Ta gặp lại ở đây cái nhìn của một nhà văn cán bộ, nhìn nông thôn như hậu phương chắc chắn của cuộc kháng chiến, nông thôn của những người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, sản xuất hợp tác đã tốt, chiến đấu đánh trả máy bay địch cũng tốt (Hương cau, Cái cống ba cửa và cô gái bảy tấn), nông thôn của những chàng trai háo hức đợi ngày nhập ngũ, của những cô gái có người yêu ra trận đang thủy chung chờ đợi, của những người chị người mẹ mong con em sớm nhắn về tin lập công (Món quà khó kiếm, Câu chuyện một anh lính trẻ, Luồng gió ấm). Không khí vui vẻ, lạc quan của cuộc sống thôn dã đã che đi khá nhiều những quan hệ thế sự tuế toái thường tình nơi làng xóm. Mỗi truyện đều na ná một hoạt cảnh chèo. Ở phần sau, Hoa lim, tính chất ghi chép, phác thảo khá rõ và đây cũng là kết quả đầu tiên mà chuyến đi Trường Sơn đã đem lại cho ngòi bút tác giả. Rồi ta sẽ thấy những chi tiết xung quanh việc phá bom từ trường (trong truyện ngắn Hò lìa trâu) và nhiều chi tiết ở một vài truyện ngắn khác sẽ được đưa vào Đất mặn, những bối cảnh trong các truyện Đón giao thừa trên tuyến lửa, Hoa lim sẽ được dùng lại cho tiểu thuyết Sao đổi ngôi… Hòa chung trong giọng điệu của văn xuôi đương thời, những truyện ngắn viết về bộ đội và nhân dân dọc tuyến lửa vào Trường Sơn của Chu Văn ở đây đều mang cảm hứng đề cao, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của bộ đội và nhân dân trong cuộc sống chiến đấu. Các truyện ngắn trong Hương cau - Hoa lim tựu trung đều thuộc mô-tip “trai anh hùng gái đảm đang”, mô-tip phổ biến của văn học thời kỳ chống Mỹ.
Có thể nghĩ rằng truyện ngắn không phải là nơi bộc lộ thuận tiện cho những mặt mạnh nhất của ngòi bút Chu Văn, mặc dù đây là nơi bộc lộ rõ rệt thuần túy nhất chất cán bộ trong con người nhà văn của ông. Tính chặt chẽ vắn gọn đến nghiệt ngã trong cốt truyện và kết cấu của thể truyện ngắn hình như không dung hợp với giọng kể chậm rãi đôi khi dềnh dàng của ông. Độ sắc sảo của từng chi tiết ít ỏi, được cân nhắc kỹ lưỡng của truyện ngắn cũng không mấy thích hợp với vẻ đôn hậu khá dễ dãi của ông trong xử lý chi tiết. Và sự phô bày không dấu diếm những ý tứ ông quen dùng dường như cũng khác với yêu cầu kín đáo của thể truyện ngắn. Khá nhiều truyện trong Hương cau - Hoa lim cũng như trong Bông hoa trắng (tập truyện ngắn, in 1978) đáp ứng quá sốt sắng cho yêu cầu “chủ đề tư tưởng phải thật rõ ràng” đến mức nó gần như trở thành bút ký chính luận. Hãy xem một số tên đề của truyện, kiểu như Đi tới mùa xuân phía trước hoặc những câu kết của truyện, kiểu như “Họ đi, bắt giặc Mỹ trả nợ đầu” (Hoa lim), ý hướng chính luận hóa thật rõ; giống như vậy, ngôn ngữ dẫn chuyện thường thường đều là chính luận hoặc na ná tư thế chính luận. Nội dung chính luận ở đây thường là nội dung công tác tuyên truyền tư tưởng của từng thời kỳ, căn cứ vào việc xác định những nhiệm vụ chính trị chiến lược ở thời kỳ ấy. Một số truyện ngắn Chu Văn viết ngay sau ngày miền Nam giải phóng đã kịp nói đến những kẻ nghiện ma túy, đĩ điếm, những dân thường sống trong vùng đô thị. Tất cả dưới ngòi bút Chu Văn, đều từ lâu sẵn lòng chờ ngày giải phóng, hoặc đều trở về lương thiện do tác dụng của hoàn cảnh sống sau giải phóng (Trở về, Hương nhụy hoa lài, Bông hoa trắng). Ông còn có những chùm truyện viết về tội ác diệt chủng của bọn Pôn Pốt, về tinh thần quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam, những chùm truyện ngắn gắn với những sự kiện ở biên giới phía Bắc nước ta từ tháng 2/1979. Có thể nghĩ rằng đây là những sáng tác viết vội của một cán bộ năng nổ thực hiện chức năng tuyên truyền của mình chứ không hẳn là của cây bút có nhu cầu khơi sâu vào các quan hệ thế tục của con người. Những nhu cầu này sẽ được chú ý đến khi nhà văn bắt tay vào truyện dài.
