I. Vài nét về Phật giáo trong buổi đầu dựng nước
Đạo Phật truyền vào nước ta rất sớm, vào những năm đầu Công nguyên: cùng thời với văn hóa nhà Hán xâm nhập, nhưng Phật giáo vẫn có ưu thế hơn được sự mến mộ trong lòng người Việt. Điểm lại theo dòng lịch sử ta thấy, những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành chủ quyền dân tộc ngay từ buổi đầu đều là Phật tử,
chẳng hạn cuộc kháng chiến chống bắc thuộc lần thứ nhất do Trưng nữ vương lãnh đạo (40-43), nổi bật có Phật tử nữ tướng như Bát Nạn tướng quân, Thiều Hoa tướng quân, Phật Nguyệt tướng quân…[1]; cuộc kháng chiến chống Bắc thuộc lần thứ hai do Lý Nam Đế khởi xướng (544 – 603)[2]…
Như chúng ta đều biết, hai nước Việt – Trung liền kề bên nhau, giao thông thuận tiện, là điều kiện tốt cho tư tưởng bàng trướng của người Trung Quốc; thế mà trong suốt ngàn năm đô hộ, vẫn không chinh phục được người Việt, không đồng hóa được văn hóa Việt. Điều đó, cũng không có gì khó hiểu, bởi vì nước ta nhỏ, nằm kề nước lớn; họ luôn coi thường nước bé; áp đặt chính sách cai trị bóc lột, triều cống… Vả lại, học thuyết và những thiết chế Nho giáo không phù hợp với dân ta trong thời kỳ này, chính vì những lý do trên, mà văn hóa Hán – Nho giáo tuy đã truyền vào nước ta rất sớm, những vẫn không được dân ta chấp nhận, nhất là những người có chút vị thế trong xã hội như các hào trưởng, quan lại có lý tưởng độc lập, không chịu khuất phục. Bởi thế, Phật giáo càng có điều kiện phát triển và đã trở thành hệ tư tưởng chính thồng của người Việt ngay dưới thời Bắc thuộc. Cho nên, khi nhà Đinh (968 – 980), nhà Lê (980-1009) dựng nghiệp đều mời tăng sĩ Phật giáo ra giúp nước. Ở đây cũng cần nói thêm, Phật giáo không có tư tưởng xâm lược, đô hộ nước khác, mà chỉ thuần túy hướng thiện với sự tự giác, giác tha; có thể nói Phật giáo đi đến đâu chỉ làm giàu thêm tính nhân bản, vun đắp cho xã hội cảnh thanh bình và an lạc, tốt đời đẹp đạo. Vả lại, trong buổi đầu dựng nghiệp, phần nhiều đều là các võ tướng, rất giỏi việc đánh dẹp, còn về phần văn trị ắt còn hạn chế, trong khi đó giới tăng sĩ Phật giáo phần đông là những người trí thức, giàu lòng yêu nước, nên Phật giáo có vị thế trong cung đình là đương nhiên. Chuyện kể rằng, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, cho mời Thiền sư Ngô Chân Lưu vào triều tham vấn, qua sự đàm đạo, vua rất quý trọng sư phong giữ chức Tăng thống và ban hiệu Khuông Việt đại sư[3]. Dưới vương triều Lê Đại Hành (980 – 1005), vua còn mời hai sư ra giúp nước, một vị là Đỗ Pháp Nhuận giả làm người lái đò, một vị là Ngô Chân Lưu ứng đối trong triều. Hai vị thiền sư này, được cả triều đình thán phục, sứ thần kính nể.
2/ Triết học Phật giáo được thiền sư Khuông Việt ứng dụng trong việc hộ quốc an dân
Theo thiền sư, trong thời kỳ Bắc thuộc, có hai thiền sư người nước ngoài đến nước ta theo truyền giáo, lập ra tông phái, dòng thiền thứ nhất là thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi người Nam Ân vào nước ta năm 580 ở chùa Pháp Vân, dòng thiền thứ hai là thiền sư Vô Ngôn Thông người Trung Quốc đến nước ta năm 820 ở chùa Kiến Sơ.
