Những góc nhìn Văn hoá

Tính Trung thực và Niềm tin dưới Ánh sáng của Chuyển đổi Hậu Xã hội Chủ nghĩa

Tính trung thực và niềm tin – hai vấn đề này luôn luôn là quan trọng và lí thú ở mọi nước. Nhưng trong thời kì chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa vai trò của nó có lẽ còn lớn hơn và việc nghiên cứu nó là một thách thức còn gay gắt hơn nơi khác và khi khác.

Điều này thúc đẩy Collegium Budapest, viện nghiên cứu liên ngành quốc tế này để đề xuất việc nghiên cứu sâu rộng các vấn đề được nêu trong tiêu đề bài này.[1] Các nhà nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành – khoa học kinh tế, khoa học chính trị, xã hội học, luật học, nhân loại học và triết học chính trị – từ 17 nước trên thế giới đã tập hợp lại để trao đổi kinh nghiệm và ghi chép lại những suy nghĩ của họ.

Nghiên cứu sâu rộng này trong khuôn khổ Collegium Budapest tạo cơ sở cho bài báo này.[2] Tôi lấy nhiều ý tưởng từ những nghiên cứu được thực hiện ở đó, và ở nhiều nơi tôi dẫn chiếu đến những kinh nghiệm thực nghiệm được công bố trong những nghiên cứu này. Và cái không kém quan trọng là, các cuộc tranh luận sôi nổi của nhóm nghiên cứu chúng tôi đã có tác động lên men đối với suy nghĩ của tôi. Tuy thế bài báo không thể được coi là một tổng kết của việc nghiên cứu này. Chúng tôi cũng không nỗ lực để đạt kết quả chung cuối cùng. Trong một số trường hợp chúng tôi đã không đi đến thống nhất. Bài viết của tôi, như tiêu đề phụ cũng chỉ rő, chỉ là một vài suy nghĩ riêng hình thành trong tôi do cảm hứng của dự án Collegium Budapest. Nó như một món khai vị có lẽ làm cho bạn đọc hứng thú để đến bàn ăn, tức là để tìm hiểu kĩ hơn những nghiên cứu đã được trình bày chi tiết ở đó.
Mở đầu tôi lưu ý rằng bài viết của tôi nói về các nước chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa, chứ không đặc biệt về Hungary, tuy đa phần ý muốn nói của tôi cũng có thể liên quan đến đất nước chúng ta.
Nghiên cứu đã khảo sát hàng trăm hiện tượng và mối quan hệ, trong khi bài viết ngắn này chỉ xem xét phần nhỏ của các thứ đó. Tôi giới hạn ở việc khảo sát ba vấn đề: 1. Các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, 2. xây dựng một nhà nước đáng tin cậy và 3. chiến lược tăng cường lòng tin.
  
