Những góc nhìn Văn hoá
Văn xuôi Chu Văn (kỳ cuối)
Phương hướng tư duy nghệ thuật mà Sao đổi ngôi mở ra, nếu như Chu Văn phần nào duy trì được trong một số truyện ngắn dã sử có màu sắc truyền kỳ như đã nói ở phần trên, thì đến tiểu thuyết Giáp mặt (1986), phương hướng tư duy này lại chưa được phát huy ở mức tương xứng.
Với Giáp mặt, nhà văn trở lại một trong những đề tài của Bão biển, mô tả trạng thái của thiên chúa giáo trong xã hội đương thời. Cốt truyện Giáp mặt có phần tập trung hơn (đây là truyện vừa chứ không phải truyện dài), nó không đồng thời muốn triển khai thêm cả các mô-típ truyện sản xuất và truyện chiến đấu như Bão biển hay Đất mặn, nó khá thuần túy là truyện thế sự. Vẫn lấy cứ điểm là một xã, một xứ đạo, nhưng tác giả cũng cố tạo cơ hội để các nhân vật ở đây được xúc tiếp rộng với những vị khách phương xa tới, bởi vì ở đây yêu cầu tập trung vào vấn đề đã lấn át hẳn yêu cầu phác họa đầy đủ khung cảnh sinh hoạt xã hội đương thời ở một làng quê miền Bắc đầu những năm 1980. Trạng thái của đạo Thiên Chúa trong đời sống nông thôn, tình thế và bước đường của người tu hành trong xã hội mới – là những đầu mối quan tâm chủ yếu của nhà văn. Thể hiện bằng hình tượng của tác phẩm chưa đủ, nhà văn còn cho xuất hiện những nhân vật phụ, những linh mục, dì phước từ phía Nam có dịp ghé đến, họ thuyết minh về tình hình đạo Cơ-đốc hiện giờ ở các nước ngoài, về các chủ trương của Cộng đồng Vatican II, v. v….
Cũng tương tự như Nguyễn Khải, đề tài tôn giáo mà Chu Văn khai thác không phải là bản thân tôn giáo, mà là khía cạnh địa vị chính trị của tôn giáo trong xã hội ta, cụ thể hơn, là quan hệ của nhà thờ, của linh mục với chính quyền, với nhân dân.
Nhân vật chính, linh mục Lê Thiềm, ban đầu theo lệnh ngầm của tòa giám, tung tiền cho tay chân làm hư hỏng cán bộ của chính quyền, của hợp tác xã. Nhưng dần dần, do tác động khéo léo của các cán bộ đảng và chính quyền, ông ta nhụt đi, và dần dà lại ngả về phía hòa thuận với chính quyền. Đến lượt mâu thuẫn giữa ông ta và tòa giám tăng lên, và kèm theo là những mưu mô giám sát, theo dõi, bầy trò trừng trị… Những xúc tiếp mới, những quan hệ mới nảy sinh đặt ông ta trước nhiều cách lựa chọn, kể cả khả năng hoàn tục theo bàn tay vẫn gọi ngọt ngào đầy hứa hẹn hạnh phúc của Anna Nhuận. Nhưng có lẽ tác giả chỉ muốn hướng ông ta noi theo một linh mục kháng chiến đức độ nổi danh, tức là làm sao xứng đáng là một linh mục “kính chúa yêu nước”.
Nhan đề Giám mặt ngụ nhiều ý tứ: sự giáp mặt hàng ngày giữa chính quyền và các đại diện nhà thờ; sự giáp mặt giữa hai con đường nhân cách: hai người bạn cũ, một trở thành cán bộ cách mạng già dặn, bản lĩnh, khắc khổ nhưng thanh thản, một trở thành linh mục, sống trong đầy đủ, giàu sang, như tự thấy trống rỗng, bối rối. Rồi sự giáp mặt giữa lề thói cổ hủ, trì trệ của giới linh mục một vùng đóng kín cửa trước những thay đổi cởi mở, linh hoạt trong cách sống, cách hành đạo của linh mục ở các xứ đạo khác, trong nước và nước ngoài.
