Những góc nhìn Văn hoá

"Bức tượng" Thạch Quỳ

Thạch Quỳ đến với thơ khá sớm, lúc ông đang còn là học sinh trung học cơ sở. Từ dạo ấy, thơ trở thành nơi trú ngụ hằng cửu tinh thần của Thạch Quỳ. Và đó cũng là hệ quả của: Sao và đất, Tảng đá nhành cây, Nguồn gốc cơn mưa, Con chim tà vặt, Cuối cùng vẫn một mình em, Đêm giáng sinh, Bức tượng... Xuyên suốt các tập thơ, người đọc thấy rõ một cái tôi đầy bản lĩnh và một phong cách kiểu Thạch Quỳ.

Cái tôi ấy vượt qua khó khăn, gian khổ của đường đời và đường thơ để tự khẳng định mình: “Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh” (Tôi). Với cách thể hiện cái tôi của mình, Thạch Quỳ tạo ra được cái vị thế của nhà thơ “ngông”. Một cái “ngông” quyến rũ. Ngông để tri kỷ với thơ, để không bao giờ dứt tình – thơ, dẫu “một đời cuốc mót dưới sao thưa”. Trong các tập thơ, tập “Bức tượng”[1] thể hiện rõ cá tính ấy.

 “Bức tượng” không nhiều về số lượng (25 bài thơ) nhưng lại dày về tâm thế của một cái tôi luôn “bùng nổ”.Thạch Quỳ gói gọn cái tôi của mình bằng sự nhất quán: từ một cái tôi cô đơn đến một cái tôi thèm khát tự do.
1. Những niềm vui, nỗi buồn đều được cất dấu trong thơ. Tuy nhiên, nỗi buồn, sự cô đơn bao giờ cũng là cú hích tinh thần thơ của người nghệ sĩ. Cái buồn, cái cô đơn ấy là cái đẹp, là tố chất cần thiết cho thơ. Nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: “Trong sáng tạo, cái riêng con người, chất cá thể con người làm nên cá tính sáng tạo. Mà cái riêng, chất cá thể đó luôn đẩy con người về phía cô đơn. Vậy thì cô đơn là một biểu hiện tâm trạng. Thơ ca khai thác tâm trạng đó để sáng tạo tác phẩm. Ở góc độ thẩm mỹ, tôi nghĩ, trong ý niệm tương đối cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp”[2]. “Bức tượng” thuộc phạm trù cái đẹp. Trước hết, nó là cái đẹp của một cái tôi cô đơn:
 
                  Anh quên gì?
Chẳng quên gì!
                  Anh nhớ  gì?
Chẳng nhớ gì!
                  Anh nghĩ  gì?
Chẳng nghĩ gì!

 
                  Tương lai
                  Hiện tại
                  Lăn tròn viên bi...
      (Viên bi)
Những câu hỏi như bày ra sự cô đơn, không ý nghĩa gì của nhà thơ trước sự san phẳng của cuộc sống. Số phận nhà thơ, số phận thơ cũng như viên bi lăn tròn. Ngay cả nhà thơ - người trăn trở với đời nhất cũng chẳng rõ mình là ai: “Không nằm/ Không ngồi/ Không đứng/ Không đi/ - Hỏi ta là ai?/ - Chính ta chẳng rõ! Thế giới rộng mênh mông/ Mình ta trong nấm mộ!” (Nấm mộ). Hỏi mà chất vấn. Không phải chỉ chất vấn mình mà dường như đang chất vấn cả thế giới. Sự đối lập giữa thế giới và nấm mộ của nhà thơ chính là câu trả lời đầy sắc sảo và tinh diệu của Thạch Quỳ. Đó cũng là con đường đi của ông. Chấp nhận cô đơn để tự do ngay trong sự cô đơn của chính mình. Trong nấm mộ ấy, nhà thơ chỉ mở cửa cho nàng thơ của mình mà thôi:
                  Anh là  kẻ mang phép màu thượng đế
                  Hãy dắt em đến trước cửa người
                  Xin cho em trở  về kiếp đá
                  Đá hóa thành bức tượng giống người thôi!
                  (Bức tượng)
 
2. Trong cô đơn, Thạch Quỳ và thơ đồng hành. Nhưng cái tôi cô đơn ấy vẫn chưa bằng lòng với chính mình, vẫn muốn “ngông” với đời. Thạch Quỳ “ngông” không chỉ khẳng định cái tôi mà còn đúc cái tôi ấy thành bức tượng đá “trơ trơ” giữa cõi đời-thơ. Nói về cái “ngông”, Đặng Tiến cho rằng: “Ngông nơi nhà thơ, ở đây là một tâm thế, một ứng xử với đời, với người và cảnh. Ngông, nơi đây là một phong thái, lối xử lý không gian, thời gian và nhân gian, bằng Thơ. Ngông, ở đây là Sống Thơ”[3]. Thơ Thạch Quỳ có tâm thế “ngông” đó. Ông hóa giải cô đơn bằng sự vượt rào đối diện với thực tại. Cái tôi vô cùng triết lý: “Học cách sống giữa rừng hoang hú gọi/ Học cách ngồi trên đá lặng im/ Cách đứng/ Cách đi/ Cách kiếm/ Cách tìm/ Những phong cách/ THIÊN NHIÊN/ SÁNG THẾ...” (Vâng, đúng vậy!). Thì ra, nhà thơ tìm đến cô đơn để tịnh tâm, để tiến tới cõi Thiền. Thiên nhiên trong sáng là nguồn bồi đắp tinh thần vô giá cho những người nghệ sĩ như Thạch Quỳ. Từ điểm nhìn của cõi Thiền, nhà thơ còn vận vào mình những trăn trở thời đại:
                  Nước ba lần hóa kiếp
                  Vẫn trong cuộc luân hồi 
                  Người mấy lần hóa kiếp
                  Cho nên một kiếp người?
                  (Nước)
 
