Những góc nhìn Văn hoá

Những giấc mơ trong trẻo của Kurosawa Akira

Dreams là tập hợp bảy phim ngắn của Kurosawa Akira tựa trên một nguồn cảm hứng chung là giấc mơ. Chọn giấc mơ để thể hiện hiện thực là cách làm phim khá hay bởi vì ở đó, đạo diễn kiêm nhà biên kịch có thể thoải mái thả sức tưởng tượng của mình. Ngoài ra, tác giả có thể đưa những lời thoại “có cánh”, có sức gợi cao vào phim để thể hiện ý đồ của mình mà sẽ không bị đánh giá là phi logic hay gượng ép bởi chẳng có giấc mơ nào là hợp với tự nhiên cả.

Bảy giấc mơ trong Dreams gồm có: Cầu vồng, Vườn đào, Bão tuyết, Đường hầm, Đàn quạ, Núi Phú Sĩ rực lửa và Ngôi làng của những chiếc cối xay nước. Trong bảy giấc mơ ấy thì hai giấc mơ đầu tiên về cầu vồng và vườn đào là hai giấc mơ mang đậm chất hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Chúng đưa người xem lắng lòng trở về trong giai điệu mượt mà của những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa.

1.      Cốt truyện đơn giản:
Vì là phim ngắn nên cốt truyện của những giấc mơ trong Dreams khá đơn giản, đặc biệt là hai giấc mơ gắn bó với tuổi thơ. Giấc mơ cầu vồng bắt đầu ở một ngôi nhà nhỏ trong bối cảnh: trời đang nắng bỗng đổ mưa. Cậu bé đứng nhìn mưa rơi thì người mẹ nói rằng họ nhà cáo đang tổ chức đám rước. Chúng không muốn ai nhìn thấy đám rước ấy nên cậu không được ra khỏi nhà. Tuy nhiên, vì tò mò, cậu bé đã đi xem đám rước và bị phát hiện. Mẹ cậu bé không cho vào nhà. Bà bảo một con cáo đã mang con dao đến để cậu tự xử. Vì vậy, nếu muốn sống cậu hãy cầm con dao ấy đi tìm họ nhà cáo dưới cầu vồng để cầu xin sự tha thứ. Cuối phim, cậu bé đã cầm dao đi đến trước cầu vồng.
Giấc mơ thứ hai là giấc mơ vườn đào. Giấc mơ này bắt đầu bằng lễ hội búp bê của các bé gái. Ở đó, cậu bé gặp một cô bé hóa thân từ cây đào. Cô bé dắt cậu đến vườn đào. Tại đây, cậu đối thoại với các búp bê Hina thực thụ. Các búp bê đã cho cậu ngắm cả vườn đào nở hoa rực rỡ. Tuy nhiên, khi cậu chạy lên thì tất cả chỉ còn trơ lại những gốc đào ngoại trừ cành đào do cô bé biến thành.
2.      Lời thoại cổ tích:
Cả hai giấc mơ đều không có nhiều lời thoại nhưng lời thoại đóng vai trò hết sức quan trọng vì nó làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về nội dung của bộ phim cũng như về ý nghĩa của nó. Lời thoại trong hai giấc mơ mang dáng dấp của những câu chuyện cổ tích rất rõ bởi nó ẩn chứa những huyền thoại như: đám rước họ nhà cáo hay được phát ngôn bởi những nhân vật trong huyền thoại như các búp bê trong lễ hội Hina.
Ở giấc mơ thứ nhất, lời thoại chủ yếu tập trung ở người mẹ mặc dù nhân vật chính là cậu bé. Lời thoại này có tác dụng cho người xem nhìn thấy tình huống của câu chuyện và là động cơ thúc đẩy cốt truyện. 
Trước hết, lời thoại có chức năng khơi gợi sự tò mò của cậu bé. Người mẹ nói: Trời đang nắng mà đổ mưa có nghĩa là họ nhà cáo đang tổ chức đám rước. Rõ ràng, lời thoại này đã cung cấp cho cậu bé một thông tin khá thú vị: họ nhà cáo đang tổ chức đám rước. Chính điều này đã thúc đẩy câu chuyện tiến triển vì cậu bé đang trong độ tuổi quan sát thế giới thì điều gì có thể ngăn cản được bước chân cậu không đi xem đám rước? Đôi khi chính lời can ngăn của người mẹ: con nên ở nhà vì chúng không muốn ai nhìn thấy đám rước ấy càng thúc đẩy bước chân của cậu bé đi nhanh hơn.
