Những góc nhìn Văn hoá
Khuông Việt đại sư - Biểu tượng của Phật giáo nhập thế và quốc sự
Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ X được các nhà sử học coi là “ thế kỷ bản lề”, tiếp nối giữa hai thời kỳ : trước đó là ngàn năm Bắc thuộc và tiếp nối là kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài với nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Thế kỷ X mở đầu với sự kiện họ Khúc giành độc lập tự chủ, tiếp đến là đại thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền và sau đó là sự khởi nghiệp của hai triều Đinh –Lê đã làm hồi sinh và khơi nguồn nền văn minh dân tộc. Trong bối cảnh ấy, với những đóng góp đặc biệt về phương diện văn hóa, xã hội và chính trị, Phật giáo đã trở thành quốc giáo và nhiều vị đại sư đã trở thành danh nhân đất Việt – và Khuông Việt đại sư là một trong những danh nhân tiêu biểu nhất.
1. Khuông Việt đại sư - biểu tượng của Phật giáo nhập thế Việt Nam
Theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ I, đầu thế kỷ thứ II qua ngả đường Ấn Độ và Trung Hoa và từ rất sớm ở Việt nam đã hình thành Trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã có môi trường thuận lợi: đó là đời sống văn hóa tinh thần thể hiện qua tín ngưỡng dân gian của người Việt có sự gần gũi với thuyết giáo nhà Phật (tục thờ thần núi, thần sông, cầu mong mưa thuận, gió hòa...). Mặt khác, khi đó chưa có tôn giáo nào (kể cả Nho giáo) được du nhập vào Việt Nam, nên gần như không có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, môi trường thuận lợi chỉ là nền tảng, điều quan trọng là Phật giáo - mà cụ thể và thông qua vai trò của các nhà sư đã biết tận dụng môi trường đó, biết chọn con đường phù hợp để đưa những quan điểm và thuyết giáo của Phật đến với dân chúng và xã hội Việt Nam- con đường nhập thế. Rồi trên cơ sở đó, cũng chính các nhà sư – bằng những hoạt động cụ thể của mình, kiên định đưa Phật giáo tiếp tục đi trên con đường đó, nhưng ngấm sâu hơn vào tâm thức người Việt, tiến xa hơn trong việc chỉ cho người Việt cách nghĩ, đường đi và vươn cao hơn trong việc cùng những bậc minh quân chăm lo quốc sự. Đó chính là con đường phát triển của Phật giáo ở Việt Nam, từ một tôn giáo phi bản địa trở thành tôn giáo của đại bộ phận dân cư, rồi phát triển đến đỉnh cao là trở thành và được các nhà nước thừa nhận là quốc giáo trong suốt gần 5 thế kỷ (từ đầu kỷ nguyên độc lập cho đến thời Lý, Trần), đồng thời tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ đó đến nay.
Cho đến nay, các công trình nghiên cứu đều đã phân tích và làm rõ sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Ngay từ khi bắt đầu du nhập, Phật giáo đã dung hợp và hòa trộn với tín ngưỡng dân gian của người Việt qua hình tượng “Ông Bụt” - nơi người Việt gửi gắm niềm tin và mong ước, để rồi có thêm sức mạnh, vượt qua những vất vả, gian nan. Phật giáo đã thiết tạo chùa chiền - nơi vừa thờ Phật, vừa thờ những vị thần tượng trưng cho các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thần mưa, gió, sấm chớp...Nhờ vậy, người Việt đến chùa, vừa để cầu mưa thuận, gió hòa, vừa để cầu lòng nhẹ, nhà yên. Đó cũng chính là những điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất đối với người dân Việt. Và, để mọi người không chỉ đến chùa, còn lưu lại với chùa, rồi sẽ đến chùa vào những lần sau, các nhà sư đã biết chuyển hóa những lý thuyết cao siêu như luân hồi, nhân quả, hư vô, nghiệp báo, niết bàn...thành những điều giản dị để truyền cho phật tử, rồi từ phật tử đến với mọi người dân; xây chùa nhỏ, gọn, khiêm nhường, không khác biệt nhiều với nhà dân; mở rộng cửa chùa cho tất cả chúng sinh, chia lộc cho tất cả mọi người... Nhờ vậy, từ khi còn là đứa trẻ ngây thơ, trẻ em đã được theo mẹ đến chùa, được hưởng lộc chùa và sẵn lòng nghe lời bà, lời mẹ (mà chính là lời Phật được truyền giảng ở chùa qua các nhà sư) để biết việc nào nên làm, việc nào nên tránh. Lớn lên, họ biết làm điều thiện, biết sám hối khi làm điều chưa tốt, biết tránh và vượt qua cám dỗ, biết thờ mẹ kính cha, biết gắn bó với cộng đồng...và biết đến chùa để được sẻ chia phiền muộn, để được nâng đỡ và có thêm nghị lực...
