Vài viết đưa ra sự tán thưởng về kết quả các cải cách hành chính mà Toàn Quyền Pháp Paul Doumer đã thực hiện, và ca ngợi chính sách thuộc địa cởi mở của Pháp so với các biện pháp khắt khe của Anh. Bài viết kêu gọi Pháp hãy mở cửa Đông Dương cho đầu tư nước ngoài ngay lúc đó hầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong vùng. Ít nhất, bài viết đã phản ảnh một cái nhìn quốc tế về triển vọng phát triển và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hơn 100 năm trước đây, trong khung cảnh cực thịnh của thời kỳ thực dân.
***
LỜI TỰA
Trong năm 1901 tôi được bổ nhiệm là Ủy Viên Thuộc Địa của Đại Học University of Chicago cho mục đích thăm viếng vùng Viễn Đông và soạn thảo một báo cáo toàn diện về chính quyền thuộc địa tại Đông Nam Á.
Bản báo cáo hiện nay đang được soạn thảo và sẽ được ấn hành thành mười hay mười hai tập bởi các ông Small, Maynard & Co., Cambridge, Mass. trong bốn năm tới.
Tập sách này được tạo thành bởi hai loạt bài được viết trong thời gian tôi vắng mặt để sang thăm Viễn Đông. Một loạt đã xuất hiện trên tờ “The Times” (London), và loạt kia trên tờ “The Outlook” (New York); và chúng tạo thành, trong khuôn khổ mà giờ đây chúng được ấn hành, một nhóm các bài nghiên cứu về các giai đoạn khác biệt trong chính quyền và chính sách thuộc địa của Anh, Mỹ, Pháp và Hòa Lan.
Về các giới hạn của các bài nghiên cứu này, không ai có thể nhận rõ hơn chính tôi; nhưng tôi không phải không hy vọng rằng, với sự khan hiếm lớn lao các sách vỏ bằng Anh ngữ về đề tài chính sách thuộc địa đối chiếu, các nhà tìm hiểu chính trị học có thể khám phá trong chúng đôi điều gì đó hữu ích.
Nếu độc giả có tìm thấy có nhiều vấn đề đáng lưu ý mà tôi không thông báo, tôi chỉ có thể nói rằng thật không thể bao gồm trong một quyển sách duy nhất tất cả những gì mà tôi hy vọng sẽ trình bày trong bản báo cáo mở rộng mà tôi đã đề cập đến. Mục đích của tôi đúng ra là muốn khích động một sự lưu ý đến các vấn đề trong chế độ thuộc địa vùng nhiệt đới hơn là nỗ lực đưa ra một quyết đoán chung thẩm của các vân đề đó theo quan điểm của mình.
Phán đoán từ kinh nghiệm của riêng tôi trong mười lăm năm điều tra trong lãnh vực lịch sử và nền hành chính thuộc địa, các phụ lục thống kê và thư tịch ở cuối quyển sách này phải phục vụ cho việc dọn đường cho bất kỳ ai muốn theo đuổi hơn nữa các lối nghĩ được nêu ra trong các cuộc nghiên cứu này; và tôi đã giới thiệu trong niềm tin tưởng đó, ngay dù có thể phải chịu làm một việc rõ ràng đà áp đặt nặng nề lên trên một quyển sách với các bài khảo luận ngắn bằng các đồ trang điểm của một luận án khoa học.
Mặc dù tôi không thể bày tỏ trọn vẹn sự cảm kích của mình vào lúc này đối với mọi sự tiếp đón tử tế và sự trợ giúp quý báu đã dành cho tôi trong cuộc du hành dài hơn hai năm tại vùng Viễn Đông, tôi không thể để mất cơ hội này mà không thừa nhận cảm nghĩ biết ơn sâu xa của tôi đối với Nữ Hầu Tước Lansdowne, Chánh Thư Ký Nhà Nước Phụ Trách Ngoại Vụ Của Quốc Vương [Anh]; Ngài George Hamilton, cựu Chánh Thư Ký Nhà Nước của Quốc Vương đặc trách Ấn Độ; Ngài Joseph Chamberlain, cựu Chánh Thư Ký Nhà Nước đặc ttrách cac Thuộc Địa của Quốc Vương; ông Decrais, cựu Bộ Trưởng Thuộc Địa tại Pháp; và ông Heer J. T. Cremer, cựu Bộ Trưởng Thuộc Địa tại Hòa Lan, về sự tử tế mà cùng với nó họ đã tự thân tham gia vào công việc của tôi, đến mức độ dành đạt cho tôi mọi tiện nghi du hành khả hừu và nghiên cứu tại các xứ sở và thuộc địa khác nhau mà họ có quan hệ chính thức.
Sau cùng tôi phải bày tỏ các sự cảm ơn thành thực nhất của tôi đến Ngài Charles Brooke, Lãnh Chúa của Sarawak, đến Ngài Frank Swettenham, cựu Thống Đốc Các Khu Định Cư ở Eo Biển và Cao Ủy Liên Bang Mã Lai, đến ông E. W. Birch, C.M.G., cựu Thống Đốc Bắc Borneo thuộc Anh, và đến Thiếu Tướng Leonard Wood, U.S.A., về sự trợ giúp mà nếu không có nó các công việc khổ nhọc của tôi tại vùng Viễn Đông sẽ trở thành vô ích, và về lòng hiếu khách đã bổ túc, ngoài sự quan tâm lớn lao đến công việc của tôi, mọi điều thú vị của mối giao tiếp thân hữu.
Alleyne Ireland
Boston, Mass. January, 1905.
GHI CHÚ: Để tránh sự nhầm lẫn trong đầu óc người đọc, tôi xin lưu ý rằng tôi là một công dân nước Anh, và vì thế khi tôi sử dụng các thành ngữ “chính sách thuộc địa của chúng ta”, “cac vùng đất chiếm hữu ở Viễn Đông của chúng ta”, v.v…, tức tôi nói đến chính sách của nước Anh, các lãnh thổ chiếm hữu của nước Anh, …
A. I.
***
Chương VIII
ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ mười chín, nước Pháp đã sẵn tham dự trong hơn hai trăm năm vào các cuộc thám hiểm thuộc địa.
