Những góc nhìn Văn hoá
Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật trong thời đại truyền thông
Phân tích những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật trong thời đại truyền thông và ảnh hưởng của chúng đến đời sống văn hoá, nghệ thuật Việt Nam đương đại dưới những hình thức và mức độ nhất định, trong bài viết này, tác giả tập trung luận giải tác động của truyền thông cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực đến sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật và từ đó, đưa ra ý kiến của mình đối với việc định hướng sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật hiện nay trước những thách thức của thời đại truyền thông.
Thời đại chúng ta đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông. Truyền thông làm thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới, vị trí của con người cá nhân được đề cao kéo theo sự thay đổi cả hệ giá trị chuẩn mực văn hoá thẩm mỹ truyền thống, trong đó có những thay đổi về quan niệm sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.
Truyền thông có thể hiểu là quá trình tương tác xã hội để chia sẻ thông tin. Theo đó, thời đại truyền thông mở ra khả năng liên kết và thông hiểu giữa con người với con người thông qua việc nắm bắt ý nghĩa của âm thanh, biểu tượng, ngôn ngữ.
Trước những tác động mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật số đến mọi lĩnh vực của đời sống con người, việc nắm bắt những đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật là cần thiết. Nghệ thuật trong thời đại truyền thông có ba đặc trưng cơ bản đó là: đa phương tiện, siêu văn bản và tương tác. Tính đa phương tiện của nghệ thuật được thể hiện ở việc các phương tiện truyền thông hiện đại đều có thể tham gia vào sản xuất và truyền tải nghệ thuật. Khi nghệ thuật sử dụng đa phương tiện truyền thông trong sản xuất và truyền tải thì tính tương tác giữa nghệ sĩ với công chúng, giữa công chúng với tác phẩm ngày càng cao. Tính tương tác giúp người xem nối mạng với ngôi làng toàn cầu. Đồng thời, tính tương tác trong nghệ thuật còn mở ra sự dân chủ trong thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật.(*)Dưới tác động của truyền thông, tính đa phương tiện và tính tương tác trong nghệ thuật được kết nối thông qua những siêu văn bản. Siêu văn bản là một loại văn bản thông thường nhưng lại chứa một hay nhiều tham chiếu tới các văn bản khác. Người sử dụng có thể đi từ tài liệu này sang tài liệu khác thông qua các tham chiếu. Nhờ đó, chúng ta có thể đi vào xa lộ thông tin của thế giới bằng việc kết nối máy chủ với internet. Kỹ thuật siêu văn bản giúp người sử dụng có thể thu thập được những tư liệu quý về lịch sử nghệ thuật từ các văn bản văn chương cổ điển đến hiện đại thông qua các bản dịch mới kèm theo các hình ảnh thị giác.
Một trong những nét tiêu biểu của nghệ thuật trong thời đại truyền thông là nó thường gắn liền với những hiện tượng sốc, mới mẻ; đồng thời, nó còn mang tính giải trí, tính lặp lại, tính chuỗi(1). Điều này được thể hiện đặc biệt rõ trong tiểu thuyết. Nội dung của những tiểu thuyết trước đây chuyển tải thông điệp về các giá trị truyền thống, những quy tắc của đời sống xã hội và những nguyên lý đạo đức với những giá trị khá ổn định. Thay vào đó, trong thời đại kỹ thuật số, sự chuyển biến xã hội diễn ra mạnh mẽ, sự liên tục xuất hiện những tiêu chuẩn ứng xử mới, đòi hỏi một thứ văn kể chuyện dựa trên tính bất ngờ, tính đan xen, tính lặp lại. Mỹ học hiện đại chỉ ra rằng, tính chất của những sản phẩm nghệ thuật truyền thông đại chúng là tính lặp lại dựa trên một cái sườn ấn định trước. Những câu chuyện được dựng trên cái sườn đó căn bản là giống nhau. Việc mua sách được lý giải bởi nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn tâm lý. Sự thú vị của công chúng đến từ cái không truyện; sự giải trí sinh ra từ sự chối bỏ tính phát triển của những sự kiện, từ sự tháo lui khỏi cái căng thẳng của mối liên hệ quá khứ – hiện tại – tương lai mà tập trung vào cái giây lát. Từ những nhân vật của một câu chuyện thành công trước đó, người ta phục hồi lại và chế bản ra vô số những bản sao. Cơ chế này phổ biến rộng rãi trong tiểu thuyết bình dân hôm nay.
