Những góc nhìn Văn hoá

Nghĩ về vai trò của người dân trong lễ hội Làng Sen

Lễ hội Làng Sen mới được hình thành trên cơ sở chuyển hoá từ hoạt động nghệ thuật quần chúng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, do UBND tỉnh và ngành Văn hoá chủ trương và tổ chức thường niên từ 10 năm nay. Có lẽ, là lễ hội mới nên lễ hội Làng Sen đang mang tính chất hành chính hoá, vai trò tổ chức chủ yếu vẫn là nhà nước, sự thể hiện của người dân còn mờ nhạt.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá tâm linh có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần nhân dân. Lễ hội phát sinh từ nhu cầu của người dân, do nhân dân tự sáng tạo nên và tự tổ chức để thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của mình. Người dân là chủ thể của lễ hội vì vậy chính họ quyết định việc tổ chức lễ hội phù hợp với tâm lí, đời sống tinh thần và điều kiện vật chất của cộng đồng. Điều này được thể hiện trong lễ hội dân gian rất rõ. Chúng tôi đã nhiều lần được lênh đênh trên sông Lam tham dự lễ hội rước hến đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên). Lễ hội này vốn có từ xưa, và đến nay, vẫn được người dân tự tổ chức hàng năm , tuy lễ lạt đơn sơ nhưng nghi lễ rất tôn nghiêm. Người dân sông nước Hưng Lam (Hưng Nguyên) đã xem lễ hội này là một phần trong đời sống tinh thần của họ. Bởi vậy, dù cư dân còn lại trong làng rất ít (chưa tới 100 hộ), cuộc sống còn bấp bênh, song hàng năm, họ vẫn tổ chức lễ hội để tri ân và cầu mong được vị thần tài phù hộ cho làm ăn yên ổn, bắt được nhiều hến, đời sống thịnh vượng. Rồi, ngay trên đất Nam Đàn, ở xã Nam Trung, người dân tự quyên góp tiền phục dựng lại hai ngôi đình trên địa bàn là đình Quang Thái và đình Trung. Hội đình Quang Thái cũng được người dân khôi phục vài ba năm nay, còn hội đình Trung thì bắt đầu được khôi phục vào năm nay
Nhân dân vừa là người tổ chức, vừa là người tham gia hoạt động văn hóa tâm linh này để thoả mãn nhu cầu của chính họ. Đây là yếu tố quan trọng để hình thức lễ hội tồn tại và phát triển cho đến nay, cho dù lúc này lúc khác, ở đây đó một số lễ hội đã bị đứt đoạn vì thiên tại địch hoạ hay cả vì ấu trĩ, nông nỗi một thời.
Trở lại lễ hội Làng Sen, là lễ hội mới hình thành nên lâu nay, nhà nước đang đóng vai trò chủ thể, từ lo kinh phí đến công tác tổ chức, vai trò của nhân dân đang còn mờ nhạt. Lực lượng tham gia lễ hội là lực lượng được ấn định với hình thức huy động các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, đại biểu các ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành thị trong tỉnh (những năm tổ chức lễ hội quy mô toàn quốc thì có thêm các đoàn đại biểu các tỉnh). Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu người dân ở Kim Liên, nhiều người trả lời rằng, ít tham gia, và ít đi xem hội vì bận làm mùa. Nhiều người thì bảo, nắng, nóng quá cũng không muốn đi xem. Cũng có người nói:  Hội làng Sen thì phải tập trung làm tại làng Sen, ai chạy xuống Vinh mà xem hội! Như vậy, sức sống, sự lan tỏa của lễ hội còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời gian, không gian, chủ thể... Một khi người dân đóng vai trò chủ thể, chủ động thực hành lễ hội thì mới có sức thu hút, lôi kéo cộng đồng cùng tham gia.
Điều cốt yếu của lễ hội là tính thiêng. Không thiêng sẽ không có lễ hội. Hãy xem các lễ hội cổ truyền trên địa bàn, như lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội đền Cuông... năm nào cũng nườm nượp người tham gia bởi các lễ hội đó “thiêng”. Tính thiêng được xác lập và tồn tại bền vững bởi các yếu tố: nhân vật thiêng, không gian thiêng cùng với những hình thức biểu đạt do nhân dân sáng tạo, đúc kết và thực hành từ đời này qua đời khác. Lễ hội Làng Sen cũng không nằm ngoài nguyên lý ấy. Nhân vật thiêng trong lễ hội Làng Sen là Chủ tịch Hồ Chí Minh.. Trong tâm thức cộng đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được huyền thoại hóa - trở thành tín ngưỡng Hồ Chí Minh. Không chỉ ở Nghệ An mà nhiều nơi trong cả nước, người dân thờ Bác tại gia đình, một số đền, chùa cũng có bàn thờ Bác. Không gian thiêng là Làng Sen, cụ thể hơn là nhà tưởng niệm Bác ở Làng Sen... Vậy tại sao trong lễ hội Làng Sen vai trò của người dân còn hạn chế, sự tham gia của họ chưa thực sự đông đảo như ý muốn? Phải chăng, lễ hội Làng Sen đang đươc, và bị, bị hành chính hoá quá mức cần thiết, đang là công việc của nhà nước, vai trò của nhân dân chưa thực sự rõ nét. Mặt khác, có thể là do điều kiện để người dân thực hành các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền còn phụ thuộc vào các yêu cầu và yếu tố khác nên cũng chi phối đến việc tham gia của người dân chăng?
 Lễ hội Làng Sen đang trong quá trình thể nghiệm, và hoàn thiện dần về nội dung, tính chất, diễn trình...Trong thời gian tới, trong các điều chỉnh cần thiết, cần chú trọng mục tiêu tạo nên sự quan tâm và tự giác tham gia lễ hội của người dân. Người dân phải là chủ thể của lễ hội. Có như vậy thì mới đạt mục tiêu tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người, làm cho hình ảnh của Người sống mãi trong lòng dân. Và có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tinh thần/tâm linh của người dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó, thiển nghĩ, cần nghiên cứu để có một diễn trình phù hợp trên phương châm khai thác, vận dụng tối đa các yếu tố của lễ hội cổ truyền vì trong lễ hội cổ truyềnn gười dân ở vị trí trung tâm, tính cộng đồng thể hiện rất rõ, rất cao. Đồng thời cần nghiên cứu để tạo điều kiện cho người dân có điều kiện thực hành các nghi lễ tín ngưỡng thuận lợi. Có lẽ, nếu làm được vậy, Lễ hôi Làng Sen sẽ hấp dẫn và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo hơn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513887

Hôm nay

257

Hôm qua

2303

Tuần này

21824

Tháng này

220760

Tháng qua

121356

Tất cả

114513887