Khi cậu bé xem đám rước trở về, lời thoại đã đặt cậu trong một tình huống hết sức căng thẳng: tiến thoái lưỡng nan. Người mẹ không cho cậu bé vào nhà. Bà nói: Một con cáo trong cơn tức giận đã tìm đến con, hắn để lại thứ này, con buộc phải tự xử. Bà đưa cho cậu bé con dao và bảo cậu phải đi tìm họ nhà cáo để cầu xin sự tha thứ, nếu không cậu sẽ chết. Tuy là tình huống hết sức căng thẳng nhưng không phải là không có hy vọng bởi vì lời thoại sau cùng của người mẹ đã cho thấy điều đó: Con sẽ tìm thấy. Vào những ngày như thế này thường xuất hiện cầu vồng: họ nhà cáo thường sống dưới cầu vồng, con sẽ tìm thấy chúng. Câu nói mà bà nhắc đi nhắc lại: Con sẽ tìm thấy khiến cho những người xem yêu mến cậu bé có thể nuôi hy vọng rằng cậu bé sẽ được an toàn.
Nếu xét theo lẽ tự nhiên thì những lời thoại như trên là rất hoang đường nhưng vì nó được đặt trong giấc mơ nên lại trở thành những lời nói mang màu sắc cổ tích và hấp dẫn người xem, nhất là các em thiếu nhi. Tuy nhiên, đằng sau sự hoang đường ấy là những vấn đề rất logíc. Cậu bé đã không nghe lời mẹ nên phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà mình gây ra. Và chỉ có cậu bé, người gây ra hậu quả thì mới có thể khắc phục hậu quả. Người mẹ đã để cho cậu bé đi một mình nhưng vẫn cho cậu nhìn thấy niềm hy vọng trên con đường đó bởi câu nói: Rồi con sẽ tìm thấy. Thương con không phải là nắm tay dắt con đi mà khơi gợi ở con niềm tin và lòng dũng cảm để con có thể tự bước đi trên con đường của chính mình. Đó mới là tấm lòng của một người mẹ thực thụ. Akira không nói cho chúng ta biết họ nhà cáo có tha thứ cho cậu bé hay không nhưng ít ra cậu đã tìm thấy được cầu vồng. Vậy là đủ.
Trong giấc mơ vườn đào, lời thoại chủ yếu tập trung ở đoạn cậu bé gặp các búp bê trong lễ hội Hina. Trước hết, lời thoại cung cấp cho người xem thông tin của lễ hội búp bê và mối liên hệ của chúng với những cây đào: những cây đào nở hoa rực rỡ là nguồn gốc của ngày lễ búp bê (…) Nhằm tôn vinh những đóa hoa đào trở lại, búp bê chúng ta là hiện thân của cây đào, là linh hồn của cây và sự sống của hoa. Không chỉ dừng lại ở đó, lời thoại còn cho thấy mâu thuẫn của những cây đào và con người: Làm sao có thể tổ chức ngày lễ này khi những cây đào đã bị đốn trụi. Những cây đào bị tàn phá đang khóc than buồn bã. Mâu thuẫn này không đặt nhân vật chính trong phim vào những tình huống căng thẳng, kịch tính mà chỉ là lời nói để chuyển tải thông điệp về những cây đào đã bị con người đốn trụi. Và lời thoại của cậu bé trong giấc mơ này cũng khiến người xem phải không ngừng suy ngẫm: Người ta có thể mua được những trái đào nhưng có thể mua được cả vườn đào đang nở rực rỡ ở đâu không? Lời nói ấy không chỉ là niềm tiếc thương tột cùng cho những cây đào bị đốn trụi mà còn thể hiện sự day dứt về nền văn hóa truyền thống Nhật Bản đang bị mai một dần bởi vì hoa anh đào, lễ hội hoa anh đào là hiện thân của văn hóa Nhật Bản.
3.      Phong cách độc đáo:
Mối hình ảnh, mỗi chi tiết trong giấc mơ cầu vồng và giấc mơ vườn đào đều được Akira chăm chút hết sức kỹ lưỡng. Cả hai giấc mơ đều được đạo diễn lồng vào đó những yếu tố của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như: âm nhạc, sân khấu, múa…Ông đã sáng tạo ra hình ảnh đám rước của họ nhà cáo bằng nghệ thuật sân khấu Kabuki từ cách trang điểm, phục trang đến từng động tác múa cách điệu tượng trưng cũng như cách di chuyển theo kiểu sân khấu của các nhân vật. Ông còn sử dụng bột gạo để tạo ra phấn nền trắng oshiroi, kumadori và các đường nét phóng đại trên khuôn mặt vẽ các con cáo. Đây là kỹ thuật vẽ mặt tiêu biểu của sân khấu kabuki. Do đó, người xem không chỉ xem những hình ảnh của phim mà còn được thưởng thức hình thức trình diễn sân khấu trong một khu rừng với khói mờ bay lượn sống động.  