Trong Thế Giới Cũ, tài năng của Dupleix (*a) và sự can đảm của vị Đô Đốc vĩ đại Suffren (*b) đã mang lại mọi điều, ngoại trừ xứ Ấn Độ; và tại Thế Giới Mới [chỉ lãnh thổ Hoa Kỳ ngày nay, chú của người dịch], lãnh thổ mênh mông nằm phía đông vạch từ Hudson Bay đổ xuống cửa sông Mississippi đã là của Pháp nếu các nỗ lực của Champlain (*c) và D’Iberville (*d) nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ Paris.
Tuy nhiên, ở cả phía Đông lẫn phía Tây, câu chuyện là về một thành quả to lớn đã gần thu đoạt được, về một sự thất bại vĩ đại vốn có thể dễ dàng trở thành một sự thành công lớn lao. Kết quả thuần, thành tích chung cuộc, của nỗ lực hai thế kỷ là vào năm 1815 nước Pháp sở đắc được Martinique, Guadeloupe, Réunion, một vài trạm mậu dịch rải rác tại Ấn Độ, và các khu định cư đánh cá nhỏ bé tại St. Pierre và Miquelon.
Trong suốt nửa đầu của thế kỷ thứ mười chín, ít điều được thực hiện để mở rộng các vùng đất chiếm hữu ở hải ngoại của Pháp. Cuộc Cách Mạng, được dẫn trước bởi một trăm năm chiến tranh, lại được tiếp nối bởi các chiến dịch của Napoléon, và xứ sở hoàn toàn kiệt quệ.
Trong năm 1850, các thuộc địa của Pháp chiếm cứ một diện tích là 200,000 dặm vuông và chứa một dân số ít hơn 3,000,000 người.
Nhưng nhiệt tình cho sự mở rộng lãnh thổ, bị ngủ yên sau trận Waterloo, đã từ từ phục sinh, và vào lúc kết thúc cuộc Chiến Tranh Pháp-Phổ [Prusse, tức nước Đức bây giờ, chú của người dịch], nước Pháp một lần nữa tiến hành chính sách chinh phục thuộc địa.
Nửa phần sau của thế kỷ thứ mười chín đã cộng thêm hơn bốn triệu dặm vuông và hơn năm mươi triệu cư dân vào Đế Quốc Thực Dân Pháp – một diện tích lớn hơn Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một dân số đông hơn dân số nước Anh.
Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, Đông Dương tức thời là vùng quan trọng nhất và thành công nhất. Nó bao gồm Thuộc Địa Nam Kỳ (Cochin-China) và các xứ bảo hộ Căm Bốt, Trung Kỳ (An Nam), Bắc Kỳ (Tonkin), và Lào; nó chiếm cứ một diện tích là 270,000 dặm vuông và chứa đựng khoảng 20,000,000 cư dân. Cuộc chinh phục vùng đất này kéo dài đến gần ba mươi lăm năm, Nam Kỳ đã được sở đắc trong năm 1861, và Bắc Kỳ, được biến thành một xứ Bảo Hộ của Pháp trong năm 1884, sau cùng được bình định vào năm 1897.
Mười lăm năm trước đây tình trạng tồi tệ của Đông Dương thuộc Pháp đã là chủ đề được ưa chuộng bởi mọi văn gia Pháp tự thấy mình không có cảm tình với các tham vọng thực dân gia tăng của Pháp. Ngay những kẻ binh vực cho một chính sách bành trướng của Pháp tại Viễn Đông và đã hy vọng tìm được ở vùng Xa Hơn Ấn Độ một vài sự đền bù cho sự mất mát đế quốc vĩ đại đó vốn được tạo ra bởi tài năng của Dupleix, bị buộc phải nhận thức rằng sự thành lập một thuộc địa Á Châu quan trọng vào cuối thế kỷ thứ mười chín đã mang lại các sự khó khăn khác biệt trong tính chất, nhưng không ở tầm mức của những trở ngại đã gặp phải trong các thời điểm trước đây.
Sự giành giựt được Đông Dương không thôi, bất kể đến sự bất đồng đẳng gia tăng giữa khả năng chiến đấu của người Á Châu với người Âu Châu tiếp theo sự ứng dụng khoa học vào chiến tranh hiện đại, đã chứng tỏ là một công tác khó khăn và tốn kém. Nhưng vấn đề quân sự, chỉ ảnh hưởng đến sự chiếm đóng xứ sở, đã hoàn toàn bị đẩy lui vào bóng tối bởi vấn đê quản trị hành chính; và giải pháp cho vấn đề sau sẽ xác định là liệu Thuộc Địa có phải là một nguồn sức mạnh hay nhược điểm đối với mẫu quốc, là một cuộc đầu tư sinh lợi hay không có lợi nhìn từ quan điểm về các quyền lợi tổng quát của nước Pháp. Thoạt tiên, rõ ràng không có căn bản hợp lý nào cho bất kỳ sự tin tưởng nào rằng Pháp sẽ nhất thiết thành công tại Đông Dương hơn là ở những nơi khác. Người Pháp không bày tỏ mong ước di dân đến Thuộc Địa hay đâu tư vốn liếng của họ vào trong các kỹ nghệ của Đông Dương. Sự quan tâm đến công việc của thuộc địa như thế được thấy được phát biểu rời rạc trên báo chí Pháp, dựa gần như toàn bộ vào các nhận định chính trị; và dân Pháp nói chung quá bận rộn với viễn ảnh làm hoa mắt của việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp tại Phi Châu để có thể dành một sự suy tư trong chốc lát cho công tác không mấy hứng thú của việc khai triển các nguồn tài nguyên ở lãnh thổ đã sẵn nằm dưới lá cờ của họ tại Á Châu.
