Những góc nhìn Văn hoá

Trường nghĩa quân sự - chiến tranh trong các tác phẩm báo chí viết về bóng đá(Qua khảo sát các báo: Bóng đá, Thể thao & Văn hoá)

Hiện nay, trong các tác phẩm báo chí viết về thể thao nói chung và về bóng đá nói riêng, để tăng thêm sự sinh động, hấp dẫn nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, các tác giả thường sử dụng nhiều thủ pháp ngôn từ khác nhau, trong đó nổi bật là việc chuyển trường nghĩa

Trước hết, cần tìm hiểu, thế nào là “trường nghĩa”. Chúng ta đều biết, mỗi từ trong ngôn ngữ đều có quan hệ mật thiết về ngữ nghĩa với một nhóm các từ khác. Tập hợp những từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa như vậy tạo nên một tiểu hệ thống ngữ nghĩa. Và mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa ấy được gọi là một trường nghĩa1. Chẳng hạn, nhắc đến chiến tranh người ta nghĩ ngay đến súng, đạn, xe tăng, máy bay, bắn, nổ, cháy, binh lính, sĩ quan, chết, bị thương, v.v.; nhắc đến mùi vị người ta nghĩ ngay đến ngọt, bùi, cay, đắng, chát, thơm, v.v.
Còn “chuyển trường nghĩa” là hiện tượng “một từ ngữ thuộc trường ý niệm này được chuyển sang dùng cho các sự vật thuộc một trường ý niệm khác”2. Nói rõ hơn, đó là dùng từ ngữ của trường nghĩa này để thay thế cho các từ ngữ vốn được xem là đặc trưng của một trường nghĩa khác.
Trong báo chí viết về bóng đá, các tác giả sử dụng khá nhiều trường nghĩa khác nhau. Tiêu biểu là: 1. Trường nghĩa Quân sự - Chiến tranh; 2. Trường nghĩa Kinh tế - Thương mại; 3. Trường nghĩa Chính trị - Xã hội; 4. Trường nghĩa Địa lí; 5, Trường nghĩa Ẩm thực; 6. Trường nghĩa Sự vật trong trạng thái tiêu cực; 7. Trường nghĩa Y học.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một trường nghĩa nổi bật, liên quan đến Quân sự - Chiến tranh qua khảo sát 2 tờ báo chuyên viết hoặc viết nhiều về hiện tượng này: Thể thao & Văn hoá (TT&VH) và Bóng đá (BĐ).
Dễ dàng nhận thấy, hiện nay, khi đọc các tác phẩm báo chí viết về bóng đá, chúng ta bắt gặp rất nhiều các từ ngữ nằm trong trường quân sự như: đội quân, nhà cầm quân, chiến binh, lính mới, binh hùng tướng mạnh, tấn công, bắn phá, khai hoả, nổ súng, trái phá, dội bom, v.v. Thậm chí, có thể nói, hầu hết các nhân vật, sự kiện, hoạt động trong bóng đá đều có thể tìm thấy những từ ngữ tương ứng ở trường quân sự. Điều này, theo chúng tôi, có hai lí do:
- Trước hết, giữa bóng đá và chiến tranh có những nét tương đồng nhất định. Bóng đá là một môn thể thao mang vẻ đẹp của sức mạnh, trí tuệ và tinh thần đồng đội. Nó hội tụ trong mình rất nhiều yếu tố như trong chiến tranh: sự đối kháng hai bên, sự khốc liệt của các trận đấu cần phân định thắng thua, chiến thuật cùng đấu pháp tấn công - phòng thủ, sự hồi hộp nóng bỏng đam mê sung sướng khi giành chiến thắng nhưng cũng đau khổ đến tột cùng khi thất bại,... Tất cả đều giống với các tình huống và trạng thái tâm lí của những đoàn quân ra trận. Trong chiến tranh, vấn đề giành thắng lợi là mục đích cuối cùng của cuộc chiến thì bóng đá cũng vậy: bàn thắng là điều được chờ đợi nhất, thắng lợi là là khát khao cháy bỏng. Mỗi trận đấu giống như một trận đánh.