Những truyện ngắn về đề tài lịch sử (phần lớn là dã sử) có lẽ bộc lộ một vốn liếng và sở trường khác của Chu Văn. Cái hấp dẫn của những truyện như Đêm Nguyên tiêu, Viên tỳ tướng của Trần Hưng Đạo, Ông quận Vênh, Tiếng hát trong rèm, v.v… trước hết là ở khả năng tạo dựng không khí cổ xưa với một nhịp văn cố lái sang biền ngẫu, với một bảng từ vựng Hán Việt pha tạp. Màu sắc truyền kỳ, không khí cổ xưa thường được Chu Văn gắn với một tinh thần trang trọng, chiêm ngưỡng quá khứ anh hùng chống ngoại xâm, ca ngợi tình nghĩa trong quan hệ con người ở thời xa xưa, bởi khá nhiều các truyện ngắn lịch sử của ông đều viết vào thời kỳ chống Mỹ. Nhưng càng gần lại đây, trong loại truyện này của Chu Văn đã có thêm những nét khác. Chẳng hạn với truyện Ông đồ già và viên quan võ, ngòi bút của ông còn lộ ra tiếng cười ranh mãnh dân gian khi nó chọc vào phương diện thế tục của cảnh cổ người xưa, nó huy động được cái tinh nhạy của con mắt thạo quan sát phong tục. Khai thác khía cạnh thế sự của đề tài quá khứ, thể hiện một lập trường đạo đức bình dân – là nét chung của nhiều truyện lịch sử, dã sử Chu Văn viết gần đây (Ông vua con, Con nhà dòng…). Dẫu sao, ngay khi đi vào lĩnh vực của lịch sử và dã sử, ngòi bút Chu Văn vẫn bộc lộ những điều quan tâm thường xuyên của một nhà-văn-cán-bộ. Những truyện như Hang cọp vạc dầu, Chữa bệnh háo danh rõ ràng là muốn bàn đến một thứ đạo trị quốc, trình bày những điều liên quan đến “tu, tề, trị, bình” của người cai quản quốc gia.
***
Tiểu thuyết hai tập Đất mặn (1975) vừa là sự lặp lại nhiều đặc điểm của Bão biển, vừa bộc lộ những nét mới ở ngòi bút Chu Văn trong việc nhìn và miêu tả đời sống đương thời, ở đây là thời kỳ của cao trào chống Mỹ cứu nước. Bộ truyện được viền trong một cái khung thời gian lịch sử cụ thể, thời gian cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ lan rộng ra miền Bắc (1964-1969). Cứ điểm mô tả của Chu Văn vẫn là một xã đồng bằng ven biển.
Cái tư tưởng coi cuộc kháng chiến này như cuộc ra trận tổng lực, sự huy động toàn diện những sức lực còn tiềm tàng trong lòng dân tộc – một tư tưởng phổ cập đương thời – đã được Chu Văn tiếp nhận và thể hiện vào câu chuyện. Bởi vậy, ở đây mới có sự xuất hiện sự nhập cuộc của những con người hình như lâu nay tồn tại ngoài lề so với những gì được coi là thuộc trung tâm của chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, tồn tại bên lề xã hội chính thống: một nữ tướng hảo hán trùm đảng cướp khi xưa, một cán bộ có thời phản bội, đang sống lạc lõng tách biệt ngay giữa xóm làng, v.v… Đương nhiên, những nhân vật chèo lái chính cho cuộc sống thời chiến ở đây vẫn là những cán bộ trung kiên, những thanh niên lớn lên trong lòng chế độ mới. Chỉ có thế lực nhà thờ, trong cách thể hiện của bộ truyện, là còn đứng ngoài và ít nhiều đóng vai trò tiêu cực trong cuộc chiến đấu, nhưng hình bóng của nó đã mờ đi rất nhiều. Nhà văn hình như đã không còn coi thế lực nhà thờ Thiên Chúa như là đối cực chính của mâu thuẫn ta-địch như thời Bão biển.