Vào đầu thập niên chín mươi [của thế kỷ mười chín, chú của người dịch] tình trạng thực sự của Đông Dương thuộc Pháp khá thất vọng. Trong suốt tám năm, 1887-95, nước Pháp được kêu gọi để đài thọ cho các khiếm ngạch trong các Ngân Sách Địa Phương đến mức bốn mươi triệu phật lăng – một ngân khoản đã mang tổng số tốn phí của Thuộc Địa đối với mẫu quốc trong ba mươi lăm năm trôi qua kể từ khi Đô Đốc Rigault de Genouilly triệt phá các đồn bót của Sàigòn lên đến một tổng số khổng lồ là 750 triệu phật lăng, bằng gần 30,000,000 Bảng Anh. Trong năm 1896, việc nâng cao khoản vay 80 triệu phật lăng dành cho Đông Dương trở nên cần thiết ngõ hầu thanh trả các trái khoản thúc bách và để thỏa mãn chi phí của các công trình công chánh quan trọng mà Thuộc Địa cần đến một cách khẩn cấp. Trong lãnh vực hành chính, tình trạng gặp nhiều thất vọng nhất. Rất ít các viên chức Pháp có được một kiến thức thông thạo về các ngôn ngữ bản xứ; Ngành Công Vụ được tuyển mộ phần lớn theo một hệ thống thuyên chuyển trực tiếp từ Bộ Nội Vụ và bởi sự bổ nhiệm tạm thời các sĩ quan quân đội và hải quân, tạo ra hậu quả rằng nhiều chức vụ quan trọng được nắm giữ bởi các người không chỉ không hề có sự quen thuộc đặc biệt với quần chúng và các định chế của Đông Dương, mà còn hoàn toàn mù tịt về các nguyên tắc tổng quát của chính quyền thuộc địa. Một ít người thực sự có khả năng để thành lập chính sách và chỉ huy nên hành chính của Chính Quyền địa phương thường bị bỏ lơ bởi Bộ Thuộc Địa, nhằm có thể tìm được các chức vụ dành cho các thân nhân hay bạn hữu của các nhân vật có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại Paris. Có lẽ triệu chứng đáng kể nhất của sự quản trị sai lạc các sự vụ của Thuộc Địa rằng dân chúng đã mất tin tưởng nơi sự quản trị ngành tư pháp và trong thực tế, đã đình chỉ việc đảm nhận các cuộc tranh chấp dân sự quan trọng để được giải quyết bởi các Tòa Án.
Trong năm 1893, Bắc Kỳ, nơi mà chính quyền dân sự đã hoạt động được bẩy năm, hãy còn trong tình trạng rối loạn và được tuần cảnh bởi các đơn vị quân sự; tại Trung Kỳ và Căm Bốt, chế độ Bảo Hộ của Pháp chỉ có tính chất hình thức, và không có chính quyền Pháp hiện diện; Lào mới chỉ được thụ đắc; và Nam Kỳ, Tỉnh hạt duy nhất tại đó đã có bất kỳ sự thiết lập dân sự hiệu lực nào, khởi sự khích động một sự tách biệt ra khỏi Thuộc Địa. Để hoàn tất sự phác thảo này về Đông Dương thuộc Pháp năm 1893 (và tôi có thể lưu ý rằng các sự kiện của tôi đều được lấy ra một cách chuyên độc từ các nguồn tài liệu của Pháp), chỉ cần bổ túc rằng một hoạt động mậu dịch địa phương trì trệ gần như hoàn toàn nằm trong tay các ngoại kiều, và rằng về nền thương mại đối ngoại của Thuộc Địa, thị phần của Pháp ít hơn một phần năm.
Vẫn chưa đầy đủ để nói Đông Dương thuộc Pháp ngày nay là một trong các Thuộc Địa quan trọng nhất của Pháp, rằng nó đã đạt được một mức độ thịnh vượng mà sự thận trọng thông thường nhất trong chiều hướng các sự vụ của nó phải đủ để gia tăng từng năm; để đánh giá đúng sự tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong thập niên vừa qua, sự nhấn mạnh phải được đặt trên sự kiện rằng không có tài liệu của bất kỳ thuộc địa nào mà tính chất tổng thể đã hoàn toàn bị thay đổi trong một thời gian ngắn ngủi đến thế. Các sự thay đổi thương mại, mặc dù đáng chú ý trong bản thân chúng, là các sự thay đổi ít quan trọng nhất của những gì đã xẩy ra, và chúng có thể mau chóng bị gạt qua. Trị giá của tổng số thương mại đối ngoại của Thuộc Địa đã gia tăng từ 162 triệu phật lăng trong năm 1893 lên 400 triệu trong năm 1902. Trong tổng số này, thị phần của Pháp đã gia tăng từ 30 triệu, tức ít hơn một phần năm, lên 148 triệu, tức hơn một phần ba. Đúng là một tỷ lệ nào đó của các sự gia tăng này có thể được gán cho sự nhập cảng từ Pháp trên tài khoản Chính Phủ các khối lượng lớn lao vật liệu cho các Công Trình Công Chánh; nhưng, mặt khác, các số xuất cảng của Thuộc Địa đã tăng gấp đôi trong mười năm dưới sự thẩm xét, và trị giá các số xuất cảng sang Pháp gia tăng đến gần gấp bốn lần. Trong cùng thời kỳ, trị giá mậu dịch duyên hải gia tăng từ 54 triệu phật lăng lên 156 triệu.
Nhưng chính các cải cách hành chính thi hành từ năm 1897 đã có được sự chú tâm chính yếu của chúng tôi, bởi chúng tượng trưng, cả về mặt điều hành lẫn trong cung cách theo đó chúng được du nhập, một yếu tố mới và có ý nghĩa cao độ trong sự bành trướng thuộc địa của Pháp.