- Thứ hai, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữa nước, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chỉ riêng trong thế kỉ XX, chúng ta đã trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh ác liệt. Đây chính là căn nguyên quan trọng để những từ ngữ thuộc trường nghĩa quân sự  vào trong lời ăn tiếng nói của người Việt (ăn sâu và thấm đậm hơn các dân tộc khác). 
Vốn từ phong phú của trường nghĩa quân sự và đặc điểm giống nhau cơ bản giữa bóng đá và chiến tranh đã làm cho ngôn ngữ các tác phẩm báo chí viết về môn “thể thao vua” này trở nên sinh động và đậm màu sắc quân sự. Có thể nói đây là đặc điểm rất riêng của ngôn ngữ viết về bóng đá mà những môn thể thao khác không có được.
Những từ ngữ thuộc trường nghĩa Quân sự - Chiến tranh có thể chia thành các nhóm chính sau đây: 1. Từ ngữ biểu thị sân bóng; 2. Từ ngữ biểu thị đội bóng; 3. Từ ngữ biểu thị huấn luyện viên; 4. Từ ngữ biểu thị cầu thủ; 5. Từ ngữ biểu thị cầu thủ giỏi; 6. Từ ngữ biểu thị việc thắng/thua; 7. Từ ngữ biểu thị lối chơi; 8. Từ ngữ biểu thị việc đi thi đấu; 9. Từ ngữ biểu thị việc sút bóng vào khung thành đối phương.
1. SÂN BÓNG
Pháo đài Lyon đã vô địch lượt đi, nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu họ chào đón Giáng sinh và năm mới bằng chiến thắng ngay tại pháo đài Marcel Picot.(TT&VH, 22-12-2007)
Sào huyệt  Mở rộng ra, trong 8 trận gần nhất phải đến sào huyệt của Boro, Liverpool chỉ có duy nhất một bàn thắng và chiến thắng gần nhất của họ đã diễn ra cách đây 6 năm. (TT&VH, 12-1-2008)
2. ĐỘI BÓNG
Đoàn quân  Nhưng sau tháng 8 thành công rực rỡ, đoàn quân của Benitez trượt ngã vô duyên suốt tháng 9. (TT&VH, 19-10-2007)
Hạm đội  Lần này ở một cửa ngõ khác mang tên Marseille, một hạm đội hùng hậu của Anh cũng sẽ thực hiện một cuộc đổ bộ với hi vọng chấm dứt giấc mơ Champions League của đội bóng nằm trên bến cảng này. (TT&VH, 11-12-2007)
Binh đoàn  Còn Chelsea họ đang đứng trước cơ hội tốt nhất để chiến thắng Binh đoàn Đỏ. (BĐ, 30-4-2008)
Chiến xa  Hình ảnh một “chiến xa” lừng lững bắn tan mọi lô cốt, phá nát mọi trở ngại không còn tồn tại ở Bayern. (BĐ, 27-4-2008)
Bia đỡ đạn  Trong lịch sử 11 lần làm khách tại Stuttgart, Rostock vẫn là “bia đỡ đạn” với 8 thất bại (3 hoà), nhận tới 25 bàn thua (ghi 7 bàn). (Bóng đá, 22-3-2008)
Khẩu thần công  Nhưng chỉ vài ngày sau, cũng chính tại sân Sanchez Pizjuan, đội bóng của Manolo Jimenez đã lột xác hoàn toàn khi buộc những “khẩu thần công” Arsenal phải im tiếng. (TT&VH, 29-11-2007)
Pháo thủ  Pháo thủ Arsenal vẫn không ngừng nổ súng”. (BĐ, 14-11-2007)
3. HUẤN LUYỆN VIÊN
Tướng  Không biết đây là lần thứ mấy “tướng” Thiện bảo các học trò của ông còn tiếp tục học hỏi, khi tương lai của B.Bình Định đang mịt mù. (TT&VH, 10-3-2008)
Tổng tư lệnh “Hùm xám” cũng muốn đẩy Hitzfeld đi, bởi họ nhận thức được khả năng của “Tổng tư lệnh” đã đến mức tới hạn, không thể tạo ra được bước đột phá, điều mà Bayem rất cần khi thực hiện cuộc cách mạng nhân sự lớn và tốn kém nhất trong lịch sử. (TT&VH, 1-1-2008)