QUAN HỆ GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ DOANH NGHIỆP
 
Hoạt động của thị trường dựa trên thoả thuận riêng giữa người mua và người bán. Sinh viên kinh tế, khi học kinh tế học vi mô, ngay từ giờ đầu của khoá học đã làm quen với thoả thuận giữa người mua và người bán, mà họ giả thiết rằng: người bán chuyển giao hàng hoá hay dịch vụ được xác định trong thoả thuận, còn người mua thì trả giá được xác định trong thoả thuận. Họ có thể kí kết thoả thuận bằng văn bản, và cả hai bên xác nhận nghĩa vụ cam kết của mình bằng chữ kí. Tuy nhiên thoả thuận vẫn bắt buộc cả hai bên, nếu họ chỉ thoả thuận bằng lời, hay thầm lặng, thí dụ bằng cách cả hai bên thầm chấp nhận các quy tắc của một quá trình mua-bán được biết đến trước khi giao dịch. Trong quán ăn khách hàng không kí thoả thuận trước, trong đó hứa rằng sau khi ăn sẽ trả tiền hoá đơn – nhưng với việc ngồi vào bàn ăn, người đó đã thầm lặng thoả thuận về việc này với quán ăn.
Thực tế có nhiều điểm khác với mô hình mua bán lí tưởng.
Không có thoả thuận hoàn hảo. Ngay cả thoả thuận được biên soạn tỉ mỉ nhất cũng không có khả năng điều chỉnh trước mọi chi tiết, bởi vì các giao dịch phức tạp có thể có hàng ngàn tham số. Ngoài ra thoả thuận quy định những thứ liên quan đến tương lai, thế mà dù có nỗ lực cao nhất cũng không thể thấy trước tương lai một cách chính xác.
Thoả thuận của người mua và người bán phải được bổ sung bằng việc cả hai bên ứng xử một cách trung thực. Và lòng tin bước vào ở đây. Khi thoả thuận, người mua tin rằng người bán tôn trọng một cách trung thực câu chữ và tinh thần của thoả thuận liên quan đến chất lượng và thời gian giao hàng hoá hay dịch vụ. Còn người bán thì tin rằng người mua sẽ trả tiền. Cả hai bên càng chân thật và lòng tin càng vững chắc, thì chi phí giao dich càng nhỏ.
Mức độ lòng tin có thể đo được bằng nhiều hình thức. Thí dụ được biểu hiện như sau: người bán buộc người mua trả tiền trước theo tỉ lệ nào. Đáng chú ý là, ở Beloruss, Ukraina và Nga tỉ lệ này là khoảng 40% , còn ở Hungary, Czech vay Ba Lan chỉ khoảng 10%.[3]
Ở đâu có các thoả thuận riêng giữa những người mua và người bán, ở đó cũng xảy ra các vi phạm thoả thuận. Một thước đo tốt về sự trung thực của thị trường (và xã hội nói chung) là những vi phạm thoả thuận đó có phổ biến và nghiêm trọng hay không. Tuy không có số liệu tổng kết về vấn đề này, ý kiến khá phổ biến là, trong các khu vực hậu xã hội chủ nghĩa của chúng ta tai hoạ này có tính thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế truyền thống, có thị trường phát triển.
Nhà nước phải cưỡng bức việc tôn trọng thoả thuận riêng. Có tranh luận về vai trò của nhà nước trong một nền kinh tế thị trường dân chủ hiện đại. Nhưng ngay cả triết lí chính trị mong muốn giảm vai trò của nhà nước xuống tối thiểu cũng không nghi ngờ rằng nhà nước phải cưỡng bức việc thực thi thoả thuận riêng. Đây cũng là nhiệm vụ tối thiểu của một nhà nước. Có thể xác định rằng ở mọi nơi nó thực hiện nhiệm vụ này một cách khiếm khuyết, và các thiếu sót này là đặc biệt nặng nề trong chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa..
Bắt đầu với việc là, các luật có lỗ hổng. Như trước đây chúng ta đã xác định, không có thoả thuận riêng hoàn hảo, không có lỗ hổng, bây giờ chúng ta có thể nói thêm, không có luật hoàn hảo. Có thể chứng minh được về lí thuyết rằng, ngay với nỗ lực và sự thận trọng lớn nhất vẫn còn các lỗ hổng, và nhà lập pháp càng ít kinh nghiệm hay vội vã, (mà tình hình là như vậy trong thời kì chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa), thì luật càng xa sự hoàn hảo.
Nếu bên nào đó đưa vụ vi phạm thoả thuận ra trước toà án, phải nghiệm thấy rằng quá trình toà án là rất chậm chạp. (Trong khu vực hậu xã hội chủ nghĩa có lẽ còn chậm hơn so với các nền dân chủ chín muồi hơn có ngành tư pháp có kinh nghiệm hơn và hiệu quả hơn.) Và cái còn tồi tệ hơn: toà án có thể thiên vị, thậm chí có thể bị mua chuộc.
Cuối cùng cũng có nhiều lo ngại về thực thi các quyết định của toà án. Các tổ chức có nhiệm vụ thực thi thì yếu kém, đôi khi tham nhũng.
Cuối cùng nhiều trong số những người mong chờ nhà nước cưỡng bức việc thi hành đầy đủ thoả thuận riêng, không còn đủ tin vào nhà nước nữa. Một trong những thành viên tham gia nghiên cứu, giáo sư Vadim Radajev trích dẫn các dữ liệu của một đo lường ở Nga.[4] Chỉ có 24% các lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ nhờ toà án trong trường hợp vi phạm thoả thuận.
Doanh nghiệp bảo vệ ra sao, nếu không đủ tin vào nhà nước, tức là nếu nó cảm thấy không thể dựa đủ vào sức mạnh pháp luật? Trước hết nó cân nhắc kĩ, nó kinh doanh với ai.
Khả năng hiển nhiên là, nó hạn chế ở các quan hệ kinh doanh với các đối tác đã được thử thách, với những người nó có kinh nghiệm tốt trước đó. Điều này tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, nhưng làm hẹp phạm vi các mối quan hệ mua-bán tiềm tàng, tức là hạn chế cạnh tranh. Như thế có mối quan hệ đánh đổi (trade-off) giữa lòng tin và cạnh tranh. Lòng tin càng trở thành tiêu chuẩn lựa chọn, thì cạnh tranh càng bị thu hẹp.
Kinh nghiệm kinh doanh cá nhân có thể được bổ sung bằng thông tin. Bên thoả thuận thử thông báo trước cho đối tác. Tư cách thành viên của hiệp hội chuyên ngành nào đó hay phòng thương mại có thể là sự đảm bảo nhất định. Hay lòng tin có thể đơn giản dựa vào danh tiếng của đối tác tiềm năng ra sao trong giới kinh doanh. Hình thành (và cũng đáng mong mỏi là hãy hình thành) danh tiếng riêng của những người tham gia đời sống kinh tế. Dư luận chuyên môn-kinh doanh phân loại: “hãng này trung thực, chúng ta có thể tin vào nó, còn hãng kia không đứng đắn, không trung thực, không tin được.”