Trong Tháng Mười Hai năm 1896, ông Paul Doumer được bổ nhiệm làm Toàn Quyền Đông Dương. Ông đã tiếp nhận một chức vụ không mấy ý nghĩa; ông đã để lại năm năm sau đó một trong các chức vụ quan trọng và tích cực nhất nằm trong sự ban phong của Chính Phủ Pháp. Không lâu sau khi đến Thuộc Địa, ông đã lập ra một chương trình cải cách, trong đó các mục tiêu chính là:
1. Sự cải thiện tình trạng tài chính của Đông Dương, và sự thiết lập một chính sách tài chính thích hợp với lãnh thổ và các nhu cầu của nó.
2. Bình định Bắc Kỳ.
3. Tổ chức một Chính Quyền Chung [cho Đông Dương].
4. Hoàn tất và cải cách các chính quyền tại các xứ Bảo Hộ.
5. Mở rộng ảnh hưởng của Pháp và sự phát triển các quyền lợi của nó tại vùng Viễn Đông, đặc biệt tại các nước kề cận với Thuộc Địa – tức Xiêm La và Trung Hoa.
Trong các vấn đề này, sự tổ chức Chính Quyền Tổng Quát [chung cho Đông Dương] tức thời là vấn đề khó khăn nhất và cấp bách nhất. Trước năm 1897 Toàn Quyền điều hành các sự vụ của Bắc Kỳ, nhưng ông không quản trị Đông Dương; các nhiệm vụ của ông ta chính yếu có tính cách địa phương, và ông không có quyền chỉ huy các nhân viên hay các nguồn tài chính để hành xử bất kỳ sự kiểm soát tổng quát nào trên sự quản trị các lãnh thổ cấu thành thuộc địa. Ông Doumer đặt ra nguyên tắc khôn ngoan rằng chính chức năng của Toàn Quyền là cai trị toàn vùng Đông Dương, chứ không quản trị bất kỳ phần nào của nó; và hành động đầu tiên trong các cải cách của ông là sự ủy quyền các thẩm quyền hành chính tại Bắc Kỳ cho một viên Thống Sứ. Khi đó ông được rảnh tay để hướng sự chú ý của mình vào sự thành lập một Chính Quyền Tổng Quát (General Government) và đến sự tạo lập một ngân sách để hậu thuẫn cho nó.
Bước đầu tiên là việc tạo ra một Hội Đồng Lập Pháp, và nhằm mục đích này là Thượng Hội Đồng Đông Dương (Superior Council of Indo-China), cơ cấu chưa bao giờ đi quá danh xưng của nó, và đã thực sự thôi hiện hữu sau khi có sự thành lập Hội Đồng Bảo Hộ Bắc Kỳ, được tái thiết lập và ủy thác cho nhiều thẩm quyền rộng rãi. Hội Đồng bao gồm vào lúc này viên Toàn Quyền, Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân Pháp tại vùng Viễn Đông, Tổng Thư Ký Đông Dương, Phó Thống Đốc Nam Kỳ, Các Thống Sứ Bắc Kỳ, An Nam, Căm Bốt, và Lào, các trưởng cơ quan các ban ngành trực thuộc Toàn Quyền, Chủ Tịch Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ, các Chủ Tịch của các Phòng Thương Mại và Canh Nông khác nhau tại Thuộc Địa, bốn thành viên bản xứ, và Chánh Văn Phòng của Toàn Quyền, đảm nhận chức vụ thư ký Hội Đồng. Bộ phận này thông qua ngân sách tổng quát và các ngân sách địa phương và cố vấn cho Toàn Quyền về pháp chế địa phương và trên các vấn đề như thế mà ông có thể nêu ra trước hội đồng. Để giải quyết công việc tốt đẹp hơn, có bốn ủy bản trực thuộc Thượng Hội Đồng. Ủy ban thứ nhất phụ trách các vấn đề quân sự và hải quân, công chánh, đường hỏa xa, thương mại, và canh nông, ủy ban thứ nhì về sự tổ chức hành chính và lập pháp, thứ ba về ngân sách, thứ tư về các vấn đề tài chính; và ngoài ra còn có một ủy hội thường trực hoạt động như một Hội Đồng Chấp Hành.
Sự xây dựng một Chính Quyền Tổng Quát làm bận rộn viên Toàn Quyền và Thượng Hội Đồng trong hơn hai năm. Các công tác tổng quát được đặt dưới thẩm quyền trực tiếp của Toàn Quyền là các công tác quân sự và hải quân, tư pháp, các ban ngành của dân sự vụ (tương ứng với một Bộ Nội Vụ), kiểm soát tài chính, thuế vụ và quan thuế, công chánh, canh nông và thương mại, bưu điện, điện tín, và điện thoại, và Nội Các của Toàn Quyền, với một ban trung ương bao gồm bốn phòng – chính trị, hành chính, quân sự, và thư ký. Nhìn từ quan điểm hành chính, Toàn Quyền Đông Dương giống một cách tổng quát như Chính Phủ Liên Bang của Các Bang Quốc Mã Lai, nhưng nó lại được mở rộng hơn, và trong Thượng Hội Đồng nó có một bộ phận lập pháp đến nay không hiện diện tại Bán Đảo Mã Lai.
Để cung cấp các chi phí của Chính Quyền mới tạo lập, một ngân sách chung được lập ra trong năm 1898. Nguyên tắc trên đó ngân sách mới, tạm gọi như thế, được cắt xén từ các ngân sách địa phương khác nhau được đề ra như thế này: rằng ngân khoản được thâu từ các sắc thuế gián thâu được dành cho ngân sách kể trước, và rằng ngân sách nêu tên sau sẽ phụ thuộc vào các sắc thuế trực thu.
Các ngân sách cho năm 1904 kết toán với các con số kể sau: ngân sách tổng quát, sáu mươi năm triệu phật lăng; Nam Kỳ, mười triệu; Bắc Kỳ, mười triệu; Căm Bốt, năm triệu; An Nam, năm triệu; và Lào, hai triệu, -- tổng cộng là chín mươi bẩy triệu phật lăng, gần bằng 3,800,000 Bảng Anh.
