Trải qua những năm tháng chiến tranh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam "chung một kẻ thù", chịu thương chịu khó chăm nom bố chồng (Nguyễn Tài Đức) và cần mẫn nuôi hai con nhỏ (Nguyễn Tài Việt, Nguyễn Tài Nam) học hành đến nơi đến chốn, bà xứng đáng đứng chung hàng ngũ những người phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Có thể nói, tình yêu Việt Nam đã kéo N. V. Stankevich đến với tình yêu tiếng Việt, được bà gửi gắm toàn bộ tâm huyết vào tiếng Việt, "hoá thân" cùng mối tình với Nguyễn Tài Cẩn. Bà là một trong số những nhà Việt Nam học đầu tiên của Liên Xô lúc đó. GS Stankevich thường trầm tính, ít nói và càng ít nói về mình và về chồng. Trước khi tổ chức Toạ đàm KH: Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, chúng tôi có nhờ gia đình liên lạc với GS Stankevich, đề nghị bà hưởng ứng và viết đôi lời về Nguyễn Tài Cẩn. Bà đã cám ơn, hoan nghênh dự định này song không thể đáp ứng. Vừa mới đây, qua PGS TS Vũ Đức Nghiệu (Trường đại học KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội) chúng tôi nhận được bài báo "Лет вьетнамистики прекрасное начало" (Những năm tháng khởi đầu tuyệt vời của chuyên ngành Việt Nam học), in trong Kỉ yếu Hội nghị quốc tế Đông phương học và Nghiên cứu Phi châu học tại Trường đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, nước Nga và các nước Châu Âu. Những vấn đề cấp thiết và viễn cảnh, tổ chức tại St-Petersburg, từ 4 đến 6-4-2006. Kỉ yếu được xuất bản năm 2008, nhân kỉ niệm 150 năm Khoa Đông phương học, Trường đại học Tổng hợp St-Petersburg. Đây là một bài viết mang tính học thuật là chủ yếu. Nhưng qua những dòng đánh giá khách quan, khoa học, lần đầu tiên chúng ta đọc được những suy nghĩ, nhận định chân tình, nghiêm túc và cảm động của GS Stankevich về chính người bạn đời của bà - GS Nguyễn Tài Cẩn. Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc bài viết này. Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn GS TS N. V. Stankevich và PGS TS Vũ Đức Nghiệu, đã cung cấp tài liệu; cám ơn GS TS Nguyễn Văn Lợi đã giúp dịch bài viết một cách hết sức khẩn trương, kịp thời. Ông đã tranh thủ đọc, dịch, cân nhắc từng câu từng chữ bằng cả tâm huyết và tấm lòng kính yêu vô hạn trước hai người thầy của mình: GS Nguyễn Tài Cẩn và GS Nonna Vladimirovich Stankevich.
Mùa thu năm 1955, chuyên ngành Ngữ văn Việt Nam được mở tại Ban Ngữ văn Trung Quốc thuộc Trường đại học Tổng hợp Leningrad. Nhưng ngay từ mùa xuân năm đó, Igor' Sergeevich Bystrov – người vừa tốt nghiệp xuất sắc khoa Đông phương học, ngành ngữ văn Trung Quốc được đề nghị theo học nghiên cứu sinh chuyên ngành tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt là ngôn ngữ mới, nên I. S. Bystrov đặt cho mình mục đích theo học nghiên cứu sinh để chuẩn bị chương trình dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Ban Ngữ văn Trung Quốc và tiếng Tây Tạng là ngôn ngữ thứ hai được học. Nếu như việc học tiếng Hán - những bài giảng về ngữ pháp, bài tập hội thoại, thậm chí các bài học về cách viết nhanh chữ tượng hình rất hấp dẫn đối với sinh viên, thì buổi học đầu tiên về tiếng Tây Tạng lại làm nản lòng chúng tôi: tiếng Tây Tạng có cấu trúc, chữ viết xa lạ, cùng với các văn bản Phật học khô khan.