Mỗi người đã đối mặt với vấn đề lựa chọn như vậy với tư cách cá nhân người mua. Khi lần đầu tiên trong đời chúng tôi sang Nhật và tối đầu tiên tôi và vợ tôi muốn ăn, tất nhiên chúng tôi không biết rő bảng thực đơn của các tiệm ăn tối, như thế - không có cách nào hơn – chúng tôi vào một quán McDonalds và ăn hamburger. Cả hai chúng tôi chẳng ai thích hamburger, nhưng ít nhất chúng tôi biết, chúng tôi nhận được cái gì. Tên của hãng đa quốc gia lớn đảm bảo chất lượng có thể tin cậy được trên khắp thế giới.
Sự lựa chọn trên cơ sở danh tiếng, dựa vào lòng tin – và không cân nhắc các điều kiện cụ thể nêu trong thoả thuận - làm giảm sự thất vọng do vi phạm thoả thuận gây ra. Tuy vậy điều này cũng hạn chế cạnh tranh. Mạng lưới tin cậy càng mạnh và hiệu quả, thì sự gia nhập càng khó. Nếu sự giới thiệu của hiệp hội chuyên ngành trở thành không thể thiếu được, thì nó có thể biến thành phường hội, hay cartel đóng kín và ứng xử của nó có thể trở thành chống cạnh tranh.
Có thể là, doanh nhân của chúng ta đã không đủ cẩn thận (hay đủ may) trong lựa chọn đối tác, và đối tác vi phạm hợp đồng. Giả sử rằng, họ thuộc loại không nhờ toà án trong trường hợp như vậy. Họ có thể làm gì? Trong đại đa số trường hợp, họ đành cay đắng yên phận với sự thiệt hại. Nhưng có những người, sẽ tự nhận trách nhiệm thực thi luật pháp những khi như vậy. Thí dụ, cử vài thanh niên lực lưỡng đến doanh nhân không trả nợ đó. Trong đo lường, mà giáo sư Radajev trích dẫn, và được tôi nhắc đến ở mấy dòng trước đây, 11% những người được hỏi trả lời rằng: trong cưỡng chế hợp đồng họ không chùn bước sử dụng bạo lực.
Ngôn ngữ Hungary thông dụng dùng từ “maffia” theo nghĩa rất rộng, và hầu như gọi mọi loại tội phạm có tổ chức như thế. Thực ra maffia là một “tổ chức trông coi-bảo vệ”, cảnh sát tư bất hợp pháp, thực hiện quyền lợi của những người kinh doanh nằm dưới sự bảo kê của nó, thậm chí bằng bạo lực. Một trong những chức năng truyền thống của nó là thu tiền, đòi nợ. Một bộ phận các nhà doanh nghiệp yêu cầu sự bảo kê của maffia, đối với những người khác chúng cưỡng bức dịch vụ trông coi-bảo vệ. Trong mọi trường hợp hãy để ý rằng, maffia (dùng từ này theo nghĩa gốc của nó) thoả mãn nhu cầu thực tế. Nó cưỡng bức thoả thuận riêng ở nơi các tổ chức hợp pháp có nhiệm vụ làm việc này lại bất lực. Maffia trở thành quyền lực lớn đặc biệt ở nơi luật pháp có lỗ hổng, toà án chậm chạp và có thể bị mua chuộc và việc thi hành [án] không hoạt động.
Một nhà nghiên cứu trẻ của chúng tôi, Federico Varese người Ý, anh viết luận văn tiến sĩ về maffia Nga, trong khuôn khổ dự án Collegium Budapest anh khảo sát, một tổ chức-maffia Nga đã lớn thành một tổ chức đa quốc gia ra sao. Nó thực hiện mưu đồ đầu tiên ở nước Ý. Không phải ở Nam-Ý, bởi vì ở đó địa bàn đã bị [kẻ khác] chiếm, mà là ở Bắc-Ý. Chúng đã thực hiện các khoản đầu tư hợp pháp to lớn, để có danh tiếng kinh doanh tử tế. Lẽ ra chúng đã thử xây dựng mạng lưới maffia thực sự, nhưng mưu đồ bị bại. Dùng ngôn ngữ kinh tế học, không phải hỏng về cung, mà là về cầu. Cuộc sống kinh doanh ở Bắc Ý tin vào sức mạnh của luật pháp, vào sự cưỡng bức thực thi thoả thuận tư và không có cầu để cho maffia bổ sung bằng hành động của nó.
Đáng suy ngẫm là, cũng maffia Nga này – ít nhất suốt vài năm – đã có thể hoạt động “thành công” ở Hungary, như các tư liệu công an mà nhà nghiên cứu tiếp cận được cho thấy. Ở nước ta đáng tiếc đã có cầu về loại cưỡng bức thoả thuận như vậy, về dịch vụ trông coi-bảo vệ.
Tôi thử rút ra vài kết luận tổng quát từ những điều vừa nói. Việc kí kết và thực hiện hợp đồng tư không phải là hành động riêng của hai bên thoả thuận cô lập. Ba loại cơ chế xã hội tạo thành môi trường, trong đó họ chuẩn bị và thực hiện giao dịch.
1. Cơ chế hợp pháp - pháp lí - quan liêu. Cơ chế này cưỡng bức thực thi thoả thuận tư bằng con đường nhà nước.
2. Cơ chế đạo đức - liên đới. Cơ chế này dựa vào tính trung thực và lòng tin lẫn nhau của các bên tham gia. Ứng xử chân thực củng cố danh tiếng. Giữa hai bên thoả thuận không phải là quan hệ thù nghịch, mà là quan hệ bè bạn, hợp tác.
3. Cơ chế hiếu chiến. Cơ chế này dựa trên bạo lực trực tiếp, ngoài pháp luật.
Giữa ba cơ chế có thể xảy ra hai loại quan hệ.
Quan hệ thứ nhất là sự kết hợp của cơ chế 1 và 2. Quan hệ này tạo ra sự bổ sung lành mạnh. Hai cơ chế tăng cường, củng cố lẫn nhau. Người kinh doanh, doanh nghiệp càng có thể tin vào sự thực thi hợp pháp của thoả thuận tư, họ càng ít phải nhờ đến thủ tục toà án. Lời tuyên bố “tôi sẽ kiện anh” là sự đe doạ có thể tin được (credible threat), và điều này có hiệu quả, ngay cả nếu họ hiếm khi sử dụng. Những người chơi trong giới kinh doanh hiểu rằng, họ phải trả giá vì ứng xử bất chính, trong khi ứng xử chân thực là loại đầu tư có lời.
 Giữa các đối tác kinh doanh lòng tin lẫn nhau càng lớn, càng ít có kiện tụng. Việc này làm giảm tải của toà án, làm cho việc giải quyết kiện tụng nhanh chóng, việc này lại củng cố uy tín của cơ chế hợp pháp-pháp lí-quan liêu.
Trong mối quan hệ thứ hai các cơ chế 1 và 2 cùng đối mặt với cơ chế 3. Ở đây hình thành sự thay thế có hại. Nếu hai cơ hế hợp pháp đầu tiên không hoạt động đúng đắn, thì cơ chế thứ ba, bất hợp pháp sẽ lấp đầy khoảng chân không đó. Giới kinh doanh càng sử dụng cơ chế 3, càng sử dụng các công cụ bất hợp pháp, thì uy tín của pháp luật càng giảm sút và những người trong giới kinh doanh càng sợ, càng ít tin lẫn nhau. Trong quan hệ này như thế hình thành một vòng luẩn quẩn, trong đó các quá trình có hại tăng cường, củng cố lẫn nhau.
Từ những điều vừa nói toát ra một kết luận quan trọng nhìn từ quan điểm hành động xã hội. Chiến lược tập trung [hết] sự chú ý vào cuộc chiến chống tội phạm, maffia, sự phạm tội là chiến lược sai lầm, khi chúng ta muốn chiến đấu vì sự trong sạch của giới kinh doanh. Không phải vì việc này không quan trọng và cần thiết – nhưng đây không phải là việc cần làm đầu tiên. Củng cố cơ chế 1 và 2 là quan trọng hơn việc này, bởi vì nó sẽ thu hẹp trường hoạt động của cơ chế 3.
            
