Điều đầu tiên khiến chúng tôi quan tâm là người “san cải” (chữ dùng trong lời tựa) nên bản Kiều Nôm 1870 này. Mọi việc tưởng như không có gì đáng phải đặt nghi vấn, nhưng khi được xem những thông tin về người “san cải” (vẫn được gọi với cái tên “Lâm Noạ Phu”) thì chúng tôi cảm thấy có chút ngờ ngợ.
Thông tin về “Lâm Noạ Phu” được biết qua hai đoạn chép() (xin xem bản chụp ở cuối bài viết này):
Đoạn thứ nhất ở hàng ngoài cùng bên trái trang bìa cuốn truyện, được soạn giả Nguyễn Quảng Tuân phiên âm là: “HOAN CHÂU TIỂU TÔ LÂM NỌA PHU THƯ” (sđd, các trang 19, 35).
Đoạn thứ hai là hai hàng ngoài cùng bên trái tờ số V (theo cách đánh số tờ của soạn giả) phần bài tựa, soạn giả phiên âm là: “Hoan Châu, Tiểu Tô LÂM NOẠ PHU lập thư ư Công bộ() chi Tây hiên” (sđd, trang 43), rồi dịch nghĩa: “Hoan Châu - Tiểu Tô LÂM NOẠ PHU viết ở Tây hiên bộ Công” (sđd, trang 46).
Từ hai đoạn thông tin trên, soạn giả đã khẳng định về người “san cải” nên bản Kiều 1870 đó như sau: “Ông họ Lâm lấy hiệu là Noạ Phu là có ý khiêm nhường tuy cũng là người có khí tiết” (sđd, trang 34, chú thích số 6). Và trong toàn cuốn sách (cũng như ở một số bài nghiên cứu khác được viết trước và sau khi cuốn sách xuất bản, kể cả trong lời giới thiệu cuốn sách), người “san cải” được mặc nhiên công nhận là một người họ Lâm, hiệu là Noạ Phu, gọi là Lâm Noạ Phu, từng làm quan ở bộ Công dưới triều Tự Đức... mà không có một mảy may ngờ vực!
Nhưng đó có phải hoàn toàn là sự thật?
2. Nghi ngờ của chúng tôi xuất phát từ đoạn thông tin thứ hai. Nếu chỉ nhìn vào những dòng phiên âm và dịch nghĩa bằng chữ Quốc ngữ thì không có gì đặc biệt, nhưng khi nhìn kĩ hàng thứ nhất trong đoạn thông tin này, chúng tôi thấy chữ “LẬP” (立) được viết lệch hẳn về bên phải của hàng, và nhỏ hơn những chữ khác cùng hàng. Đây là lối viết khiêm xưng thường thấy trong nhiều văn bản Hán Nôm. Chữ bị viết nhỏ hơn và lệch đi thường là từ chỉ vai vế trong xưng hô của cấp dưới đối với cấp trên (ví dụ như chữ “thần” 臣để biểu thị người viết là một viên quan trong mối liên quan về xưng hô với vua, và văn bản đó sẽ được hoàng đế ngự lãm); hoặc có thể là tên của người viết, trong trường hợp này sẽ là chữ cuối cùng trong họ tên đầy đủ của người viết; hoặc là một vài trường hợp khác nữa...
Suy nghĩ theo hướng thứ hai, chúng tôi tìm những người có tên là Lập, làm quan trong khoảng đời Tự Đức. Và dường như chúng tôi đã đi đúng hướng: Nguyễn Hữu Lập, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ Giải nguyên tại trường thi Nghệ An , khoa thi Tự Đức Canh Tuất (1850), đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất (1862)(). Thông tin từ Quốc triều hương khoa lục này trùng hợp ở hai điểm với những thông tin đã biết về người sao chép bản Kiều 1870: thứ nhất là người có chữ cuối cùng trong tên là chữ “Lập” như chúng tôi đã nghi ngờ; thứ hai, người đó cũng quê ở Hoan Châu (tức vùng Nghệ An, Hà Tĩnh).
