Những góc nhìn Văn hoá

Bàn về tính thiêng trong lễ hội Làng Sen

Theo các nhà nghiên cứu của Việt Nam thì việc phân loại lễ hội hiện nay có nhiều cách khác nhau và mỗi cách lại gắn với những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên tôi thấy dù có phân loại theo cách nào và dù có theo tiêu chí nào thì có một vấn đề luôn được xem là hạt nhân của mọi lễ hội, đó là vấn đề TÍNH THIÊNG.

Một lễ hội dù có được tổ chức công phu, quy mô dù có hoành tráng bao nhiêu nhưng nếu không có tính thiêng thì chắc chắn sẽ không tạo được sức hút nội tại của lễ hội đối với cộng đồng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc lễ hội thiếu chiều sâu, thiếu sự giao cảm của người dự lễ hội với các hoạt động lễ hội.

Lễ hội Làng Sen là loại lễ hội mới và đang trong quá trình thể nghiệm. Hãy đặt lại câu hỏi: chúng ta tổ chức lễ hội Làng Sen nhằm mục đích gì và người dân tham gia lễ hội Làng Sen với động cơ gì? Để trả lời khúc chiết cho vấn đề này chắc chắn phải rất dài dòng, nhưng tóm gọn lại theo tôi thì tổ chức lễ hội Làng Sen nhằm tôn vinh các giá trị Văn hóa Hồ Chí Minh (Văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng) và người dân tham gia lễ hội Làng Sen nhằm thỏa mãn nhu cầu ngưỡng vọng, biết ơn, tôn kính Bác Hồ. Ở một mức độ cao hơn, lễ hội Làng Sen còn nhằm mục tiêu tư tưởng của thời đại, góp phần củng cố vững chắc hệ tư tưởng Hồ Chí Minh - chỗ dựa tinh thần tin cậy của Đảng, và cả dân tộc cho hiện nay và cả cho tương lai. Và cũng phải nhận ra rằng ngày nay trong tâm thức của đại bộ phận người Việt thì Bác Hồ là một ân nhân, Người được tôn là thánh, là một nhân thần.  Người là biểu tượng của cái tốt đẹp, cái hoàn mỹ trong cuộc sống và có quyền năng siêu phàm để phù hộ độ trì cho nhân gian.   Hiểu như vậy thì vấn đề cốt lõi trong thể nghiệm lễ hội Làng Sen về bản chất là thể nghiệm tính thiêng.        
Nghiên cứu các lễ hội cổ truyền như hội Dóng, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Bà chúa Xứ , lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Chiêu Trưng…cho thấy tính thiêng có thể được hình thành tự nhiên (chính xác là tác động của người tổ chức không rõ) và có thể hình thành có ý thức (người tổ chức có dụng ý, có chủ đích). Nói tính thiêng được hình thành tự nhiên nghĩa là trên cơ sở ban đầu về nguồn gốc của nhân vật thiêng, không gian thiêng hoặc sự việc thiêng sẽ xuất hiện niềm tin tâm linh và niềm tin đó liên tục tiếp biến trong sinh hoạt cộng đồng cho đến khi hoàn thiện thành một tín ngưỡng kiểu như tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Tứ bất tử. Kiểu hình thành tính thiêng tự nhiên phải có thời gian lâu dài và qua nhiều quá trình chọn lọc đào thải tự nhiên do vậy những lễ hội có được tính thiêng kiểu này sẽ trường tồn cùng mọi thời đại. Nói tính thiêng có thể được hình thành có chủ đích nghĩa là trên bản chất của nhân vật thiêng, không gian thiêng người chủ trì tổ chức lễ hội có sự can thiệp/tác động chủ quan nhằm đẩy nhanh hoặc làm đậm đặc thêm tính thiêng của lễ hội. Về nguyên lý vận động của lễ hội điều này có thể chấp nhận được, miễn là phải tôn trọng bản chất của nhân vật thiêng, không gian thiêng, tuyệt đối không được áp đặt, gán ghép, xuyên tạc.