Có thể nói, sự lặp lại trong nghệ thuật thì ở thời đại nào cũng có, chứ không phải chỉ trong thời đại truyền thông. Nhưng, trong thời đại truyền thông, nó phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một bảng kiểu mẫu về sự lặp lại không cung cấp cho chúng ta tiêu chuẩn để đánh giá sự khác biệt về giá trị mỹ học. Do đó, khi sự lặp lại hiện diện trong nghệ thuật, thì cần phải thiết lập những tiêu chuẩn về giá trị nghệ thuật để đánh giá.
Trong thời đại truyền thông, nghệ thuật hoạt động theo tính chuỗi. Nghĩa là, xuất hiện những sản phẩm nghệ thuật mà về mặt nội dung, đó là “một sự kế tiếp liên tục của những điều giống nhau” nhưng hình thức lại được ngụy trang dưới những dạng khác nhau. Nghệ thuật trong thời đại truyền thông đề cao tính giải trí. Bởi vậy, người ta thường đồng nhất một quyển sách thành công với một quyển sách mang giá trị giải trí.(1)
ở Việt Nam, với sự mở cửa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá đã trở thành xu thế khách quan, những đặc trưng của nghệ thuật thời đại truyền thông cũng đã ít nhiều thâm nhập vào quá trình sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên sự biến đổi tích cực trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Là sản phẩm của đời sống xã hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự phong phú và đa dạng của đời sống nghệ thuật phản ánh thực tiễn sinh động của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ phát triển mạnh mẽ của truyền thông, của giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Thực tiễn đó đã thúc đẩy giới văn nghệ sĩ nước ta tích cực tìm tòi cái mới trong nội dung và hình thức nghệ thuật, mở ra những khuynh hướng sáng tác và tiếp nhận mới so với trước đây.
Nếu ở thời kỳ trước đổi mới, nghệ thuật chú ý nhiều đến việc thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, thì từ khi đổi mới, với sự tác động của truyền thông đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh đề tài này, còn xuất hiện nhiều đề tài khác, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, những góc cạnh đa dạng trong đời sống con người với nhiều phương tiện và hình thức thể hiện. Đồng thời, sự phát triển của truyền thông còn tạo điều kiện cho công việc khai thác, phổ biến, lưu giữ và mang lại sự hồi sinh cho nghệ thuật truyền thống.
Mặt khác, sự phát triển của truyền thông còn thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và thế giới. Nhờ các phương tiện truyền thông, những thể loại nghệ thuật “bác học” của nhân loại không còn bị giới hạn trong phạm vi hạn hẹp của một đối tượng công chúng nhất định; chúng ngày càng được phổ biến rộng rãi. Sự mở rộng giao lưu văn hóa nghệ thuật đã giúp cho giới sáng tác và công chúng yêu nghệ thuật có điều kiện nâng cao trình độ, nhu cầu và thị hiếu nghệ thuật. Tuy nhiên, dưới tác động của truyền thông, sự vận động của đời sống nghệ thuật đang bộc lộ một số điểm cần chú ý:
Thứ nhất, về vấn đề sản xuất nghệ thuật. Trong cơ chế thị trường, nhiều loại hình nghệ thuật, sản xuất đang vận động theo quan hệ cung cầu. ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Lao động nghệ thuật cũng giống với các loại lao động khác trong cơ chế thị trường. Về vấn đề này, lúc đương thời C.Mác đã chỉ rõ quá trình tái sản xuất ra nhu cầu, khi cho rằng, mặc dù sản xuất nghệ thuật quyết định nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, tạo ra công chúng nghệ thuật và các phương thức tiêu dùng nghệ thuật, nhưng không có nhu cầu thì không có sản xuất và chính nhu cầu đã tạo ra động lực thúc đẩy việc tiêu dùng nghệ thuật của các tầng lớp xã hội khác nhau, tạo ra sự phong phú của các loại hình sản xuất nghệ thuật, đồng thời làm xuất hiện nhiều nhu cầu mới trong đời sống tinh thần của con người.
