Những góc nhìn Văn hoá

Quá trình chuyển biến tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng

Xuất thân khoa bảng, đỗ đạt cao, nhưng Huỳnh Thúc Kháng (1876 1947) có một cái nhìn khá mới mẻ với thời cuộc. Ông tiếp thu tư tưởng yêu nước của các nhà Nho trong lịch sử, song cũng đi tìm cái mới, cái tiến bộ trong các học giả yêu nước của Trung Quốc, trong lịch sử duy tân tự cường của Nhật Bản, trong văn hoá tư sản phương Tây.

Quá trình thành lập và hoạt động trong phong trào Duy Tân, làm Viện trưởng Viện Nhân dân đại biểu, chủ bút báo Tiếng Dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam là quá trình Huỳnh Thúc Kháng luôn đi tìm cái mới, những giá trị mới để mang lại độc lập, tự do, dân chủ cho dân. Mặc dù sự phát triển tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng cũng chứa đựng những mâu thuẫn, nhưng ông đã vượt lên những mâu thuẫn đó để có thể tiến kịp tư tưởng thời đại. Đó là điểm khá nổi bật và khác biệt trong tư tưởng của ông.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) là một trong những chí sĩ yêu nước tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và thống trị Việt Nam, cùng với quá trình đầu tư khai thác kinh tế và thực thi hàng loạt các chính sách cai trị về chính trị, xã hội, văn hoá và giáo dục, đã du nhập vào Việt Nam một hình thái kinh tế - xã hội đặc thù của các nước thuộc địa tư bản chủ nghĩa được nảy sinh do sự tác động qua lại giữa hai phương thức sản xuất cũ và mới: phương thức sản xuất phong kiến kiểu phương Đông và phương thức sản xuất có tính chất tư bản chủ nghĩa. Sự vận động của hình thái kinh tế – xã hội trên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về chính trị, kinh tế, xã hội cho Việt Nam. Trong thời gian này, cùng với sự biến động rất nhanh của tình hình chính trị, kinh tế, tư tưởng trên thế giới và trong khu vực châu Á, tình hình mọi mặt ở trong nước Việt Nam cũng đã tác động rất mạnh đến phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta nói chung và sự chuyển biến trong hệ tư tưởng Việt Nam nói riêng, với nhiều nhân tố mới.
Huỳnh Thúc Kháng sinh trưởng và tạo lập sự nghiệp trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, nên trong suy nghĩ và hành động của ông đã chịu sự tác động khá mạnh mẽ. Vốn thông minh, học rộng, biết nhiều, Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, của cha ông; nhận thức, đánh giá tình hình trong và ngoài nước để từ đó có những chuyển biến quan trọng trong tư tưởng và hành động hợp thời đại, góp phần hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của dân tộc ở nửa đầu thế kỷ XX.
Xuất thân khoa bảng, đỗ đạt cao (đỗ đầu (Hội nguyên), thi đình đỗ Tam Giáp, đồng tiến sĩ) nhưng Huỳnh Thúc Kháng lại có cái nhìn mới mẻ với thời cuộc. Ông đã tiếp thu tư tưởng yêu nước của lớp lớp các nhà Nho Việt Nam trong lịch sử: tư tưởng ái quốc, nhân nghĩa, lấy dân làm gốc, phong thái ứng xử của bậc Nho sĩ đại trượng phu…; đồng thời, thẳng thắn chỉ trích, phê phán những khuyết điểm của Khổng giáo về một số quan niệm đạo đức, chính trị, lối học khoa cử mà khi tiếp xúc với Tây học lại càng trở nên lạc hậu. Đối với cả cổ học lẫn tân học, Huỳnh Thúc Kháng đều có thái độ kính trọng nhưng cũng hoài nghi. Ông cho rằng, nếu người tiếp thu, sử dụng những tri thức xã hội mà thiếu khả năng phán đoán thì khó đạt được kết quả mong muốn. Với quan niệm này, ông đã can đảm chỉ ra những sai lầm vốn ngự trị ở nước ta hàng chục thế kỷ và dũng cảm đi tìm cái mới, cái tiến bộ trong các học giả yêu nước của Trung Quốc, trong lịch sử duy tân tự cường của Nhật Bản, trong văn hoá tư sản phương Tây.