Có thể nói, qua con đường nhập thế, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức cũng như đời sống người dân Việt, đặc biệt là trong giai đoạn từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV. Chính vì vậy, ở thời kỳ này, Phật giáo đã trở thành nơi quy tụ người dân Việt, góp phần tạo nên một cộng đồng gắn kết - điều mà bất cứ nhà nước nào cũng cần và hướng tới. Và, các nhà vua - những người đứng đầu đất nước ở thế kỷ X đã nhận ra điều đó. Quan trọng hơn, chính các nhà vua hoặc những người tham mưu đã giúp các nhà vua nhận biết được rằng: sở dĩ Phật giáo có được vị thế đó trong lòng dân và trong xã hội là nhờ có vai trò đặc biệt của các nhà sư. Từ những cá nhân ban đầu, đến thế kỷ X, cùng với sự phát triển của Phật giáo, đội ngũ tăng lữ đã trở thành lực lượng đông đảo. Chính họ đã có công đưa Phật giáo vào đời sống xã hội Việt Nam, đồng thời đang là điểm tựa tinh thần cho đại đa số người dân Việt. Nếu các nhà nước muốn dân đồng sức, đồng lòng, muốn cho các quyết định quản lý khô cứng nhưng cần thiết của mình có thể được người dân chấp nhận và tuân thủ thì cách tối ưu nhất lúc bấy giờ là cần và phải tôn vinh Phật giáo - mà cụ thể nhất là tôn vinh các nhà sư.
Với nhãn quan đó, việc Vua Đinh Tiên Hoàng phong sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống và sau đó, Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư là sự kiện chứng minh cho chủ trương đề cao Phật giáo, tôn vinh các nhà sư. Những ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh cho biết ông sinh tại chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế, có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, lúc nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Chịu ảnh hưởng tư tưởng dòng thiền Pháp Vân và Thiền sư Vân Phong, nên trong thời gian theo học tại chùa Khai Quốc, Khuông Việt là người ủng hộ tư tưởng nhập thế, cho rằng muốn tránh khỏi sống chết thì hãy ở trong sống chết mà nắm lấy, hay nói cách khác là chính trong chỗ sống chết người ta mới tìm được sự không sống chết. Xuất phát từ tư tưởng đó, các bậc tu hành nói riêng và con người nói chung có thể dễ dàng ung dung tham dự vào mọi sinh hoạt của cuộc đời, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo. Như vậy, quan điểm Phật giáo của Khuông Việt cho rằng người ta không thể tìm một thế giới giác ngộ nào khác bên ngoài thế giới của cuộc đời, của cuộc sống. Như Ông đã từng nói một cách hình ảnh, thì lửa có sẵn trong cây, vấn đề là làm sao cho cây bật ra lửa (ý tưởng chính trong bài kệ mà ông truyền cho Đa Bảo đại sư trước khi viên tịch). Triết lý hành động của Khuông Việt dựa trên một nhận thức luận tích cực, coi chính cuộc đời là nơi con người tìm thấy chân lý và sự giải thoát. Đó cũng chính là quan điểm nhập thế của Phật giáo, của tầng lớp tăng lữ mà Khuông Việt là đại diện. Điều này giải thích tại sao Khuông Việt đã tích cực tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng nhà nước và bảo vệ độc lập của tổ quốc. Mặc dù những ghi chép ít ỏi còn lại trên đây không cho phép chúng ta có thể lấy làm minh chứng cho việc nhập thế qua các hoạt động cụ thể của ông, nhưng với nhãn quan, tài năng và đức độ của mình, Khuông Việt đại sư chính là biểu tượng, xứng đáng đại diện cho tầng lớp tăng lữ, đại diện cho Phật giáo nhập thế Việt Nam mà nhà vua (nhà nước) muốn thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh.
