Tôn Ngộ Không nối nghiệp thầy, làm nghề dạy học. Thầy Tôn vừa dạy các phép biến hóa, vừa truyền cho học sinh tính anh hùng nghĩa hiệp của mình.
Thuở đó, giáo dục cũng lắm chuyện tiêu cực, y như sau này. Anh giáo Tôn là người cương trực, nên đã lên tận Bộ giáo dục, hồi đó gọi là Thiên đình, để khiếu kiện. Kiện không thành, lại thầy bị đức vua Như Lai tống ngục. Mãi sau vua tha, cho làm thanh tra giáo dục, kiêm phó đoàn đi lấy sách giáo khoa. Đó là kiểu “diệt rồi dùng” và “dùng rồi diệt” để đối phó những kẻ có tài mà ngang ngạnh. Kiểu dùng người này, lưu truyền đến mãi bây giờ.
Chuyện kể về đoàn thanh tra của Ngộ Không, thị sát các trường và lấy kinh sách, được ông Ngô Thừa Ân ghi chép và bịa đặt thêm, thành truyện “Tây Du Ký” trứ danh.
Thửa đó, đạo học hành cũng từa tựa bây giờ. Học thành tài, có thể đi mây về gió. Tu nhân tích đức nên chính quả, có thể trường sinh bất tử. Chỉ có điều, nay còn có thêm khoa học kĩ thuật hỗ trợ.Cho nên, có khi bọn thất học lại hô phong hoán vũ giỏi hơn kẻ học hành. Lũ vô lại, lại hưởng trường sinh bất tử trước các thần tiên. Chính vì thế, đạo học ngày càng suy.
Anh giáo Tôn Ngộ Không, đơn thương độc mã lên kiện trên Thiên đình. Đầu tiên bị Ngọc hoàng lỡm, cho làm Bật mã ôn, tức là chân chăn ngựa. Sau lại cho làm Tề thiên đại thánh. Càng một chức "hữu danh vô thực". Mới biết, người trên dùng hư danh mị kẻ dưới, là chuyện có tự ngày xưa.
Đoàn thanh tra, mới chỉ có một anh giáo con nhà nòi dốt nát, cộng vài cựu quan chức vướng kỉ luật. Trưởng đoàn Đường Tăng hiền lành, nhưng chữ nghĩa thì đặc cán mai. Hỏi gì khó, là thầy Đường Tăng đánh trống lảng, nói vấn đề này phức tạp lắm còn phải nghiên cứu. Chống chế kiểu này, các lãnh đạo dùng mãi đến nay vẫn thấy kiến hiệu.
Thành viên thứ hai, Trư Bát Giới cũng tướng thiên đình. Do gái gú rượu chè quá độ, nên chuyện vở lỡ, thiên đình giáng làm thanh tra, dẹp dư luận. Người thứ ba, Quyển Liêm đại tướng Sa Tăng, hạng võ biền hành nghề giáo, nên chữ nghĩa chẳng đáng là bao.
Vì thế, thầy Tôn ta được tha, lại bổ chân phó thanh tra, để “tăng cường chuyên môn”. Đoàn thanh tra được giao nhiệm vụ phải kinh lý khắp các trường, rồi sang Tây Trúc thỉnh sách giáo khoa luôn. Vua Như Lai cẩn thận, niềng ngay trên đầu anh giáo Tôn bất trị một cái niềng kim cô. Nếu không nghe lời trên, sẽ khấn chú kim cô, riết cho anh phòi óc. Cách dùng người tài kiểu này, có từ thưở khai thiên lập địa. Vua Như Lai cũng chỉ là làm theo người xưa.
Đoàn thanh tra thị sát hết động yêu này đến hang quỷ khác. Trường học thời đó, gọi là các động yêu quái. Câu “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” xuất xứ chính từ thời này.