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC ĐÁNG TIN CẬY
 
Phần trước của bài viết này đề cập đến quan hệ giữa người mua và người bán, tức là đến mối quan hệ ngang, tuy trong các tương tác được mô tả ở đó nhà nước cũng có vai trò. Bây giờ chúng ta đổi đề tài, và hãy đưa mối quan hệ dọc giữa nhà nước và công dân vào phần chính của lập luận. Cái gì cần để cho lòng tin giữa nhà nước và công dân (hay giữa nhà nước và các tổ chức ở mức thấp nhất, chẳng hạn các doanh nghiệp) mạnh lên?
Đáng suy ngẫm quan điểm, mà một thành viên của nhóm nghiên cứu chúng tôi, giáo sư Russell Hardin, nhà nghiên cứu lí luận chính trị Mĩ nổi tiếng đại diện trong nhiều bài viết của ông. Đừng xuất phát từ lòng tin, mà hãy xuất phát từ sự nghi ngờ, tức là xuất phát từ cái Hardin gọi là Liberal Distrust [Tự do Nghi kị].[5] Hãy đừng phí phạm lòng tin của chúng ta.
Đầu tiên hãy suy nghĩ tường tận ứng xử của các chính trị gia. Tôi thận trọng tránh các nhận xét khái quát hoá. Nhiều người trong số họ được dẫn dắt bởi các ý định cao thượng, phục vụ sự nghiệp của loài người, bảo vệ các tư tưởng cao quý, hay chí ít cũng đại diện trung thành cho các lợi ích của một tầng lớp, nhóm, khu vực địa lí, hay khu vực bầu cử nào đó. Nhưng các ý định cao cả có thể pha trộn với các ý định ít cao cả hơn, với ý định bám và giữ quyền lực, với ý định tối đa hoá phiếu bầu, với ý định dựng bè kéo cánh chính trị và kinh tế, cũng có thể với ý định làm tăng thu nhập và tài sản của bản thân họ, gia đình họ và bạn bè họ. Sự kết hợp của các động cơ cao cả và nhỏ nhen là khác nhau ở mỗi người, nhưng khá hiếm có ông thánh nào được 100% chủ nghĩa vị tha thúc đẩy. Nhiều nhà chính trị bất lực để đưa ra phán xét khách quan, triết lí chính trị của họ, sự trung thành với đảng của riêng họ khiến họ phiến diện và thiên vị.
Nói về nhà nước thì một tính cách, mà chúng ta có thể xác định, nhà quan liêu [quan chức]. Nói về họ chúng ta cũng không được khái quát hoá. Nhiều trong số họ khá gần nhà quan liêu lí tưởng của Max Weber, công chức có năng lực phục vụ công, chân thật, được lương tâm nghề nghiệp và quyền lợi chung điều khiển. Nhưng ứng xử của nhiều nhà quan liêu không chỉ được thúc đẩy bởi sự phục vụ lợi ích chung, mà cũng bởi lợi ích riêng của bộ máy quan liêu (hay của các nhóm quan liêu nào đó). Thường là họ không thờ ơ với các lợi ích vật chất, một phần trong số họ không cưỡng lại được những cám dỗ tham nhũng.
Cần tổ chức các thể chế nhà nước và xã hội sao cho chúng ta cũng tính một cách thực tiễn đến những nét tiêu cực về ứng xử của các nhà chính trị và các nhà quan liêu. Chính bởi vì ở mức độ nhất định chúng ta không tin tưởng nhà nước, và chúng ta nhất thiết cũng phải nghi ngờ, phải xây dựng các định chế phù hợp để bảo vệ các công dân và các tổ chức của họ.
Tất nhiên, quan trọng nhất nhìn từ quan điểm này, là nền dân chủ đại diện, sự hoạt động hữu hiệu của nghị viện, sự tranh đua chính trị giữa các đảng cầm quyền và các đảng đối lập. Dự án Collegium Budapest tương đối ít đề cập đến vấn đề này- cho dù chúng tôi biết rất rő tầm quan trọng của nó.
Ngành quyền lực khác, về vai trò của ngành tư pháp chương trước của bài này đã có vài lời.
Bây giờ tôi muốn nói về vài định chế khác của xây dựng lòng tin, về vài thể chế khác để bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Tôi nhấn mạnh năm công cụ.[6]
1. Tham gia chuẩn bị các dự luật. Nếu dân chúng cảm thấy rằng – chí ít thông qua những người trung gian và các đại diện quyền lợi khác nhau của họ, nhưng đôi khi cả trực tiếp nữa - họ tham gia vào chuẩn bị các luật, thì việc đó làm tăng lòng tin vào luật pháp. Trong các nước hậu xã hội chủ nghĩa việc tổ chức tham gia hoặc hoàn toàn bị bỏ qua, hay chỉ được làm một cách lấy lệ, thường được tiến hành một cách hời hợt. Cũng thuộc về biên đạo lập pháp xã hội chủ nghĩa là cái gọi là “tranh luận xã hội”, tức là người ta khiến “tổ chức đại diện quyền lợi” nào đó tranh luận trước một vài kiến nghị quan trọng nào đấy, tức là với tổ chức nghề nghiệp hữu quan do các cán bộ được đảng cử ra lãnh đạo. So với việc này thì dường như đã có sự tiến bộ nào đó. Tuy nhiên không mấy khi có tranh luận thực sự, có sự đối chất công khai và chân thành của các lợi ích khác nhau.
Trong các nước hậu xã hội chủ nghĩa không có luật riêng điều chỉnh sự tham gia chuẩn bị luật, mà việc này được phó thác cho sự sốt sắng tự nguyện của chính phủ và các bộ đương thời. Họ không vi phạm luật, nếu họ hoàn toàn bỏ qua quá trình này. Cần đến một luật quy định mức tối thiểu của việc tổ chức nghe ý kiến dân chúng, quy định các hình thức lấy ý kiến, và bắt buộc thông báo cho các tổ chức đại diện quyền lợi và lắng nghe ý kiến của họ.
Hãy để tôi đưa ra ngay một cảnh cáo. Giả sử là sẽ có luật như vậy. Như mọi quy định pháp lí, luật này cũng sẽ có lỗ hổng. Chính quyền thử thực hiện nó hoặc một cách triệt để và với nỗ lực lớn, hoặc chỉ một cách miễn cưỡng, để làm ra vẻ. Và cũng không chắc rằng dân chúng sẽ có để ý không, hay chỉ nghĩ rằng: lập pháp là chuyện của các nhà chính trị và các luật sư.
2. Các định chế không thiên vị, trung lập.[7] Đầu tiên bằng vài thí dụ tôi muốn cho cảm nhận tôi nghĩ về các định chế như thế nào ở đây.
-                     Ngân hàng trung ương.
-                     Cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng, có thể giám sát mọi tổ chức tài chính.
-                     Giám sát [sở giao dịch, thị trường] Chứng khoán.
-                     Kiểm toán nhà nước.
-                     Cơ quan năng lượng.
-                     Cơ quan chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh.
Cái gì là chung trong các định chế này? Chúng ta mong đợi chúng đứng xa các cuộc đấu tranh chính trị đối nội hàng ngày, như vậy theo ý nghĩa này chúng hãy là vô tư, không thiên vị và trung lập. Chúng đưa ra các quyết định của mình chỉ dựa trên các quan điểm chuyên môn. Tính chính trực và hiểu biết chuyên môn của các nhà lãnh đạo và các cộng sự của chúng hãy là đảm bảo để chúng đứng trên chính trị và các lợi ích chuyên môn hẹp và lợi ích giai tầng. Chúng ta có thể thấy những mong đợi này là giống như các mong đợi mà chúng ta đặt ra đối với các toà án độc lập. Tuy vậy, trong khi toà án – theo ý nghĩa của lí thuyết nhà nước truyền thống – là một nhánh tách biệt của nhà nước, ở đây bây giờ chúng ta liệt kê các định chế thuộc thẩm quyền của nhánh hành pháp. Sáu định chế mà tôi nhắc đến chỉ với mục đích minh hoạ, số lượng các định chế như vậy lớn hơn nhiều. Chúng không đơn thuần phục vụ cho việc điều chỉnh và/hoặc giám sát nhà nước đối với kinh tế, mà cả ở các lĩnh vực khác nữa.
Lấy bất cứ định chế nào trong số các định chế thuộc loại này và xem xét kĩ lưỡng, chúng ta vấp phải hàng loạt vấn đề liên quan đến việc thoả mãn các mong đợi này. Những khó khăn bắt đầu với việc lựa chọn và bổ nhiệm các vị lãnh đạo của các tổ chức không thiên vị-trung lập này. Các nhà lãnh đạo không do sự lo xa cử ra. Ai đó (thí dụ, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, hay tổng thống) có quyền kiến nghị tiến cử, ai đó hay những ai đó xem xét năng lực, rồi xác nhận kiến nghị và cuối cùng ai đó kí quyết định bổ nhiệm. Vì điều này mà ngay khi bổ nhiệm cũng không có sự độc lập thực sự. Các nhà lãnh đạo của các tổ chức trung lập đúng có thể là môn đồ của một triết lí chính trị phiến diện nào đó, đúng là có thể vẫn trung thành với lực lượng chính trị và nhân vật chính trị đã đưa họ lên.
Một điều kiện của lòng tin là trách nhiệm giải trình (accountability). Điều này trong nhiều trường hợp hoặc nói chung không được đảm bảo, hay chỉ mang tính hình thức suông. Mối quan hệ giữa sự uỷ thác và thành tích bị đứt. Một mặt sự bổ nhiệm lãnh đạo của tổ chức như vậy thường cho một thời hạn dài (có thể cả đời) là việc thúc đẩy tính không thiên vị và tính độc lập. Mặt khác tập quán này cũng có tác động khó xử của nó: trách nhiệm giải trình càng yếu, và không có cách để thay người lãnh đạo ngay cả trong trường hợp thành tích kém.
Chúng ta bắt gặp ở đây mâu thuẫn đặc biệt của tổ chức nhà nước dân chủ. Cái đảm bảo mấu chốt nhất của nền dân chủ là hệ thống đa đảng, sự tranh đua của các đảng, và sự phụ thuộc của chính phủ vào đa số ở quốc hội. Trong khi đó chúng ta muốn tạo dựng lòng tin của công dân vào việc thực hiện một số chức năng nhà nước bằng cách làm yên lòng họ: các chuyên viên độc lập với các đảng, với chính sách đối nội và với quốc hội thực hiện chức năng này một cách vô tư không thiên vị. Chúng ta tăng cường lòng tin vào nền dân chủ đại diện bằng cách chúng ta chuyển giao các quyết định quan trọng cho các quan chức không được bầu. Ở đây chúng ta bắt gặp mâu thuẫn mà về mặt lí thuyết cũng chưa được làm rő.