Nhưng sau đó việc học tiếng Tây Tạng bị dừng lại, do giáo viên bị ốm, và chúng tôi được thông báo rằng sẽ được học tiếng Việt thay cho tiếng Tây Tạng và sẽ có giáo viên tiếng Việt từ Việt Nam sang.
Trước khi giáo viên tiếng Việt từ Việt Nam tới, S. E. Jakhontov đã nói chuyện với chúng tôi về ngôn ngữ này. Ông nói rằng việc nghiên cứu cứu tiếng Việt - tiếng An Nam, theo cách gọi thời đó, đã bắt đầu có ở khoa chúng tôi từ những năm 30 thế kỉ XX với công trình “Cơ cấu tiếng An Nam”của Ju.K. Shutskij. Sau khi tác giả bị thanh trừng, việc nghiên cứu tiếng Việt bị dừng lại; tuy nhiên, hiện nay, trong thư viện của Khoa Đông phương học vẫn có thể tìm thấy công trình trên của Shutskij và cuốn “Sách học tiếng Việt”của R.I. Minin (sau này chúng tôi mới biết, Minin chính là nhà cách mạng và nhà hoạt động Nhà nước Nguyễn Khánh Toàn).
Trong khi tìm hiểu về tiếng Việt qua các cuốn sách trên, chúng tôi gặp lại I. S. Bystrov, vốn đã quen từ 3 năm trước, khi chúng tôi cùng khảo sát điền dã tại các làng của người Đông Can (tiếng Đông Can là biến thể địa phương của tiếng Hán - ND) ở Kyrgyrstan. Ngoài ra, S. E. Jakhontov đề nghị tôi và một sinh viên khác làm khóa luận về sự tương ứng ngữ âm Hán-Việt trên tư liệu bộ từ điển 2 tập Hán-Việt (Sino-Annam) có trong thư viện Khoa Đông phương. Cần làm rõ sự tương ứng cách đọc các chữ vuông tượng hình Hán và cách đọc tiếng Việt - sau này gọi là cách đọc Hán-Việt.
Công việc này trở nên hữu ích, bởi vì nó cho phép người học tiếng Hán dựa vào cách viết bằng chữ cái ghi âm tiếng Việt có thể đoán ra chữ vuông Hán và cách đọc tiếng Hán. Điều đó cũng giúp chúng tôi - những sinh viên năm thứ ba tiếng Hán có thể đọc báo bằng tiếng Việt mà hầu như không cần tra từ điển, bởi vì trong các văn bản có nhiều yếu tố gốc Hán.
Thời kì này N. D. Andreev đã bắt đầu dạy tiếng Việt cho sinh viên chuyên ngành Việt Nam học năm thứ nhất. Andreev tốt nghiệp khoa ngữ văn và tự học tiếng Việt qua các tài liệu bằng tiếng Pháp. Ngay sau khi khai giảng khóa học, Andreev đã giới thiệu Nguyễn Tài Cẩn với tôi, Bystrov và các sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành tiếng Việt.
Chúng tôi biết rằng Việt Nam vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kì, đầy gian khổ để giải phóng đất nước. Chúng tôi đã xem bộ phim tư liệu của R. Carmen về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cũng biết rằng trong chiến tranh, gia đình người thầy giáo tiếng Việt của chúng tôi - Nguyễn Tài Cẩn đã chịu nhiều mất mát. Nhưng đứng trước chúng tôi hôm đó là một người tuổi còn trẻ - trạc tuổi I. S. Bystrov và nhiều giáo viên ở khoa, tràn đầy lạc quan và dễ mến.
