khoảng cuối năm 1914 khi Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt thì Hội phải ngưng hoạt động.
Trong thời gian chiến tranh (1914-1918), số người Việt Nam ở Pháp lên đến khoảng 10 vạn người[4].[3].
 Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để tham gia thành lập Hội Những người Việt Nam yêu nước
2. Được trang bị vốn văn hóa Đông phương và Tây phương, vốn chính trị, vốn sống thực tiễn phong phú trên một nền quốc học vững chắc
Điểm qua một số sự kiện tiêu biểu để thấy rằng việc Nguyễn Tất Thành ra đi ngày 5-6-1911 sang Pháp có mục đích rõ ràng và đáp ứng đúng nhu cầu của lịch sử dân tộc và xu thế của thời đại. Phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải có một đường lối cứu nước đúng đắn. Phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa đang cần vĩ nhân có khả năng đoàn kết, tổ chức những người bị áp bức vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng.
 Hoài bão cứu nước cứu dân bắt đầy xuất hiện ở Nguyễn Tất Thành lúc trạc 13 tuổi khi lần đầu tiên được nghe những từ Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Tất Thành hội tụ được nhiều điều kiện và tố chất cần thiết để mưu nghiệp lớn. Anh là một con người thông minh, thích khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ, không chấp nhận tư duy bị trói buộc theo kiểu “tầm chương trích cú” trong sách vở “Thánh hiền”. Nguyễn Tất Thành được dân tộc, quê hương, gia đình trang bị cho một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo, từ đó có thể phân tích một cách khoa học nguyên nhân thất bại của các phong trào cứu nước. Những cuộc trao đổi bàn luận của ông cha về con đường cứu nước càng thôi thúc mạnh mẽ ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào của Nguyễn Tất Thành. Anh ngày đêm trăn trở, suy nghĩ về những điều mà các bậc sĩ phu đàng bàn luận.
Nhân cách của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức và hoạt động của Nguyễn Tất Thành Tuy chưa thể thoát ra khỏi ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo và tôn ti trật tự phong kiến, nhưng người cha thân yêu của Nguyễn Tất Thành đã rất quan tâm tới việc giáo dục con cái đạo làm người có ích cho nước cho dân. Ông quyết tâm vượt mọi khó khăn để học và thi đỗ Cử nhân , Phó bảng nhưng không phải để ra làm quan như suy nghĩ phổ biến lúc bấy giờ, mà để khẳng định một tư chất, một bổn phận. Khi buộc phải vào Huế làm quan thì không phải để vinh thân, mà để che thân. Quan điểm của Nguyễn Sinh Sắc rất tường minh trong khi dạy con cái: “Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà Mình”[5]Buộc phải vào Huế làm quan, ông giải bày tâm trạng: “Tôi đi chưa chắc đã làm quan, nếu có làm quan, chưa chắc đã làm quan lâu”[6].Bằng cuộc sống thực tế trong đám quan trường và với những gì bản thân phải chịu đựng, ông rút ra kết luận: “Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”[7]. .
Tác động lớn nhất của Nguyễn Sinh Sắc đối với con cái là giáo dục định hướng làm những việc có ích cho đời. Sau khi đậu Phó bảng, làm lễ vào làng, đặt tên cho hai con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành cũng xuất phát từ suy nghĩ đó. Trong buổi giao thời giữa nho học và tân học và theo trào lưu, người ta ca ngợi, cổ súy cho chữ “Thánh hiền”, vì biết đọc chữ “Thánh hiền” là trở thành hạng người “quân tử”, thì việc Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh[8]là một việc làm hiếm thấy lúc bấy giờ[9].
Thời kỳ ở Huế (5-1906 – 5-1908), Nguyễn Tất Thành tiếp tục được cha cho vào học Trường Tiểu học Đông Ba và Trường Quốc học. Không phải chỉ một mình Nguyễn Tất Thành vào học Trường Tiểu học Pháp - bản xứ hay Quốc học, nhưng Anh là một trong số rất ít xác định rõ ràng mục đích học chữ Pháp là để  hiểu văn hóa Pháp, “làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ Pháp Tự do- Bình đẳng-bác ái”, nắm lấy “vũ khí’ đó để giải phóng đồng bào. Xác định rõ mục đích giải phóng đồng bào, Nguyễn Tất Thành học không phải để biết dăm ba chữ Pháp, để trở thành thông ngôn, ký lục; ra nước ngoài không phải mang tư tưởng cầu viện hay tiếp tục học để lấy bằng cử nhân mà là thực học, thực nghiệp. Học chữ Pháp là để khám phá, khai thác, nắm lấy cả một nền văn hóa, văn minh nhân loại, từ đó trở về phụng sự Tổ quốc, phục vụ đồng bào.
                        Trước khi đi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã được trang bị một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo, một tâm lý của người đi tìm hiểu, khám phá nền văn minh Pháp và phương Tây. Tác giả Trần Dân Tiên kể lại rằng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, tuy rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Anh đã phân tích cách nghĩ và cách làm của các bậc cha chú dẫn tới thất bại, và lúc đó “anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi”[10].Nguyễn Tất Thành ra đi không phải “bác bỏ một nước bởi vì đó là một nước thực dân đô hộ, mà Người bác bỏ mối quan hệ bất bình đẳng và bất công, điều mà Hồ Chí Minh đã tố cáo trong cuốn sách xuất bản tại Pháp mang tên Bản án chế độ thực dân Pháp[11].Rõ ràng là Hồ Chí Minh ra đi là để tìm đường cứu nước chứ không phải để chống nước Pháp, quay lưng lại với các nền văn minh. Ngược lại, Người nghiên cứu văn minh Pháp, làm quen và tiếp thu nhiều trường phái tư tưởng, nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa và con đường khác nhau, xem rõ các nước họ làm ăn ra sao, rồi trở về giúp đồng bào. Người có một nhận xét tinh tế khi tìm thấy ưu điểm của Khổng Tử là tu dưỡng đạo đức; ưu điểm của tôn giáo Giêxu là lòng nhân ái cao cả; ưu điểm của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng. Thật kỳ lạ là một người như Hồ Chí Minh, hiện thân của cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân phương Tây, lại sớm học chữ quốc ngữ và chữ Pháp là hai thứ chữ mà người đương thời cho là chữ của Tây, tức là chữ của giặc; hướng tới phương Tây để  đi tìm đường cứu nước, rất gần với văn hóa, văn minh phương Tây. Người thâm nhập phương Tây dễ dàng, tự nhiên, tự tôi luyện những lý tưởng cách mạng, tiến bộ, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái và trưởng thành ở châu Âu, nhất là những năm tháng ở Pháp, nhưng vẫn hết sức Việt Nam và Á Đông. Nếu tư duy phương Đông, một tư duy được đánh dấu bởi hoài bão tìm kiếm tính thống nhất của vũ trụ, sự hài hòa giữa những mâu thuẫn, trực giác và tính tổng hợp, thì khi đào luyện ở phương Tây, Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận được phương pháp tư duy lý tính và khoa học như là tiêu chuẩn của chân lý; học được phương pháp phân tích, nhất là phân tích duy vật biện chứng mácxít.
3. Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin qua lăng kính đoàn kết với các dân tộc thuộc địa và giải phóng dân tộc
Từ khi ra nước ngoài, mối quan tâm của Nguyễn Tất Thành đối với vấn đề giải phóng dân tộc càng lớn hơn nhất là sau Đại chiến thế giới thứ nhất, khi Anh nhận ra rằng Hiệp ước Vécsai không đề cập đến quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa, “chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp lớn”[12]Khi đến Pháp Anh đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc, tức là người yêu nước. “Lúc bấy giờ ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu biết về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng”[13]. Lòng yêu nước và quyết tâm giải phóng đồng bào là động lực lớn thúc dục Nguyễn Ái Quốc tìm mọi cơ hội tiếp nhận vốn văn hóa, vốn chính trị ở ngay sào huyệt của kẻ thù. Anh học làm báo và vào làng báo; đọc sách của các tác giả nổi tiếng bằng tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp, tiếng Nga… Anh đi nhiều nơi, đến thư viện, dự những buổi nói chuyện chính trị, tới Câu lạc bộ ngoại ô Pari - Câu lạc bộ Phôbua (Faubourg). Anh cũng vào Hội Nghệ thuật và Khoa học, Hội du lịch… Ở những địa điểm trên, được tiếp xúc với nhiều hạng người: bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà văn, thợ thuyền, người đi buôn, người già, người trẻ…, Anh được trang bị một vốn văn hóa, chính trị và vốn sống thực tiễn vô cùng phong phú: “Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở những câu lạc bộ Gia-cô-banh (Jacobins) thời Đại cách mạng Pháp. Ở đây người ta có thể học nhiều chuyện và nhận xét mọi người. Thật là bổ ích”[14]. Anh đi du lịch không phải chỉ vì thích du lịch. “ Điều ấy cũng có, nhưng nhất là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào. Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức”[15].
Nhưng điều quan trọng nhất là Người tiếp nhận những tri thức  ấy qua lăng kính đoàn kết các dân tộc thuộc địa và giải phóng dân tộc. Nguyễn Aí Quốc vào Đảng Xã hội Pháp vì đó là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Và từ đó Anh chứng kiến những cuộc tranh luận sôi nổi, kịch liệt vấn đề nên ở lại trong Đệ nhị Quốc tế, hay là theo Đệ tam Quốc tế, hay là tổ chức một Quốc tế Đệ nhị rưỡi. Lắng nghe tất cả nhưng không hiểu rõ lắm, Anh nêu vấn đề: “Tại sao tranh luận nhiều thế. Trong khi các bạn tranh luận ở đây, thì đồng bào chúng tôi đang rên xiết ở Việt Nam”. Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo L’Umanité, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng “lúc bấy giờ tôi càng lúng túng vì trong cuộc bàn cãi, người ta rất ít nói đến sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết và do đó mà tôi đã tìm ra được con đường đúng”. Ngay cả đến khi bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, Nguyễn Aí Quốc vẫn trả lời một cách rất đơn giản: “Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập… Tự do cho đồng bào tội, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[17]. [16]Hồi tưởng lại con đường đến với chủ nghĩa Lênin, Người viết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình.. Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy -(hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế)- đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi chưa hiểu”.
Tuy lúc đó là một đảng viên Đảng Xã hội, nhưng căn bản Nguyễn Ái Quốc vẫn là một người dân thuộc địa mất nước, đứng trên lập trường của một người yêu nước, khát khao đi tìm đường cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình và các dân tộc khác. Điều Người trăn trở và muốn biết hơn cả lúc bấy giờ là “cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”. Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Điều đó làm cho Người “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng”. Với lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, cộng với vốn tích lũy kiến thức và hoạt động thực tiễn mười năm, được Luận cương của Lênin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được “cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta”, đó là giải phóng dân tộc theo con đường ách mạng vô sản.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, được trang bị một vốn văn hóa, vốn chính trị và vốn sống thực tiễn, một tầm nhìn rộng mở, một tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, suy nghĩ, trăn trở trong khoảng mười năm, cuối cùng Hồ Chí Minh rút ra được kết luận bổ ích: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”[18].
Rút ra được kết luận đó lúc bấy giờ hoàn toàn không đơn giản. Đó là sự kết tinh của lòng yêu nước và tư chất khoa học, trí tuệ và bản lĩnh, tầm nhìn và cách nhìn, nhưng trên hết, trước hết là hoài bão cứu nước cứu dân, xác định mục đích giúp đồng bào thoát khỏi gông cùm nô lệ.
Tóm lại, như Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Đó chính là con đường dẫn Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đến với chủ  nghĩa Mác-Lênin, tìm được con đường cứu nước đúng đắn, khoa học, cách mạng, vừa đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc, hợp lòng dân, vừa phù hợp xu thế của thời đại mới được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười 1917.
B.Đ.P  

