Những góc nhìn Văn hoá

Bàn về ruộng đất

Sơ qua lịch sử:

ở Việt Nam, hàng nghìn năm qua, dưới chế độ Phong kiến, qua các triều đại, ruộng đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (vua). Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.

Cả đất nước là tập hợp của rất nhiều cái làng. Làng là một tập hợp người nhất định sống trên một diện tích đất nhất định. Nhà nước cấm người dân bỏ làng ra đi.Người nơi khác đến được trở thành cư dân của làng phải có quá trình phấn đấu khó khăn và lâu dài ( ba đời). Khi được phép của Nhà nước , một số người dân có thể đi khai hoang một vùng đất mới, rồi lại lập ra một cái làng mới y hệt cái làng cũ của quê hương họ, họ có thể cấy trồng trên đấy nhưng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà vua.
Nhà nước có thể lấy bất kỳ đát ở đâu để xây thành, đào hào, đắp lũy hoặc bán đi để lấy tiền xung vào công quĩ và nhất là dùng đất để cấp cho quan lại, ban thưởng cho những người có công. Có một hệ thống quan lại rất đông, từ triều đình xuống các phủ huyện, Nhà nước không có nhiều tiền, lương được trả cho các quan là rất thấp, chủ yếu họ được hưởng bằng việc cấp đất.
Nhà nước có thể lấy đất của cả một làng hay cả một vùng để cấp cho một viên quan, viên quan đó thu tô tức của nông dân trên phần đất của mình để tiêu dùng, đến đời con của viên quan đó thì phần đất ấy phải trả lại cho Nhà nước, chỉ được giữ lại một phần, nếu người con đó không có chức tước gì, chỉ được " tập ấm" không thôi thì đến người chán đất chẳng còn lại bao nhiêu. Câu " ai giầu ba họ, ai khó ba đời" cũng có cái nghĩa đó. Ngay cả khi viên quan đó còn sống, nếu bị huyền chức hay mắc tội với triều đình thì phần đất được cấp sẽ bị lấy bớt đi hoặc tịch thu hết. Cho nên ngày xưa người làm quan rất sợ bị mất chức. Nói một lời không hợp với ý vua phải là người rất cam đảm, có khí tiết lớn, thường là phải tính toán rất kỹ lưỡng. Từ quan là phải trả hết bổng lộc cho nhà vua, kể cả ruộng đất, được giữ lại một phần như thế nào là tuỳ từng trường hợp. Có thể nói ở Việt Nam không có giai cấp qúi tộc. Chỉ có một số dòng họ có truyền thống khoa bảng và được làm quan. Tài năng và vận may thì có thể nổi lên ở lúc này và lại lặn đi vào lúc khác. Bất kì ai thành đạt trong học vấn và thi cử đều có thể tham gia vào hệ thống quyền lực, và lẽ dĩ nhiên được ăn chia bổng lộc quốc gia. Luôn có hai xu hướng song song tồn tại, một mặt mong duy trì hệ thống chính trị hiện tại để được dự phần ăn chia, một mặt lại mong xắp xếp lại bàn cờ để được ăn chia lại. Điều này lí gảii tại sao các triều đại thường tồn tại khá lâu và quan lại trong triều thì lại luôn gây bè kết cánh tôn phù người này, phế lập người kia và tìm cách làm hại lẫn nhau.
Có một quá trình tư hữu hoá ruộng đất công. ít ra thì chúng ta đã biết vua Lý Thần Tông (thế kỉ XII) đã định ra một số điều có liên quan đến chuyện kiện cáo vì mua bán ruộng đất tư. Đến giữa thế kỉ XVIII, thời Lê- Trịnh, nhà nước Đàng ngoài đã đánh thuế ruộng đất tư. Nhưng dù ruộng đất tư có phát triển đến đâu cũng chưa bao giờ lấn át hết ruộng đất công. Có việc "biến công vi tư" thì cũng lại có “biến tư vi công". Nhà Lê lấy dất của bọn quan lại theo giặc Minh cấp lại cho làng xã. Nhà Tây Sơn lấy đất của quan lại, địa chủ theo chúa Nguyễn ... Đến thời Nguyễn, dưới triều vua Minh Mạng khi ruộng đất tư nhiều hơn so với ruộng đất công thì nhà vua phải tính đến chuyện biến ruộng đất tư trở thành ruộng đất công. Cho đến tận cải cách ruộng đất (1956) sau gần 100 năm đô hộ của nhà nước tư bản Pháp, tất cả các làng xã trên miền Bắc vẫn còn một phần ruộng đất công.
Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền dường như không có chọn lựa nào khác là phải duy trì chế độ ruộng đất công. Không ai có quyền sở hữu đất riêng thì không có nạn cát cứ. Bất kì kẻ nào mưu toan xác lập đất của riêng mình trong một vùng nào đó đều bị gán cho tội mưu phản nghịch và lập tức bị triều đình gọi về trị tội hoặc cất quân đánh dẹp. Đất công của làng xã được chia theo xuất đinh nhưng người nào có địa vị xã hội cao hơn thì được chia nhiều hơn, người đi lính cũng được chia nhiều hơn so với những người dân thường khác, nhưng tất cả mọi người đều có đất để cày cấy, dù là một phần rất nhỏ. Họ sống nhờ vào đất của vua thì phải nộp tô, thuế cho vua, đi lính, đi lao dịch cho vua. Hội đồng lý dịch của làng xã mặc dầu do địa phương bầu ra nhưng lại là cơ quan đại diện quyền lực của nhà vua. Mùa này mỗi mẫu nộp tô bao nhiêu, đợt này lấy bao nhiêu xuất lính, bao nhiêu xuất phu, lý trưởng nhận lệnh từ quan phủ, quan huyện rồi đốc thúc dân thực hiện. Thiếu một xuất lính thì chết cả làng. Lý trưởng đã gọi đến tên anh, anh mà không đi thì tôi phải đi, lẽ dĩ nhiên cả làng không ai để anh làm như vậy.
Trong khi nghiên cứu nhà nước phong kiến ở Việt Nam với hình thức sở hữu ruộng đất người ta thường liên hệ đến "phương thức sản xuất châu á", một vấn đề học thuật của chủ nghĩa Mác, khẳng định vai trò của nhà nước trung ương tập quyền trong việc trị thuỷ sông Hồng nhưng lại không nhắc mấy tới nó trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc; mặc dầu có bảo vệ được nền độc lập hay không dường như luôn là một tiêu chí lớn nhất để đánh giá từng triều đại. Để đương đầu với các cuộc xâm lược thường là từ phương Bắc có ưu thế vượt trội về quân số, vũ khí, trang bị... thì một nhà nước trung ương tập quyền có nhiều thuận lợi hơn trong việc huy động sức mạnh của toàn dân.
Một nhà nước vừa độc đoán chuyên quyền lại vừa "có những yếu tố dân chủ" như thế là một hình thức tương đối lí tưởng trong lịch sử, ít ra là nó đã chứng minh giá trị của nó bằng việc bảo vệ được nền độc lập dân tộc trong suốt một nghìn năm. Nếu không có sự thay đổi của cả thế giới, nếu không có những thế lực hoàn toàn khác lạ từ phương Tây đến thì một chế độ phong kiến như thế cứ tiếp tục tồn tại và có lẽ là còn tồn tại rất lâu.
Người ta thường qui tội để mất nước vào tay thực dân Pháp cho triều đình nhà Nguyễn với những nguyên nhân như: "Nguyễn ánh cõng rắn cắn gà nhà”, vua quan hèn nhát, bảo thủ... Việc Nguyễn ánh cầu viện đến quân Pháp là có, nhưng đấy là chỉ trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Sau khi giành được ngôi vua thì chính ông lại tìm cách gạt bỏ sự thâm nhập của phương Tây vào đất nước ta. Mất nước là ở dưới thời Tự Đức, khi ấy nhà Nguyễn đã trải được mấy đời vua và có lẽ đang ở vào thời thịnh trị. Vả lại, chẳng chờ đến Nguyễn ánh, các giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam từ hai ba trăm năm trước (từ thế kỉ XVI, XVII) và đến thời ông thì thuyền chiến của họ đã có mặt khắp nơi.
Nói vua quan nhà Nguyễn hèn nhát thì cũng không hẳn. ít nhất thì trong triều đình cũng có hai phe: chủ hoà và chủ chiến. Có rất nhiều tấm gương anh dũng như Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Nhưng không run sợ sao được khi quân Pháp mỗi lần hạ thành Gia Định, Đà Nẵng, Hà Nội hay Nam Định chỉ cần có mấy trăm hoặc mấy chục tay súng, giành chiến thắng rất nhanh, nửa ngày, một ngày hoặc hai, ba ngày, trong khi đó quân ta có cả hàng nghìn, hàng vạn người, chưa kể các dội dân binh. Và thường thì các hoà ước được kí sau mỗi lần thất bại, kèm theo những tổn thất rất lớn về người và của bên ta.