Huỳnh Thúc Kháng cùng các bạn bắt đầu đọc những quyển Tân thư từ phố Hoa kiều Hội An mang về, tạo ra cho mình nhận thức mới về tình hình trong nước và thế giới. Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Thời vụ sách Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Lưu cầu huyết lệ tân thư của Phan Bội Châu… cùng với những cuốn Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn, Nhật Bản duy tân khảng khái sử, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử, Thái Tây tân sử,  Tân Dân tùng báo đã tác động vào tư tưởng Huỳnh Thúc Kháng và các bậc khoa bảng có chí khí, tâm huyết đương thời, làm xuất hiện tư tưởng dân chủ trong bộ phận Nho sĩ này. Ngoài vốn Nho học cũ, lần đầu tiên, ông biết đến những giá trị dân chủ, văn minh phương Tây, cho dù nó đã bị khúc xạ qua lăng kính của các nhà tư tưởng Trung Hoa. Nhưng những tư tưởng đó cũng đem lại những giá trị mới cho ông, đánh đổ cả một ý thức hệ đã ngự trị từ lâu trong tâm hồn ông. Kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống với ý thức hệ dân quyền tư sản phương Tây, ông hy vọng và quyết tìm ra con đường cứu nước mới, tìm ra hướng đi mới cho dân tộc.
Những năm 1905 - 1908, Huỳnh Thúc Kháng cùng Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp đã lãnh đạo phong trào Duy tân ở Quảng Nam, tổ chức nhiều hoạt động có tính cải cách và đạt được một số kết quả. Trong khoảng thời gian này, ông cũng đã tổ chức các hoạt động yêu nước vừa công khai, vừa bí mật. Ông không phản đối đường lối “bạo động”, “xuất dương cầu ngoại viện” của Phan Bội Châu, cũng không hoàn toàn tin theo đường lối của Phan Chu Trinh. Ông và Trần Quý Cáp có  suy nghĩ riêng: muốn mở đường phục hưng dân tộc bằng khai thông dân trí, cổ động tân học, đả phá khoa cử, kêu gọi thương gia, thân hào thành lập hội thương, hội nông… Chương trình và sách lược này được đề ra trên cơ sở các ông đã có quan sát thực tế ở địa phương. 
Huỳnh Thúc Kháng và những người khởi xướng, phát động phong trào Duy tân còn bài xích khoa cử, chống đối Hán học sai lầm, nhưng không phải là bài xích tất cả, chống đối tất cả, không quá cuồng nhiệt vứt bỏ tất cả cái cũ mà chủ trương tiếp thụ cái mới, cái hay, đồng thời chấn hưng, phát huy những tinh tuý của truyền thống. Chủ trương khuyến học của Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp biết được đối tượng chính là lớp người thiếu học ở nông thôn, là số đông nhân dân lao động. Họ cần học để tiếp thu những kiến thức mới, để thoát khỏi cái tối tăm của cường quyền, để  tham gia  hội nông, hội thương… Ông cùng các bạn đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An-Faifoo), cùng lập trường học, hội nông, trồng quế, phát động phong trào ăn mặc Âu phục, lập thư xã, mua nhiều sách báo mới, diễn thuyết, mở nhà học tại các làng, mời thầy về dạy chữ Tây, chữ quốc ngữ… Những thành công bước đầu của phong trào Duy tân càng làm ông và các bạn thêm tin tưởng vào con đường cứu nước của mình. Đầu năm 1908, sau khi Phan Chu Trinh  ra Hà Nội, Trần Quý Cáp bị đổi vào Khánh Hoà, Huỳnh Thúc Kháng phải cáng đáng tất cả công việc lãnh đạo phong trào Duy tân ở Quảng Nam. Nói về hoạt động yêu nước của Huỳnh Thúc Kháng trong giai đoạn lịch sử này không thể không nói đến vai trò chính trị của ông, khi ông đứng ra dàn xếp những mâu thuẫn giữa xu hướng ôn hoà và bạo động trong hàng ngũ sĩ phu do sự bất đồng ý kiến giữa Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh gây ra. Trước tình hình bất lợi đó, Huỳnh Thúc Kháng thuyết phục anh em giữ vững khối đoàn kết. Ông cho rằng, xuất phát từ những tấm lòng nhiệt thành yêu nước, những hoạt động cách mạng và cải cách đó kỳ thực bổ sung cho nhau, tác thành lẫn nhau, tuy khác ý hướng nhưng cùng chung mục đích. Trong giai đoạn này, cố nhiên Huỳnh Thúc Kháng chưa thể thấy rõ những sai lầm trong chủ trương, đường lối của hai cụ Phan, không thấy sự bất đồng mà chỉ thấy có sự phân công giữa hai đường lối: bên cạnh việc chuẩn bị lực lượng vũ trang bí mật để đánh đuổi quân thù khi thời cơ cho phép thì cũng cần có những hoạt động cải cách công khai nhằm cho nước mạnh, khai trí cho dân.   