Hóa ra mấy anh động chủ làm bậy, lại toàn là người nhà của thiên đình. Giáo Tôn nhiều phen khốn đốn, vì bọn tay trong. Nhất cử nhất động, chúng như đi guốc vào bụng đoàn thanh tra. Sắp lật mặt chúng, thiên đình lại cho người rỉ tai bảo tha, rút kinh nghiệm thôi.
Duy có một lần, có tay Sói sáu tai là không có ô dù, hóa ra lại là một tay có tài. Mà anh ta cũng chỉ phạm mỗi tội là dám đóng giả làm thầy Tôn thanh tra. Diệt xong kẻ láo xược, cả thầy Tôn lẫn Như Lai lại tiếc, là Công cuộc thanh tra của Tôn tổ sư chẳng chống được ai. Ngược lại, cứ gặp chuyện tiêu cực, là thầy lại bị niệm chú chổng vó. Khi thì bị nấu trong lò bát quái, khi bị bỏ vào hồ lô, hay bị ném vào túi càn khôn. Bọn yêu quái thời nào mà chẳng sẵn bảo bối.
Trong truyện Tây Du Ký, vì sợ đụng chạm, tác giả bỏ qua rất nhiều chi tiết. Hiệu trưởng Hồng Hài Nhi say rượu đốt cháy trường Hỏa Diệm Sơn. Mà Hông Hài Nhi là cháu Ngọc Hoàng, nên đám cháy trường được ghi là cháy tự nhiên.
Lại chuyện thanh tra ở trường nữ sinh Tây Lương. Gặp một chốn toàn gil xinh, đoàn thanh tra viện cớ, nâm lại mấy tháng liền. Khi Tôn Ngộ Không phát hiện ra cô giáo lẫn nữ sinh của trường đồng loạt dính bầu, thì sự muộn rồi. Trưởng đoàn Đường Tăng và hai đồng nghiệp Trư Bát Giới, Sa Tăng lấm la lấm lét nhìn thầy Tôn, rồi ấp a ấp úng nhờ cứu giúp. Thầy Tôn hiểu ngay sự tình quả là nghiêm trọng. Mấy ả gái Tây Lương, cũng khéo mua chuộc thanh tra. Nếu không vì bản tính căm ghét đàn bà từ nhỏ, thì thầy Tôn cũng dính dùng mỹ nhân kế rồi.
Tôn Ngộ Không nát óc tính kế. Rồi cùng bàn bạc với một thầy lang, mà mình vừa lén mời về từ một vùng rất xa. Hai người lập kế, cho mấy ông háu gái thì uống lá bã đậu. Lại cho mấy cô nữ sinh lăng loàn thì uống thuốc trục thai. Rồi phao lên chuyện, do uống nhầm phải nước sông Hoài thai, nên ai cũng dính chửa. Nay uống thuốc, là nước giếng Tiêu thai, thì sẽ khỏi ngay. Hồi ấy chưa giáo dục giới tính, nên chuyện hoang đường ấy cũng qua được.
Gần đây ở Hà Giang, bác Sầm Đức Xương cũng gặp chuyện tương tự. Sếp họ Sầm năm lần bảy lượt định chứng minh, mình và mấy đứa con gái sinh chuyện ấy với nhau, chẳng qua do uống nhầm nước sông Hà giang. Không may gặp phải thời dân trí cao, thời mà chỉ mươi tuổi, mọi người đã biết cái cách để làm cho nhau chửa đẻ. Vì vậy, dù thầy Xương cứ kêu mãi, vẫn không ai tin lời thầy.
Lại nói chuyện công việc lấy sách giáo khoa, còn gọi là lấy kinh thư. Ai đời, đến hai vị đại thủ thư A Nan, Ca Diếp ăn hối lộ cái bát tộ vàng, còn cố ý làm ướt rồi xé mất mấy trang kinh. Bọn giữ kinh sách, dễ “ăn dày” nhất mỗi khi có chuyện “lấy kinh” mới. Vì thế, những kẻ tham lam trong giáo dục, cứ chăm chắm vào chuyện thay sách.