Còn sự bảo thủ, không chịu canh tân. Nước Việt Nam đến thời Nguyễn đã lún quá sâu vào nền kinh tế tiểu nông. Cả nước là một tập hợp của những cái làng. Mỗi cái làng chỉ có một chừng ấy ruộng đất gần như không thay đổi, năng suất cũng gần như không thay đổi, trong khi dân số, mặc dù chiến tranh, dịch bệnh, vẫn không ngừng tăng lên. Sự co kéo giữa công và tư, giữa người này và người khác cơ bản vẫn trong phạm vi đất của làng. Chỉ đến thời Pháp thuộc mới có những điền chủ lớn, chủ yếu là ở miền Nam và một số vùng trung du. Chủ nghĩa thực dân Pháp khôn ngoan, mà thực ra cũng rất khó thay đổi, đã phải giữ lại cách tổ chức làng xã và quản lý ruộng đất cũ. Cho đến trước cải cách ruộng đất 1956 số địa chủ có trên 50 mẫu đất (tương đương với 15 héc ta) là rất ít, đa số chỉ có từ 5 đến 10, 20 mẫu. Cho nên trong Cải cách ruộng đất, không hiếm những người chưa có đầy 5 mẫu đất cũng bị đưa ra đấu tố. Một vài người có đầu óc cách tân như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch....... không thể một sớm một chiều thay đổi được cách nhìn của toàn xã hội. Nhật Bản có một kiểu tổ chức xã hội khác nên mới có thể có cuộc duy tân thời Minh Trị, điều mà ở Việt Nam, Trung Quốc không thể diễn ra.
 Tình hình ruộng đất hiện nay
Sau kháng chiến chống Pháp 9 năm, để thoả mãn ước mơ ngàn đời của người nông dân, để thực hiện lời hứa "người cày có ruộng" với toàn thể nhân dân từ trước Cách mạng tháng 8, ở miền Bắc đã tiến hành cuộc Cải cách ruộng đất. Nhưng chẳng bao lâu sau họ đã phải đem mảnh đất mới được cầm chưa kịp nóng tay ấy góp vào hợp tác xã. Việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp ở nước ta có nhiều thuận lợi, vì đa số nông dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng CNXH, thống nhất đất nước. Vả lại họ vốn đã quá quen với việc không có quyền sở hữu đất. Mỗi người nông dân sau khi vào hợp tác xã vẫn còn được giữ lại một ít ruộng phần trăm, họ vẫn có cái để trông cậy. Việc thành lập hợp tác xã không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam; ngoài việc xoá bỏ nguy cơ hình thành trở lại giai cấp địa chủ nó còn thể hiện sự mong muốn xoá bỏ nền sản xuất tiểu nông. “Làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa” là cụm từ người ta hay nói thời ấy. Sau chiến thắng năm 1975, tất cả những người lính chiến trở về làng, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập cả ở khắp các tỉnh phía Nam, đất nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Người ta nhận thấy những khiếm khuyết trong sản xuất của các hợp tác xã. Bắt đầu là hình thức khoán sản, sau chia lại ruộng đất cho nông dân, đất nước nhanh chóng từ thiếu đói hàng năm, phải nhập khẩu gạo, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Hiện nay ở nông thôn có hai loại ruộng ruộng đất chính: đất thổ cư và đất canh tác. Đất thổ cư là đất làm nhà để ở có kèm theo một ít sân, vườn. Đất thổ cư có thể được coi là đất tư, người ta có thể cho, đổi hoặc mua bán. Đất canh tác là đất công, người ta chỉ được tạm chia để sử dụng vào mục đích sản xuất (trồng trọt) trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ được đem ra chia lại. Việc chia đất diễn ra vào khoảng năm 1995. ở miền Bắc, tuỳ từng nơi, trung bình mỗi khẩu được 2 sào, ở miền Nam có lẽ được nhiều hơn.
Một cặp vợ chồng sinh khoảng năm 1975 - 1980 khi lấy nhau (vào khoảng năm 2000) nếu họ là người cùng địa phương, được cha mẹ của cả hai bên cho mang đi phần đất của họ được chia thì họ sẽ có cả khoảng 4 sào. Trong trường hợp người vợ là người của địa phương khác (làng xã khác) thì phần đất của chị ta trong số đất được chia ở gia đình bố mẹ đẻ chị ta sẽ bị cắt ra, trong khi đó đến quê hương nhà chồng chị ta lại không được cấp thêm đất. Vì thế nhiều cặp vợ chồng nông dân chỉ có một sào rưỡi, hai sào đất trồng trọt. Giả sử hai vợ chồng đó có 4 sào đất và sinh 2 đứa con. Nếu không gặp rủi ro vì thiên tai, chuột bọ, năng suất mỗi sào được 200kg thóc, mỗi kg thóc giá 5 nghìn đồng, trừ giống, phân, thuốc trừ sâu... 4 sào của họ thu về một số lượng sản phẩm trị giá khoảng 3 triệu đồng. Đấy là chưa kể nhiều nơi chỉ trồng lúa được một vụ, nếu trồng hai vụ thì vụ mùa kém hơn vụ chiêm. 