Một nét đáng lưu ý là, nếu xung đột giữ tòa giám địa phận Kim Bài với chính quyền ở đây còn được mô tả gần như xung đột “ta-địch”, thì chính xung đột này cũng có sự chuyển hóa. Được cụ thể hóa ở trường hợp cha Thiềm và chính quyền xã Hoành Du, sự đối kháng dần dần chuyển hóa thành “đối thoại”, “hợp tác”. Điều này không chỉ là mô tả cục diện mới của Cơ-đốc giáo từ sau Cộng đồng Vatican II, mà còn là sự thuyết minh cho những quan niệm ít nhiều cởi mở hơn của chính tác giả. Quan niệm nhà thờ là thế lực chống chính quyền, chống chế độ, nỗi lo ngại bị nhà thờ tranh mất quần chúng – là những điều vẫn còn nguyên trong ý thức cán bộ của tác giả và bộc lộ khá lộ liễu trong lời kể. Cách nhìn phổ biến ở đây vẫn là cách nhìn hạ cố, sẵn sàng áp dụng biện pháp châm biếm lố bịch hóa cho các nhân vật thầy tu Cơ-đốc giáo, thích nhấn mạnh một chiều cái chất “người thường” nhiều dục vọng “phàm hèn” của họ… Về những mặt này, Giáp mặt vẫn lặp lại cách nhìn tôn giáo thời Bão biển. Tuy vậy, ít ra, ngay ở cái nhìn đầy chất cán bộ này, trong Giáp mặt, Chu Văn đã tỏ ra mềm mỏng hơn, hiểu biết hơn đối với cái “tôn giáo nhập ngoại” vẫn còn cơ sở tồn tại trong xã hội hiện thời này. Những ý kiến và những cách xử lý của Khắc Thanh – người cán bộ già dặn xin được “hạ phóng” về làm bí thư đảng ủy xã – chính là sự phát biểu quan niệm của tác giả. Có lẽ phải qua hai chục năm từ khi viết Bão biển, lần đầu tiên mới thấy Chu Văn xem tôn giáo là hiện tượng văn hóa, dù ông chỉ thấy nó là văn hóa ở khía cạnh lễ hội (và nhân thể, để mỉa linh mục “sắm vai thần linh” như diễn viên sắm vai anh hùng hiển thánh!).
Được tiếng là một trong những cây bút viết khá thành thục về nông thôn Thiên Chúa giáo, nhưng cả Chu Văn, cả Nguyễn Khải lẫn một số cây bút khác mới chỉ quan tâm đến khía cạnh “tôn giáo là thuốc phiện”, mới chỉ chăm chú xem xét nó cản trở ra sao đến việc quản lý xã hội của chính quyền mới ở nông thôn, chứ chưa hề tìm hiểu khía cạnh nó đồng thời “là phúc lợi tinh thần” của nhân dân chừng nào chưa được thay thế thực sự bằng một “phúc lợi tinh thần” khác (đây mới là nói đến một trong số nhiều kiến giải phức tạp của Các Mác về tôn giáo). Mấy chục năm qua, nhiều nhà văn cấp tiến nhất kể cả những nhà văn cộng sản ở các nước, đã có nhiều nhận thức và thể hiện đổi mới khi đề cập đến các tôn giáo cụ thể và tôn giáo nói chung, nhiều khi họ còn quay lại dựa vào nó như vào những truyền thống nhân bản lâu đời để chống lại những hậu quả phi nhân hóa, sùng bái vật chất và kỹ thuật do văn minh hiện đại tạo ra. Trong lúc ấy, các nhà văn của chúng ta hình như yên tâm dùng cách nhìn cũ, được cung cấp sẵn từ lâu. Giáp mặt có lúc hé ra những nét cởi mở, nhưng là cởi mở trong phạm vi quan niệm cũ.
Ở Giáp mặt, Chu Văn rõ ràng đã trở lại cái nhìn cán bộ, truyền đạt ý thức quan phương, tô đậm vai trò chèo lái, gánh vác sự nghiệp chung của những cán bộ có phẩm chất và năng lực – hoặc ít nhất cũng có đủ nghị lục vượt qua những sai lầm, những “sa ngã” của bản thân mình. Đồng thời, nhà văn vẫn cố gắng huy động ý thức dân gian, lúc thì như để tìm thêm tiếng nói đồng tình, lúc thì như để tìm một sự phân xử, một lời giải đáp cần thiết. Nhưng ở đây, ý thức dân gian thường chỉ nhằm biện hộ cho ý thức cán bộ, thường chỉ được dùng để chuyển những vấn đề được đặt ra ở phạm vi xã hội học sang những cách giải quyết thuộc phạm vi đạo đức học. Phẩm chất và năng lực cán bộ phía ta, tư cách và con đường cần chọn của các linh mục biết lẽ phải – tất cả các vấn đề này đều được nhanh chóng chuyển ra khỏi phạm vi phân tích để được “soi rọi” chủ yếu bằng một thứ đạo lý dân gian hóa, lấy “vì nước vì dân” làm thước đo chung. Có lẽ do xu thế đạo đức hóa này nên ở Giáp mặt, những sự phô bày trực diện sắc sảo về thực tế nông thôn phức tạp hiện nay, về thực trạng tiêu cực của hàng ngũ cán bộ – vốn là những nét mạnh thường thấy ở ngòi bút Chu Văn – đã mờ hẳn đi, gần như là bị che khuất hết.