Trước những hoạt động của phong trào Duy tân, thực dân Pháp và phong kiến tay sai khủng bố đàn áp phong trào và trút sự trả thù lên tất cả những nhà lãnh đạo của phong trào này. Huỳnh Thúc Kháng và Phan Chu Trinh đều bị đày ra Côn Đảo.
Như vậy, từ tư tưởng của một người được đào tạo nơi cửa Khổng, sân Trình, đỗ đạt cao, nhưng với tinh thần yêu nước cao độ, Huỳnh Thúc Kháng từ bỏ chốn quan trường phong kiến đã nhuốm màu tay sai cho thực dân để từ đó, từ bỏ thế giới quan Nho giáo, chuyển một bước dài đến sự nhận thức, truyền bá tư tưởng dân chủ phương Tây vào thực tiễn xã hội Việt Nam thông qua phong trào Duy tân, với khát vọng đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi cảnh đô hộ. Ông đã tiếp thu những quan niệm nhân sinh mới, biến thành hành động đấu tranh yêu nước. Phong trào Duy tân ở miền Trung cũng là một phong trào yêu nước mang tính chất tư sản do các sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo. Trong mục đích, nội dung, phương pháp cũng như hoạt động cụ thể, Huỳnh Thúc Kháng và các nhà Duy tân miền Bắc, miền Trung như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp… đều lấy cơ sở là nhân dân, đấu tranh cho quyền dân chủ, quyền lợi thiết thực của dân: mở trường học, lập hội nông, hội buôn, cải cách phong tục,…, ít mang tính bạo động. Từ đó, họ đấu tranh đánh đổ cái cũ, xây dựng cái mới và dẫn tới những hành động cách mạng (vụ chống thuế 1908). Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, các nhà yêu nước Việt Nam nói chung và Huỳnh Thúc Kháng nói riêng đều còn có hạn chế và đó cũng là một nguyên nhân khá quan trọng dẫn tới sự thất bại của phong trào Duy tân. Đó là sự tiếp thu chưa toàn diện tư tưởng tư sản dân quyền, chưa nhận thức hết đặc điểm của xã hội phong kiến nửa thuộc địa của Việt Nam và do đó, không nhận thức được rằng: không thể  duy tân khi còn tồn tại chế độ thực dân. Hạn chế này là do cách tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản của các sĩ phu là gián tiếp, do chưa hội đủ thông tin về tình hình khu vực và thế giới và có lẽ, điều quan trọng hơn là trong tư tưởng của các nhà Duy tân còn tồn tại những tàn dư của thế giới quan Nho giáo. 
Năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng ra tù, được khôi phục hàm Tiến sĩ Hàn Lâm Viện Biên Tu. Ông vẫn giữ thái độ kiên quyết không làm quan cho chế độ phong kiến bù nhìn bán nước. Ông được bầu làm Viện trưởng Viện Nhân dân đại biểu, gọi tắt là Viện Dân biểu Trung kỳ. Tuy giữ chức Viện trưởng dưới quyền “bảo hộ” chính phủ Pháp, nhưng ông đã sử dụng chức quyền và địa vị của mình làm phương tiện thực hiện những cải cách vì dân, vì nước.