2. Khuông Việt đại sư – Biểu tượng cho vai trò của Phật giáo trong quốc sự
Như đã phân tích ở trên, con đường nhập thế đã đưa Phật giáo trở thành tôn giáo gần gũi với dân chúng, là nơi người dân gửi gắm niềm tin và hy vọng tìm được sự cứu rỗi tâm hồn. Nhưng nếu Phật giáo chỉ dừng lại ở chừng đó thôi thì chưa đủ. Vấn đề cao hơn, xa hơn mà Phật giáo và các tăng lữ như Khuông Việt đại sư hướng tới là làm thế nào để dân chúng bớt khổ hơn, cuộc đời của muôn dân (chứ không chỉ là một nhóm nhỏ) luôn được yên vui, sung sướng như cõi Niết bàn? Muốn vậy, Phật giáo và cụ thể là chùa chiền không chỉ và không thể chỉ là nơi để người dân đến chia sẻ và được các nhà sư an ủi, khuyên can rằng không nên thù hận, cần hỉ xả từ bi...Vì vậy, khi đã nhập thế ở một mức độ nhất định, Phật giáo Việt Nam mà đại diện tầng lớp tăng lữ lúc bấy giờ vẫn mong muốn có thể làm gì thiết thực hơn cho dân tộc, cho đất nước?
Nhưng mong muốn ấy thật sự không đơn giản. Chỉ đến khi thiền sư Ngô Chân Lưu được phong Tăng thống và ban tước hiệu Khuông Việt đại sư thì đó mới là cơ hội và điều kiện thuận lợi để Phật giáo có thể nhập thế tích cực hơn, thiết thực hơn. Với sự kiện trên, vị thế đặc biệt của Phật giáo đã được khẳng định qua việc lần đầu tiên một vị thiền sư được nhà nước công nhận cả chức và danh. Với cá nhân một thiền sư như Ngô Chân Lưu, điều đó thật là vinh dự. Nhưng Ông hiểu rằng, đây không phải là vinh dự riêng, mà đó là vinh dự của cả đội ngũ tăng lữ đông đảo mà Ông là đại diện. Và Ông cũng hiểu rằng đây là cơ hội để Ông và không chỉ Ông, nhiều vị thiền sư tài giỏi khác có thể mang tâm huyết và trí tuệ của mình đóng góp cho đất nước thông qua việc tiếp xúc và tham vấn trực tiếp với các nhà vua, truyền đạt mong muốn và nguyện vọng của muôn dân thấu đến nhà vua.