3 triệu đồng cho 4 con người trong suốt cả 6 tháng với những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh... Lẽ dĩ nhiên là người ta phải tìm mọi cách để xoay xở. Những nơi nào có làng nghề thì người ta làm nghề thủ công, thường thì chạy chợ quanh vùng, xin đi lao động xuất khẩu, ra những nơi thành phố, thị xã, người bán hàng rong, người làm thợ xây, khuân vác, người chạy xe ôm... . Một thực tế mà ai cũng rất dễ nhận thấy là hầu hết những người nông dân đều không đủ sống trên mảnh đất canh tác của họ.
Mặc dầu thu lợi từ sản xuất nông nghiệp rất ít ỏi như thế nhưng tất cả nông dân đều giữ phần ruộng của mình được chia. Bởi vì đối với hầu hết nông dân, ngoài ruộng đất ra họ không có cái gì khác. Ruộng được chia không hẳn là của họ nhưng cũng lại là quyền lợi của họ nên họ phải cố công nắm giữ. ít ra thì trên mảnh đất nhỏ bé ấy họ cũng có thể lo cho mình đủ hạt gạo ăn, còn những chuyện khác thì phải lo cách khác. Những người có ngành nghề, vào thời kì làm ăn được thì họ thuê người trồng cấy, chăm sóc, thậm chí cả gặt hộ, giá thành hạt thóc nhiều khi cao hơn đong ngoài chợ nhưng như thế họ vẫn cảm thấy yên tâm hơn. Những người già có thể ra sống với con cái ở ngoài thành phố, được chu cấp đầy đủ nhưng ruộng của họ sẽ được cho một người con cháu khác hoặc họ hàng cấy nhờ hoặc cấy rẽ. ở nơi này nơi khác không thiếu những mảnh đất tốt nhưng vẫn bị bỏ hoang vì người quản lý mảnh đất ấy có lúc chưa biết làm gì với nó. Do sự phát triển của dân số, nhu cầu làm nhà ở tăng lên, ở từng địa phương, từng thời điểm, người ta phải chuyển hoá một số đất canh tác thành đất thổ cư. Người ta thường rất mong đất của mình được nằm trong diện tích đất chuyển đổi bởi vì như thế thì họ sẽ được nhận tiền đền bù, lại được ưu tiên mua một xuất đất trong đó, sau khi chuyển đổi, giá đất chỗ đó dĩ nhiên là cao lên, và điều quan trọng là họ có thể bán được miếng đất đó đi để thu về một món tiền mà họ biết rằng nếu canh tác trên mảnh đất cũ thì rất nhiều năm sau họ cũng không gom lại được bằng.
Các khu đô thị mới, các dự án đầu tư... sau khi được chính quyền các cấp đồng ý, các chủ đầu tư có thể có được những diện tích đất rất lớn mà chỉ cần phải trả cho nông dân một chi phí rất nhỏ gọi là "tiền đền bù hoa màu". Sau đó họ biến giá trị của những diện tích đất ấy cao lên vài chục lần đến hàng trăm lần. Nông dân đứng trước nguy cơ mất tư liệu sản xuất, nhận ra mình bị thiệt thòi thì đấu tranh, làm đơn khiếu kiện, những người đại diện cho chính quyền khó mà cưỡng lại trước sức ép của đồng tiền từ phía các chủ đầu tư . Đây là chỗ để cho các nhà kinh doanh giàu lên nhanh chóng, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận được những khoản tiền hối lộ kếch xù.
Có khi chủ đầu tư A được nhận một diện tích đất, đã làm việc đền bù với nông dân xong thì chủ đầu tư B lại được nhận một diện tích đất trùm lên diện tích đất của đầu tư A, thế là xảy ra tranh kiện giữa hai chủ đầu tư, chính quyền và pháp luật không biết xử lí như thế nào...
Rõ ràng là từ cách quản lý đất như thế dẫn đến việc định không đúng giá trị thực của đất, khi thì bị hạ xuống quá thấp, khi thì bị đẩy lên quá cao, gây nên nhiều tiêu cực trong xã hội, gây nhiều lãng phí làm cả trở nhiều đến sản xuất và kinh doanh, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 Đặt vấn đề