Trong các kỳ đại hội của Viện, Huỳnh Thúc Kháng cùng các cộng sự của mình đều nêu ra những nguyện vọng của nhân dân trước chính phủ bảo hộ, nhưng không được chính phủ bảo hộ chấp nhận. Chương trình hành động của Viện dân biểu là: đòi ban bố một hiến pháp dựa trên cơ sở thực hành đúng chế độ bảo hộ, đòi quyền dân tộc tự quyết, tam kỳ hợp nhất để từ đó, xây dựng quốc gia có chủ quyền thực sự, lập hiến pháp, quy định quyền hành chính của Nam triều, quyền kiểm soát của Chính phủ và quyền lập pháp của Viện. Ngoài ra, Viện còn đưa ra một số yêu cầu cụ thể, như mở thêm trường học, khai khẩn thêm đất hoang, mở thêm các công trình thuỷ lợi, giảm thuế đinh, thuế điền, bỏ độc quyền muối rượu, cải tổ bộ máy quan lại, mở rộng quyền của Viện dân biểu. Những yêu sách đó, tất nhiên, không phù hợp với lợi ích của thực dân phong kiến. Đặc biệt, thái độ khảng khái của Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng lại thường tỏ ra không ăn khớp với đường lối chính trị của thực dân Pháp. Thực dân Pháp muốn Viện dân biểu chỉ là một hình thức “dân chủ” giả hiệu để thông qua những chủ trương chính sách của chúng, một công cụ kiểu mới để lừa bịp nhân dân, thì Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng lại muốn dùng nghị viện làm một cơ sở hợp pháp để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của dân tộc và luôn đứng về phía nhân dân để chống lại bọn cầm quyền tham lam và độc đoán. Có lẽ, cho đến thời điểm đó, trong lịch sử chính trị của nước Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên đại diện cho nhân dân trong nước công khai phản kháng chính sách của thực dân, công khai đòi hỏi kẻ thống trị phải áp dụng nguyên tắc luật pháp vào đường lối cai trị theo một cơ sở nhất định phân chia quyền hạn, trách nhiệm, quy định quyền lợi cho cả hai phía kẻ thống trị và người bị trị. Thực dân Pháp đã bác bỏ tất cả những đòi hỏi thiết yếu đó, chúng còn phạm đến danh dự của Huỳnh Thúc Kháng, cho rằng do bất mãn, ông mới làm chính trị, mong muốn mọi người Việt Nam phải thoả mãn với chính sách “khai hoá” của chúng và các trí thức phải làm chính trị phản động. Nhưng, chúng đã thất bại trước tinh thần dân tộc, tư tưởng yêu nước, chủ trương hành động vì dân, vì nước của Huỳnh Thúc Kháng.
Thái độ dứt khoát từ chức của Huỳnh Thúc Kháng là một thái độ sáng suốt, hợp thời, thể hiện lập trường chính trị của ông chứ không đơn thuần vì danh dự cá nhân. Xuất thân là Nho sĩ, ông hiểu “thời”, “thế”, “sỉ”, “nhục”…; hơn nữa, ông còn là người nhiệt huyết hoạt động trong phong trào yêu nước giành độc lập, tự do cho dân tộc chứ không màng danh lợi cho cá nhân. Ông đặt sự nghiệp của quốc gia, dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Rời Viện dân biểu, ông tìm một biện pháp làm cách mạng khác nhưng vẫn giữ được phương châm “làm cách mạng công khai” của mình.
Thời kỳ này, Phan Bội Châu cùng các cộng sự muốn tổ chức một chính đảng, đồng thời mở một tờ báo. Huỳnh Thúc Kháng không ủng hộ việc thành lập chính đảng, mà lập kế hoạch xin mở một tờ báo, vì ở Trung kỳ chưa có một tờ báo nào. “Huỳnh Thúc Kháng công ty” được thành lập đầu năm 1927 do Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh tổ chức. Ngày 10 – 8 – 1927, báo TIẾNG DÂN, cơ quan ngôn luận đầu tiên ở Trung kỳ ra đời tại Huế. 
Báo TIẾNG DÂN là tờ báo duy nhất ở Trung kỳ không phục tùng các mệnh lệnh của Chính phủ bảo hộ để trở thành cái loa tuyên truyền cho các chủ trương phản động, các phong trào văn hoá nô dịch của chúng mà còn vạch trần những thủ đoạn lừa bịp ấy, cảnh giác nhân dân. TIẾNG DÂN ra đời xuất phát từ nhiệt huyết yêu nước, thương dân của Huỳnh Thúc Kháng, nhằm tới đối tượng chính là nhân dân. Tờ báo nhanh chóng có tiếng vang lớn vì nó giáo dục con người yêu nước thương nòi, biết căm thù giặc. Người dân còn “đọc” thấy ở tờ báo tâm hồn, nhân cách của người viết bài bình luận các sự kiện chính trị – xã hội trong và ngoài nước. Tờ báo này, trong thời gian tồn tại của nó, đã gây ra nhiều sóng gió cho chính quyền thực dân phong kiến