4. CẦU THỦ
Chiến binh Thay cho dàn sao đẳng cấp thế giới kể trên, CLB khổng lồ của thành phố Turin hiện sống trên đôi chân của những chiến binh kém hơn hẳn về trình độ và danh tiếng. (BĐ, 6-1-2008)
Nội binh Thậm chí, vị HLV nhỏ người này sẵn sàng đương đầu với những lời chỉ trích lớn đầu mùa từ những người vốn từng nằm gai nếm mật với đội bóng, và những người thiếu niềm tin vào một tập thể nội binh trẻ, ngoại binh thì toàn mới. (TT&VH, 16-1-2008)
Ngoại binh Hiện tại, TMN – CSG vẫn đang thử việc 4 – 5 ngoại binh để tạm lấp vào chỗ trống của tiền đạo Toledo khi đàm phán giá chuyển nhượng với cầu thủ “gỗ” Rafael nhưng có thể chỉ đăng ký anh này làm suất dự phòng và đang rất có thể ký với tiền đạo Jacob. (TT&VH, 30-12-2007)
Tân binh Nhưng, vẫn cứ cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với các tân binh và đội bóng, trong thời điểm mà năm bóng đá 2008 đã thực sự bắt đầu… (TT&VH, 31-1-2008)
Cựu binh Dường như muốn khẳng định mình, các cựu binh Sông Lam trận này đã chơi rất xông xáo. (TT&VH, 10-3-2008)
Lính đánh thuê  Đội bóng Pháp có số “lính đánh thuê” nhiều nhất (Lens) cũng chỉ xếp thứ 29 trong số 5 giải đấu: Premiership, La Liga, Bundesliga. Serie A, Ligue I. (BĐ, 20-3-2008)
Thương binh  Ngay đến “thương binh” như Minh Chuyên cũng được động viên mặc áo thi đáu ra sân để cùng đồng đội cho “đẹp đội hình”, tất nhiên nhiệm vụ của anh cũng chỉ là mặc đồ đẹp và đi loanh quanh trên sân mà thôi. (TT&VH, 13-12-2007)
Pháo thủ chinh chiến  Toure phạm lỗi ngờ nghệch với Babel song hãy nhớ là hậu vệ này đã chơi gần 200 trận cho Arsenal, là một trong những pháo thủ chinh chiến dày dặn nhất. (TT&VH, 10-4-2008)
Lão tướng  Có lẽ HLV người Đức sẽ không tiếp tục sử dụng lão tướng Salgado như ở trận gặp Mallorca bởi cầu thủ này chơi khá dở. (TT&VH, 12-1-2008)
Lính mượn Trước cơn sóng dữ, TC.V đành mượn đến sức lực của một số “lính mượn” từ các quận khu. (BĐ, 2-1-2008)
5. CẦU THỦ GIỎI
Vũ khí  Moyes đang có trong tay những vũ khí đủ để mang tới một buổi tối buồn cho Eriksson. (TT&VH, 12-1-2008)
Bom  Sau cuộc thay “tướng” giữa dòng, rồi đến “quả bom” Amaobi phát nổ khiến cho đội bóng sông Hàn bối rối. (BĐ, 20-2-2008)
Vũ khí hạng nặng  Ông đến với đội bóng thủ đô nước Đức mùa Hè vừa qua và giờ đây, mang theo thứ “vũ khí hạng nặng” mà Favre từng có đến với sân Olimpic. (TT&VH, 11-1-2008)
Đại bác hai nòng  Stamford Bridge đang nóng lòng chờ màn trình diễn của “đại bác 2 nòng” Drogba – Anelka. (TT&VH, 13-1-2008)
Bộ ba nguyên tử Nhưng ấn tượng nhất vẫn nằm ở hàng công, Ferguson hay bất cứ ai cũng phải thừa nhận Quỷ đỏ đang có những chân sút rất tốt là C.Ronaldo, Rooney, Tevez, “bộ ba nguyên tử” ấy đã mang về những chiến thắng ấn tượng. (BĐ, 13-11-2007)
Ngòi nổ  Sự có mặt thường xuyên của chân sút người TBN trong khu vực cấm địa của Newcastle giống như một ngòi nổ có thể phát nổ bất cứ lúc nào và rõ ràng là Keegan không biết phải làm gì để đối phó với một sát thủ đáng sợ như vậy. (TT&VH, 10-3-2008)