ở nước ta, trước và ngay cả trong thời kỳ đổi mới, khái niệm sản xuất nghệ thuật chưa được sử dụng trong các văn kiện về văn học nghệ thuật của Đảng và trong cả các giáo trình lý luận văn nghệ của các trường đại học. Khi cơ chế thị trường xuất hiện, dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một bộ phận văn học nghệ thuật, trên thực tế, đã trở thành hàng hóa, hoạt động tuân theo quy luật giá trị và quy luật cung cầu của đời sống tinh thần. Hơn nữa, thực tiễn của cơ chế thị trường đang tạo nên sự phân tầng xã hội, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng mạnh mẽ và cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đang tác động ngày càng sâu rộng vào đời sống con người, tạo ra nhiều kiểu tiêu dùng nghệ thuật khác nhau và làm xuất hiện nhiều quan niệm mới về giá trị thẩm mỹ, trong đó có cả những quan niệm trái ngược với quan điểm truyền thống. Trước thực tế đó, các chính sách cụ thể về văn học nghệ thuật cần phải nâng cao tính cập nhật để phản ánh được hết các mối quan hệ phức tạp của nghệ thuật trong cơ chế thị trường; từ đó định hướng kịp thời cho sự vận động và phát triển của văn học nghệ thuật trong thời đại truyền thông.
Trước đây, nghệ thuật thường chỉ được xem là một hình thái ý thức xã hội, nhưng trong thời kỳ truyền thông, nghệ thuật cũng là một ngành công nghiệp sản xuất(2), vận động theo quy luật của thị trường. Nghệ thuật, như bất kỳ một hình thức sản xuất nào khác, cũng vận hành theo những công đoạn với những công nghệ: sáng tác, xuất bản, lưu thông, trình diễn sân khấu,… Các công nghệ này là những bộ phận cấu thành nên lực lượng sản xuất của nghệ thuật và tạo ra một tập hợp các mối quan hệ xã hội giữa nhà sản xuất nghệ thuật và công chúng(3). Bởi vậy, chúng ta cần phải xác định lại nội hàm và tính chất của khái niệm nghệ thuật để nghệ thuật phản ánh được tính đa dạng trong thực tiễn đổi mới sinh động ở nước ta hiện nay.
Trong thời đại truyền thông, khi nghệ thuật được xem là một nghành công nghiệp, vai trò của nghệ sĩ cũng thay đổi. Nghệ sĩ chính là những người đi trước thời đại trong việc nắm bắt khả năng của những loại hình tư duy và liên kết mới, đồng thời họ cũng cần phải có một thái độ dũng cảm và tinh thần trách nhiệm công dân trước những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Bởi lẽ, trong thời đại truyền thông, cùng với sự lớn mạnh của truyền thông là việc nhiễu thông tin và cùng với đó, sự dân chủ, tự do ngôn luận dễ dẫn đến sự loạn ngôn trong hoạt động nghệ thuật, làm xuất hiện những luồng ý kiến trái ngược nhau khó đi đến thống nhất và khó thực thi trên thực tế. Do vậy, người nghệ sĩ chân chính trong thời đại truyền thông không chỉ quan tâm đến đối tượng nghệ thuật, mà còn quan tâm đến phương tiện của quá trình sản xuất nghệ thuật(4), đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các nghệ sĩ để mang lại cho công chúng những tác phẩm có chất lượng cao cả về nội dung lẫn hình thức.