Đến đây, chúng tôi bước đầu xác định được một vài giả thiết về người “san cải” nên bản Kiều Nôm 1870: tên là LẬP, quê ở Nghệ An (HOAN CHÂU), từng làm quan ở bộ Công vào khoảng trung thu năm 1870. Vậy còn các chữ “TIỂU - TÔ - LÂM - NOẠ - PHU” cho ta những thông tin gì?
Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin về Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập. May mắn thay, trong Đại Nam chính biên liệt truyện() (bản dịch, viết tắt là ĐNCBLT), quyển 38, đoạn truyện về Nguyễn Văn Giao có phụ chép tiểu truyện về Nguyễn Hữu Lập và thân phụ của Nguyễn Hữu Lập là Nguyễn Nhữ Hiên (hay Nguyễn Trọng Dực, theo Quốc triều hương khoa lục()).
ĐNCBLT chép rằng: “Nhữ Hiên có làm ra các tập Tô lâm() thi thảo...” (bản dịch, sđd, trang 330). Đọc đến đây, chúng tôi buộc phải tự hỏi: phải chăng tên hiệu (hoặc tên tự) của Nguyễn Nhữ Hiên là “Tô Lâm”, nên mới có tập “Tô Lâm (lâm) thi thảo”? Đã có không ít trường hợp tương tự: Tùng Đường thi thảo của Tùng Đường Đỗ Đăng Đệ, Mộng Mai thi thảo của Mộng Mai Trương Hảo Hợp, Quán Sơn thi thảo của Quán Sơn Cư Sĩ Trần Huy Tích, Chí Hiên thi thảo của Chí Hiên Nguyễn Văn Lí, Quất Lâm thi thảo của Quất Lâm Nguyễn Văn Giao() (em ruột Nguyễn Nhữ Hiên)... Vậy lẽ nào Tô Lâm thi thảo không phải là tác phẩm của một Tô Lâm Nguyễn Nhữ Hiên (hay Nguyễn Trọng Dực)!
Như vậy là mọi việc đã dần sáng tỏ: “TIỂU TÔ LÂM” (= “Tô Lâm bé” tức là con, còn “Tô Lâm lớn” là cha) cũng là một tên hiệu (hoặc tên tự) khác của Nguyễn Hữu Lập; cụ thể hơn thì “Tiểu Tô Lâm” là tên hiệu của ông, điều này chúng ta có loại suy từ công thức ghép “X + thi thảo”, mà trong đại đa số các trường hợp đều cho thấy vị trí của X là một tên hiệu của tác gia (Tùng Đường, Mộng Mai, Quán Sơn, Chí Hiên, Quất Lâm đều là tên hiệu).
ĐNCBLT còn cung cấp hai thông tin quan trọng nữa để góp phần đi đến khẳng định về người “san cải” nên bản Kiều 1870:
Thứ nhất: “Hữu Lập, tự là Nhụ() Phu...” (ĐNCBLT, bản dịch, sđd, trang 330). Chữ 懦 có thể phiên là “Noạ” hoặc “Nhụ”, nhưng như soạn giả Nguyễn Quảng Tuân đã viết: “khi dùng với chữ phu (夫) thì phải đọc là noạ phu” (sđd, trang 34, chú thích số 6).
Thứ hai: “Năm thứ 19 (1866) bổ án sát sứ Sơn Tây nhậm chức ấy 3 năm rồi vào thự thị lang Công bộ quan Hàn lâm viện [...]. Sau sung chánh sứ đi Yên Kinh (Bắc Kinh). Khi trở về bổ Hộ bộ tham tri sung Tàng thư lâu đổng lí...” (ĐNCBLT, bản dịch, sđd, trang 330).