Với nhận thức đó, trong suốt một thời gian dài, Khuông Việt đại sư cùng với một số thiền sư tài giỏi khác như Đỗ Pháp Thuận, Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn... đã đem hết tài năng, trí tuệ để tham góp với nhà vua và triều đình trong một số vấn đề quốc sự. Nguồn tư liệu cũ còn ghi rõ: Khuông Việt Đại sư nhiều lần được cùng vua bàn việc chính sự[2]. [1]. Ông cũng chính là người giúp nhà vua trù liệu kế hoạch kháng chiến chống Tống cuối năm 980. Trong một chừng mực nhất định, bằng hiểu biết và chính kiến của mình, Đại sư đã đóng vai trò là cố vấn, là đại thần, có ảnh hưởng lớn đối với những quyết sách quan trọng của quốc gia. Có thể nói, Khuông Việt – biểu tượng và đại diện của đội ngũ tăng lữ - là sản phẩm của một thời đại đặc thù trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo và Nhà nước nói riêng. Bằng kiến thức uyên bác của mình, Khuông Việt và các vị thiền sư luôn sẵn sàng cố vấn cho các vị quân vương trong các vấn đề chính trị, mà trường hợp Khuông Việt và sư Pháp Thuận giúp vua Đại Hành ứng xử với sứ nhà Tống là một ví dụ điển hình. Vai trò của Ngô Chân Lưu - Khuông Việt đã mở đầu cho một loạt các thiền sư - trí thức - chính trị gia, được tham gia rộng rãi vào bối cảnh chính trị của dân tộc, đặc biệt là trên phương diện quản lý nhà nước
Trong lịch sử Việt Nam thời Đinh – Lê, có thể nói Khuông Việt đại sư còn là sản phẩm, là biểu tượng của sự kết hợp hai tiền đề quan trọng: thứ nhất là một nền Phật giáo với tư tưởng nhập thế tích cực và cởi mở, và thứ hai là một bối cảnh chính trị - xã hội rất cần sự nhập thế ấy. Với nhãn quan chính trị sắc sảo, sự thấu hiểu cuộc sống và những tri thức uyên bác có được từ Phật học, các vị thiền sư thời kỳ này nói chung và Khuông Việt nói riêng đã cung cấp cho các nhà nước quân chủ không chỉ các kiến thức về quản lý xã hội, đối ngoại bang giao, mà còn góp phần mở mang tư tưởng và văn hóa. Đặc biệt, trên cơ sở kết hợp với vương quyền nhà nước, Phật giáo đã tạo ra bệ đỡ về mặt tinh thần và tư tưởng cực kỳ quan trọng cho sự tồn tại một cách chính thống của các chính quyền nhà nước Việt Nam (thần quyền), góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị và thống nhất về tư tưởng của quốc gia, trong bối cảnh một xã hội Việt Nam còn nhiều xáo trộn của buổi đầu tự chủ và độc lập. Trong giai đoạn này, ảnh hưởng Nho giáo còn rất mờ nhạt, trong khi Phật giáo đã có một quá trình phát triển lâu dài và đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc, thì tầm ảnh hưởng to lớn của Phật giáo và các bậc tu hành đối với xã hội là một điều dễ hiểu [3]. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dưới thời Đinh Lê, vai trò của các vị thiền sư không chỉ dừng lại trong phạm vi của chốn tu hành, cũng như không chỉ bó hẹp trong việc truyền bá tư tưởng, giáo lý nhà Phật. Trên thực tế, trong xã hội thời Đinh- Lê, khi việc học hành chưa trở thành hệ thống, khoa cử còn chưa được tiến hành, tầng lớp trí thức phong kiến chưa xuất hiện, thì những người có kiến thức uyên bác và phong phú nhất lúc bấy giờ đa phần là các bậc thiền sư. Là thành phần có uy tín nhất trong xã hội, họ là những người có hiểu biết sâu rộng về các triết lý sống và tư tưởng sống, được trang bị thế giới quan và nhân sinh quan của cả Phật giáo lẫn Nho giáo[4], và đặc biệt là những người có sự thấu hiểu cuộc sống xã hội nhờ tư tưởng nhập thế. Chính sự kết hợp của những yếu tố ấy đã làm nên vai trò to lớn của các vị thiền sư trong xã hội lúc bấy giờ. Trên thực tế, có lẽ không phải là quá đáng khi cho rằng trong xã hội Việt Nam thời Đinh Lê, các vị thiền sư đã đóng vai trò của tầng lớp trí thức, là bộ phận tinh hoa giữ vai trò định hướng về tư tưởng, đạo đức, và là nguồn truyền bá các quan điểm sống, nhân sinh quan và thế giới quan trên cơ sở kết hợp giữa tư tưởng, giáo lý nhà Phật với những trải nghiệm của họ về cuộc sống đời thường của nhân dân và dân tộc. Bởi thế, các nhà vua (Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành) đã tin cậy họ, biết dựa vào họ để xây dựng và củng cố Nhà nước phôi thai.