[1] Phan Thanh Giản (1796-1867) dẫn đầu đoàn Sứ bộ đi Pháp chuộc lại 3 tỉnh miền Đông mà theo hòa ước Nhâm Tuất đã nhường cho Pháp ngày 5-6-1862. Khi về, yết kiến Tự Đức, Phan tâu rằng “sự giàu có, mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp nói không hết. “Duy hữu tử sinh tạo hóa quyền”(duy việc sống chết để quyền cho tạo hóa). Xin Tự Đức nên hòa với nước Pháp, vua không nghe, ông làm bài thơ có câu: “Từ ngày đi sứ đến Tây kinh/ Thấy việc Âu châu phải giựt mình”.
[2] Phan Văn Trường: Une histiore des conspirateurs annamites à Paris…(một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris), dẫn theo GS Nguyễn Phan Quang - Phan Văn Hoàng: Luật sư Phan Văn Trường, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.25.
[3] GS nguyễn Phan Quang-Phan Văn Hoàng: Luật sự Phan Văn Trường, sdd, tr.39.
[4] Tác giả Thu Trang suy đoán: Vì cần có người tin cậy để cáng đáng công việc, do đó mà hai vị họ Phan đã mời Nguyễn tất Thành sang Paris để tiếp sức trong một phong trào đang lên
[5] Trần Minh Siêu: Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Nxb Nghệ An, 1995, tr.22.
[6] Trần Minh Siê: Sdd, tr.28.
[7] Trần Minh Siêu: Sdd, tr.29.
[8] Thời gian này (khoảng tháng 9-1905), ông Sắc vẫn còn phân vân không biết có nên đi nhậm chức hay không?
[9] Việc ông Sắc cho hai con đi học chữ Pháp là ông nghè Nguyễn Quý Song đã khuyên Nguyễn Sinh Sắc và các sĩ phu: “Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”.
[10] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.
[11] Hsns D’Orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, www.vietnanm. Net, ngày 20-5-2010.
[12] Hồ Chí Minh: Sdd, t.1, tr.416.
[13] Trần Dân Tiên:Sdd, tr.34.
[14] Trần Dân Tiên: Sdd, tr.40.
[15] Trần Dân Tiên: Sdd, tr.43.
[16] Trần Dân Tiên: Sdd, tr.49.
[17] Hồ Chí Minh: Sdd, t.10, tr.126.
[18] Hồ Chí Minh: Sdd, t.2, tr.268.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513889

Hôm nay

259

Hôm qua

2303

Tuần này

21826

Tháng này

220762

Tháng qua

121356

Tất cả

114513889