Bệ phóng  Có thể nói cựu tiền vệ của Monaco như một chiếc động cơ có công suất lớn ở khu vực giữa sân, không chỉ góp phần đem lại sự an toàn cho hàng thủ mà còn là bệ phóng cho những cầu thủ tuyến trên trong những pha tấn công (TT&VH, 8-1-2008)
Lá chắn thép  An ủi duy nhất đến từ “lá chắn thép” Buffon trong khung gỗ và phần nào là phong độ cao của hàng công. (BĐ, 20-1-2008)
Mũi tên  Nếu muốn thắng Cagliari, Roma cần lợi dụng tâm lý máu lửa của đối thủ để tung ra các đường phản công thần tốc với những “mũi tên” Giuly hay Mancini trong thế trận chặt chẽ. (TT&VH, 29-3-2008)
Cỗ máy dội bom  Như vậy, ngôi sao của đội bóng Hoàng gia chỉ cần thêm 16 bàn thắng nữa để xô đổ kỷ lục “máy dội bom” xuất sắc nhất mọi thời đại, huyền thoại Di Stefano. (BĐ, 12-3-2008)
Đại pháo  Sau những vòng đấu đầu tiên khá chệch choạc thì giờ đây, hai khẩu đại pháo (Sanogo - Almida) và ngòi nổ Diego đã tìm thấy sợi dây liên kết. (BĐ, 24-10-2007)
Song kiếm hợp bích  Drogba sẽ kết hợp với Kalou thành cặp “song kiếm hợp bích” vô cùng đáng sợ. (BĐ, 21-1-2008)
Siêu cao xạ  Bayern mới tịt ngòi hai trận liên tiếp ở Bundesliga, nhưng không ai dám đảm bảo rằng “siêu cao xạ” Toni- Klose sẽ tiếp tục lặng im để buông tha một Bolton đang chìm nghỉm dưới tận cùng đau thương. (BĐ, 28-11-2007)
6. THUA (KHÔNG GHI BÀN)
Tịt ngòi Như ngọn núi lửa âm ỉ, Rooney thường bùng lên mạnh mẽ sau một giai đoạn tịt ngòi. (TT&VH, 23-12-2007)
Buông súng  Sau trận thua 0-3 trước Boca Juniors ở lượt đấu trước, những tưởng Atlas sẽ “buông súng” để trở lại đấu trường quốc nội. (BĐ, 19-3-2008)
Vẫy cờ trắng  Atletico cũng bất ngờ “vẫy cờ trắng” tại Vicente Calderon trước một Betis thiếu tới 3 trụ cột. (BĐ, 22-4-2008)
Đầu hàng  Dẫu bị Real bỏ xa tới 8 điểm; dẫu Rijkaard đã có dấu hiệu “đầu hàng” với tuyên bố: “Real đang là đội bóng mạnh nhất La Liga…” (BĐ, 16-2-2008)
Bắn hạ  Trước khi bị Roma “bắn hạ”, Kền kền trắng từng là nạn nhân của Bayern Munich ở mùa giải năm ngoái, Asenal (05/06), và Juvetus (04/05). (BĐ, 7-3-2008)
7. LỐI CHƠI
Tập kích  Điều đó cho thấy là nếu muốn hạ gục Nancy thì Lyon cần chú trọng tập kích trong nửa sau thời gian của trận đấu. (TT&VH, 22-12-2007)
Phòng ngự phản công  Và khi hậu phương đã vững chắc, lối chơi phòng ngự phản công cũng có dịp thăng hoa. (TT&VH, 11-42008)
Đánh du kích  Zurich “đánh du kích” và hạ Sarta Prague (2-1). (BĐ, 8-11-2007)
Đánh biên  Huống chi, HP.HN khi ấy cũng chẳng có “vở” gì đặc sắc để khoan thủng khung thành thủ môn Vĩnh Lợi, ngoài những pha đánh biên thuần tuý. (BĐ, 23-1-2008)
Tổng tấn công  Họ “tổng tấn công” Bayern với 4 tiền đạo: Petric, Valdez, Buckley, Klimowicz cùng đội hình đẩy lên rất cao. (BĐ, 20-4-2008)
Không chiến  Khả năng không chiến và ghi bàn của các hậu vệ, đặc biệt là trung vệ, đã là truyền thống của bóng đá Anh suốt từ khi những giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức. (TT&VH, 14-1-2008)
Dụ quân  Banega hiện là ngôi sao ở tuyến giữa của đội bóng Argentina, và chiêu “dụ quân” của Milan có lẽ chỉ là để làm lung lạc tinh thần của cầu thủ trẻ này, cũng như khiến cho Boca phải phân tâm đôi chút. (TT&VH, 20-11-2007)