Bên cạnh đó, từ góc độ chính trị và quyền lực, có thể thấy rằng thời kỳ Đinh Lê là giai đoạn mà mô hình nhà nước còn chưa định hình và quyền lực nhà nước còn chưa ổn định. Ngay cả khi lên ngôi, các bậc đế vương như Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành cũng chưa thể kiểm soát toàn bộ cục diện chính trị của đất nước trước các thế lực cát cứ địa phương, đồng thời họ cũng chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng một mô hình nhà nước hoàn chỉnh. Đó là chưa kể, trong quá trình điều hành nhà nước non trẻ ấy, các bậc đế vương còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, từ chuyện điều hành chính sự, đối phó với giặc ngoại xâm, xây dựng chính thể đến bang giao với nước ngoài. Chính trong bối cảnh ấy, các bậc quân vương nhà Đinh- Lê đã tìm đến Phật giáo. Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên “ khai thác và sử dụng’’ Phật giáo và đưa Phật giáo lên vị trí quốc giáo. Lần đầu tiên triều đình định chức quan cho Phật Giáo. Trong xã hội bấy giờ, Phật giáo và các vị thiền sư, bằng việc tham gia phò tá vương triều và chính sự, đã trở thành chủ thể quan trọng đóng vai trò chính thống hóa quyền lực nhà nước - một vấn đề cực kỳ hệ trọng mà mọi vương triều đều phải tính đến sau khi thành lập.
Một ngàn năm đã đi qua, nhưng tên tuổi và biểu tượng Khuông Việt đại sư vẫn còn sống mãi. Là người tận tâm phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân, tuy được vua tin yêu, nhưng Khuông Việt không ham quyền lực, của cải, mà một lòng hướng về Phật pháp. Về cuối đời, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan về quê dựng chùa Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc làm nơi tụ tập cho học giả bốn phương[5].
Khuông Việt đại sư – một biểu tượng cho Phật giáo nhập thế và quốc sự. Nhập thế là gần dân và tham gia quốc sự là để vì dân. Đó là sự nhập thế cao nhất. Khuông Việt đại sư còn là biểu tượng cho quan điểm tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, là minh chứng cho sự tôn vinh, trọng dụng của các nhà nước đối với Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung./.
[1] Theo ghi chép trong Thiền uyển tập anh, đại sư đã từng giúp vua cầu đảo, làm cho quân Tống hoang mang, rối loạn rồi tan rã; đã từng được vua cử ra tiếp đón và đối đáp với sứ giả Trung quốc cùng thiền sư Pháp Thuận...
[2]Cùng thời và sau Ngô Chân Lưu còn có các thiền sư nổi tiếng như: Pháp Thuận,Vạn Hạnh, Pháp Loa, Huyền Quang và nhiều vị thiền sư xuất chúng khác sau này.
[3] Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn : Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam,tập 1 . NXB Giáo dục,HN, 1960,tr 239-240
[4] Theo Thiền uyển tập anh, Ngô chân Lưu trước đã từng học Nho, sau chuyển sang học Phật pháp.
[5] Mai Thục : Thiền sư-Người trí thức thời đại . Báo cáo tại Hội thảo khoa học Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước . Ninh Bình 2010
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Xuân về Tết đến: Cảm nhận văn chương xứ Nghệ từ điểm nhìn văn hóa
Thống kê truy cập
114513952
Hôm nay
2122
Hôm qua
2303
Tuần này
21889
Tháng này
220825
Tháng qua
121356
Tất cả
114513952