Tuy nhiên, sự hiện đại của phương tiện truyền thông đã tạo điều kiện cho nghệ thuật được sản xuất “hàng loạt”. Nghệ thuật biến thành một sản phẩm thương mại với mục đích doanh thu và lợi nhuận lớn. Và, khi nghệ thuật được sản xuất hàng loạt, với những bản in đùa cợt kiểu “Ba mươi tốt hơn Một” nhằm phục vụ cho số đông đại chúng lại đang có xu hướng lấn sân nghệ thuật cao cấp truyền thống. Thêm vào đó, nghệ thuật ngày càng phối hợp với kinh tế nhiều hơn, vì nghệ thuật được dùng để khuyến khích người ta tiêu thụ hàng hoá thông qua quảng cáo. Trong thời đại truyền thông, bề mặt và mẫu mã, hình thức nghệ thuật có khuynh hướng chiếm ưu thế hơn nội dung, chất lượng và ý nghĩa nghệ thuật. Từ đó, đã xuất hiện khuynh hướng tiêu thụ hình ảnh và dấu hiệu của sản phẩm, chứ không vì “sự ích lợi” hay giá trị sâu xa mà chúng có thể biểu hiện. Kết quả là, những phẩm chất, như tài năng, toàn vẹn, nghiêm trang, nguyên chất, chiều sâu tinh thần bị suy giảm.
Thứ hai, về thưởng thức nghệ thuật. Trước đây, nghệ thuật thường được định hướng và vận động theo một trục tuyến tính. Ngày nay, thực tiễn nghệ thuật đã đổi khác, những chủ đề, nội dung của các tác phẩm nghệ thuật không chỉ được nhìn nhận trong tính thống nhất toàn thể, tính ổn định, tính hợp lý, mà còn được được nhìn nhận dưới góc độ của hoàn cảnh tạm thời, ngẫu nhiên(5). Thực tiễn này mở ra sự đa dạng trong khuynh hướng sáng tạo, tiếp nhận nghệ thuật, tạo điều kiện cho công chúng tự do lựa chọn cho mình khuynh hướng thẩm mỹ riêng không đóng khung trong phạm vi của một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, trước những thay đổi trong tiếp nhận nghệ thuật của công chúng, bên cạnh việc nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích phát triển nghệ thuật truyền thống, cần phải khuyến khích, hỗ trợ các loại hình nghệ thuật mới. Điều này là phù hợp và cần thiết trong quá trình hội nhập, giao lưu để phát triển văn hóa trong thời đại truyền thông.
Một nghịch lý trong thời đại truyền thông là một mặt, cái tôi được đề cao; mặt khác, lại hoà tan cái tôi vào đại chúng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, một mặt, tạo điều kiện cho con người cá nhân được giải phóng, được phát huy năng lực của mình, được hưởng thụ tự do về mặt vật chất và tinh thần; mặt khác, cũng tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân hình thành và phát triển. Sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng dẫn tới việc những thị hiếu, nhu cầu của cá nhân được đặt lên hàng đầu mà không quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của gia đình, của tập thể, kể cả việc xã hội có thừa nhận hay không. Điều này được thể hiện rõ qua quảng cáo trên truyền hình, qua việc xuất hiện blog của các cá nhân… đang nhằm chứng tỏ sự trỗi dậy của cái tôi. Có thể nói, sự phát triển của truyền thông đã mang lại sự dân chủ, cởi mở, sôi động trong đời sống nghệ thuật nước ta.(5)
Cùng với quá trình cá nhân hoá mạnh mẽ, dưới tác động của truyền thông, văn hoá đại chúng được xác lập. Văn hoá đại chúng hay văn hóa phổ thông là tổng thể các ý tưởng, quan điểm, thái độ, hành vi đồng tình một cách phổ biến về một hình ảnh, hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Văn hóa này có tính chất lan truyền, vận động không tuân theo quy định của hệ tư tưởng văn hóa nhất định. Theo đó, những quan niệm về giá trị, cách đánh giá, diễn giải của cộng đồng văn hoá đại chúng đã ít nhiều chi phối quan điểm, tư tưởng của cá nhân thuộc về cộng đồng đó. Chẳng hạn, hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ của công chúng đang ngày càng chịu ảnh hưởng của văn hoá đại chúng.
