2. Về Nếp Sống Tu Dưỡng của Ngài.
Do vậy, trong thời gian đó, Quốc sư đã đọc hết tất cả các kinh điển Phật giáo và quán triệt ý nghĩa chủ yếu của Thiền Tông. Về bản thân thì Ngài có giới đức trang nghiêm, trí tuệ trong sáng, trên hoằng dương Phật Đạo, dưới hoá độ và cứu giúp nhân dân, nhằm thực hành vô ngã, vị tha, đưa mọi người đạt tới đỉnh cao giác ngộ, giải thoát, nghĩa là, đạt tới hạnh phúc, tự do và bình đẳng xã hội.
3. Về Sự Nghiệp Xây Dựng Đất Nước và Phát Triển Đạo Pháp.
Theo quan điểm xuyên suốt của Phật giáo, thì Đạo pháp và Dân tộc luôn phải song hành, bởi lẽ Đất nước có độc lập, hưng thịnh, thì Phật giáo mới tồn tại, phát triển. Vì thế.
- Về mặt xây dựng đất nước: Năm 40 tuổi, tiếng tăm về đạo đức và học thức của Quốc sư Khuông Việt đã lừng lẫy khắp nước và vang dội tới cả triều đình, nên Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung đình để đàm luận việc đạo, việc nước. Ngài giải trình và đối đáp mọi việc đều thông suốt và hợp ý vua. Bởi vậy, nhà vua rất kính phục và phong chức Tăng Thống, chức vị đứng đầu Phật giáo cả nước cho Ngài. Năm sau, niên hiệu Thái Bình, vua lại ban cho Ngài ngôi vị Khuông Việt Thái sư. Vì thế, Ngài tham dự việc nước như vị tể tướng của triều đình, thường cùng nhà vua bàn luận các việc trọng đại, đối nội, đối ngoại và thay vua tiếp đãi các quốc khách.
Đến đời vua Lê Đại Hành, Quốc sư Khuông Việt lại được vua kính trọng nhiều hơn, bao nhiêu việc nước ở triều đình như việc quân sự, chính trị Ngài đều tham gia và đặc biệt được vua mời vào tư vấn.
Năm Thiên Phúc thứ bảy (986), sứ thần nhà Tống là Lý Giác sang sứ nước ta. Bấy giờ, Pháp Sư Đỗ Thuận cũng có tiếng tăng lừng lẫy. Nên vua sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để đón tiếp Lý Giác ở trên sông Giang Khúc. Lý Giác thấy Pháp sư thông minh xuất sắc, giỏi về văn chương, thơ phú, bèn làm một bài thơ tặng:
幸遇明時贊盛猷
一身兩度使交州
東都再別心尤戀
南越千重望未休
馬踏煙雲穿浪石
車辭青幛泛長流
天外有天應遠照
溪潭波淨見蟾秋
Hán âm:
Hạnh ngộ minh thời tán thịnh du
Nhất thân lưỡng độ sứ Giao Châu
Đông đô tái biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
Dịch nghĩa:
May gặp minh quân giúp việc làm
Một mình hai lượt sứ Miền Nam
Mấy phen qua lại dòng thêm nhớ
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm
Ngựa đạp mây bay qua suối đá
Khe vòng núi chạy tới giòng lam
Ngoài trời lại có trời soi rạng
Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm
(HT. Mật Thể)
Vua Lê Đại Hành đưa bài thơ này cho Quốc sư Khuông Việt xem có ý gì không. Ngài tâu:
Câu thứ bẩy, sứ Tàu có ý tôn vinh Bệ hạ ngang hàng với vua của họ.
Kế đó, vua Lê Đại Hành bèn nhờ Quốc sư Khuông Việt làm một bài đáp lại để tiễn đưa sứ thần Lý Giác về Tàu. Ngài vâng lệnh vua, rồi làm một bài theo điệu Tống Vưng Lang Qui như sau:
祥光風好錦帆張
神仙復帝鄉
千里萬里涉滄浪
九天歸路長
人情慘切對離觴
攀戀使星郎
願將深意為南疆
分明奏我皇
Hán âm:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương
Cửu thiên quy lộ trường
Nhân tình thảm thiết đối ly thương
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thân ý vị Nam cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch nghĩa.
Gió hoà phấp phới chiếc buồm hoa
Thần tiên trở lại nhà
Đường muôn nghìn dặm trải phong ba
Cửa trời nhắm đường xa
Một chén quan hà dạ thiết tha
Thương nhớ biết bao là
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
Bày tỏ với vua ta.