Dụng ý khái quát thực tế nông thôn đương thời vừa như là hậu phương của cuộc chiến tranh quy mô toàn quốc, vừa như là chiến trường của một cuộc chiến tranh tại chỗ chống kẻ địch đến từ trên trời và ngoài biển, Chu Văn đã dồn cho cái xã được ước lệ là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ này cả những sự việc và tình huống vốn thường chỉ có ở vùng biển miền Trung (phá bom từ trường trên sông, gặt lúa trên cánh đồng có bom từ trường, sơ tán dân sang vùng khác…). Mô-tip “sản xuất giỏi chiến đấu hăng”, “trai tài gái đảm” vẫn là những mô-tip chủ đề chiếm phần lớn câu chuyện. Và bản thân bộ truyện cũng có cả một bộ sưu tập những loại sự việc được xem như tiêu biểu đương thời: tiễn thanh niên nhập ngũ, canh gác, bắn máy bay địch, đưa pháo vào trận địa, nhà thờ và nhà trường bị trúng bom, cứu sập, truy điệu những người bị chết, các mẹ già đem nước ra trận địa, v. v… – đó là nói các sự việc chiến đấu; bên cạnh đó là một loạt sự việc sản xuất: làm thủy lợi, trừ sâu rầy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ấy là chưa kể hàng loạt chi tiết sinh hoạt phong tục khác, bao gồm cả những cảnh trái tai gai mắt đang nảy sinh trong cuộc sống thời chiến mà nhà văn như rất muốn ghi lại: chuyện vài anh đào ngũ, chuyện bọn ăn cắp và buôn gian bán lậu làm ăn phát tài giữa thời bom đạn, v.v….
Tuy vậy, cả một chuỗi những sự việc “vừa sản xuất vừa chiến đấu” và các ghi chép phong tục này, dù được miêu tả sinh động đến mấy cũng không khỏi biến câu chuyện thành một chuỗi hoạt cảnh, một chuỗi những ký sự và phóng sự liên hoàn. Sự quan tâm thể hiện mâu thuẫn ta-địch sẽ khó mà tìm được một tuyến nhân vật tương ứng, khi mà kẻ địch chỉ xuất hiện gián tiếp. Nhà văn lại cũng không định mở rộng câu chuyện, không định mạo hiểm đưa vào truyện những tên địch ngồi trong máy bay hay tầu chiến, cũng không còn đánh giá cao vai trò của những kẻ địch “tại chỗ” nấp sau thánh đường và những tấm áo chùng thâm bịt tà. Chính tình huống mới này đã khiến tác giả phải đi tới một bước ngoặt trong việc chọn xung đột chính cho tác phẩm. Ở Đất mặn, xung đột “ta-địch” trở thành một xung đột viền khung, nó là cả một bối cảnh xã hội-lịch sử của cuộc chiến tranh; tác giả không nhân cách hóa xung đột này, không thể hiện xung đột này thành các tuyến nhân vật. Thay vào đó, xung đột “nội bộ” giữa “ta” với “ta”, bên trong hàng ngũ “ta”, được thể hiện thành xung đột chính của cốt truyện, tạo ra sức căng bên trong câu chuyện. Nói rõ hơn, tạo ra xung đột này là “vấn đề cán bộ”, là xung đột giữa những kiểu cán bộ khác nhau trong hàng ngũ “ta”. Về mặt này, Đất mặn là một trong những cuốn truyện đề cập sớm nhất đến sự phân hóa trong đội ngũ cán bộ, đến bệnh quan liêu, gia trưởng của một bộ phận cán bộ cơ sở, đến “chiến lược dùng người”. Góp phần vào việc này có lẽ không chỉ có sự tỉnh táo của một cán bộ sát thực tế mà còn có cả sự minh mẫn của ý thức dân gian.