Khi đã quen biết Nguyễn Tài Cẩn hơn, chúng tôi - những người nghiên cứu tiếng Hán rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết của anh về văn học cổ điển Trung Quốc. Những trích đoạn Kinh Thi, hay thơ Đỗ Phủ, Lí Bạch, Âu Dương Tu mà chúng tôi được học với các giáo viên - chuyên gia về thơ ca cổ điển Trung Quốc, thì Nguyễn Tài Cẩn đã được làm quen từ thời niên thiếu, tương tự như việc chúng tôi quen thuộc với những vần thơ của Pushkin hay Nekrasov. Ở ban Hán học người ta bắt đầu nói với nhau rằng Nguyễn Tài Cẩn sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, ông đã được dạy chữ Hán và thơ ca cổ điển Trung Quốc từ rất sớm trong một gia đình mà ông, cha là những người đã trải qua các kì thi trong hệ thống Nho học vốn vẫn tồn tại ở Việt Nam đến tận những năm đầu thế kỉ XX.
Năm 13 tuổi, Nguyễn Tài Cẩn vào học trường trung học của Pháp mang tên Khải Định nổi tiếng ở Huế - thủ đô của Việt Nam thời đó. Do vậy, Nguyễn Tài Cẩn nắm vững lịch sử và văn học châu Âu, thuộc lòng V. Hugo và A. Mussét.
Trong những năm kháng chiến, khi vừa tốt nghiệp trung học, Nguyễn Tài Cẩn tham gia Việt Minh - lực lượng giải phóng Việt Nam, ông dạy trong các trường phổ thông, tham gia phong trào xóa nạn mù chữ ở vùng giải phóng; và ông được nghe các bài giảng về lịch sử, văn học, triết học… của Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy và của nhiều học giả Việt Nam nổi tiếng khác, những người đã rời bỏ thành phố đi vào vùng giải phóng tham gia kháng chiến.
Nguyễn Tài Cẩn thường kể về đất nước, cuộc sống của mình cho chúng tôi, những người nghiên cứu tiếng Hán bằng tiếng Hán, bằng tiếng Pháp với N.D. Andreev, M.V. Gordina, và bằng tiếng Anh với các giáo sư ở gần nhà đến từ Ấn Độ. Nhà trường giới thiệu cho Nguyễn một giáo viên tiếng Nga giàu kinh nghiệm là bà V.P. Andreeva-Georg. Nguyễn Tài Cẩn học tiếng Nga ở tất cả những người xung quanh và chằng bao lâu sau, anh đã có thể đọc các sách khoa học bằng tiếng Nga .
Nguyễn Tài Cẩn mang đến Nga một thư viện nhỏ: một số sách của các tác giả người Việt về ngữ pháp tiếng Việt, trong đó có công trình nổi tiếng của Lê Văn Lý "Le Parler vietnamien", một vài cuốn từ điển giải thích, các sách tuyển những dạng văn bản khác nhau, một số sách học vần và các tập truyện ngắn. Bystrov rất thích những tập sách học vần, còn chúng tôi, nhờ những tập truyện ngắn mà bắt đầu làm quen với tên tuổi và sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh…
Đến Leningrad, Nguyễn Tài Cẩn bắt tay vào việc nghiên cứu tiếng Việt một cách toàn diện. Việc học tiếng Việt không chỉ có ở nhóm sinh viên đầu tiên về Việt Nam học đang học năm thứ nhất, mà cả ở các sinh viên năm thứ ba về Trung Quốc học, với các bài giảng chuyên đề của Bystrov; tham gia giảng dạy còn có A. I. Mukhlinov - người bắt đầu nghiên cứu lịch sử và dân tộc học Việt Nam. Tôi đã tích cực tham gia các lớp học này với sự cho phép của ban Trung Quốc học. Các buổi học với Bystrov không bị giới hạn về thời gian và thường kéo dài 5-6 tiếng, có thể học bất cứ lúc nào, miễn là tìm được phòng học, nơi Nguyễn Tài Cẩn và đồng nghiệp đang ngồi làm việc.