Tính thiêng tuy là tập hợp của nhiều yếu tố và được thể hiện một cách đa dạng nhưng cơ bản nhất là nhân vật thiêng và không gian thiêng. Trở lại lễ hội Làng Sen, chúng ta đang có một nhân vật thiêng là BÁC HỒ và có một không gian thiêng là LÀNG SEN. Tính thiêng trong nhân vật thiêng và không gian thiêng theo tôi đã được hình thành tự nhiên và có nhiều biểu hiện rất bền vững. Vấn đề đặt ra ở đây là lễ hội Làng Sen là lễ hội mới, nếu để tính thiêng tiếp biến tự nhiên thì sẽ tốn thêm nhiều thời gian trong lúc chúng ta đang có nhiều cơ hội để can thiệp/tác động làm cho tính thiêng trong lễ hội Làng Sen sớm được sâu sắc hơn. Điều đó đòi hỏi quá trình thể nghiệm lễ hội Làng Sen phải làm một việc hết sức quan trọng là tìm giải pháp để tính thiêng của Hồ Chí Minh thấm vào cộng đồng, trở thành tâm thức cộng đồng.   
Trên quan điểm như vậy, bây giờ tôi có một số suy nghĩ về việc thể nghiệm biểu hiện tính thiêng trong lễ hội Làng Sen.
Trước hết tôi thấy trong lễ hội Làng Sen tổ chức như hiện nay, có một số yếu tố ít tạo được tính thiêng. Ví dụ với thời tiết nóng nực của mùa hè sẽ ít đưa lại cho cộng đồng người tham gia lễ hội những xúc cảm lắng đọng (ít ra là so với mùa xuân), hoặc do đặc điểm cấu trúc của Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Kim Liên và nói rộng ra là cả không gian làng Sen cũng làm cho việc dâng hương ít tạo dấu ấn chiều sâu (điều này nếu so với những điểm dâng hương ở các lễ hội khác sẽ rõ). Nhưng đó là những vấn đề không phải giải quyết được trong một sớm một chiều. Ở đây tôi chỉ suy nghĩ trên những vấn đề mà theo tôi là trong tầm tay của các nhà tổ chức.
1. Xây dựng trình thức lễ hội Làng Sen phải tạo được môi trường cho tính thiêng thể hiện: Khi trao đổi với một số người, tôi có hỏi hiện nay lễ hội Làng Sen đã có trình thức ổn định chưa và có người cho rằng lễ hội Làng Sen đã có lễ báo công, lễ dâng hương, lễ rước ảnh Bác Hồ và lễ mít tinh. Tôi không phản đối ý kiến này nhưng tôi thấy rất băn khoăn. Bởi lẽ đây có vẻ là những nghi thức hành chính nhà nước, nếu chấp nhận các tiết trong trình thức này thì có thể vẫn ít nhiều hàm chứa được tính thiêng nhưng chắc chắn sẽ rất khó “đẩy” tính thiêng lên cao và vào sâu trong cộng đồng.Trong một bài báo gần đây khi bàn về trình thức của lễ hội Làng Sen tôi thấy tuy là lễ hội mới nhưng lễ hội Làng Sen có nhiều cơ sở để tiếp thu và kế thừa một số tiết trong trình thức của lễ hội cổ truyền như lễ mộc dục, lễ yết cáo, lễ tế, lễ tạ. Tôi thấy chúng ta nên công khai thể nghiệm với các bước đi thận trọng, tránh tình trạng trong thực tế chúng ta vẫn làm nhưng làm tắt làm ngang không chính thống, thiếu đàng hoàng. Tìm hiểu tâm lý công chúng khi tham dự các trình thức trong các lễ hội cổ truyền đều được chuyển hóa từ một không gian thực của đời thường sang một không gian đậm yếu tố linh, thậm chí có lúc là siêu thoát, thánh thiện, con người khi đó dường như càng cần có sự quan tâm chia sẻ của nhân vật thiêng. Và chỉ có như vậy thì con người mới cần đi lễ hội và điều đó mới lý giải được rằng tại sao năm nào lễ hội cũng chỉ có mỗi một trình thức đó mà cộng đồng không thấy nhàm chán và đơn điệu.