(HT. Mật Thể)
- Về mặt phát triển Đạo pháp: Sau, Quốc sư Khuông Việt lấy cớ tuổi cao sức yếu, Ngài xin vua cho nghỉ việc tại triều đình, rồi Ngài trở về quê nhà xây một ngôi chùa thờ Phật, hiệu là Phật Đà tự trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, Ngài trụ trì ở đó, đồng thời Ngài lại mở trường dạy học. Do vậy, các học trò ở bốn phương tìm về học Ngài rất đông, bởi lẽ ngôi chùa Phật Đà của Ngài không chỉ là một thắng cảnh tâm linh, nhằm tu dưỡng thân tâm hướng thiện, mà còn là một trung tâm giáo dục văn hoá nhân văn, để hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sinh và an sinh xã hội.
Biết rằng trong các lớp học trò của Ngài, có Thiền Sư Đa Bảo, là một học giả xuất sắc đương thời. Một hôm, Thiền Sư được vào tư thất của Ngài để hỏi:
Thế nào là mục đích của sự học đạo?
- Ngài đáp: Mục đích của sự học đạo là nhằm đạt tới Phật Tính bình đẳng, vô ngã vị tha, nhiệm màu như chân không diệu hữu và chân như phổ biến.
- Đa Bảo hỏi thêm: Làm sao mà duy trì được?
- Ngài nói: Ông không thể nắm bắt được.
- Đa Bảo giải trình: Thế là Hoà Thượng nói rõ rồi.
- Ngài hỏi lại: Vậy ông hiểu thế nào?
- Đa Bảo hét lên một tiếng. Tiếng hét trong Thiền Tông của các vị Thiền Sư là một ẩn dụ để ám chỉ sự trực ngộ, trực giác hay hiểu rõ một vấn đề nào đó mà không cần đến lời nói hay khai niệm để trình bày, vì thế, trong Thiền Tông có câu:
- Tâm hành, ngôn ngữ đạo đoạn.
Nghĩa là: Các vị Thiền Sư đắc đạo, không cần dùng con đường bằng ngôn ngữ và khái niệm, để giáo hoá các học trò nữa, thông thường, chỉ dùng gậy Thiền (Thiền Bổng) và Tiếng Hét (Thiền Hát). Thí dụ: Đức Sơn Bổng và Lâm Tế Hát. Nghĩa là: Gậy của Thiền sư Đức Sơn và Tiếng Hét của Thiền Sư Lâm Tế, nhằm kích thích sự trực ngộ và phá chấp những lời nói và khái niệm cũng như định kiến của Thiền Sinh.
Sau cùng, trước khi tạ thế, nhập Niết Bàn, vào niên hiệu Thuận Thiên thứ hai nhà Lý, này 15 tháng 2 năm Tân Hợi, tức 1011, Quốc sư Khuông Việt cho gọi Thiền Sư Đa Bảo vào chỉ dạy:
木中原有火
有火火還生
若謂木無火
鑽燧何由萌
Hán âm:
Mộc trung nguyên hữu hoả
Hữu hoả hoả hoàn sinh
Nhược vị mộc vô hoả
Toản toại hà do manh
Dịch nghĩa:
Trong cây sẵn có lửa
Có lửa lửa lại sinh
Nếu bảo ây không lửa
Cọ xát làm sao phát sinh?
Nói xong. Quốc Sư ngồi kết già, viên tịch. Ngài hưởng thọ 79 tuổi.
Thưa Quý liệt vị!
Quốc sư Khuông Việt, ở đây Ngài dùng ẩn dụ cây và lửa để chỉ bảo Thiền Sư Đa Bảo. Vì cây chỉ con người; còn lửa ám chỉ Phật Tính bình đẳng, phổ biến và bất diệt, sẵn có nơi con người. Và Phật Tính cũng là Lửa thiêng. Theo huyền thoại Hy Lạp, thì chính Prométhée đã lấy Lửa Thiêng (Le Feu Sacré) của Zeus, thiên thần tối cao, mang về cho nhân laọi, do đó, loài người mới có nếp sống văn minh tiến bộ, cũng như Lửa của Hðraclite, nhà triết học Hy Lạp, trước Công Nguyên 550, là nguyên lý của vũ trụ, luôn chuyển động, tạo ra vạn vật và nhân sinh. Chúng ta thấy: ý nghĩa về lửa đã được nói rõ trong cuốn sách De La Nature. Về Thế giới Thiên nhiên, của nhà triết học Héraclite.
Nói ngắn gọn, Quốc sư Khuông Việt muốn nói cho Thiền Sư Sa Bảo biết rõ về vấn đề sống chết, qua bài kệ nêu trên, rằng:
Vấn đề sinh tử của con người chỉ là một tiến trình chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, kinh doanh có vấn đề chết là hết, càng không có vấn đề tồn tại là vĩnh hằng, mà phải luôn chuyển động tiếp nối. Nghĩa là, không nên bi quan hay lạc quan vì sống chết là quy luật tất yếu và phải tích cực tiến lên hoàn thiện, cũng như nước theo quan điểm của Lavoisier, phải luôn chuyển biến từ dạng hơi sang dạng cứng, rồi sang dạng lỏng, cứ tuần hoàn mãi như vậy.