Qua đó ta xác định thêm được hai thông tin quan trọng nữa, Nguyễn Hữu Lập tên tự là NOẠ PHỤ (hoặc Nhụ Phu, theo cách phiên âm trong bản dịch ĐNCBLT), từng làm quan ở bộ Công trong khoảng năm 1868 đến 1870, trước khi làm chánh sứ sang Yên Kinh mùa đông năm 1870(). Điều này hoàn toàn phù hợp với dòng thông tin về niên đại “Tự Đức Canh Ngọ Trung thu hậu tứ nhật” (năm Canh Ngọ đời Tự Đức, sau Trung thu 4 ngày) ở cuối bài tựa bản Kiều 1870, có nghĩa là sau khi việc “san cải” (chữ dùng trong bài tựa) bản Kiều 1870 hoàn thành (có thể “sau Trung thu 4 ngày” hoặc ít lâu sau đó) thì vừa vặn sắp đến mùa đông để Chánh sứ Nguyễn Hữu Lập dẫn sứ đoàn sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh).
Trong ĐNCBLT còn có một bàng chứng nữa góp phần khẳng định về người “san cải” nên bản Kiều 1870: “Hữu Lập làm quan, khi làm việc về, tay không lúc nào rời quyển sách, vì văn học mà được vua biết đến. Văn chương làm ra (có tính chất) một nhà văn học riêng. Khi sang sứ, những sĩ phu ở triều đình Trung Quốc cũng ca tụng” (ĐNCBLT, bản dịch, sđd, trang 330). Đối với một người đỗ đến Đình nguyên Hoàng giáp (năm 1862), lại “văn chương hoa quốc” đến mức “vì văn học mà được vua [tức Tự Đức, một ông vua nổi tiếng hay chữ - NTC] biết đến” thì việc có hứng thú với Truyện Kiều, ra công sao chép và “san cải” Truyện Kiều cũng là điều hợp với lẽ thường.
3. Đến đây, chúng ta có thể lí giải lại hai đoạn thông tin về người “san cải” nên bản Kiều Nôm 1870 như sau:
Đoạn một: 驩州小蘇林懦夫書
Phiên âm: “Hoan châu // Tiểu Tô Lâm // Noạ Phu // thư”
Nghĩa là “[Người tự là] Noạ Phu, [hiệu là] Tiểu Tô Lâm [tức “Tô Lâm bé”, con trai của “Tô Lâm lớn” Nguyễn Nhữ Hiên], quê ở Hoan châu viết”
Đoạn hai: 驩州小蘇林懦夫立書於工部署之西軒
Phiên âm: “Hoan châu // Tiểu Tô Lâm // Noạ Phu // Lập // thư ư Công bộ thự chi tây hiên”
Nghĩa là: “[Nguyễn Hữu] Lập, tự là Noạ Phu, hiệu là Tiểu Tô Lâm, quê ở Hoan châu, viết tại hiên phía tây toà Công bộ.
4. Qua những cứ liệu vừa trình bày, chúng tôi tạm đi tới một số kết luận sau:
a. Người “san cải” nên bản Kiều 1870 là NGUYỄN HỮU LẬP (1824 – 1874(?))(), tự là NOẠ PHU, hiệu là TIỂU TÔ LÂM (nghĩa là “Tô Lâm bé”, do tên hiệu của cha là Tô Lâm), quê ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (thuộc vùng HOAN CHÂU cũ). Ông đỗ Giải nguyên năm 1850, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp năm 1962, nổi tiếng về văn học, từng làm nhiều chức quan to ở các bộ, viện. Ông đã sao chép và “san cải” Truyện Kiều lúc còn làm quan ở bộ Công, trước khi khởi hành đi sứ sang Trung Quốc vào mùa đông năm 1870. Sự nghiệp trước tác của Nguyễn Hữu Lập còn lưu được đến ngày nay không nhiều, hiện mới biết được một số bài thơ, văn chép lẫn trong các sách Bi kí tạp biên, Danh công biểu tuyển, Sài Phong Thượng thư công trí sự khánh tập().
b. “Lâm Noạ Phu” là một cái tên không có thực, đó là kết quả của một vài sơ hốt nhỏ trong khâu ngắt đoạn và hiểu nghĩa chữ Hán. Cho nên, bản Kiều Nôm chép tay năm 1870 không thể gọi là “bản Lâm Noạ Phu” như cách vẫn gọi, mà nên gọi là “BẢN NOẠ PHU” (không có chữ “Lâm”) hoặc “BẢN NGUYỄN HỮU LẬP”.