vì ông chủ bút kiên quyết không chịu khom lưng cúi đầu làm bồi bút. Báo TIẾNG DÂN được phép xuất bản với điều kiện như tuân theo một quy chế kiểm duyệt khe khắt, riêng biệt: tất cả các bài vở phải dịch sang tiếng Pháp làm ba bản, gửi sang toà Khâm sứ trước khi lên khuôn một ngày để kiểm duyệt. Mặc dù tờ báo tồn tại trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt về chính trị, bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu nhưng những nội dung được đăng trên TIẾNG DÂN vẫn thể hiện được tính chiến đấu của tờ báo.  Huỳnh Thúc Kháng và các cộng sự phải làm việc cật lực để có thể cho ra đều kỳ các số báo, đồng thời vẫn phải chịu chế độ kiểm duyệt gắt gao. Bình luận tình hình thế giới, Huỳnh Thúc Kháng thường lấy bút danh Khách Quan, vịnh sử ký - Sử Bình Tử, những bài châm biếm - Chuông Mai, những bài có tính chất quan trọng - Mính Viên, cần thiết lắm mới ký rõ tên Huỳnh Thúc Kháng và còn nhiều bút danh khác. Phụ tá đắc lực Đào Duy Anh phụ trách phần giới thiệu những tư tưởng mới trong triết học, văn học phương Tây, dịch các bài viết sang tiếng Pháp để đưa đi kiểm duyệt. Các tác giả của tờ báo đề cập đến nhiều chủ đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, những sinh hoạt ở nông thôn và thành thị; vì vậy, tờ báo có số lượng độc giả tương đối đông so với các tờ báo khác. Hơn nữa, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh Thúc Kháng còn cho đăng các loạt bài điều tra về hành vi tham ô của bọn quan lại, về thực trạng của xã hội, đôi khi còn trực tiếp can thiệp với chính quyền bằng đường lối hành chính, can thiệp cả với chính phủ Pháp trong tư cách của một người chủ báo. Đó là yếu tố quan trọng giúp cho tờ báo tồn tại lâu năm trong điều kiện khó khăn như vậy. TIẾNG DÂN được coi như công cụ mở mang dân trí ở miền Trung lúc bấy giờ. Kẻ thù rất khó chịu với sự tồn tại của tờ báo, tờ báo bị đình chỉ xuất bản vào ngày 28 – 4 - 1943. Điều này cũng đồng nghĩa với sự thất bại của đường lối “làm cách mạng công khai” của Huỳnh Thúc Kháng.
Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, nhưng chủ trương, đường lối theo kiểu ôn hoà với Pháp, muốn dựa vào việc đòi mở rộng dân chủ để cải tổ triều đình phong kiến, cải cách chế độ quan lại, hô hào mở trường học, lập hội buôn để khai hoá quốc dân, đưa nước nhà đến giàu mạnh và thoát khỏi sự bảo hộ của đế quốc… của Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành ảo tưởng, vô hiệu. Hành động “tuỳ thời” của ông là cốt để biến tư tưởng yêu nước mang khuynh hướng dân chủ tư sản của mình thành hành động có ích cho quốc gia, dân tộc và nhân dân, nhưng có lẽ đến trước cách mạng Tháng Tám, tờ báo TIẾNG DÂN là biện pháp cuối cùng của chủ trương “ làm cách mạng công khai, không đảng phái” của ông. TIẾNG DÂN bị đóng cửa cũng có nghĩa là tư tưởng yêu nước của Huỳnh Thúc Kháng lâm vào bế tắc. Ông chưa thể tìm ra một hệ tư tưởng nào mới hơn, cách mạng hơn vừa để mang lại độc lập, tự do, dân chủ cho đất nước, cho nhân dân, đồng thời phát triển tư tưởng của chính mình. Đó cũng là đặc điểm chung của các nhà yêu nước Việt Nam khi muốn sử dụng tư tưởng dân chủ tư sản giải quyết các nhiệm vụ của dân tộc ở đầu thế kỷ XX.  Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Bội Châu – hai nhà lão thành yêu nước vẫn chưa hết ưu thời mẫn thế, nhưng dường như đã bị thời đại vượt qua.
Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 24 – 2 – 1946, Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội, cộng tác với chính phủ mới, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước khi Hồ Chủ tịch sang thăm nước Pháp, Huỳnh Thúc Kháng đã làm việc hết sức mình với chủ trương “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Điều này thể hiện sự biến đổi sâu sắc, sự biến đổi về chất trong tư tưởng của ông.