Một đề tài lớn đang được thực hiện ở bộ môn ngữ âm học khoa ngữ văn. Gordina tiến hành nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt tại phòng ngữ âm học thực nghiệm. Ngữ âm tiếng Việt được khảo cứu không chỉ bằng các máy móc của phòng ngữ âm thực nghiệm thuộc khoa ngữ văn, mà còn dựa trên các thiết bị y học của Viện Rontgen, nơi mà Gordina đưa Nguyễn Tài Cẩn đến để ông cung cấp tư liệu ngữ âm tiếng Việt. Những kết quả của đề tài này đã được công bố năm 1958 trong bài báo nổi tiếng của M. V. Gordina: "Về vấn đề các âm vị trong tiếng Việt".
Tiếng Việt là ngôn ngữ khó đối với người Nga, nhưng đối với chúng tôi - những người đã học tiếng Hán, thì những kinh nghiệm học tiếng Hán đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tiếp thu tiếng Việt; thế nên ngay từ kì thi mùa đông 1955-1956, chúng tôi đã dịch được các câu hội thoại Hán - Việt và Việt - Hán. Việc dịch các văn bản báo chí cũng không quá khó đối với chúng tôi. Trong quá trình học nghiên cứu sinh, chúng tôi đọc tài liệu ngữ pháp và tăng thêm vốn từ tiếng Việt. Việc đọc tài liệu về tiếng Việt cùng với việc so sánh với các hiện tượng ngữ pháp tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn - Âu thường dẫn đến những cuộc tranh luận cuốn hút sự tham gia của cả Andreev và Jakhontov. Trong các cuộc thảo luận đã bộc lộ sự khác biệt trong cách tiếp cận và phương pháp giữa N.D. Andreev - người được đào tạo chuyên về nghiên cứu ngôn ngữ Ấn Âu với chúng tôi và Bystrov - những người nghiên cứu tiếng Hán. Bằng kinh nghiệm của mình, Jakhontov ủng hộ chúng tôi.
Mùa hè đầu tiên ở nước Nga, Nguyễn Tài Cẩn thường đến nhà nghỉ cuối tuần của Bystrov ở Kavgolovo. Ở đó Nguyễn được tiếp xúc với thiên nhiên và đời sống tự nhiên nước Nga. Tôi cũng thường có mặt ở đó. Chúng tôi thường có những chuyến đi bộ dài dài trong rừng hay bơi thuyền qua hồ. Trong những chuyến đi ra vùng ngoại ô Petersburg nổi tiếng, cũng như những lần đưa Nguyễn đến các cửa hàng sách trong thành phố, anh mau chóng trở thành khách hàng thường xuyên của các nhà sách. Trong những chuyến đi đó, lúc đầu chúng tôi trao đổi với nhau bằng cả tiếng Hán và tiếng Việt, nhưng về sau bằng tiếng Việt thường xuyên hơn và nhiều hơn.
Còn một hình thức học tập nữa của chúng tôi vào thời gian đó, mà chúng tôi không thể không nói đến, đó là những lần họp mặt vào ngày chủ nhật của chúng tôi với giáo sư người Trung Quốc Ljang Xijan. Tụ tập ở nhà giáo sư Ljang gồm những sinh viên đang học tiếng Hán các khóa khác nhau, những người mới ra trường, và cả những người đã làm việc ở Viện Đông phương học. Nguyễn Tài Cẩn cũng thường có mặt ở đó.
Trong những buổi họp mặt này, chúng tôi thảo luận đủ mọi vấn đề: cách dịch những chỗ còn tranh cãi trong sách tiếng Hán cổ hay Hán hiện đại, sự khác biệt giữa các phương ngữ Hán. Một lần Nguyễn Tài Cẩn đưa cho mọi ngườì một văn bản, do tác giả người Việt viết bằng ngôn ngữ văn học Hán - văn ngôn. Văn bản gây sự thích thú đối với mọi người, riêng giáo sư Ljang, như tôi nhớ, đã nói rằng, mặc dù không tìm thấy bất cứ lỗi nào trong văn bản, những vẫn cảm thấy rằng văn bản không phải do người Hán soạn.