3. Trưng cầu dân ý. Không ngạc nhiên rằng việc áp dụng rộng rãi thể chế dân chủ trực tiếp trước hết là do thành viên người Thuỵ Sĩ của nhóm nghiên cứu, giáo sư Bruno Frey kiến nghị.[8] Ông đã lưu ý đến nhiều đặc điểm có lợi của thể chế này.
Trong các cuộc bầu cử quốc hội và chính quyền địa phương dân chúng bỏ phiếu cho một đảng hay một cá nhân. Lúc ấy họ chọn một “gói”, bởi vì đảng hay cá nhân đó đại diện lập trường xác định về một loạt vấn đề. Có thể là, cử tri không tán thành một loạt vấn đề cụ thể với đảng hay cá nhân mà họ lựa chọn, nhưng vì có cảm tình với triết lí chính trị chung, với ứng xử và với lập trường liên quan đến phần lớn vấn đề của đảng đó hay cá nhân đó, nên họ bỏ phiếu cho nó. Bằng lá phiếu của mình họ mua cả một “gói”, cả cái họ tán thành, nhưng cả cái họ thực sự thích bác bỏ. Trưng cầu dân ý tạo phương thức để công dân không bỏ phiếu cho một “gói” như vậy, mà để họ nêu lập trường về một-một vấn đề được xác định rő ràng. Điều này tạo thành sự suy nghĩ cụ thể hơn, thành thạo hơn, xây dựng hơn, cảm giác trách nhiệm công dân lớn hơn. Rồi sau đó công dân cảm thấy tin tưởng hơn vào hành động của nhà nước được tiến hành theo cách như vậy.
Có thể tiến hành trưng cầu dân ý không chỉ về các vấn đề có tầm quan trọng toàn quốc, mà cả về các vấn đề chỉ liên quan đến một khu vực hành chính hẹp hơn, một thành phố, một xã. Bằng cách đó có các khả năng mới hơn cho sự tản quyền ra quyết định.
Công nhận các lí lẽ ủng hộ trưng cầu dân ý, ở đây vẫn cần cảnh báo phải thận trọng. Không đúng, rằng định chế trưng cầu dân ý có thể né tránh hoàn toàn đời sống chính trị nội bộ thông thường. Trong nhiều trường hợp trưng cầu dân ý là do các đảng, các lực lượng chính trị khởi xướng - công khai hay ngấm ngầm, và cũng các lực lượng này ảnh hưởng đến, đôi khi thao túng các cử tri.
Trong mọi hoàn cảnh sự cảnh cáo của giáo sư Frey là chính đáng: không thể nhảy lao đầu vào dân chủ trực tiếp, mà phải học cách sử dụng nó thế nào. Phải đưa dần dần việc hỏi ý kiến người dân bằng trưng cầu dân ý về các việc lớn nhỏ của nhà nước và lập pháp.
4. Các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO). Các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội xã hội có thể đóng vai trò xây dựng lòng tin quan trọng.
Nhiều lần trong các cuộc tranh luận đã nhắc đến tác phẩm được coi là kinh điển của Robert Putnam về các định chế dân chủ ở bắc nước Ý.[9] Putnam đã chứng minh bằng dữ liệu rằng, có tương quan dương chặt chẽ giữa một bên là số và sự hoạt động của các NGO và các hiệp hội xã hội, và bên kia là lòng tin lẫn nhau giữa các thành viên của xã hội. Lòng tin chung tạo thành “vốn xã hội”, và vốn này càng lớn, nếu các công dân càng có quan hệ với nhau tích cực hơn trong càng nhiều hiệp hội và tổ chức phi chính phủ.
Trong quá trình diễn tiến của công trình tiên phong của Putnam người ta đã tiến hành nhiều khảo sát thực nghiệm. Một phần các khảo sát này củng cố lí thuyết ban đầu, nhưng cũng có các bằng chứng ngược lại. Thực sự có các tổ chức bị chia rẽ chính trị - ngược lại cũng có nhiều tổ chức công khai hay ngấm ngầm nằm dưới ảnh hưởng của lực lượng chính trị nào đó, hay được hình thành do sáng kiến của lực lượng đó. Các chiều kích khác nhau của xã hội (chẳng hạn lập trường chính trị, sự thuộc về nhóm sắc tộc hay tôn giáo) càng chia rẽ bao nhiêu, thì một tổ chức “xã hội dân sự - civil society” càng không tin cậy tổ chức khác. Sự phát triển của xã hội dân sự, độ dày đặc của mạng lưới xã hội dân sự cũng tăng cường, và cũng làm yếu lòng tin lẫn nhau.
5. Các tổ chức quốc tế. Trong bài báo xuất bản tại Hungary ở vị trí đầu tiên cần nhắc đến Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó các định chế tài chính quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, thêm vào là Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức của Liên hiệp Quốc đóng vai trò rất quan trọng.
Làm cho công dân yên tâm là nhận thức, rằng sự can thiệp của các tổ chức quốc tế khác nhau có thể mang lại sự bảo vệ đối với những sự lạm dụng của chính phủ quốc gia, của các chính trị gia và các nhà quan liêu trong nước. Chúng ta mới trải nghiệm điều này liên quan đến bệnh dịch SARS, khi cần đến sự lên tiếng mạnh mẽ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cuối cùng vấn đề được tiết lộ ra ở Trung Quốc và để đưa ra các biện pháp phù hợp. Cũng không phải trong một trường hợp IMF đã bảo vệ các lợi ích kinh tế dài hạn của một nước hậu xã hội chủ nghĩa nào đấy đối lại với sự chi tiêu phung phí mang tính dân tuý và chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ quốc gia.
Lại có thể đưa ra cảnh báo. Thực tiễn cũng chứng minh rằng không tổ chức quốc tế nào là không thể mắc sai lầm. Không hiếm là sự can thiệp có hại hơn là có lợi. Và ngay cả nếu lập trường của tổ chức quốc tế có đúng đi nữa, không chắc là nó có khả năng làm cho lập trường ấy có công hiệu đối lại sự phản kháng của chính phủ và bộ máy quan liêu của nước liên quan đó.
Tôi muốn đưa ra vài nhận xét tổng quát vào cuối những giải thích này. Như một điệp khúc ở cuối cả năm điểm đều quay lại với lời cảnh báo: đúng, định chế được nói đến có thể đóng vai trò hữu ích – song ảnh hưởng này bị hạn chế, có vấn đề, đôi khi thậm chí có thể có tác động ngược. Bất kể định chế nào đều có thể lạm dụng quyền và phạm vi hoạt động của nó. Có thể lách, lừa ngay cả định chế được thiết kế và được tổ chức tốt nhất.
Đáng gắn tiếp suy nghĩ này liên quan đến các lí thuyết khoa học xã hội. Trước hết tôi muốn đưa ra vài nhận xét về chuyên ngành của tôi, về khoa học kinh tế. Suốt một thời gian dài hầu như được coi là miệt thị, khi ai đó được coi là “nhà kinh tế trọng thể chế - institutionalist economist”. Điều này đã có nghĩa rằng, anh ta không hiểu phân tích thực sự về các hiện tượng kinh tế, không biết lập mô hình và với sự giúp đỡ của nó để rút ra các kết luận, mà chỉ mô tả bằng lời các định chế của nền kinh tế.
Vài năm nay tình hình đã quay ngược. Có lẽ có thể gắn sự tuyên bố rẽ ngoặt với giải Nobel của Douglass North.[10] Giải Nobel đã cởi mở công nhận tầm quan trọng khoa học của chủ nghĩa trọng thể chế. Từ khi đó việc áp dụng cách tiếp cận này không những đã có một đà mới, mà – như trong các trường hợp tương tự khác cũng thường xảy ra – đã trở thành mốt thực sự. Đã xuất hiện sự cường điệu, sự cưỡng ép phiến diện của lập trường đúng, nhiều khi có thể sử dụng tốt. Bất kể chúng ta vấp phải vấn đề nào, đã có sẵn câu trả lời: lỗi là do các định chế không phù hợp gây ra. Còn giải pháp thì có nghĩa là cần phải xây dựng các định chế phù hợp. Về chuyên ngành kinh tế chắc chắn có thể nói rằng, bây giờ đã rơi vào thái cực này, nhưng các hiện tượng tương tự cũng xuất hiện ở các khoa học xã hội khác.
Trong hai chương đầu của bài viết tôi đã rất nhấn mạnh là các thể chế quan trọng đến thế nào. Việc tổ chức có chủ ý định chế phù hợp để giải quyết nhiệm vụ và/hoặc để định chế tự phát phát triển và cổ vũ cho nó là việc không thể thiếu được. Thế nhưng cũng có thể lạm dụng định chế có vẻ tốt nhất. Tại đây tôi không muốn đưa ra tổng quan có phương pháp về các nhân tố khác nào có thể đóng vai trò, mà tôi chỉ nhấn mạnh một nhân tố, và đấy là tính cách của người đứng đầu tổ chức. Luật có thể quy định bất cứ gì về tính độc lập của một tổ chức nhà nước “vô tư”, “trung lập” nào đó, điều này tỏ ra là hoàn toàn ảo tưởng, nếu người đứng đầu bợ đỡ dù chính phủ mọi thời, dù một lực lượng chính trị nào đó. Vô ích đi xây dựng định chế với mong đợi rằng, cá nhân người đứng đầu phải hiện thân cho sự am hiểu, tính khách quan và tính liêm chính đạo đức, nếu trong thực tế đó lại là người bất tài, thiên vị, có thành kiến, thậm chí có lẽ tham nhũng nữa.
Trong các nước hậu xã hội chủ nghĩa có nhiều khả năng là, người ta sẽ lần lượt đưa ra các luật và các quy định pháp lí thích hợp, thể hiện đặc tính của một nền dân chủ hiện đại và một nền kinh tế thị trường dựa trên sở hữu tư nhân. Đây là điều kiện cần, nhưng không đủ để chúng ta có thể tin vào nhà nước. Cơ chế chọn lựa các nhà lãnh đạo hoạt động ra sao? Ai là những người chịu trách nhiệm về hoạt động của các định chế? Họ có phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ? Có nuôi dưỡng những người thích hợp cho các nhiệm vụ mới hay không?
 
CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG LÒNG TIN
 
Câu hỏi nêu ra ở cuối chương trước dẫn đến lĩnh vực đề tài, mà tôi xác định là chủ đề thứ ba của bài viết của tôi. Chiến lược củng cố lòng tin nên như thế nào? Có “nhiệm vụ then chốt”, mà việc thực hiện năng nổ nó sẽ cho ngay một cú hích lớn cho toàn bộ quá trình hay không? Hoặc với công thức Leninist cũ, có “khâu then chốt” trong chuỗi các nhiệm vụ hay không?
Theo thành viên người Thuỵ Điển của nhóm nghiên cứu chúng tôi, nhà chính trị học Bo Rothstein, nhiệm vụ quan trọng nhất là để đạt rằng, bộ máy quan liêu nhà nước hãy trung thực, thông thạo và liêm chính.[11] Dân chúng ở Thuỵ Điển coi bộ máy nhà nước quan liêu là trung thực và am hiểu, và điều này có tác động nêu gương của nó, nó cũng toả sáng sang giới kinh doanh và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Một thành viên người Mĩ của nhóm nghiên cứu, Eric Uslaner, cùng với đồng tác giả người Rumani đã chuyển đến một bản nghiên cứu, trong các tranh luận và trong cuốn sách trước đây của ông, ông đã bày tỏ quan điểm rằng, vấn đề then chốt là giáo dục.[12] Cần phải xã hội hoá các thành viên xã hội sao cho các chuẩn mực trung thực thấm nhuần vào ứng xử của họ.
Ở Hungary cuộc chiến chống tham nhũng, chống lạm dụng chi tiêu tiền công trở thành tâm điểm của sự chú ý – không như một chương trình được tuyên bố, mà trong thực tiễn đời sống xã hội. Trong khi đấy nhiều mối quan hệ khác của tính trung thực và lòng tin lại hoàn toàn bị lãng quên trong các cuộc tranh luận nghị viện, trong chương trình TV và trong các bài báo viết. Rất ít nói đến, một người kinh doanh lừa người kinh doanh khác, người bán lừa người mua, người xây dựng lừa người chủ nhà tương lai, người mắc nợ lừa chủ nợ ra sao. Hầu như chẳng ai xoi mói - trừ một vài sự kiện đặc biệt gây bão tố – trình độ hoạt động chuyên môn và tính không thiên vị của các định chế được gọi là vô tư, trung lập cả.  
Trong nhóm nghiên cứu của Collegium Budapest đã không hình thành sự đồng thuận về những việc cần làm. Chúng tôi cũng không thể coi đấy là nhiệm vụ của mình. Nếu chính phủ, hay quốc hội yêu cầu uỷ ban làm rő một vấn đề, có thể mong đợi là, uỷ ban sẽ đưa ra các kiến nghị thực tiễn như kết quả của nó, mà – bên trong uỷ ban trên cơ sở các nhượng bộ và thoả hiệp lẫn nhau – bản thân uỷ ban chấp nhận và đệ trình cho những người uỷ thác của họ với tư cách kiến nghị riêng. Chúng tôi không tạo ra “uỷ ban”. Chúng tôi là các nhà nghiên cứu một đề tài hấp dẫn, mà nhiệm vụ đầu tiên là, đi phơi bày bản thân vấn đề một cách gay gắt, tìm ra các nhân tố gây tai hoạ, và đi càng sâu càng tốt để hiểu các mối quan hệ nhân quả. Trong chúng tôi đã có người đi đến các kiến nghị thực tiễn, còn những người khác dừng lại ở việc phân tích vấn đề. Đã có kiến nghị, mà mọi người hay hầu như mọi người đều đồng ý, về các kiến nghị khác đã có tranh luận gay gắt trong nội bộ nhóm – và điều này như thế là phải.
Theo ý kiến của riêng tôi không có “nhiệm vụ then chốt”, không có “khâu then chốt”. Không có và chúng ta hãy đừng đi kiếm. Chúng ta đối mặt với một tập-vấn đề rất phức tạp. Bài viết ngắn này có lẽ đã nhắc đến 10 hay 15 nhiệm vụ, mà mỗi cái đều rất quan trọng. Và như tôi đã nhấn mạnh ở phần dẫn nhập, bài viết của tôi chỉ thảo luận một phần nhỏ của lĩnh vực chủ đề lớn và toàn diện, chủ đề tính trung thực và lòng tin.
Nếu chúng ta khảo sát tỉ mỉ bất cứ phần nào của chủ đề lớn, ngay lập tức xuất hiện vài nhiệm vụ nhất thiết phải thực hiện. Nếu như chúng ta bỏ qua, thì chính ở đây các vụ lạm dụng lại lan rộng, ở đây lòng tin lẫn nhau trở thành không thể. Không có phương sách cho chiến tranh chớp nhoáng. Đây là một chiến dịch phải tấn công liên tục trên mọi mặt trận.
Khi thiết kế chiến lược một điểm xuất phát quan trọng là, - mặc dù các hiện tượng xảy ra ở mọi nơi trên thế giới – chúng ta ngẫu nhiên sống trong một vùng xác định, trong xã hội chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa. Nhiều vấn đề, trong số đó có cả các vấn đề mà bài viết này đề cập, nảy sinh ở tất cả các nước. Nhưng quá khứ lịch sử dẫn đến tình trạng hiện tại có vai trò to lớn trong việc chúng ta phải giải quyết vấn đề như thế nào. Đây là [cách tiếp cận] “phụ thuộc vào con đường - path dependence” được nhắc đến nhiều. Hai nước, ngay cả nếu thoạt nhìn có tình trạng hết sức giống nhau, là khác và khác, nếu đã trải qua các lối mòn lịch sử khác nhau để đi đến trạng thái hiện tại này. Bất luận cách nhìn nhận này là dễ hiểu ra sao thí dụ đối với một nhà sử học, nhiều khi những người kiến nghị thu nhận một cách máy móc các định chế, các quy định pháp lí, các hình thức tổ chức đã được thử thách và được dùng tốt ở nước ngoài, lại hoàn toàn quên mất.
Tôi có thể phân những việc cần làm trong các nước hậu xã hội chủ nghĩa thành hai nhóm, với sự chú ý đến động học của việc thực hiện cũng như hoàn cảnh do quá khứ để lại.
Thuộc nhóm thứ nhấtcác nhiệm vụ lập pháp, làm luật và xây dựng thể chế. Xây dựng một nhà nước pháp quyền phù hợp với nền dân chủ chính trị và nền kinh tế thị trường dựa trên thế trội của sở hữu tư nhân. Việc này đảm bảo sự vững mạnh của lòng tin giữa những người tham gia nền kinh tế, việc này bảo vệ công dân đối với cơ quan công quyền, do điều này mà nhà nước trở nên xứng đáng hơn đối với lòng tin của các công dân.
Chủ nghĩa xã hội đã để lại di sản gì về khía cạnh này? Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố không đời nào có chuyện tình trạng cách mạng, ngoài pháp luật. Ngược lại, mọi hành động đều phụ thuộc vào cả triệu quy chế pháp lí và chỉ thị nhà nước. Bước ngoặt năm 1989-1990 với vài nhát kiếm đầy kịch tính đã không xé tan cái tấm dệt rất dày đặc này. Ở vài nước (thí dụ Rumani) đã có các sự kiện đặc biệt. Toàn bộ khu vực tuy vậy được đặc trưng đúng hơn nhiều bởi quá độ hoà hình. Họ đã gỡ nhiều phần nhỏ và dệt lại tấm dệt hệ thống pháp lí. Đây là quá trình ít ngoạn mục, nhưng chắc chắn hữu hiệu hơn và khoan dung hơn. Tất cả các quy chế pháp lí được kế thừa vẫn còn hiệu lực, cho đến khi chưa [thay cái khác hay sửa và] làm cho từng cái hết hiệu lực. Cần phải xem xét lại rất sâu một phần của các luật trước đây, hay có lẽ phải thay bằng một luật hoàn toàn mới. Đã phải làm nhiều luật mới để điều chỉnh các hành động hay các mối quan hệ không tồn tại trong chủ nghĩa xã hội.
Martin Raiser, cộng tác viên chính của Ngân hàng Châu Âu, một thành viên của nhóm nghiên cứu chúng tôi, bằng các dữ liệu thống kê đã củng cố sự tồn tại của mối quan hệ sau: cải cách thể chế và luật pháp càng tiến triển, chính quyền càng hoạt động tốt và người ta càng cho hoạt động toà án là công bằng bao nhiêu, thì lòng tin lẫn nhau giữa các đối tác kinh doanh càng vững mạnh bấy nhiêu.
