Những góc nhìn Văn hoá

Hoàng Cầm, nhà thơ Kinh Bắc, nhà thơ quê Việt

Hoàng Cầm dường như chỉ sinh ra để làm thi sĩ, mơ mộng từ ngày "để chỏm", nay tuổi bát thập ốm yếu nhiều, vẫn chỉ nghĩ đến người thơ và những câu thơ, chỉ nói chuyện thơ và đêm nảo đêm nào cũng sẵn kề bên gối cây bút, xấp giấy trắng...

Ông là nhà thơ có thần cảm. Không ai ngoài ông nhìn được sông Ðuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ, cái câu thơ ám ảnh tất cả mọi người, đến nỗi sau này, Giáo sư Phan Ngọc đã làm một cuộc đạp xe mấy chục cây số bên hữu ngạn sông Ðuống và thừa nhận với tác giả là Sông Ðuống nằm nghiêng thật. Ðó cũng chính là cảm giác của nhiều Việt kiều khi về nước, nhìn xuống sông Ðuống từ trên máy bay.
Và nếu như về địa lí, sông Ðuống có không nằm nghiêng đi chăng nữa, thì trong kí ức về kháng chiến chống Pháp, trong tâm cảm của chúng ta không bao giờ mất đi con sông Ðuống nghiêng nghiêng ấy. Nó cũng giống như lá Diêu bông, cổ bồng thi, những Cầu Bà Sấm, Bến Cô Mưa....
Sáng tạo ra một sự vật mới, thi sĩ đã làm công việc của tạo hóa. Nhưng những sáng tạo, cái thần cảm của Hoàng Cầm không phải không thể giải thích, miễn là lần theo được những liên tưởng xa mạnh của ông, những liên tưởng có thể có được bằng vốn sống, vốn văn hóa dân tộc đậm đà và cả những ánh hồng xa ngái như chính tác giả tựa cho thơ mình:
Ta con chim cu về gù rặng tre
Ðưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
Ðưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm...
Nhưng “tuần du” với Hoàng Cầm trong "bốn tám dáng thơ đi tám nhịp" khi về Kinh Bắc không phải là điều dễ dàng. Thơ Hoàng Cầm không ít những u huyền. Dẫu vậy, trong cõi u huyền ấy vẫn có một người quê, một vùng quê hiền lành, chất phác thân thuộc với tất cả mọi người.
Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông.
Cả đời mình, Hoàng Cầm nhiều tìm tòi, nhiều những tia chớp dọc ngang rạch giữa thơ mình, nhưng những câu thơ bừng sáng mỹ cảm trong sự giản dị hồn quê vẫn là những câu thơ hay nhất:
Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
...
Cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Và rồi từ con "Chìa vôi quệt gió hững hờ" đến thậm chí "váy Ðình Bảng buông chùng cửa võng" đều hằn sâu vào trí nhớ, nhẹ bước vào mùa hương cổ điển.
Thơ của Hoàng Cầm là thơ của một người tự dịch chuyển mình ra thật xa để mà nhớ nước. Ðó là điều làm nên cái "là một, là riêng là thứ nhất" của ông (...).
Có người càng đi sâu vào cái tôi thì càng trở nên nhỏ bé và xa lạ với mọi người. Còn Hoàng Cầm càng miên man trong kí ức, càng đi sâu vào cái tôi, thì thế giới Kinh Bắc của ông càng được mở rộng: Từ cánh chuồn chuồn khiêng nắng, đám cưới chuột tưng bừng rộn rã, các hội thi ăn mía thổi cơm, thi đánh đu, hát đúm, Hội Gióng, Hội Vân Hà đến trai đời Trần, gái Hậu Lê, mưa Thuận Thành, nước sông Thương...; nơi lịch sử quấn vào huyền sử, kí ức cồn cào trong mộng ảo.
Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm do đó mở về không gian, về thời gian. Thế giới mà ông vẽ ra chính là đời sống dân tộc, dường thân thuộc lắm lại đã dường tít tắp; vừa phía sau lại có thể tìm về nơi phía trước; vừa là cái đã từng có vừa là cái chưa từng có nhưng đều chân thật, rung động đến lạ lùng.
Hoàng Cầm xa quê từ nhỏ. Vì vậy, kí ức về nông thôn là kí ức của một đứa trẻ. Và chính cái thơ dại đó làm nên sức hấp dẫn lớn của thơ ông:
Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Ði mãi tìm sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
Gặm cỏ mưa phùn.
(Về với ta)
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị đến quê em.
(Cây tam cúc)
Tuy nhiên, là con nhà thi thư, vốn dòng khoa bảng, có Tây học lại nhuần nhị văn hóa dân gian; sự kết hợp học vấn; sự kết hợp giữa hiện thực con người và sinh hoạt Kinh Bắc cùng những liên tưởng thăm thẳm đầy bất ngờ trong cái tình cảm gần như mê đắm mới làm nên những bài thơ tuyệt diệu như Bên kia sông Ðuống, Chùa Hương, Về với ta, Lá Diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc...
Tôi cũng đặc biệt thích Mưa Thuận Thành:
Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai
Chiều khô lá ngải
Mưa gái thương chồng
Ướt đầm nắng quái
Sang đò cạn sông.
Có lẽ vì sự mê đắm ấy mà từ những ngày đầu đời, các chuyện kể, sách sử và cuộc sống đã ùa vào chật đầy tâm hồn thi sĩ. Thế nào là thực, thế nào là ảo? Cả những chặng đời dài sau này, những gì mắt thấy tai nghe đối với ông dường như là ảo, là không quan trọng nữa. Hoặc nó chỉ là những gợi nhớ để ông trở về sống với tiềm thức của mình.
Lâu đài thơ kỳ ảo của Hoàng Cầm đẹp trong sóng mắt sông Cầu, sông Ðuống, trong mây ráng Thiên Thai. Những tên làng, tên hội, tên người có thật của vùng Kinh Bắc và cả những cái tên ông tạo ra đều sâu lắng hồn quê Việt.
Hoàng Cầm kể rằng, phần lớn những bài thơ của ông, thường được nghe tiếng của một ai đó đọc cho trong đêm, bài thì vài câu, có bài trọn vẹn như Lá Diêu bông. Tôi cho rằng đấy chỉ là tiếng của tiềm thức. Mà cho dù là gì đi chăng nữa thì "cái ảo" trong thơ Hoàng Cầm vẫn là cái thật, cái xây đắp nên tâm hồn bạn đọc, làm giàu có, phong phú thêm đôi nét bản sắc văn hóa Việt Nam.
Và tiềm thức Hoàng Cầm phải chăng là tiềm thức của một người đi giữa hai bờ luyến nhớ: Một bên là người con gái ông yêu hoặc cụ thể như chị Vinh (nhân vật của Lá Diêu bông) hoặc là người con gái quan họ yếm sồi căng, váy Ðình Bảng buông chùng cửa võng xưa; một bên là toàn bộ cuộc sống êm đềm, đầy ắp thương yêu và rực rỡ hội hè của vùng quê thuần Việt, tiêu biểu Việt.
Thật ra, cái tình yêu kia dù đắm đuối, dường như chưa một lần Hoàng Cầm đạt tới, nên nó cứ ám ảnh, cứ tiếc nuối và rạo rực trong thơ. Và bởi thế mỗi bài thơ, mỗi cảnh vật đều phảng phất một bóng hình con gái từ:
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng.
(Ðêm Thủy)
Từ :
 Thuyền ngự đè sen chồm sóng rượu.
(Hội vật)
Đến:
 Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân.
(Ðêm Thủy)
dường như làm cho cái gì xa trở nên gần, khô trở nên mát và dồi dào sinh khí nhưng không phải không có lúc quá đà, thô tháp. Nhiều khi chỉ chạm đến cái tình, cái trong khiết của hồn lại da diết:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Ði đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
... ới Diêu bông...!
Ði vào thế giới thơ Hoàng Cầm là đi vào thế giới của sự tưởng niệm, thế giới thấp thoáng sau màn lụa bạch. Vì vậy, sự tự cảm của mỗi người mới là điều quan trọng. Và thành công của ông là ở chỗ đó chăng: thu hút được mọi người, mọi phái vào vũ trụ của mình.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513908

Hôm nay

278

Hôm qua

2303

Tuần này

21845

Tháng này

220781

Tháng qua

121356

Tất cả

114513908