Phong toả  Do đó có nhiều khả năng HLV Gerts sẽ bố trí sơ đồ 4-5-1, chỉ với một mình Niang trên mũi nhọn tấn công, để dùng số đông phong toả tuyến tiền vệ cơ động của Liverpool. (TT&VH, 11-12-2007)
Đánh chặn  Thể Công đã có phương án đánh chặn các mục tiêu này để hoàn thành mục tiêu có 1 điểm. (TT&VH, 4-1-2008)
Vây hãm  Hưng phấn nhờ bàn thắng đầu tiên, Roma liên tục vây hãm đội khách nhưng rồi cả Vucinic, Taddei và Cicinho đều phung phí để cuối cùng phải trả giá. (BĐ, 1-2-2008)
8. ĐI THI ĐẤU
Hành quân  Trước chuyến hành quân đến Emirates, Tottenham chỉ thua một trận dưới triều đại Ramos. (TT&VH, 23-12-2007)
Ra trận  Các cầu thủ trong tư cách của những người “ra trận” không thể nào chấp nhận được sự quy hàng trước đối phương dù đó là một đội quân hùng mạnh hơn mình. (TT&VH, 25-2-2008)
Ra sa trường  Không hiểu có sự tính toán nào đó, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, tất cả các đội bóng phải “ra sa trường”. (BĐ, 10-12-2007)
Viễn chinh  Cần một chút may mắn để vượt qua vận đen, nhưng SHB ĐN đã trắng tay một cách tuyệt đối trong năm lần “viễn chinh” Long An. (BĐ, 20-1-2008)
Tái chiến  Giải pháp được HLV Luis Aragones tính tới là triệu tập anh cho các trận giao hữu quốc tế vào tháng 2 này, qua đó dập tắt hy vọng “tái chiến” Krkic từ phía Seria, HLV trưởng đội tuyển U21 TBN, cũng muốn có Krkic trong đội hình cho những trận đấu quan trọng không kém sắp tới. (TT&VH, 31-1-2008)
Chiến dịch  Họ không có những con người trẻ, khoẻ có thể chạy cả mùa giải không biết mệt như C.Ronaldo hay Henry, nhưng lại có cá nhân dày dặn kinh nghiệm và biết bùng nổ đúng lúc, để thực hiện cho chiến dịch “phát một” ở đấu trường châu lục (TT&VH, 4-3-2008)
Đọ súng  Cuộc đối đầu giữa Genoa và Juventus ở Luigi Ferraris hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn với cuộc “đọ súng” của hai chân sút này. (TT&VH, 9-3-2008)
Tham chiến  Nhưng có điều, những con người từng giúp đội bóng xứ Catalan làm nên lịch sử đều không thể “tham chiến”. (BĐ, 26-4-2008)
Xuất trận  Lần đầu tiên, tân binh Marcio được xuất trận. (TT&VH, 29-12-2007)
Ra quân  Tiền vệ 27 tuổi bị chấn thương ngay trong trận ra quân, thua tân binh Duisburg 1 – 3 ngay trên sân nhà, cũng là vết thương đầu gối ấy. (TT&VH, 15-11-2007)
Nội chiến  Trong các trận còn lại, đáng chú ý nhất là 3 cuộc “nội chiến” Premier League. (TT&VH, 6-1-2008)
9. SÚT BÓNG VÀO KHUNG THÀNH ĐỐI PHƯƠNG
Nổ súng  Chỉ đứng thứ 4 ở cuộc bầu chọn tháng trước, nhưng chân sút số 1 của Thép – Cảng đã tăng tốc mạnh mẽ tại vòng 3 vừa qua khi đều đặn “nổ súng” vào lưới ĐPM.NĐ, ĐT.LA và mới đây nhất là cúp đúp vào lưới HP.HN. (TT&VH, 5-3-2008)
Nhả đạn  Khi Ngọc Thanh tịt ngòi 5 trận vừa qua, De Jesus và Leandro đã “nhả đạn” đều đặn các trận gần đây. (TT&VH, 29-3-2008)
Nã pháo  Mùa này, Rooney từng nã pháo 8 trận liên tiếp còn Ronaldo vẫn là chân sút hàng đầu với 14 bàn ghi được trên mọi mặt trận. (TT&VH, 14-12-2007)
Bắn phá  Đó là trận đấu mà các hậu vệ của Real đã “mở cửa” cho các chân sút của đội chủ nhà thoải mái “bắn phá” khung thành thủ môn Casillas. (BĐ, 11-12-2007)