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền có thể đạt đến một trạng thái, khi đã có thể tuyên bố: về cơ bản đã thành công thực hiện nhiệm vụ. Từ quan điểm này, như thế nước hậu xã hội chủ nghĩa được nói đến đã đuổi kịp các nước, nơi nhà nước pháp quyền dân chủ hiện đại đã liên tục có hiệu lực và được phát triển mà không có đoạn đường vòng xã hội chủ nghĩa kéo dài hàng thập kỉ. Trong khu vực hậu xã hội chủ nghĩa có một số nước đã đạt đến điểm này. Các chuyên gia liệt kê vào đây các nước đi đầu về cải cách, trong đó có Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Slovenia, và các nước vùng Baltic. Các nước khác vẫn còn khá xa trạng thái nhà nước pháp quyền dân chủ chín muồi, và có lẽ họ mới đi được nửa quãng đường cần thiết. Chúng ta có thể liệt kê vào đây phần lớn các nước thuộc Liên Xô trước đây, chủ yếu ở vùng phía tây và phía nam. Nhưng ngay cả liên quan đến các nước đó nữa, cũng có thể xác định một cách rő ràng các nhiệm vụ lập pháp và xây dựng thể chế nào là những nhiệm vụ phải và có thể hoàn thành trong một thời gian có thể thấy trước.
Tất nhiên với việc này quá trình không chấm dứt một lần cho mãi mãi. Sẽ liên tục cần cải thiện các luật hiện hành, cần phát triển tiếp các định chế. Sự phát triển kĩ thuật và khoa học, sự thay đổi về dân số, những thay đổi xảy ra ở thế giới bên ngoài bao quanh một số nước và rất nhiều thay đổi khác làm nảy sinh nhu cầu làm luật và xây dựng thể chế mới. mức độ đó chúng ta đối mặt với nhiệm vụ không bao giờ chấm dứt. Bất chấp điều này, có thể cảm nhận được từ những điều đã nói, rằng phần lớn công việc phải được thực hiện ở lúc đầu của chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ không thể được giải quyết bằng liệu pháp sốc, bằng những bước xung phong, mà phải tiến lên từ từ qua nhiều năm. Tuy vậy, tính theo tỉ lệ xích lịch sử, giai đoạn này không dài. Không cần nhiều hơn một-hai thập kỉ. Và khi điều này về cơ bản hoàn thành, kể từ đó chỉ cần “bảo trì” và “đổi mới” nhà nước pháp quyền, bởi vì “khoản đầu tư” lớn ban đầu đã xảy ra.
Tình hình là khác với nhóm nhiệm vụ thứ hai. Chúng ta liệt kê nhiều việc cần làm vào đây, nhưng có thể nói về tất cả chúng: liên quan đến tâm tính con người.
Động học của những việc cần làm trong chừng mực cũng giống của nhóm đầu tiên được thảo luận ở trên, ở chừng mực là ngay từ đầu phải đối phó với di sản của quá khứ. Trong hệ thống cộng sản hình thành một sự kết hợp đặc biệt của lòng tin và sự nghi kị trong con người. Tôi tin vào bạn mình – nhưng tôi không biết, liệu người đó, người không thuộc bạn bè thân thiết nhất, có là kẻ chỉ điểm hay không? Ngay từ đầu tôi không tin mọi tổ chức đảng-nhà nước, bất luận là công an, sở thuế, hay hội đồng [nhân dân].
Nhiều loại mạng lưới tin cẩn nối con người lại với nhau. Nếu thiếu cái gì đó, người ta thích tính đến chuyện nhận được thứ đó trên cơ sở có đi có lại từ thành viên khác của mạng lưới, hơn là bằng cách trả giá tử tế, trong quan hệ kinh doanh trung thực.
Lừa nhà nước không được coi là ứng xử đáng hổ thẹn, bất chính. Ngược lại, được coi là sự dũng cảm dân sự, là hành động chính trị. Không chỉ người lớn thực hành nó, mà ngay cả trẻ con cũng được dạy làm vậy.
Và rồi 1989-1990 đến. Làm sao chúng ta có thể cho rằng những tập quán hằn sâu này sẽ dễ dàng mất đi?
Giữa các năm 1990 tôi nghe một chương trình phát thanh “gọi điện thoại đến”, trong đó phóng viên radio kêu gọi thính giả hãy kể lại làm thế nào họ đã thành công lừa hải quan trong các dịp đi nước ngoài về. Người ta kể lại các chuyện phiêu lưu lí thú nhất, hồi hộp nhất. Người dân tấp nập điện thoại đến, khoe khoang là họ đã thành công vi phạm quy định pháp lí thế nào và đánh lừa nhà nước ra sao. Tôi không có các ảo tưởng, ngay cả ở các nước tôn trọng luật pháp nhất cũng xảy ra những trường hợp như vậy. Sự khác biệt chính không phải ở tần suất lậu thuế quan, mà ở thái độ tiếp nhận xã hội đối với việc đó. Ở Mĩ hay ở Na Uy phóng viên radio không đặt câu hỏi này, và những kẻ lậu thuế quan không khoe khoang các chiến công của chúng. Xảy ra lậu thuế ở tất cả mọi nơi. Nhưng trong nền dân chủ chín muồi người ta xấu hổ vì việc này, và họ không hãnh diện với nó trong các cuộc gặp gỡ bạn bè.
Chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa gây ra sự hỗn loạn đạo đức. Các nguyên tắc đạo đức cũ vẫn còn trong đầu nhiều người, những người khác đồng thời chịu tác động của các chuẩn mực cũ và mới – thực ra loại trừ lẫn nhau. Tôi chỉ nêu một thí dụ duy nhất. Chúng ta thường xuyên bắt gặp chuyện người dân không biết họ nghĩ gì về sự gia tăng thu nhập và tài sản của những người khác. Một thành viên của nhóm nghiên cứu chúng tôi, Örkény Antal, cùng các đồng tác giả đã tiến hành một nghiên cứu đáng chú ý liên quan đến vấn đề này.[13] Họ đặt câu hỏi cho người dân ở nhiều nước khác và ở Hungary, theo họ các nhân tố nào đóng vai trò trong sự giàu có của những người khác? Ở tất cả các nơi có nhiều khả năng xuất hiện: công việc tốt, mối quan hệ, sự bất chính. Không ở đâu người dân loại trừ bất cứ nhân tố nào. Nhưng cái rất đặc trưng là, ở Hungary (và các nước Đông Âu hậu xã hội chủ nghĩa) tỉ lệ cao hơn nhiều của những người cho rằng chủ yếu là nhân tố quan hệ và – cái còn đáng buồn hơn – nhân tố bất chính là nguồn giàu có chính. Chúng tôi không biết trong thực tiễn các tỉ lệ thật là thế nào. Nhưng rất đặc trưng cho tâm tính của người dân, rằng đây là cảm giác. Một phần đáng kể người dân không biết làm quen với ý tưởng rằng bằng con đường chân thật cũng có thể kiếm được nhiều tiền, mặc dù đây là một đặc trưng quan trọng của chủ nghĩa tư bản.
Về nhóm nhiệm vụ làm luật - xây dựng thể chế tôi đã nói rằng, phần lớn công việc có thể được thực hiện trong một hai thập kỉ. Chúng ta không thể tính rằng về cơ bản chúng ta sẽ xong việc cải cách tâm tính cũng trong thời gian như vậy. Tốc độ của quá trình thay đổi mạnh tuỳ thuộc vào tính khí cá nhân, có người [thay đổi] nhanh hơn, có người chậm hơn. Ngoài ra bên trong thế giới tư duy và tình cảm của một người cho trước cũng có cái thay đổi nhanh hơn và có cái chậm hơn. Thực ra việc này sẽ tăng tốc chỉ khi, chúng ta, các thế hệ già đã chuyển vị trí của mình cho những người trẻ hơn. Những người, ngay từ đầu được xã hội hoá một cách khác đi, các chuẩn mực đạo đức và phản xạ ứng xử của họ hình thành dưới những tác động khác.
Tất cả điều này không có nghĩa rằng, về khía cạnh này đơn giản chỉ cần gao phó sự thay đổi cho thời gian, và mọi người dửng dưng đứng nhìn một cách thụ động sự bất lương tràn lan xung quanh chúng ta và sự nghi kị làm con người ngạt thở.
Các nhiệm vụ bắt đầu với giáo dục và đào tạo, trong gia đình, tại trường học, ở đại học. Báo chí và truyền hình có thể cực kì có tác dụng tốt (và có thể làm hại). Mỗi nhân vật công chúng, và mỗi lãnh đạo cơ sở làm việc bằng lời nói và việc làm riêng của mình [góp phần] tạo nên nhận thức của công dân.
Đây là một nhiệm vụ không có hồi kết. Tôi chúc cho mình và cho mọi thành viên của xã hội hậu xã hội chủ nghĩa sự kiên nhẫn và tính bền bỉ cho nhiệm vụ này.