Nhiều năm sau, trong khi cùng với nghiên cứu sinh Việt Nam ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội phân tích các văn bản Hán văn (cách gọi biến thể Việt của văn ngôn Hán), chúng tôi tìm ra cái khác biệt giữa Hán văn và văn ngôn Hán.
Đề tài khóa luận năm thứ tư của tôi về ngữ pháp tiếng Việt: Phạm trù tính từ trong tiếng Việt. Thời kì đó, do ảnh hưởng của cuốn sách vừa xuất bản của S.E. Jakhontov: "Phạm trù động từ trong tiếng Hán hiện đại", cũng như ý tưởng của giáo sư A.A. Kholodovich về kết cấu (конфигурация) động từ, mà giáo sư đã trình bày trong seminar, được giáo viên và sinh viên khoa Ngữ văn và khoa Đông phương học rất quan tâm, Bystrov bắt đầu nghiên cứu đề tài: "Động từ trong tiếng Việt hiện đại". Rõ ràng là trong tiếng Việt, động từ và tính từ tạo nên một lớp từ loại, thậm chí một số nhà nghiên cứu cho rằng không cần phải phân biệt động từ và tính từ. Tôi rất thú vị khi nhận ra rằng, liệu có sự phân biệt giữa động từ và tính từ hay không? Chủ đề đó được tôi dành cho khoá luận tốt nghiệp đại học. Kết quả là, trong kì thi quốc gia, tôi đã trả thi các môn tiếng Hán và văn học Trung Quốc, còn bảo vệ khoa luận tốt nghiệp với đề tài về Việt Nam học.
Ở trên tôi đã nói rằng, trong các cuộc thảo luận về các hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt, giữa chúng tôi và Andreev có sự bất đồng ý kiến. Khóa luận của tôi về tính từ tiếng Việt cũng nhận được sự phản đối rất kiên quyết của ông.
Theo sự miêu tả của tôi, trong tiếng Việt không có tính từ chỉ sự sở thuộc chất liệu, (kiểu như стеклянный "thuộc về thủy tinh", hay каменный "thuộc về đá"), mà chức năng chỉ chất liệu của chúng lại do danh từ làm định ngữ đảm nhận. Andreev không phản đối điều này, cho rằng trong các ngôn ngữ Ấn - Âu cũng có hiện tượng này. Tuy nhiên, tôi nêu quan niệm tính từ chỉ phẩm chất tiếng Việt thực hiện chức năng xác định cho cả danh từ và động từ. Tức là, tượng tự như tiếng Hán, tiếng Việt không có trạng từ chỉ phẩm chất. Andreev chứng minh rằng từ mau "быстрый" không kết hợp với danh từ, chỉ kết hợp với động từ, do đó, tương tự như ở ngôn ngữ Ấn - Âu, đó là trạng từ.
Tôi phản bác rằng sự không kết hợp của tính từ mau "быстрый” với danh từ là hiếm, bởi vì không có hoặc hiếm gặp những danh từ có ngữ nghĩa phù hợp: nhìn chung, trong thực tế, các đối tượng liên quan đến tốc độ cũng không có nhiều; nói riêng, trong tiếng Việt, không tồn tại danh từ có nguồn gốc động từ. Nếu như tìm thấy danh từ có nghĩa phù hợp, thì sự kết hợp danh từ đó với từ mau có thể xảy ra. Tôi thử làm kết hợp mau với các danh từ như tàu, máy bay… và Nguyễn Tài Cẩn đưa ra ví dụ: máy bay loại mau, chứng tỏ cách kết hợp như tôi giả thiết là hoàn toàn có thể. Một thời gian sau, tôi tìm được một ví dụ "sống" từ truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh: "Tâm bước những bước nhỏ và mau". Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng thế nào, khi tôi chạy đến đưa ví dụ vừa tìm được cho Jakhontov và Bystrov.