Các sự thay đổi triệt để nhất đã được thực hiện trong sự tổ chức Đông Dương bởi các cải cách kể trên. Sự độc lập của Các Chính Quyền địa phương, được cho phép vươn đến một mức độ có lúc vô lý và nguy hại, đã bị giới hạn mạnh mẽ; các hoạt động phân tán và mâu thuẫn của năm Xứ đã được phối hợp và thống nhất lại; và trong khi đã có việc du nhập liên quan đến các vấn đề can hệ đến các quyền lợi chung của Thuộc Địa một chính sách tập trung hóa sự kiểm soát, các sự việc có một tính chất địa phương thuần túy, từ các tình trạng địa phương biến đổi sẽ phải chịu một sự đối xử đồng nhất cứng rắn hơn, đã được để lại hoàn toàn trong tay các chính quyền địa phương. Ý nghĩa đầy đủ của sự chuyển giao các quyền hạn trở nên rõ rệt khi nhớ lại rằng, trong khi trước năm 1898, mỗi lãnh thổ của Thuộc Địa kiểm soát phần thu và chi của chính mình, các ngân sách trong năm 1904 đã chuẩn chi sáu mươi lăm triệu phật lăng cho Chính Quyền Tổng Quát và chỉ dành ba mươi hai triệu cho năm Chính Quyền lệ thuộc.
Các sự cứu xét khuôn khổ ngăn cấm một sự phân tích về các sự thay đổi quan trọng trong các công vụ đi kèm với các sự thay đổi này trong cơ cấu chính trị của Đông Dương; hay cũng không thể nói gì thêm về các tiết mục khác trong chương trình cải cách của ông Doumer rằng, trong khi sự thành công trọn vẹn vẫn chưa đạt được, con đường đến sự thành đạt đã được chỉ dấu một cách rõ ràng.
Rằng sự quản trị tư pháp đã được cải thiện; rằng một giọng điệu tốt đẹp hơn đang vang vọng trong các công tác dân sự, rằng chế độ bảo hộ ký danh trên Căm Bốt, An Nam, và Lào đã được biến hóa thành một sự kiểm soát hữu hiệu; rằng nhiều sự lạm dụng nghiêm trọng đã được gỡ bỏ; và rằng tiếng tăm và uy tín của Thuộc Địa đã tiến bước một cách vĩ đại trong ít năm qua, [tất cả] đều được nhìn nhận ngay cả bởi các kẻ mà các phương pháp quyết liệt của ông Doumer đã gây ra sự xúc phạm lớn lao nhất.
Các sự kiện bao trùm nổi bật lên là Đông Dương ít nhất đã trở thành tự túc và rằng nước Pháp, từ việc phải chi phí cho bất kỳ điều gì trong năm năm vừa qua để duy trì Thuộc Địa, đã thực sự nhận được từ Thuộc Địa bốn mươi triệu phật lăng bằng sự đóng góp quân sự -- các kết quả đạt được trong khi các biểu suất thuế khóa được giữ trong khuôn khổ hợp lý.
Tôi đã nói ở trên rằng các biến cố của thập niên qua tại Đông Dương tượng trưng cho một sự tăng trưởng một yếu tố mới và quan trọng trong chính sách thực dân của Pháp. Đối với những ai quen thuộc với lịch sử hải ngoại của Pháp, cảnh tượng một viên Toàn Quyền của một thuộc địa Pháp thực thi các cải cách cấp tiến trực diện với sự chống đối địa phương mạnh mẽ là điều mới lạ y như khi nó đang tạo ra sự khoan khoái. Rằng các thẩm quyền ở quê nhà hẳn đã phải dành sự tự do cho ông Doumer tại Đông Dương và cho Tướng Gallieni tại Madagascar và rằng các nhân vật này phải ở lại các chức vụ của họ đủ lâu để thực hiện các kế hoạch của họ, hẳn nhiên đã xuất hiện thật không mấy khác với phép màu nhiệm đối với bất kỳ ai hay biết về âm mưu chính trị nằm ẩn bên dưới bề mặt của cuộc sinh hoạt thuộc địa Pháp. Tình trạng hỗn độn của chính sách thuộc địa với chính trị này là tảng đá trên đó gần như mọi sự nỗ lực táo bạo của thực dân Pháp đều bị đánh vỡ; và ngay dù có thể chứng minh được rằng công việc của ông Doumer tệ hơn cả những gì mà đối thủ tồi tệ nhất của ông tin rằng nó sẽ là như thế, nó sẽ vẫn còn là một dấu hiệu cực kỳ lành mạnh, ở mức độ liên can đến chính sách thuộc địa của Pháp, rằng ông ta hẳn đã phải được cho phép để làm việc đó.
Người nghiên cứu nông cạn nhất về chính quyền thuộc địa có thể dễ dàng tìm thấy tài liệu cho một sự chỉ trích bất lợi về sự vụ tại Đông Dương. Các quy định quan thuế biểu thì đáng ghét, và chúng làm chậm trễ rất nhiều sự phát triển kinh tế của xứ sở; có quá nhiều người Âu Châu trong công việc Chính Phủ; các cấp thấp hơn trong số nhân viên Âu Châu tràn đầy các kẻ có tư cách và khả năng thấp kém; tổ chức cảnh sát không hữu hiệu. Nếu tôi đã không đặt sự nhấn mạnh nào trên các khuyết điểm này và trên các khiếm khuyết khác hiển nhiên không kém, cho dù ít nghiêm trọng hơn, đó là bởi sự các nhược điểm thuộc địa của Pháp đã quá bị bêu xấu một cách liên tục cho sự khoái trá của công chúng khối Anglo-Saxon đến nỗi câu chuyện về cải cách rõ ràng càng trở nên hấp dẫn hơn đối với tôi, từ những sự cứu xét về tính cách tân kỳ cũng như về lẽ công bằng.
