Dân chủ trong trường học từ sau các mạng đến nay có lúc đi từ cực tả sang cực hữu. Sau cách mạng, có quan niệm bình đẳng quá mức giữa thầy và trò, ngay từ cách xưng hô: trò gọi thầy, cô bằng “anh”, bằng “chị” và thầy cô cũng gọi lại trò bằng “anh, chị”. Việc làm đó khiến cho một số học sinh coi thường thầy cô giáo, “cá đối bằng đầu”, trò không tôn trọng thầy cô; có học sinh lại hiểu dân chủ một cách quá trớn nên có hiện tượng ngang nhiên cãi lại thầy cô, không chịu vâng lời thầy cô trong giờ lên lớp.
Sau này đã được chấn chỉnh lại, học sinh đã gọi lại là “thầy, cô” và thầy cô đã gọi học sinh là “em”, trừ trường hợp học sinh các lớp lớn tuổi, các sinh viên, thì thầy cô thường gọi là các “anh, chị”. Lâu nay các trường học đã thống nhất cách gọi một cách hợp lý hơn: học sinh các cấp từ mầm non trở lên và sinh viên các trường cao đẳng, đại học đều gọi người dạy là “thầy cô”; học sinh các lớp mầm non, tiểu học xưng “cháu”, thầy cô cũng gọi lại là “cháu”; các lớp cấp THCS và THPT đều xưng “em” và thầy cô cũng gọi lại là “em”. Riêng học sinh các trường học nghề và sinh viên các trường đại học, cao đẳng thường vẫn xưng “em” với thầy cô, song nếu người học đã lớn tuổi (có trường hợp lớn hơn thầy cô giáo trẻ) thì có thể xưng “tôi” và thầy cô gọi lại là “anh, chị”. Cách xưng hô như thế là phù hợp và cũng không phải vì thế mà mất dân chủ được.
Song vấn đề chính cần trao đổi là dân chủ giữa lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo với học sinh, sinh viên. Trong phạm vi bài viết hôm nay tôi chỉ xin hạn chế việc trao đổi trong phạm vi phát huy tinh thần dân chủ giữa lãnh đạo nhà trường, giữa giáo viên với học sinh cấp THPT. Theo tôi, như quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường phải coi vai trò của học sinh là trung tâm, học sinh có vai trò chủ động trong việc tiếp thu sự giáo dục, giảng dạy của nhà trường, của thầy cô chứ không phải đóng vai trò thụ động. Vì vậy, cách dạy của thầy cô là phải phát huy được vai trò chủ động của học sinh. Thầy cô phải sử dụng phương pháp cải tiến, biết gợi mở để học sinh có thể tiếp thu một cách tích cực kiến thức, kỹ năng mà thầy cô giáo cần truyền đạt. Việc làm đó thể hiện trong khi soạn giáo án tiết dạy, giáo viên phải nghiên cứu để có hệ thống câu hỏi gợi mở giúp cho học sinh có thể tham gia vào bài dạy một cách tích cực, tránh lối dạy một chiều, theo cách nhồi nhét, thầy giảng trò nghe, và tránh sử dụng phương pháp đọc chép mà lâu nay đã lên án.(Tất nhiên cần lưu ý không nên cực đoan là hoàn toàn không đọc chép, vì có trường hợp như ở môn văn có thể những lần giáo viên chốt lại một vấn đề, tiểu kết, tổng kết bài, vẫn có thể tóm lại một vài kết luận cho học sinh chép, thì không nên coi đó là đọc chép). Ngoài việc giảng dạy, giữa thầy cô và trò, giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh cần phải phát huy dân chủ, bàn bạc với các em cho thấu đáo, tránh lối ra lệnh một chiều, không đi đúng đường lối quần chúng thì sẽ thất bại ngay.Tình trạng các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm khi giải quyết công việc trong lớp thường không chú ý lắng nghe ý kiến học sinh, ý kiến của cán bộ đoàn lớp, ít chịu bàn bạc với tổ chức chính trị của các em là khá phổ biến. Lãnh đạo nhà trường, đoàn trường cũng ít quan tâm đến tinh thần phát huy dân chủ đối với học sinh
Vừa qua ở trường HTK - một trường học lớn trong tỉnh, đã xẩy ra một vụ việc không hay giữa lãnh đạo nhà trường và học sinh cuối cấp. Tôi được biết thầy hiệu trưởng mới, có ý tốt là muốn chấn chỉnh một việc đối với học sinh cuối cấp nhưng do không phát huy dân chủ, không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng học sinh nên đã áp đặt và khiến học sinh phản ứng gay gắt, gây ra một việc không hay phải nhờ công an can thiệp, để lại một vết buồn. Lẽ ra trong trường hợp này, đối với học sinh cuối cấp THPT các em hầu hết là đoàn viên TNCS, số còn lại cũng là thanh niên đến tuổi công dân cả rồi, các em đã có tổ chức đoàn, lớp thì thầy giáo nên bàn bạc với các em cho đến nơi đến chốn để các em tự giác thực hiện, đàng này thầy tự ý ra lệnh nên mới xẩy ra chuyện đáng tiếc. Đó là một bài học sâu sắc về phát huy dân chủ trong nhà trường, cần phải rút kinh nghiệm lâu dài.
Nhưng biện pháp để phát huy dân chủ giữa nhà trường, giáo viên và học sinh, các cấp quản lý ngành giáo dục nên đề ra một cách khoa học, thiết thực, có hiệu quả, không nên đề ra những cách làm với tên gọi như: “Trò chấm điểm thầy” hay “Trò đánh giá thầy” mà thời gian qua Bộ đã có chủ trương. Tên gọi cách làm như vậy làm xúc phạm đến thầy cô giáo và ít nhiều tạo cho học sinh tâm lý không tôn trọng thầy cô giáo. Học sinh với tư cách gì mà chấm điểm thầy?! Xưa nay chỉ có thầy chấm điểm trò chứ chưa bao giờ lại có hiện tượng ngược lại là trò chấm điểm thầy?! Chưa làm như vậy lâu nay đã xẩy ra nhiều hiện tượng vô đạo như trò đánh, giết thầy, cô; phụ huynh đánh giáo viên! Bây giờ làm không khéo e còn tạo ra nhiều hiện tượng đáng chê trách hơn, đáng lên án hơn.
Tại sao không đặt ra kênh thông tin gọi là: nhà trường nghe ý kiến học sinh góp cho nhà trường, cho thầy cô giáo; học sinh đề đạt ý kiến, nguyện vọng với nhà trường, với thầy cô giáo hoặc học sinh thông qua tổ chức của mình (đoàn, lớp) góp ý kiến với nhà trường, với thầy cô giáo. Việc đó là rất cần thiết và nên làm để phát huy dân chủ trong nhà trường, nhưng tên gọi phải hợp lý và có văn hóa, không nên gọi những tên như đã nói ở trên, làm cho lãnh đạo nhà trường và thầy cô giáo dễ tiếp thu, sẵn sàng chấp nhận và dễ thông cảm hơn, học sinh cũng không vì thế mà dẫn đến tình trạng “gần chùa gọi bụt bằng anh”, coi thường thầy cô giáo được.