Kháng chiến bùng nổ, Chính phủ cử Huỳnh Thúc Kháng làm đại diện cho Chính phủ ở miền Trung.
Ngày 21 – 4 –1947, Huỳnh Thúc Kháng mất tại Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi. Cả nước đã cử hành lễ truy điệu để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn nhà chí sĩ suốt đời tận tuỵ vì Tổ quốc.
Trong giai đoạn từ năm 1945 đến khi tạ thế tháng 4 – 1947, tư tưởng và hành động của Huỳnh Thúc Kháng đã có sự biến đổi lớn, có thể xem như sự biến đổi về chất.
Tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng chuyển từ tư tưởng quốc gia dân tộc  sang tư tưởng dân tộc cách mạng. Về cơ bản, Huỳnh Thúc Kháng đã thay đổi quan điểm chính trị. Ông ủng hộ chính phủ cách mạng, đi theo cách mạng, tin tưởng vào tương lai của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng vẫn nhấn mạnh thực trạng hiện thời của Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm trước để giữ gìn độc lập nên cần có một chính sách nội chính, ngoại giao khôn khéo. Có sự chuyển biến về tư tưởng này là do Huỳnh Thúc Kháng yêu nước, thương dân, chống đế quốc và phong kiến, thực sự muốn mang hạnh phúc, tự do cho nhân dân nên đã cộng tác với Hồ Chí Minh, đến với con đường của chủ nghĩa xã hội. Trong lúc lá cờ của các nhà chí sĩ duy tân tưởng chừng phải buông xuống, thì Huỳnh Thúc Kháng cố giữ lại cái thuỷ chung bất khuất của nhà Nho yêu nước, thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
 Tư tưởng yêu nước của Huỳnh Thúc Kháng cũng như mọi nhân tố tích cực trong con người ông đã được Hồ Chí Minh nhận rõ và phát huy, tạo nên sự chuyển biến trong tư tưởng và lập trường chính trị, xoá bỏ mặc cảm quá khứ của ông. Huỳnh Thúc Kháng tựa như một gạch nối, bước chuyển tiếp giữa tư tưởng quốc gia dân tộc cải lương với tư tưởng độc lập dân tộc cách mạng, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, mà chất tạo nên gạch nối đó là tư tưởng và hành động vì dân, vì nước của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng Việt Nam.
Về sự chuyển biến tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể đưa ra kết luận với những điểm cơ bản sau đây:
 Huỳnh Thúc Kháng sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà chủ quyền dân tộc đã rơi vào tay thực dân Pháp, xã hội phong kiến cũ đã trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Trước tình cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, ông sớm nhận thức được sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc tìm con đường giải phóng dân tộc; do vậy, từ bỏ thế giới quan Nho giáo đã ngự trị trong tư tưởng Việt Nam từ ngàn năm để tìm một hướng đi mới.
 Huỳnh Thúc Kháng đã trăn trở tìm một hướng đi - theo ông là hữu hiệu hơn - đó là đến với tư tưởng dân chủ tư sản kết hợp với chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc. Sự chuyển biến tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng là xu thế của lớp các sĩ phu yêu nước thời đó trên cơ sở những sự biến đổi kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng ở trong và ngoài nước. Quá trình thành lập và hoạt động trong phong trào Duy tân có thể đánh giá là bước chuyển biến có tính bước ngoặt trong tư tưởng Huỳnh Thúc Kháng. Ông đã cùng các bạn tìm thấy và thử nghiệm một phương thức đấu tranh mới chống lại đế quốc, phong kiến khác hẳn với phong trào Văn thân, Cần vương trước đó; vừa canh tân, vừa bạo động chống kẻ thù dân tộc. 