Không ai có thể thăm viếng Đông Dương ngày nay mà không mang về cùng với mình một sự kính trọng và ngưỡng mộ lớn lao về thiên tài được biểu lộ trong việc làm đẹp xứ sở khi phủ trùm nó với các công trình công chánh có độ hoàn hào và tính hữu dụng cao nhất.
Điều đã được ghi nhận nhiều lần bởi các tác giả về chính sách thuộc địa Pháp rằng người Pháp không phải là một dân tộc thực dân theo nghĩa mà chúng ta áp dụng từ ngữ đó với người Anh.
Chưa hề có trong lịch sử nước Pháp một thời đại nào khi mà sự mạo hiểm thực dân đã trở thành một phong trào dân tộc bao giờ. Sự thụ đắc các Thuộc Địa luôn luôn được điều hướng đến lòng yêu mến của Pháp cho sự vinh quang và phô diễn; chưa bao giờ hiện hữu trong cá tính người Pháp bất kỳ điều gì trong đó công việc khổ nhọc, khô khan của sự phát triển thuộc địa lại có thể tạo ra một sự hấp dẫn.
Nguời nghiên cứu Chủ Nghĩa Đế Quốc Anh khó có thể không nhận thấy rằng chế độ thực dân Anh trong thế kỷ thứ mười chín phần lớn là một vấn đề bất đắc dĩ. Luật cho người con trai trưởng hưởng thừa kế đã tách biệt các đứa con trai trẻ hơn ra khỏi sản nghiệp của gia đình; ở một giai tầng thấp hơn của xã hội, áp lực dân số đã tác động như một chất kích thích mạnh mẽ cho sự xuất cảnh; hàng nghìn người chắc chắn đã rời nước Anh để tìm kiếm một bàu khí hậu thích hợp hơn.
Tại Pháp các động lực này cho việc chọn lựa đời sống thực dân đã hoàn toàn vắng bóng. Một xứ sở trong đó luật về thừa kế dành cho mọi đàn ông, đàn bà, và trẻ em một quyền lợi bất di dịch trên đất đai, trong đó dân số gần như đứng yên, một mảnh đất được ban cấp ở một mức độ cao hơn có lẽ so với bất kỳ nước nào khác với mọi yếu tố đưa đến sự thành lập một nơi cư trú hấp dẫn, có thể cung cấp các Thuộc Địa của nó nhưng ít điều trong cung cách thực dân.
Chính ông Bismarck, tôi tin thế, là kẻ đã mô tả các sự vụ thuộc địa của ba Đại Cường trong một cách nói dí dỏm, “Anh Quốc có các thuộc địa và các kẻ thực dân; Đức Quốc có các kẻ thực dân nhưng không có thuộc địa; nước Pháp có các thuộc địa nhưng không có thực dân.”
Điều quá sức rõ ràng rằng người Pháp không sẵn lòng hoặc tìm kiếm một đời sống tại các Thuộc Địa Pháp hay đầu tư vốn liếng của họ vào các kỹ nghệ thuộc địa. Giả dụ mà một người Pháp nào đó bị khuyến dụ bởi khoản đài thọ từ các sự trợ cấp khổng lồ cho các sự kinh doanh khác nhau để đi sang các thuộc địa của Pháp, và mang vốn liếng theo cùng với mình, điều đó không làm thay đổi sự kiện rằng hiện có một sự xuất cảnh nhỏ bé đến “nước Pháp vượt quá biển cả” sẽ không lệ thuộc vào mức độ lớn nhỏ trong sự trợ cấp Nhà Nước dưới hình thức này hay hình thức kia.
Như thế với Đông Dương, các cải cách của ông Doumer, đã thành đạt được quá nhiều điều trong chiều hướng cải thiện nền hành chính và tài chính của Thuộc Địa, lại làm rất ít để thỏa mãn các nhu cầu lớn nhất của nó – các thực dân Pháp và tư bản Pháp.
Những gì còn lại phải được làm là hãy mở toang Thuộc Địa cho sự kinh doanh ngoại quốc, gỡ bỏ các quy định quan thuế độc hại, và từ đó cung cấp cho các kẻ khác một cơ hội để đảm đương công việc phát triển mà người Pháp có vẻ không muốn hay không có khả năng thực hiện.
Với các nước khác dẫn đường, và với sự thành công đã đạt được để suy luận, người Pháp có thể được thuyết phục để đi theo. Ngay dù hy vọng này không được thực hiện, các lợi điểm tổng quát sẽ được phát sinh từ sự đầu tư khối tư bản ngoại quốc to lớn tự chúng sẽ đủ để mang lại sự thịnh vượng vĩ đại cho vùng có tiềm năng trở thành một trong các Thuộc Địa tốt đẹp nhất trên thế giới./-
***
THỐNG KÊ PHỤ LỤC
ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Tôi không biết còn công tác nào còn khó khăn hơn việc thu lượm được các dữ liệu chính xác và toàn diện liên quan đến các Thuộc Địa của Pháp.
Sự kiện rằng không phải mình tôi mới gặp khó khăn này sẽ được minh chứng từ đoạn văn kể sau trong quyển “Dix Années de Politique Colonial”, của tác giả J. Chailley-Bert.
Ông đang thuật lại một cuộc đàm thoại với ông Guillain, cựu Bộ Trưởng Thuộc Địa tại Pháp: “Không có nước nào lại bị thông tin tồi tệ về chủ đề các Thuộc Địa của nó cho bằng nước Pháp. Giả sử rằng ông muốn trình bày, để phúc đáp một vài dân biểu, một bản tuyên bố về tình trạng thực sự ở một vài thời điểm xác định, tôi sẽ không nói về toàn thể Đế Quốc Thuộc Địa, mà chỉ nói đến một Thuộc Địa duy nhất; ông có thể tin chắc răng không có bản văn nào như thế hiện hữu; rằng nó sẽ đòi hỏi ông đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ để soạn thảo ra, và răng ngay khi đó nó sẽ liên can, trong mọi xác xuất, đến việc đánh điện tín sang Thuộc Địa. Với ngoại lệ của chính ông, không có một ai, ngay cả người Pháp thông thạo tin tức nhất, lại có thể soạn thảo ra bất kỳ tài liệu chính xác nào”.