Chuyến thanh tra và lấy sách đầy bất trắc ấy, rồi cũng kết thúc. Như Lai ban cho trưởng và phó đoàn lấy kinh các danh hiệu cao nhất của nhà giáo thời bấy giờ. (Kiểu như danh hiệu NGND và NGƯT của thời nay ấy!). Bốn ông thanh tra ngày nào, nay đều thành tiên thành phật. Họ ngồi mát bát vàng, hưởng hương hoa ngày lễ ngày tết, đủ sung sướng quanh năm.
* * * * * * * * * *
Từ lâu, thầy Tôn gia nhập cõi bất tử, xa lánh việc triều chính. Nhưng thầy vẫn là Đấu Chiến Thắng Phật, coi sóc công cuộc chống tiêu cực trong giáo dục hạ giới.
Sáng ngày khai trường hàng năm, Tôn lão sư mở cặp mắt lửa ngươi vàng nhìn xuống trần. Ngài tìm trong các buổi lễ trên sân trường, rồi nhai lông tơ, phù phép thổi xuống. Thầy giáo nào có chút khí phách, một tiểu Tề Thiên Đại thánh vô hình sẽ nhập vào hồn. Riêng lông tơ bản mệnh sẽ nhập vào nhân vật đặc biệt. Nhân vật đó, coi như là hóa thân chính Tôn Ngộ Không.
Những đại danh sư như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn chính là những chân truyền nhân của Mỹ Hầu Vương. Những hậu tổ sư nghề giáo này, là hiện thân của Đấu Chiến Thắng Phật. Các vị đó là những tinh tú của đạo học, sáng cả muôn đời sau.
Nhưng hóa ra, Phật pháp vô biên không thắng nổi tương khắc ngũ hành. Vòng kim cô cũng biến hóa theo, niềng chặt từng tiểu Tôn Hành Giả. Số vòng kim cô biến ra lại nhiều hơn số Tiểu thánh. Các Đấu Chiến Thắng, bị vòng kim vô khống chế, thường vừa mới “Đấu”, đã nhận lấy “Chiến Bại”. Xưa Tôn Ngộ Không tả xung hữu đột, đánh trời quậy biển, phá âm phủ địa tào, cũng chưa nên công trạng gì. Công cuộc chống tiêu cực của các Hành giả con ngày nay, chỉ là sự vùng vẫy vô vọng giữa đủ loại vòng kim cô.
Gần đây, thầy Đỗ Việt Khoa ở Vân Tảo, thầy Lê Đình Hoàng ở Nam Đàn 2, thầy Nguyễn Thượng Long ở Hà Nội, thầy Võ Hải Bình ở Lê Quý Đôn...được thầy Tôn chọn làm truyền nhân. Hành Giả muốn các thầy giáo đó, thay mình dóng lên hồi trống “hai không” trong giáo dục. Không ngờ, họ lần lượt bị bọn yêu quái làm hại. Kẻ bị đuổi việc, người bỏ nghề, số còn lại bị vô hiệu bằng đủ "trò con nít" của lũ tiểu tinh.
Những “người hùng chống tiêu cực", mang trong mình các Tiểu thánh ngày càng thưa thớt. Lông tơ Mỹ Hầu Vương mọc không kịp và cũng yếu đi theo tuổi tác. Bọn yêu quái thời nay, dùng kim cô loại rẻ hàng Tàu, cũng khắc chế các Tiểu thánh dễ dàng.
Thần lực của Tôn Lão sư ngày càng sa sút. Bảy mươi hai phép biến hóa dần dần bị vô hiệu. Phép "Cân đẩu vân" bị qua mặt đã đành, thần thông như "Phép rút đất", nay bọn hàng xã cũng thành thạo. Chúng rút đất công nhanh gấp vạn Tôn lão sư. Họp hành bầu bán thì ai cũng biết trước kết quả, nên trò "Đoán trước tương lai" cũng vứt xó. Trò "Khắc xuất khắc nhập" mấy đồ vật của Ngộ Không, chẳng nhằm nhò gì so với việc nhập trường tách trường ngày nay.