Văn hoá đại chúng thường chi phối tư tưởng hành vi của cá nhân theo sự gợi ý và cơ chế lây nhiễm. Gợi ý đầu tiên được đưa ra, qua sự lây nhiễm, ngay lập tức được áp đặt vào mọi não bộ và ngay tức khắc, sự định hướng được thiết lập đối với các cá nhân. “Trong đám đông tư tưởng, tình cảm, xúc cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng”(6) do vậy, khi một trào lưu nghệ thuật mới trên thế giới xuất hiện trong âm nhạc, điện ảnh, thời trang, hội hoạ …thì ngay lập tức, nó được du nhập vào nước khác do số đông giới trẻ tiếp nhận, mặc dù có thể không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ấy. Sự lây nhiễm mạnh đến mức nó có thể áp đặt cho cá nhân và cả một thế hệ chẳng những một số ý kiến, mà còn cả một số cung cách cảm nhận. Chính sự lây nhiễm này đã làm cho, ở một thời đại nào đấy, người ta đã coi thường hoặc quá đề cao một tác phẩm văn hoá, nghệ thuật”(7).
Cơ sở tồn tại của văn hoá đại chúng là trong đám đông. Thông thường, văn hóa đại chúng chi phối tư tưởng, hành vi của cá nhân; đến lượt mình, đám đông lại góp phần tạo dựng văn hoá đại chúng dưới tác động của truyền thông. Một trong những đặc điểm của đám đông là thói bốc đồng, tính hay thay đổi. Những ý kiến, ý tưởng, tư tưởng của đám đông luôn được sinh ra và mất đi một cách nhanh chóng. Đặc điểm này thể hiện rõ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thậm chí cả trong triết học. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa thần bí,… đã được sinh ra và cũng lần lượt mất đi. Người nghệ sĩ và nhà văn hôm qua được hoan nghênh, ngày mai đã bị khinh rẻ. Nhưng, như Gustave LeBon đã chỉ ra rằng, tất cả những gì trái ngược với niềm tin chung và với tình cảm dân tộc sẽ chỉ có một thời gian sống rất phù du và dòng sông quanh co lại nhanh chóng chảy theo dòng của nó. Những ý kiến được hình thành do sự gợi ý và lây nhiễm thuờng mang có tính nhất thời, đôi khi chúng sinh ra rồi biến mất cũng nhanh chóng như những đụn cát được hình thành bởi gió bên bờ biển(8).
Do vậy, cái gọi là nghệ thuật chết yểu (những dòng nhạc, phim thị trường, những cuốn sách ăn khách, sự thành công của ca sĩ hay các fan hâm mộ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi) là những tư tưởng, trào lưu ngược dòng, không có sức sống, không có điểm tựa trong lòng dân tộc. Tuy nhiên, thời nay, không ít nghệ sĩ cho rằng, có nhiều fan hâm mộ mới là người có tài năng và từ đó, họ tin chắc về sự bền vững. Và, sự thực là, không ít các loại hình nghệ thuật trong thời đại truyền thông đang tồn tại dựa vào tâm lý đám đông, phục vụ văn hóa đại chúng. Do vậy, để có thể làm chủ được thông tin và nâng cao khả năng tiếp nhận, sáng tạo nghệ thuật, chủ thể sáng tạo, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật, một mặt, cần nâng cao kiến thức để tiếp nhận, sàng lọc thông tin; mặt khác cần nâng cao ý thức phê phán để phân biệt được đâu là các giá trị, các chuẩn mực và lợi ích phù hợp với dân tộc.