Người tiếp nối dòng thiền Vô Ngôn Thông ở thế hệ thứ tư là thiền sư Khuông Việt. Sư họ Ngô tên là Chân Lưu, người hương Cát Lị, huyện Thường Lạc. Là hậu duệ của Ngô Thuận Đế - Ngô Quyền. Thuở nhỏ học nho, lớn lên theo Phật, xuất gia với thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc (Trấn Quốc nay). Vốn người thông minh, lại gặp môi trường tu học tốt, nên danh tiếng của sư ngày càng vang dội, đệ tử theo học rất đông, vua Đinh Tiên Hoàng cho mời sư về kinh đô (Hoa Lư) hởi chuyện, với sự đối đáp lưu loát tinh thông, vua rất kính trọng phong cho chức Tăng thống, hiệu Khuông Việt đại sư. (vị sư lớn khuông phù nước Việt). Sang thời Lê Đại Hành, sư càng được vua kính trọng, tôn là quốc sư, phàm các việc trọng đại trong triều, đều được mời tham dự.
Để hiểu thêm về tư tưởng của Thiền sư Khuông Việt, chúng ta không thể không tìm về nguồn: tư tưởng triết học, được thể hiện qua việc nối pháp truyền đằng của dòng phái này. Theo sử liệu, chính thiền sư Vô Ngôn Thông cũng đã từng nói với đệ tử thân cận của mình về xuất xứ truyền tâm ấn. Đó là:”Xưa Thế Tôn vì nhân duyên lớn mà xuất hiện ở thế gian. Hóa duyên xong, Ngài nhập Niết Bàn. Diệu tâm ấy, gọi là chính pháp nhãn tạng, thực tướng, vô tướng và tam muội pháp môn. Đích thân Thế Tôn giao cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp…”. Trải qua, 33 đời tổ sư Ấn – Trung, đến đệ tử tổ Huệ Năng về sau, việc truyền đăng chủ yếu là tâm ấn, không truyền y bát nữa. Tâm ấn đó, được các thế hệ dòng Vô Ngôn Thông chứng ngộ, chẳng hạn thiền sư Vô Ngôn Thông được nghe tổ Bách Trượng Hoài Hải trả lời cho một vị tăng khách về pháp môn đốn ngộ đại thừa, qua câu “Đất lòng rỗng không tuệ nhật thường chiếu ………………………..”Hay trước khi thị tịch, Vô Ngôn Thông, nhắc lại lời tổ để dạy đệ tử mình là Cảm Thành: “Nhất thiết chư pháp, giai tòng tâm sinh, tâm vô sở sinh, pháp vô sở trụ, nhược đạt tâm địa, sở tác vô ngại, phi ngộ thượng căn, thận vật khinh hứa”. Hoặc câu chuyện giữa thầy trò Cảm Thành và Thiện Hội về “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”. Hay sự đối đáp giữa Vân Phong và Thiện hội về sự “Sống chết”. Về Thủy chung của đạo học giữa thày trò Khuông Viẹt và Đa bảo: “Một hôm, đệ tử thân cận là Đa Bảo hỏi sư : Thế nào là thủy chung của đạo học? Sư đáp: Thủy chung không vật thảy hư không. Hiểu được chân như thể ắt đồng…………………………………………….”
Như chúng ta đã biết, thiền học Phật giáo gắn liền giáo lý Duyên sinh, hiểu được lý duyên sinh tức hiểu Phật pháp. Nói cách khác, thuyết duyên sinh trình bày khoa học về sự thành hoại của mọi hiện tượng sự vật, chỉ rõ tự thể các pháp vốn không có định tính, nên các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngộ được điều này, người tu Phật phải có trí tuệ Bát Nhã mới nhận chân được các pháp, không còn mê chấp, bảo thủ; từ đó sinh tâm bình đẳng, tự do…Và như vậy, cái gì hay, điều gì lợi ích cho dân cho nước thì làm. Cũng chính vì thế, mà thiền sư Khuông Việt, sư Đỗ Pháp Thuận không nề hà giúp vua Lê tiếp đón sứ thần Trung Quốc, kể cả đóng giả làm người lái đò đưa sứ qua sông…Chúng ta hãy xem từ bài Vương Lang Quy
“Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Ngóng vị thần tiên lại đế hương
Non nước nghìn trùng vượt đại dương
Trời xanh bao dặm trường!