Được viết sau Sao đổi ngôi khoảng 5 năm nhưng được ra mắt chỉ sau cuốn trên gần một năm, Giáp mặt, như vừa phân tích ở trên, không chứng tỏ sự chuyển biến thuận chiều của tác giả. Điều này càng cho thấy tính chất giằng co phức tạp trong sự tiến triển về ý thức nghệ thuật của mỗi nhà văn. Không phải bất cứ lúc nào, khi đã đạt tới một quan niệm mới, một lập trường mới thì tuyệt nhiên không còn khả năng lặp lại, quay lại những quan niệm cũ, đã từng nhất thời bị vượt qua.
***
Trên đây, tôi đã thử phân tích văn xuôi của Chu Văn qua các giai đoạn sáng tác của ông, qua các tác phẩm đã lần lượt ra mắt, các tập truyện ngắn của từng thời kỳ, và nhất là qua những truyện dài mà tác giả nhất loạt gọi là “tiểu thuyết”, những tác phẩm bộc lộc tập trung các đặc điểm tiêu biểu của ngòi bút Chu Văn.
Từ ngọn nguồn của mình, ngòi bút Chu Văn đã mang đậm tư chất người kể chuyện dân gian. Nảy sinh ở môi trường văn học hiện đại, người kể chuyện có cốt cách dân gian này đã tiếp thu và đào luyện năng lực của mình theo hướng văn xuôi thế sự-phong tục. Sáng tác trong chế độ mới sau Cách mạng tháng Tám, trở thành người cán bộ trước khi cầm bút sáng tác, cây bút Chu Văn đã xuất hiện và tồn tại chủ yếu như một nhà văn cán bộ, lấy ý thức chính thống của người cán bộ để nhìn nhận và đánh giá những hiện tượng và quá trình đời sống mà mình miêu tả. Ý thức này ngự trị chắc chắn trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn, kéo theo việc huy động cả tư chất người kể chuyện dân gian, cả năng lực của ngòi bút miêu tả thế sự, dựng lên một thế giới nghệ thuật trong đó nổi lên hàng đầu là hình ảnh cuộc đấu tranh xác lập trật tự xã hội mới do những cán bộ ưu tú và đông đảo quần chúng thực hiện. Cũng từ cái nhìn thẳng thắn và thiện chí, nhà văn cán bộ này đã sớm thấy và thể hiện vào tác phẩm của mình nhiều hiện tượng và vấn đề nảy sinh trong hàng ngũ cán bộ trong lòng của chế độ mới. Lên tiếng báo động và chống lại những hiện tượng này, tính tích cực xã hội (người ta vẫn gọi là “tính chiến đấu”) đã đưa nhà văn ngày càng gần với lập trường nhân dân, huy động quan niệm đạo lý dân gian, sự thông tuệ kiểu dân gian ngày càng có vị trí trong sáng tác của Chu Văn, làm lộ rõ tư chất dân gian vốn tiềm tàng trong cảm quan nghệ thuật của ông.
Tư chất dân gian của ngòi bút Chu Văn bộc lộ đặc biệt rõ ở ngôn ngữ nghệ thuật, ở thể loại các tác phẩm của ông. Dù dồi dào năng lực miêu tả các bức tranh sinh hoạt, các xung đột thế sự và ít nhiều, cả các tấn kịch tâm lý – tức là những năng lực của nhà tiểu thuyết – nhìn chung, các tác phẩm của Chu Văn vẫn thuộc loại truyện kể liên hoàn, gần với truyện kể dân gian cả về cách bố cục, cách xây dựng nhân vật lẫn cách triển khai và xử lý xung đột. Tuy nhiên, giá trị các sáng tác của ông chủ yếu không tùy thuộc ở chỗ chúng có ít hay nhiều thuộc tính của tiểu thuyết. Việc nhà văn gọi tác phẩm của mình là truyện ngắn hay tiểu thuyết thật ra chỉ che khuất chứ không phương hại đến bản chất thể loại ở cấu trúc bề sâu của tác phẩm. Văn xuôi Chu Văn mang nhiều đặc tính của truyện kể truyền thống (truyện kể dân gian, truyện của văn học thành văn cổ và cận đại) tuy vẫn có nhiều nét của văn xuôi hiện đại. Đây là một sản phẩm độc đáo, in rõ dấu ấn sự giao thoa của văn hóa truyền thống và văn hóa mới.
Tiếng nói nghệ thuật của Chu Văn càng ngày càng gắn bó với tư chất dân gian, cái cốt cách ông sẵn có từ thoạt đầu và có lúc đã biết quay về để khai thác ưu thế của nó. Sáng tác của Chu Văn càng ngày càng chứng tỏ ý thức dân gian, trí tuệ dân gian vẫn có chỗ đứng trong nghệ thuật ngày nay.
Tháng 10/1987
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513909
Hôm nay
279
Hôm qua
2303
Tuần này
21846
Tháng này
220782
Tháng qua
121356
Tất cả
114513909