Sau khi ra tù, Huỳnh Thúc Kháng muốn theo một đường lối cách mạng công khaitrên cơ sở phát triển trường học, mở mang báo chí, hoạt động ở nghị trường để cổ động cho tư tưởng yêu nước và tư tưởng dân quyền. Hai năm sau khi tham gia nghị trường, Huỳnh Thúc Kháng tự nhận thức rằng, nghị trường không phải là “bài thuốc hay chữa bệnh cho giống nòi ta”, nhà nước bảo hộ cũng không cho một nghị sĩ yêu nước, thương dân có chỗ “dụng võ”. Với nhận thức này, ông đã chuyển hướng hoạt động.
 Huỳnh Thúc Kháng truyền bá tư tưởng yêu nước, thương dân của mình thông qua con đường ngôn luận - báo TIẾNG DÂN. Sau 16 năm tồn tại, “tiếng nói của dân” đã bị thực dân Pháp đóng cửa, vì người chủ bút của nó và những cộng sự không chịu uốn cong ngòi bút theo “cái gậy chỉ huy” của phủ Toàn quyền. Một lần nữa, phương tiện để làm “cách mạng công khai” theo khuynh hướng cải lương tư sản của Huỳnh Thúc Kháng bị phá sản.
Có thể nói, nhược điểm lớn nhất của tư tưởng yêu nước ôn hoàcủa Huỳnh Thúc Kháng là chưa tìm ra được mối quan hệ khăng khít giữa bênh vực quyền lợi thiết thực của người dân với nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ. Đó cũng là sự thất bại có tính tất yếu của hệ ý thức tư sản cũng như hệ ý thức của các nhà Nho yêu nước có khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX trước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc.
Từ chủ nghĩa yêu nước theo kiểu dân chủ tư sản, ôn hoà, Huỳnh Thúc Kháng chuyển sang chủ nghĩa yêu nước dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Huỳnh Thúc Kháng tham gia vào chính quyền cách mạng, tích cực kêu gọi đồng bào đoàn kết xung quanh Đảng cách mạng và Hồ Chủ tịch, không phân biệt giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, đảng phái, không phân biệt già trẻ, gái trai, tập hợp lực lượng yêu nước để đánh Pháp.
Cuộc đời hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng là cuộc đời của một trí thức không màng danh lợi, cầu vinh để dấn thân vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, bất chấp tù đày, gian khổ. Đó là cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị luôn vươn tìm cái mới, mong đáp ứng khát vọng cứu nước, cứu dân, vượt lên trên mọi hạn chế về nhận thức và mặc cảm chính trị. Để có thể làm được điều đó, không điều gì khác hơn là tư tưởng và hành động của ông luôn thấm nhuần truyền thống yêu nước của dân tộc và luôn được tiếp biến một cách linh động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện khách quan của lịch sử. Sự phát triển tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng cũng chứa đựng những mâu thuẫn, nhưng ông đã vượt lên những mâu thuẫn đó để có thể tiến kịp tư tưởng thời đại. Đó là điểm khá nổi bật và khác biệt trong tư tưởng Huỳnh Thúc Kháng. Mặc dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng tấm gương Huỳnh Thúc Kháng nói lên phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam: chính kiến tôn giáo, địa vị xã hội có thể khác nhau nhưng đều giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa dân tộc. Sự chuyển biến trong tư tưởng và hành động của Huỳnh Thúc Kháng cũng nói lên sức cảm hoá to lớn và đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm vóc của lãnh tụ Hồ Chí Minh với đường lối chiến lược đại đoàn kết dân tộc đã có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân, phấn đấu cho đại nghĩa dân tộc với mục tiêu độc lập tự do và hạnh phúc cho Tổ quốc và nhân dân.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513954

Hôm nay

2124

Hôm qua

2303

Tuần này

21891

Tháng này

220827

Tháng qua

121356

Tất cả

114513954