Ngoài ra, đặc điểm của thời đại truyền thông và văn hoá đại chúng là sự đề cao cái tôi, sùng bái chủ nghĩa tiêu thụ và thêm vào đó là những thay đổi trong cấu trúc nghề nghiệp đã làm xuất hiện một lớp người mới. Dưới tác động của truyền thông, những nghề nghiệp “hậu hiện đại” đã xuất hiện, như quảng cáo, sản xuất truyền hình, kỹ thuật số, kế toán, tài chính với chức năng là phát triển và quảng bá văn hoá đại chúng, kích thích tăng trưởng tín dụng tiêu thụ. Những nghề nghiệp mới đã khuyến khích nhu cầu tiêu thụ của con người một cách thường xuyên hơn, góp phần phân cấp sở thích của con người và dẫn đến sự hình thành tư tưởng, cách sống hậu hiện đại.
Thực tiễn đó đã làm xuất hiện một xu hướng mới trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đương đại: thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật không phụ thuộc vào sự phân loại theo kiểu bác học – bình dân, cao – thấp, ranh giới giữa nghệ thuật với đời sống thường ngày cũng bị xoá nhoà. Việc tiêu dùng, thưởng thức nghệ thuật không phụ thuộc vào việc đắt hay rẻ, có ý nghĩa lịch sử hay không, có ích hay không. Điều này đã dẫn đến việc phủ nhận những cái gọi là chuẩn mực(9).
Bởi vậy, trong thời đại truyền thông, cần định hướng nghệ thuật dân tộc vận động theo hệ giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Đây vẫn là hệ giá trị chuẩn mực mà nền nghệ thuật Việt Nam hay bất cứ nền nghệ thuật chân chính nào cũng cần phải hướng tới, dù ở bất cứ thời đại nào. Để hạn chế những tác động tiêu cực của truyền thông trong đời sống nghệ thuật, hơn lúc nào hết cần phải coi việc tuân thủ tính dân tộc trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật là nguyên tắc. Về vấn đề này, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”(10). Đây cũng là quan điểm chỉ đạo cơ bản, thống nhất và xuyên suốt trong xây dựng nền văn hóa nghệ thuật nước ta do Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng. Bởi lẽ, nếu không dựa vào nguyên tắc tính dân tộc thì trước những tác động tiêu cực của truyền thông, sự vận động của đời sống nghệ thuật sẽ mất phương hướng và dẫn đến sự xuất hiện tình trạng vô chính phủ trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Quan điểm tính dân tộc của Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa định hướng cho nghệ thuật trong thời đại truyền thông. Trong thời đại truyền thông, chúng ta cần sử dụng thế mạnh của xã hội thông tin, trong đó có quyền được tự do tiếp cận thông tin, để “Tây phương hay Đông phương có gì tốt thì ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam”(11).
*********************
(*) Thạc sĩ triết học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Xem: Umberto Eco. Đi tìm sự thật biết cười (Vũ Ngọc Thăng dịch). Nxb Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.173 -176.
([1]) Xem: Terry Eagleton. Chủ nghĩa Mác và phê bình văn học (Lê Nguyên Long dịch). Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009, tr.109.
(3) Xem: Terry Eagleton. Sđd., tr.111 – 112.
(4) Xem: Terry Eagleton. Sđd., tr.113.
(5) Xem: Bùi Quang Thắng. Tác động của truyền thông với sự phát triển của thực tiễn nghệ thuật. Tạp chí Tia Sáng, số 20/ 2008.
(6) Gustave LeBon. Tâm lý học đám đông (Nguyễn Xuân Khánh dịch). Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.184.
(7) Xem: Gustave LeBon. Sđd., tr.193.
(8) Xem: Gustave LeBon. Sđd., tr.223 -224.
(9) Xem: Bùi Quang Thắng. Tác động của truyền thông với sự phát triển của thực tiễn nghệ thuật. Tạp chí Tia Sáng, số 20/ 2008.
(10) Hồ Chí Minh. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Nxb Văn học, Hà Nội, 1981. tr.480.(11) Hồ Chí Minh. Về công tác văn hóa văn nghệ. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.71.
Nguồn: vientriethoc.com.vn
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513908
Hôm nay
278
Hôm qua
2303
Tuần này
21845
Tháng này
220781
Tháng qua
121356
Tất cả
114513908