"Con mắt lửa ngươi vàng" ngày xưa nhìn ngay ra yêu quái. Nay bản lĩnh bọn "tân yêu quái" quá cao cường. Gái cave lẫn trong gái nhà lành, Tôn lão còn khó chỉ ra. Nói chi đến việc phát hiện đám tham quan trong giáo giới.
Lại nói chuyện kinh sách. Ngày xưa, đoàn lấy kinh của thầy Tôn, băng đèo lội suối, ăn nhờ ở đậu, để lấy kinh văn. Khi buộc phải hối lộ, chỉ mất mỗi cái bát tộ vàng. Kinh sách dù chưa toàn vẹn, cũng rách có mấy trang cuối.
Ngày nay, bọn Nam Tào Bắc Đẩu mới, ti toe đòi viết kinh sách, nên không đi lấy kinh ở ngoại thiên nữa. Soạn kinh sách quả là sung sướng, được đi mây về gió, lại được tiêu tốn hàng vạn bát tộ vàng. Thế mà chúng viết ra toàn thứ kinh vớ vẩn. Tự viết ra chưa ráo mực, chính họ lại chê ỉ chê eo và xin được viết lại. Triều đình cũng làm ngơ để cùng nhau chia chác. Mới đây, lại bày đặt đòi bảy mươi ngàn tỷ để thay kinh mới. Tôn lão sư ngồi tính, bảy nươi ngàn tỷ, mua được cả một dãy núi toàn bát tộ.
Gần đây, thấy tình hình thi cử lại có vẻ yên ắng, Ngộ Không bèn thử một phép mới. Thầy hóa thân vào một cô giáo ở Tiền Giang, tham gia chấm thi. Vừa ngày đầu, thầy đã tá hỏa tam tinh, không ngờ nội tình thi cử ngày nay, nát hơn cả ngày xưa. Các tiểu quái không phá thi công khai như thời thầy Khoa. Mà nay các đại quái lộng hành cấu kết với nhau lũng đoạn trường thi. Chúng phá âm thầm, không phải người trong cuộc, không thể vạch mặt chúng.
Thu được bằng chứng trong tay, sợ thiên đình lại “xử lý nội bộ”, cô Đỗ Thị Lê - tức là Hành Giả hóa thân, bèn đem công khai trước công luận.
Đòn phép bạch hóa mọi sự này, của thầy Tôn quả là hiệu quả. Bọn yêu quái rơi mặt nạ, thiên hạ thảy đều ngạc nhiên và phẫn nộ, thiên đình thì lúng túng như gà mắc tóc. Đức kim thượng, tức bộ trưởng giáo dục, phải đứng ra xin lỗi muôn dân.
Nhân dân phẫn nộ, thiên đình đứng ra xin lỗi qua quýt, rồi sự thể sẽ ra sao?. Thầy Tôn đã thu phép thuật, quay về trời. Số phận của ngành giáo dục, cũng như của truyền nhân Đỗ Thi Lê, trước nanh vuốt các yêu nhân vừa bị cô vạch mặt là không thể đoán trước được. Thầy Tôn cũng khó lòng bảo vệ hóa thân của mình, dù thầy là Đấu Chiến Thắng Phật, dù thầy chuyên coi sóc chuyện chống tiêu cực trong giáo dục. Bọn tiểu nhân thời này, không những nhiều phép thuật hơn, mà còn thù dai hơn ngày xưa.
Phải chờ vào tôn ý của mười tám vị La Hán và đức Phật Như Lai thôi. Mọi chuyện rồi như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
( Giáo viên trường THPT Hương Sơn Hà Tĩnh)