2. Khi xây dựng các yếu tố để cấu thành lễ hội Làng Sen cần lựa chọn chu đáo và tổ chức nghiêm túc, trang trọng, thành kính: Nhiều năm gần đây chúng ta đã cố gắng tìm kiếm một số hoạt động có cùng chủ đề tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh để cấu trúc thành lễ hội Làng Sen. Các hoạt động đó đã ít nhiều tạo hiệu ứng biểu thị tình cảm của cộng đồng với Bác Hồ nhưng cá nhân tôi có cảm giác có lúc có việc biểu thị dấu ấn cổ động quá đậm và phải chăng vì vậy mà hình như có vẻ bị kênh so với việc tạo tính thiêng. Chẳng hạn về triển lãm tranh cổ động về đề tài Bác Hồ, có lúc chúng ta đã trưng bày đến trên 100 tác phẩm tranh cổ động đã được phóng to, thiết kế mỹ thuật rất công phu nhưng việc trưng bày thì chỉ có thể tổ chức ở ngoài trời trong lúc tháng Năm nóng nắng và gió Lào, bối cảnh đó chắc chắn khó tạo được hiệu ứng sâu về tính thiêng. Hoặc giả về lễ rước ảnh chân dung Bác Hồ, sáng kiến này theo tôi cũng chủ yếu nghiêng về hiệu ứng cổ động. Đó là chưa kể trong đoàn rước ảnh Bác người nâng cao kẻ hạ thấp, người nghiêng bên trái kẻ nghiêng bên phải, có lúc thấy thiếu trang trọng, thiếu thành kính. Vậy thì không thể có hiệu ứng linh và thiêng được. Ngay cả hoạt động các nghệ sỹ điện ảnh đóng vai Bác Hồ giao lưu với công chúng theo tôi cũng đang mang yếu tố sân khấu, chưa thật sự truyền được cho công chúng những xúc cảm về tính thiêng trong hình tượng Hồ Chí Minh.
Để từng bước hoàn thiện cấu trúc lễ hội Làng Sen, có thể cần thể nghiệm tổ chức các hoạt động như trên, nhưng nên chăng phải nghiên cứu sâu hơn, có kịch bản kỹ hơn cho mỗi hoạt động trong đó thông điệp chủ đạo phải là không bao giờ được quên mục tiêu tạo hiệu ứng về tính thiêng cho lễ hội và theo tôi chỉ nên tổ chức các hoạt động tạo được hiệu ứng linh thiêng, các hoạt động không cho ra hiệu ứng này thì không nên tổ chức.
Để lễ hội Làng Sen có được tính thiêng là cả một quá trình, vừa đòi hỏi có thời gian vừa đòi hỏi có sự nghiên cứu thể nghiệm nghiêm túc. Trong khuôn khổ của một bài viết tôi tin là không bao giờ giải quyết được tất cả mọi vấn đề và ngay cả những suy nghĩ của tôi cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân, là những giả định, vì thế nó có thể đúng và cũng có thể chưa đúng. Dẫu sao đây cũng là một trăn trở nhằm mong muốn lễ hội Làng Sen sớm thật sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phản chiếu tình cảm, sự ngưỡng vọng thành kính và cả những khát vọng thiêng liêng của cộng đồng dân tộc Việt với Bác Hồ - MỘT CON NGƯỜI BẤT TỬ.
 
                                                                                Tháng 5.2011
                                                                                         KL

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513887

Hôm nay

257

Hôm qua

2303

Tuần này

21824

Tháng này

220760

Tháng qua

121356

Tất cả

114513887