Để hình ảnh này trở nên đặc biệt, đạo diễn đã dựng nó thông qua cái nhìn lén lút của một cậu bé. Hiệu ứng tạo ra kịch tính khiến người xem hồi hộp là lúc những con cáo quay đầu sang trái, người xem sẽ lo lắng cho nhân vật của mình có bị những con cáo phát hiện hay không. Ở đây, có hai hình ảnh đối lập trong cùng khuôn hình. Đó là sự di chuyển của đám rước phía trước những cái cây và đằng sau đó là sự di chuyển của cậu bé.
Cách dựng phim đối lập còn thể hiện ở đoạn cuối phim lúc cậu bé rời nhà đi tìm cầu vồng. Đây là cách dựng gây cảm giác rất mạnh. Khi người mẹ vừa đóng cửa lại, không phải ngay lập tức cậu bé đã lên đường đi tìm cầu vồng mà cậu đã tìm mọi cách trở vào trong. Cậu đẩy cánh cửa người mẹ vừa đóng nhưng không được nên cậu di chuyển từ trái qua phải để đẩy tiếp một cánh cửa khác nữa. Lần này, cậu bé cũng không thành công. Đúng lúc ấy, có một tia nắng chiếu lên người cậu khiến người xem cảm thấy rồi cậu bé sẽ tìm ra cách. Cậu bé di chuyển theo hướng ngược lại từ phải sang trái và đi ra khỏi khuôn hình để lại sau lưng cánh cửa đen khép kín. Có một triết lý cuộc sống mà nhiều người hay nhắc đến xuất hiện ở đây: Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Ðiều bạn cần làm là thôi không chờ đợi nơi cánh cửa đã đóng, hãy tìm một cánh cửa khác đang mở ra cho mình. Và rõ ràng cậu bé đã đi tìm cho mình cánh cửa khác. Đó là cánh cửa thiên nhiên mở toang đối lập với cảnh cửa vừa khép kín. Đó là không gian rộng lớn của vũ trụ đối lập với không gian nhỏ bé của ngôi nhà. Đó là thế giới sắc màu rực rỡ của các loài hoa trong khu vườn, của bảy sắc cầu vồng đối lập với màu thẫm đen của cánh cửa. Và rõ ràng, đạo diễn cho người xem thấy được hành trình đi tìm của cậu bé chính là hành trình đi khám phá bản thân mình.
Ở giấc mơ thứ hai, đạo diễn cũng đưa vào đó những yếu tố văn hóa truyền thống. Đó là lễ hội búp bê Hina Matsuri hay còn gọi là lễ hội Hoa anh đào Momo-no-sekku. Để tạo hiệu ứng cho hình ảnh này, ông đã làm cho các búp bê Hina có khả năng trình diễn thực sự bằng những điệu múa truyền thống kết hợp với âm thanh của các nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả hiệu quả của việc dựng phim trong giấc mơ này mà hiệu quả chính nằm ở việc sử dụng biện pháp đối lập không gian để tôn lên vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Phim mở đầu bằng hình ảnh các bé gái chuẩn bị cho lễ hội Hina trong một góc phòng chật hẹp, tăm tối. Phía trước các cô bé là một bộ búp bê Hina. Tâm điểm của ngôi nhà không phải ở trong phòng của các cô bé, không phải ở những con búp bê mà là ở một cành đào tỏa ánh sáng hồng tuyệt đẹp trong căn phòng bên cạnh. Chính cành đào đã đưa cậu bé đến một không gian rộng lớn hơn. Đó là không gian của vườn đào. Tại đây, búp bê Hina trở thành những con người thực và nói chuyện với cậu bé. Cuộc trò chuyện này đã giúp cho người xem hiểu được một điều: người Nhật sẽ không còn lễ hội Hina nếu họ chặt bỏ đi những cây đào, phá bỏ đi những vườn đào. Do đó, những con búp bê trong căn phòng của các bé gái kia chỉ là những con búp bê vô hồn và việc họ tổ chức lễ hội Hina không còn ý nghĩa. Búp bê Hina chỉ thực sự có ý nghĩa, thực sự có linh hồn khi nó gắn với linh hồn của những cây đào đang trổ bông, khi có những người thực sự yêu vẻ đẹp của hoa đào và khóc thương cho việc bị tàn phá của nó. Cách dựng hình ảnh đối lập này đã khiến người xem phải suy ngẫm rất nhiều.
 