Phát hoả  Ở Old Trafford, M.U đã bắn phá mảng lưới Newcastle đến 6 lần trong hiệp 2 dù bất lực trong suốt 45 phút đầu tiên. (TT&VH, 14-1-2008)
Dội bom  Nhưng dường như, những gì tinh hoa nhất của hàng công Portsmouth đã dồn hết vào màn “dội bom” hoành tráng ấy; để rồi từ đó, họ đã tịt ngòi suốt 360 phút của 4 trận sân nhà gần đây. (TT&VH, 6-12-2007)
Thông nòng  Fabregas cũng kịp “thông nòng” còn Senderos, Clichy (những tội đồ trước Birmingham và Aston Villa) đều chơi như thể muốn chuộc lại tất cả lỗi lầm. (BĐ, 7-3-2008)
Phát pháo  Một khởi đầu hoàn hảo của các chân sút nội khi niên tục “phát pháo” khiến cho giới mộ điệu khấp khởi hy vọng sẽ có một cuộc lật đổ ở ngôi vị “vua phá lưới” từ các chân sút ngoại. (BĐ, 12-3-2008)
Tằng tằng phát một Ngoài cú đúp vào lưới Aston Villa (20/10), Rooney cứ “tằng tằng phát một”. (BĐ, 29-10-2007)
Nã ngư lôi  Ngay tại tổ ấm của người Casellon, Real Madrid đã nã 5 quả ngư lôi vào tàu ngầm vàng khiến đội quân của Pellegrini phải nhận trận thua nặng nề nhất trên sân nhà trong lịch sử La Liga. (BĐ, 25-1-2008)
Phản pháo  Bên kia chiến tuyến, HLV Vương Tiến Dũng cũng gần như ngay lập tức tung De Jesus vào sân để “phản pháo” lại. (BĐ, 21-1-2008)
Công phá  Ở mùa giải này, rất nhiều chân sút được các CLB tậu về với kỳ vọng, sẽ mang lại sức sống mới, mạnh mẽ hơn cho đội nhà trong khâu “công phá” khung thành đối thủ. (BĐ, 27-2-2008)
Trên đây mới chỉ là những ví dụ tiêu biểu chúng tôi thu thập được từ hai tờ báo khá tiêu biểu viết về bóng đá. Song chúng cũng đủ để cho thấy các từ ngữ thuộc trường nghĩa Quân sự - Chiến tranh được sử dụng phong phú và đa dạng đến mức nào trong các tác phẩm báo chí viết về môn thể thao "Vua" này. Và nếu xét từ góc độ ngôn ngữ học, chúng mang lại những lợi ích to lớn sau đây:
Thứ nhất, tạo sự ngắn gọn, hàm súc
Các từ ngữ chuyển trường thường mang tính hàm súc cô đọng vì trong phần lớn trường hợp chúng có khả năng gợi: gợi hình ảnh, gợi tư tưởng, gợi tình cảm ở người đọc. Đây có thể coi là hiệu quả dễ nhận thấy nhất của việc chuyển trường từ vựng trong các bài báo viết về bóng đá.
Ví dụ:
Rooney không giữ được sự sắc bén như trước Arsenal mà một phần lí do đó là vì “mất sóng” với hàng tiền vệ. (TT&VH, 22-2-2008)
 Trong giai đoạn chiến tranh, từ “mất sóng” thường được dùng trong quân sự hay thông tin. Nhưng ở thời đại ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của điện thoại di động, các phương tiện thông tin kết nối không dây thì “mất sóng” được sử dụng thường xuyên và phổ biến. Dựa trên quan hệ tương đồng, các nhà báo đã nhận thấy sự giống nhau giữa chuyện “mất sóng” của sự vật với mất liên lạc giữa các cầu thủ với nhau trong đội bóng. Vì vậy, từ mất sóng có thể thay thế cho cụm từ “mất sự liên lạc” hay “không có sự liên kết”. Rõ ràng, từ “mất sóng” hay hơn, sinh động hơn và quan trọng hơn cả là nó có khả năng tiết kiệm từ ngữ và tăng hiệu quả thông tin.
Tương tự, trong ví dụ dưới đây, hai chữ“thông nòng” có thể thay thế cho cả một cụm từ“giúp cho các tiền đạo ghi bàn”:
Hi vọng, những cải cách từ nhà cầm quân mới, bài toán thông nòng cho Tài Em – Minh Phương sẽ được giải quyết. (BĐ, 26-4-2008)
Trong trận đấu, để các “khẩu pháo” (tức các tiền đạo) phát nổ thì cần có đạn - tức là có bóng ở khu vực tuyến trên. Các cầu thủ tiền vệ chính là người chuyền bóng lên cho tiền đạo và họ giữ vai trò lấy bóng và chuyền chính xác lên cho tiền đạo. Hành động này dưới góc nhìn của quân sự đó là “cấp đạn”. Như vậy chỉ bằng một từ ngắn gọn, các nhà báo có thể tiết kiệm được khá nhiều từ ngữ mà vẫn đảm bảo đầy đủ ý nghĩa, nội dung thông tin sinh động hơn, ví dụ:
Đó sẽ là Zebina, Chiellini, Legrottaglie tại hàng thủ, là cặp tiền vệ trung tâm Nocerino – Zanetti đang chơi ngày càng ăn ý, là bộ đôi Salihamidzic và Nedved đảm nhiệm vai trò “cấp đạn” cho cặp tấn công Pel Piero – Trezeguet. (BĐ, 23-12-2007)
Thứ hai, tăng tính hấp dẫn
Việc sử dụng các từ ngữ thuộc trường nghĩa quân sự-chiến tranh đã mang lại sự sinh động, hấp dẫn cho các bài báo viết về bóng đá. Nhà báo có thể hình dung mỗi đội bóng như một “chiến xa”, một “cỗ xe tăng” hay là “tàu ngầm” và mỗi khi đi thi đấu là một lần ra chiến trận.
Ví dụ:
Thất bại tại EURO 2004 chỉ là một dấu mốc nhăn nhúm cho hành trình khốn khổ của cỗ xe tăng mà ở đó Cộng hoà Czech chỉ là một trong những quả đạn B41. (BĐ, 17-10-2007)
Sự gian khổ khó khăn của đội bóng Đức như hành trình năng nề của cỗ xe tăng đang vật lộn nơi chiến trường EURO. Thất bại trước đội bóng Cộng hoà Czech không khác gì chiếc xe tăng bị trúng quả đạn B41. Kèm theo sự liên tưởng giữa đội bóng và “cỗ xe tăng” là các từ cùng trường nghĩa với nó như: dấu mốc, hành trình, quả đạn B41. Người đọc như được chứng kiến một trận đấu trên chiến trường chứ không chỉ là một trận bóng đá.
Nếu như “đạn B41” là vũ khí lợi hại để bắn hạ “xe tăng” thì “ngư lôi” chính là kẻ thù của “tàu ngầm” :
Ngay tại tổ ấm của người Casellon, Real Madrit đã nã 5 quả ngư lôi vào Tàu ngầm Vàng khiến đội quân của Pellegrini phải nhận trận thua nặng nề nhất trên sân nhà trong lịch sử dự La Liga. (BĐ, 25-1-2008)
Thay vì cách viết: “Real Madrid đã thắng Villareal (Tàu ngầm Vàng là biệt danh của đội bóng này) 5-0” rất đơn điệu, hoàn toàn chỉ là thông tin không có màu sắc biểu cảm, tác giả đã viết “Real Madrit đã nã 5 quả ngư lôi vào Tàu ngầm Vàng”.
Nhưng trong chiến tranh đâu chỉ có “xe tăng”, “tàu ngầm”, “hạm đội” mà còn có cả “phi cơ”. Nếu như ở trên là mặt trận bộ binh và thuỷ binh thì ví dụ tới đây sẽ là cách hình dung đội bóng ở lĩnh lực không binh.
Camoranesi nằm trong số ít nhân tố chủ lực không rời bỏ chiếc phi cơ màu Đen - Trắng khi nó bị trục xuất khỏi vùng trời yêu dấu Serie A nhưng tiền vệ gốc Argentina đang điều trị chấn thương dài hạn. (BĐ, 4-11-2007)
Một đội bóng được so sánh với chiếc phi cơ đánh chiếm trên không. Nếu ở các ví dụ trên, sự chuyển trường bắt đầu từ biệt danh của đội bóng như “xe tăng” hay “tàu ngầm” thì ở ví dụ cuối, sự chuyển trường ấy lại bắt nguồn từ những quan sát thực tế về màu sắc trang phục của đội bóng: màu Đen - Trắng.
Thứ ba, tạo dấu ấn riêng của phong cách ngôn ngữ viết về bóng đá