* Dịch từ bản tiếng Hungary Bản thảo cho Beszélő và Rubicon 7-6-2003
[1] Việc nghiên cứu do tác giả bài báo và giáo sư Susan Rose-Ackerman (Yale University, Law School) chủ trì. Thông tin chi tiết về các thành viên tham gia nghiên cứu, về các mục tiêu chung, về khung tổ chức của nó, về các hội nghị thảo luận các công trình và về một vài kết quả nghiên cứu có thể thấy trên trang chủ của chúng tôi: www.colbud.hu/honesty-trust.
   Đề tài có lượng tư liệu quốc tế khổng lồ. Tôi có thể giới thiệu hai bài viết của Susan Rose-Ackerman như tổng luận dẫn nhập: Trust and Honesty in Post-Socialist Societies. Kyklos, 2001/54., pp. 415-443. và Trust, Honesty and Corruption: Reflections on the State-Building Process. Archives of European Sociology, 2001/42., pp. 526-570.
   Gần 40 công trình đã hoàn thành trong khuôn khổ nghiên cứu của Collegium Budapest. Một phần các công trình này sẽ được công bố trong hai tập bằng tiếng Anh vào mùa xuân tại nhà xuất bản Macmillan-Palgrave.
[2] Đầu tiên tôi trình bày bài nói tại hội nghị Liên minh Châu Âu: Cộng đồng lợi ích và giá trị do ban biên tập tờ Beszélő và tạp chí Rubicon tổ chức ngày 5-4-2003 cho các giáo viên lịch sử về đề tài nêu trong đầu đề. Bài viết này dựa vào bài nói đó. Trong quá trình diễn đạt tôi không nỗ lực trình bày một nghiên cứu học thuật nghiêm khắc, mà cố gắng giữ phong thái bài nói chuyện.
[3] Xem Martin Raiser, Alan Rousso, and Farnklin Stein: Firms Trust? Evidence from a Survey of 26 Transition Economies. Collegium Budapest, 2003. Phần lớn công trình mà ở đây và sau này tôi sẽ nhắc đến là tài liệu (bài báo thảo luận) được nộp trong khuôn khổ Dự án Honesty and Trust của Collegium Budapest. Trước mắt chúng tôi vẫn chưa thể dẫn chiếu đến các công trình được công bố ở dạng in ấn. Tôi sẽ cung cấp các dữ liệu tham khảo quen thuộc chỉ cho các công trình được hoàn thành không trong khuôn khổ của Collegium Budapest.
[4] Vadim Radaev: How Trust Is Established in Economic Relationships When Institutions and Individuals Are Not Trustworthy (The Case of Russia). Collegium Budapest, 2003. Xem cảChristopher Woodruff:Establishing Confidence in Business Partners: Courts, Networks, and Relationships as Pillars of Support. Collegium Budapest, 2003.
[5] Xem Russell Hardin:Liberal Distrust. European Review, 2001/1., pp. 73-89.
[6] Trong hình thành sự phân nhóm tiếp theo ở đây tôi dựa chủ yếu vào công trình của Susan Rose-Ackerman: Public Participation and Government Accountability in Consolidating Democracies: Hungary and Poland. Collegium Budapest, 2003.
[7] Xem Susan Rose-Ackerman: Public Participation and Government Accountability in Consolidating Democracies: Hungary and Poland. Collegium Budapest, 2003. và Sajó András: Neutral Institutions. Collegium Budapest, 2003.
[8] Xem Bruno Frey: Direct Democracy for Transition Countries. Collegium Budapest, 2003.
[9] Robert D. Putnam: Making Democracy Work: Civic Traditions in Modern Italy. Princeton University Press, Princeton, 1993.
[10] Các công trình có ảnh hưởng lớn nhất của Douglass North: Structure and Change in Economic History. Norton, New York, 1981. ngoài ra Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge University Press, New York and Melbourne, 1990. North nhận giải Nobel năm 1993.
[11] Bo Rothstein: Social Capital and the Quality of Government: The Causal Mechanism. Collegium Budapest, 2003.
[12] Eric Uslaner và Gabriel Badescu: Honesty, Trust, and Legal Norms in the Transition to Democracy Collegium Budapest, 2003. vàEric Uslaner: The Moral Foundation of Trust. Cambridge University Press, New York, 2002.
[13] Örkény Antal, Csepeli György, Székelyi Mária, Barna Ildikó: Blindness to Success; Social psychological objectives on the way to market economy in Eastern and Central Europe. Collegium Budapest, 2003.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513951

Hôm nay

2121

Hôm qua

2303

Tuần này

21888

Tháng này

220824

Tháng qua

121356

Tất cả

114513951