Hàng năm nước ta sản xuất được 39 triệu tấn lương thực (năm 2008) trên một diện tích 7,15 triệu héc ta gieo trồng là một điều đáng kể nhưng gắn với 61 triệu nông dân ( 73% dân số toàn xã hội) thì giá trị lao động của một người lao động trong một năm là rất thấp. Điều này dẫn đến hai hệ quả: 1. Giá trị lao động ở Việt Nam thấp 2. Sản phẩm nông nghiệp (lương thực) phải chịu một giá thành cao do đó kém sức cạnh tranh trên thị trường.
Vấn đề đặt ra là làm sao để cho mỗi người nông dân có thể đủ sống và làm giàu bằng chính nghề nông của mình.
Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước ở miền Bắc đã đề ra mức phấn đấu "5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên một héc ta gieo trồng. Năng suất lúa bình quân của cả nước hiện nay đạt 4,5 tấn, nhiều nơi đạt 10, 15 tấn. Các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ tỉnh Nam Định năng suất lúa cao   nhất cả nước, có xã có thể nói là cao nhất thế giới, nhưng lại là nơi có nhiều người đi làm thuê nhất.
Cho đến bây giờ, sau gần nửa thế kỉ, điều kiện cơ giới hoá và khoa học, kĩ thuật cao hơn rất nhiều, tại sao chúng ta lại không tính làm sao để mỗi lao động sản xuất trên một, vài hay hàng chục héc ta. Chúng ta phải chọn lựa giữa việc giao lại toàn bộ số đất canh tác cho 1/5 hay 1/10 số lao động hiện nay với việc mỗi người đều giành giữ một mảnh đất con con.
Ngay từ những năm 60 - 70 của thế kỉ trước đã có ý kiến tập trung một số làng lại thành một khu dân cư. Sự áp đặt bằng biện pháp hành chính như thế rất khó thực hiện và như thế quĩ đất cũng không dôi ra được bao nhiêu.
Phương pháp hữu hiệu nhất có lẽ là quay trở về với thành quả của cuộc cải cách ruộng đất năm 1956, trao lại quyền sở hữu chính thức của nông dân đối với ruộng đất. Nói như lời F. Enghel: "Hãy để người nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của họ". Sự phân công lao động tự nhiên sẽ dẫn tới việc người giỏi trồng cấy dần mở rộng diện tích canh tác của mình, người ít khả năng hơn sẽ chọn , tìm cho mình một công việc thích hợp hơn.
Dễ có người cho rằng như thế sẽ lại hình thành một tầng lớp địa chủ mới và một tầng lớp bần cố nông. Tại sao chúng ta đã chấp nhận sự tồn tại của chủ doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà lại không có ở trong nông nghiệp? Khi đã xác định đất là một tư liệu sản xuất thì một người có nhiều đất là chuyện bình thường. Sẽ không có bần cố nông, bởi người không có đất khi ấy không phải bị cướp đoạt mất ruộng đất mà vì anh ta đã dùng đất để hoán đổi lấy một thứ khác cần thiết với cuộc sống của bản thân và gia đình anh ta hơn. Xưa kia ngoài làm ruộng người ta hầu như không có nghề gì khác, bây giờ người ta có thể làm giàu lên bằng rất nhiều con đường. Người lao động làm cho các doanh nhân nông nghiệp, nếu có, thì sẽ không giống như tá điền với địa chủ ngày xưa mà họ sẽ được trả công theo giá trị lao động của họ mà xã hội qui định.... Không thể tránh khỏi có những kẻ chây lười, rượu chè, cờ bạc dẫn đến cầm cố ruộng đất, đưa gia đình, vợ con vào vòng túng quẫn, nhưng đó lại là chuyện khác.
Việc rút bớt hàng chục triệu lao động ra khỏi ngành sản xuất nông nghiệp hẳn sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với toàn bộ nền kinh tế.
Nếu thực hiện trao lại quyền sở hữu chính thức cho nông dân thì chắc hẳn tất cả mọi người sẽ vô cùng phấn khởi. Và chỉ có như thế chúng ta mới thực sự bước chân vào nền kinh tế thị trường.
 
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2008
Đ. H. N.
  Tài liệu tham khảo
- Lịch sử Việt Nam tập 1 (In lần thứ hai). Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Nhà xuất bản khoa học xã hội. Hà Nội 1976.
          - Trần Từ. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam. Viện Đông Nam á. Nxb Khoa học xã hội - Hà Nội 1984.
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513889

Hôm nay

259

Hôm qua

2303

Tuần này

21826

Tháng này

220762

Tháng qua

121356

Tất cả

114513889