Mặc dù tôi đã được cung cấp một cách vô cùng quảng đại bởi Chính Quyền Đông Dương thuộc Pháp với các tài liệu liên quan đến tình trạng của Thuộc Địa đó, tôi vẫn không thể rút ra từ chúng các thông tin thống kê với cùng mức toàn bộ và chính xác như là các thống kê liên quan đến các Thuộc Địa khác được thảo luận trong Phần Phụ Lục này.
DIỆN TÍCH ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
270,000 dặm vuông
***
DÂN SỐ
Chưa có cuộc kiểm kê dân số toàn diện được thực hiện. Các con số dưới đây được trích từ “L’Année Coloniale” cho năm 1899
Nam Kỳ 2,300,000
Căm Bốt 1,700,000
Bắc Kỳ 7,500,000
Lào 500,000
Tổng Cộng 17,000,000
Tác giả Whitaker đưa ra tổng số dân số trong năm 1904 là 22,500,000 người
***
TÀI CHÍNH CỦA ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Một số các thống kê mậu dịch và tài chính được tính bằng đồng phật lăng, một số bằng tiền đồng Việt Nam, trong các tài liệu chính thức. Trong các bảng dưới đây, mọi con số đều được quy bằng đồng phật lăng. Một phật lăng tương đương với 9 ½ d.sterling, hay 19 xu Đô La Mỹ.
Tổng Thu và Tổng Chi, bằng phật lăng.
Các con số được lấy ra từ Ngân Sách Hàng Năm
Năm Tổng Thu Tổng Chi
1899 44,402,000 44,395,700
1900 55,671,000 53,652,940
1901 57,495,000 57,455,000
1902 65,140,000 65,106,000
1903 63,756,000 63,756,000
Bảng nêu trên tượng trưng cho tài chính của Liên Hiệp hay Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. Ngoài ra, mỗi thành viên của Liên Hiệp có ngân sách riêng của mình. Các ngân sách địa phương trong năm 1903 cho thấy các số tổng thu như sau:
An Nam 5,159,000 phật lăng
Căm Bốt 4,650,000
Nam Kỳ 9,929,000
Bắc Kỳ 9,955,000
Lào 616,000
***
MẬU DỊCH CỦA ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Trị Giá Tổng Số Nhập Cảng và Xuất Cảng, bằng phật lăng
Năm Nhập Cảng Xuất Cảng
1894 68,088,060 103,510,661
1895 89,018,496 96,296,151
1896 81,064,040 88,809,575
1897 88,182,991 117,234,062
1898 102,444,346 127,510,979
1899 115,424,493 137,937,288
1900 186,044,387 155,600,385
1901 202,477,670 160,608,377
1902 215,162,998 185,266,589
____
Nguồn: Alleyne Ireland, F. R. G. S., Chapter VIII, French Indochina, The Far Eastern Tropics, Studies In The Administration Of Tropical Dependencies: Hong Kong, British North Borneo, Sarawak, Burma, the Federated Malay States, the Straits Settlements, French Indochina, Java, the Phillippine Islands, Boston and New York: Houghton, Mifflin and Company, The University Press, Cambridge, 1905, các trang 145-159, 295-297.
*****
PHỤ CHÚ CỦA NGÔ BẮC:
Các dữ kiện trong phần phụ chú này đều được rút ra từ Wikipedia.
*a) Joseph Franҫois Dupleix: sinh ngày 1 Tháng Một, 1697 – mất ngày 10 Tháng Mười Một, 1763), là toàn quyền tại Khu Định Cư tại Pháp ở Ấn Độ trong thế kỷ 18.
Dupleix sinh ra tại Landrecies, Pháp, và cha ông muốn ông trở thành một thương nhân nên đã gửi ông sang Ấn Độ trong năm 1715 trên một trong các chiếc tàu của Công Ty Đông Ấn của Pháp. Ông đã thực hiện nhiều cuộc du hành sang Hoa Kỳ và Ấn Độ, và trong năm 1720 được chỉ định làm hội viên của thượng hội đồng tại Pondicherry, khu thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ. Ông có khả năng kinh doanh tài giỏi, và ngoài các nhiệm vụ chính thức, ông đã thực hiện các vụ kinh doanh lớn lao cho riêng mình và trở nên giàu có. Trong năm 1730, ông được phong làm quản đốc các sự vụ của Pháp tại Chandermagore, một thị trấn thịnh vượng dưới sự quản trị của ông và trở nên có tầm vóc rất quan trọng. Trong năm 1741, ông kết hôn với bà Jeanne Albert, quả phụ của một trong các cố vấn của công ty, và bà ta đã trợ giúp ông Dupleix rất nhiều trong việc thương thảo với các ông hoàng bản xứ.
Năm 1742 ông được bổ nhiệm làm Toàn Quyền tất cả các khu định cư của Pháp tại Ấn Độ. Ông đã kế nhiệm Dumas trong chức vụ Thống Đốc khu Pondicherry. Ông giờ đây có tham vọng thụ đắc cho nước Pháp lãnh thổ bao la của Ấn Độ. Ông đã giao tiếp với các ông hoàng bản xứ, xây dựng một đội quân bản xứ. Điều này làm người Anh kinh hoảng. Ông đã đụng độ với các lực lượng thân Anh Quốc tại Ấn Độ trong các năm 1746, 1747. Trong năm 1748, chính Pondicherry bị vây hãm bởi quân Anh, nhưng ngay khi đó hòa ước giữa Anh và Quốc được ký kết tại Aix-la-Chapelle. Dupleix đã cố gắng thương thảo sự thống thuộc miền nam Ấn Độ vào nước Pháp. Ông đã phái các đội quân đông đảo đến trợ giúp hai kẻ tuyên cáo quyền chủ tể trên vùng Carnatic và Deccan. Người Anh đã ủng hộ các đối thủ của họ để kiềm chế các ý đồ của Dupleix.