Vạn vật nằm trong sự tuần hoàn vô tận. Con người lại hữu hạn khi chọn chiều vec-tơ. Sự đối sánh những lần hóa kiếp giữa nước và người là một khoảnh khắc đốn ngộ của nhà thơ. Cõi trần vướng lụy đâu dễ dàng hóa kiếp. Vì thế, nhà thơ mừng cho bạn cũng là lẽ hiển nhiên: “Bác Phùng về dưới mộ/ Hẳn tâm đắc một điều/ Diêm vương và địa ngục/ Rất rạch ròi ghét yêu!” (Bác Phùng dưới mộ).
 
Bàn về chuyện sướng khổ, Nguyễn Khắc Phê cho rằng: Nhà không có gì đáng giá, đêm nóng cứ mở toang cửa mà ngủ (Tản văn: Thử bàn chuyện sướng, khổ). Như vậy, mới sướng, mới thoải mái. Thạch Quỳ cũng vậy, chẳng bận tâm gì, sống thoải mái với đất trời. Chọn lối là tự ở ta:
                  Ta bát ngát thôn quê, từ làng đến phố
                  Và  sống ở ngôi nhà không cửa sổ
                  Bốn tường kia cửa bít kín mất rồi
                  Lối  đi về ta mở. Tự ta thôi!
                  (Cửa sổ)
 
Cách thể hiện cái tôi tự do cũng là cách Thạch Quỳ hướng tâm vào cõi Thiền. Cái tôi cô đơn đã tìm được ngôi nhà trú ngụ.
Khi nhà thơ “Thiếu vốn sống tác phẩm sẽ nhạt nhẽo, èo uột, bất túc. Thiếu vốn chữ tác phẩm sẽ thô vụng, sống sượng, suy dinh dưỡng” (Lê Đạt)[4]. Cả vốn sống và vốn chữ đều chất đầy trong cái bụng thơ của Thạch Quỳ, nó chứng minh cho một quan niệm sáng tạo nhất quán. Giao thoa giữa thể thơ truyền thống và hiện đại, giữa chuyện xưa và chuyện nay, giữa giọng điệu thân mật và giọng điệu lạnh lùng... ít nhiều Thạch Quỳ đã xây nên bức tượng thơ cho mình. Một bức tượng đá cô đơn, bản ngã: “Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết?/ Lầm lì mồ côi” (Tảng đá). Một bức tượng không vô cảm, vô hồn trước những biến động cuộc đời. Nó phân biệt rạch ròi giữa cái ghét và cái đáng yêu:
                  Ghét cái không đáng ghét
                  Yêu cái chẳng đáng yêu
                  Thà  làm quách tảng đá
                  Nằm vô  tư trong chiều
      (Bác Phùng dưới mộ)
 
Trong sự giao thoa ấy, hình như Thạch Quỳ chưa dứt khoát về góc độ sử dụng biện pháp nghệ thuật ngôn từ để khắc đậm vào tâm thức độc giả. Sự nhập nhằng này giảm bớt lưu lượng cái ngông thi sĩ. Cuồng tín và khai phóng  ngôn ngữ là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng trạng huống tâm lý, ngôn từ sẽ tăng lên sức mạnh bội phần. Cái ngông thi sĩ trở nên độc chiêu, đắc địa.
Tuy vậy, cái tôi dẫu cô đơn nhưng luôn luôn trong tâm thế nổi loạn, hướng đến tự do đã làm nên dấu ấn cho “Bức tượng”. Có thể nói Thạch Quỳ là một nghệ sĩ điêu khắc, biết sắp đặt cấu trúc sao cho “Bức tượng” của mình hài hòa, hợp lý trong không gian thơ.
 Mở  đầu tập thơ là khát vọng được trở thành bức tượng như xưa, chứ không muốn là “người bị đuổi giữa chiêm bao”, kết thúc là một tảng đá kiên cố, trơ lì. Cách trình bày thế này, Thạch Quỳ đã nói hết duyên thơ trọn vẹn trước sau như một của mình. Hóa thân vào bức tượng không phải là sự chối bỏ cuộc sống mà để trêu ngươi, để thách thức với thời thế. Đây cũng là cách nhà thơ khẳng định cốt cách thi sĩ của mình, đúng như cái tên của nhà thơ: Thạch Quỳ - “một hòn đá thơ”.
---------------------
[1]. Thạch Quỳ, Bức tượng, NXB Nghệ An, 2009.
[2]. Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu, NXB Lao động, 2009, tr 424.
[3]. Đặng Tiến, Thơ - thi pháp & chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, tr 55.
[4]. Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ, NXB Trẻ, 2008, tr 66. 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513952

Hôm nay

2122

Hôm qua

2303

Tuần này

21889

Tháng này

220825

Tháng qua

121356

Tất cả

114513952