Tác giả Đất mặn miêu tả lớp thanh niên lớn lên trong lòng chế độ mới như một lớp người hăng hái, có năng lực, giàu ý chí, muốn “ngẩng cao đầu đến với Đảng”, ngẩng cao đầu đi trong cuộc đời. Họ xung khắc với một lớp cán bộ bị quan liên hóa, bị biến thành “viên chức nửa nông nghiệp”, bám giữ các văn phòng cấp huyện hoặc những vai trò chủ chốt ở cấp xã, tự vũ trang bằng những quan niệm giáo điều, hình thức, nhằm che đậy định kiến gia trưởng hẹp hòi. Chính xung đột này đã được dùng để dẫn giải câu chuyện, tạo nên tính thống nhất của nó. Những tình huống ác liệt của chiến đấu và sản xuất thời chiến trở thành chỗ để bộc lộ lẽ phải, vị trí và vai trò của lớp trẻ. Sự thắng lợi của lớp người này càng dễ dàng bởi trong truyện luôn luôn có mặt người trọng tài, người cổ vũ của họ: một bí thư huyện ủy vừa có vai trò là chính ủy của cuộc chiến đấu vừa được mô tả như là đại biểu của một lớp cha anh đầy đức độ và năng lực; cạnh đó là một công nhân đảng viên già mà có lẽ tác giả rất chú trọng đưa vào truyện để thể hiện “lập trường giai cấp công nhân” trong quan niệm về cán bộ của mình.([1]) Tuy vậy, sự thắng lợi, sự thành công giòn giã của các nhân vật lớp trẻ ở cuối bộ truyện lại có vẻ như làm cho mâu thuẫn đã được khắc phục, xung đột trên thực tế lại bị thủ tiêu, lời báo động về vấn đề cán bộ trở nên ngập ngừng, ít ra cũng mất đi sự mạnh mẽ và cả quyết ban đầu.
Đất mặn, giống như Bão biển, vẫn mang tính chất truyện dài, truyện liên hoàn, hơn là tính chất tiểu thuyết. Vẫn một câu chuyện chính chạy tuần tự chậm rãi theo thời gian, với nhiều đoạn dừng lại cho miêu tả hoặc chính luận và cho phép xen vô số chuyện phụ (từ chuyện quá khứ bà Lành sang chuyện tu sĩ Lượt, chuyện bà Tô hảo hán thời xưa, chuyện dân gian về con cua rèm, v.v…). Vẫn một xu hướng chú trọng thể hiện các hành động tập thể như là những biến cố chính tạo thành sự vận động cốt truyện. Vẫn xu hướng dàn ra một số lượng hết sức đông đảo nhân vật, không cần thể hiện rõ cuộc đời và tính cách của họ. Thật ra, tác giả cũng có tập trung soi rọi vào một số nhân vật chính như Lê Thị Thảo, Hà Vân, nhưng ngay cạnh các nhân vật này đã là một số lượng lớn những con người thuộc cùng một loại hình. Cạnh Hà Vân là một loạt nhân vật mà có lẽ tác giả xếp chung vào loại cán bộ lớp cha anh, mỗi người một nét khác nhau, nhằm thuyết minh cho quan niệm tác giả về vấn đề phẩm chất và năng lực của thế hệ này (bác Hiệp, Thụ, Lợi là những nét bổ sung cho mẫu người Hà Vân, và đối lập lại những người vẫn cùng loại hình là Đản, người phó bí thư đảng ủy xã mắc bệnh quan liêu, trù dập lớp trẻ, và xa hơn là Phúc, “tấm gương” về con đường thoái hóa, phản bội từ xưa). Cạnh Lê Thị Thảo là cả loạt những gương mặt trẻ, người cùng công tác ở xã, người đi chiến trường, người trí thức khoa học kỹ thuật… – tất cả như đều nhằm thuyết minh cho cách nhìn của tác giả về năng lực, phẩm chất, về những vấn đề, những nhược điểm của thế hệ thay thế này (những ai ở lại địa phương hoặc ra chiến trường, sản xuất chiến đấu đều có thể trưởng thành như Thảo, Mai, Lợi, Dũng, Tín; người có lý lịch xấu như Sim, người lúc đầu sợ hãi trốn tránh như Giao, đều có thể lập công; người sống nặng về những khát vọng riêng như Cúc, có thể đem tài sắc và tiếng nói ra đóng góp cho chiến trường; những người đã trí thức hóa như là Hà Đài có thể đóng góp và trưởng thành nếu biết gắn với thực tiễn, đi xuống cơ sở phục vụ sản xuất; chỉ có những kẻ trốn tránh, đứng ngoài như cha Tứ, hoặc anh chàng Quý là rốt cuộc bị bom đạn giặc quét họ khỏi cuộc đời, v.v…). Mô tả nhân vật theo những tập hợp loại hình, theo một thứ “chân dung cả nhóm”, thỉnh thoảng lấy ra một khuôn mặt, một cuộc đời làm ví dụ – có lẽ đây là một đặc điểm miêu tả con người trong truyện của Chu Văn. Cùng với thiên hướng miêu tả những cảnh tập thể, những hành động của cả một đám đông, đặc điểm trên đây cho phép nghĩ rằng truyện dài của Chu Văn nói chung chứa đựng nhiều thuộc tính của thể tài sử thi-tập thể hơn là của thể tài tiểu thuyết thế sự hoặc đời tư. Những trang miêu tả phong tục xuất sắc góp phần tạo nên chất tiểu thuyết ở Bão biển đã giảm hẳn đi trong Đất mặn. Những để bù lại, “tính vấn đề” ở Đất mặn lại được tác giả chú trọng nhiều hơn, khiến ta có thể ít nhiều gọi đây là truyện tư tưởng (tư tưởng về vấn đề cán bộ, về lớp người thay thế) – một điều sẽ là gượng ép nếu gắn cho Bão biển. Như vậy Đất mặn vẫn ít nhiều có chất tiểu thuyết, mặc dù nó bị lấn át khá rõ bởi tính chất của kiểu truyện kể truyền thống, nhất là kiểu sử thi-tập thể nói trên.