4.      Giai điệu mượt mà:
Hai giấc mơ đều được Akira đưa vào đó những nốt nhạc êm ái của âm nhạc truyền thống Nhật Bản. Giấc mơ cầu vồng có hai đoạn sử dụng âm nhạc là đoạn thể hiện đám rước của họ nhà cáo và đoạn cậu bé cầm con dao đi tìm cầu vồng. Đoạn thể hiện đám rước được thực hiện trên nền âm thanh của tiếng sáo trúc Shino-bue và nhịp trống kotsuzumi. Đây là những nhạc cụ phổ biến của sân khấu Kabuki. Mỗi nhịp bước của đoàn rước là mỗi nhịp trống lại vang lên. Không chỉ có vậy, tiếng trống vang lên từng nhịp trong đoạn cậu bé xem đám rước cũng làm cho người xem cảm tưởng như nhịp đập của con tim cậu bé. Có thể đó là nhịp đập của nỗi sợ hãi, lo lắng bị phát hiện nhưng cũng có thể là nhịp tim hòa cùng nhịp trình diễn của hình thức sân khấu kabuki, một loại hình nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.
Ở trường đoạn cậu bé đi tìm cầu vồng, nhạc nền kết hợp với cảnh quay từ phía sau cậu bé cho thấy một bức tranh tuyệt đẹp. Trong bức tranh ấy, trên nền nhạc ấy, người xem nhận thấy một cậu bé tự tin cầm con dao bước lên phía trước mà không có bất kỳ sự cô đơn nào.
Trong giấc mơ thứ hai, âm nhạc xuất hiện khi Dairi-sama quyết định tặng cho cậu bé một vườn đào đang nở vì cảm động trước tấm lòng của cậu bé qua câu nói: tôi yêu vườn đào và những cây đào đã từng nở hoa ở đây nhưng bây giờ chúng không còn nữa, vì thế mà tôi khóc. Một lần nữa, các nhạc cụ truyền thống lại được Akira đưa vào. Lần này ông kết hợp chúng với bài múa của các búp bê và người xem có thể nhìn thấy hẳn các nhạc cụ chứ không phải chỉ nghe âm thanh ngoài khuôn hình. Những điệu múa uyển chuyển trên nền nhạc trong trẻo với những bông tuyết rơi ngày một dày đã tạo nên một vườn đào nở hoa rực rỡ. Đó là truyền thống, là văn hóa của Nhật Bản.
Kết luận:
Mặc dù hai giấc mơ đầu tiên trong Dreams là giấc mơ về thời thơ ấu nhưng nó đã được Akira thể hiện bằng cảm xúc tinh tế khi về già nên chúng vừa mang sự hồn nhiên, trong trẻo của những câu chuyện cổ tích vừa để lại trong lòng người xem những suy nghĩ sâu sắc về văn hóa và con người Nhật Bản. Có thể nói, việc sử dụng giấc mơ để tái hiện hiện thực luôn luôn là con dao hai lưỡi nếu đạo diễn không thực sự khéo léo. Đây quả thực là một thách thức không nhỏ cho các đạo diễn. Rõ ràng bằng việc đặt tài năng của mình trong sự thử thách đó, Kurosawa Akira đã không và mãi mãi không làm người xem của mình thất vọng.
(Nguồn: http://tinvanonline.org/)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513886

Hôm nay

256

Hôm qua

2303

Tuần này

21823

Tháng này

220759

Tháng qua

121356

Tất cả

114513886