Với việc phát hiện và công bố bản Kiều Nôm chép tay năm 1870, chúng ta không chỉ bảo tồn được một bản Kiều quý, mà còn là lưu giữ được bút tích của một danh sĩ - văn nhân - đại thần đời Tự Đức. Việc xác định Nguyễn Hữu Lập là người “san cải” nên bản Kiều 1870 có thể sẽ cung cấp thêm cho giới Kiều học một vài thông tin mới để đánh giá đúng mức giá trị của bản Kiều 1870 trong hệ thống văn bản Truyện Kiều còn lại đến ngày nay.
5. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn đoạn nói về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Lập trong bản dịch ĐNCBLT (sách đã dẫn, trang 330):
“Hữu Lập tự là Nhụ Phu [tức Noạ Phu], cha là Nhữ Hiên [...]. Hiên có làm ra các tập: Tô lâm [tức Tô Lâm] thi thảo, Độc trang thi thảo và Tác Sư Duyệt đáp tân hí văn. Hữu Lập lúc bé học ở gia đình, đỗ tiến sĩ Tự Đức năm thứ 15 (1862), được bổ tri phủ Vĩnh Tường. Năm thứ 18 (1865) được vua mời về hỏi học thuật, thưởng cho một tấm kim khánh. Gặp khi đình cử Lê Văn Duyệt [Duyên()] sung quản đạo Hà Tĩnh, Hữu Lập chấp tấu cho là không nên. Sau đó Lê Văn Duyệt [Duyên] bị phạt không xứng đáng chức vụ. Vua khen là Lập đã nói thẳng. Năm thứ 19 (1866) bổ án sát sứ Sơn Tây nhậm chức ấy ba năm rồi vào thự thị lang Công bộ quan Hàn lâm viện, phụng sắc soạn ra bản văn bia Nam quan kỉ công. Sau sung Chánh sứ đi Yên Kinh (Bắc Kinh). Khi trở về bổ Hộ bộ Tham tri sung Tàng thư lâu đổng lí, tập hợp điển lệ làm thành sách. Lâu rồi thăng Tham tri Binh bộ sung cơ mật viện đại thần. Dâng biểu xin từ, không cho phép. Rồi mất năm 51 tuổi. Hữu Lập làm quan, khi làm việc về, tay không lúc nào rời quyển sách, vì văn học mà được vua biết đến. Văn chương làm ra (có tính chất) một nhà văn học riêng. Khi sang sứ, những sĩ phu ở triều đình Trung Quốc cũng ca tụng. Có làm ra Sứ trình loại biên, Thí pháp tắc lệ. Con là Nghi, được ấm thụ điển tịch”.
Hà Nội, tháng 2/2004
Phụ lục:
|
Nguyễn Quảng Tuân, 2003, tr. 19 |
|
Nguyễn Quảng Tuân, 2003, tr.40 |
Chú thích:
(Bài đã đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 3/2004, tr. 7-12.
Khi đăng, bài viết đã bị cắt bỏ và sửa chữa một vài chỗ,
ở đây in lại theo đúng bản thảo của tác giả)
Cám ơn PGS.TS Đào Thái Tôn đã đọc góp ý bản thảo trước khi đăng!
Nguồn: http://tuancuonghn.blogspot.com/2011/06/i-tim-lam-noa-phu-nguoi-san-cai-nen-ban.html