Mùa thu năm 1956, nhóm thứ hai sinh viên Việt Nam học được tổ chức. Tôi cùng Bystrov tiếp tục tìm hiểu về ngữ pháp tiếng Việt, bắt đầu đọc các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.
Nguyễn Tài Cẩn tiếp tục dạy sinh viên bằng hệ thống bài luyện tập ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt, và tiếp tục công việc ở bộ môn ngữ âm. Thời gian này, do trình độ hiểu tiếng Nga tốt hơn, Nguyễn đã có thể tham dự các seminar của A.A. Khlodovich và D. Olderogge ở khoa Đông phương học, và các seminar của L. R. Zinder và D. S. Likhachev tại khoa Ngữ văn.
Khi Bystrov kết thúc nghiên cứu sinh, thì tôi bắt đầu theo học nghiên cứu sinh, một số sinh viên đã đi thực tập ở Việt Nam, Gordina viết luận án về âm vị học tiếng Việt, còn Nguyễn Tài Cẩn bắt đầu viết luận án về phạm trù danh từ - một lớp từ loại đối lập với động từ và tính từ trong tiếng Việt.
Cuối năm 1960, Nguyễn Tài Cẩn trở về Việt Nam. Trước khi đi, Nguyễn đã tham dự Hội nghị quốc tế về Đông phương học lần thứ XXV ở Moskva, sau đó bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại khoa Đông phương học. Trước đó không lâu, M.V. Gordina cũng đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về âm vị học tiếng Việt.
N. D. Andreev đã chuyển từ chuyên ngành Việt Nam học và Đông phương học sang ngôn ngữ học đại cương từ trước đó. Lứa sinh viên Đông phương học chuyên về Việt Nam (Đông phương học - Việt học) đầu tiên do I.S. Bystrov dạy đã tốt nghiệp. Chuyên ban Việt Nam học là bộ phận của bộ môn ngữ văn Trung Quốc, trong sự tiếp xúc với Hán học.
Nhìn lại những năm tháng đầu tiên của chuyên ngành Việt Nam học ở khoa Đông phương, chúng tôi như đang được sống ở thời kì đó, với niềm say mê, phấn khởi lớn lao trong nghiên cứu khoa học. Những vấn đề âm vị học và ngữ pháp học tiếng Việt hấp dẫn, lôi cuốn chúng tôi đến mức, dường như chúng tôi không cần nghỉ ngơi, giải trí.
Còn những quan hệ đã hình thành trong quá trình làm việc thời kì đó sẽ được chúng tôi giữ mãi trong tâm khảm của mình, cho đến khi Thời Gian chưa cắt đứt sợi dây liên hệ giữa chúng tôi, bằng cách cướp đi người này hay người khác trong số những nhà Việt Nam học thuộc thế hệ đó. Nhưng trong lịch sử ngành Việt Nam học St-Petersburg sẽ mãi mãi ghi nhớ tên tuổi của những người đã đặt nền móng đầu tiên cho chuyên ngành khoa học này: N.D. Andreev, I S. Bystrov, M.V. Gordina, V.S. Panfilov, Nonna V. Stankevich - tác giả của bài viết này, và những người sau đó làm việc ở Moskva như I.P. Zimonina, D. Letjagin. Và tất nhiên, lịch sử chuyên ngành Việt Nam học sẽ mãi ghi nhớ Nguyễn Tài Cẩn, người mà trong dịp mừng thọ 80 tuổi đã được giới khoa học Việt Nam coi là nhà khoa học nổi tiếng, tác giả của các công trình đặt nền móng cho các chuyên ngành về tiếng Việt, về lịch sử ngôn ngữ, lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam.
Người dịch: NGUYỄN VĂN LỢI
[*]Нонна Владимирович Станкевич - GS TS Ngữ văn, nguyên Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.