Qua Bão biển và Đất mặn, có thể thấy khá rõ một số đặc tính của văn xuôi Chu Văn. Một cái nhìn khá chuyên nhất của cặp mắt cán bộ vào những bức tranh đời sống, những con người và tình huống mà mình miêu tả. Những phẩm chất của tư duy dân gian tiềm tàng trong cách xây dựng truyện và xử lý nhân vật. Và sau cùng, năng lực miêu tả phong tục và thể hiện tâm lý – tức là những kỹ năng khá mới của văn xuôi tiểu thuyết đương thời. Những đặc điểm này không bộc lộ hài hòa những vẫn có thể được kết hợp và chi phối lẫn nhau trong từng tác phẩm. Toàn bộ văn xuôi Chu Văn cho đến Đất mặn, bộc lộ một sự chế ngự mạnh mẽ của cái nhìn cán bộ, tư duy cán bộ. Thực thà và chân chất, tư duy này đã chi phối và tận dụng được cả những phẩm chất dân gian lẫn những nhân tố của tư duy tiểu thuyết. Khá nhiều phạm trù thuộc nhận thức của người cán bộ đã được dân gian hóa hoặc được truyền đạt dưới dạng dân gian hóa (tốt-xấu, đúng-sai, hợp lẽ-trái lẽ…), đồng thời mở ra con đường dung nạp cả những phạm vi không gắn trực tiếp với lập trường cốt thiết của người cán bộ, dù là của dân gian hay của sinh hoạt thế tục (những chuyện tiếu lâm, những sinh hoạt phong tục, tâm lý trong tình yêu, chuyện số phận…). Giọng kể chủ đạo là giọng của người cán bộ tin rằng mình biết rõ và hiểu đúng sự việc, nhưng giọng này cũng thích “quần chúng hóa”, thích được người ta lắng nghe như nghe giọng điệu dân gian, và đôi lúc cũng muốn nhường lời cho giọng dân gian, giọng thế tục, giọng tâm tình, như là để có sự cảm thông, sự tin cậy, rồi sau đó lái tất cả theo giọng điệu và quan niệm của mình. Ý thức nghệ thuật chủ đạo của nhà văn, cho đến Đất mặn, là ý thức cán bộ, tức là một ý thức được dựa chắc trên các chuẩn mực chính thống, quan phương trong nhận thức và xử thế trước mọi sự việc và vấn đề nảy sinh ở đời sống đương thời. Ý thức dân gian cho đến Đất mặn vẫn chỉ là nhân tố phụ trợ, vẫn chỉ là nhân tố bị lợi dụng để phổ cập ý thức chính thống, quan phương. Nhưng đến lượt mình, khi đã được dung nạp, ý thức dân gian cũng có được từng khoảnh đất nho nhỏ của nó, nhất là những chỗ không thể đem các chuẩn mực chính thống ra mà phân chia đúng sai cho thật rạch ròi.
Từ cuốn truyện trước sang cuốn truyện sau, ta sẽ thấy ở sáng tác Chu Văn diễn ra một quá trình thú vị trong đó ý thức dân gian ngày càng giành được những khoảng trời rộng rãi hơn và có lúc xem ra lấn át ý thức quan phương ngay trong khi ý thức quan phương vẫn được nhà văn cán bộ chất đầy lên các trang truyện.
Tiểu thuyết Sao đổi ngôi sẽ là trường hợp như vậy.
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp.
([1]) Xem: Nguyễn Công Hoan, sách đã dẫn, tr. 49