Tình thắm thiết
Chén đưa đường
Vin xe sứ giả vấn vương
Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng
Lưu ý chốn biên cương”
Bài này, nhiều người cho rằng, trong lịch sử văn học nước nhà đây, là bài sớm nhất, hay nhất, đặc biệt còn thể hiện trên diễn đàn ngoại giao buổi bình minh dựng nước.
Như vậy, có thể nói PG đưa vào làm chính trị, bắt đầu từ thời Đinh, sau đó nhà Tiền Lê tiếp nối. Tại sao, gần nghìn năm lịch sử, Nho giáo vẫn chưa tìm được chỗ đừng trong lòng dân tộc, cụ thể là các nho sĩ vẫn chưa được tuyển dụng vào trong bộ máy lãnh đạo- chính quyền? Phải chăng, các nhà lãnh đạo triều Đinh – Tiền Lê luôn luôn bị áp lực xâm lược của đế chế phương Bắc đe dọa, nên việc tiếp thu văn hóa Hán, cũng như dùng các nho sĩ vào triều chính có phần dè dặt. Còn Phật giáo, cũng là một tư tưởng ngoại lai, nhưng khác hẳn tư tưởng Hán, Phật giáo không mang tính xâm lược (đất nước), giáo lý rất thuần phát, thực tiễn phù hợp nhân sinh. Bản thân các tăng sĩ lúc bấy giờ, là những nhà trí thức thông Nho tinh Phật, hiểu việc đời việc đạo, họ không có tư tưởng tranh giành quyền chức…Vả lại, việc giáo dân trị quốc không thể thiếu những người tri thức, vua quan lúc bấy giờ phần nhiều là võ tướng, nên họ được mời tham dự triều chính để “hộ quốc an dân” là điều dễ hiểu.
Còn một điều đáng chú ý nữa, tại núi Linh Sơn – Sóc Sơn (núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ xưa). Sinh thời sư thường đến đây, vì thích cảnh thâm, thanh tịch, đẹp. Nên sư đã dựng am ở. Chuyện kể rằng, một đêm “sư mộng thấy thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục quân hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo: Ta là Tì Sa Môn thiên vườn, quân hầu theo ta đều là bọn quỹ Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này giữ gìn cương giới để cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với người nên đến đây để nhờ cậy” Sư giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng 10 trượng, cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có mây lành che bóng. Nhân đó, sư thuê thợ đốn cây. Lấy gỗ tạc tượng thần như trong giấc mộng để thờ.
Năm 987 quân Tống sang xâm lược nước ta, vua sai sư đến cầu đảo được thần nhân phù hộ, quân giặc sợ hãi tan chạy. Từ đó, nơi đây không chỉ là thánh địa – Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, mà còn là nơi thờ Thiên thần đã có công cứu dân giúp nước và cũng là nơi tu hành của Khuông Việt quốc sư. Đến nay, nới địa linh này, vẫn được nhân dân ta tôn kính, phụng thờ và bảo vệ.
[1] Thần nữ và Liệt nữ Việt Nam, trang 207,211…NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2005.
[2] Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 1, trang 102, NXB Giáo dục , Hà Nội 1963.
[3] Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011) là hậu duệ Ngô Quyền. Giúp vua Đinh Tiên Hoàng (970 - 979), được vua ban Khuông Việt Đại sư (có nghĩa vị sư lớn khuông phò nước Việt) và phong chức Tăng thống, coi trọng như Quốc sư. Dưới triều Lê Đại Hành (980-1005), vua mời thiền sư tham dự những việc trọng đại trong triều, cử sư Pháp Thuận tiếp sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Lý Giác rát tôn kính sư và vương triều. Sư có bài từ Ngọc lang quy đưa tiễn sứ giả rất tuyệt tác.