Các tác phẩm báo chí viết về bóng đá thường sử dụng với mức độ đậm đặc các từ ngữ mang sắc thái ý nghĩa giao tranh - chiến trận. Điều này, có nguyên do, như chúng tôi đã nói trên, là bởi sự gần gũi về nhiều phương diện của môi trường quân sự - chiến tranh và môi trường bóng đá.
Ví dụ:
Trước trận mất tướng. Giữa trận mất quân. (TT&VH, 25-3-2008)
Trong tay vị HLV người Pháp có 5 “khẩu pháo” nhưng một đã bị loại khỏi vòng chiến, một đang sửa chữa, một phải thường xuyên “di động”, một đang có dấu hiệu quá tải, và “khẩu” còn lại thì chưa hoàn chỉnh. (Đọ pháo, TT&VH, 1-3-2008)
Lần này, ở một cửa ngõ khác mang tên Marseille, một hạm đội hùng hậu của Anh cũng sẽ thực hiện một cuộc đổ bộ với hi vọng chấm dứt giấc mơ Champions League của đội bóng nằm trên bến cảng này. (TT&VH, 11-12-2007)
Nếu gọi trường nghĩa Quân sự - Chiến tranh, nơi có những đơn vị từ gốc có thể được chuyển nghĩa, là miền nguồn, và các trường nghĩa khác, nơi sẽ sử dụng sản phẩm của phép chuyển nghĩa nói trên, là miền đích, thì trường nghĩa bóng đá là miền đích tiêu biểu nhất, điển hình nhất. Vì thế, khi gặp các từ ngữ thuộc trường quân sự được dùng không phải ở nghĩa gốc của mình, người đọc thường có liên tưởng ngay đến bóng đá. Nói cách khác, việc chuyển trường từ vựng quân sự chiến tranh sang trường từ vựng bóng đá đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng của phong cách ngôn ngữ viết về bóng đá.
                                                          *
Dĩ nhiên, có một điều rất cần thiết là, để tạo được những sự liên tưởng độc đáo, những cách diễn đạt ấn tượng như trên, các nhà báo (ngoài việc nắm bắt những tri thức về thể thao - bóng đá) cần phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ sắc bén và sự hiểu biết sâu rộng về đời sống văn hoá - xã hội.
 
                                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoàng Anh, Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, NXB Lao động, H., 2003.
[2] Hoàng Anh, Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, NXB Đại học Quốc gia, H., 2008.
[3] Đỗ Hữu châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, H., 1999.
[4] Đỗ Hữu Châu - Đỗ Việt Hùng, Đỗ Hữu Châu tuyển tập, t. 1, NXB Giáo dục, H., 2005, tr. 68.
[5] Nguyễn Đức Dân, Ngôn ngữ báo chí - Những vấn đề cơ bản, NXB Giáo dục, 2007.
[6] Hervouet Loic, Viết cho độc giả (bản tiếng Việt, Lê Hồng Quang dịch), Hội Nhà báo Việt Nam, H., 1999.
[7] Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H., 1980.
[8] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2001. 

* PGS TS Ngữ văn, Học viện Báo chí & Tuyên truyền - Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
** ThS Ngữ văn, Hà Nội.
1 Xem: Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr. 171.
2 Đỗ Hữu Châu - Đỗ Việt Hùng, Đỗ Hữu Châu Tuyển tập, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr. 68.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513889

Hôm nay

259

Hôm qua

2303

Tuần này

21826

Tháng này

220762

Tháng qua

121356

Tất cả

114513889