Từ năm 1751, Dupleix đã cố mở rộng ảnh hưởng của Pháp tại Miến Điện bằng cách phái sứ giả Sieur de Bruno sang đó và trợ giúp quân sự cho sắc dân Mon trong cuộc tranh chấp của họ với sắc dân Miến Điện.
Các sự tranh chấp giữa Pháp và Anh tại Ấn Độ tiếp diễn mãi đến năm 1754, cho đến khi chính phủ Pháp, lo âu về việc giải quyết hòa bình, đã phái một đặc phái viên sang Ấn Độ để thay thế Dupleix, và nếu cần, bắt giữ ông ta. Dupleix bị bắt buộc lên tàu trở về Pháp hôm 12 Tháng Mười năm 1754.
Vợ ông, bà Jeanne Albert mất trong năm 1756. Sau khi đã đầu tư của cải riêng của mình vào sự thi hành các chính sách công, Dupleix thấy mình bị phá sản. Chính phủ đã từ khước không giúp đỡ ông, và ông đã chết trong sự lãng quên và nghèo túng vào ngày 10 Tháng Mười Một năm 1763.
Chắc không mấy người Việt Nam hay biết được thân thế và hoạt động của ông Dupleix này, người đã xuất hiện trên tờ giấy Một Trăm Bạc của Ngân Hàng Đông Dương dưới đây.
*b) Pierre André de Suffren, 1729-1788. Thuộc một dòng dõi quý tộc tại miền nam nước Pháp. Là một Đô Đốc Hải Quân Pháp, ông nổi tiếng nhất nhờ chiến dịch tại Ấn Độ Dương, trong đó ông tranh dành bất phân thắng bại quyền chủ tể tối cao chống lại sự thiết lập quyền lực của Anh Quốc trong vùng, chỉ huy bởi Phó Đô Đốc Sir Edward Hughes.
*c) Samuel de Champlain (sinh khoảng 1580 – mất ngày 25 Tháng Mười Hai năm 1635), “Người Cha của lãnh địa Pháp Mới (New France), là nhà hàng hải, vẽ bản đồ, họa kiểu, chiến sĩ, nhà thám hiểm, nhà địa dư, nhà chủng tộc học, nhà ngoại giao và ghi chép niên sử, người đã thành lập ra Thành Phố Quebec, Gia Nã Đại vào ngày 3 Tháng Bảy năm 1608.
Sinh trưởng từ một gia đình gồm nhiều nhà đi biển lão luyện, Champlain, khi con là một thanh niên, đã khởi sự thám hiểm Bắc Mỹ Châu trong năm 1603 dưới sự hướng dẫn của Franҫois Gravé Du Pont. Từ 1604-1607, Champlain đã tham gia vào cuộc thám hiểm và định cư tại Acadia, sau đó, trong năm 1608, thiết lập khu định cư người Pháp tại nơi bây giờ là Thành Phố Quebec. Champlain đã là người Âu Châu đầu tiên thám hiểm và mô tả về Ngũ Đại Hồ (Great Lakes), và công bố các bản đồ của các hành trình của ông và tường thuật những gì ông học hỏi được từ người bản xứ và các người Pháp sống cùng với các thổ dân. Ông đã thiết lập các mối quan hệ với nhiều sắc dân bản xứ ở Bắc Mỹ Châu.
Trong năm 1620, vua Louis XIII đã ra lệnh Champlain đình chỉ sự thám hiểm, quay trở lại Quebec, và dành nỗ lực vào việc quản trị lãnh địa của ông. Trong mọi phương diên, ngoại trừ tước hiệu chính thức, Samuel de Champlain đã phục vụ như Thống Đốc vùng Pháp Mới, một chức vị có thể đã không chính thức được ban cho ông vì ông không thuộc dòng dõi quý tộc. Ông thiết lập các công ty mậu dịch gủi các hàng hóa, chủ yếu là lông thú, về Pháp, và giám sát sự tăng trưởng của miền Tân Pháp tại thung lũng sông St. Lawrence cho đến khi từ trần vào năm 1635. Ông được tưởng nhớ như “Cha Đẻ ra Vùng Đất Pháp mới”.
*d) Pierre Le Moyne d’Iberville (sinh ngày 16 Tháng Bẩy năm 1661 – mất có lẽ vào ngày 9 Tháng Bẩy 1706, là một chiến sĩ, thuyền trưởng, nhà thám hiểm, nhà quản trị thuộc địa, hiệp sĩ dòng Saint Louis, nhà mạo hiểm, kẻ có tàu được đặc cấp quyền chiến tranh, nhà mậu dịch và kẻ thành lập ra thuộc địa Pháp tại Louisiana. Ông sinh ra tại Ville Marie (tức Montreal, Canada ngày nay) vào ngày 16 Tháng Bẩy, 1661. Ông mất tại Havana, Cuba, có lẽ vào ngày 9 Tháng Bẩy, 1706. Ông cũng còn được gọi là Sieur d’Iberville hay Sieur d’Iberville et d’Ardillières.
Tên của ông được dùng để đặt cho một thành phố tại Quận Harrisson, Mississippi, Hoa Kỳ, ngay phía bắc của Biloxi, nơi mà ông Pierre Le Moyne d’Iberville đã đặt chân đến vùng này vào năm 1699. Mãi đến gần 300 năm sau, tên ông mới chính thức được dùng để đặt cho thành phố này (năm 1988)./-
* Tựa đề bài dịch là do người dịch đưa ra, theo nội dung bài viết./-
Ngô Bắc dịch và phụ chú
19/04/2010